Không đầy 2 tuần nữa, Đại lễ Phật Đản sẽ đến với hàng vạn người con Phật trên khắp tinh cầu. Như một truyền thống, Phật giáo các tỉnh huyện thị trong cả nước hân hoan thiết lập lễ đài và thiết kế xe hoa. Đây là đại lễ thường niên mang tầm quốc tế, đáng ra không cần phải xin phép, nhưng các cấp Giáo Hội vẫn giữ phép nước làm tờ trình và giữ đúng thủ tục cho phải lẽ.
Giáo hội Phật giáo huyện Hốc Môn, do TT chánh Đại Diện cũng gửi văn thư đến cấp huyện trước cả tuần lễ ngày thiết lập lễ đài và trang trí xe hoa. Thế nhưng Giáo hội đã bị đoàn cán bộ cấp huyện do ông Đỗ Ngọc Thắng, chủ tịch UBMT huyện, bà Trần thị Tiếp trưởng phòng nội vụ và một số cán bộ tháp tùng đến ra lịnh ngưng cuộc diễu hành, với lý do ảnh hưởng ngày bầu cử.
Đây là lệnh của địa phương tự ý chỉ thị hay do chính sách chung trong toàn quốc? Nếu là chủ trương chung thì từ Bắc chí Nam đều phải được thông báo như nhau, đến giớ phút nầy, chưa nghe thấy tỉnh thành nào lập công lấy điểm như huyện Hốc Môn. Cho dù ngày lễ trùng khớp với ngày bầu cử, cũng không nên có thái độ cao ngạo, chuyên quyền như thế, huống nữa cách nhau cả tuần, ảnh hưởng gì đến ngày bầu cử?
Thái độ chuyên quyền xem thường ngày lễ trọng đại của tôn giáo như thế, có thêm một bằng cớ ấu trỉ về chính trị cho những ai đang đánh giá thấp về trình độ quản lý đất nước trong thời bình hiện nay. Trong thời chiến hai miền khói lửa, miền Nam chưa bao giờ cấm cản Phật giáo tưng bừng đón mừng lễ Khánh Đản, hà cớ chỉ vì ngày bầu cử mà cấm đoán tôn giáo như đạo Phật phải ngưng hoạt động trong lúc nước nhà đã thống nhất?
Có lẽ Nhà nước thiếu nhất quán trong vấn đề giáo dục chính trị cho cán bộ các ngành nên luôn làm mất lòng dân vì những chuyện không đáng. Ngày nay, khi dân tộc đứng trước mối hiểm nguy từ lân quốc, Nhà nước đối đầu với bao nhạy cảm với thế giới về nhân quyền, lẽ ra cán bộ phải tế nhị với quần chúng thông qua tôn giáo, phải ưu ái tôn giáo để tìm sự hậu thuẫn.
Cho dù hậu thuẫn từ một nước lớn khác cũng không bằng được lòng dân trong nước. Các Triều đại Lý Trần tồn tại hơn 4 thế kỷ cũng chỉ nhờ lòng dân để đối đầu với quân xâm lược phương Bắc. Bài học cha ông ta còn đậm nét sử xanh. Do chúng ta chuyên quyền cậy thế mà xem thường lòng dân nên bài học lịch sử vẫn chưa hề học thuộc.
Bên ngoài đã nhìn chúng ta quá nhiều hoài nghi về chính trị, tự do tôn giáo, tôn trọng người dân, giờ đây, việc cấm đoán hạn chế ngày vui của đại lễ Phật giáo lại thêm một minh chứng cho thế giới thấy cách hành xử thiếu thân thiện và không tôn trọng quần chúng của những cán bộ thiếu ý thức chính trị lẫn tầm chiến lược.
Sự hiểu biết của cán bộ miệt vườn làm sao đồng bộ với sách lược chung của đất nước khi hòa nhập với cộng đồng thế giới. Hy vọng cấp trung ương sớm nhận ra những khiếm khuyết của các địa phương, kịp thời chỉnh đốn và thường xuyên cập nhật giáo dục chính trị cho những cán bộ tiếp cận với quần chúng và tôn giáo.
Các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, luôn hưởng ứng chính sách Nhà nước cùng góp tay xây dựng xã hội thì tại sao một năm chỉ một lần lễ của tôn giáo mà phải hạn chế với một lý do trẻ con như thế? Phật giáo có bao giờ làm ảnh hưởng những quyền lợi của dân tộc hay thiệt hại chính sách của đất nước suốt 36 năm qua?
Không quá muộn để điều chỉnh sự sai trái của cấp huyện. GHPGVN trung ương cùng với BTG Chính phủ và Bộ Nội vụ hãy kịp thời tháo gỡ một gút mắc không đáng có để quần chúng Phật tử được hưởng một mùa Đản Sanh trọn vẹn tràn đầy hỷ lạc. Đem lại niềm vui cho người dân há chẳng là góp phần thu phục nhân tâm?
Quần chúng Phật tử đang dỏi theo lối hành xử của các cấp hiện nay về Phật giáo Huyện Hốc Môn nhân mùa Phật Đản 2555. Sự hy vọng vẫn đang là hy vọng!
MINH MẪN 05/5/2011