Bắt tay vào đề án mẫu quốc phục, đơn vị được giao triển khai mới thấy nhiều vấn đề thật không đơn giản. Tính đại diện của trang phục, khả năng đồng thuận của quần chúng... đang là những thách thức lớn.
Bắt tay vào đề án mẫu quốc phục, đơn vị được giao triển khai mới thấy nhiều vấn đề thật không đơn giản. Tính đại diện của trang phục, khả năng đồng thuận của quần chúng... đang là những thách thức lớn.
Từng có cuộc thi thiết kế và triển lãm thiết kế quốc phục trên giấy, có cả việc tuyển chọn, may và mặc thử, nhưng chuyện quốc phục được đặt ra dăm năm trước vẫn chưa thành. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) đang triển khai đề án mẫu quốc phục một cách thận trọng.
|
Chọn mẫu quốc phục phục hiện vẫn còn rất mông lung (ảnh minh họa). |
Rất có nhu cầu
Dự kiến, việc xây dựng đề án quốc phục sẽ hoàn thành trong năm nay để trình Chính phủ thẩm định. Nhưng thời gian qua cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau của báo giới và các nhà chuyên môn về vấn đề này.
Theo họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thì Cục vừa xây dựng vừa lắng nghe ý kiến dư luận. Thời gian qua đã có một phiên họp và xin ý kiến của hội đồng tư vấn gồm có GS Tô Ngọc Thanh, nhà sử học Dương Trung Quốc, họa sĩ Trần Khánh Chương, các nhà thiết kế Sĩ Hoàng, Minh Hạnh, NSƯT – TS. Đoàn Thị Tình…
Ông Thành cho rằng, thực tế là có một nhu cầu sử dụng quốc phục, đối với người dân có thể không quá quan trọng, nhưng với nhiều người làm các công tác đối ngoại hay các hoạt động lễ tiết thì nhiều khi cũng “bí”!
Như với các đại sứ khi trình quốc thư chẳng hạn, hoặc trong các cuộc giao lưu, gặp gỡ với quốc tế…, thật khó để người ta nhận ra đoàn VN ở đâu. Trong khi các nước châu Âu có bộ đuôi tôm, nhiều nước khác như Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia… đều đã có quốc phục của họ.
Có nhiều cái khó đặt ra cho việc chọn quốc phục. Bởi rõ ràng, một bộ quốc phục nào đó, không thể đáp ứng được tất cả mọi người. VN có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có trang phục truyền thống thể hiện bản sắc riêng, vậy làm sao có quốc phục đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng là thách thức lớn. Thêm nữa, quốc phục được sử dụng vào lúc nào, dành cho những ai - lãnh đạo hay toàn dân hay ai có nhu cầu cũng đều có thể sử dụng?
Sẽ phải thi thiết kế
Họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN cho rằng: Gọi là quốc phục rất khó! Nên chăng làm theo theo 2 hướng: Có bộ trang phục truyền thống đã qua cải tiến, sử dụng trong dịp lễ lạt, hội hè và bộ lễ phục dành cho các vị lãnh đạo trong các dịp hội họp.
Trang phục nữ thì không quá khó vì đã có áo dài rất quen thuộc, trang phục nam thì có thể dựa trên bộ comple để sử dụng chất liệu vải, màu, hoa văn đặc trưng của VN. Hai loại trang phục này, theo ông Chương cần có sự thống nhất về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn và cũng sử dụng vào các dịp lễ thôi.
"Văn hoá Việt Nam có sự kết hợp giữa Đông và Tây, đương nhiên là có những ảnh hưởng nhất định từ bên ngoài, vì vậy nên lấy cảm hứng từ áo dài nam nữ, từ đó các nhà chuyên môn sẽ nâng lên, cải tiến về vóc dáng và căn cứ vào nhu cầu cuộc sống." Nhà sử học Dương Trung Quốc
|
Họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết: “Tôi nhận được khá nhiều các ý kiến chuyên môn cho rằng thôi đừng bày vẽ làm gì! Các ý kiến khác thì cho rằng chỉ nên để các nguyên thủ, đại sứ, chính khách mặc nhân các kỳ cuộc chứ không cần phổ biến rộng rãi”.
Về quốc phục nam, cũng có ý kiến hoặc cải tiến khăn đóng áo dài nam truyền thống, hoặc cải tiến bộ Tôn Trung Sơn, hay cũng có thể lấy luôn bộ comple và công nhận là quốc phục nam một cách danh chính ngôn thuận.
Theo lộ trình, tháng 9.2011, đề án quốc phục VN sẽ hoàn thành và chờ xét duyệt. Trong tương lai, nhiều khả năng sẽ có cuộc thi thiết kế mẫu quốc phục.
Trên cơ sở ý tưởng, mẫu mã đa dạng từ các nơi gửi về mới có thể chọn được bộ trang phục phù hợp. Nhưng ngẫm thêm ra mới lại càng thấy không đơn giản, bởi đâu chỉ cái áo, cái quần, còn đủ những thứ khác cũng phải đồng bộ để đảm bảo thống nhất và thẩm mỹ như giày, mũ, khăn, chất liệu mùa hè, chất liệu mùa đông…
Chưa kể chọn được rồi thì mức độ đồng thuận của nhân dân đến đâu cũng là yếu tố rất quan trọng để quyết định có thể gọi đó là quốc phục hay không! Thế nên công việc này hiện vẫn quá mông lung.
Theo Quang Hưng\danviet.vn