HỎI:
Vừa rồi tôi được biết thông tin qua một bản photocopy về một bài báo của Trần Thế Tài (từ Đài Loan gởi về), cho rằng một số món chay có nguồn gốc từ Đài Loan nhưng chứa thịt động vật, làm cho người ăn chay phá giới. Qua kiểm chứng, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều món chay Đài Loan với nhiều hình thù và mang hương vị “kỳ lạ” như ham, tôm, gà, cá thu… Tôi hiện rất băn khoăn về tên gọi “mặn” của các món chay cùng xuất xứ của những món chay ngoại nhập này, có nên tiếp tục sử dụng chúng hay không?
ĐÁP:
Ăn chay, với một người dù không phải là Phật tử, nhưng bằng sự hiểu biết thông thường, ai cũng hiểu nôm na đó là phong cách ẩm thực thanh khiết, chỉ ăn thức ăn có nguồn gốc thực vật. Và, sẽ hết sức gập ghềnh, khiên cưỡng khi gán cho những thức ăn ấy tên gọi của những món mặn cho những món chay có từ bao giờ, mà vấn đề được đặt ra là chất lượng cũng như xuất xứ của những món chay theo thư bạn đã mô tả.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện giờ có rất nhiều món chay được nhập khẩu (chính thức) từ Đài Loan qua những công ty thực phẩm có uy tín tại Việt Nam. Thế nên, xuất xứ cũng như hàm lượng dinh dưỡng đều tuân thủ theo những nguyên tắc chung về quy định an toàn thực phẩm và những thông số bắt buộc đó đều được in sẵn trên bao bì. Cho nên, khi mua thức ăn chay được nhập từ những đơn vị này; thiết nghĩ, tính đúng đắn về thành phần, chất lượng (độ thanh khiết), hàm lượng dinh dưỡng và các điều kiện vệ sinh khác đã được kiểm định và bảo đảm. Do đó, việc sử dụng những nguyên liệu chay này, xét về mặt thanh khiết, hoàn toàn đảm bảo và có thể an tâm sử dụng.
Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây, vì có rất nhiều công ty sản xuất thực phẩm chay ở Đài Loan và con đường nhập khẩu những thức ăn chay ấy vào Việt Nam cũng rất nhiêu khê, phức tạp. Do đó, sẽ không có gì đảm bảo, nếu như chúng ta mua những thức ăn chay có nguồn gốc từ Đài Loan nhưng không rõ xuất xứ. Cho nên, bạn cũng nên cân nhắc kỹ điều này.
Được biết, nguyên liệu để chế biến thức ăn chay có hương vị “Đài Loan” hiện nay Việt Nam đã sản xuất được. Ngay cả một số món ăn chay có quy trình chế biến phức tạp như các món chay của Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng được các đầu bếp Việt Nam chế biến thành công bằng nguyên liệu tại chỗ. Nếu như bạn có nhu cầu tìm hiểu về cách thức chế biến các món ăn chay mang phong cách nước ngoài , thì trên thị trường sách báo hiện nay, có rất nhiều các tác phẩm, cẩm nang chế biến các món ăn chay từ thị trong nước cho đến nước ngoài, mang nhiều hương vị đặc thù khác nhau.
Tuy nhiên, có một điều không phải ở chất lượng hay hương vị, mà như đã nói ở phần đầu, đó là vấn đế tên gọi những món ăn chay. Vì lẽ, thắc mắc của bạn đã đồng thời nêu lên một thực trạng và đang xảy ra trong hoạt động văn hoá ẩm thực chay ở nước ta nói chung và các chùa nói riêng. Đó là việc chế biến những món chay giả mặn! Thực trạng này đã và đang diễn ra trong một số nhà hàng, quán ăn chay và thậm chí ở những ngày lễ hội trong chốn thiền môn.
Dẫu biết rằng, tên gọi một con người, một dòng sông, một quang cảnh… được định hình theo tập quán, thói quen. Việc gọi tên những món chay giả mặn dường như từ lâu đã in sâu trong tâm trí những người đứng bếp. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi tên gọi, tập tục đó bằng một sự nỗ lực, bằng một sự định hướng. Khảo sát những món chay Thượng Hải, có những tên gọi rất hay như: Nghĩa đào viên, Kim ngọc mãn đường, Thuý đề ngân liễu… Tên gọi những món chay đó tuy chỉ mang tính tự phát, nhưng nếu như chúng ta có một sự đầu tư hơn nữa, có một động thái tích cực hơn nữa, xét về phương diện giá trị thẩm mỹ, văn hoá, giáo dục và định hướng thì việc gọi tên các món ăn chay một cách hợp lý sẽ có những ảnh hướng tích cực hơn.
Món ăn chay đầy đủ hàm lượng dinh dưỡng, được chế biến và trình bày có tính thẩm mỹ cao, nhất là hợp lý với tên gọi “chay” sẽ tạo nên một ảnh hưởng giáo dục rất lớn đối với người cảm thụ. Vài lời sẻ chia, chúc bạn vững tin trong việc lựa chọn thức ăn chay của mình và có nhiều sáng kiến để đặt tên cho những món chay mang âm hưởng của dân tộc và đạo vị giải thoát.
Theo Tổ tư vấn/giacngo.vn