Nước Lào với Phật giáo là quốc đạo, con người đôn hậu hiền hòa. Trong con mắt của những người đi thu nhặt các "linh hồn" - đây là mảnh đất tiềm năng và béo bở, do vậy họ dốc sức truyền đạo và "cải đạo". Bài viết này cũng là "món quà" gửi đến những ai còn thao thức về tiền đồ Phật giáo và truyền thống dân tộc Việt, xin đừng "mũ ni che tai" trước thực tế. TG & DT đăng lại bài viết của LM Trần Xuân Nhàn trên Vietcatholic.org để bạn đọc theo dõi.
Trong mỗi chuyến đi thăm anh chị em Legio Mariae tại đất nước Lào, chúng tôi lại có dịp để suy tư đến công việc truyền giáo của các cha thừa sai Paris & Dòng O.M.I., Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ (The Missionary Oblates of Mary Immaculate), họ đã hiện diện và để lại những dấu tích Đức Tin dũng cảm, không chỉ bằng lời rao giảng mà dùng máu đào để tô điểm cho giang sơn Lào có nét đẹp như hôm nay.
Ngoài lịch trình công tác, chúng tôi ghé vài danh lam thắng cảnh, thăm số buôn làng công giáo xa xôi trong miền quê hẻo lánh, các vùng núi thường nằm giáp Việt nam đó là những vùng truyền giáo của các cha Hội Thừa sai Paris. Hai đất nước Việt Nam – Lào có vị trí địa lý liền núi, liền sông dẫn đến việc cộng đồng người Việt ở Lào chiếm số lượng đông nhất trong các cộng đồng người nước ngoài ở Lào và cũng rất thuận tiện cho các nhà truyền giáo từ Việt qua Lào, trong những cuộc bắt đạo ráo riết tại đất nước này, có một số linh mục rút về vùng cao nguyên nơi các xứ đạo của giáo phận Vinh để trú ẩn, một số cha bị dẫn độ về tới sông Ngàn Sâu thì bị chết ở đó, khi giáo dân phát hiện xác thánh đã đem về an táng nay còn mộ địa của các ngài tại xứ Vinh Hội, Hương Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh.
Các vị Tử đạo tại nước Lào
1. Lm. Giuse Thạo Tiến (người Lào), sinh 5.12.1918 ở Mường Xôi, Hủa Phăn; học tại Hữu Lễ (Thanh Hoá), ĐCV Liễu Giai (Hà Nội), ĐCV Sài Gòn; tử vì đạo tại Ta Lang, Hủa Phăn, 2.6.1954
2. Lm. Gioan-B. Malo Lộc, M.E.P., sinh 1899 tại Pháp, thừa sai tại Trung Quốc, rồi tại Tha-Khék; tử vì đạo trên sông Ngàn Sâu, Hà Tĩnh, 28.3.1954
3. Lm. Rơnê Dubroux Đức, M.E.P., Bản Pa-lay, Chăm-pa-xắc, 1914-1959
4. Giáo lí viên Phaolô Đào Hùng (người Hmông), Kiu-ca-chăm, 1941-1960
5. Lm. Mariô Borzaga Gia, O.M.I., Kiu-ca-chăm, Luông Pha-băng, 1932-1960
6. Lm. Lu-y Leroy Vương, O.M.I., Bản Pha, Xiêng Khoảng, 1923-1961
7. Lm. Micae Coquelet Liệu, O.M.I., Sốp Xiêng, Xiêng Khoảng, 1931-1961
8. Giao lí viên Giuse Vũ Thái (người Thái Lan), Xa-vẳn-nạ-khệt, 1933-1961
9. Lm. Nô-en Tenaud Tấn, M.E.P., Xa-vẳn-nạ-khệt, 1904-1961
10. Lm. Vinh Sơn L’Hénoret Lĩnh, O.M.I., Bản Ban, Xiêng Khoảng, 1921-1961
11. Lm. Mạc-xen Denis Định, M.E.P., Khăm Muộn, 1919-1961
12. Lm. Gioan Wauthier Thiệu, O.M.I., Bản Na, Xiêng Khoảng, 1926-1967
13. Cậu Tôma Khâm Phương (ng. Lavên), Pắk Song, Chăm-pa-xắc, 1952-1968
14. Lm. Luxian Galan Lâm, M.E.P., Pắk Song, Chăm-pa-xắc, 1921-1968
15. Lm. Giuse Boissel Sơn, O.M.I., Hạt Y-ệt, Bô-li-khăm-xay, 1909-1969
16. Giao lí viên Luca Đức Hy (ng. Khơmú), Đen Đin, Viêng Chăn, 1938-1970
17. Trưởng họ đạo Mai Xam ‘Bố Nhân Bình’ (ng. Khơmú), Đen Đin, 1934-1970
Đất nước Lào cũng là nơi “tha hương cầu thực” cho người Việt vào những năm đói của thể kỷ trước như năm 1945 & năm 1954. Trong thời kỳ Pháp thuộc, một bộ phận dân các tỉnh miền Trung, miền Bắc đã di cư sang Lào sinh cơ lập nghiệp, một số người Việt đã quyết định ở lại gắn bó cuộc đời với miền đất này, một số đông ở vùng quê không còn biết tiếng Việt, vì đã trải qua nhiều thế hệ và có khoảng 20.000 người và tiếp tục được bổ sung, đa số sống ở Thủ đô và các thành phố lớn như Viêng Chăn (6.000 người), Champasac (5.000 người), Savannakhet (3.000 người), Khammuon (2.000 người)… Bà con Việt kiều ở Thủ đô Viêng Chăn nói chung và ở các tỉnh có đông đảo bà con Việt kiều sinh sống như Parkse, Luông Pha Băng (cố đô Lào). Ở Thủ đô Viêng Chăn, trường Tiểu học Nguyễn Du đã được nâng cấp lên thành trường trung học khang trang, sạch đẹp, hiện đại vào bậc nhất của Thủ đô Viêng Chăn. Bắt đầu từ niên khóa 2008-2009. Hiện nay con số người Việt lao động tại Lào gần như tăng gấp đôi con số người Việt đinh cư.
Các cộng đồng Công giáo ở Lào sống gắn bó với nhau, tại nhà thờ chính tòa giáo phận Viêng-chăn - Đức Giám Mục Jean Khamsé Vithavong, O.M.I., mỗi chúa nhật dâng lễ bằng 3 thứ tiếng, Lào, Anh, Việt, dù tuổi cao nhưng ngài rất quý chuộng các nhà truyền giáo đến với đất nước Lào.
Mặc dầu Phật giáo được xem là quốc giáo, nhưng với một giáo lý hời hợt nên cũng không khó lắm,khi dạy cho họ hiểu biết về đức tin công giáo, có một điều khó khăn nhất các vùng quê, vùng ven đô là cái nghèo kéo theo cái thời gian họ đi kiếm lương thực.
Sau buổi sinh hoạt với các presium mới thành lập tại Paksé chúng tôi có gặp Đức Giám Mục Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, Giám Quản Tông Tòa Paksé, ngài rất vui mừng đoán tiếp Ngài cho biết: «Chính phủ cũng đã hiểu rằng sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo không tạo nên mối nguy hiểm nào». Theo Ngài, nổi lo âu hàng đầu là việc đào tạo các linh mục, số linh mục rất ít và các chủng sinh hiếm hoi, cũng như việc đào tạo các giáo lý viên. Ngài cho biết thêm, khó khăn hiện nay là tìm người thừa kế không dễ dàng chút nào.
Đức Cha Ling giải thích: theo hướng thay đổi kinh tế và cởi mở của chính phủ ở Vientiane, các quan chức đã thay đổi đôi chút cái nhìn của họ về Giáo Hội Công Giáo: «các vị lãnh đạo đã hiểu rằng Giáo Hội mang lại sự trợ giúp xã hội và tôn giáo». Nhất là nhờ cuộc viếng thăm của Sứ thần Tòa Thánh ở Vientiane, đã đánh tan biết bao thành kiến, mặc dù chỉ diễn ra ở thủ đô mjuwng có ảnh hưởng rất lớn tới các tỉnh thành khác; ở cấp bậc địa phương, các quan chức bớt gây khó khăn khi cấp giấy phép cần thiết cho việc xây dựng những nơi thờ tự. Ngài nói thêm chúng tôi đang hội nhập các giá trị Kitô giáo vào trong truyền thống và các lễ hội tôn giáo của Lào để chúng tôi tìm cách gần gũi và sống hòa đồng với mọi người.
Cuối cùng chúng tôi được đón tiếp tại tòa giám mục Thakhek, Đức Giám Mục Jean-Marie -Vianney Prida Inthirath. Ngài được tấn phong ngày 10-04-2010. Ngài có một phong cách bình dân, khiêm tốn, hài hòa và vui tính nhưng thánh thiện, Ngài nói tiếng Pháp thông thạo và biết đôi tiếng Việt, ưu tư của hàng đàu của Ngài là đào tạo nhân sự & Truyền giáo, số linh mục & ứng sinh linh mục tại giáo phận Ngài đông nhất trong 4 giáo phận của Lào. Hiện nay được 9 linh mục và khoảng 30 các thầy & dự tu. trong giáo phận của Ngài có 2 hội dòng Mến Thánh Giá & Hội dòng Bác Ái của Mẹ Ture. Ngài rất có lòng sùng kính Đức Mẹ nên rất yêu mến hội đoàn Legio Mariae. Mong ước của Ngài cho giáo hội Lào được phát triển mạnh mẽ như giáo hội Việt Nam…..
Người Lào rất tin vào các thần linh và kính trọng các tu sĩ Phật Giáo cũng các linh mục tu sĩ công giáo”.
Cha Bunlieta gốc Việt là (Cha Hiền). Ngài đã từng học thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, năm 1975 ngài phải chia tay anh em Việt Nam để về nước, nay ngài là giám đốc chủng viện Thakhek, mặc dù bận công việc đào tạo các chủng sinh nhưng ngài còn phải trông coi 4 xứ đạo, một trung tâm dạy nghề cho các em nghèo. Ngài nói khi ngài dạy giáo lý cho giáo dân thì cán bộ hoặc các sư sãi đến ngồi nghe là chuyện bình thường. Cha Bunlieta cho biết mỗi chúa nhật ngài phải đi lại 200 kilomet dâng thánh lễ cho chừng 1.200 giáo dân tại 10 giáo họ. Trung bình mỗi năm có khoảng 20 người được rửa tội. Ngài cũng làm xây dựng các trung tâm dạy nghề, cung cấp lương thực và thuốc men cho người nghèo.
Chính bởi sự gần gũi với thiên nhiên, giữa đạo và đời như vậy nên người Lào có lối sống rất hiền hòa, trầm lặng. Họ luôn mong muốn hòa bình và yên ổn giống như triết lý của nhà Phật & giáo lý của Chúa Kitô vậy. Chúng ta có thể sống ở Lào một thời gian dài, nhưng sẽ không hề nghe thấy sự ồn ào gây gỗ to tiếng như ở Việt Nam.
Như lời Đức Giám Mục Jean-Marie -Vianney Prida Iinthirath nói với chúng tôi, kính mời các nhà truyền giáo mạnh dạn đến với đất nước Vạn Tượng như các nhà Thừa sai thuở xưa đã không ngần ngại đến với những người nghèo khổ và đã rao giảng Tin Mừng cho họ.
LM Raphael Trần Xuân Nhàn/Vietcatholic.org
TG & DT: Nước Lào với Phật giáo là quốc đạo, con người đôn hậu hiền hòa. Trong con mắt của những người đi thu nhặt các "linh hồn" - đây là mảnh đất tiềm năng và béo bở, do vậy họ dốc sức truyền đạo và "cải đạo". Bài viết này cũng là "món quà" gửi đến những ai còn thao thức về tiền đồ Phật giáo và truyền thống dân tộc Việt, xin đừng "mũ ni che tai" trước thực tế.