Bên cạnh nghĩa trang Giáo xứ Trung Mỹ Tây, xã Tân Xuân, Hốc Môn, cách chùa Giác Đạo hơn 50m, mỗi chiều thường xuất hiện một người đàn bà đội chiếc nón lá che khuất mặt, một cháu bé chưa đầy hai tuổi, quấn quýt một bên khi người đàn bà lom khom thổi lửa sắc thuốc.
Bà Võ thị Kim Hường, tuy 55 tuổi mà gương mặc trông khắc khổ già trước tuổi. Quê Bến Tre, mang bệnh tiểu đường, chuyển qua ung thư, mắt bắt đầu đục, hạn chế tầm nhìn. Từ ngày mang bệnh, thân nhân xua đuổi, bà lang bạt lên Thành phố để kiếm sống nuôi cháu ngoại vừa tròn 23 tháng.
Hàng ngày, cháu ngoại "trông nom" để bà sắc thuốc
Con gái của bà còn nhỏ, dân quê chơn chất, 13 tuổi rưỡi đã bị tên sở khanh lừa gạt; sau khi sanh con được một tháng, em bỏ đi biệt tích; có tin là bị bắt, có tin bị đưa qua Trung quốc, cũng có tin em đi giang hồ, hoặc đã chết; mấy năm mòn mỏi trông chờ không được, bà đành ẵm cháu kiếm sống các nơi. Miền quê khó ai giúp cái ăn cái mặc, bà cháu trôi giạt về chợ đầu mối Tân Xuân, hàng ngày đi xin ăn, có lúc cơm chùa, có khi cơm tiệm nhờ vào tấm lòng đùm bọc của đất khách quê người. Đến phòng thuốc Nam từ thiện xin về, nhặt củi để sắc thuốc.
Nơi đây, khi "tắt lửa, tối đèn" hai bà cháu sẽ có giấc ngủ êm...?
Tôi gửi bà vào chùa, chùa chỉ nhận bà mà không nhận cháu, gửi cháu vào nhà trẻ mồ côi, nhà trẻ nhận cháu không nhận bà. Bà không chịu xa cháu, đành dắt díu nhau đi xin, tối về, bà cháu co cụm trong sạp chợ chịu rét, chịu mưa để chờ ngày mới tiếp tục kéo dài kiếp khổ nạn.
- Bà mong ước điều gì hiện nay? Tôi hỏi
- Cám ơn cậu đã thường xuyên giúp đỡ bà cháu tôi, tôi chỉ muốn có ít vốn đi bán vé số, mướn phòng trọ để bà cháu được yên ấm về đêm. Bà trả lời.
Thật ra số vốn để bán vé số không nhiều, nhưng làm sao bệnh hoạn như bà có thể bán dễ dàng khi mà bao cô trẻ đẹp từ các nơi đổ về Thành phố, chiêu khách bằng mọi giá. Chưa nói trường hợp gặp kẻ bất lương cướp giựt, hoặc ôm vé quá giờ không kịp trả, sẽ mất cả vốn lẫn lời. Tay xách nách mang cháu ngoại chưa biết nói làm sao đi nhanh để bán được nhiều vé? Khi đã có việc làm thì xin cơm ai cho? Liệu bán có đủ tiền trả phòng trọ? Không có nơi cư trú nhất định, gặp bệnh ngã xuống ai nuôi cháu? Còn biết bao khó khăn trước mắt, nhưng người đàn bà bất hạnh chỉ thấy một nhu cầu tối thiểu là tự làm mà sống nuôi cháu chứ không muốn lê kiếp ăn xin!
Anh Trung, một Phật tử tu tại gia, xã Bà Điểm, tình nguyện giúp vốn ban đầu, tuy nhiên chưa hẳn với số vốn vài trăm ngàn đồng có thể bà làm sanh lợi. Ôi, một đoạn đường có bao mảnh đời đau khổ, một xã hội còn biết bao cảnh đời vất vả mưu sinh. Lá lành đùm lá rách, giờ đây lá rách đùm lá nát khi mà kinh tế và đạo đức xã hội đang đi xuống, liệu bao mảnh đời bất hạnh có đủ hy vọng để thoát khỏi cảnh bần cùng?
Chỉ biết rằng hiện giờ bà cháu cố chắt chiu nhau mà sống với bệnh hoạn qua ngày.
Link clip: http://youtu.be/VJED2ZrNm9Y
Minh Mẫn
2/8/2012