Thế nào là Nhân qủa và Nghiệp báo?
Nhân quả và nghiệp báo là hai vấn đề gắn liền với đời sống thực tế của con người, nó cũng được xem là lý do hiện hữu của con người trong vòng luân hồi tái sinh. Nói một cách ngắn gọn, nhân là nguyên nhân hay là nguyên động lực dẫn đến một kết quả cụ thể; và quả là cái kết cuộc được chín muồi, được hình thành từ các nguyên nhân. Bạn có thể hiểu mối liên hệ của nhân quả trong sự tương quan của một hành động, chẳng hạn như ăn thì no hay thức khuya thì buồn ngủ. Nhân quả là một định luật bù trừ mang tính khách quan; nhưng tác động của nó luôn được chi phối bởi các yếu tố tâm lý.
Trái lại nghiệp (karma) mang ý nghĩa thiện-ác của một hành động được phát sinh từ tâm mà chúng ta thường gọi là nghiệp thiện (tốt) và nghiệp bất thiện (không tốt). Nhân quả và nghiệp có quan hệ chặt chẽ với nhau; hay nói khác đi, nghiệp chính là dòng vận hành của nhân quả mà ở đó tâm thức bao giờ cũng là nền tảng cho mọi sự sinh khởi và đoạn diệt. Do vậy, dòng năng lượng của tâm chính là đời sống của nghiệp. Tâm tốt sẽ tạo thành nghiệp tốt và tâm xấu sẽ tạo thành nghiệp xấu. Vì thế, để có được một sống an lạc hạnh phúc cho chính bản thân, bạn phải gieo nhân lành thông qua ba nghiệp của tự thân và phát triển những năng lượng trong sáng và lành mạnh của tâm thức. Đạo Phật dạy rằng một người biết tu tập phải luôn luôn phát triển bốn tâm cao qúy vô lượng, đó là: từ (loving kindness), bi (compassion), hỷ (joyfulness), và xả (equanimity).
Ba nghiệp là gì?
Ba nghiệp là thân, miệng và ý. Thân và miệng thuộc về vật lý, ý thuộc về tâm lý. Tuy nhiên, chính ý hay còn gọi là tâm thức, là yếu tố quyết định để tạo thành nghiệp (nhất thiết duy tâm tạo). Một hành động tự nhiên của thân thể, như đi đứng nằm ngồi, không thể tạo thành nghiệp, trừ phi nó (hành động) được điều động bởi tâm thức, tức là một hành động có chủ ý (volitional action). Vì thế, ba nghiệp thân, khẩu, và ý được Đức Phật phân chia cụ thể thành 10 loại nghiệp căn bản như sau :
a/ Thân nghiệp có ba loại: sát sinh, trộm cắp, tà dâm.
b/ Khẩu nghiệp có bốn loại : nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói lời xấu ác.
c/ Ý nghiệp có ba loại : tham lam bỏn xẻn, sân hận thù oán, tà kiến cố chấp.
Đấy là mười bất thiện nghiệp căn bản, chúng là nguyên nhân chính đưa đẩy chúng sinh trôi dạt trong sáu nẻo luân hồi.
Thế nào là luân hồi ?
Luân hồi, tiếng Sanskrit gọi là samsāra, có nghĩa là sống và chết theo chu kỳ của từng kiếp sống nối tiếp nhau liện tục như cái bánh xe quay vòng tròn (cycle of life) không ngừng. Tuy nhiên, trong đạo Phật, khái niệm luân hồi được chỉ rõ cho sự trôi lăn của một chúng sinh trong ba cõi sáu đường (tam giới, lục đạo) đó là : cõi dục, cõi sắc, và cõi vô sắc; sáu đường là thiên (heavens), nhân (human beings), a tu la (titans), địa ngục (hells), ngạ qủy (hungry ghosts), và súc sinh (animal kingdom). Thep đạo Phật nguyên thủy, chỉ khi nào, một chúng sinh đạt được giác ngộ tối hậu (như Đức Phật hoặc các vị Thánh A la hán) mới có thể thực sự giải thoát khỏi vòng luân hồi. Trong đạo Phật phát triển, các vị Bồ Tát nguyện đi vào cõi luân hồi để hóa độ chúng sinh. Do vậy, có hai con đường để đi vào cõi luân hồi: một là nguyện lực tái sinh (như các vị Bồ Tát), và hai là nghiệp lực tái sinh. Nguyện lực tái sinh là chủ động tái sinh theo ý nguyện, trong khi nghiệp lực tái sinh là sự bị bắt buộc phải tái sinh vào một cõi nào đó như địa ngục, ngạ qủy, và súc sinh...
Đạo Phật không tin vào một linh hồn vĩnh cửu, thì lấy cái gì để tái sinh trong vòng luân hồi?
Đây là câu hỏi rất thú vị. Đúng như vậy, đạo Phật không thừa nhận có một linh hồn vĩnh cửu, bất diệt. Vì lẽ, như giáo lý Vô ngã đề cập, không hề có một bản ngã hay cái ngã linh hồn nào trường tồn bất diệt, mà chỉ có dòng nghiệp thức của các chúng hữu tình (sentient beings) luôn trôi chảy, như sự trôi chảy của một dòng sông. Vì nếu có một cái ngã linh hồn bất tử, thì con vật không thể–sau khi phát triển thiện nghiệp qua nhiều đời–chuyển sinh sang con người; hoặc là con người không thể chuyển sinh thành một vị Bồ Tát hay một vị Phật. Tuy nhiên, dòng nghiệp thức chính là sự vận hành liên tục từ đời này qua đời khác trong cõi luân hồi mà nền tảng của sự vận hành này chính là cái tâm của mỗi chúng sinh (xem câu hỏi 18). Do đó, đạo Phật không thừa nhận có một linh hồn bất tử (immortal soul) nhưng thừa chận có sự chuyển biến của tâm thức (transformation of the mind) trong suốt hành trình sinh và tái sinh. Cho đến khi nào hành giả tu tập và đạt được thánh quả như A la hán, Phật, hay Bồ tát ở địa vị bất thối, thì vòng luân hồi chấm dứt. Lúc bấy giờ vấn đề sinh và tái sinh là do nguyện lực chứ không phải là do sự thúc đẩy của nghiệp lực nữa. Bạn nên nhớ rằng khi đề cập đến chủ đề luân hồi tái sinh, đạo Phật không dùng danh từ hồn (soul) mà dùng danh từ tâm thức (mind).
Làm sao để biết rằng mình sẽ tái sinh trong cõi luân hồi ?
Câu hỏi này vượt ngoài khả năng hiểu biết của người bình thường, vì chúng ta chưa chủ động được trong vấn đề sinh và tử. Chúng ta đang trôi lăn theo dòng nghiệp của chính mình mà hoàn toàn không hay biết gì hết. Nếu hỏi bạn từ đâu sinh ra, bạn cũng sẽ lúng túng như vậy thôi. Nhưng, đối với Đức Phật và các vị Thánh đã có con mắt siêu nhân (thiên nhãn thông), thì chuyện sinh từ đâu đến và tử sẽ đi về đâu không còn là vấn đề mù mịt nữa. Đức Phật trong các kinh Bổn Sinh, đã kể về nhiều kiếp trước của Ngài khi còn là một hành giả đang tu tập. Tuy nhiên, theo định luật nhân quả, bạn không cần phải biết chết rồi sẽ đi về đâu; nhưng điều bạn cần phải biết đó là, bạn đang sống với một tâm thức như thế nào, bạn đang gieo trồng thiện nghiệp hay ác nghiệp? Vấn đề còn lại đã có luật nhân quả - nghiệp báo tự nó điều động. Tuy nhiên, nếu bạn là người đang tu tập, thì tùy vào pháp môn thực tập mà bạn có thể phát nguyện cho sự tái sinh của mình; như hành giả theo Tịnh Độ, thì cõi Tịnh Độ là nơi mà họ phát nguyện được sinh sang sau khi chết.
Tâm, ý, và thức khác nhau như thế nào ?
Trong đạo Phật nguyên thủy, tâm, ý, và thức cả ba danh từ này đều chỉ chung cho các hoạt động thuộc về tâm lý, tùy theo từng trường hợp mà mỗi danh từ khác nhau được sử dụng. Tuy nhiên, trong đạo Phật phát triển, đặc biệt là giòng triết học Duy Thức, hệ thống tâm lý bao gồm tám thức được phân chia theo từng chức năng cụ thể như sau :
a/ Ý thức (pravrtti-vijňāna): bao gồm sáu loại: 5 thức giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức).
b/ Mạt na thức (mano-mana-vijňāna): thức thứ bảy đóng vai trò trung chuyển giữa sáu thức giác quan và Tàng thức, tức tâm thức sâu kín bên trong.
c/ Tàng thức (ālaya): là kho tàng dung chứa các dữ liệu kinh nghiệm (chủng tử) của quá khứ và hiện tại.
Cả ba loại tâm thức này đều liên hệ mật thiết với nhau, thông qua một quá trình xử lý (processing) để tạo thành các kinh nghiệm thực thụ. Ví dụ, khi con mắt nhìn thấy một cánh hoa, ý niệm về cánh hoa sẽ được đưa vào bên trong tàng thức–nơi mà hình ảnh về nhiều loại hoa đã được lưu giữ trong quá khứ– để xử lý và đưa ra một ý thức rõ ràng đây là cánh hoa hồng. Rồi cánh hoa hồng này có bản chất như thế nào, mùi hương của nó ra sao .v.v. tất cả đều qua một quá trình tương tác lẫn nhau trong dòng tâm thức để sau cùng tạo ra một kinh nghiệm thực thụ về cánh hoa hồng mà bạn vừa nhìn thấy.
Nói chung tâm, ý, và thức là một tổng hợp trong hệ thống hoạt động tâm lý của con người. Không thể tách rời chúng ra từng phần riêng biệt. Bạn có thể hiểu đại khái về chức năng căn bản của tâm thức con người như sau: Tâm là nơi tích chứa, ý là năng lực tạo tác, và thức là năng lực hiểu biết. Khổ đau hay hạnh phúc đều do dòng vận hành của tâm, ý, và thức mà tạo thành; cho đến các cảnh giới cũng đều như vậy.
Nếu không có Thượng Đế, Thiên đường và địa ngục do đâu mà có ?
Tất cả đều do tâm tạo, nhưng bạn đừng bao giờ đem cái tâm ô trược ở cõi người để suy tư về cái hạnh phúc an lạc ở các cõi khác, như các cõi trời (cảnh giới của chư thiên), cõi Tịnh. Đấy là điều không thể. Cũng vậy, bạn không thể hiểu biết được cái khổ đau ở các cõi thấp hơn cõi người như địa ngục, ngạ qủy, và súc sanh. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó và trong những trường hợp nhất định, bạn có thể kinh nghiệm được phần nào về sự khổ đau và an lạc của các cõi khác nếu trạng thái tâm của bạn tương ứng với các cõi đó. Ví dụ, khi sân hận lên đến cực độ, bạn sẽ cảm nhận được sự khổ đau của các cõi đầy dẫy sân hận. Hoặc khi tâm không còn đắm nhiễm các phiền não của tham, sân, si, bạn cũng sẽ cảm nhận được hương vị của cõi tịnh lạc, giải thoát. Theo đạo Phật, chư thiên ở các cõi trời sắc giới sống bằng niềm hỷ lạc của tâm, và tất cả tiện nghi của cuộc sống đều do tâm chiêu cảm. Thế nhưng, khi phước báu ở cõi trời đã hết, họ vẫn phải rơi rụng (tái sinh) xuống các cõi thấp hơn; nhưng nếu họ nỗ lực tu tập, thì họ vẫn có cơ hội được giác ngộ, giải thoát. Cũng vậy, sự đau khổ của chúng sinh trong các khổ thú đều do tâm thức tự chiêu cảm lấy. Trong cõi khổ, nếu gặp cơ duyên phát khởi thiện tâm thì vẫn có cơ hội được giải thoát.
Nếu tất cả đều do tâm, vậy người theo tôn giáo khác có thực hành giáo lý của đạo Phật được không?
Bất kỳ ai cũng có thể thực hành giáo Pháp mà Đức Phật giảng dạy. Những ai đi theo con đường tu tập thì nhất định sẽ có thể thay đổi và chuyển hóa đời sống phiền não và nghiệp chướng của mình, ít nhất là trong đời sống hiện tại. Tuy nhiên, đối với những người không phải là Phật tử, sự tu tập theo giáo Pháp của Đức Phật cần được hướng dẫn bởi chư Tăng, Ni hay những người Phật tử đã có ít nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tu tập. Vì vậy, bạn luôn luôn được khuyến khích tìm hiểu và nghiên cứu giáo lý dưới sự hướng dẫn trực tiếp của một vị Thầy. Sự thực hành giáo Pháp sẽ đem lại cho ta những thành quả thiết thực khi nào dòng tâm thức tham, sân, si, mạn của chính mình bắt đầu thay đổi theo chiều hướng nguội dần. Nếu bạn am hiểu và thậm chí có thuộc lòng bao nhiêu kinh điển đi nữa, mà dòng tâm thức tham sân si mạn không vơi đi chút nào, thế có nghĩa là bạn chưa có tu tập gì hết.
Khải Thiên