Càng tu tập thấy mình sân si càng nhiều, điều này chứng tỏ tuy có nỗ lực công phu nhưng chưa chuyển hoá được tập khí. Bạn cần phải xem lại sự dụng công tu tập của mình. Phải chánh niệm thường trực, quán sát nội tâm mới điều phục niệm sân khi mới manh nha.
HỎI:
Vì sao Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả? Tại sao càng tu thì thấy mình sân si càng nhiều? Gần đây có người rủ tôi đi lễ và nghe pháp, khi đến “đạo tràng” (phòng nhà riêng) tôi rất ngạc nhiên vì chủ lễ, pháp sư là những cư sĩ mặc áo tràng đen làm lễ Khai quang, quyên góp rồi thuyết pháp bằng tiếng Hoa. Nhờ thông dịch, tôi nghe nội dung bài pháp nói nhiều đến Phật Di Lặc giáng thế cứu độ ở tương lai nhưng có vẻ huyền hoặc. Xin hỏi người Phật tử có nên đến các “đạo tràng” như vậy không? Tôi chưa mấy am tường giáo lý, tình cờ có người xem tướng nói số của tôi sau này phải như vậy như kia. Đó có phải là nghiệp lực không? Có nên tin không?
ĐÁP:
Bồ tát sợ nhân bởi vì Bồ tát hiểu rõ luật nhân quả. Bất cứ điều gì xảy ra trong đời sống hiện đại đều có nguyên nhân của nó đồng thời những gì thân, miệng và ý gây tạo trong hiện tại sẽ tác thành quả ở vị lai. Tuỳ theo nhân tốt hay xấu mà tạo thành quả báo tương ứng với nhân. Thấy rõ như vậy, Bồ tát không toạ nghiệp nhân xấu ác. Vì biết sợ nhân ác nên không làm điều xấu, do đó Bồ tát luôn đầy đủ phước báo, an vui. Ngược lại, chúng sanh không thấy rõ nhân quả nên thản nhiên tạo nghiệp nhân xấu ác. Đến khi quả báo hiện tiền, khổ đau ập xuống, lúc ấy mới biết khổ và sợ khổ nhưng đã muộn.
Càng tu tập thấy mình sân si càng nhiều, điều này chứng tỏ tuy có nỗ lực công phu nhưng chưa chuyển hoá được tập khí. Bạn cần phải xem lại sự dụng công tu tập của mình. Phải chánh niệm thường trực, quán sát nội tâm mới điều phục niệm sân khi mới manh nha. Mặt khác, luôn thực hành quán từ bi để tạo ra năng lương yêu thương, mát mẻ có thể tưới tẩm và hoá giải sân hận. Càng tu tập càng thấy an lạc, sáng suốt là tu đúng pháp.
Người Phật tử chánh tín Tam bảo chỉ nương tựa vào Phật, Pháp và Tăng, không bao giờ nương tựa thầy tà, bạn ác. Đã có một thời không ít người mê muội tin theo giáo phái của bà Thanh Hải vì được hứa hẹn đủ điều, đại loại như tu ít nhưng dễ thành. Một thời gian sau, mọi người mới vỡ lẽ vì bị họ mê hoặc, dối gạt.
Đối với kiểu “đạo tràng” như bạn nói cũng vậy, phải tránh xa hoặc nếu có dịp tiếp xúc cần cẩn trọng, cảnh giác cao độ. Bởi nhóm người đó không phải là Tăng già của Giáo hội nên không đủ cơ sở để tin cậy, nương tựa và dẫu họ thuyết pháp có nói đến Phật Di Lặc nhưng phải xem nội dung giáo lý có phù hơ[5 với Ba dấu ấn Chánh pháp hay không? Thứ nữa, không có phá tu nào “dễ dàng” cả. Sự dễ dãi (cả tin), lười biếng (tu ít) và tham lam (chứng nhiều) là điểm yếu của nhiều người, rất dễ bị lợi dụng. Cuối cùng, tính huyền bí, huyễn hoặc,linh thiêng, siêu hình rất xa lạ với Chánh pháp vốn rõ ràng là giới, định và tuệ.
Hiện nay có rất nhiều đạo tràng, khoá tu, giảng đường do chư Tăng hướng dẫn đúng Chánh pháp, được Giáo hội và pháp luật bảo hộ. Người Phật tử nên nương tựa vào những đạo tràng này để tu tập; không nên cả tin đi theo những lời đồn đãi, rủ rê,khuyến dụ của các giáo phái lạ, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc về sau.
Đối với một người có chuyên môn cao về nhân tướng học, có thể đưa ra một vài phán đoạn khá chính xác về số phận con người. Vì nhân tướng học là khoa học chuyên nghiên cứu về tướng mạo con người, để rồi từ đó đưa ra những phán đoán về tính cách, tâm lý và diễn biến đời sống của một cá nhân.
Theo quan điểm Phật giáo thì “tướng tự tâm sanh” nghĩa là do tâm tạo nghiệp nhân nên hình thành nghiệp quả tương ứng. Tuy nhiên, không có gì cố định cả vì tâm thức và nghiệp luôn biến chuyển. Vì thế, có thể nói tướng mạo của con người phản ánh nghiệp lực của chính họ nhưng không quyết định số phận vì nghiệp có thể chuyển hoá được.Do vậy, người để tử Phật chỉ tin vào thuyết nghiệp và nhất là khả năng chuyển hoá nghiệp từ những nỗ lực tu tập của tự thân.
Theo Tổ tư vấn/GiacNgo.Vn