Đây không phải lần đầu vấn đề tạm trú của Tăng Ni sinh ở các nhà trọ và nhà của cư sĩ được đặt ra, mà đặt ra từ lâu. Trong thời kỳ đấu tranh Phật giáo tại miền Nam Việt Nam, cũng đã có những tu sĩ cư trú như thế, nhưng chưa nhiều và không đến hồi bao động.
Sau 1975, vấn đề tạm trú gặp khó khăn cho các tu sĩ, một số chùa không dám nhận cho các Tăng Ni từ các tỉnh Thành về ở, và khi 1990, chính sách đổi mới, các học viện và trường Phật học rộ nở, Tăng Ni càng về Thành phố đông hơn, việc ăn ở càng khó khăn phức tạp, vì thế đã xẩy ra trường hợp khá tùy tiện để thích nghi với việc học khi xa chùa, xa thầy tổ. Một khi cư trú tùy tiện thì những tiêu cực cũng tùy tiện xẩy ra như cơm bữa.
Một số tín đồ phản ảnh tệ nạn trên đây cho các chức sắc Giáo Hội, việc ghi nhận chỉ là cầm chừng mà không có một phương hướng giải quyết rốt ráo. Rất nhiều cuộc họp cấp Thành phố được đặt ra trong đó việc Khất thực phi pháp của một số sư giả cũng không có cách nào giải quyết rốt ráo thì việc Tăng Ni sinh cư trú ngoài nhà thế tục cũng khó mà có lối thoát, vì cuộc sống và việc học của họ, Giáo Hội không có trách nhiệm, họ phải tự tìm cách thích nghi với hoàn cảnh. Lỗi nầy không do Tăng Ni sinh mà do Giáo Hội không có nơi ăn chốn ở cho họ. Một phần cũng do thầy Tổ để đệ tử một thân tự lập khi xa thầy mà không có sự gửi gắm một chùa nào đó ở Thành phố. Bộ phận nào trong Giáo Hội có trách nhiệm giải quyết việc này?
Ban Tăng sự? Ban Giáo dục Tăng Ni? Các học viện, sơ trung cấp Phật học?
Hiến chương không quy định cụ thể trách nhiệm cho một ban bệ nào về đời sống tu học, ăn ở của Tăng Ni sinh từ các nơi dồn về Thành phố.
Gần đây, HT Viện trưởng Học Viện Vạn Hạnh đang tiến hành xây dựng học viện tại Lê Minh Xuân, trong đó có khu vực nội trú cho Tăng Ni sinh theo học chương trình Phật học của Vạn Hạnh. Đó là tương lai, còn hiện tại, vấn đề nhức nhối vẫn được đặt ra mà chưa có câu trả lời dứt khoát và cũng không có phương án dứt khoát cho cuộc sống của số Tăng Ni sinh hiện nay.
Hình ảnh tu sĩ trẻ sống lẫn lộn với người thế tục trong các phòng trọ tại khu lao động làm sao tránh khỏi những va chạm trần tục, những tai tiếng không hay mà luật học đã đề cập: “Tăng ly chúng Tăng tàn”. Cuộc sống xa sinh khí Thiền môn, gần không gian trần tục thì mấy ai giữ được sự trong sáng của tâm hồn thoát tục? Chưa nói đến những tu sĩ còn quá trẻ, sớm xa thầy thì vấn đề tứ oai nghi sẽ không được kiểm soát, những vị như thế sau nầy phong cách lãnh đạo Phật giáo có khác phong cách của một người thế tục khi đã nhiễm thế tục suốt nhiều năm như thế? Phong cách, ngôn hành có còn là một tu sĩ cho dù trong đầu chứa nhiều học lý cao siêu?
Không thể chờ vài năm nữa Học Viện mới có chỗ cư trú cho các Tăng ni sinh mà hiện tại phải can thiệp các chùa trong Thành phố nhận giúp cho số tu sĩ trên có nơi ăn ở để cách ly sự phức tạp khó coi giữa khu lao động phức tạp và các tu sĩ trẻ chỉ khác nhau có chiếc áo vào ban ngày. Bởi vì thanh niên nam nữ hiện nay cũng cạo đầu không khác gì một tu sĩ, và nếu tu sĩ mặc vào quần jean áo pull vào ban đêm thì khó phân biệt đâu là đời đâu là đạo.
Nếu chỉ trang bị kiến thức Phật học và thế học mà không chuẩn bị một môi trường tốt cho Tăng Ni sinh , chẳng khác mấy với các sinh viên trí thức thế gian không có nền tảng sống từ tôn giáo. Đây không phải là lời cảnh báo đầu tiên, chắc chắn chưa phải là tiếng nói cuối cùng cho những tệ nạn hiện nay của Phật giáo.
Giáo hội cần khẩn cấp giải quyết.
MINH MẪN
06/6/2011