Cha mẹ đối mặt với hiểm nguy,
không đầu hàng sự tuyệt vọng hôm nay,
để con cái được an tâm học hành, tương lai ngay ngắn
Theo truyền thuyết, ngày Rằm tháng bảy bắt đầu được biết tới trong nhân gian từ khi Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ ra khỏi kiếp quỷ đói. Chính từ truyền thuyết này mà ngày lễ Vu Lan sinh ra, ngày để người sống tỏ lòng hiếu với cha mẹ, ông bà đã mất, cũng là dịp cầu mong cho những linh hồn đói khát. Dân gian và nhà Phật khởi xướng ngày Rằm tháng bảy "xá tội vong nhân”, ngày lễ trọng trong phong tục, trùng với lễ Vu Lan vốn là lễ báo hiếu, cũng là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ. Tưởng nhớ và tôn vinh các bậc cha mẹ đã và đang được xem là những vị Phật sống dành trọn đời vì con.
Phong tục, truyền thuyết là thế, và bao lâu nay, chữ hiếu trong lễ Vu Lan còn là tấm lòng thành kính ngay khi cha mẹ còn sống. Tinh thần ảnh hưởng của ngày đại lễ này khuyến khích mọi người sống chậm lại, tĩnh tâm và suy nghĩ nhiều hơn về đạo hiếu. Trân trọng hạnh phúc đang có cha mẹ để phụng dưỡng, sẻ chia vui buồn, có ý thức dạy con về chữ hiếu.
Hơn nữa, đây cũng là dịp để hiệu triệu lời cam kết và đóng góp của tất cả mọi người, một cách âm thầm và bền bỉ, cho đạo hiếu đang biểu hiện mọi sắc màu đa dạng, phong phú và vô tận như mạch nước ngầm cuộn chảy. Đồng thời ghi nhận những gương hiếu thảo giữ trọn đạo con - trong cuộc sống nhiều mệt mỏi không bao giờ muốn cha mẹ phiền lòng, dù cha mẹ có hay cằn nhằn, dù họ không giàu có, dù trí nhớ của họ đã ít nhiều lẫn lộn do năm tháng.
Ở một số nơi trong ngày lễ Vu Lan, người có mẹ còn sống sẽ cài một bông hồng đỏ lên áo và báo hiếu mẹ trong ngày này. Những người không còn mẹ nữa sẽ cài hoa hồng trắng, tới chùa cầu kinh cho linh hồn mẹ siêu thoát an lành.
Rằm tháng bảy là dịp lễ lớn ở ta cả nhà chùa và các gia đình đều làm lễ. Ở gia đình là mâm cúng tổ tiên có lễ mặn, tiền vàng và những vật dụng làm bằng mã cho người cõi âm và một mâm cúng cô hồn đặt ở trước nhà. Nhưng ngày Rằm tháng bảy năm nay đánh dấu sự trưởng thành của đạo làm con trong con người ta ra sao? Gia đình nào cũng có một loạt hoàn cảnh và vấn đề riêng mà chỉ những thành viên ở đó mới có thể hiểu đầy đủ. Có người từng ước mong có bố mẹ tốt hơn, giàu có hơn. Có người thậm chí từng muốn bỏ nhà đi vì bất hòa với cha mẹ. Tôi từng khổ tâm vì khi bắt đầu cảm thấy rằng mọi sự mà bố tôi đã nói đều có nhiều ý nghĩa thì tôi không được sống gần bên ông nữa. Khi được "làm bạn” thực sự với cha mình thì không lâu sau ông đã qua đời…
Những bậc cha mẹ luôn có vẻ như đang tạo ra cho con cái họ một gia đoạn khó khăn, khi hướng con cái vào khuôn khổ, bó buộc và rèn rũa, kiểm soát theo nếp nhà…Nhưng sẽ hiểu cảm giác cha mẹ mình lúc đó khi chính ta trở thành cha thành mẹ. Bởi vậy, điều quan trọng, nói như một nhà tu hành, là hãy chú trọng đến lớp trẻ vì lớp trẻ dễ có một khoảng trống về chữ hiếu. Hiếu hạnh với cha mẹ là công đức lớn phải được "gieo” khi còn bé. Nhưng nhiều khi xảy ra điều đáng buồn, con cái cãi lại cha mẹ, con cái bỏ rơi cha mẹ…
Báo hiếu mẹ cha có vô vàn cách, vô vàn cơ hội trong mỗi ngày, mỗi tháng trong năm. Những định chế, thói quen và phong tục chỉ là những gợi ý, những "điểm tựa” - như dịp Rằm tháng bảy, để nhân lên và nhìn lại lòng hiếu trong mình. Lòng yêu mẹ kính cha có ngày một gia tăng, có chín chắn đậm đà hơn?
Kể từ dịp Vu lan năm ngoái đến nay, đã có thêm cơ hội nào để làm vui lòng cha mẹ, có kinh nghiệm gì hơn để bảo vệ cha mẹ nếu họ bị vu cáo và đả kích một cách oan uổng – cả khi ta có một người mẹ hoặc cha đang lâm trọng bệnh, hay sa vào một nghịch cảnh nào đó, như nợ nần, bị lừa đảo, nghiện rượu…
Hôm qua 20-8 Bộ GD&ĐT tổ chức giao ban về sử dụng di sản trong dạy học phổ thông, thí điểm ở 3 môn Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, tại 7 địa phương. Sử dụng di sản trong dạy học tác động mạnh tới tình cảm các em, khuyến khích sự quan sát, giao tiếp, tìm kiếm và xử lý thông tin… Có điều lạ là tại sao, nhà trường lãng quên lâu nay một thứ di sản phi vật thể tuyệt vời là đạo hiếu – qua biết bao gương hiếu thảo sáng trong, từ cổ chí kim - dạy trong nhà trường. Đó là di sản dân tộc quý giá trường tồn với đời sống hiện đại.
Lòng hiếu là duy nhất và vô giá vì bất luận cha mẹ ta là người thế nào, đó vẫn là cha mẹ của ta. Không có họ ta không tồn tại. Nhưng chữ hiếu lâu nay bị chính nhà trường và nhiều gia đình coi nhẹ. Sự thực là quá ít dạy cho con trẻ đối đầu và nếm trải khó khăn, trong khi có trải nghiệm điều đó mới có khả năng hiểu được, có được lòng từ ái, ước mong làm việc cho hạnh phúc của mẹ cha.
Mê mải với những kiến thức bao la toàn cầu mà không biết niềm vui nỗi buồn, những gánh nặng mỗi ngày mẹ cha mang, không để ý tới sức khỏe và ước mong của họ, thì sự học nếu có cũng chả mấy ý nghĩa. Lại dễ sa vào thói thường cay đắng, nghĩ mình không may mắn, giận dỗi mẹ cha vì họ không nhiều tiền, thiếu học vấn…
Trong thời đại toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, dù nghịch cảnh luôn tồn tại thì trên đất nước này, vẫn có hàng vạn hàng triệu người con có hiếu tiếp tục là chỗ dựa, niềm tin, đưa cha mẹ thoát khỏi tâm trạng, hoàn cảnh bất ổn. Đó là tinh thần nhân văn của chữ Hiếu thuận. Cũng nhiều như thế những bậc cha mẹ đối mặt với hiểm nguy, không đầu hàng sự tuyệt vọng hôm nay, để con cái được an tâm học hành, tương lai ngay ngắn. Đạo hiếu được thắp sáng và ấm áp thêm mỗi dịp Rằm tháng bảy thiêng liêng cảm xúc, biến những khẩu hiệu, khát vọng thuận hòa của mọi người trở thành hiện thực.
Thanh Như/daidoanket.vn