đậu tương đen hữu cơ

SOS & Suy ngẫm

10:54 03/12/2011

Phần 1: Tản mạn khả năng tự suy thoái của Phật giáo (Trần Văn Chánh)

(TG&DT) - Lỡ thấy nhà sư nào bị “chìm” thì Phật tử tại gia hoặc thường nhân chúng ta cũng chớ lấy làm kinh ngạc hay thất vọng quá đỗi, và chỉ nên để ý, nhận xét thôi chứ không nên chê bai, dè bỉu, hoặc thậm chí chỉ vì thấy con sâu làm rầu nồi canh mà vơ đũa cả nắm bôi bác cả tăng già đạo Phật.

Là người Phật tử, hoặc cảm tình viên của Phật giáo, chắc không ai thích nghe bàn về chuyện Phật giáo cũng có thể bị suy thoái, thậm chí hủy diệt, bằng bất cứ kiểu gì. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản dựa trên cái lý “thành trụ hoại không” (hay “sinh trụ dị diệt”) của nhà Phật, thì bất cứ sự vật nào trên thế gian nếu đã có thành tất phải có hoại và cuối cùng đi đến chỗ diệt vong, hoặc biến đổi sang trạng thái khác hẳn.


Điều này không chỉ đúng riêng đối với Phật giáo, hay mọi tổ chức, thiết chế xã hội khác trên đời mà còn đúng cả với cuộc nhân sinh tại trần gian này nữa, vì hiện nay, trước tình trạng khủng hoảng môi sinh toàn cầu, thế giới cũng đang đứng trước mối đe dọa bị hủy diệt, mang tính hoàn toàn hiện thực. Giả định, đến một lúc nào đó thế giới quả thật bị hủy diệt, tức đến hồi mạt pháp, thì chuyện tu hành không còn, kinh sách cũng sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa.

 

 

Được biết, Phật giáo ra đời ở Ấn Độ từ thế kỷ 6 TCN. Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của đạo Bà La Môn (còn gọi Ấn Độ giáo), Phật giáo đã hầu như bị tiêu diệt tại quê hương của nó nhưng đã kịp thời lan tỏa truyền sang các nước xung quanh như Trung Quốc, Việt Nam và một số nước Châu Á khác. Riêng tại Việt Nam, Phật giáo được truyền đến vào khoảng năm 188 TCN, tức cách nay đã trên 2000 năm, do nhà sư người Ấn Độ là Marajivaca (Ma Ha Kỳ Vực).




Có nhiều bằng chứng cho thấy Phật giáo du nhập vào Việt Nam tại thời điểm trước hoặc sau tây lịch trong khoảng xê xích một, hai thế kỷ, và đã có nhiều thời kỳ Phật giáo hưng thịnh và tồn tại như một quốc giáo, như dưới các thời Đinh, Tiền lê, Lý, Trần. Ở các triều đại này, nó còn giữ được vai trò chính sự quan trọng và đã có nhiều vị cao tăng được triều đình trọng dụng như thiền sư Pháp Thuận, Khuông Việt, Vạn Hạnh, Pháp Loa, v.v. được mời ra tham chính và cố vấn cho các vua.





Cho đến hiện nay, Phật giáo vẫn tiếp tục chiếm được địa vị ưu việt so với nhiều tôn giáo khác cùng tồn tại song song, và là tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất ở Việt Nam.


 

 


Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam năm 2005, có khoảng 10 triệu tín đồ Phật giáo. Còn theo số liệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì cả nước có đến gần 45 triệu tín đồ Quy y Tam Bảo, chiếm phân nửa dân số; có 839 đơn vị gia đình Phật tử và khoảng 44.498 tăng ni; hơn 14.775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường... Báo chí, sách vở  truyền bá giáo lý Phật giáo cũng được xuất bản ngày một thêm nhiều, giúp cho Phật pháp có điều kiện lan tỏa, hoằng dương, thâm nhập ngày một thêm sâu rộng vào cuộc sống. 

 

Nếu chỉ nhìn trên các con số thông kê đơn thuần thì Phật giáo Việt Nam như vậy cũng đang hưng thịnh và đáng phấn khởi, nhưng nếu nhìn theo một chiều sâu hơn để đi vào đánh giá thực chất của đạo Phật thì lại còn lắm điều phức tạp nữa phải bàn, bởi sự phát triển về hình thức giáo hội và số lượng tăng ni Phật tử chưa phải là yếu tố căn bản quyết định đủ để nói lên thực chất của vấn đề đang xét và có thể sẽ có những quan điểm đánh giá rất khác nhau tùy theo chúng ta muốn xem xét đạo Phật trên cơ sở chú trọng bề nổi hay thực chất nội dung sâu sắc từ bên trong. Vì thật ra, chất lượng thực chất của đạo Phật nói một cách đơn giản nhất chính là sự giác ngộ và tu chứng nhiều hay ít trong hàng ngũ xuất gia, chứ không phải có thật nhiều tự viện cùng số lượng nhà sư đông đảo nói chung, hoặc có thật nhiều nhà sư trẻ đỗ được các cấp bằng tiến sĩ, thạc sĩ từ Ấn Độ, Đài Loan… du học trở về. 

 

Nếu theo quan điểm thứ hai, chú trọng sự phát triển thực chất, không ít ý kiến hiện nay cho rằng Phật giáo Việt Nam đang cơ bản phát triển tốt với đội ngũ tăng chúng tu tập nghiêm chỉnh theo lời dạy của Phật, nhưng cũng có một số dấu hiệu suy thoái khá đáng lo ngại, biểu hiện qua hình thức lối sống thực tế của một số tăng ni trong tầng lớp lãnh đạo giáo hội, phần nhiều thuộc các cấp trung gian hoặc ở một số cơ sở chùa chiền lớn, nhỏ trong cả nước.

 

Như chúng ta đều biết, hoạt động của đạo Phật đặt cơ sở trên Tam bảo gồm ba nền tảng chính là Phật, Pháp và Tăng, lấy giới luật làm hệ thống quy định bắt buộc mọi người phải tuân thủ nhằm đảm bảo sự tu trì đạt kết quả tốt như mong muốn. Trong ba yếu tố Phật, Pháp, Tăng thì Tăng là đoàn thể xuất gia tu hành đứng trên cuộc sống vật chất trong cuộc đời tục lụy, có vai trò quan trọng trong việc hoằng pháp lợi sinh, và cũng là mặt biểu hiện dễ nhìn thấy rõ nhất. Qua những hoạt động thực tế của tăng đoàn mà người ta có thể đánh giá Phật giáo là đã tốt hay chưa tốt. Điều này cũng tương tự như khi muốn biết một chính phủ trị dân thế nào, người dân thường có thể đánh giá chính xác qua lời nói, việc làm cụ thể của các cán bộ từ cấp cao nhất cho đến cấp nhỏ nhất. 

 

Do phải tổ chức thành giáo hội để hoạt động, với tôn ti phẩm trật cao thấp, nên nếu không cẩn thận đề phòng bằng việc nghiêm giữ giới luật, sẽ dễ phát sinh hiện tượng suy thoái quyền lực ở những người giữ các chức vụ cao. Điều này đúng trong hầu hết mọi tôn giáo trên thế giới, tương tự như hiện tượng suy thoái quyền lực thông thường của các cấp lãnh đạo trong mọi chính quyền ở hầu khắp các nước dân trí còn thấp và chưa có được một nền dân chủ chín muồi vậy.

 

Mặc dù đã có giới luật ràng buộc, nhưng nếu hệ thống kiểm soát sự chấp hành không nghiêm từ trên xuống dưới và người trên không làm gương tốt cho kẻ dưới noi theo thì tăng ni cũng dễ vi phạm giới luật, làm những điều không hợp với truyền thống tốt lành của đạo Phật, tạo nên những hiện tượng tiêu cực tuy có ít hơn ngoài đời nhưng cũng gần na ná như trong xã hội đời thường và trong các tổ chức chính trị-xã hội.


Trong điều kiện cần đề phòng suy thoái như vậy, Phật giáo Việt Nam dường như vẫn chưa có một giải pháp căn bản nào để ngăn chặn kịp thời và hữu hiệu, vì thế vẫn còn tiềm ẩn nhiều khả năng có chuyện lạm quyền và thu vén cá nhân, hoặc kéo bè kết cánh, ở một số cấp lãnh đạo giáo hội nơi này nơi khác. Nhiều Phật tử được biết, không phải là không có chuyện khi giáo hội trung ương xuống công tác hoặc kiểm tra, một số thầy ở địa phương nào đó cũng tập nhiễm thói quen đãi đằng trọng hậu để lấy cảm tình cấp trên nhằm che giấu những thành tích còn hạn chế hoặc thậm chí bất hảo của mình.


 

Tuy nhiên, trước một số những biểu hiện tiêu cực đã được trông thấy, chúng ta, dù là tăng hay tục, cũng không nên vội vã có thái độ quá gay gắt khắt khe, mặc dù vẫn phải có một lập trường rõ rệt và dứt khoát cảnh giác. Ở một quan điểm khoan dung hơn, chúng ta nhận thức rằng chuyện tu hành là không đơn giản. Nó là một quá trình phấn đấu bền bỉ lâu dài đầy gian nan trắc trở, phải trải qua hàng loạt những thử thách gay go từ bản thân ra đến ngoài xã hội. Đó còn là cuộc đấu tranh gian nan tự vượt thắng mình, với sự trì kéo giữa một bên là bản năng sinh vật của con người trần tục còn bên kia là lý tưởng đạo đức, và vì vậy cũng phải giải quyết luôn các môi mâu thuẫn giữa lý trí với tình cảm, giữa  nhận thức với hành động, cũng như giữa lời nói với việc làm cụ thể… Mà có làm được như vậy hay không lại còn tùy thuộc vào căn duyên hiện định và tiền định của mỗi cá thể người, vốn bị hệ lụy tất yếu bởi các yếu tố từ di truyền cho đến điều kiện xã hội mà con người thật ra chỉ là sản vật, phải chịu đủ thứ cám dỗ và tác động tiêu cực từ những yếu tố xung quanh mà người tu hành không thể đứng ngoài hoặc vượt thoát một cách hoàn toàn. 

 

Trước hết, con người vốn dĩ bất toàn đầy khuyết điểm nên mới cần đến sự tu hành để tự chấn chỉnh, sửa mình. Với cái nhìn khoan dung cởi mở, chúng ta cũng sẽ không có thái độ dè bĩu khi thấy những chuyện xảy ra trong môi trường tự viện mà chưa đúng với tinh thần Phật giáo, như chuyện nhà sư bị trộm vào chùa lấy mất mấy tượng Phật đắt giá, hoặc cuỗm đi số tiền lớn cất kỹ trong rương, thì họ khó thể vui vẻ thừa nhận được ngay tính “không” của đạo Phật. Tương tự như vậy, khi bị kiến, muỗi cắn, họ có thể bị giật mình sân si lên như những người ngoại đạo bình thường mà giết kiến, đập muỗi chết một cách không ý thức, vô tình phạm vào giới sát sinh. Khi được thỉnh đi tụng kinh cầu siêu cho ai, nếu chủ nhà rước đi bằng một phương tiện sang trọng (như xe hơi thay cho đi bộ…) thì có lẽ họ vẫn thích hơn phải cuốc bộ, băng đồng lội ruộng.

 

Tiếp một đại thí chủ, thì về mặt tâm lý bình thường, có lẽ thầy trụ trì nào dù từ bi hỉ xả đến đâu cũng vẫn hoan hỉ hơn tiếp một kẻ ăn mày đến chùa xin cơm nhiều lần…, nghĩa là vẫn còn tâm phân biệt. Chính vì thế mới có nhân vật nhà sư lý tưởng tên Lâm trong tiểu thuyết Phật giáo Thoát vòng tục lụy, đã phản ứng lại thế thái nhân tình trong môi trường tự viện bằng cách không chịu lau quét dọn chùa trong ngày nhà chùa đang rộn ràng chuẩn bị tiếp một đại thí chủ là Thiên Kim Tiểu Thư con quan tể tướng.

 

Ăn chay là sự cố gắng kiềm chế vật dục rất đáng ca ngợi của người tu hành, có thể nói còn là một sự dũng mãnh nữa, nhưng ăn chay mà ăn ngon thì vẫn thích hơn ăn những thức quá xoàng như tương chao rau muối, vì thế mà nhiều tiệm cơm chay hạng sang đã sống được, tiếp khách là một số nhà sư thỉnh thoảng đi xe hơi sang trọng đến độ thực.

 

Thông thường, trừ một số tương đối ít, các tu sĩ vẫn thích được bổ nhiệm vào chức vụ cao trong giáo hội hoặc trong chùa hơn là giữ mãi chức hương đăng tầm thường tối ngày lau dọn, lo chuyện nhang đèn… Thế là vẫn còn lòng tham muốn, một trong ba loại phiền não căn bản thúc đẩy tạo nghiệp ác…

 

Các cơ sở từ thiện của Phật giáo hiện nay đang phát triển mạnh. Nhiều nơi đã an ủi, mang lại lợi ích thiết thực cho những người cơ nhỡ, bất hạnh, như các trại nuôi trẻ mồ côi, dưỡng lão, nhưng không phải không có một số nơi khác lợi dụng công tác từ thiện để quyên góp lòng từ thiện của bá tánh, mượn đạo tạo đời.

 

Kể xấu một số thực tế như vừa nêu trên, chúng ta hoàn toàn không có ý chê bai giới tăng sĩ hay chỉ trích bôi bác Phật giáo, mà chỉ để nói lên một sự thật cận nhân tình, cho thấy sự giác ngộ và tu chứng là một quá trình không chút dễ dàng. Với lại, những chuyện chưa đẹp như vậy không chỉ có trong tập thể Phật giáo, mà còn có thể được nhận thấy ở bất kỳ nơi tôn nghiêm nào khác trên toàn cõi hành tinh này nữa.


Trong một tâm thái tiếp xúc như vậy, chúng ta sẽ thấy khá là bình thản nếu biết một nam sa di nào ở đâu đó thỉnh thoảng lén ăn mặn hoặc có quan hệ với nữ sắc! Chẳng qua vì nhà sư vẫn là một người hiện diện đa nhân cách trong cuộc đời, bên cạnh tín ngưỡng và lòng hướng thiện, phấn đấu tu trì, họ vẫn tồn tại như một sinh vật con người với đủ cả các mặt xấu, tốt, hễ “khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”. Có thể nói, tu hành là một quá trình phấn đấu khó khăn tương tự như khi người ta muốn lên cung trăng vậy, và còn gian khổ hơn so với việc, chẳng hạn như muốn trở thành một nhà doanh nghiệp giàu có.

 

Như vậy, nếu lỡ thấy nhà sư nào bị “chìm” thì Phật tử tại gia hoặc thường nhân chúng ta cũng chớ lấy làm kinh ngạc hay thất vọng quá đỗi, và chỉ nên để ý, nhận xét thôi chứ không nên chê bai, dè bỉu, hoặc thậm chí chỉ vì thấy con sâu làm rầu nồi canh mà vơ đũa cả nắm bôi bác cả tăng già đạo Phật.



Trần Văn Chánh

Còn nữa...

17/10/2011

Bình luận (2)

Người viết chỉ trình bày một cách phiến diện về sự thật. trong khi những lợi ích to lớn lại chỉ xem thường, quá chăng người viết đã được toàn mỹ. nhưng lời văn chỉ mang tính chỉ trích và thiển kiến. tốt hay xấu khi nào tác giả thật sự trong hoàn cảnh ấy hãy nói, và nếu nói hãy trên tinh thần khách quan. đừng có kiến thức để đánh giá theo ý mình. kính
minh ( 20/03/2018 23:19:32)
Cuối cùng bài viết này chỉ là " giơ cao đánh khẽ" ! Chẳng giải quyết được gì! Không có sự dứt khoát thì chẳng thể nào thay đổi được!
NGỌC MINH ( 03/12/2011 16:56:34)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp