Thuyết tích tản là một lý thuyết mô tả các quá trình vận động trong tự nhiên và xã hội. Từ việc nghiên cứu các chuyển động có hướng của các hạt trong Vật lý học, người ta nhận thấy các đối tượng vật thể và phi vật thể khác đều vận động theo những hướng nhất định nào đó.
1. Sơ lược về lý thuyết tích tản
Thuyết tích tản là một lý thuyết mô tả các quá trình vận động trong tự nhiên và xã hội. Từ việc nghiên cứu các chuyển động có hướng của các hạt trong Vật lý học, người ta nhận thấy các đối tượng vật thể và phi vật thể khác đều vận động theo những hướng nhất định nào đó.
Một cách khái quát, ta bắt đầu bằng định nghĩa sau:
- “Tích” là quá trình vận động của một hoặc nhiều đồi tượng vào bên trong lòng của một đối tượng khác, hoặc vào trong một phạm vi không gian nào đó.
- “Tản” là đi từ bên trong ra bên ngoài, theo một hướng hoặc nhiều hướng.
Trong môn ngôn ngữ học, cụm từ tích/tản gần giống như tụ/tán, vào/ra, …. Chúng ta có thể lấy nhiều ví dụ về tích/tản. Chẳng hạn, phổi là cơ quan tích/tản khí. Phổi hít vào tức là “tích” không khí. Sau đó dưỡng khí được “tản” vào mạch máu, còn thán khí thì được “tản” ra ngoài qua miệng. Dạ dày là cơ quan tích/tản thực phẩm. Sau khi thực phẩm được ăn vào miệng về đến dạ dày thì dưỡng chất được “tản” qua thành ruột non, còn bã thì bị thải ra ngoài. Trong khi đó, óc là cơ quan tích thông tin, và tản ra nhận xét, phán đoán, quyết định, kế sách …. Mỏ dầu ở Trung Đông cũng là cơ quan tích/tản. Từ hàng triệu năm trước các chất hydrocarbua được dồn tích vào các tầng dưới mặt đất để tạo các mỏ dầu khí. Đến thế kỷ XX thì các mỏ dầu khí đó được khai thác, tức là dầu đang tản dần ra. (Hiện nay, sự bất ổn ở các nước Bắc Phi có liên quan mật thiết đến quá trình tản dầu mỏ tại đó).
Mấy ví dụ trên cho thấy, không những các đối tượng vật thể mà cả các đối tượng phi vật thể đều tuân theo nguyên lý tích tản. Thực chất, tích/tản chính là hít vào/thở ra, nhưng đối tượng được hít/thở không đơn thuần là không khí nữa mà đã được mở rộng, được trừu tượng hóa. Chủ thể thở (đối tượng tiến hành thở) có thể là bất cứ đối tượng nào (everything), hơn nữa khách thể thở (đối tượng bị hít vào/thở ra) cũng có thể là bất cứ cái gì (everything). Tuy vậy, tài liệu này không đi sâu phân tích các khía cạnh học thuật của nguyên lý tích/tản mà chỉ ứng dụng nguyên lý này để mô tả vài hiện tượng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt nam.
2. Tích tản của cá nhân và cộng đồng
2.1. Tích/tản Lý Công Uẩn
Chính sử không ghi chép rõ cha của Lý Công Uẩn là ai, nhưng ghi chép khá đầy đủ quá trình học tập của Ngài với nhà sư Lý Khánh Văn. Từ nhỏ, Ngài đã được học tập trong chùa, thông giáo lý nhà Phật, lại được học cả về Nho, Lão, lẫn binh pháp, võ nghệ. Ngài đã tích lũy những kiến thức bậc nhất đương thời. Khi vào triều đình làm quan, chắc chắn ngài phải tích lũy nhân tâm rất giỏi, nên vào năm 1009 chỉ sau vài lần trò chuyện với Đào Cam Mộc (có chép trong Đại Việt sử ký toàn thư) mà Ngài đã lấy được ngôi vua. Có thể nói thời gian tích lũy của ngài kéo dài trong 35 năm, từ năm 974 (lúc được sinh ra đời) đến 1009 (lúc lên ngôi vua). Năm 1010, ngài tản ra một quyết định quan trọng là dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Ngày nay sau 1000 năm chúng ta nhận thấy đây là một quyết định đúng đắn. Chúng ta thấy sự đúng đắn của quyết định trên như một lẽ tất nhiên. Vì nó đã được lịch sử kiểm định. Nhưng tại thời điểm cách đây ngàn năm, Lý Thái Tổ chỉ có một thước đo để đánh giá tính đúng đắn của quyết định dời đô là sự hồ hởi của nhân dân và quan lại. Khi dời đô, nhân dân sẽ được tham gia vào một quá trình xây dựng lớn lao, từ cung điện, nhà cửa, đường xá, thôn làng, chùa miếu,... đến những định chế mới, nghề nghiệp mới,… Tản ra quyết định dời đô, Lý Thái Tổ đã khởi động rất nhiều hoạt động mới, mà hoạt động nào cũng cần sự tham gia nhiệt tình, hồ hởi và sáng tạo của nhân dân và quần thần. Nói tóm lại, khi tản ra quyết định dời đô, Lý Thái Tổ buộc phải đem đến cho cộng đồng một niềm hồ hởi lớn lao. Tất nhiên, vẫn có sự phản ứng của các thế lực đối lập. Họ thậm chí không hồ hời mà còn ấm ức nữa. Điều đó là không tránh khỏi. Nhưng so sánh giữa hai loại thái độ trên, thì niềm hồ hởi vẫn là chủ đạo.
Nhận xét 1: Phép tích/tản Lý Công Uẩn là “tích kiến thức Phật Nho Lão cho cá nhân đến chí cực, tản ra niềm hồ hởi cho cộng đồng trong một vùng đất mới vừa rộng rãi vừa sáng sủa”. Đây là một phép tích/tản dẫn đến thành công và bền vững.
2.2. Tích/tản Hồ Quí Lý
Nhân vật lịch sử thứ hai tiêu biểu cho phép tích/tản là Hồ Quí Ly. Đây là nhân vật chịu nhiều đánh giá trái ngược. Theo quan điểm trung quân thì ông là ngụy phản, theo quan điểm cải cách thì ông là người đã thực hành nhiều cải cách tiến bộ. Còn theo lý thuyết tích/tản ông là người “tản” không thành công. Quả vậy, tuổi trẻ tài cao, ông sớm hanh thông trên hoạn lộ. Ông đã dành trọn nửa đời để tích lũy kiến thức và quyền lực, đến độ đã thay thế được cả một vương triều. Nhưng khi ở vị thế có thể tản ra bộ chính sách (policies) để dựng xây vương triều mới, ông đã không thể mang đến niềm hồ hởi lớn lao cho cộng đồng. Những chính sách của Nhà Hồ như đạc điền, in tiền giấy, phát triển công nghệ, nâng đỡ thương nghiệp,… đã không được hưởng ứng một cách tự nguyện. Đa phần các chính sách mới phải đi kèm biện pháp hành chính để gò cả một xã hội vào khuôn khổ. Tất nhiên, cũng như trường hợp Lý Công Uẩn, bộ chính sách mới nhất định vừa có người ủng hộ vừa có kẻ phản đối. Nhưng không may cho Hồ Quí Lý, miền Tây Đô nhỏ hẹp không đủ chỗ cho những người ủng hộ ông tiến hành “tích tụ” đủ nhân tài vật lực để tạo nên những công việc sáng tạo mới. Nếu những công việc mới được thực thi trong một phạm vi lớn hơn, có nhiều người tham gia, thì niềm hồ hởi sẽ dần được nhân rộng, mà lấn lướt những nỗi nghi kỵ. Rốt cục, nỗi nghi kỵ thắng thế và triều đại Nhà Hồ đã không “tích” đủ lực để chiến thắng cuộc xăm lăng của giặc Minh.
Nhận xét 2: Phép tích/tản Hồ Quí Ly là “tích kiến thức Nho học và quyền lực cá nhân đến chí cực, tản ra trong cộng đồng nỗi nghi kỵ trên một vùng đất hẹp”. Đây là bài học thất bại.
2.3. Tích/tản Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh là người rất dày công trong việc tích lũy hiểu biết để mưu việc lớn. Ngay từ trẻ ông đã giỏi chữ Hán, chữ Pháp. Hơn ba mươi năm bôn ba năm châu bốn bể ông “tích” được nhiều kiến thức thực tế về ngôn ngữ, về đất nước con người, về các cuộc đấu tranh, về các kinh nghiệm cách mạng trong phạm vi gần như khắp hoàn cầu. Hoàn cảnh mất nước càng thúc đẩy ông kiên định tích lũy kiến thức theo những hướng có chủ đích ngay từ khi lập chí ở tuổi thanh niên. Có lẽ đến thời điểm hiện nay (những năm đầu thế kỷ XXI này), trong cộng đồng hơn 80 triệu dân Việt khó có ai “tích” được lượng kiến thức phong phú và sâu sắc trên nhiều bình diện như ông.
Năm 1945, lịch sử đã đưa Hồ Chí Minh lên vị thế có thể tản ra những quyết định mang tầm quốc gia và quốc tế. Trên vị thế ấy, ông vừa tiếp tục “tích” (đoàn kết và sử dụng quan lại triều đình nhà Nguyễn, tư sản, trí thức, công nhân, nông dân, cán bộ…), vừa khéo léo “tản” ra những chính sách chèo lái con thuyền cách mạng Việt nam vượt qua bao hiểm nghèo của thời cuộc. Những người được tích tụ vào vòng xoáy của cuộc cách mạng lúc đó đều hồ hởi, rất hồ hởi nữa. Mức độ hồ hởi đó thật vô cùng lớn lao, hồ hởi của cả một cộng đồng hai mấy triệu người. Hơn nữa, cường độ của sự hồ hởi cộng đồng cũng rất cao. Sự hồ hởi mãnh liệt đó đã cung cấp đủ năng lượng cho dân tộc Việt nam đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Chính vì nhìn thấu sự hồ hởi trong tâm của hàng triệu người, nên ngay năm 1946, khi cuộc kháng chiến còn trong vòng cam go khốc liệt, Hồ Chí Minh đã hiên ngang tuyên bố “Nay tuy châu chấu đá voi, nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”. Niềm hồ hởi mãnh liệt được triển khai trên một vùng rộng lớn. Lớn hơn vùng Thăng Long của Lý Công Uẩn, càng lớn hơn cả vùng Tây Đô Vĩnh Lộc của Hồ Quí Ly. Đó là địa bàn Việt Bắc kéo dài theo dải đá vôi Hòa Bình - Ninh Bình về đến vùng Thanh Nghệ rộng lớn. Cuối cùng Hồ Chí Minh đã chiến thắng.
Nhận xét 3: Tích/tản Hồ Chí Minh là “tích kiến thức cá nhân đủ cả Đông Tây, kim cổ đến cực độ, tản niềm hồ hởi ra cộng đồng trong phạm vi lớn nhất có thể”. Đây là một bài học thành công trong những hoàn cảnh cam go nhất mà lịch sử Việt nam đã chứng kiến.
3. Các bài học tích/tản
Trong lịch sử Việt nam còn có thể dẫn ra nhiều ví dụ về quá trình “tích” của các cá nhân kiệt xuất, như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Hoàng, Đào Duy Từ, Quang Trung, Nguyễn Du, Nguyễn Trường Tộ …. Có người dày công đèn sách, có kẻ rộng lòng thu phục nhân tâm. Họ đều đã đạt đến đỉnh cao của phép “tích”. Tuy vậy, họ không gửi lại cho hậu thế bí quyết “tích” như thế nào, (sao cho nhanh, cho nhiều, sao cho hiệu quả,…). Họ cũng không nói rõ cái gì nên tích, cái gì không. Hậu thế chỉ có thể nhìn vào kết quả “tản” của họ để đoán định mà thôi. Cho nên, chúng ta có thể phân tích các bài học thành công và thất bại của họ để mà chiêm nghiệm, để mà rút kinh nghiệm, hoặc cũng có thể để ứng dụng cho thời đại mới.
Xem xét các phép tích/tản của cá nhân lịch sử chúng ta nhận được mấy bài học sau.
Bài học 1: có tích nhất định sẽ có tản. “Tích” đến một mức độ nào đó thì nhất định sẽ phải “tản”. Ví dụ, các ông Cử ông Tú ở làng thì tích chữ thánh hiền và tản ra cái gương mẫu về lẽ sống ngay trong phạm vi các lũy tre. Chính các vị ấy đã góp phần tạo dựng văn hiến nước nhà. Cao hơn, nếu tích đến độ có thể làm quan thì tản ra các chính sách bình trị giúp đời trong thời loạn cũng như thời bình. Cao hơn nữa, thì tích ra các kế sách để góp phần vào các cuộc hưng vong. “Tích đậm đặc tản khéo léo” thì dễ thành công, ngược lại “tích non tản vội” thường thất bại.
Bài học 2: “tích” (thường) là thao tác cá nhân, nhưng “tản” nhất định có các tác động lên cộng đồng. Tức là, tích vào óc mình, nhưng tản đến tim người. Cho nên, nếu tản ra mà lòng người oán giận thì nhất định thất bại, dù là chỉ tản ra một hành vi ứng xử, một câu nói hàng ngày. Ngược lại, nếu tản ra mà cận nhân tâm, đem đến sự hồ hơi trong lòng muôn người thì việc khó mấy cũng thành công.
Bài học 3: nhìn rõ bức tranh tích tản là cội nguồn của những nhận thức đúng đắn. Thực vậy, hãy xét ví dụ về trường hợp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người vẫn được xem là nhà tiên tri lừng danh của nước ta. Cả ba lời khuyên của ông cho Nguyễn Hoàng, Trịnh Kiểm, Mạc Mậu Hợp đều là các phép “tản” mang lại sự yên lòng, sáng dạ cho đối tượng. Tại sao Nguyễn Bỉnh Khiêm lại có thể tản ra ba lời khuyên đúng đắn cho cả ba vương triều? Mấy trăm năm qua, người ta tin rằng bởi vì ông thông môn Thái Ất Thần Kinh mà chiêm bốc được. Thực ra, cũng có thể lý giải khác, nếu ứng dụng thuyết tích/tản. Có thể Nguyễn Bỉnh Khiêm đã xem xét thời cuộc dưới con mắt tích/tản chăng? Có thể ông đã nhìn rõ năng lực “tích tụ” nhân tài vật lực của cả ba thế lực đương thời. Thực vậy, tại thời điểm đó (thế kỷ XVI), cả ba tập đoàn Trịnh, Mạc, Nguyễn tương đương nhau về sức mạnh chính trị quân sự, và có lẽ họ cũng được nhân dân “tin yêu” ngang nhau. Tức là họ đang “thở” với cường độ tương đương. Vì nhìn thấy ba chủ thể đang “thở”, đang tích/tản ngang ngửa như nhau, nên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có ba lời khuyên đạt chất lượng cao. Ba lời khuyên ấy đều liên quan đến vùng đất mới: Nguyễn Hoàng nên đem cái “sức thở non trẻ” về Nam, Mậu Hợp nên mang cái “sức thở đã yếu dần” lên mạn ngược, còn Trịnh Kiểm nếu biết tôn giữ vua Lê thì có thể mang cái “sức thở cường tráng” về lại Thăng Long.
4. Tình hình thực tại
Nếu đem các bài học lịch sử để soi xét thực tại thì ta nhận thấy rằng đất nước ta đang ở trong giai đoạn xây dựng lại cho đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Chúng ta đang thực hiện giấc mơ thời hậu chiến.
Lẽ ra sau 30 năm kháng chiến, không khí hồ hởi xây dựng trong hòa bình phải rất mãnh liệt ngay từ 1975. Tuy nhiên, vì nhiều lý do lịch sử (chiến tranh biên giới, cơ chế bao cấp,…) điều đó đã chưa xảy ra. Thực tế, trong xã hội hiện nay tình cảm chán nản (mà biểu hiện rõ nét nhất là sự suy giảm niềm tin) có nguy cơ lan rộng. Có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự chán nản:
- Nguyên nhân thứ nhất của sự chán nản là sức hủy hoại niềm tin do nạn tham nhũng gây ra. Thực vậy, tham nhũng là “tích” lợi cho cá nhân và “tản” oán hờn cho cộng đồng. Ví dụ, hãy xét hành vi tham nhũng hạng bét là sự ăn tiền của cảnh sát giao thông. Người lái xe phải nộp tiền cho công an và chưa bao giờ họ hồ hởi. Anh cảnh sát giao thông đã tích tiền và tản vào lòng người nỗi bực bội. Hành vi tham nhũng bậc cao hơn là ăn đất dự án. Các chủ dự án tích đất thông qua các dự án và họ tản ra cho người dân biết bao oan ức. Có thể nói bất kỳ dự án chiếm đất nào cũng đầy oan ức và oán giận. Nếu có một thước đo sự oan ức thì cái thước ấy có thể dựng cao đến ngang tháp bút ven Hồ Gươm. Đó chỉ là hai ví dụ về tham nhũng. Nhưng khái quát lại, tham nhũng là tích cá nhân qui mô nhỏ và tản oán giạn qui mô cộng đồng.
Tại sao lại gọi tham nhũng là tích cá nhân qui mô nhỏ? Bởi vì, dù cho “tham nhũng viên” (đây là danh từ để chỉ quan chức tham nhũng) có đạt đến mức thượng thừa như Hòa Thân bên Tầu thì vẫn là qui mô nhỏ. Nhỏ không phải ở số tài sản mà họ thu lượm của thiên hạ, mà nhỏ là vì hành vi tham nhũng luôn luôn làm hèn mọn, làm nhỏ nhen, làm tha hóa nhân cách của các “tham nhũng viên”. Ngược lại, tác hại của tham nhũng rất lớn. Vì nó dập tắt sự hồ hởi của cộng đồng. Chống tham nhũng sẽ không đơn thuần là đấu tranh trực diện. Mà quan trọng hơn cả là tạo ra các phép “tản” mới cho phép nâng cao sự hồ hởi trong cộng đồng. Sự hồ hởi sẽ lấn át niềm oán giận. Khi đó tham nhũng sẽ bị đẩy lùi từng bước lớn.
- Nguyên nhân thứ hai của sự chán nản là thanh niên không biết nên “tích” cái gì và “tích” như thế nào. Thanh niên ngày nay dễ mất phương hướng khi xu thế trọng đồng tiền ngày càng lấn lướt (lưu ý: dân gian có câu nói “đầu tiên” là….). Lý Công Uẩn có thể ngồi trong chùa nhiều năm. Hồ Chí Minh có thể xông pha sương gió nhiều chục năm. Nhưng thanh niên đời nay ngoài 30 mà chưa giàu thì chán nản lắm. Đó là một thực tế không thể chối cãi. Không tin bạn cứ thử nói chuyện với một thanh niên nghèo ngoài ba mươi tuổi mà xem. Rất ít người có ý định thoát nghèo bằng cách dày công tích lũy thêm kiến thức. Họ nhìn đời màu xám, xoay ngang xoay dọc, chạy đông chạy tây, chứ không bình tâm “tích” tụ. Nỗi chán nản của thanh niên là một nguy cơ lớn, có khi còn lớn hơn cả tham nhũng nữa.
Để cải thiện tình hình này, phải “Ngô Bảo Châu hóa” đời sống tinh thần của toàn xã hội. Thay vì những lời động viên, nhà nước chỉ cần treo giải thưởng căn hộ cho các nhà phát minh, sáng chế. Lúc đó, thanh niên không phải tìm cách nhanh lên quan, để có nhà bằng cách tham nhũng đất. Ngược lại bằng cách tích lũy tri thức khoa học công nghệ họ có thể có được đời sống vật chất tương xứng. Trước đây sỹ quan quân đội có thể được chia đất chia nhà. Bây giờ các chiến sỹ trên mặt trận công nghệ cũng nên được hưởng thành quả tương tự. Nhưng, quỹ đất đã hết, đã bị tham nhũng sạch rồi. Vậy làm thế nào? Lời dạy của tổ tiên ta còn đó. Hãy “lên rừng xuống biển” bằng tri thức. Mà tri thức chỉ có thể đạt được bằng dày công “tích lũy”. Chúng ta có thể lập hai thành phố mới, một ở gần biển, một ở trên rừng. Cư dân thành phố phải là những nhà công nghệ. Một dự án như vậy, sẽ mang lại niềm hồ hởi lớn lao trong toàn xã hội. Sau khi thành công ở mô hình này, thì sẽ nhân rộng dần ra. Đây chính là làm lại bài học của Lý Công Uẩn, tích/tản trên miền đất mới những lòng mơ ước và những niềm hồ hởi cho cộng đồng.
Theo Thu San Nguyễn Thế Hùng/chungta.com