HỎI:
Xin cho biết ngày trùng tang và ngày trung là những ngày nào trong năm?Trong dân gian kiêng kỵ những ngày trung này trong việc chôn cất, mai táng, vậy quan điểm của đạo Phật về những ngày trùng này như thế nào?
ĐÁP:
Theo quan niệm của lịch số Trung Hoa và trong dân gian nói chung thì ngày trung tang là ngày đại kỵ trong việc an táng, chôn cất.Ngày này còn có tên là ngày cướp sát. Cách tính ngày trung tang như sau:
Đối với tuổi Thân, Tý, Thìn kỵ tỵ. Có nghĩa là người chết tuổi Thân hay tuổi Tý hoặc tuổi Thìn mà mất vào năm Tỵ, tháng tỵ, ngày Tỵ và giờ Tỵ là bị chết vào ngày trùng tang, tuyệt đối tránh an táng vào ngày Tỵ. Tương tự như thế đối với các tuổi Dần, Ngọ, Tuất kỵ Hợi, tuổi Tỵ, Dậu, Sửu kỵ Dần; tuổi Hợi, Mão, Mùi kỵ Thân. Những ngày trung tang này rất hiếm trong năm.
Theo quan niệm dân gian, nếu chôn cất vào những ngày trung tang này thì sau khi an táng xong, một thời gian ngắn sau có thể những người khác trong thân tộc sẽ chết theo. Trong trường hợp khoảng vài tuần, vài tháng hoặc trong vòng ba nằm có nhiều người chết liên tiếp thì bị trùng tang liên táng.
Ngày trùng là ngày Dân, Thân, Tỵ, Hợi cùng trùng ngày, trùng tháng và trùng năm. Như ngày Dân, tháng Dần và năm Dân, ngày Thân, tháng Thân và năm Thân… gọi là những ngày trùng. Vào những ngày trùng kiêng kỵ tẩm liệm, chôn cất và cải táng. Người chết với bất cứ tuổi nào cũng đều xung kỵ ngày này. Trong dân gian tin rằng nếu chôn vào ngày trùng ắt sẽ có một người thân chết theo, tuy vậy vẫn nhẹ hơn trùng tang liên táng.
Đối với Phật giáo thì sống chết là chuyên thường nhiên, do nghiệp lực của tự thân mỗi người chi phối. Sống và chết chỉ là hai hiện tượng trong tiến trình luân hồi bất tận. Nghiệp tuy có chung và riêng, song nghiệp riêng vẫn giữ vai trò chủ động, quyết định và có tính cách độc lập, không ai có thể thay thế cho ai. Vì thế, Phật giáo không có quan niệm về ngày trùng tang, trùng nhật và hoàn toàn phủ nhận việc ngày giờ chôn cất của một người mà có thể ảnh hưởng đến sự sống chết của người khác.
Tuy nhiên, vì tập tục này ăn sâu vào tâm thức mọi người nên một vài nơi, trong tinh thần phương tiên, nhà chùa vẫn khuyên các Phật tử không an táng thân quyến vào những ngày trùng, nhằm giúp họ an tâm để chu toàn tang lễ đồng thời nỗ lực cầu nguyện, khai thị, làm phước hồi hướng cho hương linh. Đây mới là những điều cần làm để “âm dương lưỡng lợi” theo quan điểm Phật giáo.
Theo Tổ tư vấn/GiacNgo.Vn