Kể cũng lạ, việc đánh thức Yên Tử không phải bởi các nhà khoa học, các nhà văn hóa, các nhà lãnh đạo, mà lại là… lâm tặc! Người dẫn đường cho tôi tên Phong, vốn là một lâm tặc, giờ đổi nghề đi lấy cây thuốc bán cho du khách. Hơn 20 năm lang bạt kiếm sống trong đại ngàn Yên Tử, nên Phong khá thuộc dãy núi này.
Loanh quanh cả buổi ở xã Thượng Yên Công, rồi tôi cũng thuê được một người dẫn đường, quyết đi vòng quanh dãy Yên Tử huyền bí.
Người dẫn đường cho tôi tên Phong, vốn là một lâm tặc, giờ đổi nghề đi lấy cây thuốc bán cho du khách. Hơn 20 năm lang bạt kiếm sống trong đại ngàn Yên Tử, nên Phong khá thuộc dãy núi này.
Theo lời Phong, độ 20 năm trước, đại ngàn Yên Tử còn rậm rạp, hoang vu lắm. Trong rừng chỉ có rải rác vài thiền sư ăn quả vả, uống nước lã, để tu hành khổ hạnh, một số người Dao đi đào măng, hái thuốc và… lâm tặc.
|
Con đường với hai hàng tùng cổ.
|
Phong cứ vỗ ngực tự hào, rằng không có đám lâm tặc như anh ta, thì không biết bao giờ non thiêng Yên Tử, với những giá trị lớn lao được đánh thức. Kể cũng lạ, việc đánh thức Yên Tử không phải bởi các nhà khoa học, các nhà văn hóa, các nhà lãnh đạo, mà lại là… lâm tặc!
Tuy nhiên, điều Phong nói cũng không hẳn sai. Cách đây chừng 20 năm gì đó, chính nhóm lâm tặc của Phong, cùng với những lâm tặc bên xã Lục Sơn (Lục Nam, Bắc Giang) phía sườn Tây Yên Tử, trong quá trình phát cây, mở đường, xẻ gỗ, đã phát hiện rất nhiều bậc đá, đường cổ, dẫn đến những ngôi chùa, am đá, với rặt là voi đá, ngựa đá, tượng đá, bia đá…
|
Lâm tặc đập vỡ tượng đá để tìm vàng. |
Thế nhưng, đám lâm tặc này không hiểu đó là di sản vô cùng kỳ vĩ, mà nghĩ rằng, đây là kho báu của “người Tàu”. Thế là, chẳng xẻ gỗ nữa, đám lục lâm thảo khấu này chuyển nghề… săn đồ cổ.
Với xà beng, cuốc, xẻng, họ rùng rùng kéo nhau vào rừng phá sập chùa cổ, đào đổ am đá, chặt đầu ngựa đá, voi đá để tìm… vàng bạc, đồ cổ.
Chẳng hiểu do ấu trĩ, hay nghe truyền thuyết gì về cách cất giữ kho báu, mà họ tin rằng, người xưa cất giữ châu báu trong những pho tượng. Thế là, chẳng pho tượng, linh vật nào còn nguyên vẹn cả. Họ chặt đầu, bổ bửa voi đá, ngựa đá, rùa đá, tượng đá, đập vỡ tung tóe bia đá 700 năm tuổi để tìm vận may.
|
Rồng đã cũng bị đập vỡ tan tành. |
Những ngôi tháp đá đẹp tuyền trần, nguyên vẹn, cổ kính, với những tảng đá xanh lớn được ghép khít, không thể phá nổi bằng xà beng, bùa rìu, thì chúng nhồi mìn tự tạo vào chân tháp và giật đổ. Vậy nên, chả ngôi tháp nào trong đại ngàn Yên Tử còn nguyên vẹn.
Khi các di sản 700 năm bị nhóm săn tìm đồ cổ phá hoại sạch sẽ, thì các nhà khoa học mới quan tâm, biết đến và xắn tay thống kê, khai quật, kẻ vẽ, tìm hiểu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Những di sản đó, những công trình đó các nhà khoa học đều biết đến trong sử sách, nhưng nó nằm ở đâu thì quả là phải nhờ đến… lâm tặc.
|
Di tích giữa đại ngàn Yên Tử chỉ còn là những đống đổ nát. |
Giờ lên đỉnh Yên Tử, du khách chỉ việc ngồi cáp treo, loáng cái đã đến chùa Hoa Yên. Ngày xưa, để lên đến chùa Hoa Yên, phải đi bộ ngót một ngày.
Chúng tôi không chọn đường du lịch với cáp treo hỗ trợ, mà đi theo con đường cổ mới được lâm tặc phát hiện. Con đường đó bắt đầu từ sau chùa Giải Oan, rồi cứ dọc suối mà đi.
Phong bảo, từ đây sẽ có nhiều hướng, nhưng có 2 hướng chính, một hướng sang Bắc Giang, một hướng về Đông Triều (Quảng Ninh). Đi sang Bắc Giang, rồi theo cánh cung dãy núi vòng về Đông Triều cũng được, sẽ bao quát hết dải Yên Tử hùng vĩ. Tôi đề xuất đi từ Uông Bí, vòng sang Bắc Giang rồi về vùng An Sinh, Đông Triều. Đi chừng 3-4 ngày thì hết dãy Yên Tử.
|
Tháp đá hiếm hoi còn nguyên vẹn trong rừng Yên Tử. |
Chuẩn bị đồ đạc, ba lô trĩu vai, chúng tôi lên đường. Theo lời Phong, cứ đi đến đâu hay đến đấy, bởi dãy Yên Tử mùa này thời tiết thất thường, khó đoán định được lộ trình. Nếu thời tiết thuận lợi, thì chỉ mất 3 ngày là xong hành trình, còn gặp mưa lớn và thú dữ, thì chưa biết khi nào mới xuống núi được.
Con đường tôi và Phong đi cỏ mọc rêu phong, dây leo bịt bùng lối. Du khách hầu như không biết đến con đường này. Đoạn đường được lát bằng đá có tuổi 700 năm. Xưa nó là con đường lâm tặc phát hiện ra, rồi cứ lần theo con đường này mà tìm ra cả một hệ thống am, tháp. Đến giờ, vẫn chẳng có ai đi con đường này ngoài những người đi hái thuốc.
Theo lời Phong, con đường này xưa kia có tên là Xích Tùng, bởi hai bên đường rợp bóng tùng. Giờ tùng không còn rợp bóng hai bên đường, nhưng rải rác vẫn có những cây tùng cổ thụ, cao vượt hẳn tán rừng. Phong bảo, tổng cộng còn 10 cây tùng cổ ở dọc con đường này, cây nào cây nấy to 2-3 người ôm.
|
Phần còn lại của am Dược. |
Đi đến chồn chân thì Phong bảo đã đến nơi… vua tắm. Chẳng hiểu có phải đây là nơi vua Trần Nhân Tông tắm táp gột rửa bụi trần trước khi nhập am thiền định hay không, nhưng nó có tên thác Ngự Dội.
Và cách thác Ngự Dội không xa là phế tích với nền đá rêu phong của am Thiền Định, nơi Ngài ngồi nhập định, tham thiền.
Thật đáng tiếc, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông ngồi tu tập thành chính quả giờ chỉ còn những chân tường đá, với rừng trúc bạt ngàn bao quanh, phủ kín. Trúc lách qua những kẽ đá nền am để chòi lên.
Đi một đoạn nữa thì đến một con suối lạ, với màu nước vàng óng. Ánh nắng yếu ớt xuyên qua kẽ lá, phản chiếu ánh lấp lánh như thể dòng nước pha bột vàng.
Không hiểu vì sao nước dưới con suối này lại có màu vàng. Phong bảo, những người đi rừng thường giặt quần áo dưới suối, chẳng cần bột giặt mà vẫn rất sạch. Nhiều người sợ trong nước có hóa chất, nên không dám uống, nhưng Phong uống thử nhiều lần, thấy nước mát lạnh, không có vị lạ gì.
|
Di chỉ đổ nát giữa đại ngàn. |
Đứng trên vách núi cách thác Vàng không xa nhìn xuống phía Đông mới thấy vị vua triều Trần xưa kia bố trí cảnh quan thật tài tình.
Các am, tháp, chùa chiền được bố trí theo hai trục dọc và ngang, cắt nhau ở chùa Hoa Yên. Trục dọc theo lối du khách hiện đang đi từ chân núi lên chùa Đồng, còn trục ngang đã bị thời gian 700 năm bít lối.
Dọc theo trục ngang về phía Đông từng có những di tích mang đậm màu sắc huyền bí, giờ chỉ còn là đống đổ nát. Đó là am Dược Tiên, am Hoa, am Diêm.
Theo sử sách, am Hoa, hay còn gọi là am Thung, là nơi bào chế thuốc, còn am Dược cách đó không xa, là nơi trồng thuốc. Xung quanh khu vực am Dược chỉ còn lại bức tường đá, vẫn còn rất nhiều cây thuốc, trong đó, đặc biệt quý là loại sâm nam. Đến mùa xuân, người dân quanh vùng vẫn lên khu vực am Dược khai thác.
Tại am Dược và am Hoa, những viên thuốc Hồng Ngọc Sương quý hiếm lưu danh sử sách được chế biến để chữa bệnh cho các thiền sư tu hành ở Yên Sơn và cung cấp cho triều đình ban phát cứu dân khỏi những phen dịch bệnh.
Dọc con đường Xích Tùng cổ không còn người đi này, thấp thoáng dưới những bóng tùng là những mộ tháp của các vị thiền sư đã viên tịch ở đây. Hầu hết các mộ tháp đã bị bọn trộm cổ vật đào rỗng ruột đổ nghiêng ngả, hoặc bị giật mìn vỡ tung tóe.
Chúng tôi cứ nhằm hướng Tây mà đi. Những con đường mòn cứ mờ dần, rồi biết mất trong đại ngàn hoang thẳm. Rừng rú rậm rạp, mặt trời đã ngấp nghé phía Bắc Giang, mà chẳng thấy lối đi nào cả.
Mấy năm qua Phong không vào rừng theo hướng này, lâm tặc thì cũng đã phá hết gỗ quý, không đi lại nữa, nên những con đường mòn biến mất bởi dây leo, cỏ dại. Loay hoay một lát, không tìm được đường đi tiếp, chúng tôi đành quay trở lại.
Còn tiếp…
Nguồn link: http://vtc.vn/395-310835/phong-su-kham-pha/phong-su/nhung-di-san-hoang-phe-tuyet-dep-trong-dai-ngan-yen-tu.htm
Phạm Ngọc Dương