Theo truyền thống làng Đình Bảng, Bắc Ninh, vào ngày 10-10 âm lịch là ngày lễ tảo mộ hàng năm các lăng mộ của chư vị minh quân Thánh triết Lý triều, ngày linh thiêng của các thế hệ hậu duệ đức Thánh vương Lý Thái Tổ không thể nào quên cội nguồn, và dân bản địa cũng như khách thập phương các nơi về viếng thăm và dâng hoa, thắp nén tâm hương tưởng niệm sâu sắc công đức tiền nhân, ý thức trách nhiệm của mình đối với các Ngài... Bên cạnh khu Di tích Lịch sử-Văn hóa Đền Đô, còn có một quần thể di tích nổi tiếng với bề dày nghìn năm lịch sử, đó là Thọ Lăng Thiên Đức “Sơn Lăng Cấm Địa”, nơi yên nghỉ của chư vị minh quân Thánh triết Lý triều, thuộc thôn Cao Lâm, có rừng Báng cổ xưa, nay dấu tích này mới tạo dựng bia và miếu thờ sau kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Thọ Lăng Thiên Đức có 8 ngôi lăng mộ, là nơi yên nghỉ của bát Đế triều Lý. Ngoài ra còn có lăng Lý Thánh Mẫu, lăng Hoàng Thái hậu Phi ỷ Lan, lăng nữ vương Lý Chiêu Hoàng.
Khu Sơn Lăng Cấm Địa có 8 đường cao và 8 dọc nước, từ trên cao nhìn xuống, tựa như những đầu rồng, còn được gọi là Thiên Long Bát bộ (天龍八部), cùng chầu vào Lăng Phát Tích, nơi an nghỉ của Lý Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái Hậu Phạm Thị. Toàn bộ khu lăng rộng 180m, dài 1.400m, hình bầu dục. Đặc biệt Lăng Thánh vương Lý Thái Tổ hình lòng chảo.
Trước khi băng hà, Thánh vương Lý Thái Tổ đã di chúc rằng : “Các Lăng không cần xây vật liệu gạch, đá, để đỡ tổn phí tiền bạc và công sức của nhân dân. Lăng chỉ đắp bằng đất, Quân lính và thường dân nếu có thương nhớ vua thì lấy đất đắp lên, càng cao càng quý. Khi lăng cao, cỏ mọc nhiều thì trâu bò sẽ có thức ăn trở nên béo khoẻ, phục vụ cày cấy ruộng cho nhân dân. Lăng còn là nơi vui chơi của trẻ mục đồng, ngày ngày đến lăng các em sẽ nhớ tới các vị tiền nhân, trở thành người có ích cho đất nước…” theo lời người xưa truyền lại, lăng chỉ xây miếu, sau đó phủ đất lên trên.
Nơi yên nghỉ của chư vị minh quân Thánh triết Lý triều từ bao đời nay, đã trơ gan cùng tuế nguyệt, thăng trầm biến đổi theo thời cuộc, và những cơn binh lửa chiến tranh nhưng vẫn được người dân chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn cẩn thận. Kỷ niệm 1000 Thăng Long, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng thêm trước mỗi mộ vua một gian thờ nhỏ và xây tường gạch bao quanh, trên mộ có dựng tấm bia hai mặt chữ Quốc ngữ và chữ Nho khắc chữ ghi miếu hiệu, tên húy, thời gian ở ngôi báu, tuổi thọ và ngày giỗ của các vua triều Lý.
Ngày tảo mộ chư vị minh quân Thánh triết Lý triều ngay trong thời gian khai mạc Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012 – 2017. Chúng tôi cùng Đạo hữu Đạo diễn, Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Văn Lượng (Đạo hữu chuẩn bị sản xuẩt bộ phim truyền hình sử thi dài 45 tập về Phật hoàng Trần Nhân Tông), Đạo hữu Lê Tuyết -Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam cùng Ban quản lý khu di tích Đền Lý bát Đế dâng hương hoa, thắp nén tâm hương tưởng niệm các chư vị Tiên Đế và cầu nguyện cho đất nước bình an thịnh vượng, đạo pháp trường minh.
Đến Sơn Lăng Cấm Địa, chúng ta sẽ không thể nào quên bởi đã được thăm viếng nơi yên nghỉ của các vị tiền nhân, tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của chư vị minh quân Thánh triết Lý triều suốt đời cống hiến, phụng sự cho đạo pháp, mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc, và giáo dục truyền thống yêu nước cho con cháu mai sau. Nơi đây còn tạo cho chúng ta cảm giác thanh thản, dễ chịu bởi sự yên tĩnh, không khí trong lành, đồng ruộng xanh, hoa quả tươi ngon, quanh năm toả ánh hào quang liệt vị tiền nhân và chim muông mãi hót vang ca :
Lý Thái Tổ xuất thân học Phật,
Lấy đức lành dạy bảo dân yên,
Lẫy lừng, phạt Tống bình Chiêm;
Mấy trăm năm Lý, văn minh rạng ngời.