Giáo sư Trần Lâm Biền, chuyên nghiên cứu về tín ngưỡng Việt Nam, nói với BBC Việt ngữ, những người thực hiện dự án tu bổ chùa Trăm Gian là những nhà ‘tu hành không đến nơi đến chốn, không hiểu biết cả về chính đạo Phật nữa.’
Một trong những khối kiến trúc cổ hiếm hoi còn lại của Việt Nam, nay bị chính những người coi sóc mình phá hủy bằng dự án trùng tu cấp tốc.
Chùa Trăm Gian được tái dựng từ thời Mạc, và mang giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc và nghệ thuật vô cùng quan trọng, theo giáo sư Trần Lâm Biền, chuyên gia nghiên cứu về tín ngưỡng Việt Nam.
Chùa đặt tại Chương Mỹ, Hà Tây, vốn là nơi các sinh viên miền Bắc khi học lịch sử, mỹ học, vẫn thường được giáo viên cho đi ‘thực tế’.
Tranh cổ trong chùa được 'phục dựng' bóng loáng
Chùa được nhà nước công nhận là di tích lịch sử đã gần nửa thế kỷ nay.
Lý do phía nhà chùa đưa ra là “di tích cổ sắp đổ, chúng tôi phải dỡ ra khẩn cấp trước mùa mưa bão 2012”.
Theo báo Tuổi Trẻ, người phụ trách dự án trùng tu chùa này là cụ Tuệ, ở địa phương, cho biết: “Di tích còn tốt, gỗ lạt còn tốt, nhiều cái không cần thay, cứ để vậy thì còn lâu mới hỏng, nhưng có điều kiện thì chúng tôi tổ chức dỡ ra, thay mới toàn bộ cho nó bền”.
Cụ cũng khẳng định “không lấy lại một cái cấu kiện cũ nào cả. Thay tất”.
‘Thiếu hiểu biết’
Giáo sư Trần Lâm Biền, chuyên nghiên cứu về tín ngưỡng Việt Nam, nói với BBC Việt ngữ, những người thực hiện dự án tu bổ chùa Trăm Gian là những nhà ‘tu hành không đến nơi đến chốn, không hiểu biết cả về chính đạo Phật nữa.’
“Họ không giác ngộ về di tích của chính mình,” ông nói thêm.
Giáo sư cũng cho rằng, việc nhà chùa tự cho mình là ‘chủ nhân của ngôi chùa, ngôi đình, ngôi đền ấy là sai lầm.’
Kinh phí dành để tu bổ chùa không phải từ những gì họ có, mà là do tiền công đức, “cho nên là khi ngành văn hóa can thiệp và yêu cầu họ phải làm lại như cũ thì họ cũng không có tiếc nuối gì,” theo ông Trần Lâm Biền.
Cảnh tu bổ chùa Trăm Gian
Ông cho rằng những người thực hiện dự án tu bổ chùa Trăm Gian này là có thể làm theo một sự ‘xúi bẩy nào đó,’ hoặc do ‘văn hóa thấp’.
Ông cũng nói thẳng, hiện nay nhiều nhà chùa, khi hỏi Phật là gì, câu tụng cửa miệng Nam mô a di đà Phật nghĩa là gì cũng không biết một cách đầy đủ.
Cách đây hai năm chùa đã trình dự án trùng tu lên Bộ nhưng chưa thực hiện được do còn thiếu kinh phí.
Theo giáo sư Biền, việc trùng tu hiện nay là do nhà chùa đã không thực hiện theo đề án đó mà thuê thợ địa phương, ‘không có nghề’ để làm bừa, không có bài bản nào cả.
Chính quyền ‘không biết’
Còn phía chính quyền, từ địa phương tới xã, huyện, đều trả lời ‘không biết’ khi được hỏi về dự án này, và chỉ kịp đình chỉ thi công khi gác khánh và nhà Tổ đã dỡ hết, công trình mới đã được dựng.
Cột lim, ngói cổ, chân đá xanh, lân rồng đá, nền gạch cũ,... bị đào xới, vứt chỏng chơ giữa đống gạch đá mới.
Những tranh trang trí cổ thì nay sơn bóng loáng, đỏ vàng, bằng sơn mài công nghiệp của Nhật.
Người trụ trì chùa Trăm Gian cho biết, tiền trùng tu tôn tạo đều là do đóng góp từ “bên ngoài,” không phải của nhà nước.
Giáo sư Biền cho rằng, chính phía chính quyền địa phương cũng không ý thức được giá trị quan trọng của ngôi chùa.
Còn theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết phát biểu trên Tuổi Trẻ, rằng trước đây cũng có vài vụ tu bổ di tích dẫn đến biến dạng, sai lệch công trình... Nhưng sự việc như ở chùa Trăm Gian là “việc làm dại dột, hết sức đáng kinh ngạc, cần phải lên án mạnh mẽ trước công luận”.
Gác khánh cổ của chùa Trăm Gian
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/08/120829_tramgian_temple.shtml