Xem, ở đây, chúng tôi không đề cập sâu ở góc độ tôn giáo, tín ngưỡng hay tâm linh. Mà đơn thuần, như là một nét văn hóa đời thường. Nôm na, tôi xin phép đặt tựa:
“Dạo phố thì nhớ xem hoa
Về nhà thì nhớ xem giờ mà vô”
Xem, coi...thầy nọ xọ thầy kia
Trong dân gian, một thói quen phổ biến đã được hình thành từ khá lâu, đó là xem thời gian xuất hành trước khi đi xa hoặc xem giờ khi xuất giá (xem ngày, giờ cho lễ Ăn hỏi, Cưới gả)… Đây vừa là phong tục, vừa là tín ngưỡng truyền thống có lúc tốt - phù hợp với nhiều bối cảnh, nhưng đôi lúc chưa thể dung hòa mọi hoàn cảnh khi ứng với thực tế.
Ví như việc xem giờ xuất hành. Có một quan chức là người tín tâm, tín nghĩa, phát tâm công đức, cúng dường Lễ khánh thành một ngôi đền ở tỉnh xa. Cẩn thận xem giờ khởi hành, dâng hương cẩn cáo thành tâm, xong xuôi đâu đó, yên tâm lên xe đi dự lễ. Tới nơi, dù sát sao trong canh giờ Hoàng đạo, không thể chê cái sự cẩn thận trong yếu tố thời gian của ông. Nhưng có người buột miệng nói: Ơ, sao lại xe màu trắng nhỉ, đâu có hợp…Tôi đi cùng đoàn, ngó nét mặt khổ chủ là biết rồi, chắc lại đang nghĩ: “Phạm phong thủy rồi đây !”.
Một chút băn khoăn như vậy, dù là thoáng qua, thì ý nghĩa công đức từ tâm có còn hoan hỷ?
Ảnh mang tính chất minh họa |
Còn về việc đại sự trăm năm, tôi cũng không nhớ rõ, việc chọn ngày cưới hình thành trong xã hội từ khi nào, nhưng thường là vào cuối năm.
Tôi còn nhớ, một ngày trời đẹp vào độ tiết thu, vì tò mò, tôi đi cùng cô em họ đến nhà thầy Sinh trên phố Kim Mã. Có khách đến trước, nên hai anh em tôi ngồi đợi. Đôi bạn trẻ thi nhau hỏi: Cháu tuổi này, cháu tuổi kia thì hợp không bác,… Bác Sinh điềm đạm trả lời: “bác chỉ xem ngày, lựa ngày tốt cho các cháu. Còn chuyện hợp hay không, là do nhân duyên của các cháu, bác không xem vấn đề đó.” Rồi bác Sinh cũng lựa ra được 2-3 ngày được cho là đẹp trong tháng để đôi bạn trẻ kia ấn định ngày cưới. Bối rối một chút, chợt cô gái quay ra hỏi: “Bác ơi, bà ngoại cháu đang ốm rất nặng, hiện đang nằm viện, nhưng nghe chừng khó qua khỏi trong tầm thời gian bác vừa xem. Vậy, chúng cháu nên thế nào ạ?”
Bác Sinh tiếp lời: “Việc đó, gia đình tự cân nhắc sao cho hài hòa. Còn nếu bất khả kháng, thì việc các cháu nên lui lại”. Thoáng thấy nét mặt hai bạn trẻ kém vui hẳn. Tiếng “vâng” khẽ từ cô gái. Rồi cả hai xin phép ra về. Dù đã ra tới sân, vô tình tôi vẫn nghe được cô gái nói với bạn trai: “Sao thế được anh nhỉ, việc mình quan trọng thế mà, đâu thể đừng nếu như…”, …
Chọn giờ...đại sự
Khi một gia đình có người thân lâm chung, thì việc xem, chọn nhật - thời để thực hiện các nghi lễ: liệm, trị quan, nhập quan, chôn cất (địa táng), hay hỏa táng,… đều quan trọng; những việc này cũng hình thành từ tín ngưỡng lâu đời. Nhưng, ...
Ảnh mang tính chất minh họa |
Mới đây, bà nội một chị bạn thân của tôi vừa mất hơn chục ngày. Nhằm ngày 3 tháng 3 Âm lịch vừa rồi, theo lịch âm dương, và những sở cứ thực tế từ sự học của mình, thì đó là ngày rất tốt để tiến hành tang lễ cho Bà và con cháu sẽ được phúc ấm. Thế nhưng, do một loạt các yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan, mà việc cử hành các nghi thức tang lễ đành phải lui lại hôm sau. Rồi mọi việc cũng êm xuôi, nhẹ nhàng.
…Tính giờ hóa vàng
Hóa vàng hay đốt vàng mã là một nét văn hóa truyền thống. Có lẽ liệt kê hết về phong tục này thì không thích hợp với chủ đề bài viết. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu lên hiện tượng, chứ không kiến giải sâu về bản chất.
Có không ít cảnh: Việc đốt vàng mã đã đành, mâm cao lễ dày - đốt cả ngày chưa xong. Nhưng xem giờ, tính khắc để hóa vàng, bạn có tin ? Có thật đấy. Gần xóm nhà tôi, có một cô trung tuổi, mới sinh em bé. Hôm làm lễ cúng mụ cho bé, lễ vật ra sao, thầy cúng, thầy kêu thế nào tôi không rõ. Nhưng có chi tiết nhỏ mà tôi may mắn được thấy, khi cô cháu họ bưng mâm đựng vàng mã chuẩn bị hóa, thì có người gọi vội, tiếng đàn ông, rõ ràng, rành rọt chứ không nói là thảng thốt: “Đừng, dừng ngay Hoa ơi, mợ nói chưa được, chưa đến giờ, hóa vàng sớm quá, sẽ kém linh. Đúng giờ, mới tốt cho em bé”.?!
....Chọn giờ sinh con
Ở khía cạnh này, thực tế khoa học và Y khoa đều chứng minh có thể sinh con theo ý muốn (con trai, hay con gái). Tính sinh con gái, con trai là một nhẽ, ấy vậy mà, việc tính giờ để em bé ra đời cho đạt Phúc: Quý tử sinh giờ này, mới đạt Quý nhân, phú Quý… lại không hiếm, và dường như đã thành mốt. Vậy, người ta làm thế nào. Xin thưa, gia đình mời thầy xem đàng hoàng, cúng lễ xin phép cẩn thận, sau đó chọn tuổi người đến thông báo việc ấn định giờ sinh em bé. Sản phụ yên tâm nằm chờ, đến khắc, là bác sỹ tay dao, tay kéo… hỗ trợ em bé chào đời, đúng giờ Hoàng đạo.
Ảnh mang tính chất minh họa |
Những việc, hay câu chuyện như trên, là sự tổng hợp và chứng thực từ những thực tế đời sống, mà chắc hẳn ai cũng từng thấy. Và, như đã nêu trong bài, chúng tôi chỉ nên lên hiện tượng để độc giả có những góc nhìn, góc ngẫm từ những thực tế quanh mình, luôn xuất hiện trong cuộc sống đời thường.
Lời bàn: Việc xem ngày, tính giờ phù hợp hài hòa thiết nghĩ cũng là một lẽ sống. Tuy nhiên, lạm dụng những giá trị tín ngưỡng, văn hóa truyền thống để đạt được những mục đích, mà theo những người hành xử nghĩ là sẽ tốt, sẽ đạt hiệu quả mong muốn là không nên.
Chúng tôi nghĩ rằng, việc xem ngày, tính giờ dù là một trong những yếu tố gắn với tín ngưỡng dân gian. Song, tiên quyết phải thuận theo tự nhiên, cần linh hoạt và bao dung hơn với những thời khắc quyết định để không quá cứng nhắc trong mọi chuyện. Mặt khác, công việc có hiện thực hoan hỷ hay không thì trước hết người xem phải có Tâm, có tầm với việc "đại sự" đó hay không? Chứ không phải, cứ xem là thấy, coi là được...thành ra mê tín, cuồng mê.
Diệu Nhã - Chánh Thường