Sau những lý do khiến cho nền học vấn Trạng Nguyên không được lưu lại rõ ràng, kiến thức, tư tưởng của các vị Trạng Nguyên bằng cách nào đó đã đi vào dân gian, biến thành kiến thức dân gian, tâm hồn dân gian.. tạo ra những hình thái sống của người Đại Việt.
|
Trạng Nguyên Mạc Hiển Tích với Số Âm trong trò chơi Ô Ăn Quan
|
Sau khi định đô ở Thăng Long, yên bề xã tắc, Nhà Lý chú trọng đến việc giáo dưỡng dân chúng, đào tạo người hiền tài cho đất nước. Năm Ất Mão (1075) niên hiệu Thái Ninh thứ 4 đời vua Lý Nhân Tông, Nhà Lý cho mở khoa thi đầu tiên trong lịch sử của nền học vấn Đại Việt. Trong các khoa thi đầu tiên, do muốn khẳng định sự độc lập với phương bắc nên khoa thi gọi là khoa thi Tam trường hoặc là Minh Kinh bác học. Tuy nhiên cách tổ chức thi cử và lựa chọn những người đỗ thì giống hệt các khoa thi lựa chọn Trạng Nguyên sau này.
Chính vậy mà Lê Văn Thịnh, người đỗ Thủ khoa Minh Kinh bác học trong kỳ thi đầu tiên luôn được coi là vị Trạng nguyên đầu tiên của Đại Việt. Sự thông tuệ, uyên bác kỳ lạ của Lê Văn Thịnh, người sau này làm đến chức Thái sư, chứng tỏ ông hợp với danh hiệu Trạng Nguyên đầu tiên của Đại Việt. Hơn nữa, giữa lúc sự sùng bái đạo Phật của triều đình và dân chúng tăng quá mức, ông tỏ rõ tư tưởng độc lập bằng cách đề xướng Đạo của người Đại Việt.
Sau Lê Văn Thịnh, khoa thi Minh Kinh bác học được tổ chức mấy kỳ thi nữa với sự xuất hiện của các Trạng nguyên kiệt xuất như Mạc Hiển Tích với Toán học Âm Dương, Nguyễn Quan Quang với thuyết Dân chúng hiền minh… Sau đó Khoa thi được đổi tên thành Đệ Nhất Giáp Thái học sinh.
Năm Đinh Mùi (1247) niên hiệu Thiên Ứng- Chính Bình thứ 16, đời vua Trần Thái Tông, triều đình chính thức công nhận danh hiệu Trạng nguyên của người đỗ đầu trong khoa thi. Nên học vấn Đại Việt được đánh dấu một mốc son chói lọi với sự xuất hiện của Trạng Nguyên Nguyễn Hiền. Khi đỗ Trạng Nguyên, ông mới 13 tuổi. Trạng Nguyên Nguyễn Hiền là bậc kỳ tài, ngàn năm có một. Ông học chữ một thời gian ngắn với nhà sư, sau đó là tự học. Trời đất đã khai tâm cho ông. Ngay từ nhỏ Nguyễn Hiền đã có những tư tưởng thâm sâu nhưng sáng láng về mọi vấn đề của thế gian.
Noi gương Trạng Nguyên Lê Văn Thịnh, ông cổ xúy cho Đạo của người Đại Việt, kiến giải Phật pháp theo cách của người Đại Việt. Những đoạn hùng thư của ông toát tư tưởng vô cùng nhân bản của Đạo lý Đại Việt. Ông cho rằng trừng phạt cái xấu, cái ác trong con người không bao giờ có hiểu quả bằng việc khuyến khích cái Thiện còn lại trong con người đó. Một khi cái Thiện được trỗi dậy, con người ấy sẽ rũ bỏ được bóng tối của cái ác.
Đúng như Nguyễn Trãi đã viết rằng ”Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/ Nhưng hào kiệt đời nào cũng có”, trải qua thăng trầm của các thời đại, các Trạng Nguyên Đại Việt liên tục xuất hiện, tạo dựng lên một nền học vấn Đại Việt huy hoàng, độc lập với người phương bắc. Triều đại ngắn ngủi của Nhà Hồ hay Nhà Mạc cũng kịp để lại cho hậu thế những Trạng Nguyên kiệt xuất như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lưu Thúc Kiệm.
Đến thời Nguyễn, khoa thi lại thay đổi tên gọi và cách thức tổ chức. Tuy nhiên thời điểm đó, do ảnh hưởng của đạo Công giáo và kiến thức khoa học phương tây, các khoa thi của Nhà Nguyễn không còn tìm ra được những Trạng Nguyên xuất chúng nữa. Nền “Khoa bảng Trạng Nguyên’ bắt đầu từ Trạng Nguyên Lê Văn Thịnh, dừng lại vào khoa thi Bính Thìn (1736) niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2, đời vua Lê Ý Tông, với Trạng Nguyên cuối cùng, Trạng Nguyên Trịnh Huệ.
Mỗi dân tộc chỉ tồn tại khi có một nền học vấn độc lập. Dân tộc Đại Việt cũng vậy. Xuyên suốt các thời đại, tư tưởng của các Trạng Nguyên Lê Văn Thịnh. Nguyễn Hiền, Lý Đạo Tái ( sư Huyền Quang), Nguyên Quang Bật… vừa cố gắng làm sáng tỏ Đạo của người Đại Việt, vừa kiến giải, tiếp thu Đạo Phật theo cách riêng của người Đại Việt… Mặc dù nền khoa bảng hoàn toàn dựa vào kinh sách của Nho gia nhưng ở mỗi vị Trạng Nguyên, cái ý chí độc lập về tinh thần, về tri thức luôn thức tỉnh mạnh mẽ.
Toán học giúp làm nên một nền học vấn Đại Việt vô cùng đặc biệt, khác hẳn với những nền học vấn khác. Trạng Nguyên Mạc Hiển Tích với Số Âm trong trò chơi Ô Ăn Quan, Toán học Âm Dương, Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi với Phép chia tạo nên Thế gian hài hòa, rồi đến Thiên tài toán học Trạng Nguyên Lương Thế Vinh với Khải Minh Toán học và Đại thành Toán pháp. Qua những phép tính với số 0, Trạng nguyên Lương Thế Vinh khẳng định thế gian có những vật toàn mãn thực sự… Nhiều Trạng Nguyên đã phát triển và bổ xung những tư tưởng toán học này tạo nên một trường phái Toán học Đại Việt.
Ngoài Toán học, các Trạng Nguyên khám phá rất nhiều hiện tượng khác của đời sống. Bạn hãy đọc về Trạng Nguyên Nguyễn Nghiêu Tư để tìm hiểu cảm giác về không gian, điều gì khiến chúng ta phải giới hạn nó lại, và giới hạn bằng cách nào? Bạn hãy đọc về Trạng Nguyên Nguyễn Quan Quang để xem bí mật của ánh sáng, hoặc đọc những dòng kỳ lạ của Trạng Nguyên Vũ Tuấn Thiều: “Ánh sáng là gì mà có thể nhìn thấy mà không nắm bắt được? Bóng tối cũng thế. Nó là gì mà chỉ có thể nhìn thấy mà không thể sờ đựợc vào nó? Vậy nó (bóng tối) là gì mà có thể ngăn ánh sáng lại được?”.
Nếu bạn muốn biết Chữ Nôm - chữ của người Đại Việt hình thành thế nào, bạn hãy đọc về Trạng Nguyên Nguyễn Quang Bật, Trạng Nguyên Vũ Tích. Hãy đọc những bài thơ Nôm đầu tiên để thấy khí phách của Đại Việt.
Nắng ấm nghìn trượng tỏa trên ngọn cờ
Khí thế ba quân át cầy cáo
Phương đông mặt trời mọc,. áng mây nhẹ trôi
Phóng mắt ngắm núi sông muôn dặm
(Vua Lê Thánh Tông)
Thực sự các Trạng Nguyên Đại Việt đã tạo lập một nền học vấn bền vững, độc lập, tách biệt khỏi tinh thần Nho giáo, và cả tinh thần Phật giáo nữa…
Nhưng nền học vấn ấy đâu? Nền học vấn ấy đã mất! Nói chính xác là nền học vấn ấy đã mất tích trên các văn bản. Nó chỉ còn tồn tại trong một số gia phả của các dòng họ, trong kiến thức dân gian, trong những hình thái sống của người Đại Việt.
Có rất nhiều lý do để giải thích cho sự biến mất của nền học vấn kỳ diệu này. Chiến tranh liên miên, ý thức lưu giữ kém, các thời đài không khuyến khích phát triển những tư tưởng, những học vấn thoát khỏi sự cương tỏa của Nho giáo….
Theo chúng tôi, những người làm sách, nền học vấn Đại Việt bị mất tích phụ thuộc vào ba điều cơ bản sau:
Thứ nhất: Kinh sách của Nho gia là loại kinh sách duy nhất dùng trong các kỳ thi. Vậy nên những cuốn sách có tư tưởng khác lạ, độc lập, hay đề cập đến những vấn đề (khoa học) khác với kinh sách Nho gia đều bị loại bỏ hoặc bi lãng quên.
Thứ hai: Cái tâm lý lệ thuộc vào kinh sách của phương bắc ( kể cả Kinh sách của Phật giáo) vẫn còn rất nặng nề trong giới tri thức Đại Việt. Vậy nên những cuốn sách của các hiền nhân Đại Việt thường không được lưu giữ cẩn thận.
Thứ ba: Các sử gia quá chú trọng vào các biến cố quân sự, chính trị mà quên đi những sự kiện tri thức lớn.
Thứ tư: Lý do này thuộc về lịch sử. Tháng 9 năm 1406, lấy cớ đưa con cháu Nhà Trần về khôi phục lại vương triều, Nhà Minh sai Trương Phụ, Trần Húc đem 40 vạn quân đánh vào cửa ải Pha Lỹ, xâm lược Đại Việt. Sau những cuộc chiến kiên cường chống giặc, Hồ Quý Ly và các tướng lĩnh đều bị bắt. Sau khi thu hết sách vở, bia đá để đánh gục ý chí của Đại Việt, Trương Phụ bắt dân chúng Đại Việt đọc kinh sách Nho gia nhiều hơn nữa. Năm 1418, Nhà Minh cho rằng dân chúng vẫn cất giấu một số cuốn sách quý của các hiền nhân Đại Việt nên đã sai hai nhà nho là Đại Thanh và Hạ Truy mang quân lính đi truy tìm, tịch thu kỳ hết những cuốn sách đó. Dân chúng đành xé lẻ những cuốn sách đó ra, đọc thuộc lòng, hoặc đốt đi để sách khỏi rơi vào tay giặc.
Hiện tại, ngay cả tư liệu về cuộc đời các Trạng Nguyên cũng rất hiếm.
Nhưng một nền học vấn uyên áo như vậy không thể bị mất đi. Để nó mất đi tức là chúng ta đã đánh mất một phần tâm hồn, một phần ký ức của mình.
Chúng tôi quyết định phục dựng lại Nền học vấn đã mất dấu ấy qua những câu chuyện về thời đèn sách của các Trạng Nguyên. Qua các câu chuyện này, các bạn sẽ thấy trí tuệ, tư tưởng, ý chí của người Việt hình thành và phát triển thế nào!
Như chúng tôi đã đề cập đến, tư liệu về các Trạng nguyên còn rất ít. Chúng tôi thu thập tư liệu qua những nguồn sau:
Những tư liệu rời rạc đề cập đến các Trạng Nguyên trong các cuốn sách cổ
Một số tư liệu trong các cuốn gia phả của các dòng họ
Những khảo sát văn bia
Khảo cứu văn hóa dân gian về các vùng đất- nơi sinh ra các vị Trạng Nguyên
Sau những lý do (đã nêu trên) khiến cho nền học vấn Trạng Nguyên không được lưu lại rõ ràng, kiến thức, tư tưởng của các vị Trạng Nguyên bằng cách nào đó đã đi vào dân gian, biến thành kiến thức dân gian, tâm hồn dân gian.. tạo ra những hình thái sống của người Đại Việt.
Bộ sách chia làm hai phần, mỗi phần 7 cuốn. Phần đầu từ Trạng Nguyên Lê Văn Thịnh đến Trạng Nguyên Nghiêm Hoan. Phần sau, (Giai đoạn này đạo Công giáo bắt đầu có ảnh hưởng vào xã hội Đại Việt) bắt đầu từ Trạng Nguyên Đỗ Lý Khiêm đến Trạng Nguyên Trịnh Huệ.
Mặc dù đã lao động hết sức cẩn trọng, kỹ càng nhưng do những hạn chế khách quan, chúng tôi chắc chắn còn mắc phải nhiều thiếu sót. Chính vậy nên chúng tôi rất mong mỏi các nhà sử học, các nhà nghiên cứu văn hóa và bất kỳ đọc giả nào có những tư liệu mới, có cách minh định mới về đời sống, tinh thần của các Trạng Nguyên, xin hãy gửi cho chúng tôi theo địa chỉ của Nhà Xuất bản Trẻ trangnguyennxbtre@yahoo.com.vn; Hoặc địa chỉ hòm thư trangnguyenvietnam@gmail.com. Hi vọng với những đóng góp của quý vị, chúng ta sẽ có những văn bản tốt hơn trong những lần tái bản.
Lương Trọng Nghĩa
Trích từ Bào tuổi trẻ, Sách Trạng Nguyên Việt Nam, Nhóm Ban Mai http://teen.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=219580&ChannelID=371
Nguồn link: http://baiviet.vietnamgiapha.com/2011/04/trang-nguyen-viet-nam-va-mot-nen-hoc.html