Hãy kiên nhẫn hơn nữa trong khi chờ đợi sự lưu tâm và giúp đỡ từ các chùa và các ban ngành hữu quan của Giáo hội. Chúng tôi hy vọng rằng, trong một thời gian ngắn nữa, quý vị sẽ tìm được một đại chúng để nương tựa...
HỎI:
Chúng tôi là những Tăng Ni sinh (TNS) ở tỉnh, phát tâm cầu học, may mắn được trúng tuyển và hiện đang theo học tại Trường Cao Trung Phật học TPHCM. Hiện tại chúng tôi đang gặp một khó khăn rất lớn là không xin được chỗ ở nên dù rất đau lòng cũng đành phải thuê nhà ngoài để ở (hoặc tạm thời ở nhà người quen) và đi học. Là những người sơ cơ nhập đạo nhưng chúng tôi biết rõ nếu không được nương tựa chùa chiền và Tăng chúng thì sẽ rất khó khăn về đời sống đồng thời cũng rất nguy hiểm cho sự tấn tu đạo nghiệp. Dù đã thành khẩn “gõ cửa” rất nhiều nơi nhưng chúng tôi chỉ nhận được sự im lặng hoặc chối từ. Không biết còn nơi nào tiếp nhận chúng tôi không? Hiện tại chúng tôi rất hoang mang về sự nghiệp tu học, không biết có nên tiếp tục tu học trong hoàn cảnh ấy hay là trở về? Xin cho chúng tôi một lời khuyên?
ĐÁP:
Chúng tôi thực sự đồng cảm với những tâm sự cũng như hoàn cảnh hiện tại của quý vị. Những trăn trở, ưu tư ấy thật cần thiết bởi nó liên hệ trực tiếp đến đời sống tu học của quý vị trong hiện tại và tiền đồ của bản thân cùng đạo pháp ở tương lai. Mong ước được học Phật pháp để làm hành trang tu tập, phụng sự Tam bảo là một nguyện vọng chính đáng.
Trước hết, quý vị hãy bình tâm để thấy rằng hiện có rất nhiều TNS ở trên toàn quốc tập trung về Tp.HCM. Đây là một tín hiệu khởi sắc về học tập thất đáng mừng vì nơi đây có đầy đủ các chương trình đào tạo Phật học cũng như thế học, từ sơ cấp cho đến đại học, rất thuận lợi cho việc học tập nội ngoại điển. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ sở giáo dục PG nào tại Tp.HCM có tổ chức nội trú cho TNS. Và, điều này đã tạo ra sự “quá tải” cho các cơ sở tự viện nội thành, hầu như chùa nào cũng có mặt ít nhất một vài TNS ngoại tỉnh.
Quá trình tiếp nhận TNS tại các chùa viện lại mang đặc điểm rất riêng, đa phần dựa vào sự phát tâm tiếp Tăng độ chúng của vị trụ trì hoặc dựa vào một mối quan hệ đặc biệt nào đó như tông môn, quen biết v.v… Vấn đề quan trọng nhất ở đây là sau một thời gian tiếp Tăng độ chúng thì một số TNS vì nhiều nhân duyên khác nhau đã làm nguội lạnh đi nhiệt huyết độ sanh của chư vị trụ trì. Một con sâu đã làm rầu nồi canh.Thực trạng này dẫn đến có sự e dè, cân nhắc kỹ lưỡng, giới hạn và thậm chí không tiếp độ TNS nữa dù chùa vẫn neo người.
Hiểu được điều này, chúng tôi thiết nghĩ quý vị đã có phần cảm thông với những “khó khăn” từ phía nhà chùa. Sự thất là cửa từ bi luôn rộng mở nhưng mở lúc nào và mở ra sao là kinh nghiệm và toàn quyền quyết định của mỗi vị trụ trì. Chúng ta không trách ai cả bởi mỗi người, mỗi nơi đều có những hoàn cảnh và khó khăn riêng. Tuy nhiên, không ai mà không khỏi chạnh lòng khi TNS ra ngoài thuê nhà để ở, rồi đến chùa học Phật pháp. Dù không muốn nhưng đến bước đường cùng thì TNS cũng phải nhẫn chịu mà thôi! Phải chăng, đây là một cái giá khá đắt và một dấu ấn hờn tủi cho TNS ở các tỉnh xa, vì để có được một chút tri thức Phật học mà phải ngậm ngùi chấp nhận nghịch cảnh nơi quê người đất khách, trong nhộn nhịp xô bồ của đô thị phồn vinh?
Cũng có thể quý vị chưa “gõ” hết tất cả các cửa. chúng tôi tin rằng, vẫn còn nhiều nơi cho quý vị nương tựa. Bởi dù “khó khăn” đến mấy thì việc tiếp độ quý vị vẫn là hạnh nguyện, lương tâm và trách nhiệm của những vị trụ trì. Mặt khác, quý vị có thể nhờ Trường Cao – Trung Phật học Tp.HCM can thiệp, giới thiệu và giúp đỡ. Là TNS của trường, chắc chắn quý vị sẽ được sự trợ duyên cần thiết từ phía bản trường.
Để giải quyết vấn đề cư trú ổn định và lâu dài cho TNS tại Tp. HCM, thiết nghĩ đây không chỉ là vấn đề của riêng cá nhân TNS với các vị trụ trì mà là vấn đề chung của Trường Cao – Trung Phật học Tp.HCM, Ban GDTN và Thành hội PG Tp.HCM cũng như Giáo hội. Giáo dục PG là giáo dục Giới – Định – Tuệ, vì thế nếu chưa thực sự kiện toàn thì nên chăng cần phải kiện toàn? Lưu tâm đến sự ổn định đời sống cho TNS trong môi trường nội trú chẳng hạn cũng góp phần không nhỏ cho sự nghiệp giáo dục thành công.
Hãy kiên nhẫn hơn nữa trong khi chờ đợi sự lưu tâm và giúp đỡ từ các chùa và các ban ngành hữu quan của Giáo hội. Chúng tôi hy vọng rằng, trong một thời gian ngắn nữa, quý vị sẽ tìm được một đại chúng để nương tựa, bởi một lẽ đơn giản “cửa từ bi luôn rộng mở” cho mọi người, nhất là người xuất gia, trưởng tử của Như Lai.
Theo Tổ tư vấn/giacngo.vn