Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (INTRACOM) là một doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng, với quy mô hàng trăm nhân viên, doanh thu hàng năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Lãnh đạo công ty đã thành lập một đạo tràng sinh hoạt tại chính doanh nghiệp với tên gọi Cửu Hoa Sơn.
Intracom đang xây dựng văn hóa kinh doanh trên nền tảng Phật pháp nhằm đưa doanh nghiệp trở thành mái nhà chung, lấy con người làm trung tâm, xây dựng cuộc sống an lạc cho cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng.
Bản chất cốt lõi của văn hóa kinh doanh là thể hiện đạo đức của người kinh doanh, giá trị này được thể hiện ở tính trung thực, uy tín với khách hàng, trách nhiệm với cộng đồng mà không chạy theo lợi nhuận hay lợi ích của cá nhân để làm ăn gian dối hoặc dùng mọi thủ đoạn để trục lợi, kể cả việc loại trừ đối thủ trên thương trường.
Phật pháp và giá trị của văn hóa kinh doanh
Áp dụng triết lý Phật pháp vào kinh doanh không phải là lĩnh vực mới ở nước ta,nhưng cũng không nhiều doanh nghiệp áp dụng thành công, bởi lẽ cuộc sống cũng như công việc kinh doanh không ngừng vận động, mặt khác văn hoá kinh doanh cũng được đánh giá từ nhiều góc độ.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ trương nâng cao uy tín của mình qua những triết lý kinh doanh như: phục vụ khách hàng hoàn hảo, khách hàng là thượng đế, chữ tín quý hơn vàng... những triết lý tương tự như vậy có tác động lâu dài đến sự phát triển bền vững, thể hiện được giá trị văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp, những triết lý ấy phần lớn bắt nguồn từ triết lý của Phật pháp.
Yếu tố hàng đầu của văn hoá kinh doanh
Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và Giao thông (Intracom) đã áp dụng thành công triết lý Phật pháp trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Chúng ta có thể hiểu rằng, văn hóa “Từ bi – Trí tuệ” mà Intracom áp dụng là: cuộc sống cũng như kinh doanh,con người không khinh ghét, không cạnh tranh thiếu lành mạnh mà che chở, tạo giá trị cho nhau để cùng đạt được mục đích là no ấm hạnh phúc.
Và triết lý kinh doanh “Tự lợi, lợi tha” cũng đồng nghĩa với vì lợi ích, hạnh phúc của nhiều người, nghĩa là văn hoá kinh doanh của Intracom thể hiện được các yếu tố: Những chuẩn mực của lối sống, văn hoá dân tộc, sự trung thực, trí tuệ, sự tôn trọng, thực hiện đúng pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng, phát triển bền vững, sáng tạo vì quyền lợi quốc gia; như vậy chúng ta thấy, trách nhiệm xã hội đã trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu của văn hoá kinh doanh mà Intracom áp dụng.
Bản sắc văn hóa kinh doanh để phát triển bền vững
Để phát triển bền vững, mỗi doanh nghiệp đều có bản sắc văn hóa riêng, theo PGS.TS Đào Duy Quát, Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, thì chủ doanh nghiệp có vai trò quyết định trong xây dựng văn hoá doanh nghiệp, bởi lẽ họ là người trực tiếp điều hành, đồng thời là tấm gương văn hoá để mọi thành viên trong doanh nghiệp noi theo.
Còn theo Đại đức Thích Trí Chơn "Doanh nhân làm việc với tâm trong sáng, lợi mình, lợi người, thấy được cái chân cái giả, thấy được những qui luật, những chuyển biến cuộc đời và ứng dụng cái thấy vào cuộc sống thường nhật thì doanh nhân sẽ có nhiều niềm vui dù công việc có thăng có trầm. Ngược lại, hiệu quả công việc rất tốt, sự nghiệp thành đạt nhưng nếu doanh nhân không tìm được những phút giây an bình nội tại, không thấy được bản chất cuộc đời, lấy giả làm chân, lấy phương tiện làm cứu cánh thì doanh nhân vẫn là những người nghèo khổ nhất cuộc đời: nghèo tình thương, nghèo hạnh phúc, nghèo an lạc…"
Tương quan giữa đạo và đời Ðối với mọi ý nghĩ và cảm xúc xuất hiện trong nội tâm cũng đều phải phân tích sâu sắc, đó là điều kiện cơ bản để cho nhân cách chúng ta ngày càng trở nên hoàn thiện; Một người xưng là Phật tử mà nhân cách tồi tệ, tiếng xấu đồn xa, người có trí thì xa lánh, quần chúng thì ghét bỏ thì không thể được coi là Phật tử.
Phật pháp dạy rằng: là Phật tử, có thể bị chê là trình độ Phật học kém, nhưng không thể bị chê là người thiếu nhân cách, một con người xấu. Không thể có một Phật tử mà lại là con người xảo trá, nói lời không thật, không được ai tin cậy.
Phật pháp đi vào thế giới kinh doanh một cách tự nhiên để phát triển và hội nhập, Phật pháp có câu: “Đời không đạo lấy gì mà sửa, Đạo không đời biết sửa với ai”. Đạo Phật không chấp nhận kinh doanh bằng mọi giá, chà đạp lên mọi giá trị, phẩm chất và lương tâm bằng mọi thủ đoạn để kiếm tiền mà quên đi cái “tâm” cao cả của người làm kinh doanh.
PT. Nguyễn Thanh Việt (thứ hai từ trái sang) Chủ tịch HĐQT Intracom cùng chư Tăng Thiền phái Trúc Lâm trong một buổi từ thiện tại huyện Bát Xát Lào Cai
Xây dựng thương hiệu, trước hết phải xây dựng nhân hiệu
Áp dụng triết lý Phật pháp trong kinh doanh mà Intracom hướng tới là: Nhân cách phải ngày được hoàn thiện, cuộc sống phải ngày càng hạnh phúc, vui tươi cũng như rèn luyện sức khỏe và cống hiến cho cộng đồng xã hội.
Phật tử không được mơ màng, mà phải luôn tỉnh táo hay tỉnh giác, biết lấy thân và tâm làm đối tượng thực nghiệm, đồng thời xem cuộc sống mà chúng ta đang sống là môi trường thực nghiệm, bởi lẽ tất cả đều nằm trong kho báu của pháp giới, ai xứng đáng sẽ được hưởng lợi ích lâu dài, ai không xứng đáng sẽ sớm bị mất đi.
Nhà kinh doanh minh triết biết rằng tất cả của cải và địa vị đều do “trời đất” tạm ứng cho, mình chỉ là người quản lý hộ để thực hiện một sứ mạng nào đó trong đời.
Điều này cho thấy, xây dựng văn hoá kinh doanh là sự nhập thân của văn hoá vào việc kinh doanh của chủ doanh nghiệp, vì “nhân hiệu” chính là nền tảng để xây dựng một “thương hiệu” phát triển bền vững.
Theo Chánh Trí Lương/phattuvietnam.net