đậu tương đen hữu cơ

Danh ngôn - Thơ

12:44 07/10/2011

Họa thơ Tồn Chất tiên sinh (Hành Vân)

(TG&DT) - Phật tử nên có thái độ gì? Công danh là công lao và danh tiếng. Cái danh tiếng, danh dự “với núi sông” mà cụ Công Trứ nói, là cái danh của người có công với tổ quốc.

Tồn Chất tiên sinh là bút hiệu của cụ Nguyễn Công Trứ, 1778–1858. Tiên sinh người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Là một nhà trí thức có tài nhưng trong cuộc đời làm quan có nhiều thăng trầm, tuy nhiên tiên sinh vẫn một lòng trung thành với triều Nguyễn.


 

Quan niệm sống của tiên sinh là quan niệm sống mà cụ Đồ Chiểu đã nói trong Lục Vân Tiên:


 

“Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời đức hạnh là câu trao mình”


 

Kẻ làm trai, đối với xã hội phải đóng góp tài trí của mình mà phò vua giúp nước. Còn đối với gia đình, kẻ làm trai phải thừa tự tổ tiên, hiếu kính cha mẹ, thương yêu vợ con. Đó là hình ảnh mẫu mực của một bậc nam tử, một bậc trượng phu trong xã hội Việt Nam ngày trước.


 

Tiên sinh Tồn Chất đã có những sự nghiệp lớn mà đến nay vẫn còn lưu danh trong sử sách: dẹp loạn Lê Duy Dương ở Mông Cáy, đánh Phan Bá Vành ở Nam Định, bình định Cao Miên ở trấn Tây Thành… và đặc biệt là giúp dân khai hoang lập huyện Tiền Hải ở Thái Bình, Kim Sơn ở Ninh Bình. Về thơ ca, tiên sinh đã sáng tác nhiều bài thơ nôm, hát nói, phú… có giá trị, có chủ đề phong phú.


Trong bài thơ Đi Thi Tự Vịnh (sách Văn Học Lớp Chín) tiên sinh đã thể hiện rất rõ tâm huyết muốn xuất thân giúp đời của mình như sau:


 

Đi thi tự vịnh



Đi không há lẽ trở về không

Cái nợ cầm thư phải trả xong.

Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt,

Dở đem thân thế hẹn tang bồng.

Đã mang tiếng ở trong trời đất,

Phải có danh gì với núi sông.

Trong cuộc trần ai ai dễ biết

Rồi ra mới biết mặt anh hùng.

 

Chúng ta có thể tóm tắt nội dung bài thơ này như sau: với sự nhiệt tình và trung thực, tiên sinh muốn tiến thân qua con đường khoa cử, để từ đó có thể thi thố, thực hiện những hoài bão cao đẹp của mình cho nhân dân, cho đất nước. Khi đi thi, tiên sinh đã tâm sự:


 

“Nay mình đi không, nhưng trở về thì phải có (danh phận), phải trả xong nợ cầm thư (đèn sách). Cũng có lúc mình muốn mượn thú điền viên mà vui hết tháng năm, nhưng mình đã lỡ lập chí tang bồng rồi. Thật là:


 

Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây

Cho phỉ sức anh hùng trong bốn biển!


 

Nay mình đã hiện diện trong trời đất, đã có tâm huyết này, tài trí này, dòng máu nhà quan này, thì phải lập được công lao gì đó tương xứng. Bây giờ, tuy mình bần hàn, nhưng ai dễ biết ai trong cuộc trần ai này. Chỉ khi bảng vàng nêu danh, cổ bia khắc tánh, thì mới biết được ai là anh hùng chân chính…”.


 

Chắc rằng chúng ta ai cũng thông cảm với những lời tâm sự tràn trề nhiệt huyết đó, những lời tâm sự của một người mà đến khi tuổi đã tám mươi, vẫn hăng hái xin vua cho mình được đi đánh giặc Pháp có lực lượng hùng mạnh hơn quân đội Việt Nam thời bấy giờ. Thế nhưng, với nhãn quan của một người Phật tử, sau khi đọc và tìm hiểu bài Đi Thi Tự Vịnh, tôi đã có cảm hứng hoạ lại một bài như sau:


 

Thi họa



Đi Không rồi lại trở về Không

Cái nợ Tứ ân đà trả xong.

Chẳng mượn điền viên vui tuế nguyệt,

Chẳng đem thân thế hẹn bao đồng.

Danh tiếng thì thôi sao cũng được,

Công lao đâu kể cứ là xong.

Trong cuộc trần ai ai cũng thế

Nhọc công tranh đấu, tớ thì Không.


 

Có thể minh chứng đạo lý Đi không về không qua một công án thiền như sau:


 

Sau khi sư phụ là Lục Tổ Huệ Năng mất, theo lời dạy của sư phụ, thiền sư Hy Thiên Thạch Đầu đã tìm đến sư huynh của mình là thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư. Khi Hy Thiên đến nơi, ngài Thanh Nguyên hỏi ngay:


 

- Ngươi từ đâu đến?


 

Hy Thiên đáp:


 

- Tôi từ Tào Khê đến.

 

- Ngươi được cái gì từ Tào Khê?

 

- Thế trước khi đến Tào Khê thì tôi thiếu cái gì?

 

- Vậy thì cần gì đến Tào Khê?

 

- Nếu không đến Tào Khê thì làm sao biết cái gì cũng không thiếu?


 

Hai thầy trò đã đối thoại chan chát với nhau, nhưng sống động và sâu sắc. Vị thầy chắc đã rất hài lòng về người học trò cá biệt này. Trong thế gian này, cái gì cũng vô thường, không chắc thật, từ vật chất cho đến tinh thần. Hiểu được điều đó ta sẽ không hướng ngoại tìm cầu nữa. Tất cả những sự ra đi tầm sư học đạo chỉ là những việc làm cần thiết, là những yếu tố kích phát cho ta nhận ra cái chân thật duy nhất mà thôi, chứ cái đó vốn đã tiềm ẩn trong ta.


 

Bởi “Nào ngờ tự tánh mình vốn chứa đủ muôn công đức” (lời cảm thán của ngài Huệ Năng khi giác ngộ), mà cái nợ Tứ ân đã trả xong. Tứ ân là ân Tam Bảo, ân cha mẹ, ân đất nước, ân đàn-na tín thí. Tứ ân là điều mỗi Phật tử phải khắc cốt ghi tâm, nó rộng lớn hơn nợ cầm thư nhiều. Tuy nhiên, ý thức nợ Tứ ân và cần tu học thế nào để trả được nợ chỉ là một ý thức phổ thông cho hàng Phật tử mới tu, đang tu. Như khi một người đã sống hợp với đạo rồi, thì nhất cử nhất động của anh ta là vì cái gì? Dĩ nhiên là vì việc cần thiết chánh đáng nào đó, tùy lúc, mà Tứ ân làm sao có thể nằm ngoài. Cho nên đâu cần bận tâm về Tứ ân nữa.


 

Thực tế, chỉ với những người chưa có ý thức cao thì vị thầy mới đem Tứ ân ra mà nhắc nhở người ấy, để người ấy sống tốt hơn, chứ có ai suốt ngày tụng Tứ ân đâu. Không ai thi ân rồi chực đó chờ trả ân. Ân nghĩa chỉ thành vấn đề khi và chỉ khi ta sống không biết điều, sống không hợp lẽ. Vậy nên chúng sanh sống cho nhau là chuyện rất tự nhiên, không đáng nói.


 

Qua hai câu thực, ta sẽ thấy sự khác nhau trong tinh thần sống của các Nho sĩ và các Phật tử. Ngày xưa, các Nho sĩ “Tấn vi quan, thối vi sư”. Nghĩa là nếu có thể tiến tới thì Nho sĩ sẽ làm quan mà đóng góp tài trí cho xã hội, còn nếu phải lui bước thì các vị ấy về vườn làm thầy đào tạo thế hệ trí thức mới cho xã hội. Cả hai cách đều có thể trả nợ cầm thư. Con đường lui bước, dù chủ động hay bị động, dù thuận duyên hay thiếu duyên, đều có thể gọi một cách tao nhã là vui thú điền viên.


 

Ngoài làm quan và làm sư ra, vị Nho sĩ còn làm được gì? Tất nhiên là người ấy có thể làm được tất cả những gì người bình thường làm, nếu người ấy không bị kẹt bởi lý tưởng “Tấn vi quan, thối vi sư” của mình. Còn đối với hàng Phật tử, với tôn chỉ “Dứt ác, hành thiện, giữ lòng trong sạch”, cuộc sống không bao giờ khép cửa trước những người ấy.


 

Trong xã hội bây giờ thì mọi nghề nghiệp, mọi lý tưởng đều được tôn trọng. Cũng như người Phật tử chân chính là người sống không trói buộc. Vậy nên:


 

Chẳng mượn điền viên vui tuế nguyệt

Chẳng đem thân thế hẹn bao đồng.



 

Chuyển qua vấn đề công và danh, người Phật tử nên có thái độ gì? Công danh là công lao và danh tiếng. Cái danh tiếng, danh dự “với núi sông” mà cụ Công Trứ nói, là cái danh của người có công với tổ quốc. Công danh này cao quý hơn những người chỉ biết mình, hay chỉ biết lo cho gia đình, dòng họ của mình. Đối với các Phật tử chân chính, danh là âm vang của bản ngã, công cũng vậy, thảy đều là ngã sở. Khi sống trong đời, các Phật tử vẫn phải đóng góp cho gia đình và xã hội. Thế nhưng, vượt qua tâm lý tự tôn và kể công, hàng Phật tử chân chính sẽ cố gắng để không bị vướng mắc:



 

Danh tiếng thì thôi sao cũng được

Công lao đâu kể cứ là xong.


 

Trong thế gian này, không riêng nước nào hay dân tộc nào, con người ai cũng đua nhau sống cho thân thể giả tạm của mình. Vì cái thân giả tạm này mà con người sanh ra biết bao nhiêu nhu cầu, biết bao nhiêu vấn đề, quả thật nhân sinh là thế:

 

Trong cuộc trần ai ai cũng thế…


 

Nào ai dễ biết được hai chữ “trần ai”! Cụ Công Trứ dùng hai chữ này chắc chỉ để lấy âm, lấy điệu cho câu thơ của mình. Cụ dùng một từ đậm đà triết lý Phật giáo như thế mà còn bảo mọi người chờ xem mặt anh hùng, thì quả thật là cụ chỉ thích chơi chữ mà thôi.


 

Những lo toan tạm bợ, lăng xăng, nhỏ nhen, thì gọi là “trần ai”. “Ai” là lo; “trần” là bụi, lăng xăng bay trong tia nắng, nhỏ nhen, tạm bợ. Cuộc trần ai là cuộc sống của con người nói riêng, là cuộc sống của chúng sanh nói chung nhìn qua lăng kính Phật giáo. Biết nói thế nào nữa đây, chẳng lẽ là phải bảo mọi người đều tầm thường lắm ư?...


 

Đến một ngày nào đó, khi đã vượt qua được những tâm lý hẹp hòi của bản ngã, khi ta ngồi nơi sân chùa mà nhìn xuống thế nhân, khi ta ra vào chợ búa phố xá tự tại, khi ta sống như chim nhạn bay giữa trời rộng, thì ta chẳng cần ai biết về mình làm chi, ta sẽ chẳng tranh đua gì, mà luôn đóng góp những gì mình có thể, chỉ có thế và chỉ có thế mà thôi! Đó chính là “Tớ thì Không”.


 

Tóm lại, đời người ai cũng trải qua ít nhất là một mùa thi cử. Đi thi và gởi gắm vào đó những hoài bão, hy vọng, với những ý thức trách nhiệm cao thượng, thì rất là chính đáng. Đối với người Phật tử, đi thi là trải qua Tuyển Phật Trường. Đó là trường thi của Phật giáo chân chính. Một trường thi mà không có bằng cấp, cũng như không có phần thưởng, chỉ có những nụ cười an lạc hé nở trên môi thay cho bài thi của người đệ tử dâng lên sư phụ!




Hành Vân

                                                                                                                                                                                                 

Bình luận (1)

Cảm ơn tác giả, tác về bài họa rất hay mà thấm tình đạo vị
Yên Tử ( 10/10/2011 13:09:44)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp