Tham luận tại Đại hội Hoằng Pháp 2011
Thích Minh Lượng
Giảng sư đoàn Hoằng pháp tỉnh Thừa Thiên Huế
Từ khi du nhập vào nước ta cho đến hôm nay Phật giáo đã có trên 2000 năm lịch sử. Hơn 20 thế kỉ tồn tại và phát triển một cách liên tục, Phật giáo đã được bản địa hóa và tạo nên những giá trị văn hóa đặc trưng mang đậm dấu ấn của văn hóa dân tộc Việt Nam. Những di sản văn hóa đó vô cùng quý báu, góp phần rất lớn trong việc cấu thành nền văn hóa Việt Nam. Những di sản đó hôm nay cần được chúng ta gìn giữ và phát huy.
Nói đến di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam là nói đến hệ thống các kiến trúc chùa tháp, nói đến hệ thống tư tưởng của các Thiền Sư Việt Nam, những nếp sống, nếp sinh hoạt và tinh thần của người Phật tử Việt Nam… Trải hơn 2000 năm lịch sử tồn tại, những di sản văn hóa của Phật giáo Việt Nam, đã trở thành những di sản văn hóa chung của dân tộc. Từ những di sản vật thể, cho đến những di sản phi vật thể, đã thấm sâu vào trong tâm thức hầu hết tất cả người dân Việt.
Một bề dày cùng với lịch sử dựng nước của dân tộc, Phật giáo Việt Nam, đã bảo tồn một hệ thống văn hóa vật thể, vô cùng đồ sộ, với các kiến trúc chùa tháp, mang dấu ấn riêng của văn hóa Việt Nam. Chùa tháp Việt Nam không to lớn như chùa tháp Trung Quốc, không cầu kì như chùa tháp Thái lan, Miến Điện, Ấn Độ… mà được kết hợp bởi yếu tố khiêm cung của Phật giáo và giản dị của dân tộc, tạo nên một kiến trúc hài hòa cân đối, phù hợp với cảnh làng quê Việt Nam, với con người Việt Nam. Kiến trúc chùa tháp Việt Nam thường được cấu trúc với sự mở đầu là: Tam quan (không quan, giả quan và trung quan) biểu hiện cho ba cách nhìn của nhà Phật; tiền đường, thượng điện, gác chuông, nhà bia, nhà hậu, điện mẫu, vườn tháp… Từng bộ phận kiến trúc, từng hiện vật, đồ thờ tự trong chùa đều là những tác phẩm được kết tinh từ tài lao động khéo léo, là sự dâng hiến của những người thợ tài hoa, họ sáng tạo không vì mục đích vụ lợi, nên sản phẩm đạt tới đỉnh tuyệt mỹ của nghệ thuật. Có thể kể đến hệ thống chùa Dâu và hệ thống Tứ pháp, chùa Dạm, chùa Phật Tích, chùa Trấn Quốc, chùa Thầy, chùa Kiến Sơ, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh; hệ thống Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: chùa Quỳnh Lâm, chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Phổ Minh, chùa Keo, chùa Bối Khê, chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Kim Liên, chùa Linh Mụ, chùa Báo Quốc, Chùa Từ Hiếu, chùa Thánh Duyên...
Người Phật tử Việt Nam xây chùa là để bày tỏ lòng thành kính ngưỡng vọng với đức Phật, với Tam Bảo, tạo ra không gian linh thiêng và tôn nghiêm cho việc hành đạo, tu thiền và tổ chức các hình thức sinh hoạt văn hóa tương thích. Ngôi chùa được dựng nên không chỉ giành cho một riêng ai, mà là ngôi chùa chung của toàn thể quần chúng. Ngôi chùa có mặt hầu như khắp nơi trên đất nước Việt Nam, nhất là ở các làng xã nông thôn. “Đất vua chùa làng phong cảnh Bụt” đó là một thành ngữ có từ xưa, nói lên giá trị văn hóa của một ngôi chùa. Ngôi chùa là nơi giáo dục, là nơi hội họp công đồng, là nơi sinh hoạt tâm linh, là nơi linh thiêng cội nguồn của quê hương, là nơi thanh tịnh để cho khách thập phương đến tìm sự an bình thanh thản sau những chuỗi ngày vất vả bon chen…. Cùng với ngôi đình làng ngôi chùa từ xưa đã trở thành biểu tượng văn hóa không thể thiếu trong tâm hồn người Việt Nam, là nơi nhớ về của một người con xa quê. Ngôi chùa với tiếng chuông sớm chiều vọng ngân, tiếng kinh cầu nguyện an bình từ xưa đã gắn bó máu thịt trong tâm hồn của người dân Việt che chở cho hồn người dân Việt như một nhà thơ đã nói: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”. Ngôi chùa ngày xưa là biểu tượng cho sự khai quốc, trấn quốc và báo quốc, ngôi chùa hôm nay đã trở thành một biểu tượng văn hóa của cả nước và của từng vùng miền, là di sản văn hóa của dân tộc.
Bên cạnh hệ thống chùa tháp dày đặc là hệ thống tư tưởng của các Thiền Sư, và các thiền phái, được kết hợp hài hòa giữa giáo lý Phật giáo và nếp sống của người Việt Nam, kết hợp giữa đạo pháp và dân tộc. Tư tưởng tự do phá chấp của thiền sư Vạn Hạnh, tư tưởng “cư trần lạc đạo” tinh thần nhập thế của Phật giáo thời Trần, của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong thời kì phong kiến độc lập, tư tưởng nhập thế của Thiện Chiếu, thiền sư Trí Hải trong thời kì cận hiện đại.
Chính vì tinh thần phá chấp mà Phật giáo Việt Nam đã thể hiện tinh thần yêu nước. Tinh thần yêu nước cũng chính là tinh thần yêu đạo, đạo pháp gắn liền với dân tộc, nước còn là đạo còn và ngược lại đạo còn là nước còn. Tinh thần dấn thân vào cuộc đời đó là hạnh nguyện Bồ Tát, đạo không lìa đời, vui với niềm vui của chúng sanh, lo với nỗi lo của nước nhà. Các vị tổ Trúc Lâm chủ trương khuyến khích con người hướng thiện bằng việc phục vụ nhân tâm, nhân quần xã hội. Con đường đạt tới giác ngộ là cứu dân, độ thế, lấy việc đáp ứng nguyện vọng của muôn dân là hạnh phúc của bản thân mỗi con người. Có lẽ chủ trương đó cũng hoàn toàn trùng lặp với nội dung cốt lõi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Biết sử dụng Phật giáo như một thứ công cụ tư tưởng có hiệu quả để cố kết lòng dân, thu nạp nhân tâm, củng cố ý thức liên kết cộng đồng, ý thức độc lập tự chủ dân tộc.
Phái Thiền Trúc Lâm khuyến khích, đề cao ý thức nhập thế, sống vì đời, hòa nhập với đời một trong tinh thần hòa quang đồng trần mà vẫn có thể giác ngộ được Niết bàn vô trụ xứ, mỗi người phải tự giác ngộ lấy mình. Do những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, Phật giáo Việt Nam đã có tinh thần nhập thế từ rất sớm, nhưng đến Thiền phái Trúc Lâm, trên nền nhân ái của Phật giáo thì ý thức thân dân đã xuất hiện và được đề cao. Có thể nói, thông qua hệ thống chùa Phật, giáo lý, quan điểm triết học, đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã để lại cho chúng ta bài học quý giá về các phương thức "yên lòng người, khoan sức dân, khơi dậy truyền thống, dùng tín ngưỡng làm đòn bẩy nâng cao tinh thần tự lực tự cường của toàn dân".
Phật giáo với tinh thần từ bi bình đẳng, giác ngộ và giải thoát, từ ngàn xưa khi truyền vào nước ta đã, không tách rời thế sự, mà chủ trương nhập thế, phục vụ chúng sanh. Các vị thiền sư với nguyện lực “hoằng dương chánh pháp lợi lạc quần sanh, báo đáp tứ ân, cứu giúp ba cõi”, đã dấn thân để mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân, tham gia triều chính, gánh vác việc quốc gia đại sự. Các vị đã ý thức được sự tồn vong của dân tộc cũng chính là sự tồn vong của đạo pháp, nên đã chẳng bận lòng vì danh lợi riêng tư, hay vì giáo quyền độc tôn, mà chỉ chăm lo cho dạo pháp dân tộc. Chính những việc làm đó mà cho đến hôm nay sự gắn kết không thể tách rời nhau của đạo pháp và dân tộc như là một lịch sử tất yếu. Đây chính là một đặc điểm đặc trưng riêng tạo nên một truyền thống quý báu của Phật giáo Việt Nam. Đó là tuyền thống hộ quốc an dân.
Với truyền thống tri ân và báo ân tổ quốc các vị Tăng sĩ đã không ngần ngại dấn thân “cởi áo cà sa khoác áo chiến bào” vì sự nghiệp độc lập, tự chủ và hòa bình của đất nước. Nhiều thế hệ Tăng nhân, Phật tử đã đề cao tinh thần đạo pháp và dân tộc, kháng cự lại các thế lực xâm lược và đồng hóa của Trung Quốc và Phương Tây. Tình thần tứ ân của Phật giáo đã khơi dậy cao trào tự cường của dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết vì đại nghĩa của quốc gia, nhờ đó mà dân tộc này đã nhiều lần đánh bại nhiều thế lực xâm lược hùng mạnh bạo ác, từ Tống, Nguyên, Minh, cho đến thực dân Pháp, đế quốc Mĩ. Nhờ tinh thần tự cường và độc lập của Phật giáo mà dân tộc Việt Nam đã tìm cho mình một hướng đi riêng không còn bị lệ thuộc vào Khổng giáo của Trung Quốc trong thời kì đầu dựng nước, và xây dựng một nền văn hóa chính trị độc lập vững mạnh dưới thời Lý Trần. Có thể nói thời kì Lý Trần với tinh thần nhập thế của Phật giáo đã mở ra những triều đại độc lập tự chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, làm cho dòng chảy đồng hành với dân tộc của Phật giáo Việt Nam trở thành điểm son của văn hóa chính trị Việt Nam.
Khác với các tôn giáo khác, Phật giáo nhập thế không phải vì danh, vì lợi, hay vì giáo quyền, mà là vì lợi ích chung của quốc gia, vì sự nghiệp độc lập của dân tộc và vì lợi ích an lạc cho quần chúng nhân dân. Với các vị Tăng sĩ thì phú quý công danh chỉ là kiếp phù sinh nhỏ bé so với sự diễn tiến vận hành của vũ trụ, nó chỉ là “bóng chớp có rồi không”, chính vì vậy mà sự dấn thân này chỉ là một hạnh nguyện độ sanh, vì sự tồn vong của đạo pháp, những gì mà người Phật tử làm chỉ là vì đạo pháp và dân tộc, chứ không vì riêng bản thân như Hòa Thượng Thích Trí Thủ đã khẳng định: “Những gì chúng tôi làm cho đạo pháp cũng là làm cho dân tộc, những gì chúng tôi làm cho dân tộc cũng là làm cho đạo pháp”. Và cũng chính vì lẽ đó mà Phật giáo chưa bao giờ trở thành một mối đe dọa đối với thế quyền đối với quốc gia dân tộc. Từ xưa đến nay Phật giáo luôn là một lực lượng hỗ trợ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo về nền độc lập của dân tộc, chống lại sự xâm lăng và đồng hóa của các thế lực ngoại bang, làm động lực để phát triển xã hội.
Đạo Phật đi vào cuộc đời là vì muốn đem lại lợi ích cho số đông, đạo Phật vào Việt Nam không ngoài mục đích là muốn mang đến cho dân tộc Việt Nam một lối sống lành mạnh, muốn mang đến cho dân tộc này một đời sống an lạc giải thoát. Vì vậy trong suốt chiều dài lịch sử các Tăng sĩ Phật giáo luôn lấy sự nghiệp giáo dục hoằng truyền chánh pháp cho quần chúng làm kim chỉ nam. Ngôi trường đầu tiên của dân tộc Việt Nam đó là ngôi trường chùa, giáo dục đầu tiên trong thời kì tự chủ của dân tộc Việt Nam là giáo dục nhà chùa. Từ ngôi trường chùa, từ nền giáo dục nhà chùa mà đã tạo cho dân tộc Việt Nam có một nền văn hóa giàu tính nhân văn, giàu đạo đức, lễ nghĩa và đặc biệt là tinh thần tự cường bất khuất, nhưng vô cùng lạc quan. Ngay từ thời kì đầu của nhà nước độc lập, nhà sư Đỗ Pháp Thuận đã cố vấn cho vua phép trị nước với bài thơ “Quốc tộ như đằng lạc, Nam thiên lý thái bình, Vô vi cư điện các, Xứ xứ tức đao binh”. Đến thời kì hưng thạnh của quốc gia Phong kiến một vị sơn tăng - Phù Vân Thiền sư đã chỉ cho vua cách trị nước đó là “Phàm làm đấng minh quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên sự nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng phút nào quên”.
Phật giáo mang đến cho người dân Việt Nam một đức tính khiêm cung, xem thường danh lợi, sống trọng nghĩa trọng tình hơn là vì vật chất phù phiếm, chính tư tưởng Phật giáo đã dạy cho người dân Việt Nam không bao giờ ngủ quên trong hào quang chiến thắng, mà luôn biết cách kiềm chế mình, biết cách hạ mình để có được một cuộc sống an vui hạnh phúc. Điều này được thể hiện rõ nhất qua hình ảnh của Giác Hoàng Điều Ngự, nhà Trần ba lần đánh thắng đế quốc Mông Nguyên, vẫn không lấy đó làm niềm kiêu hãnh để đối địch với nhà Nguyên. Vua Trần Nhân Tôn một vị vua anh minh vĩ đại đến vậy, nhưng sau khi giữ yên xã tắc lại không ngồi hưởng vinh hoa phú quý mà bỏ đời sống nhung gấm để mặc cà-sa sống một cuộc đời thanh đạm….
Phật giáo đã đem lại cho dân tộc Việt Nam những giá trị tinh thần vô cùng quý báu tạo nên một nền văn hóa Việt đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần rất lớn trong công cuộc phát triển đất nước, hội nhập với thế giới. Phật giáo cũng mang lại cho con người Việt Nam một phương châm sống bao dung chan hòa, hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng phẩm chất và trí tuệ sáng tạo, đề cao nhân tố con người.
Những kinh sách Phật giáo, những bài thi kệ của các vị thiền sư, những bài pháp của các vị tăng sĩ, những lễ hội chùa, và nhất là lối sống chan hòa giản dị, thanh sạch cần kiệm, khiêm cung và trí tuệ của người Phật tử có giá trị giáo dục vô cùng lớn trong đời sống hằng ngày của người dân Việt Nam. Đó là những thành tố góp phần làm nên nền văn hóa trong sáng cao thượng của dân tộc.
Có thể nói từ khi mới du nhập cho đến ngày hôm này Phật giáo đã đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam, đã viết nên cùng một trang sử với dân tộc Việt Nam như nhà thơ Hồ Zếch đã nói “Trang sử Phật đồng thời là trang sử Việt”. Phật giáo Việt Nam đã và đang góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, nuôi dưỡng tâm hồn và sức sống của người Việt Nam, xây dựng lối ứng xử văn hóa trong quan hệ với nhân loại, với môi trường tự nhiên cho bao thế hệ, tạo nên vẽ đẹp và bản sắc của văn hóa dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà Phật giáo mau chóng hòa nhập với nền văn hóa bản địa với tinh thần của dân tộc này một cách thắm thiết, phát triển mạnh mẽ tạo nên một hệ thống giá trị văn hóa vật chất và tinh thần như ngày hôm nay. Có thể thấy văn hóa Phật giáo đã trở thành một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong nền văn hóa dân tộc. Bản sắc của văn hóa Phật giáo Việt Nam đã thấm sâu trong đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, ngày nay trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, đã kéo theo bao nhiêu hệ lụy, làm ảnh hưởng đến những giá trị tuyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc, văn hóa Phật giáo cũng không thể thoát khỏi sự ảnh hưởng đó. Trên phương diện giá trị vật thể, một phần do thiếu kiến thức về văn hóa truyền thống của Phật giáo, một phần do vì chạy theo lợi lọc, nhiều ngôi chùa cổ đã bị phá đi làm lại và tạo ra một sản phẩm pha tạp phi văn hóa, phi bản sắc, không còn mang nét đặc trưng riêng biệt của văn hóa Phật giáo truyền thống. Từ kiến trúc bên ngoài cho đến trang trí bên trong, đều bị hiện đại hóa pha tạp giữa cổ và tân, đông và tây, phá mất vẽ cổ kính linh thiêng của một ngôi chùa. Trên phương diện tinh thần thì nhiều kinh sách được tạo ra nhưng không đảm bảo chất lượng, thậm chí còn sai lệch với chánh pháp. Nhiều hủ tục mê tín lại xuất hiện với mục đích vụ lợi của một bộ phận theo chủ nghĩa cơ hội, và mang tính chất kinh doanh… Lại nữa một số người không xem việc giáo dục là tối ưu, không lấy trí tuệ làm sự nghiệp, thiếu thiện tâm trong việc hướng dẫn tâm linh cho quần chúng, suy thoái về đạo tâm, đạo đức và nhân cách vì vậy đã làm lu mờ những giá trị cao đẹp của truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam….
Có biết bao điều diễn ra trong xã hội ngày nay khiến cho những người con Phật, những người luôn vì sự nghiệp giữ gìn đạo pháp, yêu quý nên văn hóa truyền thống của Phật giáo dân tộc phải lo buồn. Để bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo nói trên đang ngày một bị xói mòn, là trách nhiệm của Giáo hội mà gần nhất là những nhà hoằng pháp hôm nay. Là người hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam thì không thể để cho tình trạng đó tiếp diễn làm cho các di sản văn hóa Phật giáo; những giá trị tình thần mà các bậc Tổ đức đã để lại ngày càng bị mai một, lãng quên, thay vào đó là những sản phẩm lai tạp phi chánh pháp, phi đạo đức và phi văn hóa, trái với truyền thống văn hóa tốt đẹp của Phật giáo và của dân tộc.
Với ý nghĩa đó, các nhà hoằng pháp hôm nay hãy cùng nhau đánh giá lại giá trị của những di sản văn hóa Phật giáo. Đưa ra những giải pháp cấp thiết để bảo vệ và phát huy những giá trị của di sản văn hóa Phật giáo dân tộc, góp phần vào việc giữ gìn nền văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước.
Thích Minh Lượng
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Lang (1965), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1,2, 3 Nxb Lá Bối, Sài Gòn.
2. Lê Mạnh Thát (2001), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1,2,3, Nxb Tp Hồ Chí Minh.
3. Thích Mật Thể (2004), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.
4. Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam,Nxb Tp Hồ Chí Minh.
5. Nguyễn Tài Thư (1997), Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay, Nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
6. Trần Mạnh Thường, Bùi Xuân Mỹ (1999), đình chùa lăng tẩm nổi tiếng Việt Nam, nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội
7. Nguyên Anh, Vấn đề hội nhập văn hóa Phật giáo ở Huế, tạp chí Huế Xưa và Nay, số 32, 1999
8. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (1995), Hội thảo giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại.