đậu tương đen hữu cơ

Kinh - Luật - Luận

16:15 02/04/2012

Luân hồi trong kinh Lăng Nghiêm - Phần 5 (Thích Nữ Giới Hương)

(TG&DT) - Nếu lấy cái ngu si này làm căn bản tu hành thì chỉ là gốc dâm, phải trôi lăn trong tam đồ chắc gì ra khỏi, còn đường nào để cầu bồ đề? được chứng quả bồ đề là chuyện không bao giờ có. Cái mê với tỉnh như sáng với tối, có bao giờ mà đồng một lúc mà có được. Thế cho nên Đức Phật ân cần, bất luận tu pháp môn nào dù tịnh hay dù thiền mà đã muốn tu hành giải thoát thì việc đầu tiên là giải thoát gốc vô minh này.
Chương VII
GIỚI THỦ LĂNG NGHIÊM


A Nan sửa áo chỉnh tề, ở trong đại chúng, chắp tay đảnh lễ; tâm tính trọn sáng, vừa mừng vừa tủi; vì muốn lợi ích cho các chúng sinh vị lai, cúi đầu bạch Phật: “Thưa đức Thế Tôn đại bi, con nay đã ngộ được pháp môn thành Phật, tu hành trong đó, được không nghi hoặc. Con thường nghe đức Như Lai dạy như thế này: Tự mình chưa được độ, trước đã độ người, đó là chỗ phát tâm của các vị Bồ Tát; tự mình giác ngộ viên mãn, có thể giác ngộ kẻ khác, đó là sự ứng thế của các đức Như Lai. Con tuy chưa được độ, song nguyện độ tất cả chúng sinh trong đời mạt pháp. Bạch Thế Tôn, các chúng sinh đó cách Phật ngày càng xa, những tà sư thuyết pháp, số như cát sông Hằng; nếu muốn họ nhiếp tâm vào Tam ma đề, thì nên khiến họ dựng lập đạo trường thế nào để rời các ma sự, được không thối thất nơi tâm Bồ đề”.


Khi bấy giờ, đức Thế Tôn, ở trong đại chúng, khen ngợi A Nan: “Hay lắm, hay lắm, như chỗ thầy hỏi về dựng lập đạo trường, cứu giúp chúng sinh chìm đắm trong đời mạt pháp, thầy hãy nghe cho chín, tôi sẽ vì thầy mà nói”. A Nan và cả đại chúng kính vâng lời dạy của Phật.


Phật bảo A Nan : “Thầy thường nghe tôi, trong Tỳ nại gia, tuyên nói ba nghĩa quyết định của sự tu hành, đó là thu nhiếp cái tâm là giới, nhân giới mà sinh định, nhân định mà phát tuệ, thế gọi là 3 pháp Vô lậu học”.


CHỈ VỀ QUYẾT ĐỊNH ĐỌAN LÒNG DÂM


A Nan, thế nào thu nhiếp cái tâm thì gọi là giới?


Nếu chúng sinh lục đạo các thế giới, cái tâm không dâm, thì không đi theo dòng sinh tử tiếp tục. Thầy tu phép tam muội cốt để ra khỏi trần lao, nếu không trừ lòng dâm, thì không thể ra khỏi trần lao được. Dầu có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu không đoạn lòng dâm, cũng chắc lạc vào ma đạo, hạng trên thành ma vương, hạng giữa thành ma dân, hạng dưới thành ma nữ; các bọn ma kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành đạo vô thượng. Sau khi tôi diệt độ rồi, trong đời mạt pháp, có nhiều bọn ma nầy sôi nổi trong thế gian, gây nhiều việc tham dâm, lại giả làm người thiện tri thức, khiến cho các chúng sinh sa vào hầm ái kiến, bỏ mất con đường Bồ đề. Thầy dạy người đời tu pháp Tam ma đề, trước hết phải đoạn cái dâm trong tự tâm. Ấy gọi là lời dạy bảo rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ nhất của các đức Như Lai Phật Thế Tôn. Vậy nên A Nan, nếu không đoạn lòng dâm mà tu thiền định, thì cũng như nấu cát, nấu đá muốn cho thành cơm, dầu trải qua trăm nghìn kiếp cũng chỉ gọi là cát nóng, đá nóng, vì cớ sao? Vì đó là giống cát, giống đá, không phải là bản nhân của cơm vậy. Thầy đem thân dâm cầu diệu quả của Phật, dầu được diệu ngộ, cũng chỉ là gốc dâm, cỗi gốc đã thành dâm, thì phải trôi lăn trong tam đồ, chắc không ra khỏi, còn đường nào tu chứng Niết Bàn Như Lai. Chắc phải khiến cho thân tâm đều đoạn hết giống dâm, cho đến tính đoạn cũng không còn nữa, thì mới trông mong chứng quả Bồ đề của Phật.


Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba Tuần”[1] .


Thu nhiếp cái tâm gọi là giới là thế nào?


Trong kinh Duy-ma-cật có kể câu chuyện rằng: Khi các chư thiên rải hoa cúng dường tôn giả Xá-lợi-phất và Duy-ma-cật, tôn giả Xá lợi phất liền lấy tay phủi lia lịa vì biết rằng trong giới luật, việc trang điểm hoa hương phấn sáp là điều ngăn cấm, nhưng kỳ lạ thay phủi chừng nào hoa dính chừng nấy. Trong khi tôn giả Duy ma cật, ngồi lặng yên, thế mà hoa tự rụng xuống. Bởi lẽ kinh Duy ma cũng là một bộ kinh của hệ Phật giáo Phát triển nghiêng về phần tâm hơn hình tướng nên nếu có tâm dính hoa, thích hoa thì mới có hành động phủi lia lịa, trong khi các bồ tát tự tại đối với sáu trần, biết hoa là huyễn, không có tâm vướng mắc vào hoa thì hoa tự rơi rụng không cần dụng công.


Ở đây cũng thế, nhiếp tâm gọi là giới? Là tâm giác tỉnh sáu căn huyễn hoá, sáu trần ảo ảnh và sáu thức mê lầm thì tự nhiên sẽ nhiếp tâm không buông lung, không đắm nhiễm, sáng suốt thì trạng thái nhiếp tâm giác tỉnh đó gọi là giới của kinh Thủ Lăng Nghiêm.


Trong giới thứ nhất này, Đức Phật dạy nếu chúng ta tu pháp thiền định tam-ma-đề mà còn dâm dục ái ân thì sẽ không ra khỏi sự chi phối của luật sanh tử được, dầu có nhiều trí thiền định cũng làm ma vương, ma dân hay ma nữ.


Đây là nhân và quả của cõi trời Lục dục thiên. Nhân để sanh về cõi trời là do hiện đời vừa có tu thiền định, thập thiện, bố thí và vừa vẫn còn nghiệp ái ân giữa nam và nữ.


Chúng ta đọc qua phần Đức Phật dạy về nhân và quả của Dục Giới Thiên (sáu cõi trời Dục giới) [2] như sau:


1. Tứ Thiên Vương: vẫn ái ân với vợ hoặc chồng nhưng không tà hạnh, tâm sáng suốt, mạng chung sống gần mặt trời và mặt trăng.


2. Đao Lợi Thiên: ít ái ân với vợ hoặc chồng và thường tịnh cư, tâm sáng suốt, mạng chung vượt lên mặt trời và mặt trăng, ở trên chóp nhân gian.


3. Tu Diêm Ma Thiên: ít nhớ nghĩ việc ái ân, sống động ít, tĩnh nhiều, tâm sáng suốt, sáng rỡ ở cõi hư không mà ánh sáng mặt trời và mặt trăng không soi đến được.


4. Đâu suất đà thiên: lúc nào cũng tĩnh, nhưng khi có cảm xúc vẫn bị chi phối, mạng chung sanh lên chỗ tinh vi, những hoại kiếp và tam tai của nhân thiên cõi dưới không đến được.


5. Lạc biến hoá thiên: không còn ân ái dù có phải đáp ứng nhưng thấy vô vị như ăn sáp. Mệnh chung sanh vào cảnh biến hóa.


6. Tha hóa tự tại: không có tâm thế gian, chỉ đồng với thế gian mà làm ngũ dục, khởi tâm chán bỏ. Mạng chung vượt lên những cảnh biến hoá và không biến hoá.


Sáu cõi trời như thế hình thức tuy khỏi động, nhưng tâm tính còn dính dấp ngũ dục. Từ các cõi trời ấy trở xuống gọi là Dục giới.


Từ cõi Lục Dục thiên này trở xuống cùng với loài người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục là ở trong dục giới, tức là còn lòng tham muốn dục nhiễm rất nhiều.


Trong Nhị khoá hiệp giải và Thắng pháp tập yếu luận nói rằng: Tuổi thọ của các cõi trời bằng mấy trăm ngàn tỷ năm con người do nhờ chư thiên có phước báu và định lực, nhưng dù sống mấy ngàn năm đi nữa rồi cũng có ngày hết hạn và rơi đọa xuống.


Chúng ta thấy cõi trời thứ sáu là cõi Tha hoá tự tại “không có tâm thế gian, chỉ đồng với thế gian mà làm ngũ dục, khởi tâm chán bỏ” thì vị này rõ ràng có giảm lòng ái nhiễm và chán ngũ dục: tài, sắc, lợi, thực và thùy (tiền, sắc đẹp, công danh, ăn uống và ngủ nghỉ) của thế gian. Đây là chánh nhân, là trạng thái để vị này sắp sửa vượt qua cõi dục (nếu vị ấy muốn) tiến lên cõi trời sắc giới và vô sắc giới vì hai cõi này thoát ly ngũ dục nhưng còn lụy về sắc và định (định không phải là định Thủ Lăng Nghiêm tức cái định rốt ráo, bền chắc sẵn có của tâm tánh).


Nếu chúng ta tu thiền định mà còn lòng ái nhiễm dâm dục thì tùy mức định lực, ứng phần sở tri mà có cảnh giới khác nhau:


a. Hạng trên cao thì làm ma vương, 
b. Hạng giữa thì làm ma dân,
c. Hạng dưới thì thành ma nữ.


Các bọn ma này cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng là thánh đạo vô thượng. Sau khi Đức Như lai diệt độ rồi, trong đời mạt pháp giả làm thiện tri thức khiến cho các chúng sanh sa vào hầm ái kiến, bỏ mất đường bồ đề.


Chúng ta thấy vì sao làm ma mà ma thấp nhất lại là ma nữ? mà ma vương thì cũng là nam? Bởi lẽ người nữ chúng ta cơ thể yếu đuối, kém phước tuệ, tinh thần yếu mềm, yếu lòng, không cương quyết, đức hạnh lại càng tệ, cũng có người nữ giỏi nhưng số lượng này rất hiếm hoi lắm.


Người nữ nặng nề về ngã ái, ngã kiến, ngã chấp gọi là si mê. Từ ngã ái, ngã kiến mà phơi tỏ ra các thứ ích kỷ, tật đố và ghen ghét. Người nữ khó lãnh đạo, nên ngay cả ma vương, chúa thống lãnh cũng là nam, bởi lẽ người nữ yếu mềm, ít có đủ sức quản lý và tâm hẹp hòi nên ít thống lãnh được.


Tuy tánh của nữ nhân là vậy, nhưng người nữ cũng có những sở trường khá hay mà người nam không có như tánh dịu hiền, chịu đựng, chịu khó, nhẫn nại, tỉ mỉ... Để thoát khỏi tánh nữ nhi phàm tình, dù lỡ mang thân nữ, chúng ta cũng nên tập vun bồi những đức tánh trượng phu, cao cả, hy sinh, không nói chuyện vặt, hướng về lý tưởng cao cả thì lúc đó ta là tánh nam trượng phu rồi, chứ còn thân xác nam hay nữ chuyện đó là xác thân đất, nước, gió, lửa không quan trọng. Tâm trượng phu là quan trọng.


Vì sao lòng dục lại được Đức Phật đưa lên làm giới đầu của giới Tỳ-kheo hay Tỳ kheo ni và tại giới Thủ Lăng Nghiêm đây cũng đưa lên đầu tiên?


- Nghiệp lực trói buộc có xác thân này là biểu lộ của gốc ngu si.


- Vì kiến trược cho là thân mình nên tối ngày cứ lo vơ ăn cơm uống nước, vơ đất, nước, gió, lửa bên ngoài, thở không khí, hút ánh sáng mặt trời tếch làm da thịt máu xương, lấy đó làm thân, đó là gốc vô minh.


- Cái vô minh nữa là một khi đã bị thân này đánh lừa nhận thân này làm mình, thì không có khởi tâm đi tìm xem chúng ta thật là gì nữa, cứ nhắm mắt đi theo những tri kiến của ông, bà, cha, mẹ ta đã đi. Chấp nhận có thân, lập gia đình rồi sanh nhai kiếm sống, rồi sanh, già, bịnh, chết, tiếp tục diễn tuồng cha theo ông, con theo cha tiếp tục xách cuốc đào hố, xuống lỗ vô thường.


- Chúng ta không biết mình là gì đến nỗi đi vơ đất nuớc gió lửa nhận làm thân thể của mình là cái ngu nặng nề, là cái gốc ngu si.


- Tham thân mình đã là ngu mà giờ lại thêm tham luyến thân người khác (hoặc đồng phái hoặc khác phái) để mà cưới nhau ràng buộc yêu thương thì cái mê này càng thậm tệ. Người này yêu cái tâm người kia, người kia thích cái sắc người này, do nhân duyên ấy, trải qua trăm ngàn kiếp, thường ở trong vòng ràng buộc.


Trong đoạn nghiệp quả tiếp tục, Đức Phật dạy: Tư tưởng thương yêu ràng buộc lẫn nhau, yêu mãi không rời, thì những cha mẹ con cháu trong thế gian sinh nhau không ngớt, bọn này thì lấy dục tham làm gốc[3] .


Lấy dục tham làm gốc nghĩa là vị này nặng về lòng dục. “Ái bất nhiễm bất sanh ta-bà” nếu không có lòng ái nhiễm thì chúng ta không có sanh ở cõi này, nên chúng ta từ hạt giống bất tịnh, chủng tử bất tịnh này mà sanh ra.


Các tổ nói thêm rằng: Ở thế gian này chỉ có một lòng ham thích về tình dục, chứ nếu có hai thứ thì khắp dưới gầm trời không có ai tu hành được. Nếu vướng mắc vào cái ngu mê tham đắm này thì làm sao nói chuyện thành vô thượng bồ đề được?


Đây là cái khó số một mà khiến cho nhiều vị Phật tử thuần thành chưa dám xuất gia bước vào nhà xuất thế được hay nhiều vị xuất gia phải hoàn tục trong đau thương tiếc nuối.


Đức Phật dạy rất kỹ là không những cái thân làm việc ấy là lầm mê mà cấm tuyệt trong cái tâm có tơ tưởng đến. Vì hễ còn nhớ nghĩ đến việc ái ân thì chưa ra khỏi đường mê được như con tằm tự nhả tơ để kéo kén, rồi chính cái kén tự trói, tự ràng buộc mình vào ngục tù kén. Người đem cái tâm mà tơ tưởng những việc này như nấu cát mà mong thành cơm, dù có siêng năng tu hành bao nhiêu cũng vô ích như người nấu cát mà mong thành cơm thì chỉ được cát nóng. Dù là vất vả nhọc nhằn trăm ngàn vạn kiếp cũng chỉ có cát nóng mà thôi.


Nếu lấy cái ngu si này làm căn bản tu hành thì chỉ là gốc dâm, phải trôi lăn trong tam đồ chắc gì ra khỏi, còn đường nào để cầu bồ đề? được chứng quả bồ đề là chuyện không bao giờ có. Cái mê với tỉnh như sáng với tối, có bao giờ mà đồng một lúc mà có được. Thế cho nên Đức Phật ân cần, bất luận tu pháp môn nào dù tịnh hay dù thiền mà đã muốn tu hành giải thoát thì việc đầu tiên là giải thoát gốc vô minh này. Chẳng những đoạn dục, chẳng những tâm không tơ hào tơ tưởng đến mà ngay cả tính đoạn cũng không còn, thì mới trông mong chứng quả bồ đề. Ngay cả tính đoạn cũng không còn. Chúng ta nên nhớ như vậy. Rất khó. Vì rất khó nên người giải thoát cũng rất hiếm.


Đức Phật còn xác định một lần nữa như đinh đóng vào cột rất chắc chắn: Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật, không như lời nói đó là lời nói của ma Ba tuần.


Ma Ba tuần là ma ở trên cõi trời lục dục thích việc ái ân và hưởng thụ. Đây là tiêu chuẩn để hiện tại và vị lai tự phán xét lời dạy nào đó có đúng với Phật pháp không? Đức Phật đã bảo chúng ta phải dựa trên giới luật tinh khiết làm tiêu chuẩn.


CHỈ VỀ QUYẾT ĐỊNH ĐOẠN LÒNG SÁT


A Nan, lại các chúng sinh lục đạo trong các thế giới, nếu cái tâm không sát, thì không theo dòng sinh tử tiếp tục. Thầy tu phép tam muội, cốt ra khỏi trần lao, nếu không trừ lòng sát, thì không thể ra khỏi trần lao được. Dầu có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu không đoạn lòng sát, thì chắc phải lạc vào thần đạo; người bậc trên thì thành đại lực quỷ, người bậc giữa thì thành phi hành dạ xoa và các loại quỷ soái, người bậc dưới thì thành địa hành la sát, các loài quỷ thần kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành đạo vô thượng. Sau khi tôi diệt độ rồi, trong đời mạt pháp, có nhiều quỷ thần này sôi nổi trong thế gian, tự nói rằng ăn thịt, được đạo Bồ đề. A Nan, tôi khiến hàng Tỷ Khưu ăn năm thứ tịnh nhục, thịt kia đều do thần lực tôi hóa sinh ra, vốn không có mạng căn. Xứ Bà La Môn đất đai phần nhiều nóng ướt, lại thêm cát đá, rau cỏ không sinh được; tôi dùng sức đại bi gia bị, nhân sức đại từ bi, giả gọi là thịt và các thầy cũng nhận được cái vị như thịt; làm sao, sau khi Như Lai diệt độ, người ăn thịt chúng sinh, lại gọi là Phật tử! Các thầy nên biết những người ăn thịt đó, dầu cho tâm được khai ngộ, giống như Tam ma đề, đều là loài la sát, quả báo hết rồi, phải chìm đắm trong bể khổ, không phải đệ tử Phật. Những người như vậy, giết nhau, nuốt nhau, ăn nhau chưa thôi, làm sao, lại được ra khỏi ba cõi. Thầy dạy người đời tu phép Tam ma đề, thứ nữa, phải đoạn lòng sát. Ấy gọi là lời dạy rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ hai của các đức Như Lai Phật Thế Tôn.


Vậy nên A Nan, nếu không đoạn lòng sát mà tu thiền định, thì cũng ví như có người tự bịt lỗ tai, cả tiếng kêu to mà trông mong người khác không nghe; bọn này gọi là muốn giấu thì càng lộ. Hàng Tỷ Khưu thanh tịnh và các vị Bồ Tát đi trong đường rẽ, không dẫm cỏ non, huống nữa là lấy tay nhổ cỏ; làm sao đức Đại bi, lại lấy máu thịt của các chúng sinh, mà làm đồ ăn?


Nếu các hàng Tỷ Khưu không mặc những đồ tơ lụa, là lượt phương Đông và không dùng những giày dép, áo cừu, áo len hay các thứ sữa, phó mát, đề hồ, thì những Tỷ Khưu như thế, đối với thế gian, thật là giải thoát, trả hết nợ cũ xong, thì không vào trong ba cõi nữa, vì cớ sao ? Dùng những bộ phận thân thể chúng sinh, thì đều bị ảnh hưởng chúng sinh, cũng như con người ăn giống bách cốc trong đất, thì chân không rời khỏi đất. Quyết phải khiến cho thân tâm, đối với thân thể hay bộ phận thân thể của chúng sinh, đều không mặc, không ăn, thì những người như thế, tôi mới gọi thật là giải thoát. Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba Tuần[4] .


Cũng giống ở trên, nếu tu thiền định mà lòng còn sát sanh, còn nặng về sát sanh thì rơi vào thần đạo và tùy mức định lực và phước báo làm ba quỷ thần:


a. Bậc trên thì thành đại lực quỷ, 
b. Bậc giữa thì thành Phi hành dạ xoa và các loài quỷ soái, 
c. Bậc dưới thì thành địa hành La sát.


Thế nào là nặng về lòng sát? Trong đoạn nghiệp quả tiếp tục Đức Phật dạy: Lòng tham lòng yêu giúp nhau tăng trưởng, tham mãi không thôi, thì các loài thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hoá sanh trong thế gian, tùy sức mạnh yếu, ăn nuốt lẫn nhau, bọn này lấy sát tham làm gốc [5].


Vì tham thực, nên 12 loài chúng sanh ỷ mạnh hiếp yếu, dùng các loại phương tiện tinh vi để giết người hại vật hoặc vì khoái khẩu thích rượu thịt, hoặc vì thú tiêu khiển săn bắn câu cá hoặc vì tâm ác... mà giết nhau, nuốt nhau, ăn nhau chưa từng thôi nghỉ nên trải trăm ngàn đời thường ở trong đường sống chết để trả nợ máu thịt cho nhau.


Ngày xưa, có một thời tại Ấn độ bị hạn hán, cây cỏ không sinh sôi, nảy nở, nên Đức Phật tạm cho các tỳ kheo dùng ngũ tịnh nhục. Ngũ tịnh nhục là các thịt súc vật như cừu, heo, cá, gà, dê (non-vegetarian)... được dâng cúng thì các tỳ kheo được dùng với năm điều kiện là không thấy, nghe, nghi thí chủ giết vật vì đãi mình, không kêu họ giết súc vật cho mình ăn và cuối cùng là súc vật đó tự chết trước rồi. Đây là lời dạy phương tiện cho lúc đó, chứ nếu ngày nay rau, quả, trái, đậu xanh tốt, đầy đủ chất bổ dưỡng sao chúng ta không phát tâm dùng chay để trưởng dưỡng lòng đại bi?


Đức Phật dạy làm sao người ăn thịt chúng sanh lại gọi là Phật tử? Bọn này đầy dãy thế gian, họ nói vẫn ăn thịt mà vẫn chứng quả. Đấy là họ nói chứ không phải Đức Phật nói. Nên biết, nếu vị đó dù cho tâm có khai ngộ cũng sẽ rơi vào các loài quỷ thần chìm đắm, không thể giải thoát, thế nên phải đoạn lòng sát. Ấy gọi là lời dạy rõ ràng thanh tịnh quyết định thứ hai của các đức Thế tôn.


Như người bịt lỗ tai rồi hét lớn lên, mong người khác đừng nghe, thì làm sao họ không nghe âm thanh đó. Cũng thế, nếu không đoạn lòng sát mà tu thiền định cầu giải thoát thì không thể được, vì càng giấu, càng lộ bày. Trong các giới xuất thế, Đức Phật dạy các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni không được vô cớ dẫm cỏ, phải bảo vệ môi trường sinh vật, huống nữa là chúng ta lại lấy máu thịt chúng sanh mà ăn, cố ý ăn thì làm sao chúng ta trưởng dưỡng thánh thai của mình.


Giữ không ăn thịt chúng sanh vẫn chưa đủ, thêm vào đó, giới Lăng Nghiêm còn dạy rất kỹ và vi tế nữa.


Đức Phật còn dạy thêm rằng hễ còn dùng mặc đồ lông thú, giày dép, áo cừu, áo len hay các thứ sữa tức còn dùng những bộ phận thân thể chúng sanh thì còn mắc nợ phải trả nợ chúng sanh đó, còn dùng đến là còn nợ, cho nên giới luật ở Lăng Nghiêm cấm không nên uống sữa, không mặc dùng đồ lông thú, cũng giống như người còn dùng ngũ cốc trong đất thì chân không thoát, không rời khỏi mặt đất được. .


Những lời dạy này chúng ta chưa theo được. Chúng ta chưa giữ được vì phúc đức, trí tuệ của mình chưa đủ khả năng, chứ còn các vị thật tu có chết thì thôi chớ quyết không phạm giới. Thà chết chứ không uống nước có trùng, thà chết chứ quyết một lòng theo những lời Phật dạy... Các vị thánh đó không tiếc thân giả tạm mà giữ giới tinh nghiêm cho đến nơi đến chốn, đó là những vị trì giới bồ tát. Đây là giới bồ tát, còn chúng ta chỉ giữ giới Thanh văn thôi.


Nơi đây, Đức Phật khẳng định thật quả quyết rằng quyết phải khiến cho thân tâm, đối với thân thể hay bộ phận thân thể của chúng sanh đều không mặc, không ăn, thì những người như thế, tôi mới gọi thật là giải thoát. Nói như vậy mới là lời của Phật nói, còn không thì lời nói của ma Ba-tuần.


Như vậy, ý ở đây Đức Phật khuyên chúng ta ăn cái gì? Không ăn mặn nên ăn chay là một bước tiến khá rõ. Dùng chay rồi và cũng không nên dùng các thức trực tiếp hay gián tiếp từ các thú vật như bơ, sữa, áo lông cũng là một bước tiến. Rồi ngay cả nếu còn ăn dùng ngũ cốc thì còn làm chúng sanh quyến thuộc với ngũ cốc nên sẽ gặp ngũ cốc hoài và chân không thoát khỏi mặt đất..., vậy chúng ta nên dùng cái gì? thiền duyệt thực, tư thực và thức thực.


Đức Phật ngồi thiền 49 ngày không ăn vì sự an lạc của tinh thần, đây là tư thực đã duy trì thân mạng. Các chư thiên ở cõi trời dục giới, sắc giới và vô sắc giới cũng lấy tư thực, sự khinh an của định để duy trì thọ mạng lâu dài.


Ngoài ra nên ăn cái gì? Thức thực.


Bốn thánh sáu phàm chung đủ thức thực này chỉ có khác là mê và ngộ.


Thánh nhân thì thức tánh đã giác ngộ viên mãn, vốn sẵn trong sáng gọi là Như lai tạng. Vì tánh Thủ Lăng Nghiêm duy trì tất cả công đức có tánh vô lậu, phi có, phi không, phi trụ và phi chẳng trụ. Đây là cách ăn bằng cách vốn có công đức chẳng thể nghĩ bàn mà làm sanh trụ. Nếu chúng ta dùng được món ăn này tức thức chuyển thành giác thì chúng ta thoát kiếp thân ăn uống đoạn thực của chúng sanh loài người.


Đây là một tiến trình giải thoát tâm linh.


KHÔNG TRỘM CẮP


A Nan, lại như chúng sinh lục đạo trong thế giới, tâm không thâu đạo, thì không theo dòng sinh tử tiếp tục. Thầy tu phép tam muội, cốt ra khỏi trần lao, nếu lòng thâu đạo không trừ, thì không thể ra khỏi trần lao được; dầu có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu không đoạn được lòng thâu đạo, thì chắc phải lạc vào tà đạo, hạng trên thì thành tinh linh, hạng giữa thì thành yêu mị, hạng dưới thì thành người tà đạo bị các loài quỷ mị nhập vào; các bọn tà đạo kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành đạo vô thượng. Sau khi tôi diệt độ rồi, trong đời mạt pháp, có nhiều những hạng yêu mị tà đạo ấy sôi nổi trong thế gian, chúng lén núp gian dối, tự xưng là thiện tri thức, mỗi người tự xưng đã được đạo pháp thượng nhân, lừa gạt kẻ không biết, dọa dẫm khiến cho mất lòng chính tín; chúng đi qua đến đâu, cửa nhà người ta đều bị hao tổn tan nát. Tôi dạy hàng Tỷ Khưu theo thứ lớp khất thực để bỏ lòng tham, thành đạo Bồ đề. Các hàng Tỷ Khưu không tự nấu ăn, gửi cái sống thừa tạm bợ trong ba cõi, thị hiện chỉ đi về một phen, đi rồi không trở lại nữa. Làm sao, bọn giặc mượn y phục đạo Phật, buôn bán Như Lai, gây các thứ nghiệp mà đều gọi là Phật pháp, lại còn chê bai các vị Tỷ Khưu đầy đủ giới luật xuất gia là đạo Tiểu thừa; do chúng làm cho vô lượng chúng sinh mắc phải nghi lầm, nên sẽ bị đọa vào ngục Vô Gián.


Sau khi tôi diệt độ rồi, nếu có Tỷ Khưu phát tâm quyết định tu phép Tam ma đề, biết ở trước hình tượng Như Lai, chính mình thắp một cây đèn, đốt một đốt ngón tay hay ở trên thân, đốt một mồi hương, tôi nói người ấy, túc trái vô thỉ, trong một thời trả hết, cáo từ thế gian, thoát hẳn các lậu. Người ấy, tuy chưa hiểu rõ đạo vô thượng giác, nhưng đối với Phật pháp, tâm đã quyết định; nếu không làm được cái nhân nhỏ mọn xả thân ấy, thì dầu thành đạo vô vi, cũng phải lại sinh làm người, trả các nợ cũ, như quả báo mã mạch của tôi, thật không sai khác. Thầy dạy người đời tu phép Tam ma đề, sau nữa, phải đoạn lòng thâu đạo.


Ấy gọi là lời dạy rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ ba của các đức Như Lai Phật Thế Tôn.


Vậy nên A Nan, nếu không đoạn lòng thâu đạo mà tu thiền định, thì cũng như người lấy nước rót vào chén thủng, mong cho đầy chén, dầu trải qua kiếp số như vi trần, rốt cuộc không thể đầy được. Nếu các hàng Tỷ Khưu, ngoài y bát ra, mảy may không tích trữ, xin ăn có dư, thì bố thí cho chúng sinh đói, nơi nhóm hội lớn, chắp tay vái chào đại chúng, có người đánh mắng cũng đồng như khen ngợi, quyết định rời bỏ cả thân và tâm, thân thịt xương máu thành sở hữu chung của chúng sinh, không đem những lời dạy bất liễu nghĩa của Như Lai làm chỗ hiểu của mình, khiến cho kẻ sơ học phải lầm lạc, thì Phật ấn chứng người ấy, thật được tam muội.


Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba Tuần[6] .


Nếu buông xả nhân sanh tử, học đạo xuất thế để cầu giải thoát mà giờ lại còn vướng mắc cho đến nổi phải đi ăn trộm ăn cắp, như thế tâm vướng mắc quá nặng nề thì làm sao mà nói chuyện giải thoát được.


Trong đoạn nghiệp quả tiếp tục Đức Phật dạy: Lấy thân người ăn con dê, dê chết làm người, người chết làm dê, như vậy cho đến mười loài chúng sanh chết sống, sống chết, ăn nuốt lẫn nhau, nghiệp dữ cùng sinh ra cùng tột đời vị lai, bọn này lấy đạo tham làm gốc [7].


Súc vật muốn tránh khổ cầu an, muốn sống, không muốn chết mà chúng ta dùng phương chước để giết chúng, đoạt lấy sinh mạng chúng, đây là một dạng trộm ăn cắp sinh mạng trầm trọng liên kết với sát sanh. Ngoài ra, trộm còn dưới nhiều hình thức như ăn cắp tiền của, vật sở hữu hoặc lớn hoặc nhỏ của Tam bảo, của người khác. Người ta không cho thì mình không được lấy. Nếu tự do lấy dùng thì đều phạm tội ăn cắp.


Nếu có những người tu tập thiền định, được định lực hiện tiền, nhưng nếu không đoạn lòng thâu đạo thì sẽ lạc vào tà đạo. Tùy định lực và phước báo mà có ba bậc:  


a. Hạng trên thì thành tinh linh, 
b. Hạng giữa thì thành yêu mị,
c. Hạng dưới thì thành người tà đạo bị các loài quỉ mị nhập vào. .


Các loài tà này cũng có đồ chúng, tự xưng là thành đạo vô thượng.


Như vậy, ác độc, sát sanh, giết người, hại vật thì làm quỷ; mê muội tham ái, tham đủ thứ thì làm ma; còn ăn trộm thì thành tà đạo, tinh linh, yêu mị và quỉ mị. Ăn trộm tức là chúng ta vướng vào vật bên ngoài, tự ràng, tự buộc thì làm sao mà vào chánh định nên gọi là tà đạo.


Yêu mị: yêu là yêu tinh, ăn trộm, ăn cắp, gian dối, xảo trá; mị là quỷ mị thuộc quỷ thần nên cũng đều là đi về đường tà.


Đồng bóng cô cậu: có chánh thần, tà thần, nhưng vì những vị này nặng về nghiệp sát sanh nên thường đọa đường quỷ. Đồng bóng cô cậu nếu nhập vào người để quậy phá thì gọi là tà. Nếu nhập để mang lợi ích cho người thì gọi là chánh thần như Quan Công nhập vào người khác để trị bịnh, trừ những tà ma quỷ quái.


Đức Phật dạy các tỳ kheo nên đi khất thực, giữ mạng sống tạm bợ trong ba cõi, thị hiện chỉ một phen đi về, đi rồi không trở lại.


Các tỳ kheo đi khất thực để khỏi chứa giữ, để khỏi có lòng tham lam tích trữ. Thí chủ bỏ vào bình bát, cúng món gì thì dùng món ấy. Ăn chỉ cốt giữ cái sống thừa tạm bợ trong ba cõi tức ăn để hộ trì tấm thân giả tạm này làm việc phụng sự đạo pháp chứ không phải vì khoái khẩu bổ dưỡng. Mỗi khi ăn, Đức Phật còn dạy phải nên tưởng năm phép quán:


1. Xét công nhiều ít, xét chỗ người đem đến
2. Xét đức hạnh mình tròn hay khuyết để ứng cúng
3. Ngăn ngừa tâm tham, sân, si là gốc
4. Món ăn chính là thuốc hay chữa bịnh hình khô sắc héo.
5. Vì thành đạo nghiệp mới thọ thức ăn này.


Khi xưa, tăng đoàn của đức Thế tôn chỉ đi khất thực, xin được gì thì dùng cái nấy, không dự trữ thức ăn, vì Đức Phật muốn tăng đoàn dành nhiều thời gian cho việc tu học.


Ở Ấn độ, việc khất thực là việc thường, nhưng khi đạo Phật truyền sang Trung quốc thì người dân rất khinh bỉ việc đi ăn xin. Nếu đi ăn xin thì cả nước xem thường. Hơn nữa hàng xuất sĩ được mệnh danh là chúng trung tôn, thiên nhân sư, thầy của trời người. Nếu thầy của trời người mà có hành động đi ăn xin, dân chúng Trung quốc khinh bỉ và coi thường.


Thế cho nên, khi đạo Phật truyền sang bên Trung quốc thì các tổ phải tùy duyên thay đổi, mới lập chùa, nhà trù, tri khố, nhà bếp, có những trụ xứ riêng như thế để thọ trai, để tu tập, tránh sự khinh bỉ của thế gian do khất thực. Đây là phương tiện phải tùy nghi thay đổi nếp sống cho phù hợp địa phương để Phật giáo được tồn tại và phát triển.


Thêm vào đó, ngay cả y, áo của chúng tăng cũng đổi để phù hợp với văn hoá Trung Quốc. Đắp y màu vàng đất để hiện tướng nhẫn nhục nhu hoà, áo tràng tay rộng, áo hậu, áo nhật bình màu nâu hay xám tro là nghĩa khiêm nhường, không xe xua màu sắc. Thế thì từ màu sắc cho đến cách may y áo cũng khác hẳn đi với lúc ở Ấn độ. Đó là bởi vì tùy cơ duyên để hợp phong tục người Trung quốc mà đạo Phật mới sống được.


Còn Việt Nam ảnh hưởng văn hoá Trung quốc, nên ở chùa chúng ta vẫn chứa gạo chứa thóc, nấu nướng, không đi khất thực; cách ăn mặc cũng giống Trung quốc. Các tổ không cố chấp hình tướng, cố gắng làm sao cho chúng ta cảm thấy phù hợp với phong tục tập quán và văn hoá địa phương mà thôi.


Về việc đốt tay cúng dường, Đức Phật dạy sau khi ngài diệt độ nếu có tỳ kheo phát tâm quyết định tu pháp Tam-ma-đề, nên ở trước hình tượng Như lai, chính mình thắp một cây đèn, đốt một ngón tay hay đốt ở trên thân, đốt một nén hương, Phật nói người ấy túc trái vô thủy, trong một đời trả hết, cáo từ thế gian, thoát hẳn các lậu.


Đốt thân, đốt tay có nghĩa là đã xả được ngã ái, ngã kiến rồi, vị ấy không thấy thân này là của mình nữa. Ý nghĩa của các kinh đại thừa đều mang nghĩa bóng. Đức Phật đâu cần đốt tay của chúng ta. Đốt tay, đốt thân là xả ngã. Thân quý giá nhất mà không tiếc thì còn tiếc cái gì nữa.


Nếu làm được đốt liều mà có tâm xả như vậy thì tất cả những túc trái (những nợ ân oán kiếp trước quá khứ) có thể trả được rồi. Thân chúng ta xả, tâm chúng ta xả, cái gì cũng buông hết thì coi như rũ sạch được tất cả rồi.


Nếu cái gì cũng buông sạch rồi thì Đức Phật ấn chứng vị ấy bao nhiêu nợ nần coi như sạch hết. Với tuệ nhãn, Đức Phật mới biết và ấn chứng, chứ chúng mình làm sao thấy được. Đây là chỗ thấy của Đức Phật, thế thì giờ muốn sạch hết tội chướng thì chỉ có một việc là xả, là xong.


Đốt thân, đốt tay đây cũng có nghĩa là Đức Phật khuyên chúng ta nên xả thân tâm phụng sự cúng dường. Biết thân này là hư vọng, nên dùng nó để trên thì phụng sự Phật pháp tăng, dưới phục vụ vì lợi ích cho mọi chúng sanh. Dùng thân tâm này để lợi ích cho tất cả mọi người, như vậy mới thành trí Bát nhã, trí tuệ. Cho nên, chúng ta phải phát tâm làm Phật sự không mệt mỏi, nếu có bị những lời hiểu lầm, chê bai thì cũng không sanh phiền, sanh hận; khi được khen chúng ta cũng không tự hào một cách vô ích, rọi xét biết thân này là hư vọng, xả thân.


Vọng thân, vọng tâm là những cái hư vọng thì dùng nó để phụng sự Tam Bảo, cha mẹ ông bà, cho đến phụng sự tất cả 10 phương thì cái hư vọng đó trở thành có phước báo. Chúng ta đày đọa cái thân để tu những khổ hạnh vô ích, thì sẽ gặt kết quả vô ích. Còn biết thân là hư vọng, tận dụng cái hư vọng này phụng sự Tam Bảo và phụng sự tất cả để khai mở trí tuệ và phước đức về sau.


Quan hệ nhất là cái tâm, hễ cái tâm nó tỉnh táo, sáng suốt mà làm thiện, còn nếu tâm mê thì thân này theo đó mà tà mà mê.


Phải hàng phục cái tâm, nó lung tung thì thân giữ gìn cũng chẳng được bền. Tâm nó là ông chủ. Cứ việc quán bất tịnh để tâm tỉnh ra, một lòng vâng lời Phật dạy mà giữ giới. Còn như nếu tâm của mình chưa tỉnh thì khó mà giữ được giới. Thế cho nên quan hệ nhất là tâm phải sáng suốt thì mới giữ đường đi đúng. Nên phần này Đức Phật gọi nhiếp tâm mới gọi là giới, tức phải có sức giác tỉnh mới định lòng nơi giới. Nếu tâm của chúng ta nó vẫn sân, tham, thì phải để ý mà dạy, luyện tâm làm sao cho nó tỉnh ra, phải quán bất tịnh, cái thân này là cái đáng chán thì tự nhiên sẽ không tham, không sân. Còn tham, còn sân tức là còn mê. Quán bất tịnh để cho nó hết cái ngu si.


Đức Phật ví như cái chén đã lủng thì làm sao đổ nước đầy vào chén? Cũng như khi thân của chúng ta giới phẩm đã hủy, phạm giới ăn trộm thì mình đổ Phật pháp vào sao Phật pháp đứng yên được? Phật pháp cũng sẽ theo lỗ hỏng nó chảy tuốt đi mất, như vậy chỉ tự đánh lừa mình mà thôi, chứ không thể mà thành quả được. Nếu mà chúng ta còn trộm cắp mà cứ tu thì không hy vọng giác ngộ, chỉ mình tự đánh lừa mình, bởi lẽ đã trộm cắp thì không thể thành công được.


Nếu ai nói như vậy thì quyết định đây là lời của Phật, hễ vị nào mà còn ăn trộm thì vị ấy còn có tánh tham thì không thể thành Phật được. Đây là lời nói quyết định không có thể nào mà tha thứ được.


KHÔNG ĐẠI VỌNG NGỮ


A Nan, chúng sinh lục đạo trong thế giới như thế, tuy nơi thân tâm không còn sát, đạo, dâm, cả ba hạnh đã được viên mãn, nếu mắc phải đại vọng ngữ, thì Tam ma đề không được thanh tịnh, thành giống ma ái kiến và mất giống Như Lai; tức như chưa được gọi là được, chưa chứng gọi là chứng, hoặc để cầu thế gian tôn trọng tột bậc, bảo người khác rằng: Nay tôi đã được quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, đạo A La Hán, thừa Bích Chì Phật hay các quả vị Bồ Tát trong thập địa hay trước thập địa, trông mong người kia lễ sám, tham sự cúng dường. Những tên nhất điên ca ấy, tự tiêu diệt giống Phật, như người lấy dao chặt cây đa la; Phật ấn ký người ấy, mất hẳn thiện căn, không còn chính tri kiến, chìm đắm trong ba bể khổ, không thành tựu pháp tam muội. Tôi bảo các hàng Bồ Tát và A La Hán, sau khi tôi diệt độ rồi, hiện ra thân, sinh trong đời mạt pháp kia, hiện ra nhiều hình tướng khác nhau, để độ những người còn trong vòng luân hồi, hoặc làm Sa Môn, bạch y cư sĩ, vua chúa, quan lại, đồng nam, đồng nữ, như thế cho đến người dâm nữ, người quả phụ, người gian dối, trộm cắp, người hàng thịt, buôn bán, để khen ngợi Phật thừa với những người đồng sự, khiến cho thân tâm của họ vào được Tam ma đề; nhưng rốt ráo không tự bảo rằng tôi thật là Bồ Tát, thật là A La Hán, khinh xuất nói với những người chưa học, làm tiết lậu mật nhân của Phật, chỉ trừ đến lúc lâm chung, hoặc chăng, thầm có những lời di chúc; làm sao, lại còn có lừa gạt chúng sinh, thành tội đại vọng ngữ. Thầy dạy người đời tu phép Tam ma đề, sau rốt phải đoạn trừ các đại vọng ngữ. Ấy gọi là lời dạy rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ tư của các đức Như Lai, Phật, Thế Tôn.


Vậy nên A Nan, nếu không đoạn trừ lòng đại vọng ngữ, thì cũng như khắc phân người làm thành hình cây chiên đàn, mà muốn được hương thơm, thật không có lẽ nào như vậy. Tôi dạy hàng Tỷ Khưu lấy trực tâm làm đạo trường, trong hết thảy hành động, nơi bốn uy nghi, còn không có giả dối, làm sao lại có kẻ tự xưng đã được pháp thượng nhân! Ví như người dân cũng xưng càn là đế vương để tự chuốc lấy sự tru diệt, huống nữa, là vị Pháp vương, làm sao lại dám xưng càn! Nhân đã không thật, quả ắt quanh co, như thế, mà cầu đạo Bồ đề của Phật, thì cũng như người muốn cắn rốn, làm sao mà thành tựu được. Nếu như các hàng Tỷ Khưu, tâm như dây đàn thẳng, tất cả đều chân thật mà vào Tam ma đề, thì hẳn không có các ma sự, tôi ấn chứng người đó, thành tựu được vô thượng tri giác của các hàng Bồ Tát.


Như lời tôi đây gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba Tuần.[8]


Đức Phật dạy người tu tam-ma-đề, chứng được thiền định hiện tiền mà phạm tội đại vọng ngữ thì sẽ thành giống ma ái kiến và mất giống Như-lai. Vì sao mất giống Như-lai? Cây đa-la ở Ấn độ như cây cau Việt Nam chúng ta, chặt ngang thân đi thì nó không thể mọc lên được nữa. Cũng thế người nói vọng ngữ, tự khoe nhận mình làm thánh thì Đức Phật gọi những vị ấy là vĩnh viễn đoạn thiện căn, mất chánh tri kiến và chìm đắm trong ba bể khổ.


Trong giới Phật giáo xảy ra hàng chuyện, những vị hoặc xuất gia hoặc tại gia cứ nhận mình làm thánh, là Phật sống, chưa chứng nói mình đã chứng, hoặc để cầu thế gian tôn trọng tột bậc nên nói tôi đã chứng quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật hay Bồ tát, tôi đã đạt được thập tín, thập hạnh, thập trụ, thập hồi hướng hay thập địa vv... Những người như vậy, Phật gọi là những tên Nhất-diên-ca tự tiêu diệt giống Phật, như người lấy dao chặt cây đa la đi.


Với tuệ nhãn, Đức Phật thấy sự nguy hiểm của vọng ngữ nên giới của ngài đặt là cấm tuyệt việc này để cho những người tầm thường đừng nhận mình làm thánh hay gián tiếp tỏ vẻ mình siêu phàm, xuất chúng. Nếu nhận mình làm Phật, làm thánh mà chính bản thân mình chỉ là kẻ tầm thường thì thế gian người ta không phân biệt được, bày tỏ tôn kính, cúng dường, phụng sự, đây gọi là đánh lừa, cho nên Đức Phật đặt giới nghiêm trọng.


Ngay cả những đại đệ tử của Phật, nếu tu tập có được thần thông nào đó, tựa như đây là những bông hoa nở trên đường thánh thiện tâm linh, tựa như đây là những diệu dụng của tâm lắng đọng. Biết thế cứ đi tiếp và đừng chấp thủ. Nếu vướng mắc vào thần thông thì sẽ thành hại và nguy hiểm, và càng không nên lợi dụng thần thông để thu thập tín đồ.


Tôn giả Đề-bà-đạt-đa vì tật đố với Phật và muốn có uy thế, muốn được các giới vua quan giàu có ủng hộ, với mưu mô củng cố uy quyền của mình để trở thành vị lãnh đạo thay Phật, nên Đề-bà-đạt-đa thị hiện thần thông phi thân giữa hư không, hiện thành con rằn bò trên đùi hay quấn thân vua A-xà-thế, khiến vua A-xà-thế hết lòng ngưỡng mộ sự siêu xuất đó mà trở thành kẻ nô lệ phục tùng cho những ý đồ đen tối của Đề-bà-đạt-đa.


Với thắng lợi chiếm được lòng tin của vua A-xà-thế rồi, Đề-bà-đạt-đa còn khuyên thái tử A-xà-thế giết cha Bình-sa-vương để đoạt ngôi, vì vua Bình-sa-vương còn hiện diện đó thì Đề-bà-đạt-đa cũng chưa thể làm gì được, bởi lẽ thái tử vẫn bị ảnh hưởng của vua cha.


Thái tử A-xà-thế vì màn vô minh bao phủ nên đã sai lính vào hạ thủ phụ thân.


Nhưng sự băng hà của vua Bình-sa-vương và lời cảm hoá của hoàng hậu Vi-đề-hi đã khiến thái tử A-xà-thế sực tỉnh tội ác tày trời của mình. Thái tử hết lòng sám hối trước Phật và sau đó trở thành người Phật tử phụng sự Tam bảo. Còn Đề-bà-đạt-đa với nhiều tội ngũ nghịch, nên khi thân hoại mạng chung, thần thức tức khắc sa vào địa ngục A-tỳ tăm tối muôn kiếp.


Thế nên, Đức Phật luôn khuyên tăng đoàn nên hạn chế sử dụng thần thông chỉ trừ mục đích hoá độ người ương ngạch. Những vị tăng trẻ càng nên hạn chế nhiều. Tôn giả Mục-kiền-liên là vị đại đệ tử được Đức Phật tin tưởng khi sử dụng thần thông hóa độ ngoại đạo.


Phật bảo phạm giới Đại Vọng ngữ là không tha thứ được, là ăn nói quanh co, là hư danh không thật như lấy phân thối khắc hình cây chiên đàn mà muốn được hương thơm, thật không có lẽ nào như vậy. Người mà thành thật tu hành thì mới thành Phật, còn dối trá giả vờ làm ông Phật là đồ giả, đồ dỏm thì làm sao thành Phật được. Ma ái kiến tức là yêu mình sau yêu người khác. Yêu mình nên mới đưa mình lên, tâng bốc mình lên để nhận sự cung kính của người khác. Đấy là ngu si mà rơi vào ngu si này thì đoạ lạc nên gọi là hầm hố. Mình đưa chúng sanh vào hầm vào hố như thế, làm sao đưa chúng sanh vào bồ đề được.


Tăng chúng đệ tử của Phật phải lấy trực tâm làm đạo trường, trong hết thảy hành động, nơi bốn oai nghi, còn không có giả dối làm sao lại có việc tự xưng mình được đạo pháp thượng nhân hơn người. Ví như người dân thường dám tự xưng mình là vua chúa thì chỉ tự chuốc lấy tai họa.


Thế nên, Đức Phật quyết định hễ còn tâm dâm, sát, trộm, dối là cái quyết định không có thể thành đạo được. Ai muốn tu theo đạo Phật thì quyết định phải vứt bốn cái sát, đạo, dâm, vọng này đi.


Giới Thanh văn chỉ cấm sự tướng, giữ thân không động, lo về sự tướng, trong khi giới Bồ tát cấm từ mống niệm tâm khởi.


Không dâm dục thì không sản sanh.
Không sát hại thì không bị giết.
Không trộm cắp thì không quả báo bị mất của.


Giới Bồ tát và Thanh văn đều là Đức Phật nói nhưng có vị nữ giới xuất gia (thọ 5 giới) phát nguyện xin thọ giới Sa-di-ni (10 giới), Thức-xoa-ma-na [9] (250 giới), rồi tiến lên giữ Tỳ-kheo-ni giới (348 giới) là tùy trình độ khả năng và sự phát nguyện giữ của vị nữ tu. Còn có những vị khác có khả năng giữ giới bồ tát là 10 giới trọng, 48 giới khinh để lợi lạc chúng sanh. Thế thì, tu hạnh Thanh văn thì lo một đời này cho xong, giải thoát, không trở lại luân hồi sanh tử nữa, nghiệp trong sáng; trong khi Bồ tát giới tùy nguyện mà nhập ta bà để độ sanh từ đời này sang kiếp khác để tất cả cùng thành Phật. Nếu chúng sanh với hạnh nguyện như vậy thì Đức Phật sẽ truyền dạy Bồ tát giới. Quan trọng là ở chỗ người khéo biết hành trì giới pháp của Đức Phật một cách uyển chuyển và thích hợp với hoàn cảnh và môi trường xã hội đương thời.


Giới Bồ tát dành cho cả tại gia và xuất gia, không chọn căn cơ, trình độ nào cũng thọ được hết, bởi vì ai cũng có thể giữ được, ai cũng có thể thành Phật được. Giới Bồ tát là để cầu thành Phật. Lúc thọ giới bồ tát, với tâm thành khẩn thì chúng ta sẽ đắc giới. Giới Bồ tát sẽ theo chúng ta đến suốt đời vị lai. Đức Phật hết lòng thiết tha chỉ dạy ý nghĩa và việc làm của từng giới, bởi vì giới chính là tâm chúng ta, chứ không phải bên ngoài đâu, giới nào cũng thế.


Chúng ta thiết tha lãnh thọ giới thế nào thì mình sẽ được đắc giới như thế đó. Giây phút thọ giới, nhận giới như là một phép ấn sẽ có ấn tượng theo dõi hộ trì cho chúng ta mãi. Còn lúc thọ giới mà bừa bãi chẳng biết gì, thấy người thọ, mình cũng thọ thì giới của chúng ta chỉ ở ngoài da, vì không có trong tâm. Còn với tâm thọ trì thành khẩn thì nếu vì nghiệp lực kiếp sau phải làm thân con trâu, con bò thì giới bồ tát vẫn không mất. Bởi vì chúng ta vẫn còn cái nguyện ấy trong tạng thức, nó có thể bị cũ đi, nhưng nếu gặp thiện tri thức, gặp Tam Bảo, đủ duyên thì hoa sẽ nở và quả sẽ kết trái.
 


Nếu chúng ta lỡ phạm giới rồi thì phải hết lòng thiết tha sám hối. Cố gắng học giới, trì giới thì giới thể hay năng lực tâm linh của chúng ta được phục hồi.


Đọc qua phần giới của Lăng nghiêm, chúng ta thấy Đức Phật nói giới là để hộ trì và bảo vệ đời sống an lạc của mọi người và mọi nhà. Chúng ta khéo ứng dụng và hành trì thì chúng ta sẽ đem lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân và tha nhân.



1 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 549-4.
2 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 721-2.
3 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 292.
4 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr.557-8.
5 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 292.
6 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr.559-61.
7 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 292.
8 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 562-5.
9 Pàli Sikkhamànà, sau khi thọ giới Sa di, vị nữ tu sĩ phải trải qua 2 năm học tập các giới pháp căn bản của Tỷ kheo ni gồm 250 giới Thức Xoa ma na.


*
*     *


Chương VIII
NĂNG LỰC THẦN CHÚ


Đức Phật dạy: “A-nan, thầy hỏi cách nhiếp trì tâm niệm thì tôi đã nói rằng: Người muốn vào tam-ma-đề, tu học pháp môn nhiệm mầu, cầu đạo Bồ tát, trước nhất cần giữ bốn thứ luật nghi đó trong sáng như giá, như sương, tự không thể sinh ra được tất cả nhành lá; ba ý nghiệp, bốn khẩu nghiệp ác chắc chắn không còn có nhân mà sinh được. A-nan nếu giữ bốn việc như vậy không thiếu xót, thì tâm còn không duyên với sắc, hương, vị, xúc, tất cả ma sự làm sao mà phát sanh được. Nếu có tập khí cũ không thể diệt trừ, thầy dạy người đó nhất tâm tụng thần chú vô thượng ‘Phật Đỉnh Quang Minh Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra’ của tôi, đó là cái tâm chú do vô vi tâm Phật của vô kiến đỉnh tướng Như lai, từ nơi đỉnh hiện ra, ngồi trên hoa sen báu mà nói.


Vả lại, thầy cùng nàng Ma-đăng-già do nhân duyên nhiều kiếp trước thành tập khí ái ân, không phải một đời hay một kiếp; song một phen tôi tuyên dương thần chú, nàng Ma-đăng-già thoát hẳn khỏi lòng yêu, thành quả A-la-hán. Nàng kia còn là dâm nữ, không có tâm tu hành, do sức thần chú giúp, cũng mau chứng quả vô học; thế thì các thầy, những hàng Thanh Văn trong hội này, cầu tối thượng thừa, thì quyết định sẽ thành Phật, cũng ví như bụi bay gặp gió thuận, có khó khăn gì?”[1] .


Từ nhiều kiếp chúng ta đã tạo vô biên tội ác từ sát đạo dâm vọng, tùy theo nghiệp báo mà chúng ta thọ lãnh tội nặng nhẹ.


Tham ái nhẹ tái sanh làm loài chim cá.
Sân hận nhẹ tái sanh làm rắn, mèo, hổ báo.
Ngu si nhẹ tái sanh làm voi, heo, ruồi và kiến.


Khi nghiệp báo trả ở thân súc sanh nhưng còn dư báo nên khi lên làm người thì hay bị chướng duyên do:


1. Vì tập khí nên xuất gia dễ phạm giới sát, đạo, dâm, vọng. Nếu làm phật tử tại gia phát tâm giữ 5 giới, 10 giới, nhưng việc giữ giới vẫn bị khiếm khuyết, không được trọn vẹn.


2. Vì dư báo nên câm điếc, đui ngọng, gẫy tay hoặc gặp những chuyện hẩm hiu, chướng nạn. 

 

3. Dễ bị phiền não chi phối, khó điều ngự được. Vì phiền não nên dễ vun bồi thêm nhân ác tham, sân, si để đời đời đi lại trong tam đồ.


Do ba điều này chi phối chúng ta, nhất là chủng tử tập khí, nên đạo nghiệp của chúng ta khó thành, ý chí khó vững.


Xin kể một chuyện về tập khí sát sanh:


Có một tên giết người, sau này được cảm hoá và xuất gia. Dù xuất gia nhưng tập khí cũ vẫn còn mạnh mẽ trong lòng. Ở chùa hay tiếp xúc Phật tử nếu gặp việc không vừa ý, trái ý, thì tập khí hung dữ đó khởi lên mãnh liệt muốn hãm hại đối tượng của mình, muốn đánh, muốn đả thương, dùng bạo lực để đánh trả những người không nghe lời sư.


Cơn khủng hoảng mâu thuẫn dằn vật dữ dội vì sư không muốn như vậy nhưng bên trong tập khí nổi lên, khiến tay chân sư ngứa ngáy muốn cầm vũ khí hung hãn đánh người.


Vị thầy bổn sư phải đứng một bên ân cần khuyên bảo, cùng với tập trung trì chú hỗ trợ để giúp cho ý thức của sư có đủ sức mạnh kềm chế những tập khí thói quen cũ và nhờ tha lực của thần chú gia hộ. Sau nhiều lần trì chú và sám hối, ý thức sư chiến thắng tập khí cũ.


Sư trở nên hiền lành như một nhà sư cửa Phật.


Tập khí thói quen là một cái gì đó không hình không tướng nhưng vẫn chi phối chúng ta khó diệt. Thế nên, trong nhà thiền có bài kệ truyền tụng nổi tiếng như sau:


Ðốn ngộ tuy đồng Phật
Ða sanh tập khí thâm.
Phong đình ba thượng dũng
Lý hiện niệm du xâm.


Tạm dịch:


Ðốn ngộ tuy bằng Phật
Nhiều đời tập khí vây.
Gió dừng, còn sóng dữ
Lý hiện, niệm còn đầy.


Bây giờ được làm người, chúng ta còn nhiều dư báo của chủng tử súc sanh sót rớt lại trong thân tâm này, nên chúng ta bị báo chướng (sáu căn không đủ, bịnh hoạn), nghiệp chướng (chủng tử tập khí) và phiền não chướng (phiền, hận, ghen ghét, tập đố...) theo chướng ngại mình.


Để tiêu những tập khí nghiệp báo này, ngoài việc sám hối, quán tưởng hay điều ngự tâm, chúng ta có thể thành tâm trì tụng thần chú sẽ giúp chúng ta có năng lực tiêu trừ tận gốc các tập khí thâm sâu khó gỡ.


Hiệu lực của thần chú Thủ Lăng Nghiêm rất lớn.


Thần chú Thủ Lăng Nghiêm còn gọi là Phật Đỉnh Quang Minh Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra hay Bạch Tán Cái tức chỉ cho cái thể dụng rộng lớn của bản lai tự tánh. Bạch là trí tuệ. Tán cái là lòng từ bao la rộng lớn. Như vậy, chú Lăng Nghiêm là biểu hiện toàn thể toàn dụng của tự tâm nên gọi là tâm chú.


Tâm chú này có khả năng và hiệu quả rất lớn, có khả năng tiêu trừ tập khí sát, đạo, dâm, vọng, đặc biệt là tập khí của lòng ái dục. Chính thần chú này đã cứu A-nan và nàng Ma-đăng-già ra khỏi đám mây ái dục. Và khi người trì tụng phát tâm cân xứng với thần chú này nghĩa là cân xứng với bản lai tự tánh.


Thần chú này thuộc mật giáo. Có năm đệ (phần) chia ra 427 câu [2] và không giải nghĩa được. Còn các phần khác trong kinh Thủ Lăng Nghiêm đều thuộc hiển giáo vì Đức Phật có giải thích từng phần, từng câu rõ ràng.


Thần chú này tùy mỗi nước phiên âm có sai khác đôi chút, nhưng nếu có lòng tin bất động đúng đắn, nhiếp tâm thọ trì miên mật thì sẽ có hiệu nghiệm.


Trong chốn thiền môn thời Lăng Nghiêm được gọi là thời công phu khuya (tức công phu tu tập mới sớm tinh mơ) khoảng 5 giờ hay 6 giờ sáng, tùy từng chùa. Ngoài năm đệ Lăng Nghiêm còn kèm theo chú Đại bi và thập chú như chú Như ý bảo luân vương, Tiêu tai kiết tường, Công đức bảo sơn, Phật mẫu chuẩn đề, Thánh vô lượng thọ quyết định quang minh vương, Dược sư quán đảnh, Quán âm linh cảm, Thất Phật diệt tội, Vãng sanh tịnh độ và Thiện thiên nữ chú.


Đây là thời công phu rất thanh tịnh vì sau một đêm nghỉ ngơi, ngủ dậy, tâm trí rất trong sáng, nhẹ nhàng, những công việc hàng ngày nặng nhọc, bận rộn đã lắng xuống, nên thần chú dễ thấm nhuần thân tâm. Thêm vào đó, buổi sáng tinh mơ không khí yên tĩnh, trong lành, thần kinh êm dịu, việc tụng kinh trì chú dễ dàng tăng thêm nhiều năng lượng tâm linh cảm ứng.


1 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 570-1.
2 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 583-600.



Thích Nữ Giới Hương

Còn nữa...

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp