Một thời Thế Tôn du hành giữa dân chúng Kosala, tại thị trấn của người Kàlàmà, ở Kesaputta. Rồi các người Kàlàmà đi đến đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:
Có một số Sa môn, Bà là môn, bạch Thế Tôn, đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ và là chói sáng quan điểm của mình nhưng họ lại bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc quan điểm của người khác. Chúng con có những nghi ngờ và phân vân trong những vị này, ai nói sự thật, ai nói sai sự thật ?
Này các Kàlàmà, chớ vội tin vì nghe truyền thuyết, chớ vội tin vì theo truyền thống, chớ vội tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ vội tin vì lý luận siêu hình, chớ vội tin vì đúng theo một lập trường, chớ vội tin vì phù hợp với định kiến, chớ vội tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền và chớ vội tin vì vị Sa môn nói ra những lời ấy là bậc đạo sư của mình.
Này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là bất thiện, là tội lỗi; các pháp này bị những người có trí chỉ trích; các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện đưa đến bất hạnh và khổ đau, thì này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng.
Này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là thiện, là không có tội lỗi; các pháp này được những người có trí tán thán; các pháp này nếu chấp nhận thực hiện đưa đến hạnh phúc và an lạc, thì này Kàlàmà, hãy chứng đạt và an trú.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Lớn, phần các vị ở Kesaputta, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.336)
LỜI BÀN:
Thói thường của con người là phàm cái gì vốn của ta, có liên hệ đến ta thì bao giờ cũng tối thắng. Bóng đen của tự ngã luôn bao trùm, che lấp làm chướng ngại sự thể nhập chân lý đồng thời là cội nguồn dẫn đến mọi khổ đau. Vì thế, nỗ lực để làm sáng tỏ quan điểm, lập trường của mình nhằm phát huy cái ta và cái của ta là chuyện bình thường vốn dĩ của thế gian. Tuy nhiên, song hành với việc bảo vệ quan điểm của mình là hành vi lên án, bài xích và khinh miệt qua điểm của người khác, nhất là những quan điểm tiến bộ là một điều tệ hại; biểu hiện rõ nét của chấp ngã, cuồng tín và vô minh.
Theo tuệ giác Thế Tôn, đối với mọi quan điểm, tư tưởng nên thận trọng, chớ vợi tin, cần hoài nghi và xét lại tất cả. Dù nghi ngờ là một trong những phiền não là chướng ngại thánh đạo nhưng trong nhận thức, hoài nghi là một biểu hiện của trí tuệ vì “đại nghi tức đại ngộ”. Sau hoài nghi mới đi đến niềm tin vững chắc là lộ trình của chánh tín và tịnh tín của những người con Phật. Nếu không được nghi, không được xét lại, chỉ nhắm mắt tin theo thì niềm tin ấy chỉ là mê tín, vô cùng ngây dại và tăm tối.
Trong quan niệm của mình, Thế Tôn chưa bao giờ phán quyết rồi bắt buộc mọi người phải cúi đầu tin theo, đồng thời luôn cho phép và khuyến khích hàng đệ tử đem ra thảo luận, bàn bạc những lời dạy của Ngài. Niềm tin về giáo pháp của hàng đệ tử được thành tựu sau khi quán sát, tư duy và chiêm nghiệm. Đặc biệt là khi rõ biết về điều đó là thiện, không có tội lỗi, thực hành đem đến hạnh phúc, an vui và nhất là trên bình diện nhận thức được những người trí chấp nhận thì hãy tin theo, chứng đạt và an trú, nếu ngược lại thì dứt khoát từ bỏ.
Niềm tin phải đi liền với trí tuệ mới là chánh tín. Cho nên người con Phật không vội tin bất cứ điều gì, họ chỉ tin sau khi thực hành và điều đó mang đến hạnh phúc, an vui cho mình và người, trong hiện tại và mai sau.
Thích Quảng Tánh