PGS.TS Trần Hồng Liên tham luận tại Đại hội Hoằng Pháp 2011
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống rải rác khắp đất nước, tuy nhiên tập trung thành một khu vực có mật độ dân số cao vẫn là vùng đất Tây Nguyên, bao gồm 5 tỉnh: Dak Nông, Dak Lak, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon tum. Hàng trăm năm qua, các DTTS này sống dựa vào nương rẫy và tin thờ đa thần. Đó là những vị thần linh được người dân tộc tôn thờ gắn liền với sinh họat của mình : Thần sông, thần núi, thần suối, thần rừng… Họ gọi chung đó là các Yang. Hơn một thế kỷ qua, một số DTTS tại Tây Nguyên đã theo đạo Công giáo, Tin Lành.
Gần đây, vào năm 1992 tại Lâm Đồng, Ban Hoằng Pháp đã hướng dẫn tu học và tổ chức quy y cho một số đông Phật tử người K’Ho. Hai ngôi chùa Pháp Hoa và Thanh Sơn (tỉnh Lâm Đồng) đã tổ chức cho hơn 2.000 người dân tộc K’Ho huyện Di Linh quy y. Năm 2009, tại tổ đình Bác Ái, thị xã KonTum, tỉnh KonTum, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã tổ chức lễ Quy y Tam Bảo cho khoảng 4.000 đồng bào dân tộc trong tỉnh. Đây là một sự kiện đặc biệt chưa từng có trước nay.
Các DTTS cần có nhu cầu tâm linh, nhưng trước đây Phật giáo chưa có điều kiện phát triển vào vùng các DTTS, vốn là địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa. Từ đó đến nay, khá nhiều cuộc hội thảo (1), thuyết giảng đã tiếp tục được thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số; khá nhiều tham luận nêu lên nội dung hoằng pháp trong vùng sâu vùng xa này. Ban Hoằng Pháp từng Tỉnh cũng đã thực hiện nhiều hoạt động Phật sự góp vào việc đưa Phật giáo đến với DTTS. Tham luận này cũng góp vào việc khái quát một số nội dung chủ yếu về hoằng pháp ở vùng DTTS và đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện các hoạt động trên một cách hiệu quả.
1. Những hoạt động Hoằng pháp vùng dân tộc thiểu số
Hoằng pháp hay hoằng dương chính pháp là hoạt động đưa giáo lý thâm diệu của đức Phật Thích Ca vào từng con người. Những người ấy, theo quan niệm của đức Phật, là những chúng sinh còn lăn chìm trong bể sinh tử. Xuất phát từ sự phát triển không đồng đều của mỗi một chúng sinh, của mỗi một cộng đồng tộc người, và vì mỗi cộng đồng lại có tiếng nói riêng, có phong tục tập quán đặc thù, lại cư trú trên những vùng đất khác biệt nhau về độ cao và khí hậu; mà cần thiết có những phương cách truyền bá chánh pháp khác nhau.
Đức Phật, trong những lần thuyết giảng đã từng nhấn mạnh đến tính chất tùy thuận của Phật giáo, đến tính tùy duyên mà bất biến của giáo lý Phật giáo, và đề cập đến con số 84.000 pháp môn cần sử dụng trong kế hoạch thiện xảo của người đi hoằng đạo, để nhằm mang lại lợi lạc cao nhất cho người tiếp nhận.
Như vậy, không thể có một cách thức cụ thể, một công thức chung áp dụng cho tất cả mọi vùng, mọi nơi, mọi đối tượng được. Đất nước có 53 DTTS là có đặc trưng của 53 tộc người, mang nét riêng biệt về văn hóa, về sự phát triển xã hội tộc người, về mức sống và lối sống; và có những hoạt động kinh tế riêng. Chính vì vậy, hoằng pháp ở vùng DTTS càng cần thiết nắm bắt tất cả những đặc thù này của từng dân tộc, trước khi đi vào việc hoằng pháp. Cũng như nhiều lĩnh vực khác, hoạt động hoằng pháp cần được triển khai theo 2 hướng: trước mắt và lâu dài.
1.1. Định hướng lâu dài
1.1.1 Đào tạo Hoằng pháp viên
Điều cốt yếu trong tất cả các hoạt động, định hướng lâu dài hay trước mắt, đảm bảo cho sự thành công và bền vững chính là từ vấn đề nhân sự. Không có con người thì không thể đưa nội dung hoạt động đến từng đối tượng. Con người ở đây phải là những hoằng pháp viên có năng lực trên nhiều bình diện: nhiệt tâm, kiến thức về dân tộc thiểu số và am hiểu chánh pháp. Trong 3 yếu tố trên, kiến thức về DTTS là yếu tố quan trọng nhất đối với hoằng pháp viên vùng DTTS. Để đào tạo một hoằng pháp viên có đầy đủ năng lực hoằng pháp tại vùng DTTS, trước hết hoằng pháp viên ấy phải có kiến thức về dân tộc mình đến hoằng pháp. Kiến thức ấy, ngoài việc được trang bị lý thuyết, vốn là những thông tin từ sách vở, từ những buổi nói chuyện, trao đổi với các chuyên gia Nhân học/Dân tộc học, còn là những buổi sinh hoạt dài ngày tại nơi cần đến, để nắm bắt thực tiễn, hiểu hơn về cách sống, lối sống, luật tục và tập quán pháp của các dân tộc này.
Ngoài ra, hoằng pháp viên cũng không thể thiếu kiến thức rộng về địa bàn sinh sống của DTTS nơi mình đến hoằng pháp, hoặc những kiêng kỵ được người DTTS đặt ra và được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Đó là những việc rất nhỏ nhưng cũng có thể làm phá vở các kế họach lớn của hoằng pháp viên trong quá trình đi hoằng pháp. Như người Thái có tục kiêng cử phụ nữ chải đầu trong nhà, kiêng ngũ mùng trắng, kiêng rửa chân ban đêm v.v… vì đó là những việc chỉ làm cho người vừa mới qua đời. Những điều nhỏ nhặt ấy nếu vô tình chúng ta chưa nắm rõ, khi vào sinh hoạt với gia đình, sẽ dễ tạo nên khoảng cách, khó gần gũi, thân mật để có thể “đưa đạo vào đời”. Không thể trong một sớm một chiều chúng ta quy cho những kiêng kỵ ấy là mê tín dị đoan, để phủ nhận sạch trơn những luật tục vốn đã hình thành và được bảo tồn qua nhiều thế hệ.
Mặt khác, để có thể tiếp tục hoằng pháp lâu dài vùng DTTS, hoằng pháp viên không thể không học tiếng dân tộc. Kinh nghiệm cho thấy các nhà truyền giáo của các tôn giáo bạn đã “cắm rễ” tại vùng dân tộc hàng mười năm liền và nói tiếng dân tộc lưu loát.
Còn yếu tố nhiệt tình và am hiểu chánh pháp tất nhiên phải có trước khi bước vào con đường hoằng pháp.
1.1.2- Xây dựng tự viện vùng DTTS
Công việc lâu dài này được đặt ra trong những vùng sâu vùng xa chưa có cơ sở tự viện. Đối với những nơi đã có Chùa, Tịnh thất, Niệm Phật đường… thì nên sử dụng cái đã có, trang bị thêm một số phương tiện nghe nhìn để được thuận lợi hơn trong hoằng pháp.
Nếu xây dựng tự viện mới, cần lưu ý đến tộc người tại chỗ, đa số là tộc người nào, để có thể trang trí màu sắc và nghệ thuật theo đúng nhu cầu, tâm lý, đặc trưng văn hóa của tộc người ấy. Cần đặc biệt lưu ý đến kỹ thuật và kiến trúc cơ sở tự viện theo như kiến trúc nhà ở của tộc người tại địa phương, nhất là cần lưu giữ dạng nhà sàn đối với những vùng có núi cao và thung lũng, nhằm tránh thú dữ và các côn trùng độc hại.
1.1.3- Ấn tống kinh sách, văn hóa phẩm Phật giáo
Kinh sách phổ biến trong vùng các DTTS bước đầu cần ngắn gọn, nhiều hình ảnh, như các truyện bằng tranh có màu sắc, truyện kể có tư tưởng, giáo lý Phật giáo. Về lâu dài, cần phát hành kinh sách bằng tiếng dân tộc. Văn hóa phẩm Phật giáo cần đưa hình ảnh các vị Phật, Bồ tát vào từng hộ gia đình có đạo để thờ tự.
1.2- Định hướng trước mắt
1.2.1 Tổ chức thường xuyên các buổi thuyết giảng ngắn trong tháng
Đây là những buổi gặp gỡ, trao đổi, giao lưu thường xuyên vào ngày cuối tháng, (đêm 29 hoặc 30), sau thời sám hối, nên tổ chức những buổi truyền pháp ngắn, bằng hình ảnh hơn là qua sách vở. Nội dung là những đọan băng dĩa tóm tắt cuộc đời của đức Phật Thích Ca, hoặc một số mẫu chuyện về đức Phật trong nhiều kiếp của Người, về các vị Bồ tát, về những tấm gương hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Đặc biệt, cũng lưu ý với người DTTS trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn các cây, con quý hiếm trong rừng; hạn chế sát sinh, không chặt phá rừng bừa bãi… Hình thức hoằng pháp này dễ được ghi nhớ và vui tươi, ít cần đến ngôn ngữ dân tộc, vì đa số đã biết nghe, nói và viết tiếng Việt.
1.2.2- Sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật tại các buôn, làng
Hoằng pháp viên hướng dẫn con em trong bon làng tham gia sinh họat văn nghệ, có thể vào mỗi tối chủ nhật, sử dụng nhạc cụ dân tộc trong ca múa, hát các chủ đề có liên quan đến Phật giáo. Ban Hoằng Pháp Tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức được “đội Cồng Chiêng Tây Nguyên”, đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị một di sản đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
1.2.3 Kết hợp Hoạt động từ thiện - xã hội với hoạt động kinh tế
Do đặc thù trong lối sống của DTTS, hoạt động từ thiện - xã hội cần kết hợp với hoạt động kinh tế, khuyến khích đồng bào tham gia làm thuê, mướn để tăng thu nhập hộ gia đình, qua những hợp đồng do ban Hoằng Pháp chủ động tìm kiếm. Công tác từ thiện cúng dường Tam Bảo bằng cách cúng ngày công lao động trong việc trồng và thu hoạch cây công nghiệp như trà, cà phê… Qua các họat động kinh tế trên, còn giúp cho người dân tộc hiểu biết rõ hơn về cung cách chi thu, tiết kiệm, cách tích lũy trong sản xuất và tập thực hành hạnh bố thí, một yếu tố đầu tiên và cơ bản nhất trong 6 yếu tố (lục độ) của quá trình tiến tu trong Phật giáo.
2. Một số giải pháp
Để thực hiện việc hoằng pháp có hiệu quả trong vùng dân tộc thiểu số cần nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, và đòi hỏi việc thực hiện nên thường xuyên, liên tục. Trong điều kiện thiếu và yếu về lực lượng nhân sự trong nhiều vùng sâu và vùng xa, cần thiết có sự điều phối của Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh. Mỗi Tỉnh có Ban Hoằng Pháp đảm nhiệm việc “đưa đạo vào đời” theo tình hình đặc thù của DTTS tại địa phương, tuy nhiên vẫn cần đảm bảo tính chung nhất trong việc truyền bá chánh pháp, không thể tùy tiện dựa vào tính chất tùy duyên bất biến mà giải thích về đạo, về Phật một cách sai lệch, thiếu hiểu biết.
Ở một mức độ cao hơn trong vấn đề tổ chức, cần thiết có sự điều phối của ban Hoằng pháp Trung ương - Giáo hội Phật giáo Việt Nam, như việc vận động kinh phí cho vấn đề hoằng pháp ở vùng sâu, vùng xa; tổ chức các khóa huấn luyện Hoằng pháp viên phục vụ vùng DTTS. Các khóa học này cần được tổ chức thường xuyên, liên tục để có thể đáp ứng nhân sự cho nhiều vùng; thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi thông tin, sinh họat, kinh nghiệm giữa các Ban Hoằng Pháp Tỉnh. Những buổi sinh họat này cũng cần có sự tham dự của nhiều thành phần trong xã hội, là những người có kiến thức về dân tộc, có kinh nghiệm sống thời gian dài trong vùng dân tộc, có nhiệt tình và khả năng tài chính để có thể hỗ trợ trên nhiều mặt họat động.
Ban Dân tộc, Tôn giáo từng Tỉnh cũng hỗ trợ, tạo điều kiện tốt giúp các hoằng pháp viên trong tổ chức, sinh họat, vận động bà con Phật tử người DTTS trong việc chăm lo sản xuất kinh tế, ổn định đời sống, sinh họat văn hóa - nghệ thuật. Nhiều Nhà Văn Hóa do Nhà Nước và Nhân dân cùng làm trong từng Tỉnh ở Tây Nguyên chưa phát huy hết tác dụng của nó. Có nơi, mỗi năm Nhà Văn Hóa chỉ được mở cửa vài lần. Tình trạng lãng phí cơ sở vật chất này, nên chăng cần có kế hoạch liên kết để có thể sử dụng thường xuyên hơn vào các hình thức sinh họat văn hóa phong phú, đa dạng cho vùng DTTS Tây Nguyên, nhằm mang lại đời sống tinh thần phong phú, giúp người dân sống vui, an tâm sản xuất, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho Tỉnh, vừa góp phần làm giàu cho từng hộ gia đình.
Trong xu hướng phát triển chung của đất nước, hội nhập với khu vực và thế giới, Ban Hoằng Pháp Trung ương và các Tỉnh thành cần thiết thực hiện việc hoằng pháp với tốc độ nhanh hơn và có hiệu quả, nhằm góp phần cùng với chính quyền trong công cuộc đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân, thông qua tinh thần Từ Bi và Trí Tuệ của Phật giáo Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Kỷ yếu Hội thảo Hoằng pháp với truyền thống “Hộ quốc an dân” tổ chức tại Tp.Rạch Giá từ ngày 6 đến 10.5.2010.
- Website:
+ banhoangphaptw.com
+chuahoangphap.com.vn
Chú thích:
(1) -Hội thảo hướng dẫn Phật tử các tỉnh, thành Tây nguyên và miền Trung năm 2009 tại chuà Khải Đoan (Đak Lak)
-Buổi thuyết giảng dành cho Phật tử dân tộc thiểu số tại chùa Hoa Nghiêm (Đak Lak) năm 2010