Vào ngày Rằm tháng 2 năm Quý Tỵ (26.03.2013), Thầy Thích Huệ Tâm trụ trì Phù Dung Cổ Tự cùng tứ chúng phật tử địa phương, thành tâm tổ chức lễ tưởng niệm ngày viên tịch của Sư nữ Phù Cừ lần thứ 252 (1720-1761), bậc tiền bối, góp phần cho đất Hà Tiên “Huyền ca văn hiến” từ thuở khai cơ lập nghiệp, vùng đất đầy phù sa, biên cương tổ quốc.
Trân trọng kính ôn lại hành trạng của Sư nữ
để soi đường dẫn bước cho thế hệ mai sau.
TIỂU SỬ SƯ NỮ PHÙ CỪ
(1720-1761)
Sư nữ Phù Cừ tục danh Nguyễn Thị Xuân sinh năm Canh Tuất (1720) tại tỉnh Thanh Hóa, con một vị di thần nhà Lê là cụ ông Nguyễn Đình Tú hiệu là Long Thu (Tựu ?) (Nguyễn Nghi Tiên sinh).
Sau cuộc chiến thảm khốc biên cương Ai Lao, do bọn giặc Sa Tốt đến cướp phá, tàn sát dân lành, mẫu thân Thị Xuân bị chung số phận chết thảm. Thế là Thị Xuân và người anh trai tên Nguyễn Đính phải chịu cảnh mồ côi mẹ hiền, còn Nguyễn Nghi tiên sinh phải chịu cảnh gà trống nuôi con. Lúc bấy giờ Thị Xuân vừa lên 10 tuổi, phải cải trang nam nhi theo cha và người anh trai vào Nam lánh nạn.
Ba cha con giăng buồm, cùng nhau vượt biển xuôi thuyền về phương Nam vùng đất mới, cực Nam tổ quốc, biên cương Miên-Việt, được Quốc Công Mạc Cửu tiếp đãi trọng hậu, sau đó được mời lưu lại Trấn Phủ Hà Tiên làm gia sư truyền dạy thơ văn, võ nghệ cho công tử Mạc Tứ, người con trai yêu quý nhất của Mạc Quốc công.
Xuân, Hạ, Thu, Đông theo luật tuần hoàn, Thị Xuân trưởng thành theo năm tháng trong vòng tay êm ấm của cha anh, lại được gần thiện hữu tri thức, thuận duyên trong việc học thơ văn, võ nghệ, Thị Xuân ngày trở nên thông minh bén nhạy, ngoại hiện Công, Dung, Ngôn, Hạnh tứ đức vẹn toàn, trong thì tiềm ẩn biệt tài Thi phú. Tuy nhiên nàng vẫn phải dấu mình trong lớp áo thư sinh để tiện việc đèn sách ôn luyện sử thi, đạo lý Thánh hiền.
Năm Ất Mão (1735) Quốc công Mạc Cửu từ trần, được chúa Hiếu Ninh vương Đinh Quốc Công ban chỉ sắc tặng cho Mạc Cửu chức Khai trấn thường trụ quốc đại tướng quân, Vũ Nghi công, Cửu Lộc hầu và sắc phong cho Mạc Tứ chức Tổng binh Khâm sai Đại Đô đốc Hà Tiên trấn. Từ nay Công tử Mạc Tứ mới đổi tên là Mạc Thiên Tích.
Đầu xuân năm Bính Thìn (1736) nhân ngày Khánh hạ, Tổng binh Khâm sai Đại Đô đốc Hà Tiên trấn, bố cáo cho toàn thể nhân dân trong Trấn được thưởng Xuân, vui Tết trong suốt hai tuần, kể từ Tết Nguyên Đán cho đến Tết Nguyên Tiêu. Đặc biệt đêm Nguyên Tiêu (Rằm tháng giêng âm lịch), Tổng binh Khâm sai Đại Đô đốc Hà Tiên trấn, tổ chức Hội Hoa Đăng tại Đông Hồ Ấn Nguyệt và khai mạc Tao Đàn Chiêu Anh Các, triệu tập các bậc văn hào, thi nhân nghệ sĩ được dịp nhả ngọc phun châu thi tài ứng đối.
Trong đêm khai mạc Tao đàn Chiêu Anh Các, Thị Xuân vẫn trong lớp áo nam nhi thư sinh khôi ngô tuấn tú, trước các vị tiền bối thi hào, văn nghệ sĩ trí thức, Thị Xuân đã hoàn thành xuất sắc theo đúng chủ đề của Mạc Tổng trấn đồng thời cũng là Nguyên Soái Tao Đàn đề ra: Nguyên Dạ Qua Đăng, Chiêu Anh Thắng Hội. Thị Xuân hạ bút thảo bài thơ Nôm :
Đêm xuân hội mở tuần trăng mới,
Áo gấm thanh vân phô điện tích,
Đây Chiêu Anh Các ngời châu ngọc;
Non nước thần tiên mừng có Chủ.
Đốt quả đèn dưa sánh ánh trăng,
Lòng son đơn quế dãi cung hằng,
Kìa quản Hàn Cung rạng tuyết băng;
Cỏ nhàn mừng tỏ mặt Qua Đăng.
Theo yêu cầu của Mạc Tổng trấn, Thị Xuân lại ngâm nga tiếp :”Hà Tiên Thập Vịnh” bằng thể thơ Hán Nôm do chính Mạc Tổng trấn vừa mới sáng tác, khiến cho toàn thể hội chúng Tao Đàn Chiêu Anh Các ngạc nhiên thán phục, không những vị thư sinh có dáng nhu hòa khả ái, lại còn có giọng ngâm lảnh lót như chim Ca Lăng Tần Già, nhất là vị Nguyên Soái Tao Đàn lại càng bất ngờ trước tài ứng đối nhanh nhẹn thần tốc như ánh chớp, điện xẹt. Cũng từ đêm ấyMạc Tổng trấn đã phát hiện, giai nhân kiệt tác đã lộ chân tướng phận nữ nhi tuổi xuân sắc tròn 16 trăng thanh.
Sau khi phát hiện một giai nhân kiệt tác, tài sắc vẹn toàn, Tổng binh Khâm sai Đại Đô đốc Hà Tiên trấn, sắm lễ vật xin cưới nàng làm thứ thiếp. Thị Xuân bao ngày suy nghĩ : “Mình nên chấp thuận cuộc hôn nhân này, để có cơ hội gần gũi trợ duyên một học trò ưu tú của cha mình, một bạn học xuất sắc cùng thầy, một Tướng công văn võ kiêm toàn, người có tài thao lược trấn biên giữ ải, góp phần Tốt đời đẹp Đạo, nước thịnh an dân, nơi vùng đất mới cực Nam biên cương tổ quốc.”
Sau tiết Đoan dương năm Đinh Tỵ (1737) việc tiến nạp Phù Cừ kể như đã định. Nhưng vì 3 năm thọ tang của cố khai trấn Mạc Cửu, cũng như trong thời gian này Mạc tướng công xây dựng một biệt viện cho Thị Xuân, cho nên đến thượng nguơn năm Mậu Ngọ (1738) thì lễ nghinh hôn mới tiến hành.
Được sự chấp thuận của phụ thân, cuộc hôn nhân tiến hành, lễ Tân Hôn tổ chức tại một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ mang tên Điệp Thúy Lầu dưới chân dãy Bình Sơn Điệp Thúy, mặt tiền hướng về Đông Hồ Ấn Nguyệt, trước lâu đài có một Tịnh Thủy Hồ với tên gọi Bửu Nguyệt Liên Trì, trồng toàn sen trắng, trên mặt hồ xây dựng một tòa Thủy tạ có tên là Hương Viễn Kiều nằm uốn mình vắt ngang nối ngay giữa hai tòa lầu tô điểm thêm phần trang nhã cho đài Điệp Thúy Lầu.
Thế là từ đây Thị Xuân đã kết tóc se duyên cùng vị Tổng trấn Hà Tiên, nàng được yêu quý với tên thường gọi Ái Cơ. Cuộc tình của nàng được dệt toàn bằng Thơ vịnh, Thi phú, êm đềm như một điệp khúc tình ca diễm tuyệt. Đánh dấu một thời Huyền ca Văn hiến nơi biên cương cực Nam tổ quốc.
Một hôm khi từ dinh trấn trở về, Mạc tướng công chợt bắt gặp Ái Cơ cùng thị nữ Tố Liên đang tung tăng trên chiếc thuyền con để hái sen trong Bửu Nguyệt Liên Trì, Mạc tướng công liền dùng một chiếc thẻ đề bốn chữ :
”Bất kiến hoa chiểu” có nghĩa là : “chẳng thấy hoa nở” cắm trên bờ hồ, rồi trở về Điệp Thúy lầu ngồi chờ nàng. Ái Cơ hái sen xong nhìn thấy dòng chữ trên thẻ, liền hiểu ý Mạc tướng công, bỗng nhớ lại bài cổ thi :
Phù dung hoa phát mãn giang hồng,
Tận đạo phù dung thắng thiếp dung;
Tạc nhật thiếp tùng đê thượng khứ;
Như hà nhơn bất kiến phù dung ?
Nghĩa là :
Bên sông sen nở nhiều hoa,
Người khen hoa đẹp nỏn nà hơn em,
Trên bờ em đứng em xem;
Mọi người sao bỗng không thèm nhìn hoa?
Bài thơ tứ tuyệt ý nghĩa quá kiêu kỳ diễm lệ, nàng Ái Cơ quay về thư phòng lấy bút nghiên thảo thư pháp với nét chữ thảo, linh động như rồng bay phụng múa, bài thơ theo thể ngụ ngôn tứ tuyệt dâng lên Mạc tướng công :
Mảng chiếu phù dung phát,
Hoa dung dù thiếp dung,
Hữu nhơn đê thượng quá;
Bất kiến hoa chiếu trung?
Nghiã là :
Mặt ao sen nở khắp,
Trong hoa lẫn bóng người,
Trên bờ ai đứng ngắm;
Sao chẳng thấy hoa tươi?
Vào những đêm thưởng nguyệt, trà đạo đối ẩm, hai người ngẫu hứng ngâm nga bài thơ Nôm theo thể Cổ Phong :
Là hoa là trăng hay là sương,
Trong trăng trong sương trộn lẫn hương,
Hương sương hương trăng hay hương hoa;
Tất cả đều là hương tiêu ngay,
Hoa đó hương đó trăng là đó;
Hoa nhờ sương tươi nhờ trăng tỏ.
Đêm trăng thanh gió mát, đối ẩm trà đạo đến khuya, trong lúc Ái Cơ mời Mạc tướng công dùng bát cháo trắng với trứng vịt muối, thấy quả trứng bổ làm đôi, Mạc tướng công ngẫu hứng thảo ngay câu đối :
Phá noãn tợ thuyền,
Mảng tải hoàng kim bạch ngọc.
Nghĩa là :
Chẻ đôi quả trứng vành khuyên
Trông như đầy ắp con thuyền ngọc châu.
Vừa nhìn nét thần bút của Mạc tướng công vừa thảo một câu còn đọng nét mực tàu, nhìn thấy chiếc đèn lung linh đong đưa theo chiều gió, hòa cùng ánh trăng thanh tỏa sáng trên nền trời, cùng hương trầm thoang thoảng mùi hương, Ái Cơ liền thảo ngay vế đối thứ hai :
Chế qua vi nguyệt,
cao huyền tố phách đơn tâm.
Nghĩa là :
Đèn dưa ví tợ trăng vàng
Lung linh ánh nguyệt trong ngần lòng son.
Những tưởng cuộc tình kết tóc se duyên đến răng long, tóc bạc, nào ngờ :
Tình đời bến mộng mênh mông;
Cuộc đời xoay chuyển như trong bàn cờ.
Sau những lần biến nạn, giai nhân kiệt tác đã thức tỉnh, ngộ lý vô thường, huyễn hóa của kiếp nhân sinh, nàng Thị Xuân quyết tìm đường giải thoát, theo đường giác ngộ của Phật pháp và khẩn thiết xin đoạn tuyệt duyên thơ với Mạc tướng công.
Biết không lay chuyển được ý nguyện tu học Phật pháp của Ái Cơ yêu quý, Mạc tướng công nén lòng xúc cảm gật đầu ưng thuận cho nàng thỏa nguyện quyết chí tu hành.
Từ đó bà thọ Bồ tát giới hiệu Phù Cừ trụ trì ngôi Am Tự do Mạc tướng công xây dựng (sau này đổi thành Phù Dung Cổ Tự), gắn liền với biên cương tổ quốc và được nhân gian truyền tụng :
Hà Tiên xứ Phật người Hiền;
Bởi bước đầu tiền nhân mở đất, trước dựng chùa, sau mới an cư lạc nghiệp cho dân.
Phù Cừ chủ nhân ngôi Am Tự này là vị Sư nữ thọ giới Bồ tát đầu tiên của xứ Huyền Ca Văn Hiến.
Vị sư nữ Phù Cừ là một trong những sứ giả Như Lai cùng chư tôn đức Tăng già và các quan lại thọ Bồ tát giới đã theo gót chân của các bậc Thánh triết, Hiền nhân đi trước vào thời Lý, Trần; dùng chủ nghĩa Từ bi, hiện thực lý tưởng Bồ tát đạo, Quốc sách an dân kiện toàn trong mọi lĩnh vực.
Sư nữ Phù Cừ cùng bước song hành với đoàn người đi mở đất, dưới sự chủ trương của Quốc Chúa Bồ tát Nguyễn Phúc Chu, chủ trương lấy tinh thần Phật pháp định hướng cho đời sống dân tộc, mở đất phương Nam bằng con đường Phật giáo, đến đâu đều dựng chùa thỉnh Cao Tăng đắc đạo trụ trì tụ khí thiêng, sau đó mới di dân và định canh, an cư lạc nghiệp cho dân.
Phật giáo đã gieo mầm tuệ giác trên vùng đất mới đầy phù sa. Duyên Bồ đề quyến thuộc gặp nhau, Việt-Hoa-Miên cùng chung sống trong ánh đạo vàng Từ bi Trí tuệ, để niềm tin Phật nở trong lòng người xa xứ theo âm điệu mõ sớm chuông chiều :
Đây chùa đây Phật, đây mõ sớm chuông chiều, nhắn nhủ khách trần về nẻo giác;
Này trăng này gió, này kinh vàng kệ ngọc, khuyên răn người tục bỏ đường mê.
Bao nhiêu năm nơi chốn thiền môn kinh kệ, tham thiền nhập định, tỏ ngộ chân tâm Phật tánh. Quán nhân duyên Ta bà quả mãn, hóa duyên ký tất, Sư nữ Phù Cừ bảo thị giả lấy giấy mực, bút nghiên đến, bà nhanh nhẹn thảo bài kệ :
Xuất xứ trần nê cảnh giới tiền,
Ung dương thanh bạch đối viêm thiên,
Xuân thu nùng đạm quần phương phố;
Cao khiết hà như dạ chiếu liên.
(Vươn khỏi bùn nhơ thoát vươn lên,
Phô long trong trắng giữa thiên nhiên,
Xuân Thu đậm nhạt bao hồng tía;
Đừng sánh thanh cao với đóa sen).
Thuyết kệ xong bà cho thắp hương, xông trầm, chuyển chuông trống Bát Nhã, thành tâm kính tưởng niệm ngày Phật Thích Ca nhập Niết Bàn lần thứ 2304. Sau đó Sư nữ an nhiên thị tịch vào ngày rằm tháng 02 đầu xuân Tân Tỵ (1761).
Hưởng dương 41 Xuân.
Hơn thập niên nhập Thiền môn.
Nhục thân Sư nữ an táng dưới chân Bình San Điệp Thúy, bên tả Phù Dung Cổ Tự hiện nay.
Du khách tài hoa tao nhân mặc khách mỗi khi đến kính viếng Phù Dung Cổ Tự, thắp ba nén hương trước mộ Sư nữ thường ngâm nga :
Ngó lên Am Tự Phù Cừ,
Thương cho người ngọc giã từ lầu son.
Về đây nương chốn Thiền môn,
Tay lần chuổi hạt cho mòn ngày xanh,
Duyên xưa chẳng bận chi tình
Bụi trần chi để vương cành hoa sen
Nước trong không lựa đánh phèn
Cửa Thiền thanh tịnh não phiền sạch không.
Nam mô Phù Dung đường thượng, Khai sơn tạo Tự, Thọ Bồ tát giới pháp húy Phù Cừ, Giác linh liên hoa tọa hạ.
Thích Vân Phong