đậu tương đen hữu cơ

Phong tục tập quán

12:33 19/09/2011

Hé lộ bí ẩn về hai thanh kiếm báu của người Dao

Ở chuôi mỗi thanh kiếm đều có 4 (kiếm dài) và 7 (kiếm ngắn) chiếc vòng sắt, trong mỗi vòng sắt đều treo từ 12 đến 14 đồng xu hình tròn, lỗ tròn, làm bằng sắt. Chuôi và lưỡi kiếm ngăn cách bằng một vòng sắt hình chữ U để bảo vệ tay.
Trời tròn đất vuông, có lẽ hai hình đó biểu hiện đây là cặp kiếm âm dương, đực cái như tín ngưỡng Đạo giáo hưng thịnh của người Dao (Hà Giang).

Ở chuôi mỗi thanh kiếm đều có 4 (kiếm dài) và 7 (kiếm ngắn) chiếc vòng sắt, trong mỗi vòng sắt đều treo từ 12 đến 14 đồng xu hình tròn, lỗ tròn, làm bằng sắt. Chuôi và lưỡi kiếm ngăn cách bằng một vòng sắt hình chữ U để bảo vệ tay.


Chiếc Win 100 cũ nát ì ạch đưa chúng tôi ngược con đường dốc đá dựng hướng về ngôi nhà gỗ của Phàn Tà Loàng (người Dao ở bản Nậm Ty, xã Nậm Ty, Hoàng Su Phì, Hà Giang). Tiếp khách, Loàng không mấy mặn chuyện, ậm ừ bảo đến nhà anh họ mình là Phàn Tà Phâu mà hỏi. Quay xe, may gặp Phàn Tà Phâu gần trụ sở xã. Đôi mắt Phâu nhìn khách đầy dò xét, rồi hướng về người dẫn đường vung tay chém gió, nói chuyện như quát bằng tiếng Dao. Cũng phải thôi, vì khách lạ đang tìm hỏi về những báu vật linh thiêng mà Phàn Tà Phâu đang giữ: hai thanh cổ kiếm niên đại hàng trăm năm trước. 

18 ngoi1090 450 Hé lộ bí ẩn về hai thanh kiếm báu của người Dao
Ngôi nhà đang lưu giữ bảo vật người Dao của Phàn Tà Phâu.

Sau cùng thì Phàn Tà Phâu cũng đồng ý đưa chúng tôi về nhà mình xem kiếm. Xuôi hết con đường đất núi trơn như mỡ, dốc thăm thẳm, dài hun hút đến ngôi nhà gỗ ba gian nằm tận cuối rừng thì trời cũng tối mịt, sầm sập đổ mưa. Phàn Tà Phâu sai con làm cơm rượu mời khách, rồi cứ trầm tư vân vê nhúm thuốc lào cho vào điếu cày hút mãi.


“Sự thực thì tôi chẳng muốn giấu giếm gì, nhưng đó là báu vật thiêng liêng của dòng tộc, nên tôi chỉ sợ… Quý báu nhất là bộ tranh thờ và hai thanh kiếm cổ của tổ tiên chúng tôi truyền lại từ mấy trăm năm trước. Chúng tôi phải bảo vệ cẩn mật, ngay cả người Dao ở bản này cũng chỉ ít người từng được nhìn thấy nó và biết là tôi đang giữ. Trước đây, bố tôi là trưởng tộc nên được giữ các đồ thờ này. Đến năm 1974, bố tôi mất, nên trao lại cho chú tôi là Phàn Chòi Cuối giữ. Chú Cuối mất năm 2007 nên các con chú ấy là Phàn Tà Khé, Phàn Tà Loàng thay nhau giữ. Tôi chỉ vừa giữ nó từ đầu năm nay, sau khi làm lễ một con gà, một con lợn kính báo với tổ tiên, họ tộc”.

Theo quan niệm của người họ Phàn ở Nậm Ty, không phải cứ là trưởng tộc thì mặc nhiên là người giữ đồ thờ cúng tổ tiên. Bộ đồ thờ được mặc định như là tổ tiên và tổ tiên muốn theo ai thì người đó được và phải phụng sự.


Nhà anh em Phàn Tà Khé, Phàn Tà Loàng giữ đôi cổ kiếm bấy lâu nay không sao, bỗng gần đây gia đình không được êm ấm, người ốm, trâu ốm, gà dịch, ruộng nương đầy sâu, cơm nguội nhanh thiu, công việc không thuận. Trong khi đó, nhà Phàn Tà Phâu cũng mất người, mất trâu, nửa đêm chó trèo lên mái nhà kêu thảm thiết, mèo trèo lên bàn thờ ngủ, lợn chộp gà nhai rau ráu…


Cùng cúng gà và hỏi thầy bói. Thầy bói xem quẻ rồi bảo tổ tiên không muốn ở nhà Loàng, muốn về nhà Phâu nên mới đảo điên như vậy. Họ tộc họp bàn rồi quyết phải như thế, để cả hai gia đình được yên ổn làm ăn. Phâu thì mừng rồi, còn Loàng tuy không ưng lắm nhưng vẫn phải nghe theo. Có lẽ vì vậy mà khi gặp chúng tôi, Loàng không mấy mặn khi nói chuyện về đôi bảo kiếm chăng?


Câu chuyện bên bữa rượu sắn của Phàn Tà Phâu, cũng giống như huyền thoại từ nhiều sách cổ của người Dao còn ghi lại rất tỉ mỉ, thì thủy tổ của người Dao vốn là Bàn Hồ (Bàn Vương), một long khuyển mình dài ba thước, lông đen, vằn vàng, từ trên trời giáng xuống trần gian. Do lập nhiều chiến công hiển hách nên Bàn Hồ được Bình Hoàng gả cho một cung nữ. Bàn Hồ sinh được 6 người con trai và 6 người con gái, chia thành 12 dòng họ. Con cháu Bàn Hồ ngày càng đông đúc, phải dùng “quá sơn bảng văn” do Bình Hoàng cấp để phân tán đi các nơi sinh sống.


Từ đó các nhóm người Dao dù ở bất cứ nơi đâu cũng có chung một nguồn gốc lịch sử và nhận Bàn Vương là thủy tổ của mình. Nhớ ơn tổ tiên, ám ảnh vì hành trình khốc liệt, người Dao càng coi trọng việc thờ cúng thần linh và tổ tiên, với tất cả sự thành kính cùng những phong tục truyền thống, nghi lễ mang đậm màu sắc Saman giáo. 

19 phan1090 400 Hé lộ bí ẩn về hai thanh kiếm báu của người Dao
Phàn Tà Phâu kính ngưỡng nhìn đôi kiếm cổ, bảo vật của tổ tiên.

Vẫn theo Phàn Tà Phâu, những bức tranh thờ, kiếm báu cùng hàng loạt các đồ thờ khác mà ông đang gìn giữ có nguồn gốc từ cuộc thiên di của người Dao thời đó. Họ Bàn (do cách phát âm khác nhau nhưng họ Bàn và Phàn là một) là hậu duệ dòng đích của Bàn Vương, nên được giữ các báu vật thiêng liêng của người Dao sau quá trình thiên di, truyền đời truyền kiếp cho con cháu. Người ở các dòng họ khác khi làm lễ cúng Bàn Vương, cấp sắc, đám ma… muốn mượn đồ thờ thì phải đem lễ là một miếng vải đỏ, một túm gạo, xâu thịt và chút ít tiền, nhưng cũng chỉ được mượn một vài bức tranh thờ tùy theo mục đích buổi lễ.


Một điều chắc chắn là dù cúng to cúng nhỏ họ cũng không thể mượn được đôi kiếm báu, vì chỉ dòng họ Phàn mới được sử dụng nó. Và cũng chỉ gia chủ đang được giao giữ đồ thờ mới được dùng, gia đình khác trong họ Phàn cũng không được mượn.


Sáng hôm sau, Phàn Tà Phâu dậy từ mờ sáng. Thành kính thắp hương xin phép tổ tiên, rồi cẩn thận kê ghế hướng về chiếc bàn thờ đặt trang trọng ở góc trái gian nhà chính giữa, Phàn Tà Phâu lấy ra hai thanh kiếm báu. Cùng xem kiếm với chúng tôi là hai thanh niên Triệu Dào Và (36 tuổi) và Phàn Dùn Khuân (26 tuổi), người Dao ở xã Nậm Ty.


Cả hai từng tham gia nhảy lửa rất nhiều lần ở các buổi lễ truyền thống của người Dao mà chưa từng bị bỏng lần nào, nhưng đều rất kinh ngạc khi nhìn thấy hai thanh kiếm cổ. Họ khẳng định đã nghe tiếng từ lâu nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy đôi kiếm cổ này. Đôi mắt sững sờ và thành kính “tố cáo” niềm khát khao mong chờ, nhưng cả hai chỉ nhìn xa mà không dám chạm tay vào kiếm. Còn Phàn Tà Phâu thì cứ giữ khư khư, một lúc sau mới chầm chậm đưa hai thanh kiếm báu cho chúng tôi mắt thấy tay sờ.


Khác với tưởng tượng của chúng tôi về bảo kiếm, phải lấp lóa ánh sáng xanh rờn rợn mùi sát khí, sắc lạnh, chém sắt như bùn. Đó là hai thanh kiếm sắt cũ kỹ, đã bị phong hóa rất nhiều nên thân kiếm khá lồi lõm, màu đen xỉn và không còn sắc. Có một ít mạng nhện còn bám vào kiếm, dải vải tua rua màu đỏ đã xỉn màu. Một thanh kiếm dài chừng 50cm, chuôi dài gần bằng lưỡi, cuối chuôi có một chóp nhọn. Thanh kiếm kia hình dáng tương tự nhưng ngắn hơn một chút, cuối chuôi kiếm lại có hình vuông.


Trời tròn đất vuông, có lẽ hai hình đó biểu hiện đây là cặp kiếm âm dương, đực cái như tín ngưỡng Đạo giáo hưng thịnh của người Dao. Ở chuôi mỗi thanh kiếm đều có 4 (kiếm dài) và 7 (kiếm ngắn) chiếc vòng sắt, trong mỗi vòng sắt đều treo từ 12 đến 14 đồng xu hình tròn, lỗ tròn, làm bằng sắt. Chuôi và lưỡi kiếm ngăn cách bằng một vòng sắt hình chữ U để bảo vệ tay. Có cảm tưởng như cặp kiếm này chỉ mang giá trị tâm linh, không phải dùng để tự vệ, chiến đấu. Khi tôi cầm chặt tay vào chuôi kiếm, thấy phần chuôi kiếm khá nặng và cồng kềnh, chỉ có các đồng tiền xu bằng sắt rung lên leng keng, lập xập theo mỗi nhịp tay múa.


thanh kiem Hé lộ bí ẩn về hai thanh kiếm báu của người Dao
Thanh kiếm cổ được cho là kiếm dương (đực).

Phàn Tà Phâu cho biết: “Chúng tôi có bộ tranh thờ cổ 18 bức quý giá chứa đựng đầy đủ đời sống tâm linh của người Dao, nhưng hôm nay không thể cho xem được, vì tranh chỉ được mở vào ngày 6-6 âm lịch hàng năm, hoặc các dịp lễ trọng đại trong cộng đồng và phải cúng to để xin phép thì mới mở được. Đôi kiếm này cũng rất hiếm khi tôi lấy ra cho ai xem, không phải vì nó trị giá hàng trăm triệu đồng, mà vì lý do tâm linh. Bộ đồ thờ còn có hàng chục thanh kiếm ngắn dài, long đao, dao phay, dao nhọn, dao quắm, búa lớn, búa nhỏ, gậy dài, gậy ngắn… đều làm bằng gỗ”.


Thường thì mọi người chỉ được chiêm ngưỡng toàn bộ các bảo vật này vào dịp cúng Giàng chảu đao (nghĩa là Bước nhảy dài, còn gọi là Tết nhảy, một nghi lễ cúng Bàn Vương), tổ chức vào ngày tốt trong khoảng từ mồng một đến rằm tháng Giêng của dòng họ Phàn chúng tôi. Những lễ cúng Giàng chảu đao có sự xuất hiện của đôi kiếm báu mà Phàn Tà Phâu từng chứng kiến luôn trang trọng, uy nghiêm và linh thiêng nhất, có khoảng 70-80 người tham gia, khác hoàn toàn những gì mà người ta vẫn thấy ở các lễ hội vùng khác, hoặc trên… tivi.


Đặc biệt, khi tổ chức buổi lễ thì người tổ chức (người giữ bàn thờ họ) không phải đi mời khách khứa xa gần gì, cứ việc chọn ngày tốt, rồi đi mời hai thầy cúng, tức khắc người dân ở thôn nọ bản kia tự loan truyền tin và kéo đến. Người đến tham dự lễ hội chẳng cần mời, cũng chẳng phải đóng góp chi phí vì đã có tài sản chung của dòng tộc là thửa ruộng tốt nhất vùng, rộng 9 sào, mỗi vụ thu 60 bó lúa, giao cho người giữ kiếm thờ cấy hái để dành riêng phục vụ vào ngày lễ này. Người xưa thường tùy vào hoàn cảnh khó khăn hay no ấm mà dùng 3 hoặc 6, 12, 18 con gà để phục vụ buổi lễ. Và gà phải còn sống, mới thực sự biểu trưng cho khí dương của trời đất.


Sự xuất hiện của đôi kiếm báu trong lễ cúng Giàng chảu đao mang một ý nghĩa đặc biệt trang trọng đối với người Dao. Lễ hội ít cũng phải kéo dài vài ba ngày. Thầy cúng cầu khấn suốt hai giờ đồng hồ trước bàn thờ tổ tiên, tiếp đến sẽ là các màn múa thiêng truyền thống của những người đàn ông trong dòng tộc.


Múa thiêng có tính chất, hình thức mang đậm yếu tố Saman giáo, được tạo ra trong cuồng vũ âm thanh của trống, chiêng, thanh la, não bạt… Múa thiêng có 12 điệu, là cách người Dao diễn tả lại những sự tích, huyền thoại về tổ tiên, về hành trình tìm vùng đất mới gian khổ, về cuộc chiến đấu giữa thiện và ác, là bài học về cách làm người… Múa thiêng cũng để người ta tìm ra tín hiệu ân huệ của tổ tiên ban phát cho loài người, thông qua dòng chữ mà đám thanh niên vô tình (hay do tương thông với tổ tiên) tạo ra trong khi nhảy múa, nhân dịp năm mới.


Đó thường là các chữ “Thịnh”, “Phát”… hay một câu chúc tụng nào đó, mà chỉ người thầy cúng giỏi chữ Nho và am tường vũ điệu mới ngầm hiểu được. Thầy cúng của người Dao không đơn thuần là người liên kết họ với thần linh, tổ tiên, mà còn là người có uy tín trong vùng, nhiều kiến thức về các lĩnh vực khác như y học, canh nông…


Trong lúc đó thì phía xa bàn thờ, mọi người vẫn liên tục nhảy múa cuồng nhiệt với điệu nhảy lửa. Họ xúm xung quanh một đống lửa lớn, “thăng” ào ào vào than hồng lửa đỏ một cách vô thức mà không ai bị bỏng hay cháy chút da thịt nào. Người nọ tiếp nối người kia, cứ đang ngồi bỗng thấy tự mình nhảy tâng tâng lên bằng cả hai chân, rồi ào vào lửa đến khi mệt rũ rượi. Cao trào của lễ hội là khi đôi kiếm báu được thầy cúng truyền xuống cho đám người được chọn từ số vừa tham gia múa thiêng, nhảy lửa.


Một không khí mang đậm màu sắc vu thuật tràn ngập trong căn nhà như trong buổi “lên đồng”. Đây là điệu múa dao hay còn gọi là điệu múa “ra binh vào tướng”. Phàn Tà Phâu cũng là một thầy cúng danh tiếng trong vùng, từng tham gia nhiều lễ múa này, nên thuộc nằm lòng quang cảnh thời khắc đó: “Người cầm thanh kiếm sắt lớn là vua, thanh kiếm sắt nhỏ là tướng quân. Những người cầm chùy, búa, gươm, giáo… gỗ là các tiểu tướng, binh lính. Không chỉ người Dao, những người dân tộc khác nếu “hợp vía” cũng có thể được lựa chọn vào đội ngũ này.


Điều đặc biệt là những thanh niên này vốn chỉ quen việc cày cuốc nương rẫy, chưa từng biết đến võ thuật, nhưng lúc nhập đồng lại biểu diễn võ nghệ cực kỳ điêu luyện, đẹp mắt. Họ múa đao kiếm như có thần linh nhập vào, chiến đấu rất ác liệt, đâm chém nhau thật lực bằng các thế võ ác hiểm khiến người xem kinh hồn bạt vía như đâm thẳng vào mắt, cổ họng…


Nhưng ai nấy đều “sẵn có” võ nghệ cao cường nên không chỉ thoát hiểm ngoạn mục mà còn giáng trả những đòn thích đáng. Chỉ có dao kiếm gậy gỗ thì liên tục gẫy vỡ vì không chịu nổi sự va chạm khốc liệt. Vũ khí này gãy, họ vứt đi rồi chộp ngay lấy vũ khí khác để chiến đấu, và nhanh chóng sử dụng thành thạo binh khí đó như người đã rèn qua 18 ban võ nghệ.


Cuối buổi lễ, mọi người phải thu nhặt hết các mảnh gỗ gãy vỡ của binh khí, xin phép tổ tiên cho làm lại các binh khí khác tương tự để bù vào, rồi cất vào phòng thờ, đợi lần sau tiếp tục sử dụng”.


Các cán bộ ngành văn hóa huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang có lý khi có ý định sưu tầm các bảo vật này đưa về bảo tàng để gìn giữ các di sản vật thểđộc đáo mang đậm bản sắc văn hóa, tránh sự thất lạc đáng tiếc như đối với nhiều hiện vật quý khác. Họ đã gặp gỡ, thuyết phục và “quyết toán” cả trăm triệu đồng cho đôi kiếm cổ, chưa nói đến bộ tranh thờ. Nhưng người Dao lại coi trọng giá trị văn hóa phi vật thể hơn, và đang thiết thực gắn nó với đời sống lao động, sinh hoạt thường nhật của mình.


“Không có nó, chúng tôi lấy gì để thờ cúng tổ tiên, làm lễ cấp sắc, nhảy lửa, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình yên được? Với chúng tôi, đây là các bảo vật vô giá, không đo đếm được bằng tiền, tất cả người Dao nơi đây đều kính trọng và phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị của nó” – ông Phàn Tà Phâu quả quyết.



Theo Báo CAND

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp