CHƯƠNG NĂM
TRIỀU ĐẠI GUPTA, HOÀNG ĐẾ HARSHAVARDHANA,
VÀ PHẬT HỌC VIỆN NALANDA
1. Dẫn Nhập
2. BảngTóm Lược Các Mốc Lịch Sử
3. Thời Đại Gupta (320-550)
4. Triều Đại Harshavardhana (606-647)
5. Phật Học Viện Nalanda
6. Vài Nét Về Các Đại Sư Nổi Danh Chiêm Bái Tây Trúc Đương Thời
I) DẪN NHẬP:
Ở Việt nam trong quá khứ, xem ra số học giả về lịch sử, văn học và tôn giáo ở Trung quốc thực khá đông đảo, nhất là thơ văn đời Đường, Tống, Minh, Thanh nhưng lại có rất ít chuyên gia khảo cứu về văn minh Ấn-độ dù đại đa số dân chúng Việt sùng bái Phật Gíao (PG), một tôn giáo bắt nguồn từ lưu vực sông Hằng; để tìm hiểu xem nguyên do gì mà đạo Phật bị tàn lụi ở trên quê hương mình, hầu từ đó rút tỉa được nhiều bài học hầu chấn hưng tín tâm cho Phật tử.
Như chúng ta đã biết lịch sử và văn minh Ấn Độ đã từng để lại dấu ấn lớn cho nhân lọai trong các sáng tạo về tôn giáo, học thuật, ngôn ngữ, tóan học, y học, kiến trúc, thiên văn...; thế nhưng, lại giống như Trung Hoa, những phát kiến của họ không được ứng dụng triệt để vào thực tiển đời sống nên sớm bị mai một, và bị kỷ thuật của người tây dương qua mặt. Ngay cả lịch sử của Ấn cũng không hề được ghi lại rõ nét chỉ vì họ quá quan tâm đến đạo học huyền bí, cho nên đất nước nhiều lần bị ngọai xâm cai trị. Những ngành học thuât của Ấn chỉ mới được hệ thống hóa gọi là Ấn học (Indology) và truyền bá dưới thời thực dân Anh (1757-1947). Hai người được xem là cha đẻ của ngành học này là William Jones (1746-1794) và Charles Wilkins (1749-1836). Năm 1784, the Asiatic Society of Bengal (Học Hội Á đông ở Bengal) được thành lập cùng với tập san Asiatic Researches đã đẩy mạnh những nghiên cứu, sao lục và ấn hành về văn minh Ấn.
Ở lục địa Ấn, trong thời đức Phật Thích Ca còn tại thế, đã có khá nhiều vua chúa các tiểu quốc quanh sông Hằng rất sùng bái PG và hổ trợ tăng già. Về sau, cũng nhờ những sự ủng hộ tích cực của các hòang đế lừng danh của đất Phật này mà PG đã được truyền bá khắp nơi trong và ngòai nước Ấn.
Sử sách Ấn và PG thường tôn vinh các vị hòang đế Phật tử, không những đã làm cho quốc gia thêm vĩ đại mà còn đem lại cho PG những giai đọan phát triển rực rỡ; đó là Ashoka Maurya (269-227 TTL.), Menander I (173-130 TTL.), Kanishka I (127-151 TL), các vua cuối của triều đại Gupta ở thề kỷ thứ 5 và Harshavardhana hay còn gọi là Harsha ở thế kỷ thứ 7 (606-647 TL).
II) BẢNG TÓM LƯỢC CÁC MỐC LỊCH SỬ
Chúng tôi đã từng đề cập đến các vị hoàng đế hộ pháp trước (xin xem những bài viết của cùng tác giả trên các websites PG); bài khảo lược này xin nói về các vị vua cuối của thời đại Gupta và hoàng đế Harshavardhana của triều kế tiếp; về các vị đại sư đã qua Tây Trúc chiêm bái cùng thời; và những liên hệ của họ với Phật Học Viện Nalanda nổi danh. Để có cái nhìn khái quát về giai đoạn ấy, chúng tôi đã tham khảo và xin trình bày bảng đối chiếu tóm lược các mốc Lịch Sử Ấn - Hoa cho đến thiên niên kỷ đầu TL để quý độc giả tiện theo dõi:
Lưu ý: Những tên danh nhân địa lý Ấn vốn bằng tiếng Hindu, khi được ghi âm theo chữ Latin thì có khá nhiều cách viết, nên dễ lẫn lộn.
| | |
2700 TTL | Văn minh Harappa | Thời Tam Hoàng, Ngũ Đế: Hoàng Đế (Hiên viên thị); Thiếu Hiệu (Kim thiên thị); Chuyên Húc (Cao dương thị) |
1000 TTL | Giống Aryans tràn vào thung lũng sông Hằng | Nhà Tây Chu. Kinh Dịch được biên tập |
900 TTL | Trận chiến Mahabharata | Vua Hiếu vương nhà Tây Chu |
800 TTL | Giống Aryans tràn đến vịnh Bengal. Bắt đầu thời đại Sử thi: Mahabharata được kết tập. | Vua Tuyên vương; Vua U-vương và Bao Tự, Tây Chu |
550 TTL | Kết tập kinh Upanishads | Thời Xuân Thu (722 TTL – 481 TTL) |
544 TTL | Đức Phật nhập Niết Bàn | Vua Cảnh Vương nhà Đông Chu |
327 TTL | Đại đế Alexander xâm lăng Ấn | Thời Chiến Quốc 481 TTL - 221 TTL |
324 TTL | Vua Chandragupta Maurya đánh bại vua Seleacus Nicator | Thời Chiến Quốc 481 TTL - 221 TTL |
322 TTL | Triều Mauryas khởi đầu. Chandragupta thiết lập đế quốc đầu tiên của Ấn | Thời Chiến Quốc 481 TTL - 221 TTL |
298 TTL | Bindusara lên ngôi | Thời Chiến Quốc 481 TTL - 221 TTL |
272 TTL | Vua Ashoka trị vì | Thời Chiến Quốc 481 TTL - 221 TTL |
180 TTL | Triều đại Mauryas sụp đổ của. Triều Sungas nối tiếp | Cuối Tần Sơ Hán - Huệ Đế, nhà Tây Hán (hay Tiền Hán) |
173-130 TTL | Vua Menander (Milinda) lập đế quốc Hy- Ấn. | Từ Triều của Vũ Hậu đến Hán Vũ Đế |
145 TTL | Vua xứ Chola xâm lấn Tích Lan (Ceylon) | Vua Cảnh Đế, nhà Tiền Hán |
58 TTL | Kỷ nguyên Krita-Malava-Vikram | Vua Tuyên Đế, Tiền Hán |
30 TTL | Khởi đầu của triều Satvahana ở xứ Deccan | Vua Thành Đế, Tiền Hán |
40 TL | Người Sakas cai trị thung lũng Indus và phía tây Ấn | Vua Quang Vũ Đế, Đông Hán hay Hậu Hán |
50 TL | Tộc Kushan hùng mạnh dần | Vua Quang Vũ Đế, Hậu Hán |
78 TL | Khởi đầu của thời kỳ Saka-Kushana | Vua Chương Đế, Hậu Hán |
127-151TL (1) | Hoàng đế Kanishka I và đế quốc Kushan | Từ vua Hán Hòa đế đến vua Hoàn đế, Hậu Hán |
320 TL | Vua Chandra Gupta I lập triều Gupta | Vua Nguyên Đế, nhà Đông Tấn |
360 TL | Vua Samudra Gupta xâm chiếm đất bắc và hầu hết xứ Deccan | Vua Ai Đế, nhà Đông Tấn |
380 TL | Vua Chandra Gupta II lên ngôi; Thời đại hòang kim của nền văn học phục sinh Ấn-Gupta. | Bắc Triều: - Vua An Đế, nhà Tấn - Vua Đạo Võ Đế, Bắc Hậu Ngụy |
405 TL (2) | Đại sư Pháp hiển (Fa-hein) chiêm bái Phật tích khắp vương quốc Gupta. | Bắc Triều: - Vua An Đế, nhà Tấn - Vua Đạo Võ Đế, Bắc Hậu Ngụy |
415 TL | Vua Kumara Gupta I lên ngôi | Vua Minh Nguyên Đế, Bắc hậu Ngụy |
427 TL | Vua Kumara Gupta I cho khởi công xây dựng Phật Học Viện Nalanda. | Vua Thái Võ Đế, Bắc Hậu Ngụy |
440 TL | Tổ Bodhidharma sinh ở nam Ấn, xứ của vua Pallava | Vua Thái Võ Đế, Bắc Hậu Ngụy |
467 TL | Skanda Gupta lên ngôi | Vua Hiến Văn, Bắc Hậu Ngụy |
476 TL | Năm sinh của nhà thiên văn Aryabhatta | Vua Thuận Đế, Nam Tống |
530 TL | Tổ Bodhidharma theo thuyền đến Trung quốc, cặp bến Quảng châu. | Vua Tiết Mân Đế, Bắc: Hậu Ngụy Vua Võ Đế, Nam: Lương |
606 TL | Harshavardhana lên ngôi | Vua Văn Đế, nhà Tùy |
622 TL | Bắt đầu triều đại Hejira | Cung đế Hựu, bị ép nhường ngôi cho Đại thừa tướng Lý Uyên, lập ra nhà Đường |
629 TL | Đường Tăng Huyền Trang (Huan Tsang) đi Ấn thỉnh kinh | Vua Cao tổ Nhà Đường |
649 TL | Vua Harshavardhana băng hà | Vua Thái Tôn, nhà Đường |
672 TL | Đại sư Nghĩa Tịnh (I-Tsing) đến chiêm bái ở Ấn. | Vua Đường Cao Tôn, Vũ Hậu Tắc Thiên |
711 TL | Muhammad Bin Qasim xâm lăng xứ Sind | Vua Duệ tôn, nhà Đường |
892 TL | Khởi đầu của triều Chalukyas ở phía đông | Vua Chiêu tôn, nhà Đường |
985 TL | Triều Chola: Vua Rajaraja đăng quang | Vua Thái tôn, nhà Tống |
1001 TL | Sultan Mahummad đánh bại Jaipal | Vua Chân tôn, Nhà Tống |
1- Có chỗ ghi là 100-164
2- Có chỗ ghi là 399 đến 414
Qua bản tóm lược đối chiếu trên, ta nhận thấy có hai triều đại huy hòang của Ấn đã được thiết lập bởi hai vị vua cùng tên nhưng cách nhau đến gần 8 thế kỷ, là Chandragupta lập ra triều đại Maurya ở TK thứ 4 TTL (324-180 TTL), và vua Chandragupta I sáng lập ra thời đại Gupta (320-540) ở TK thứ 4 TL. Với tên vị vua sau đúng ra phải viết là Chandra Gupta I.
Có vài tác giả đã gom Hoàng đế Harsavardhana vào với giòng họ Gupta, có nơi lại còn viết là Harsavardhana Gupta. Điều này không đúng với lịch sử bởi vì thời đại Gupta huy hoàng đã chấm dứt vào cuối thế kỷ thứ 5, và triều đại của Harsavardhana mới xuất hiện ở đầu thế kỷ thứ 7.
III) THỜI ĐẠI GUPTA (320 – 550)
A. Sự Thịnh Suy:
Đại sư Nghĩa Tịnh (I-Tsing) đến Ấn vào khoảng năm 672, sau HT Huyền Trang (Xuan Zang hay Hiuen Tsang) hơn 40 năm, và đã nghe nói đến danh hiệu vua ‘Maharaja Sri-Gupta’ của vương quốc Magadha xây một tăng viện gần Mrigasikhavana khoảng ‘500 năm trước’ cho những vị sư chiêm bái đến từ Trung quốc tạm trú. Các học giả về sau không đối chiếu được với lịch sử Ấn, và họ cho rằng Nghĩa Tịnh chỉ phỏng đoán theo cảm quan tôn giáo mà thôi. Nhưng ngày nay người ta đã chứng minh được đó là thời đại Gupta dựa vào bộ Bhagwatam. Dòng Gupta khởi đầu từ xứ Bengal, theo các ghi chú tại ngôi tháp "Varendra Mrigashihavan Stupa" trên đồi ở Nepal, rồi sau đó trở thành tiểu vương từ xứ Prayaga, Đông Uttar Pradesh, bây giờ là Allahabad từ năm 240 TL.
Vị tiểu vương đầu tiên là Sri-Gupta khoảng từ 240-280 TL. Bản bia ký bằng đồng ở Poona (gần Bombay bây giờ) do công chúa Prabhavati Gupta (con gái của Chandragupta-II về sau) ghi rằng Sri-Gupta là Adhiraja của Gupta. Vua kế vị là Ghatotkacha (280-319) mà bia ký cũng còn có truy hiệu là Đại vương (Maharaja). Đến triều thứ ba, khoảng năm 320 vua Chandra Gupta I (320-335) dựa vào hôn nhân với công chúa Kumaradevi dòng Licchavi xứ Magadha (Ma-Kiệt-Đà) đã làm cho lãnh thổ bành trướng thêm; xưng là Đại đế (maharajadhiraja). Kể từ đó các triều đại Gupta mới trở nên vẻ vang, và lịch sử Ấn ghi về thời đại Gupta chỉ kể từ đây.
Kumardevi và Chandragupta I trên đồng tiền vàng do vua con là Samudragupta cho đúc.
Mặt trái là Nữ thần Ambika (Durga).
Khi vua Samudra Gupta (335-375) kế vị thì đến năm 360 kinh đô được dời về thành Hoa thị (Pataliputra), tức Patna bây giờ. Sử liệu về ông đã được bia ký ở Allahabad do Harisena ghi và trong ký sự của Đại sư Huyền Trang. Dưới triều này lãnh thổ lại còn được mở rộng thêm từ lưu vực sông Hằng đến tây, trung và đông Ấn cùng các hải đảo sau khi thâu tóm hơn 20 tiểu quốc khác. Nhiều tiểu vương lân bang phải triều cống để được bảo hộ, xa mãi đến tận Tích Lan (Sinhala hay Sri Lanka). Sau khi toàn trị vua Samudragupta làm lễ tế ngựa chiến Ashwamedha Yagna, một phong tục hiếm thấy, và cho đúc tiền vàng lưu hành trên đó khắc lại những chiến cụ và nhạc cụ đã từng xữ dụng trong triều. Việc đúc tiền vàng, triều Samudra Gupta đã mô phỏng theo kiểu cách của đế quốc Kushan trước đó. Thời đại Kushan đã đúc chuẩn mực tiền vàng 8 gram gọi là dinara, bắt nguồn từ tiền vàng La-mã Denarius Aurius.
Vua Samudragupta đang gãy huyền cầm.
Mặt trái: Nữ thần Thịnh vượng Shri-Laxmi.
Dưới triều ông, Bà-la-môn giáo (BLM) chiếm ưu thế vì ông thờ thần Vishnu (Vaishnava). Vì vậy các thánh tích PG, ngoại trừ Nalanda và Sanchi, theo Đại sư Pháp Hiển thì Bồ đề đạo tràng (Bodhgaya), Ca tỳ la vệ (Kapilavastu) và Câu-thi-na (Kusinagara) còn bị hoang phế. Vào giữa thế kỷ thứ IV, nhiều tăng sĩ từ xa đến chiêm bái Bồ đề đạo tràng không có nơi tá túc; vua xứ Tích Lan là Sri-Meghavarman đã cho sứ thần mang phẩm vật đến dâng tặng vua Samudra Gupta để xin được xây dựng một ngôi chùa tại Bồ-đề Đạo tràng (‘Bodh-Gayà”) và đã được tán thành.
Vua Rama Gupta (375-380) tại vị chẳng được bao lâu. Truyền sử ‘Devichandraguptam’ kể rằng trong cuộc viễn chinh đánh xứ Malwa nhà vua bị bại trận và bị vua Saka Satrap (hậu duệ của dân Scythian) bắt sống. Để được thả về nhà vua đồng ý sẽ đem trao hoàng hậu Dhruvadevi cho Saka Satrap. Điều này làm người em trai tức giận xin giả trang làm hoàng hậu để đến khi vào được doanh trại địch quân liền giết chết Saka Satrap, sáp nhập Malwa và còn giữ được thanh danh của Gupta. Do đó ông hoàng đệ được vinh danh là Shakari hay Sahasanka (Kẻ giết được Shakas). Dĩ nhiên dân chúng ủng hộ và hoàng hậu cảm kích nên vua Rama Gupta bị phế bỏ, nhường ngôi cho em.
Dựa theo các bia đá ở Mathura và Bilsad, người ta biết được khá nhiều chi tiết về vua Chandra Gupta II (380-414). Sau khi lên ngôi, ông đã diệt các tiểu vương Gujarat, Saurashtra và vùng Bengal để mở mang thêm bờ cõi. Ông còn liên minh với xứ Naga qua hôn nhân với công chúa Kubernaga; và với dòng xứ Vakataka (đồng bằng Deccan) bằng cách gã con gái là Prabhavati Gupta cho vua Rudrasena II vào năm 390. Chính công chúa Prabhavati Gupta này đã cho ghi lại bia ký bằng đồng ở Poona kể ở trên về gia phả dòng họ mình. Chiến thắng quân sự vĩ đại nhất của ông là đã chiếm được xứ Saurashtra (nay là Maharashtra) cạnh biển Ả-rập, mở rộng thương mãi hàng hải qua phía tây Ấn.
Ông được tôn vinh là Thái Dương Anh Hùng (Vikramaditya: Sun of Valour), vì ông là vị vua nỗi bậc nhất của thời đại Gupta, nhưng ông lại còn được ca tụng về những thành tựu văn chương, học thuật hơn là quân sự, bởi dưới triều ông, mọi ngành văn chương học thuật, nhất là đạo học cả Veda và Phât pháp, y học, thú-y học, toán học và thiên văn học của Ấn có một bước nhảy vọt xán lạn mà sử sách về sau tán dương là thời đại phục hưng của văn học Ấn. Triều ông còn được rực rỡ thêm bởi có sự trợ giúp của nhóm văn hào 9 người danh tiếng (navaratna); trong số đó có Kalidasa bất tử của nền văn học Ấn. Ngoài vương hiệu Vikramaditya, triều đại của ông còn được gọi thêm là Narendrachandra, Simhachandra, Narendra Simha, Vikrama Devaraja, Devagupta and Devasri.
Dưới triều đại này có Đại sư Pháp Hiển (Fa-Hsien) từ Trung quốc đã đến chiêm bái các Phật tích và đã thăm viếng khắp đế quốc Gupta dưới triều vua Chandra Gupta II từ 401 (có sách ghi là 399) đến 410, và ghi lại nhiều ký sự trong bộ ‘Phật Quốc Ký’.
Vua kế là Kumara Gupta I (414-455) còn có nhiều vương hiệu khác là Sri Mahendra, Ajita Mahendra, Sima Mahendra, Asvamedha Mahendra, Mahendra Karma, Mahendra Kalpa, Sri Mahendra Simha, Mahendra Kumar, Mahendra Aditya vv. Ông kế thừa một đế quốc rộng lớn, và có công giữ cho nó được toàn vẹn. Dưới triều ông xã hội Ấn vẫn còn ở hồi cực thịnh phồn vinh; sự bao dung tôn giáo có phần rộng rãi hơn. Triều ông còn lưu lại đến nay 14 loại tiền vàng đặc trưng, và về sau có cả tiền bạc miêu tả ông vừa là mãnh tướng, vừa là nhạc sĩ vv... Ông còn vang danh nổi bậc là vị vua cho xây dựng Viện Phật Học nổi tiếng thế giới Nalanda một cách bề thế vĩ đại. Ông có hai người con trai là Skandagupta (con với hoàng hậu Devaki) và Purugupta (con với hoàng hậu Ananthadevi). Vào cuối triều ông có quân Pushyamitra nổi loạn ở thung lũng Narmada đe dọa triều đình.
Tiền vàng triều Kumara Gupta I (414-455) với hình nhà vua đang hạ hổ.
Mặt trái hình nữ thần Nimbate, tượng trưng cho sông Hằng.
Đến thời vua Skanda Gupta (455-467), theo bia ký Bilsad và Bhitari, được xem là vị vua cuối của thời đại Gupta huy hoàng, vì tuy ông đánh bại được quân Pushyamitra, nhưng rợ Hung (Hephthalites – mà sử Ấn gọi là Huna) từ vùng tây bắc liên tục tràn xuống uy hiếp đến cả Hoa thị thành. Theo bia ký Kahaum thì ông đã diệt được hàng trăm tiểu vương (?) kể cả rợ Hung bị ông đánh bại ở thung lũng Aryavarta năm 467. Ông cũng rất bao dung với đa tôn gíao. Khi ông mất thì đế quốc Gupta đã bắt đầu suy yếu.
Skanda Gupta (455-467)
Vua Pura Gupta (467-472) thay anh lên ngôi thì đã già nên trị vì chỉ có 5 năm thì mất. Con trai của ông với hoàng hậu Shri Vinayadevi lên thay.
Đến triều vua Narasimha Gupta (472-476) thì thời đại Gupta đã bắt đầu suy yếu. Có lúc Ấn lại còn phải cống lễ vật cho vua Hung nô để cầu hòa. Nhưng khi nghe tin vua Hung nô Mihirakula, đóng đô ở Malwa mạn tây bắc, ra lệnh sát hại tăng sĩ PG, hũy diệt tăng viện, đốt bỏ kinh sách ở vùng Ngũ Hà, vua Narasimha Gupta liền đóng cửa biên giới và không hiến cống nữa. Mihirakula tức giận kéo quân tấn công kinh đô Hoa thị Thành của Magadha và truy đuổi Narasimha đến tận vịnh Bengal. Trên đường hành quân Mihirakula đã trút giận lên các tăng tín đồ PG, dã man tàn sát những người không trốn thoát được và đã huỹ diệt PHV Nalanda lần đầu tiên. [Heras, A Note on the Excavations at Nalanda and its History, J.B.B.R.A.S., II, N. S., p. 215-216.] Nhưng sau đó quân của Narasimha Gupta đã phản công và đánh bại được Mihirakula và đuổi rợ Hung nô về tận vùng Shakala (Sialkot, Kashmir ngày nay).
Sự xâm lăng của Hung nô đã nhanh chóng đưa triều đại Gupta đến chỗ sụp đổ vì đã kéo theo sự xâm nhập ồ ạt của dân các bộ lạc biên cương từ Trung Á, cộng thêm kinh tế Ấn bị suy thóai trầm trọng do mất quyền kiểm sóat đường tơ lụa, con đường thương mãi huyết mạch. Điều đáng lưu ý ở đây là hậu duệ của dân Hung nô vốn chạy thoát được về mạn Kashmir đã dần thích ứng với xã hội và nền văn hóa mới để sau này biến dạng thành giống Rajputs.
Vua kế vị là Kumara Gupta-II (476-477) không lưu lại được thành tích gì. Thời gian trị vì của ba triều sau này quá ngắn tổng cộng chỉ khoảng 10 năm nên sử liệu hiếm hoi. Và từ đấy việc truyền thừa các ngôi vua cũng không được ghi lại rõ ràng. Xứ Magadha cứ suy yếu dần và nội loạn cứ xảy ra mãi. Theo bia ký Apshad ở Adityasena thì vua vua Kumara Gupta II, rồi vua Damodara Gupta đã đánh bại được kẻ phản loạn Isanavarman – một dũng tướng đã từng có công đánh đuổi quân Andhra, Sulika, Gauda và rợ Hung, đã được vinh danh trên bia ký Haraha. Về sau vua Mahasena Gupta lại còn dẹp được quân phiến loạn Susthivarman.
Người ta được biết thêm tên 14 vị vua nối tiếp nhau trong vòng hơn nửa thế kỷ là Budha Gupta (477-495), Tathagata Gupta, Krishna Gupta, Harsha Gupta, Jivita Gupta-I, Kumara Gupta-III, Damodara Gupta, Mahasena Gupta, Madhava Gupta and Deva Gupta-II, Adityasena, Deva Gupta-III, Jiva Gupta-III. Các triều này cũng chẳng lưu lại công trạng gì vẻ vang cả cho đến vị vua cuối là Vishnu Gupta thì thời đại Gupta chấm dứt khoảng 550.
Sau khi thời đại Gupta suy sụp thì các thế lực nội bộ tranh nhau ngôi bá vương trong một thời gian khá dài. Trong đó đáng kể là Valabhi, Gujarata, Nandipuri, Maukhari của xứ Magadha, tiểu vương hậu Guptas ở Malwa cạnh Magadha, các xứ Bengal, Nepal, và Kamarupa trong thung lũng Assam.
Đến đầu thế kỷ thứ 7, các thế lực đối kháng rốt lại gom vào trong tay của hai dòng họ đáng kể là Shashanka vua của xứ Gauda (Hạ Bengal) sau khi chiếm được xứ Orissa liền sáp nhập phần lớn lãnh thổ trong thung lũng sông Hằng; và dòng họ Puspabhukti ở vùng bắc Delhi đang hùng mạnh; mãi đến thời vua Harsavardhana mới thống trị được thiên hạ.
B. Di sản của thời đại Gupta:
Ngày nay người ta biết nhiều về thời đại này dựa vào đồng tiền cỗ, bia ký, đền đâi, và các tác phẩm cổ văn Sanskrit. Tuy lãnh thổ của Ấn dưới triều đại này không rộng lớn bằng vào thời Maurya và dòng Gupta kéo dài được 200 năm, nhưng nói chung đã được các nhà sử học xem là thời đại cổ điển hòang kim của nước Ấn. Các ngành văn học, nghệ thuật, y học, thiên văn, toán học, kiến trúc, đạo học và triết học của Ấn khởi sắc; kinh tế sung mãn nên các đô thị được phát triển và giàu có.
Tượng Đức Phật vào thời Gupta, TK thứ 5.
Tương tự nhiều thời đại trước, các tiên vương thì theo đạo BLM giáo nhưng đến các triều sau thì sùng bái và hổ trợ PG. Vua Kumara Gupta I đã cho xây dựng và bảo hộ cho PHV Nalanda. Rồi về sau vua Narasimha Gupta đã nhường ngôi cho con mà vào Nalanda làm tăng sĩ. BLM giáo và PG hình như có sự pha trộn dưới thời này. Dù vậy, xã hội Ấn dưới thời Gupta ban đầu vẫn còn nặng về với nề nếp trật tự theo đẳng cấp phân biệt của Bà-la-môn giáo.
Dưới thời Gupta văn chương Sanskrit đạt đến cao điểm; văn học PG thường được viết bằng Pali trước đây đều được dịch ra Sanskrit; hai mươi tám hang động của các tăng sĩ ở Ajanta với những bích họa tuyệt tác đầy sáng tạo linh động cũng được tạo ra. Ajanta nằm ở phía tây Maharashtra, một phần của vương quốc Vakataka đồng minh với Gupta. Nghệ thuật và văn học PG cũng đạt đến tuyệt đỉnh dưới thời này qua những lò mỹ nghệ danh tiếng Mathura và Sarnath, và từ đó lan tràn sang các hãi đảo ĐNA và Miến-điện, Xiêm-la, Thủy chân lạp, Lào và Lâm Ấp. Kiến trúc đền đài, điêu khắc và luyện kim đạt đến một nghệ thuật rất cao. Trụ sắt ở Meharulli, Delhi – mà nhiều học giả cho là do vua Chandra Gupta II cho dựng lên - dù đến nay đã hơn 16 thế kỷ vẫn còn đứng trơ trơ không rĩ sét. Thế nhưng đến nay những đền đài xây dựng vào thời này như Vaishnavite Tigawa ở Jabalpur vào năm 415, ngôi khác ở Deogarhnear Jhansi xây năm 510, và Bhita ở bang Uttar Pradesh hầu hết đều hoang tàn đổ nát.
Nhiều văn hào, thi gia, luận gia đạo sĩ trứ danh như Harishena, Vasubandhu (Thế Thân), Asangha (Vô Trứ), Kalidasa, Dandi, Visakhadatta, Shudraka, và Bharavi cũng xuất hiện vào thời này. Những kinh sớ (shastras), truyền thuyết luận (puranas) tôn giáo nổi tiếng cũng đều được sáng tác, kể cả cuốn kinh về nghệ thuật yêu đương nổi danh ‘Kama Sutra’. Nhà thơ Sanskrit vĩ đại Kalidasa của Ấn với hai tác phẩm Meghdoot và Kumarsanhita cũng đã phục vụ dưới triều Chandra Gupta II.
Riêng về toán học, Varahamihira đã đưa ra khái niệm về số lẽ, vô cực trong khảo luận ‘Bhrihatasamhita’. Đồng thời biểu hiện của con số từ 1 đến số 9, và số ‘không’ (zero: lấy từ dấu hiệu vòng tròn ‘0’ viên mãn tượng trưng cho pháp không của PG) đã được phát kiến vào thời này, mà về sau người Á-rập truyền qua phương tây đã dần thay thế hệ thống số của La-mã.
Các nhà thiên văn Aryabhatta đã khám phá ra số pi và đã chứng minh được quả đất có hình tròn vào năm 499. Họ cũng đã tính được lịch theo mặt trời có 365.358 ngày và sự chuyển dịch của các hành tinh một cách tương đối chính xác.
IV) TRIỀU ĐẠI HARSHAVARDHANA (606-647)
A. Sự Thịnh Suy:
Triều đại Harshavardhana hay gọi tắt là Harsha – cùng khỏang thời gian giữa cuối triều Tùy và đầu triều Đường bên Trung quốc - được xem như triều đại vững chắc sau các triều Gupta. Thời ông đã được biết đến nhiều nhờ đại sư Huyền Trang ghi lại trong bộ ‘Tây vực ký’ khi ngài sang Tây trúc thỉnh kinh từ 629 – 645; nhờ từ các công văn của Trung quốc; từ các đồng tiền cổ và bia ký; từ các bài viết của các danh nhân đương thời và nhất là nhờ tác phẩm Harshacharita (Những thành tích của vua Harsa) do thi hào trong triều tên là Banabhatta đã ghi chép lại nhiều chi tiết bằng tiếng Sanskrit kể cả phần thiếu thời của nhà vua. Harshacharita là cuốn sách đầu tiên viết về danh nhân lịch sử Ấn. Ông còn là tác giả của cuốn Kadambini được xem như một viên ngọc quí của nền văn học Sanskrit.
Như đã nói ở trên, sau thời kỳ nhiểu nhương hậu Gupta đến đầu thế kỷ thứ 7, dòng họ Pushabhukti trở nên một thế lực lớn mạnh ở Ấn với vua Prabhakaravardhana cai trị xứ Thaneshwar. Con gái của Prabhakaravardhana tên là Rajyasri và cũng là chị của Harshavardhana được gã cho vua Grahavarman của xứ Maukhari có kinh đô ở Kannauj. Lúc bấy giờ PG vẫn còn thịnh hành trong vùng, và tín đồ BLM giáo và Kỳ na giáo thường vẫn chung sống hòa hợp. Tuy vậy trong chương 7 của cuốn Harshacharita của Banabhatta đã cho thấy luôn có sự tranh chấp âm ĩ giữa các giới tăng lữ của BLM và PG. Banabhatta viết “không có một Parasari (nhà sư áo vàng) nào ưa thích tăng sĩ Bà-la-môn, nhưng các tăng của 17 phái khác nhau đều sống dung hòa.” [Agrawala 1969: 225].
Sau khi vua Prabhakaravardhana mất năm 605; vua Deva Gupta xứ Malwa (có lẽ là hậu duệ xa của thời Gupta cũ) tấn công và giết chết vua Grahavarman và hạ ngục hòang hậu Rajyasri. Vua Rajyavardhan, là anh cả của Rajyasri và Harshavardhana liền kéo quân tấn công Malwa để trả thù và đánh bại được Deva Gupta. Bấy giờ vua Shashanka của xứ Gauda, vốn đã âm mưu liên minh cùng Deva Gupta, đến gặp Rajyavardhan giả làm trung gian giảng hoà và thừa cơ hạ sát Rajyavardhan rồi chiếm đóng Kannauj.
Shashanka là tín đồ BLM giáo – Śaivites - rất thịnh hành ở phía nam Ấn. Khi Shashanka chiếm thành Kannauj thì dân chúng Phật tử không ủng hộ và còn chống đối nên Shashanka đã ra tay đàn áp và tàn sát rất nhiều tín đồ PG [Sharma 1970: 245]. Vì thế khi Harshavardhana cất quân tái chiếm, quần chúng Phật tử trong kinh đô đã đồng nổi dậy tiếp tay ủng hộ nên chiến dịch chóng thành công, và Harshavardhana đã dánh đuổi Shashanka về cố thủ một vùng nhỏ ở Orissa dọc bờ biển vịnh Bengal. Trên đường tháo chạy quân của Shashanka còn đốt phá PHV Nalanda.
Điều này đã được Huyền Trang ghi lại trong cuốn ‘Tây Vực Ký’; và cuốn biên niên sử PG, The Arya Manju Sri Mulakalpa, cũng mô tả Shashanka là một ông vua tàn ác. Theo truyền thuyết thì vua Shashanka đã cưỡng đoạt một điện thờ Phật ở Bồ Đề Đạo Tràng Bodhgaya) rồi cho dựng một Shivalinga thay thế. Thực tế về sau cho thấy chuyện ấy không hề xảy ra; vì vào năm 1234 có vị sư Tây tạng tên là Dharmaswamin đến viếng thánh địa đã khám phá ra rằng tượng Phật đã được xây tường che kín để khỏi bị quân đạo Hồi xâm lăng phá hũy. Tuy vậy người Hồi tiếp tục đàn áp PG và nương tay với BLM giáo nên PG bị tàn lụi và ngôi đền bị hoang phế cho mãi đến năm 1590, quan cai trị địa phương lại giao quyền quản trị ngôi đền cho người Shaivite Mahant. Nhưng gần đây ngôi đền đã được chuyển lại cho PG và đã được trông coi bởi một ủy ban BLM và PG.
Cũng theo truyền thuyết thì Shashanka đã hũy diệt các thánh tích, quẳng cả tảng đá có in dấu chân Đức Phật xuống sông, hoặc đốn ngã cây Bồ đề cổ thụ ở Bồ đề Đạo tràng. Nhưng rồi nhờ có phép lạ nên tảng đá trở về chỗ cũ và một cây bồ đề to lớn khác được mọc ra từ nhựa cây cũ đã bị đốn. [Theo ‘Tây Vực Ký’ - Elst 1992]. Nhưng có lẽ các chuyện ấy chẳng hề xảy ra. Tảng đá có dấu chân Phật này vốn đã được Đại sư Pháp Hiển nhắc đến khi ngài ghé qua Ô trường (Udỳnana), bắc bộ Thiên trúc. Ngài viết trong ‘Phật Quốc Ký’: “Phật để dấu chân lại ở đây, và dấu chân ấy thấy dài hay ngắn là tùy tâm niệm của người nhìn. Dấu chân ấy hiện nay vẫn còn như vậy. Lại có viên đá Phật phơi y, có chỗ Phật hóa độ rồng dữ, tất cả hiện nay vẫn còn. Viên đá Phật phơi y thì cao 1 trượng 4 thước, rộng chừng 2 trượng, một bên bằng phẳng.”
Tiền có hình HĐ Harshavardhana
Sau khi thắng trận, Harshavardhana liền thay anh lên làm vua vừa lúc 16 tuổi, rồi dời kinh đô từ Thaneshwar đến Kannauj và từ đó đã bành trướng đất đai tòan vùng bắc Ấn. Năm 612, ông đã cai trị một vùng rộng lớn bao gồm Punjab, miền đông xứ Rajasthan, thung lũng Hằng Hà, một phần Bihar và Bengal cho đến xứ Assam; ngoại trừ vùng tây và nam Ấn.
Năm 620 Harshavardhana đem quân xâm lấn các xứ ở phía nam Ấn nhưng bị vua Pulakesin II của xứ Chalukya phía bắc Mysore ngăn chận; và ông cũng không thâu tóm được các xứ Valabhl, Nandipurl, Kashmir, Gujarat và Sind ở phía tây, như dưới thời Gupta. Riêng ở phía đông thì từ khi đối thủ là vua Shashanka mất vào năm 636 thì không còn một sự chống cự nào đáng kể.
Hoàng đế Harshavardhana là một nhà lãnh đạo có tài ngọai giao giỏi nổi danh khắp vùng. Vua Bhaskravarman của xứ Kamarupa (Assam) tuy theo đạo Bà-la-môn nhưng đã liên minh chặt chẻ với ông đánh đuổi được Shashanka và còn giúp cho sự chinh phục thiên hạ thêm thuận lợi. Harshavardhana cũng đã duy trì mối quan hệ mật thiết với nhà Đường ở Trung quốc, và vua Đường Thái Tôn cũng đã gởi nhiều đoàn sứ giả đến thăm vua Harsa.
Vua Harshavardhana rất cần mẫn trong việc cai trị vương quốc rộng lớn ở bắc Ấn. Ông đích thân quán xuyến việc nước và đốc thúc các quan cai trị dưới triều. Ông đặt các tiểu vương thuộc hòang gia cai trị các xứ nhỏ. Sử Ấn ghi nhận về ông như một minh quân, có tài quân sự như Samudra Gupta và chính trị cùng đạo đức như Ashoka. Ông còn là một thi sĩ và nhà uyên bác. Ông còn được nhắc đến như là tác giả của ba bộ kịch thơ viết bằng tiếng Sanskrit là Ratnavall, Priyadarshika, và Nagananda, mà cuốn sau chứa đựng nhiều tư tưởng PG.
Vua Harshavardhana rất sùng kính PG, đồng thời bao dung với các tôn giáo khác. Sự thực hành tín ngưỡng của tín đồ PG và BLM giáo vẫn tiếp tục pha trộn lẫn nhau trong việc thờ cúng đa thần như dưới thời Gupta. Vua Harshavardhana cũng thường mở đại thí đàn như các vua cuối của thời Gupta (mà theo bản dịch từ Hán ngữ của HT Trí Quang theo cuốn ‘Cao tăng Pháp Hiển’ thì gọi là ‘ban giá việt’). Nhà vua mở đại hội mỗi 5 năm ở Prayag để ông bố thí tài vật cho dân chúng và cầu nguyện thần linh của các tôn giáo. “Khi mở đại hội thì mời chư tăng mọi nơi cùng đến vân tập. Vân tập rồi chỗ ngồi chư tăng được trần thiết, treo lụa, treo cờ và cắm lọng. Lại làm hoa sen bằng vàng bằng bạc đặt sau chỗ ngồi chư tăng, trải lên trên chỗ ngồi ấy những tấm tọa cụ sạch sẽ. Quốc vương cúng dường đúng phép trong 1 tháng, 2 tháng hay 3 tháng, và phần nhiều cử hành vào mùa xuân. Cúng dường rồi, quốc vương lại khuyến khích quần thần cúng dường trong 1 ngày 2 ngày cho đến 7 ngày. Sau đó quốc vương đem ngựa của mình cho trọng thần cưỡi, lại đem lụa trắng, mọi thứ quí giá, và những vật dụng cần dùng của chư tăng, cùng quần thần phát nguyện cúng dường chư tăng, rồi xin chư tăng mà chuộc lại những thứ quí giá.”
Dưới triều Harshavardhana, Kannauj trở nên một trung tâm đạo học quan trọng và đã được xây dựng to lớn và phồn thịnh ngang tầm cở với Hoa thị thành (Patilaputra) của thời Gupta và Ashoka.
Cảnh HĐ Harshavardhana cung nghinh Đại sư Huyền Trang
Năm 643 để đón tiếp đại sư Huyền Trang đến hành hương thỉnh kinh Phật từ Trung quốc, vua Harshavardhana đã tổ chức một cuộc đại hội liên tôn rất trang trọng kéo dài khỏang hai tháng gồm các cao tăng của BLM giáo, PG và Kỳ na giáo và sự có mặt của các tiểu vương khác như vua Bhaskaravarman của xứ Kamrupa (Assam) và vua Dhuvabhatti xứ Vallabhi để nghe đại sư Huyền Trang thuyết pháp và để cùng nhau trao đổi đạo học.
Sau Kannauj, Huyền Trang còn được đưa đến bờ sông Hằng (Ganga), Yamuna và Saraswati để tiếp tục hoằng pháp. Sau nhiều lần tiếp xúc với Huyền Trang, vua Harshavardhana rất tín ngưỡng đại thừa. Vào thời gian Huyền Trang được vua Harshavardhana tiếp đón trọng vọng thì khối tăng lữ BLM giáo không mấy hài lòng, và đã âm mưu hạ bệ Harshavardhana. Khi cơ mưu bị bại lộ, vua Harshavardhana đã đầy 500 người BLM ra biên cương.
Đầu năm 644, Huyền Trang vượt ông Indus để trở về Trung quốc sau 10 năm lưu lạI ở Ấn. Ba năm sau thì vua Harshavardhana bị giết và thêm một đoạn sử rực rỡ của Ấn Độ kết thúc.
Ông mất năm 647, thọ được 57 tuổi. Sau khi ông mất, lại không có người kế vị nên vương quốc bắc Ấn lại rơi vào hổn lọan nhiểu nhương vì nội bộ tranh dành quyền lực. Vua Narasinghavarman, một tiểu vương của xứ Kanchi trở nên hùng mạnh, và vua Bhaskravarman của xứ Kamarupa (Assam) thâu tóm đất đai xưa vốn thuộc vua Harshavardhana.
Mặt khác khối tăng lữ BLM khi thấy đế quốc của Harshavardhana bị tan rã liền cấu kết với dân Rajputs ở biên cương xâm lăng Ấn để “tái lập vai trò chính trị tối cao ở Aryavrata sau khi nhà vua mất” như Havel đã viết. [E.B.Havell, History of Aryan Rule in India, p. 217, Quoted by Swami Dharma Teertha, p. 118]. Theo truyền thuyết (Puranas) thì dân Rajputs vốn là hậu duệ của Hung nô lại được BLM thu phục biến chúng thành giai cấp Kshatriya, tức giai cấp vương tướng để phục vụ cho quyền lợi của họ và cả hai phía cùng hưỡng lợi.
Nhưng đến năm 724 tức khỏang đầu thế kỷ thứ 8 thì quân Hồi (Turkic Muslim) đã chiếm được đất Sind, vùng viễn tây đất Ấn, và trở thành mối đe dọa về sau cho sự an nguy của Ấn. Nhiều bia ký của các tiểu vương ở phía tây đã ghi lại những cuộc chống các làn sóng xâm lăng của “dân mleccha”, có nơi khác ghi “dân yavana” (chỉ dân Ả rập). Từ sau triều đại của Harshavardhana không còn có triều nào của Ấn oai hùng cả nên đến năm 1193, quân Hồi dưới sự lãnh đạo của Bakhtiyar Khalji đã xâm lăng thành công và đặt nền thống trị trên đất Ấn.
V) PHẬT HỌC VIỆN NALANDA:
A) Lịch sử:
Nalanda nằm khoảng 90 km hướng đông nam của Hoa thị thành (Pataliputra), 62 km về hướng đông bắc của Bồ-đề Đạo tràng (Bodh-Gaya), có diện tích ước khoảng 166 bộ hướng bắc-nam và 800 bộ hướng đông tây; thuộc bang Bihar ngày nay (mà xưa kia có tên là Magadha – Ma-kiệt-đà). Nguyên ngữ của Bihar là từ Vihara (xứ chùa); và Nalanda có nghĩa là nơi trao truyền chánh pháp (nalam: hoa sen; da: ban bố. Ở Ấn hoa sen tượng trưng cho chánh pháp).
Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã nhiều lần ghé thăm Nalanda và thuyết pháp ở Vườn Xoài Pavarika (the Mango Grove of Pavarika). Mahavira, giáo chủ Kỳ na giáo (Jain) cũng đã từng nghỉ ngơi ở đây trong 14 mùa mưa.
Bấy giờ Nalanda là một làng nhỏ, nơi sinh trưởng và cũng là nơi từ trần của Ngài Xá Lợi Phất (Sariputra). Hoàng đế Ashoka cũng đã đến chiêm bái và cho xây tháp thờ xá lợi của Ngài Xá Lợi Phất và một tăng-già-lam (sangharama) đầu tiên ở đây. Chính ngôi đại tháp này về sau trở thành cấu trúc trung tâm biểu tượng của Phật Học Viện (PHV) Nalanda. Nhiều đại luận sư nổi danh của PG cũng từng xuất thân ở PHV này như Nagarjuna (Long Thọ), tương truyền ngài ra đời vào năm 150, và đã được làm sa-di lúc 7 tuổi ở Nalanda; Dinnaga (Trần Na – còn gọi là Đồng Thụ hay Vực Long), tổ của phái ‘Tân Nhân Minh’, tác giả bộ ‘Nhân Minh Chánh Lý Môn Luận’ (Nyayamukha): ngưỡng cửa của luận lý vv…
Nhưng Nalanda đã được xây dựng qui mô to lớn và trở thành một trung tâm cao học nổi danh trong bao nhiêu thế kỷ lại nhờ vào tín tâm PG và sự bảo trợ dồi dào của những triều cuối của thời đại Gupta.
Qua cuốn ‘Tây vực ký’, đại sư Huyền Trang viết: “Một cựu vương tên Sakraditya, tôn kính Nhất thừa và tam bảo đã chọn mảnh đất phước lành (lucky spot) để dựng nên tăng-già-lam này”. [xem Cf. Edgerton, Vikrama's Adventures, 1, p. LXVI.] Ngài còn kể lại tên 3 vị vua nổi danh khác đã liên tiếp bảo trợ PHV Nalanda dưới các truy hiệu thánh hóa là: 1) Buddhagupta-raja. 2) Tathagatagupta-raja. 3) Baladitya-raja đã làm nhiều học giả về sau không thể đối chiếu được với lịch sử.
Nhiều tác giả đã dựa vào chi tiết mơ hồ này khi viết về vị vua đặt viên đá xây dựng Nalanda. Đơn cữ là khi tra cứu “Na-lan-đà” trong cuốn Từ Điển Phật Học của Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách ấn hành năm 1999 tại Huế, ta thấy ghi: “Viện Phật Học danh tiếng của Ấn Độ, được vua Thước-ca-la Đạt-đa (s. Sascraditya) thành lập trong thế kỷ thứ hai, một nhà vua nước Ma-kiệt-đà.” Có lẽ các tác giả này đã tham chiếu cuốn “The Encyclopedia of Eastern Philosophy and Religion” do nhà xuất bản uy tín Shambhala, Boston ấn hành năm 1994; bởi cũng có một đoạn viết như thế.
Nhưng trong một tư liệu khảo cứu tĩ mĩ của tăng học giả H. Heras với tựa đề “The Royal Patrons of the University of Nalanda” được đăng trong Journal of the Bihar and Orissa Research Society, PART I. Vol. XIV 1928 pp. 1-23 vào năm 1928 đã rọi sáng nhiều phát hiện mới. Ông đã cùng với Giáo sư Samaddar phân tích các truy hiệu của các vị vua trên đồng tiền cổ và dẫn đến một kết luận rành mạch đó là danh vị của các vị vua cuối của triều Gupta là: vua Kumara Gupta I, ngoài truy hiệu Sakraditya còn có truy hiệu khác là Mahendraditya. [Sakra hoặc Mahendra là thánh hiệu của thần Indra – xem Allan, Gupta Coins, p. LV Cf. và Heras, The Final Defeat of Mihirakuka, I.H.Q., III, p.12]. Vua Skanda Gupta (tức Buddhagupta-raja); vua Pura Gupta (tức Tathagatagupta-raja), và vua Narasimha Gupta (tức Baladitya-raja).
Như thế vua Sakraditya chính là vua Kumara Gupta I (415-455), con của Chandra Gupta II ở đầu thế kỷ thứ 5, chứ chẳng phải một vị vua nào ở thế kỷ thứ 2 cả.
Nơi “đất lành” mà Huyền Trang ghi chính là ngôi tháp thiêng liêng đồ sộ ngay giữa khuôn viên rộng lớn của PHV – tháp thờ xá lợi của Bồ tát Sariputra đã nói ở trên. Ông còn cho dựng bia ký kỷ niệm ngày đại sư Buddhamitra an vị tượng Phật. [Fleet, o.c., p.47. Hwui Li, Life of Hiuen Tsiang, p.109]. Và cứ thế các vua về sau lại tiếp tục cho xây dựng các tòa tăng-già-lam khác bành trướng thêm.
Cũng qua cuộc nghiên cứu của H. Heras, thì PHV Nalanda đã được khởi công vào năm 427 do lệnh của vua Kumara Gupta I. Điều này hợp lý vì xã hội Ấn dưới triều Kumara Gupta I vẫn còn là thời thịnh trị yên hòa, đất nước giàu mạnh nên nhà vua chú tâm nhiều đến học thuật tư tưởng, đã bảo trợ và quy tụ được rất nhiều thức giả trứ danh đương thời. Điều đáng lưu ý là vua cha Chandra Gupta II thì rất sùng BLM giáo, nhưng đến triều con Kumara Gupta I thì lại bao dung và hổ trợ cho PG và Kỳ-na giáo.
PHV Nalanda thời bấy giờ là một trung tâm học thuật cao cấp danh tiếng quốc tế, qui tụ rất nhiều đại tư tưởng gia không chỉ về Phật pháp mà còn thâm cứu về mọi ngành khác như Vệ đà, văn học, luận lý, thiên văn, toán số, y học vv… Các luận sư nổi danh của Trung quán tông và Duy thức tông cũng đã từng giảng dạy ở đây. Vào thời Huyền Trang lưu học thì Viện đã có đến hai ngàn giảng sư và khoảng mười ngàn học viên ăn ở học tập. Viện chủ bấy giờ là đại lão sư Silabhadra (Giới Hiền) đã truyền cho giáo lý Pháp tướng tông (hay còn gọi là Duy thức tông hoặc Du-già tông). Cơ sở gồm có tám tăng-già-lam và 300 căn phòng được bao quanh bởi một vòng tường rất cao, chỉ có một cổng vào ở phía nam. Viện có một thư viện đặt trong một tòa nhà 9 tầng có tên Ratnabodhi chứa đầy đủ Kinh Đại thừa, Tiểu thừa, Veda, sách thuốc, thiên văn, địa lý, toán, kỹ thuật... mà tương truyền khi bị quân Hồi đốt phá ở thế kỷ 12 đã cháy âm ỉ đến bảy tháng mới dứt.
Số học viên không phải chỉ thuần tăng sĩ, mà ai muốn vào học phải qua một cuộc sát hạch vấn khảo trình độ bởi vị pháp sư giám môn. Chỉ có khoảng 2-3 người trong số 10 tăng sinh qua được. Huyền Trang viết ngài “đến tăng-già-lam Baladitya-raja và đã được lưu trú trong cư xá Buddhabhadra cao 4 tầng”. [Cf. Beal, o.c., II, p.167 Hwui Li, o. c., p. 110.]
Huyền Trang lại viết: “Vua Buddhagupta-raja [tức vua Skanda Gupta (455-467)] đã tiếp tục công việc của phụ vương; cho xây thêm một tăng-già-lam khác về phía nam ngôi của vua cha đã xây”. Điều này trùng hợp với lịch sử Ấn là vào giai đoạn sau khi vua Skanda Gupta đánh đuổi được quân Hung nô ở đồng bằng Aryavarta, đã cảm tạ dâng cúng cho PHV. [Bhit inscription of Skanda Gupta, Fleet, o.c., p.55, 1.10].
Đến đời vua Pura Gupta kế vị vua anh Skanda Gupta thì như Paramartha (Chân-Đế: 499-569) đã viết trong cuốn ‘Cuộc đời của Vasubandhu (Thế Thân)’, một đại luận thuyêt gia PG ở thế kỷ thứ 5 và Thiền tổ thứ 21, đang làm viện chủ ở Nalanda; rằng do ảnh hưởng của Tổ Thế Thân, vua Vikramaditya trở thành hộ pháp cho PG và còn xây thêm một tăng-già-lam khác về phía đông của ngôi mà tiên vương đã cho dựng, còn gởi hoàng hậu và thái tử đến tu học với Ngài. Vikramaditya tức là Pura Gupta, vì về sau người ta tìm thấy được hàng chữ Sri-Vikramah trên đồng tiền cổ dưới triều ông; và thái tử tức là vua Narasimha Gupta. Trong thời kỳ này Phật Giáo và Sớ Luận đã từng có một cuộc tranh luận quy mô về Tỳ Bà Sa Luận (vibhasa).
Đến đời Narasimha Gupta thì thời đại Gupta đã bắt đầu suy yếu. Có lúc vua Hung nô Mihirakula kéo quân tấn công kinh đô Hoa thị Thành và truy đuổi Narasimha đến tận vịnh Bengal. Mihirakula đã dã man tàn sát tăng tín đồ PG, và đã huỹ diệt PHV Nalanda lần đầu tiên. [Heras, A Note on the Excavations at Nalanda and its History, J.B.B.R.A.S., II, N. S., p. 215-216.]
Tuy vậy quân của Narasimha Gupta đã đánh đuổi được Hung nô về tận Kashmir. Sau khi chiến thắng vua Narasimha Gupta liền cho tu bổ những tăng-già-lam đã bị hư hại, xây dựng một tăng-già-lam mới ở phía đông bắc của học viện cũ của cha. Trong thời Huyền Trang đến học ngôi tăng-già-lam này vẫn còn, được gọi là đại học viện Baladitya-raja. Thêm nữa vua Narasimha Gupta còn cho xây cất thêm một ngôi tự viện (vihara) cao 300 bộ. Huyền Trang đã viết: “Ngôi chùa thực đồ sộ. Kích thước của nó và pho tượng Phật bên trong tương tự như đại điện ở Bồ đề đạo tràng.” [Beal, o.c., p. 173-774.]
Sau khi hoàn tất ngôi chùa vua Narasimha Gupta đã mở một đại hội khánh thành rất trọng đại. Ông cho phép công dân mọi tôn giáo đến tham dự. Có cả đến 10 ngàn tăng sĩ đến từ khắp nước và cả hai tu sĩ đến từ Trung quốc. Theo Huyền Trang thì sự hiện diện của hai tăng sĩ từ Trung quốc đã làm đẹp lòng nhà vua và tăng thêm tín tâm PG của ông. Về sau Narasimha Gupta đã nhường ngôi cho con để vào làm tăng sinh trong PHV.
Một đoạn trong du ký của Huyền Trang ghi “Người con của vua Narasimha Gupta tên là Vajra đã lên ngôi sau khi vua cha gia nhập tăng già.” Vajra chính là vua Kumara Gupta II, và ông tiếp tục cho xây một tăng-già-lam mới ở phía tây của Nalanda. [Beal, 1. c.]
Nhưng sau triều đạị của Narasimha Gupta thì Magadha cứ suy yếu dần và nội loạn cứ xảy ra mãi đã liên lụy đến sự điêu tàn của PHV Nalanda không ít. Theo bia ký Apshad ở Adityasena thì vua vua Kumara Gupta II, rồi vua Damodara Gupta đã đánh bại được kẻ phản loạn Isanavarman – một dũng tướng đã từng có công đánh đuổi quân Andhra, Sulika, Gauda và rợ Hung, đã được ghi rõ trên bia ký Haraha. Về sau vua Mahasena Gupta lại còn dẹp được quân phiến loạn Susthivarman.
Vua Vajra cũng là vua Kumara Gupta II, là vị vua sau cùng đã được Huyền Trang ghi lại đã từng có công trạng với PHV Nalanda. Ngay cả các vua cuối của triều đại Gupta tranh dành lẫn nhau cũng không được Huyền Trang nhắc đến trong du ký. Ngài viết tíếp: “Sau đấy một vị vua của Trung Ấn.” [Beal, o.c., II, p.170.] Rõ ràng Huyền Trang muốn đề cập đến hoàng đế Harsavardhana ở Kannauj gần hai thế kỷ về sau, vào thời ngài có mặt ở Ấn. Có hai đoạn Huyền Trang ca tụng vị vua này đã có liên hệ với PHV trong du ký là vua đã công bố sự cầu học Phật pháp và đã tổ chức một pháp hội tuyên dương Đại thừa.
Sau khi đánh đuổi được Shashanka, vua Harsavardhana mà Huyền Trang tôn vinh là Siladitya-raja cho tu sữa lại toàn bộ những tăng-già-lam bị hư hại và lại còn cho xây một ngôi chùa mới bọc đồng và dựng một tượng Phật cao 25 mét trong chánh điện của ngôi tăng-già-lam xây bởi vua Kumara-Gupta I. Không những nhà vua, mà còn cả những vua chư hầu đều noi gương bảo trợ PHV Nalanda nữa, ta có thể kể tên 6 tiểu vương quốc như Maukhari với quốc vương Purnavarma, Gauda ở Bengal, Kamarupa ở Assam, Nepal, Valabhi ở Saurastra và Chalukya ở Deccan [A. S. I. E. C., 1917--8, p.44—5]. Nalanda được chu cấp lương thực mỗi ngày, như Huệ Lý (Hwui Li) ghi lại trong cuốn “Cuộc đời của Huyền Trang” qua sự mô tả của Huyền Trang ở tiền bán thế kỷ thứ 7 như sau:
“Những ngôi tháp trang trí mỹ miều và những vọng đài huyền hoặc cao như những ngọn đồi đều gắn bó với nhau. Các vọng đài hình như bị chìm khuất trong sương mai và những căn phòng trên cao thì nằm trên mây. Từ các khung cửa sổ người ta có thể thấy mây luôn thay hình đổi dạng vì gió, và bên trên những mái hiên cao vút ta có thể quan sát được sự nối tiếp giữa mặt trời và mặt trăng. Và xin thêm rằng trên mặt hồ trong suốt nở đầy những hoa sen màu xanh, chen với màu đỏ thẩm của hoa Kie-ni (Kanaka) và đều khoảng có những cây Amra tỏa bóng mát. Ở sân ngoài là nơi chư tăng trú ngụ gồm bốn tầng. Mỗi tầng đều có tượng rồng và mái hiên sặc sở, những cột đá hồng ngọc được chạm trổ và trang trí đẹp đẻ, những hành lang cầu kỳ, và mái nhà được lợp bằng những mái ngói phản chiếu ánh nắng thành hàng ngàn bóng càng làm quang cảnh thêm phần hoa lệ.”
Nhà vua rất kính trọng chư tăng, và đã miễn thuế cho khoảng 100 làng lân cận để lo việc chu cấp cho tăng viện. Hai trăm gia đình trong những làng ấy thay nhau mỗi ngày cống hiến vài giạ gạo thường, vài trăm đấu bơ và sữa. Nhờ được cung phụng đầy đũ như thế mà tăng sinh ở đấy khỏi lo đến “tứ sự” (y phục, thức ăn, giường nằm và thuốc men). Do đó mà việc mong cầu tu học của họ đạt được đến toàn hão.
[The richly adorned towers, and the fairy-like turrets, like pointed hill-tops, are congregated together. The observatories seem to be lost in the vapours of the morning, and the upper rooms tower above the clouds. From the windows one may see how the winds and the clouds produce new forms, and above the soaring eaves the conjunctions of the sun and moon may be observed. And then we may add how the deep translucent ponds, bear on their surface the blue lotus, intermingled with the Kie-ni (Kanaka) flower, of deep red colour, and at intervals the Amra groves spread over all, their shade. All the outside courts, in which are the priests' chambers are of four stages. The stages have dragon projections and coloured eaves, the pearl-red pillars, carved and ornamented, the richly adorned balustrades, and the roofs covered with tiles that reflect the light in a thousand shades, these things add to the beauty of the scene.
The king of the country respects and honours the priests, and has remitted the revenues of about 100 villages for the endowment of the convent. Two hundred householders in these villages, day by day, contribute several piculs of ordinary rice, several hundred catties in weight of butter and milk. Hence the students here, being so abundantly supplied, do not require asking for the four requisites (clothing, food, bedding and medicine). This is the source of the perfection of their studies, to which they have arrived.][Hwui Li, o.c., p.111-112.]
Lịch sinh hoạt hàng ngày ở Nalanda, theo Huyền Trang đại khái như sau: Sáng sớm, theo tiếng gọi mọi trú sinh đều dậy rồi tắm gội. Sau đó hành lễ tắm tượng Phật, cùng cúng dường hương hoa và tụng kinh. Tiếp theo là hành thiền, rồi ăn sáng. Ăn xong, tăng sinh đến giảng đường nghe thầy thuyết pháp và cùng tham gia tranh luận về những chủ đề đã học; nhiều khi kéo dài đến chiều tối. Buổi trưa là ngọ thực. Buổi chiều, có nghi lễ Caitya Vandana, các tăng sinh tập hợp ở cổng trường chính và hát những bài Thánh ca cúng dường đức Phật trước khi về phòng tọa thiền và ngủ.
Trong thời đại Gupta, sự tu học về mahayana (đại thừa), đặc biệt madhyamaka (trung quán luận) được phát triển mạnh mẽ. Kể từ 750 dưới thời đại Pala thì nghiên về Tantra (Thiền định Kim Cang thừa) cho đến những năm cuối của Nalanda. Ở thê kỷ thứ 8 đại sư Dharmaganj đã có công truyền bá PG đến Tibet (Tây tạng). Từ năm 1049 đến 1057 có vị viện chủ ở Nalanda là Naropa. Sau khi quân Hồi giáo xâm lăng Ấn và tàn phá Nalanda vào thế kỷ thứ 12 thì truyền thống PG đã được chuyển qua Tây tạng. Vậy mà năm 1235 có nhà chiêm bái Tây tạng Chag Lotsawa đến viếng Nalanda còn thấy có vị giảng sư già 90 tuổi Rahula Shribhadra đang dạy cho khoảng 70 tăng sinh.
B) Phác họa tổng thể của PHV Nalanda:
1) Ngôi tăng-già-lam xây bởi vua Kumara Gupta I ở mảnh đất phước lành tại trung tâm. (Beal, o. c., p. 168.)
2) Phía nam: ngôi tăng-già-lam xây bởi vua Skanda Gupta.
3) Phía đông: ngôi tăng-già-lam xây bởi vua Purra Gupta.
4) Phía đông bắc: tăng-già-lam xây bởi vua Narasimha Gupta.
5) Phía tây: tăng-già-lam xây bởi vua Kumara Gupta II.
6) Phía bắc: ngôi tăng-già-lam to lớn xây bởi vua Harsavardhana (Beal, o. c., p. 170.) Trong cuốn ‘Cuộc đời Huyền Trang’ của Huili thì lại ghi là cạnh ngôi xây bởi vua Kumara Gupta II.
7) Ở phía tây ngôi này thì có ngôi chùa. (Beal, o. c, p. 172.)
8) Về phía nam khỏang 100 bước, có ngôi tháp nhỏ.
9) Ở phía nam có bức tượng của "Quán Tự Tại Bồ Tát” (Avalokitesvara Bodhisattva).
10) Ở phía nam của bức tượng này có ngôi tháp thờ xá lợi của Đức Phật.
11) Ở phía tây bên ngòai tường của ngôi tháp, có bồn nước và thêm một ngôi tháp khác.
12) Ở phía đông nam khỏang 50 bước, bên trong bờ tường có một cây cổ thụ khác thường, thân đôi và cao đến 8 hay 9 bộ.
13) Kế đó bên phía đông có một đại tự cao 200 bộ, tương truyền xây bởi vua Narasimha Gupta.
14) Kế đó bên phía bắc khỏang 100 bước, có một ngôi chùa bên trong tôn tượng "Quán Tự Tại Bồ Tát” (Avalokitesvara Bodhisattva).
15) Ở phía bắc của ngôi chùa này có một đại tự khác cao 300 bộ, xây bởi Baladitya-raja (Natrasimha Gupta).
16) Ở về phía đông bắc lại có một ngôi chùa khác.
17) Cũng về phía đông bắc có nơi “bốn vị Phật quá khứ tọa vị”.
18) Ở phía nam có nôi chùa đồng xây bởi vua Siladitya-raja (Harsavardhana).
19) Về phía đong khỏang 200 bước bên ngòai bờ tường có một tượng Phật bằng đồng cao 80 bộ. Có một mái đình 6 tầng che bên trên do vua Purnavarma xây.
20) Ở phía bắc từ 2 đến 3 dặm hay lí có một tự viện bằng gạch thờ Bồ tát Đà-la (Tara).
21) Bên trong của cổng nam có một giếng nước lớn.
22) Tòan bộ PHV được bao quanh bởi một vòng tường cao, xây bởi vua Harsavardhana. (Ibid. p, 179.)
23) Cửa chính đi vào PHV nằm về phía nam.
VI) VÀI NÉT VỀ CÁC ĐẠI SƯ NỔI DANH CHIÊM BÁI TÂY TRÚC ĐƯƠNG THỜI
A) Pháp Hiển (Fa-Hsien hay Fa-Xian)
Thích Pháp Hiển họ Cung, người huyện Vũ dương, tỉnh Bình dương. làm sa di (Sramanera) từ lúc còn rất nhỏ. Ngài thường than là vì ở Trung quốc kinh luật (Vinaya-pitaka) thiếu sót nên đạo hạnh của chư tăng thời bấy giờ chưa được tu trì đúng mức; vì vậy mà quyết tâm sang Tây trúc (Ấn độ) để tìm cầu.
Năm 399, Đời Tống An đế, lúc 25 tuổi Ngài đã cùng bốn tăng sĩ khác đi đường bộ về hướng tây vượt sa mạc và núi tuyết, sau 6 năm, tức năm 405 mới đến được xứ Magadha vào thời vua Chandra Gupta II (380-414). Ngài ở lại đó 3 năm học tiếng Sanskrit rồi sưu tập và sao chép được luật tạng của Đại-chúng-bộ, Thuyết-hữu-bộ, Tạp-a-tỳ-đàm-tâm, kinh Phương-đẳng nê-hoàn, vân vân. Sau đó lại vượt sông và biển xuôi nam đến được Tích Lan rồi ở lại 3 năm sao chép luật bộ Sa-di-tắc, Trường-a-hàm, Tạp-a-hàm, Tạp-tạng, mà ở Trung quốc chưa hề biết đến.
Năm 411, Pháp Hiển theo thuyền buôn trở về Trung quốc, bấy giờ đoàn chiêm bái chỉ còn lại một mình ngài. Sau 3 năm đầy gian truân với phong ba bảo táp, nhiều khi tưởng đã bỏ mình trên biển cả, mới về được đến Thanh Châu vào năm 414, là năm thứ 12 niên hiệu Nghĩa Hy của nhà Tấn. Trong bản dịch cuốn ‘Cao tăng Pháp Hiển truyện’ của HT Trí Quang có một ghi chú thú vị là sau 90 ngày bị bảo, thuyền của Pháp Hiển lạc đến một xứ tên là Da-bà-đề, mà ghi chú của Thái Viêm, soạn giả bộ ‘Phật học đại từ điển’ của Trung quốc cho đó là nước Ecuador, Nam Mỹ. Thái Viêm kết luận, người phát hiện Mỹ châu đầu tiên là Pháp Hiển, chứ không phải là Columbus sau này. Thực ra Da-bà-đề là âm của Vajrabodi thuộc xứ Sri Vijaya – Sumatra.
Sau đó Pháp Hiển trở về Trường An cùng thiền sư Ấn là ngài Buddhabhadra (Phật-đà bạt-đà-la) ở chùa Đạo tràng, dịch Ma Ha Tăng Chỉ Luật (Mahàsàmghika-vinaya) thường được gọi tắt là “Tăng Chi Luật”, kinh Phương-đẳng nê-hoàn (Vaipulya-sutra), luận Tạp a-tì-đàm tâm (còn gọi là Tạp A-tì-đàm tâm luận). Nhưng phần lớn những bộ khác mang về được, chưa dịch kịp thì bị hỏa hoạn thiêu đốt mất.
Chuyến du hành chiêm bái của Pháp Hiển đã được ghi lại sau khi ngài trở về Trung quốc vào thời Đông Tấn. Truyện ký lữ hành còn gọi là ‘Pháp Hiển truyện’ mà ta hay biết đế dưới tên khác là ‘Phật quốc ký’ hay ‘Lịch Du Thiên Trúc Ký Truyện’. Đó là bộ sử liệu và địa dư quý giá sớm nhất nói về những miền đất nước lạ mà ngài đã đi qua, cùng những Phật tích và sinh hoạt ở Ấn độ, Tích Lan vào đầu thế kỷ thứ 5. Dù vậy nhiều nhận xét lại bị pha trộn với những huyền thoại tôn giáo do ngài nghe được ở từng địa điểm chiêm bái qua cảm quan của một tăng sĩ sùng tín PG, nên thiếu tính khoa học đối với độc giả ngày nay.
Thế nhưng có nhiều đoạn ngài lại có những nhận xét rất rõ nét về tín tâm của Phật tử của thời đại bấy giờ như: “Quốc vương các nước Thiên trúc phía tây sa mạc đều tín ngưỡng Phật pháp, cúng dường chư tăng. Có khi các vị ấy bỏ vương miện, cùng thân quyến và quần thần tự tay bưng dọn đồ ăn cúng dường chư tăng. Bưng dọn rồi, các vị ấy trải tấm lót xuống đất, ngồi đối diện thượng tọa và chư tăng, chứ không dám ngồi trên giường ghế.
Thời đại của Phật, phong cách các quốc vương cúng dường thế nào thì đến nay vẫn truyền lại thế ấy cho nhau.”
Đại sư Pháp Hiển mất lúc 86 tuổi ở chùa Tân thuộc Kinh Châu.
B) Huyền Trang (Hsuan-tsang, cách ghi mới Xuánzhuǎng: 600-664)
1) Tiểu sử:
Ngài còn được vinh danh là Tam Tạng Pháp sư, một tăng nhân vĩ đại và là một trong bốn dịch giả lớn nhất của PG Trung quốc. Ngài còn là người sáng lập Pháp tướng tông (Faxiang), một dạng của Duy thức tông (yogācāra, vijñānavāda) tại Trung Quốc.
Tượng của Huyền Trang ở Chùa Từ Ân, Trường An (Xi'an)
Thích Huyền Trang, tên là Trần Vỹ, sinh vào năm thứ 16 đời Tùy Văn Đế Dương Kiên (596 TL) tại tỉnh Hà Nam trong gia đình sùng kính Khổng học. Năm lên 13 tuổi ngài đã xuất gia và năm 21 tuổi thọ cụ túc giới. Ngài được kinh sách mô tả là người rất thông minh mà tánh tình nghiêm cẩn, hòa nhã, và khiêm tốn và có lòng từ mẫn, đại độ, cương quyết và trầm tĩnh.
Dù trong vài thế kỷ qua trước đã có nhiều sự giao lưu của các tăng sĩ giữa Ấn và Hoa và đã có nhiều dịch bản kinh Phật lưu hành ở Trung quốc. Tương truyền năm 67 TL, đời vua Minh Ðế nhà Hậu Hán có hai đại sư Ấn là Kasyapa-matamga (Ca Diếp Ma Ðằng) và Trúc Pháp Lan truyền pháp đến Trung quốc. Vua Min Ðế cho cất Bạch Mã Tự để thờ Phật và để hai vị trú mà dịch kinh. Bản dịch đầu tiên là Tứ Thập Nhị Chương. Hai vị này là người đã đặt giềng mối cho Phật Giáo ở Trung quốc từ đấy.
Rồi những vị sư Ấn Ðộ khác tiếp tục đến Trung Hoa như vào năm 147 có Arsakes (An Thế Cao) đến Lạc Dương, ngài đã dịch kinh Tiểu thừa như Tứ Ðế Kinh, Chuyển Pháp Luân Kinh, Bát Chính Ðạo Kinh rồi sau đó trong khoảng 178-189, ngài Lokaraksa (Chi Lâu Ca Sấm) đến Trung Hoa đã dịch nhiều kinh điển Ðại thừa như Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Bang Chu Tam Muội, Kinh Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác. Nhưng người học kinh lại vì có nhiều kiến giải Phật học khác nhau nên mới nẩy sinh các tông phái, hệ phái như Tịnh Độ tông, Luật tông, Pháp tướng tông, Chân ngôn tông, Cu xá tông, Duy thức tông, vv... làm ngài càng thêm hoang mang.
Việc này đã thúc đẩy Huyền Trang lên đường đi Ấn Ðộ để tự mình tìm hiểu. Năm 627 ngài rời Trường An lúc 27 tuổi; năm 631 đến Peshawar viếng tháp mộ của vua Kanishka (Ca-Nị-Sắc-Ca Vương); năm 633 đến Tây trúc chiêm bái các Phật tích như Kapilavastu (Ca-tỳ-la-vệ) quê hương của thái tử Tất Đạt Đa. Năm 636 đến kinh đô Kanauji của hoàng đế Harshavardhana, Huyền Trang nhìn thấy hàng trăm tăng viện, hàng chục ngàn tăng sĩ. Sau đó Huyền Trang đến Savastis (Xá-Vệ) nơi Phật thường đến thuyết pháp, rồi đến vườn Lumbini nơi Phật đản sinh, Kusinagara (Câu-thi-ma-kiệt-la) nơi Phật nhập diệt, Benares (Ba-nại-la) thăm Sarnath (Lộc Uyển) nơi Phật chuyển thánh luân, Vaisali (Vệ-xá-lị) nơi Phật thường an cư kiết hạ, Pataliputra (Hoa thị thành) và Bodhgaya (Bồ đề đạo tràng hay Giác Thành) và cuối cùng tìm đến và trúng tuyển sinh vào PHV Nalanda khoảng 638. Bấy giờ viện chủ là Đại sư Giới Hiền (śīlābhadra) tuy tuổi đã cao, đã truyền cho Pháp môn Duy thức. Hai năm sau, Huyền Trang rời Nalanda đi thăm xứ Odradeca, Kalinge, Andhra, Pallava và Tích Lan để mở mang liến thức, rồi trở về lại Nalanda tiếp tục tu học cho đến 643.
Huyền Trang là người biện luận giỏi, trong 10 năm ở Ấn, đã hóa giải những cuộc tranh luận với nhiều tăng lữ Tiểu thừa cũng như Bà-la môn nên danh tiếng lừng lẫy và nhiều vua chúa mời ngài thuyết pháp. Năm 645, ngài được 44 tuổi, Huyền Trang về đến Trường An trong sự đón tiếp tưng bừng của sư sãi, thần dân kinh thành nhà Đường sau nhiều năm gian khổ bộ hành qua 123 xứ lớn nhỏ. Huyền Trang đã mang về Trung Quốc150 Xá lợi tử, bảy tượng Phật bằng gỗ quý cao từ 1 thước tới 3 thước rưỡi, và 647 bộ kinh Tiểu thừa và Ðại thừa. Tất cả đều được đưa về chùa Hoàng Phúc, rồi một năm sau đưa về chùa Từ Ân vừa mới được triều đình xây dựng cho ngài.
Suốt 19 năm sau, ngài đã dịch được 75 bộ 1.335 cuốn kinh. Vì ngài thông thái cả văn hệ Sanskrit nên đã dịch ngược hai bộ kinh từ Hán văn ra Sanskrit là ‘Ðại thừa khởi tín luận’ (mahāyānaśraddhotpāda-śāstra), vì nguyên bản đã thất truyền; và ‘Đạo đức Kinh’ của Lão Tữ. Qua những công trình này ngài đã đem lại cho ngôn tự và văn học Trung Hoa trên ba vạn từ ngữ và ý niệm triết học mới. Điều này đã làm cho văn học đời Đường thêm khởi sắc.
Huyền Trang mất ngày mùng 5 tháng 2 năm Lân Đức nguyên niên (664). Ngày 14 tháng 4, một triệu người ở Trường An và tứ xứ lại đưa linh cửu ông tới an táng ở Bạch Lộc Nguyên. Vua Thái Tông nhà Đường lúc đó đã băng; Vua Cao Tông ra lệnh quốc táng rất long trọng.
2). Liệt kê vài thành quả sáng tác và dịch thuật của HT Huyền Trang:
a) Sáng tác: ‘Đại Đường Tây Vực Ký’, còn gọi tắt là ‘Tây Vực Ký’, nổi danh kim cổ, do Huyền Trang ghi lại về cuộc hành trình qua Ấn thỉnh kinh của Ngài khoảng từ năm 627 đến năm 645; về sau có đệ tử là Hwui-li (Huệ Lý) nhuận bút. Lần đầu được dích sang Anh ngữ bởi Samuel Beal, năm 1884, tái bản năm 1911; bởi Thomas Watters và nhuận bút bởi T. S. Rhys Davids và S.W. Bushell, ở London năm 1905.
Về đời nhà Minh có Ngô Thừa Ân (Wú Chéng'ēn: 1506-1582) đã dựa vào cuốn ‘Tây Vực Ký’ của Huyền Trang mà sáng tác cuốn truyện nổi tiếng trong văn học Trung quốc là ‘Tây Du Ký Diễn Nghĩa’ khi ông đã ngoài 70 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số ý kiến cho rằng ông không phải là tác giả của cuốn tiểu thuyết này.
b) Dịch thuật: Đơn cử một số (dựa vào cuốn ‘Đại Tạng Kinh Nhập Môn’ của Thích Ấn Hải, Thích Nguyện Quỷnh, do TT Thích Viên Lý dịch từ Hán văn):
1) Giải Thân Mật Kinh (Sạmdhinirmaocana-sùtra), kinh điển căn bản của Pháp Tướng Tông, nội dung nói về tư tưởng của trường phái Duy Thức (Yogacara hay Vijnanavada).
2) A Ti Đạt ma Câu Xá Luận (Abhidharmakósa-bhàsya) thường được gọi tắt là “Câu Xá Luận,” Do Thế Thân (Vasubandhu) viết.
3) Du Già Sư Địa Luận (Yogàcàrabhùmi) tương truyền do Di Lặc (Maitraya) thuyết giảng và Vô Trước (Asanga) ghi chép.
4) Thành Duy Thức Luận (Vijnãptimàtratàsddhi-sàstra) do Hộ Pháp Đẳng (Dharmapala) viết. Luận này là thánh điển căn bản của tông phái Pháp tướng ở Trung Quốc và Nhật Bổn.
5) Duy Thức Tam Thập Luận Tụng (Trimsíkà: Ba Mươi Câu Kệ Về Giáo Lý Duy Thức) do Thế Thân (Vasubandhu) viết. [mà cuốn “Thành Duy Thức Luận” (Vijnaptimatratasiddhi-sutra) là sách chú giải căn cứ vào cuốn này].
6) Duy Thức Nhị Thập Luận (Vimsátikà: Hai Mươi Câu Kệ Bàn Luận Về Giáo Lý Duy Thức) do Thế Thân viết.
7) Đại Thừa Thành Nghiệp Luận (Karmasiddhiprakarana) do Thế Thân viết.
8) Nhơn Minh Nhập Chánh Lý Luận (Nyàyapravésa) do Thương Kiết La Chủ (Sankarasvamin) viết. Nhơn Minh là dịch từ chữ Sánkrit “Nyana” có nghĩa là “luận lý” và nhan đề Luận này là “dẫn nhập vào luận lý học,” là sự giới thiệu đơn giản và ngắn gọn về những lý thuyết của Trần Na (Dignaga), người sáng lập tông phái Phật giáo “Tân Nhơn Minh”, do đệ tử của Trần Na là Thương Kiết La Chủ viết.
9) Di Bộ Tông Luân Luận (Samayabhedo) do Thế Hữu (Vasumitra) soạn. Sách này được viết từ lập trường của những người thuộc phái “Nhất Thiết Hữu Bộ” (Sarvastivadin), nhưng nó cũng mô tả chi tiết về những đặc tính giáo lý của các tông phái khác.
C) Nghĩa-Tịnh (I-tsing: 635-713)
Thích Ngĩa Tịnh là một đại sư đi Tây trúc cầu đạo vào thế kỷ thứ 7 bằng đường thủy. Ngài sinh năm 635 ở Phần Dương (Fan-Yang) gần Bắc Kinh bây giờ. Ngài được học chữ từ năm lên 7 tuổi, nhưng rồi sư phụ qua đời lúc ngài được 12. Ngài được nhận làm sa di vào năm 648 lúc 14 tuổi. Sau khi thọ cụ túc giới năm 654, ngài dành 5 năm chuyên học về Luật tạng (Vinayapitaka).
Nghĩa Tịnh rất ngưỡng mộ gương thỉnh kinh của các đại sư tiền bối nhất là Pháp Hiển và Huyền Trang. Ngài đến Trường An vào năm 664, trong lúc kinh thành có đám tang của Huyền Trang, và quyết tâm noi theo con đường các ngài.
Nghĩa Tịnh xuống thuyền vượt biển vào năm 671 ở Quảng Châu (Canton), 12 ngày sau đến một xứ thuần PG tên là Bhoga thuộc đảo Sumatra rồi trú ngụ sáu tháng ở đấy để học tiếng Sanskrit. Sau đấy vua xứ Bhoga giúp thêm phương tiện để ngài đi tiếp đến xứ Malayu (Sri-vijaya) trước khi đến Ấn Độ năm 673. Ngài ca ngợi lòng nhiệt thành tu học của tăng già không những của xứ Bhoga mà hầu như toàn thể hải đảo ĐNA. Sau khi thăm viếng các Phật tích ở xứ Magadha, ngài được nhận vào tu học ở Nalanda khỏang 10 năm từ 676 đến 685, và cũng chuyên tâm học Luật tạng. Theo truyện ký của ngài thì tuổi tối thiểu để được nhập học ở Nalanda là 20.
Trên đường trở về Trung quốc năm 685 cũng bằng đường biển Nghĩa Tịnh có ghé lại xứ Bhoga để tiếp tục dịch kinh từ Sanskrit. Năm 689 Ngĩa Tịnh về đến Trung quốc, và được triều đình nhà Đường trợ cấp thêm cho công cuộc thỉnh kinh và dịch thuật, nên ngài quay lại Sri Vijaya và ở đó thêm 5 năm. Đến năm 695 ngài trở về Trung quốc dưới thời của Tắc Thiên Võ Hoàng Đế, một người sùng kính PG, mang theo rất nhiều kinh điển.
Nghĩa Tịnh cũng noi gương Huyền Trang, dành phần đời còn lại để dịch các kinh Phật. Ngài dịch ra 68 bộ gồm 290 quyển, trong số đó có Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh (Suvarnạprabhàsa-sùtra) còn được gọi là “Tối Thắng Vương Kinh”. Ngài còn sáng tác ‘Ðại Ðường Cầu Pháp Cao Tăng’ và ‘Nam Hải Ký Quy Truyện’ ghi chép trạng thái Phật Giáo ở Ấn Ðộ và Sumatra đương thời. Pháp Hiển đã phân biệt được 18 bộ phái Phật Giáo thành 4 nhóm dưới ảnh hưởng của các bộ phái chủ lực: Mahasanghika, Sthavira, Sarvastivada và Sammitiya. Ðồng thời còn ghi rõ địa bàn hoằng đạo của từng bộ phái. Ngài kể rằng trong thời Ngài, Hữu Bộ phát triển mạnh từ Magadha (trung tâm điểm phát triển), lan ra đến Lata (Gujarat), Sind, Nam Ấn, Ðông Ấn, Sumatra, Java, Lâm Ấp, một số tỉnh ở Trung quốc (miền Ðông, Tây, Nam) và Trung Á (đặc biệt các nhánh nhỏ của Hữu Bộ đều rất phát triển ở khu vực này).
Ngài đã dịch viên tịch lúc 79 tuổi vào năm 713 dưới triều vua Đường Huyền Tôn.
Ôi, cảnh xưa, người xưa, nay còn đâu?
Cư sĩ Trần Trúc-Lâm
Seattle, vào thu 2006