đậu tương đen hữu cơ

Văn hóa - Dân tộc - Lịch sử

17:03 30/07/2011

Đạo Phật và dòng sử Việt: Đệ Tam Tổ - Tôn Giả Huyền Quang (1254-1334)

(TG&DT) - Ngài thường tháp tùng vua Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) nghe Đệ nhị tổ Pháp Loa giảng kinh. Từ đó ngài có ý định phát tâm xuất gia tu Đạo Giải Thoát. Niên hiệu Hưng Long thứ XIII năm Ất Tỵ (1305) đời vua Anh Tông, năm ấy ngài đã 51 tuổi dâng sớ lên vua xin từ quan, đi tu, đến ở chùa (núi) Vũ Ninh do Thiền sư Bảo Phác trụ trì, xin thế phát qui y.

Tôn giả họ Lý, tên Đạo Tái, sinh năm Giáp Dần, niên hiệu Nguyên Phong thứ IV (1254) đời vua Trần Thái Tông, chính quán: làng Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay là tỉnh Hà bắc). Thân phụ là Lý Tuệ Tổ, dòng dõi trâm anh thế phiệt, có công đánh giặc Chiêm Thành, nhưng không ra làm quan. Thân mẫu họ Lê là người hiền đức. Ngài có tướng mạo của bậc siêu nhân, bản tính thông minh, thuộc loại "sinh nhi tri tri", nên được cha mẹ yêu quí.

 

Niên hiệu Bảo Phù thứ II năm Giáp Tuất (1274) đời vua Thánh Tông, ngài tròn 20 tuổi, đỗ khoa thi Hương, và năm sau (1275) đậu thủ khoa kỳ thi Hội, được cử vào viện Hàn Lâm. Ngài thường phụng mệnh triều đình tiếp sứ thần phương bắc (Trung Hoa), nổi tiếng về văn thơ.

 

Khi chưa thi đỗ, cha mẹ có ý kén người đính hôn, nhưng gặp sự trắc trở mãi. Đến khi thi đậu thì các nhà phú quí dành nhau gả con gái cho, vua cũng gọi gả công chúa nhưng ngài đều từ chối. Vốn có con mắt của bậc siêu phàm, ngài chán ngán cảnh cao sang quyền quí, nhìn đời khác nào như là vàng mùa thu, mây trắng mùa hạ; tình người ấm lạnh:

 

"Khó khăn thì chẳng ai nhìn

Đến khi đỗ trạng trăm nghìn nhân duyên!"

 

Ngài thường tháp tùng vua Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) nghe Đệ nhị tổ Pháp Loa giảng kinh. Từ đó ngài có ý định phát tâm xuất gia tu Đạo Giải Thoát.

 

Niên hiệu Hưng Long thứ XIII năm Ất Tỵ (1305) đời vua Anh Tông, năm ấy ngài đã 51 tuổi dâng sớ lên vua xin từ quan, đi tu, đến ở chùa (núi) Vũ Ninh do Thiền sư Bảo Phác trụ trì, xin thế phát qui y.

 

Niên hiệu Hưng Long thứ XIV năm Bính Ngọ (1306), Đệ nhị tổ tôn giả Pháp Loa được lập làm giảng sư chùa Siêu Loại, theo sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, thì "… Huyền Quang cũng đi theo thiền sư Bảo Phác về dự lễ này. Trúc Lâm (tức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông) gặp lại Huyền Quang trong hình thái tăng sĩ rất mừng, biết Huyền Quang là một văn tài, liền đề nghị Bảo Phác để Huyền Quang lại phụ tá với mình. Từ đó, Huyền Quang tùy tòng Trúc Lâm trong 2 năm, bởi vì cuối năm 1308 thì Trúc Lâm tịch. Trong 2 năm đó, Trúc Lâm đã nhờ Huyền Quang soạn những sách thực dụng sau đây lưu hành trong giáo hội Trúc Lâm:

 

1/Chư Phẩm Kinh: tuyển tập của những phẩm kinh thiết yếu và thực dụng.

2/ Công Văn Tập: tuyển tập những bài văn sớ, điệp dùng trong các nghi lễ Phật Giáo.

3/ Thích Khoa Giáo: tập sách giáo khoa và Đạo Phật.

 

Tổ Gia Thực lục chép rằng "Trúc lâm rất bằng lòng bản thảo Thích Khoa Giáo, vua ngự bút phê như sau: "Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn hiệu khảo rồi thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa". Trúc Lâm liền bảo thợ cho khác chữ in những sách ấy. Các sách này hẳn cũng đã được đưa vào Đại Tạng Đời Trần. Huyền Quang cũng đã được Trúc Lâm cho đi vân du khắp nước thăm danh lam và thỉnh thoảng đăng đàn thuyết pháp. Có lần Huyền Quang được Trúc Lâm cho ngồi trên pháp tòa làm bằng trầm hương của mình để giảng kinh. Sau đó, ngài được Đệ nhị tổ Pháp Loa truyền tâm ấn, lập làm trụ trì chùa Vân Yên núi Yên Tử. Mến phục sức học quảng bác của ngài, tăng, ni theo về học đến khoảng 1000 vị. Chính trong thời gian này Huyền Quang sáng tác bài phú bằng chữ nôm vịnh chùa Hoa Yên gọi là Vịnh Hoa Yên Tử Phú. (Sđd, trang 401, 402)

 

Niên hiệu Hưng long thứ XXI, ngày rằm tháng giêng năm Quí Sửu, (1313), vua Anh Tông thỉnh ngài về chùa Báo Ân giảng kinh Lăng Nghiêm. Sau đó, ngài dâng sớ lên vua, xin về quê hương thăm cha mẹ. "Hồi đó ông đã 60 tuổi, muốn gần gũi hai vị trong một thời gian, ông đã lập một ngôi chùa ngay trong làng, sát mé tây nhà cha mẹ đặt tên là chùa Đại Bi. Nghe ông lập chùa, nhiều người ở kinh đô về ủng hộ. Ngày khánh thành chùa, ông mở pháp hội lớn, mời chư tăng bốn phương về tham dự. Hàng vạn người tham dự đại hội tổ chức bảy ngày bảy đêm. Những phẩm vật và tiền bạc dâng cúng, ông đem ra cúng dường chư tăng và tặng phát cho người nghèo khổ. Có lẽ pháp hội này được tổ chức  trong dịp đại lễ Vu Lan rằm tháng bảy, mùa báo hiếu cha mẹ". (VNPGSL trang 402)

 

Sau đó, ngài trở về ở chùa Thanh Mai trong 6 năm, rồi về trụ trì chùa Tư Phúc ở Côn Sơn giáo hóa đồ chúng. Ngài tịch ngày 23 tháng giêng năm Giáp Tuất (1334), trụ thế 80 năm. Vua Minh Tông phong tước hiệu là TRÚC LÂM ĐỆ TAM TỰ PHÁP HUYỀN QUANG TÔN GIẢ, và ngự bút đề tặng tôn giả bài thơ năm chữ dài 28 câu[292](xin xem chú thích)

 

Những tác phẩm của Ngài:

 

Ngọc Tiên Tập.

Chư Phẩm Kinh.

Công Văn Tập.

Phổ Tuệ Ngữ Lục.

Phụ Lục
Dưới đây chúng tôi trích ít bài thơ của ngài để độc giả cùng thưởng lãm

NHÂN SỰ ĐỀ CỨU LAN TỰ

Đức bạc thường tàm kế tổ đăng,

Không giao Hàn Thập khởi oan tăng.

Tranh như trục bạn qui sơn khử,

Điệp chướng trùng san vạn vạn tằng.

 

NHÂN CÓ VIỆC, ĐỀ Ở CHÙA CỨU LAN

Đức mỏng, thẹn thùng đèn tổ nối,

Luống cho Hàn, Thập nổi hờn căm.

Chi bằng theo bạn về non quách,

Núi dựng non che vạn vạn tầng.

Hoàng Trung Thông (TVLT, t2, q thượng)

AI PHÙ LỖ

Khóa huyết thư thành dục ký âm,

Cô phi hàn nhạn tái vân thâm.

Kỷ gia sầu đối kim tiêu nguyệt.

Lưỡng xứ mang nhiên nhất chủng tâm.

 

THƯƠNG TÊN GIẶC BỊ BẮT

Chích máu thành thơ mượn gửi lời

Lẻ loi nhạn lạnh, ải mù khơi

Đêm nay mấy kẻ sầu trăng nhỉ?

Xa cách, nhưng lòng chỉ một thôi

Huệ Chi (TVLT, t2, q thg)

CÚC HOA (3)

Vong thân vong thế dĩ đô vong,

Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương.

Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật,

Cúc hoa khai xứ tức trùng dương.

 

HOA CÚC

Sự đời quên cả chẳng lôi thôi

Chiếc chõng quanh năm bó gối ngồi

Ngày tháng chẳng còn sờ đến lịch

Thấy hoa cúc nở đoán thu rồi.

Nguyễn Trọng Thuật dịch

Quên mình, quên hết cuộc tang thương,

Ngồi lặng đìu hiu, mát cả giường.

Năm cuối trong rừng không có lịch,

Thấy hoa cúc nở biết trùng dương.

Theo Phan Võ (TVLT, t2, q thg)

CÚC HOA (6)

Xuân lai hoàng bạch các phương phi,

Ái diễm liên hương diệc tự thì.

Biến giới phồn hoa toàn trụy địa,

Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly

 

HOA CÚC

Xuân đến trăm hoa đua sắc thắm,

Một thời hương sắc kém chi nhau.

Vườn thu tàn tạ ngàn hoa rụng,

Riêng cúc đông ly vẫn được màu.

Băng Thanh (TVLT, t2 q. thg)

(Thơ viết về hoa cúc tất cà có sáu bài, nhưng ở đây chúng tôi chỉ trích hai bài làm điển hình).

 

DIÊN HỰU TỰ

Thượng phương du hạ nhất chung lan,

Nguyệt sắc như ba phong thụ đan.

Xi vẫn đảo miên phương kính lãng,

Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn.

Vạn duyên bất nhiễu thành già tục,

Bán điễm vô ưu nhãn phóng khoan.

Tham thấu thị phi bình đẳng tướng,

Ma cung Phật quốc hảo sinh quan.

 

CHÙA DIÊN HỰU

Đêm thu chùa thoảng tiếng chuông tàn,

Phong đỏ, trăng ngời, sóng nguyệt lan.

In ngược hình chim, gương nước lạnh,

Sẫm đôi bóng tháp, ngón tiêu hàn.

Muôn duyên chẳng vướng: xa trần tục,

Một mảy nào lo: rộng nhãn quan.

Thấu hiểu thị phi đều thế cả,

Dầu ma dầu Phật, chốn nào hơn.

Theo Huệ Chi Thơ Văn Lý Trần, tập 2 quyển thượng

XUÂN NHẬT TỨC SỰ

Nhị bát giai nhân thích tú trì,

Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.

Kha lân vô hạn thương xuân ý,

Tận tại đình châm bất ngữ thì..

 

TÚC CẢNH NGÀY XUÂN

Lỏng tay thêu gấm, gái yêu kiều,

Hoa rợp, oanh vàng lảnh lót kêu.

Bao nỗi thương xuân, thương biết mấy,

Là khi không nói, chợt dừng thêu.

Huệ Chi (TVLT), t2 q thg)

YÊN TỬ SƠN AM CƯ

Am bức thanh tiêu lãnh,

Môn khai vân thượng tằng.

Dĩ can Long động nhật,

Do xích Hổ khê băng.

Bão chuyết vô dư sách,

Phù suy hữu sấu đằng.

Trúc lâm đa túc điểu,

Quá ngọ bán nhàn tăng.

 

Ở AM NÚI YÊN TỬ

Am sát trời xanh lạnh,

Cửa mở trên tầng mây.

Động Rồng trời sáng bạch,

Khe Hổ lớp băng dầy.

Vụng dại mưu nào có,

Già nua gậy một cây.

Rừng tre chim chóc lắm,

Quá nửa bạn cùng thày.

Đỗ Văn Hỷ (TVLT, t2 q. thg)

CHU TRUNG

Nhất diệp biển chu hồ hải khách,

Xanh xuất vi hành phong thích thích.

Vi mang tứ cố vãn triều sinh,

Giang thủy liên thiên nhất âu bạch.

 

TRONG THUYỀN

Dấu khách giang hồ thuyền một lá,

Hàng lau lách gió chèo thong thả.

Bốn bề trông quạnh ngọn triền lên,

Nước biếc liền trời âu trắng xoá.

Đinh Văn Chấp (Tạp chí Nam Phong)

THẠCH THẤT

Bán gian thạch thất hòa vân trụ,

Nhất lĩnh xối y kinh tuế hàn.

Tăng tại thiền sàng kinh tại án,

Lô tàn cốt đột nhật tam can.

 

NHÀ ĐÁ

Nửa gian nhà đá, bạn cùng mây,

Tấm áo lông thô, lạnh tháng ngày.

Sư khểnh giường thiền, kinh trước án.

Lò tàn, than lụi, sáng nào hay.

Huệ Chi (TVLT, t2 q thg)

TRÚ MIÊN

Tổ phụ điền viên nhậm tự sừ,

Thiên thanh bàn khuất nhiễu ngô lư.

Mộc tê song ngoại thiên cưu tịch,

Nhất chẩm thanh phong trú mộng dư.

 

NGỦ NGÁY

Vườn tược cha ông mẵc sức cày,

Quanh nhà xanh nượp mấy ngàn cây.

Ngoài song, cành quê chim cưu vắng,

Gió mát, triền miên giấc ngủ ngày.

Kiều Thu Hoạch (Tạp chí Văn học)

VỊNH VÂN YÊN TỰ PHÚ

(Phú Vịnh Chùa Vân Yên)

Phiên âm:

Buông niềm trần tục;

Náu tới Vân Yên.

Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy;

Gió tiên đua đòi bước thần tiên.

Bầu đủng đỉnh dang hòa thế giới;

Hài thong thả dạo khắp sơn xuyên.

Đất phúc địa nhận xem luống kể, kể bao nhiêu dư trăm phúc địa;

Trời Thiền thiên thập thu thửa lạ, lạ hơn ba mươi sáu Thiền thiên.

Thấy đây;

Đất tựa vàng liền;

Cảnh bằng ngọc đúc.

Mây năm thức che phủ đền Nghiêu;

Núi nghìn tầng quanh co đường Thục.

La đá tầng thang dốc, một hòn ướm vịn một hòn;

Nước suối chảy làn sâu, đòi khúc những dò đòi khúc.

Cỏ chiều gió lướt, dợm vui vui;

Non tạnh mưa dầm, màu thúc thúc.

Ngàn cây phơi cánh phương, vườn thượng uyển đoá tốt rờn rờn;

Hang nước tuới hàm rồng, nhả ly châu hột săn mục mục.

Nhựa đông hổ phách, sáng khắp rừng thông;

Da điểm đồi mồi, gióng hòa vườn trúc.

Gác vẽ tiếng bồ lao thốc, gió vật đoành đoành;

Đền ngọc phiến bối diệp che, mưa tuôn túc túc.

Cảnh tốt hòa lành;

Đồ tựa vẽ tranh.

Chỉn ấy trời thiêng mẽ khéo;

Nhìn chi vua Bụt tu hành.

Hồ sen trương tán lục;

Suối trúc bấm đàn tranh.

Ngự sử mai hai hàng chầu rạp;

Trượng phu tùng mấy chạnh phò quanh.

Phỉ thúy sắp hai hàng loan phượng;

Tử vi bày liệt vị công khanh.

Chim chóc bạn cắn hoa nâng cúng;

Vượn bồng con kề cửa nghe kinh.

Nương am vắng Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu, mấy nhè nhẹ;

Kề song thưa thàt ngồi thiền định, trăng vằng vặc, núi xanh xanh.

Huống chi,

Vân thủy bằng lòng;

Yên hà phải thú.

Vui thay cảnh khác cảnh hoàng kim;

Trọng thay đường hơn đường cẩm tú.

Phân ân ái, am Não am Long;

Dứt nhân duyên, nàng Nường nàng Mụ.

Mặc cà sa nằm trướng giấy, màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương;

Quên ngọc thực bỏ hương giao, cắp nạnh cà một vò, tương một hũ.

Chốt tiết dương tiếng nhạc dõi truyền;

Voi la đá tính từ chẳng đố.

Xem phong cảnh hơn cảnh Bà roi;

Phóng tay cầu chưng cầu Thằng ngụ.

Bao nhiêu phong nguyệt, về cõi vô tâm;

Chơi dấu nước non, dưỡng đời thánh thọ.

Ta nay:

Ngồi đỉnh Vân Tiêu;

Cuỡi chơi Cánh Diều.

Coi đông sơn tựa hòn kim lục;

Xem đông hải tựa miệng con ngao.

Nức đài lan nghĩ hương đan quế;

Nghe Hằng Nga thiết khúc tiêu thiều.

Quán thất bảo vẽ bao Bụt hiện;

Áo lục thù tiếng gió tiên phiêu.

Thày tu trước đã nên Phật quả;

Tiểu tu sau còn vị tỳ khưu.

Thấy đây:

Hồ thiên lẻ tẻ;

Xem lâu có nhẹ.

Tuy rằng học đạo hư vọ;

Ngậm ngụt hỏi thiền ngôn nghĩ.

Mê một tấm lòng xét chẳng cùng;

Chác tắc bóng nghìn vàng còn rẻ.

Hẹn đến lâm tuyền làm bạn, oooo;

Bảo rằng ooo, o o o ừ hễ.

Đua khoái lạc, chân bước lăm chăm;

Nhuốm phồn hoa, đầu đà bạc tỷ.

Chẳng những vượn hạc thốt thề;

Lai phải cỏ hoa cười thỉ.

Từ đến đây!

Non nước đã quen;

Người từng mấy phen.

Đầu khách dễ nên biến bạc;

Mặt non hãy một xanh đen.

Hồ nước giá lụa là lọc nước;

Cửa tráu cây phên trúc cài theo.

Đàn khúc nhạc tiếng không tiêu đính;

Vỗ tay ca cách lễ tạ liền.

Lạ những ôi!

Tây Trúc đường nào;

Nam châu có mấy.

Non Linh thứu ai đem về đây;

Cảnh Phi lai mặt đà thấy đấy;

Vào chưng cõi thánh thênh thênh;

Thoát rẽ lòng phàm phây phấy.

Bao nhiêu phong nguyệt, thề thốt chẳng cùng;

Hễ cảnh giang sơn, ai nhìn thấy đấy.

Từ trước nhẫn sau;

Thấy sao chép vậy.

Kệ rằng:

Rũ không thay thảy ánh phồn hoa,

Lấy chốn thiền lâm làm cửa nhà.

Khuya sớm sáng chong đèn bát nhã,

Hôm mai rửa sạch nước ma ha.

Lòng thiền vặc vặc trăng soi giọi,

Thế sự hiu hiu gió thổi qua.

Cốc được tính ta nên Bụt thực,

Ngại chi non nước cảnh đường xa.

 


[292] Chú thích: Bài thơ của vua Trần Minh Tông kính tặng Tôn giả Huyền Quang. Phiên âm nguyên văn chữ Hán trong Thánh Đăng ngữ Lục.

Côn sơn đại đạo sư

Vị ngã tác phúc điền

Vương thần tất qui kính,

Phật đạo tục hoàn liên.

Pháp kế nhị tổ hậu,

Cứu cánh Uy Âm tiền.

Bất trứ văn tự tướng,

Diễn thuyết Như Lai thiền.

Bản lai vô đại tiểu,

Nhậm khí tùy phương viên,

Cố ngã hỏa thạch trung.

Cái thị hữu túc duyên,

Thân thường pháp nhũ vị,

Thân thể giác khinh tiên (tiện).

Tất thống hốt đả phá,

Bác huyệt dữ thất xuyên,

Tương vị hữu sở đắc,

Sở đắc hà vật yên?

Tương vị vô sở đắc,

Tham học phi đồ nhiên.

Sở đắc vô sở đắc,

Dục ngữ thù nan ngôn.

Ngôn ngữ ký nan đắc,

Thùy thụ phục thùy truyền.

Cát đằng diệc bất thiểu,

Như phọc cánh thiêm triền.

Chỉ chỉ.

Nhiên nhi bất đắc dĩ,

Đoạn kệ phục trùng tuyên.

Côn sơn bậc thầy lớn,

Làm "ruộng phúc" cho ta.

Vương hầu đều kính trọng,

Đạo Phật nối dài ra.

Tiếp pháp Đệ nhị tổ,

Rồi sẽ gặp Di Đà.

Chẳng nệ vào văn tự,

Nghĩa thiền vẫn nói ra.

Vẫn không có lớn, nhỏ,

Tròn, vuông tùy gọi là…

Nhà lửa ta, nhìn lại,

Với Phật, duyên đậm đà.

Nên từng nếm sữa pháp,

Thênh nhẹ tấm thân ta.

Tám lỗ với bảy khiếu,

Thùng sơn đập vỡ ra.

Có thể nói "sở đắc",

"Sở đắc" là chi mà?

Lại nói "không sở đắc",

Tham  thiền chớ bỏ qua.

Sở đắc, không sở đắc,

Muốn nói, khó nói ra.

Đã không nói ra được,

Ai học? Truyền cho ta?

Dây nẻo cũng chẳng ít,

Như trói chằng thịt da.

Thôi Thôi!

Nhưng vì bất đắc dĩ,

Kệ ngắn lại bày ra.

Bản dịch Trần Lê Văn

(trong TVLT t2 q. Thg trang 811, 812)

 

HT. Thích Đức Nhuận

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp