đậu tương đen hữu cơ

Tham luận - Sách - Tài liệu

11:08 03/12/2011

Nguyễn Trường Tộ & vấn đề tự do tôn giáo

(TG&DT) - Nguyễn Trường Tộ cho rằng, vì lệnh cấm đạo nên mới sinh ra ghen ghét, kỳ thị, tội lệ, giáo dân bị lưu đày và bị hình phạt, là những ý tưởng rất sai lầm và chắc chắn nếu ai có lòng yêu tổ quốc thì cũng không thể chịu được các kế hoạch thực dân xâm lược của các ông cố đạo


VẤN ĐỀ TÔN GIÁO


 

Chúng ta sẽ phân tích thêm một số bản điều trần quan trọng khác của Nguyễn Trường Tộ về vấn đề tôn giáo, để thấy rõ thêm bản chất "Nhà Canh Tân Vĩ Đại Của Dân Tộc" như thế nào?


 

Thế kỷ XIX, vấn đề truyền đạo luôn luôn song hành với phong trào đi chiếm thuộc địa. Nhiều lúc truyền giáo là một cái cớ và tự do tôn giáo là một khí cụ lợi hại cho chủ nghĩa thực dân. Ông Nguyễn Trường Tộ hay tự khoe là người thông thái nhưng ông đã không biết, hay cố tình làm hại cho đất nước qua các bản điều trần, và dưới đây thêm một bản điều trần khác trong lĩnh vực tôn giáo.

 

*****

 


TỰ DO TÔN GIÁO


 

Qua bản di thảo số 2, chúng ta sẽ thấy những nhận xét sai lầm của Nguyễn Trường Tộ về tôn giáo.


 

Phần đầu của bài viết này tôi đã cố tránh vấn đề Ki Tô giáo. Vì không phải mục đích của bài viết này là để bàn về cái đó. Nhưng xét thấy, lúc bàn về tự do tôn giáo (Giáo môn luận) và các bản điều trần có tính tôn giáo cũng là những bài quan trọng của Nguyễn Trường Tộ, nên tôi phải thảo luận thêm vài điểm chính của Ki Tô giáo. Để từ đó, chúng ta sẽ thấy cái oái oăm đau thương của vận mạng dân tộc, đồng thời cũng để thấy được cái đúng sai của tư duy Nguyễn Trường Tộ về vấn đề tôn giáo nói chung.


 

Sơ lược về thuyết Thượng đế, Thánh Kinh và hành động của Ki Tô giáo.


 

Ki Tô giáo (gồm cả đạo Ki Tô La Mã và Tin Lành) khởi đi từ ý niệm tin rằng Thượng đế sinh ra vạn vật, và tổ tông của loài người là ông Adam và bà Eva. Hai người này bị rắn dụ dỗ ăn trái táo Thượng đế cấm, vì thế mà mang tội, con cháu của hai ông bà về sau, tức là cả nhân loại, bị tội tổ tông từ ông Adam và bà Eva mà ra. Do đó, mới có thuyết Chúa Ki Tô giáng trần để chuộc tội cho nhân loại.


 

Câu chuyện về Thượng Đế (God) được trình bày rõ ràng tỉ mỉ trong cuốn sách có nhan đề How The Great Religions Began (Các tôn giáo lớn được bắt đầu như thế nào), tác giả là Giáo sư Joseph Gear, dạy khoa Tôn Giáo Đối Chiếu (Comparative Religions).

 


Giáo sư Gear khám phá ra rằng, cách đây trên 4000 (bốn ngàn năm) tại tỉnh UR, địa phận Chaldae, nằm giữa sông Euphrates và Tigris vùng Trung Đông (Do Thái, Ai Cập...) có ông thợ làm đồ gốm (đất sét) tên Terah. Ông nặn tượng đủ các loại thần như thần cây, thần sông, thần núi, thần lửa (giống như thần bình vôi ông táo ở Việt Nam). Thiên hạ trong vùng mua về thờ. Họ tin rằng, các vị thần này sẽ phù hộ cho họ trong cuộc sống.


 

Một hôm, ông Terah sai đứa con lớn tên là Abraham vào dọn dẹp xưởng nặn tượng. Abraham đập bể tất cả các tượng đã nặn xong sẵn sàng để bán. Sáng hôm sau, ông bố vào xưởng thấy tượng bể ngổn ngang thành những mảnh đất sét vụn. Bị bố vặn hỏi lý do, người con trả lời rằng, các ông thần này cãi lộn, đánh nhau vỡ tan tành chỉ còn một ông sống sót đang cầm cái búa trong tay. Dĩ nhiên là ông bố không tin lời giải thích hoang đường ấy, cuối cùng người con thú nhận đã đập vỡ các pho tượng.


 

Vì sợ dân trong vùng biết chuyện tượng thần mà họ hằng tin tưởng nay bị đập vỡ, nên bố con ông Terah dời nhà về vùng Canaan tức là nước Palestine bây giờ. Abraham còn có tên là Ibri (Hebrews tiếng cổ của Do Thái). Ông lập nghiệp tại đây và sinh được một người con tên là Isaac.


 

Issac sinh Jacob. Jacob có tên là Israel, con cháu của Israel gọi là Israelites. Dòng họ này sinh nhiều tạo thành một bộ lạc, sống nghề chăn chiên. Con thứ 11 của Jacob (Israel) là Joseph đã dẫn cả bộ lạc của mình qua Ai Cập để sống vì nạn đói tại địa phương.


 

Dân Ai Cập rất ghét dân Israel vì người Ai Cập thờ đủ loại thần như thần chó, mèo, trâu, bò, cá sấu... mà dân Israel thì không. Vua Ai Cập bắt dân Israel làm nô lệ để họ phải thờ thần như người chủ của họ, nhưng họ vẫn hờ hững. Vua Ai Cập ghét, ra lệnh giết tất cả các trẻ sơ sinh của dân Israel bằng cách nhận xuống nước.


 

Có một em bé tên Moses (Môi Sê), bị thả trôi sông trên một cái giỏ. Công chúa vua Ai Cập tắm sông, vớt được đem về nuôi. Lúc lớn lên, Moses thấy người Ai Cập hành hạ người nô lệ Israelites (cũng gọi là Hebrews) Moses bèn giết người lính Ai Cập rồi ít lâu sau ông dẫn cả đoàn người Hebrews ra khỏi căn nhà nô lệ. Moses cùng em là Aaron tới gặp vua Ai Cập và nói rằng Thượng đế sai tôi tới đây để đòi cho dân Hebrews được tự do. Vua Ai Cập (Pharaoh) mở sách có liệt kê Thượng đế của dân các bộ lạc Edom, Moab... nhưng không thấy tên Thượng đế của Moses đâu cả, nên không trả tự do cho dân Hebrews, Moses đưa cho Pharaoh xem cây gậy thần có chữ D viết tắt chữ Daan có nghĩa là máu. Moses nói sẽ làm cho dân Ai Cập đổ máu và sẽ giết tất cả những ai là con sinh đầu lòng. Vua Pharaoh sợ vì ông là con đầu lòng. Câu chuyện thần thoại cho rằng, Moses có tài biến hóa, tạo ra ếch nhái xuất hiện khắp xứ Ai Cập và nhiều phép lạ khác. Vì thế, Pharaoh cho Moses dẫn đoàn người Do Thái (Israelites) ra khỏi ngục tù nô lệ và về trú tại Vùng Đất Hứa (Promised Land, hay vùng Canaan) tức là xứ Palestine bây giờ.


 

Đoàn người Do Thái này tin rằng, Vùng Đất Hứa là đất mà Thượng Đế dành cho một giống dân được Thượng Đế chọn lựa (Chosen People).


 

Trước lúc tới Vùng Đất Hứa, Moses dẫn đoàn người qua núi Sinai, ông để họ nghỉ tại chân núi, còn ông lên trên đỉnh núi. Sau 40 ngày ông xuống và cầm theo một tấm đá có khắc 10 điều răn (Ten Commandments) và nói là của Thần (God). Hai trong 10 điều giáo lệnh đó là cấm dân Hebrews không được thờ bất cứ một loại thần nào ngoại trừ thần Jehovah cũng gọi là Yahweh và cấm không được giết người.

 


Từ hơn 3000 năm nay, tín đồ Do Thái làm lễ Vượt Qua (Passover) vào ngày thứ Bảy, để tưởng nhớ ngày Moses dẫn họ vượt ra khỏi Ai Cập sau hơn 400 năm làm nô lệ.


 

Đó là tóm lược sự tích về Thần hay cũng gọi là Thượng đế (God) trong cuốn sách kể trên (tóm lược và dẫn theo Hoàng Hà Thanh trong cuốn Ki Tôgiáo, từ thực chất đến huyền thoại. Văn hóa California xuất bản, Hoa Kỳ 1996, tr. 15-19).


 

Chữ God (tiếng Anh) dịch đúng nghĩa là Thần. Do đó, mới có môn Thần học (Theology). Nhưng người Ki Tô giáo Việt Nam dịch là Thượng đế cũng còn được gọi là Chúa Trời (Lord).


 

Đoạn tóm lược về sự tích Thượng đế nêu trên cho chúng ta biết sự xuất xứ gốc tích của Thượng đế qua nhiều thế hệ để phát triển bộ lạc, để giữ đất, người ta đã phủ lên danh từ God một màu sắc thần bí và gán cho nó một nhiệm vụ là tạo ra trời đất muôn loài. Nhất là thời hoàng đế Constantine thế kỷ thứ tư. Theo ông Geoffrey Post báo Register, chủ nhật 25, 9/1988, Cali, Hoa Kỳ, hoàng đế Constantine đã đốt tất cả kinh sách của Ki Tô giáo và thuê người viết lại theo quan điểm và chính sách của thời đại ông, để giữ thuộc địa và bành trướng thế lực.


 

Qua nhiều lần sửa đổi bởi nhiều người phàm trần viết, nhưng sợ thiên hạ không tin. Vì thế, lại phủ lên những màu sắc thần bí khác rồi gọi đó là Thánh Kinh chứ không phải Phàm Kinh.


 

Bởi vì không đọc Thánh Kinh, không biết sách lược của thực dân nên Nguyễn Trường Tộ cuồng tín đi theo họ, rồi đưa ra những nhận định sai lầm về Thượng đế (Tạo vật, Chúa Trời) như sau:


 

1."Không thấy Thượng đế là Chúa tể cai trị các nước cũng như vua là chúa tể trị vì một nước đó sao? Các nước khác nhau rất xa về ngôn ngữ... nhưng Thượng đế cũng lấy một lẽ mà đối chung cả vạn vật khiến tất cả đều thỏa ý nguyện... có thế mới sáng tỏ cái tài năng lớn... và cái độ lượng rộng rãi... Vua đảm đang công việc giúp Thượng đế không phải là vua có thể biệt lập một trời đất mà một mình cầm quyền được, chẳng qua chỉ là nhân các dân, vật đã được Thượng đế tạo thành an bài đó mà thương yêu làm cho an ổn..." (Giáo môn luận, TBC, Sđd, tr. 116-117).


 

So sánh đoạn văn trên của Nguyễn Trường Tộ với sắc lệnh của Giáo hoàng Martin V (1417-1431), sau đây chúng ta thấy có những ý tứ trùng hợp:

Giáo hoàng Alexander VI


 

"Sắc lệnh phát xuất từ nguyên lý là tất cả đất đai đều thuộc về Chúa Ki Tô và người đại diện Chúa Ki Tô (tức là giáo hoàng, BK) có quyền sử dụng tất cả các đất đai của người không theo đạo Ki Tô, những kẻ ngoại đạo không có quyền sở hữu một mảnh đất nào. Nếu những người phi Ki Tô được cấp phát đất đai thì họ phải theo đạo Ki Tô dù tự ý hay bị cưỡng bách.


 

Năm 1493, Giáo hoàng Alexandre VI cũng ký sắc lệnh chia thế giới cho Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, và buộc họ phải truyền đạo để giải thích lý do việc chiếm thuộc địa".


 

Nguyên văn tiếng Pháp:


 

"La bulle, écrit Henri Martin, partait du principe que la terre appartient au Christ et que le vicaire du Christ a droit de disposer de tout ce qui n'est point occupé par des chrétiens, les infidèles ne pouvant être légitimes possesseurs d'aucune portion de la terre. Le don des terres détenues par les infidèles entrainait implicitement l'assujettissement des habitants pour leur plus grand bien, pour leur conversion volontaire ou forcée à la loi chrétienne". Plus tard le Page Alexandre VI, de par la bulle de 1493, partageait le monde entre le Portugal et l'Espagne en leur imposant l'obligation de propager la foi du Christ en tant que justification de toute occupation. La bulle pose formellement comme conditon de toute mise en possession le devoir de catéchiser tous les indigèles" (Henri Martin, Histoire de France, Paris, Furme... T. VII p. 293. CHT, Sđd, tr. 7).


 

Đối với tín hữu đạo Ki Tô, thì giáo hoàng là người đại diện duy nhất cho Chúa. Từ đó, chúng ta mới thấy cái thâm ý của Nguyễn Trường Tộ: Không thấy Thượng đế là Chúa tể cai trị các nước... mà giáo hoàng là đại diện cho Thượng đế. Vậy giáo hoàng có quyền cai trị các nước! Và vua đảm đang công việc giúp Thượng đế... mà giáo hoàng là đại diện cho Thượng đế. Như vậy, vua chỉ là người giúp việc cho giáo hoàng mà thôi! Thế thì giáo hoàng có thể cách chức vua bất cứ lúc nào! Con người "thông thái" như Nguyễn Trường Tộ trình bày có khác!


 

Với những lý sự cuồng tín về tôn giáo, hiểu sai vai trò và sự có thật của Thượng đế, Nguyễn Trường Tộ lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài trần tình về Giáo môn luận này và rải rác hầu hết 58 bài trần tình của ông, đã làm cho ông có một cái nhìn sai lầm về lịch sử và cổ xúy cho việc hợp tác với thực dân Pháp và Vatican mà tôi đã chứng minh và sẽ chứng minh đó là giải pháp rất tai hại. Trong Giáo môn luận, Nguyễn Trường Tộ viết tiếp:


 

2. "Xét ra đạo Công giáo vào nước ta từ thời Lê. Đầu tiên, các giáo sĩ Bồ Đào Nha đến giảng đạo ở tỉnh Hưng Yên, tiếp đến có các giáo sĩ người Pháp, người Y Pha Nho đến, được nhiều người tin theo. Lúc bấy giờ, giáo dân và những người trong ba đạo (Phật, Lão, Khổng) tuy tín ngưỡng khác nhau nhưng vẫn hòa ái tiếp đón nhau, lễ nghĩa đối đãi nhau, năng lui tới với nhau không có gì hiềm nghi, đều là con dân của nước nhà mà thôi. Từ khi ban hành lệnh nghiêm cấm thì mới sinh ra ghen ghét kỳ thị nhau, do ghen ghét kỳ thị nhau mới sinh ra tội lệ. Từ đấy, giáo dân bị phiền nhiễu đến nỗi phải lưu ly thất sở mà mắc vào vòng hình phạt. Nước vốn trong, có quấy lên mới bị đục, nếu ngừng thì chốc lát sẽ trong trở lại" (Giáo môn luận, TBC, Sđd, tr. 116).


 

Đoạn trên Nguyễn Trường Tộ cho rằng, vì lệnh cấm đạo nên mới sinh ra ghen ghét, kỳ thị, tội lệ, giáo dân bị lưu đày và bị hình phạt, là những ý tưởng rất sai lầm và chắc chắn nếu ai có lòng yêu tổ quốc thì cũng không thể chịu được các kế hoạch thực dân xâm lược của các ông cố đạo sau đây:


 

2.1.Linh mục Legrand De La Liraye viết:


 

"Theo thần, chiến tranh là cách duy nhất để đạt kết quả nghiêm chỉnh tại nước đó. Cần phải chấp nhận chiến tranh như là cách tốt nhất, phải đánh gấp ở Bắc Kỳ, Huế và Đà Nẵng cùng lúc, nếu được thì lật đổ chính phủ, bàn chuyện giải phóng cho hai dân tộc thua trận ở Cochinchine và đặt lên ngôi ở Bắc Kỳ một kẻ giả danh là con cháu nhà Lê".


 

Nguyên văn tiếng Pháp:


 

"La guerre suivant moi est le seul moyen d'arriver avec ce pays à un résultat serieux. Il faut l'accepter comme ce qu'il y a de mieux, la faire avec promptitude au Tonkin, à Huế et Tourane à la fois, renverser s'il y a moyen le gouvernement, parler de l'emancipation des deux peuples vaincus en Cochinchine et du placement sur les trône d'un pretendant de la famille des Lê au Tonkin" (CHT, Sđd, p. 72).


 

2.2.Giám mục Retort (viết thư cho M. Kleckowski):


 

"Nước Pháp cần phải làm cái gì lớn lao quan trọng lâu dài, xứng với nó và hoàng đế của nó. Nếu nước Pháp chinh phục xứ này (có lẽ việc này không khó) và cai trị trực tiếp, người dân Bắc Kỳ sẽ bằng lòng, nhưng họ thích sống dưới sự bảo hộ và ảnh hưởng của Pháp với một ông vua riêng" (đưa ra ảo tưởng để thuyết phục triều đình Pháp, BK).


 

Nguyên văn tiếng Pháp:


 

"La pensée de Mgr. Retort était plus nette encore; Il faut, déclarait-il, que la France fasse quelque chose de grand, d'important, de durable et digne d'elle et de son Empereur. Si la France faisait la conquête de ce pays (et cela ne lui serait pas difficile) et le gouvernait directement, les Tonkinois en seraient assez contents, mais ils aimeraient mieux être sous la protection et l'influence de la France avec un roi particulier de leur nation" (Lettre de Mgr. Retord à M. Kleckowski précitée: Thư giám mục Retord gởi Kleckowsky trong công văn 12/10/1857 của Đô đốc Rigault de Genouilly. Thư khố quốc gia, tài sản Hải quân BB4 752, CHT, Sđd, p. 80).


 

2.3.Linh Mục Huc: Nên chiếm cả nước Đại Nam. Ông trình bày trước Ủy ban Nam Kỳ:


 

"Có một gia đình cho rằng, mình thuộc dòng vua chính thống và có lẽ chúng ta có thể sử dụng nó để lật đổ triều đình hiện nay... Ngay từ đầu, nên lập chế độ bảo hộ mà giữ nước của vua này lại nghiên cứu tổ chức trong nước giống với tổ chức của chúng ta và cuối cùng sẽ tuyên bố chúng ta là chủ của xứ đó".


 

Nguyên văn tiếng Pháp:


 

"Une famille qui prétend être la branche royale légitime et qu'on pourrait peut-être s'en servir pour renverser la dynastie actuelle...; il faudrait dès le principe établir le Protectorat en gardant la personne du Roi, étudier l'organisation du pays qui ressemble beaucoup à la nôtre et arriver enfin à nous déclarer maitres du pays" ”. (Réponse du Père Huc, Procès-verbal, 5è séance, commission de Cochinchine, CHT, Sđd, p. 81, Linh mục Huc trả lời, biên bản phiên họp thứ 5, Ủy ban Nam Kỳ).


 

2.4. Giám mục Pellerin:


 

"Việc lập một hiệp ước có chữ ký của vua, việc có mặt của một lãnh sự, việc mở các cảng, việc xuất hiện của hải quân bảo đảm được trong một thời gian mọi quyền lợi của chúng ta, nhưng một sự chiếm đóng hay một nền bảo hộ thì tốt hơn nhiều".


 

Nguyên văn tiếng Pháp:


 

"La conclusion d'un traité signé par le roi, la présence d'un consul, l'ouverture des ports, l'apparition des forces navales garantiraient pour un temps tous nos intérêts mais une occupation ou un protectorat serait de beaucoup préférable" (Géséance, Commission de Cochinchine, CHT. Sđd, p. 81).

 


Những trích dẫn trên cho chúng ta thấy, từ thời chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn ở Đàng Trong, giáo sĩ Dòng Tên A. de Rhodes đã vận động chính phủ Pháp đánh chiếm Đại Nam. Về sau này, trước lúc Pháp đánh chiếm Đà Nẵng năm 1858, các giám mục, linh mục Pháp như Pellerin, Legrand, Retort, Huc đã trình bày với triều đình Pháp và với Ủy Ban Nam Kỳ (Commission de Cochinchine) để chiếm Đại Nam. Vậy mà nhà "thông thái" Nguyễn Trường Tộ lại nhận định quá sai lầm trong bài Giáo môn luận.


 

Để cho vấn đề được vô tư, rõ ràng và chính xác hơn, tại sao triều đình nhà Nguyễn cấm đạo Ki Tô La Mã, tôi xin trích dẫn ý kiến của Đô đốc Page trong văn thư đề ngày 14/12/1859 và 25/12/1859 sau đây.


 

Sau khi đi khắp nước thấy nhiều, nghe nhiều cuối cùng Đô đốc Page công nhận lý lẽ vững chắc của triều đình Huế, chính ông cũng bực mình về thái độ của các nhà truyền đạo và con chiên của họ:


 

"Thật vậy, trong lúc dân chúng hoảng hốt chạy trốn khi quân Pháp kéo đến và tổ chức vũ trang tự vệ, ở nơi đông dân thì 3000 tín đồ Ki Tô đi theo Pháp và xin được đưa vô Sài Gòn là nơi mà Page đã dựng lên một thị trấn. Tôi ngạc nhiên biết bao khi hôm sau các nhà truyền giáo đến nói với tôi rằng các con chiên An Nam không tuân theo một quyền lực vô đạo, họ nói như thế. Sao! Họ cũng không muốn có cảnh sát để chận đứng trộm cướp du đãng, cướp bóc thành phố? Và tôi rất hổ thẹn khi thú nhận với Ngài rằng Giáo Hội Ki Tô tại An Nam đã ngạo nghễ đi rao giảng các nguyên lý đó: Ngoài ra không người An Nam theo Ki Tô nào ngần ngại xin gia nhập làm lính dưới cờ Pháp, ông vua An Nam không theo đạo, không phải là vua của họ. Chắc bây giờ ngài đã hiểu tại sao vua, quan đã coi các nhà truyền giáo là kẻ thù?".

 


Xem thế, một đô đốc thực dân Pháp cùng tín ngưỡng, cũng không thể chịu nổi những hành động của các giáo sĩ chứ trách gì các vua quan triều Nguyễn.


 

Nguyên Văn tiếng Pháp:


 

"Après avoir beaucoup parcouru le pays, beacoup regardé, beaucoup écouté, l'amiral Page finit par reconnaitre le bienfondé des arguments du gouvernement de Huế, lui même ayant été choqué par l'attitude des missionnaires et de leurs chrétiens.


 

En effet, tandis que la population fuyait avec épouvante à l'approche des troupes francaises et que des milices armées s'organisaient là où il y avait un centre de population, 3.000 catholiques se rallièrent aux Francais et demandèrent à être ramenés à Saigon où Page avait crée une municipalité. "Quelle a été ma surprise? Lorsque le lendemain les missionnaires sont venus me déclarer que les chrétiens annamites ne pouvaient pas obéir à une autorité payenne, c'est leur mot. Quoi! Pas même pour la police municipale? Pour empêcher les voleur, les vagabonds de mettre la ville au pillage? Et je suis confus d'avouer à Votre Excellence que ces principes sont professés hautement par les associations annamites catholiques... "Du reste, pas un Vietnamien catholique n'hésita à demander à s'enriler comme soldat sous le draupeau francais. Le roi payen du Vietnam n'était point leur roi. "Votre Excellence comprendra sans doute maintenant comment le Roi et les mandarins regardent les missionnaires catholiques comme des ennemis?" (Dépêche de l'amiral Page, du 14-12 et 25/12/1859. Archives Nationales, Fonds, Marine BB4 777. CHT, pp. 128-129).


 

Tôi dẫn chứng hơi dài dòng về các hành động tình báo và chính trị mà các linh mục, giám mục và ngay cả các giáo hoàng La Mã, để thấy rõ sự sai lầm và nguy hiểm của Nguyễn Trường Tộ lúc "bàn về tự do tôn giáo", và khuyên triều đình nên "dùng giám mục, linh mục vào việc canh tân" cũng như bài Những việcGiám mục Gauthier có thể giúp.


 

Dưới đây tôi sẽ trình bày một bản điều trần khác cũng thuộc về lĩnh vực tôn giáo.

 

*****


 

Chương 2

DÙNG GIÁM MỤC, LINH MỤC
VÀO VIỆC CANH TÂN
(tháng 8/1866)


 

Di thảo số 17 nêu trên, Nguyễn Trường Tộ còn ngang nhiên hơn lúc đề nghị nên "dùng giám mục linh mục vào việc canh tân", và qua đề nghị này, chúng ta càng thấy rõ hơn cái tư tưởng trọng đạo hơn quê hương của ông.


 

Nguyễn Trường Tộ viết:


 

"Nay giám mục lên Kinh đô, những điều trước đây tôi đã bẩm điều gì hoãn điều gì gấp giám mục có thể trình bày rõ được. Còn việc sắp đặt và sai phái như thế nào sẽ do triều đình quyết định.


 

Trước đây, giám mục đã từng bàn bạc với tôi rằng, nếu triều đình muốn lần lượt canh cải để làm theo các phương pháp mới thì người rất vui mừng ủng hộ. Chỉ vì nay ta chưa có người. Nếu thật tâm tin nhau khẩn khoản yêu cầu, giám mục sẽ đưa các linh mục và đạo đồ, một số có khả năng am hiểu tiếng Tây, học qua một vài phương pháp của phương Tây như Nguyễn Huấn, Nguyễn Hoằng, Nguyễn Điều, Nguyễn Lâu chẳng hạn sang Tây trước, học gấp các kỹ thuật mới mỗi thứ một năm rồi về sớm giúp vào việc áp dụng thi hành. Bởi vì bọn họ học sơ qua gấp rút trong một năm vẫn còn kết quả hơn là triều đình mở trường mời người Tây đến dạy học trong mười năm. Đó là những điều giám mục nói riêng với tôi như vậy. Về phần tôi, tôi chỉ dùng lời khéo léo dẫn dụ giám mục và các người ấy để họ vui vẻ cầu tiến mà thôi, chứ tôi không có quyền sai sử. Nếu triều đình muốn gấp rút thực hành để tạm thời ứng dụng thì chỉ nên bắt đầu một hai người và trong khi thương nghị cùng giám mục nên nêu rõ tên những người triều đình muốn khẩn phái sang Tây học tập giám mục sẽ không từ chối được. Nhưng không nên nói cho giám mục biết đó là những điều tôi đã góp ý trước với triều đình" (Dẫn theo TBC, Sđd, tr. 188).


 

Một cách tổng quát, qua các sử liệu đã dẫn ở trên, chúng ta thấy từ con chiên đến linh mục, giám mục như Pellerin, Retort, Gauthier, Húuc... và ngay cả các giáo hoàng là những người rất nguy hiểm cho vận mạng quốc gia Đại Nam, nên không thể nhờ và dùng vào việc canh tân được. Tuy vậy, để công bằng, chúng ta nên tìm hiểu lý lịch các linh mục mà Nguyễn Trường Tộ đề nghị trong đoạn văn nói trên.


 

a. Sơ lược về các linh mục và giám mục mà Nguyễn Trường Tộ đề nghị vào việc canh tân. Chúng ta có các chi tiết sau đây:


 

1.Theo bài viết Nguyễn Trường Tộ học ở đâu, học giả Đào Duy Anh trong tạp chí Tri Tân, số 7 năm 1941, trang 167 cho chúng ta biết chi tiết về Nguyễn Trường Tộ và Linh mục Nguyễn Hoằng như sau:


 

"Nguyễn Trường Tộ học rộng nhưng viết và nói tiếng Pháp không thạo lắm, vì ông không chuyên học chữ Pháp ở Pê Năng (trường huấn luyện thông ngôn ở Mã Lai, BK) như các ông Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Hoằng. Bởi thế, ông không khi nào làm thông ngôn. Mà khi giúp việc cho súy phủ thì chỉ làm việc từ hàn (Lettré) cũng như Tôn Thọ Tường. Mỗi khi triều đình cần dùng người thông ngôn thì Nguyễn Trường Tộ cứ giới thiệu Nguyễn Hoằng (Linh mục Hoằng) chứ tự mình không khi nào đương việc ấy".


 

2. Về những người làm thông ngôn như Nguyễn Hoằng, những viên thư ký, như Nguyễn Trường Tộ, nhà sử học Cultru đánh giá họ như thế nào? Xin xem lại phần trước. Dưới đây tôi chỉ tóm lược:


 

Đề đốc Rieunier nói: "Chúng tôi chỉ có những giáo dân và bọn du thủ du thực".


 

Đại tá Bernard cũng khinh miệt: "Bọn lang bạt bị trục xuất khỏi làng vì đói rét, hoặc vì tội phạm xô về đây với cái lưng mềm dễ uốn, họ ham sống sợ chết, họ hoàn toàn hờ hững với cuộc đấu tranh của dân tộc họ, phụng sự bất cứ những ông chủ nào...".


 

Người ta sẽ tuyển dụng trong số họ tất cả nhân viên hành chánh cần thiết cho địa phương hoặc những người giúp việc gia đình: Làm đầy tớ, khuân vác, chạy giấy và có những tên phiên dịch, hoặc những người ghi chép, được đào tạo thô sơ qua các nhà trường của Hội Truyền giáo, chính là qua sự tiếp xúc với những kẻ khốn nạn này mà quân đội thực dân mới đổ bộ lên làm quen với người An Nam".


 

Qua sử liệu vừa trích dẫn trên cho thấy chính đề đốc và đại tá người Pháp cũng đánh giá người Việt Nam theo Ki Tô lúc bấy giờ, những người thông ngôn, phiên dịch, ghi chép là những kẻ khốn nạn... "Lưng mềm, dễ uốn, ham sống, sợ chết, phụng sự bất cứ những ông chủ nào...".


 

3. Còn Giám mục Gauthier, thầy của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Hoằng và Nguyễn Điều là một tên gián điệp mà tôi đã đưa ra sáu dẫn chứng ở phần trước. Sau đây là một số dẫn chứng khác cho thấy cả thầy lẫn trò của Gauthier nói trên là những thành phần nào?


 

3.1. Theo sự tích ông Nguyễn Trường Tộ, thì năm 1858, Giám mục Gauthier có đem theo vào Đà Nẵng cụ Khang, cụ Điều (người An Phú), cụ Huấn (người Trung Hậu), khi ấy cả ba ông chưa thụ chức thầy cả" (TBC, Sđd, phần chú thích, tr. 190).


 

"Sau này chúng ta chỉ thấy Nguyễn Hoằng, Nguyễn Điều và Joannes Vị cùng đi Pháp với Giám mục Gauthier và Nguyễn Trường Tộ (1867-1868) (TBC, Sđd, tr. 90).


 

Gauthier dẫn mấy ông này vào để đón giặc Pháp đánh Đà Nẵng năm 1858 mà chúng ta được biết rõ thêm như sau:


 

3.2. "Theo lời khai của một lang y (người thôn Thuận An, tổng Thanh Vân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) tên Trần Vinh bị tàu Pháp bắt đem đi rồi sau trốn thoát được, kể lại thì ngày 10 tháng 9 (tức 16/10/1858), tàu Pháp (trên đó có Trần Vinh) đến đảo Nhãn Sơn, trước cửa Mành Sơn, để đón "Đức Thầy Huy và Cố Lý" (tức Giám mục Gauthier và Linh mục Croc, cũng có tên là Hậu và Hòa) nhưng "hôm qua hai vị đã lấy thuyền Nhà Chung với 8 người đi rồi". Khi tàu Pháp trở về Trà Sơn, Đà Nẵng, thì thấy thuyền Nhà Chung đã ở đó rồi" (xem Châu bản triều Nguyễn CBR 22/47). Các giáo sĩ Pháp tập trung khá đông đảo tại Đà Nẵng đứng đầu là Giám mục Pellerin, đã cùng nhau làm áp lực để quân Pháp chiếm đánh thẳng Huế cho chóng dứt điểm. Nhưng bộ chỉ huy quân sự Pháp đánh giá là không thể dễ dàng tiến đánh Huế mà phải chuyển hướng về Sài Gòn. Do đó, trước khi đem quân vào Sài Gòn, Đô đốc Rigault de Genouilly đã tìm cách bắt buộc các giáo sĩ Pháp, hoặc trở về nhiệm sở hoặc đi tạm lánh ở Hồng Kông. Giám mục Gauthier cùng với Nguyễn Trường Tộ và những người tháp tùng đã đi Hồng Kông trong những điều kiện như thế vào đầu năm 1859" (TBC, Sđd, tr. 22).


 

Qua hai đoạn văn trên mà tôi đã trích lại của Linh mục Trương Bá Cần, Tiến sĩ Sử học Pháp, chúng ta thấy Giám mục Gauthier, Giám mục Croc, Linh mục Nguyễn Hoằng, Linh mục Nguyễn Điều và Nguyễn Trường Tộ... tổng cộng là 8 người đã có mặt tại Đà Nẵng để chào mừng quân viễn chinh xâm lăng Pháp chứ không thể có hành động nào khác như đi truyền đạo hay du lịch! Đoạn văn thứ hai trên còn cho biết các giáo sĩ Pháp tập trung khá đông đảo tại Đà Nẵng, đứng đầu là Giám mục Pellerin (là người được Giáo hoàng Pie IX tán thành cuộc vận động để Pháp chiếm Đại Nam, BK, xin xem phần trước), đã cùng nhau làm áp lực để quân Pháp chiếm đánh thẳng Huế cho chóng dứt điểm... Đô đốc R. de Genouilly không đồng ý vì thấy đó là vấn đề nguy hiểm nên đã tìm cách bắt buộc các giáo sĩ, Pháp, hoặc trở về nhiệm sở hoặc đi tạm lánh ở Hồng Kông. Giám mục Gauthier cùng với Nguyễn Trường Tộ và những người tháp tùng đã đi sang Hồng Kông... đầu năm 1859.

 


3.3. Linh mục Trương Bá Cần cho biết thêm:


 

"Hơn nữa, nếu Nguyễn Trường Tộ có đi Pháp thì sớm nhất là giữa năm 1859 mới tới nơi và khó có thể có mặt ở Hồng Kông đầu năm 1861 để cùng với Giám mục Gauthier trở về Sài Gòn, theo yêu cầu của Đô đốc Charner viên chỉ huy được giao trách nhiệm gom quân để mở rộng vùng chiếm đóng ở Sài Gòn" (TBC, Sđd, tr. 22).


 

Nối kết ba đoạn vừa dẫn trên, theo thứ tự thời gian, chúng ta thấy, hai Linh mục Nguyễn Hoằng và Nguyễn Điều mà Nguyễn Trường Tộ đề nghị triều đình dùng vào việc canh tân thì tất cả hai ông đều đã có mặt trong đám linh mục Pháp mà đứng đầu là Giám mục Pellerin áp lực để quân Pháp đánh thẳng Huế cho chóng dứt điểm. Còn Nguyễn Trường Tộ thì có mặt trong đám giáo sĩ gián điệp và thực dân hai lần. Lần đầu là tại Đà Nẵng năm 1858, bị Đô đốc Genouilly bắt buộc đi Hồng Kông cùng với thầy mình là Gauthier. Lần thứ hai, năm 1861, cùng với Giám mục tình báo Gauthier trở về Sài Gòn theo yêu cầu của Đô đốc Charner... để mở rộng vùng chiếm đóng ở Sài Gòn...


 

Qua đó chúng ta đã thấy rõ, Nguyễn Trường Tộ có mặt giữa đoàn quân xâm lăng Pháp trong hai biến cố trọng đại: Đánh Đà Nẵng năm 1858 và mở rộng vùng chiếm đóng ở Sài Gòn năm 1861. Lịch sử đã không cho thấy Linh mục Hoằng, Linh mục Điều và Nguyễn Trường Tộ có một lời phản đối nào trước hai cuộc xâm lăng của thực dân Pháp nói trên, mà chỉ cho thấy họ có mặt trong đoàn quân chiếm đánh nước ta, và cùng nhau làm áp lực để quân Pháp đánh thẳng Huế cho chóng dứt điểm.


 

Để làm sáng rõ thêm các chi tiết như số lính, ngày tháng và kết quả của đoàn quân Charner, trong đó có cả Nguyễn Trường Tộ và Gauthier mà Linh mục Trương Bá Cần nêu trên, sử liệu cho thấy rằng: Lúc ký xong hòa ước với Trung Quốc ngày 25/10/1860, Phó Đô đốc Charner lên đường đi Sài Gòn để tăng cường việc chiếm đóng. Ông ta đến đây vào tháng 02/1861 cùng với ba tiểu đoàn bộ binh, 1.200 lính thủy đánh bộ và gần cả một hạm đội mang theo vật dụng cần thiết.


 

Liên tiếp các ngày 25, 26, 27 tháng 2, lực lượng Pháp chiếm Kỳ Hòa... (CHT, Sđd, bản luận án in bằng Rônéo, tr. 133).


 

Nguyên văn tiếng Pháp:


 

"La paix signée avec la Chine (25 Octobre 1860), le vice-amiral Charner se mit en route vers Saigon pour renforcer l'occupation. Il arriva en février 1861, suivi de 3 bataillons des troupes de la guerre, douze cents hommes d'infanterie de marine et presque toute l'escadre apportant le matériel nécessaire. Les 25 – 26 – 27 fevrier, les forces Francaises s'emparèrent de Kỳ Hòa..." (CHT, Sđd, p. 133).


 

(Ghi chú: Charner lúc đó chỉ là phó đô đốc, Vice-admiral, chứ chưa phải đô đốc như Linh mục Trương Bá Cần nhầm lẫn).


 

Nếu các vị linh mục nêu trên không thuộc loại người khốn nạn, cong lưng, chạy theo chủ mới như đại tá Bernard người Pháp nhận định, thì cũng không thể dùng mấy vị này vào việc canh tân đất nước được. Không phải ai nói được tiếng Pháp, làm được thông ngôn thì có thể học được các kỹ thuật mới? Linh mục thì có thể canh tân giáo hội, còn canh tân đất nước thì cần đặt lại vấn đề. Hơn nữa, bốn vị linh mục trên được vị Giám mục tình báo Gauthier dẫn dắt, cũng làm chúng ta vô cùng lo âu cho cuộc canh tân nếu triều đình dùng đến họ. Ngay cả Nguyễn Trường Tộ đi sát với một vị giám mục tình báo trong một bối cảnh đất nước lúc bấy giờ, và có mặt ít nhất là hai lần trong đoàn quân xâm lăng nước ta, và theo đám giáo sĩ gián điệp nước ngoài có cho phép chúng ta nghi ngờ Nguyễn Trường Tộ là một người Pháp tay trong hay không? Và Linh mục Nguyễn Hoằng và Nguyễn Điều đã đến Đà Nẵng đón rước quân xâm lược Pháp. Vậy họ chỉ được dùng vào việc canh tân cho sách lược của Pháp để dễ đồng hóa dân tộc ta mà thôi.


 

Sử liệu cũng cho thấy, sau khi Nguyễn Trường Tộ chết, năm 1871, ý kiến đề nghị "dùng giám mục, linh mục vào việc canh tân" đã có phần "kết quả" như sau:

 


"... Sau khi Hàm Nghi lên ngôi đi kháng chiến, Chánh Mông sang tòa khâm sứ Pháp xin De Courcy để tên đại tướng giặc thương tình cho hai đội lính Pháp hộ tống sang thành nội làm lễ đăng quang lên ngôi hoàng đế, đặt ra niên hiệu Đồng Khánh thì ông vua bù nhìn này được sự cố vấn của Trương Vĩnh Ký và Linh mục Nguyễn Hoằng (chức Ngự Tiền Hành Nhân) hợp cùng tay sai đắc lực Pháp như Nguyễn Hữu Độ, Phan Liêm... ra sức dùng mồi danh lợi kêu gọi nghĩa quân..." (Phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam, tr. 340). Cùng trang 340 sách này, tác giả Nguyễn Sinh Duy, chú thích thêm:


 

"Còn Nguyễn Hoàng (có chỗ chép Hoằng), sinh 1839, người Hà Tĩnh, theo đạo Thiên Chúa, từng du học ở chủng viện Pénang, Mã Lai. Năm 1876, được cử làm Tham Biện Thương Chính ở Hải Phòng và Hải Dương, năm 1885, hàm Hường lô tự Khanh kiêm Tham Biện viện Cơ Mật, năm 1886, giữ chức Phụ tế đại thần và Ngự tiền triều vua Đồng Khánh".

 


Thật là đại họa, vua nhà Nguyễn nuôi ong tay áo, nhận giặc làm con. Đến lúc Đồng Khánh được De Courcy cho lên làm vua bù nhìn để dễ sai bảo. Thực dân Pháp đã đưa được ít nhất là hai tên Việt gian là Linh mục Nguyễn Hoằng và Trương Vĩnh Ký giữ chức quan trọng trong triều vua tay sai Đồng Khánh. Trương Vĩnh Ký là một giáo sĩ Ki Tô tu xuất và đã viết thư tay yêu cầu chính phủ Pháp đánh chiếm Đại Nam. Xin xem cuốn Ki Tô giáo, từ thực chất đến huyền thoại như đã dẫn chứng ở đoạn truớc. Nguyễn Trường Tộ đề nghị "dùng giám mục linh mục vào việc canh tân" kiểu này thì thật là hoàn toàn đúng ý và đúng kế hoạch của Giám mục Puginier và Gauthier: Nhanh chóng biến Bắc Kỳ "thành một nước Pháp nhỏ" dĩ nhiên, sau đó là đến lượt Trung Kỳ và Nam Kỳ.


 

Muốn rõ thêm một linh mục, giám mục có thể dùng để canh tân xứ sở hay không, chúng ta nên biết qua cái bổn phận mà họ được đào tạo từ xưa đến nay.


 

b. Nhiệm vụ của một linh mục, giám mục:


 

Để vấn đề được chính xác hơn, chúng ta nên nghe lời phát biểu của Linh mục Trịnh Văn Phát: "Giúp quê hương không phải là bổn phận trực tiếp của tôi, nhưng tôi có bổn phận với Giáo hội vì tôi là người của Giáo hội và được đào tạo để sau này phục vụ cho Giáo hội. Có nhiều anh em yêu cầu tôi giúp địa phận, tôi thẳng thắn trả lời là tôi không có tự do lựa chọn, tôi đã được huấn luyện để phục vụ theo nhu cầu của Giáo hội" (Tập san Giáo hoàng học viện PIO X Đà Lạt – Liên Lạc, số 2, tháng 7/1995, tr. 72. Nhóm Úc châu thực hiện, dẫn theo Lê Trọng Văn trong tác phẩm Việt Nam những sự kiện lịch sử trong thế kỷ XX, Hoa Kỳ, 1997, tr. 8).

 


Mục đích huấn luyện linh mục là để phục vụ cho Giáo hội mà các Giáo hội Ki Tô trên toàn cầu lại phải trực tiếp lệ thuộc Vatican, các giám mục và các linh mục không có quyền thoát khỏi sự đặt để và chỉ thị trực tiếp của giáo hoàng La Mã. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên lúc Vatican bật đèn thì các cố đạo ngoại quốc hướng dẫn hoặc toa rập với các phong trào chiếm thuộc địa như chúng ta đã thấy trong bài này. Cũng vì vậy mà ngay cả 70 năm, sau khi Nguyễn Trường Tộ chết, Giám mục Nguyễn Bá Tòng, năm 1940, tại nhà thờ Phát Diệm đã nhận lãnh Ngũ Hạng Bắc Đẩu Bội Tinh do thống tướng Pétain, quốc trưởng Pháp tặng. Trong phần đáp lễ, Giám mục Nguyễn Bá Tòng nói:"Tỏ lòng cảm ơn chính phủ, tỏ lòng trung thành con dân Việt Nam đối với Mẫu quốc Pháp"(Toan Ánh, Hội hè đình đám). Với bổn phận của một giám mục, linh mục như thế, nên trong thư viết tay ngày 21/8/1944, Giám mục Ngô Đình Thục (anh của Tổng thống Ngô Đình Diệm) từ tòa truyền giáo Vĩnh Long gởi cho Đô đốc Jean Decoux chúng ta thấy có đoạn:


 

"Với tư cách của một giám mục, của một người An Nam và với tư cách là người con của một gia đình mà thân phụ tôi (tức là Ngô Đình Khả, BK) được phục vụ nước Pháp ngay từ khi Pháp mới đến An Nam, và đã nhiều lần đưa mạng sống cho nước Pháp trong các cuộc hành quân mà cha tôi cầm đầu, dưới quyền Nguyễn Thân, chống lại các kẻ nổi loạn do Phan Đình Phùng chỉ huy tại Nghệ An và Hà Tĩnh...".


 

Nguyên văn tiếng Pháp:


 

"Je la désapprouve au font du coeur, comme évêque, comme Annamite, et comme membre d'une famille dont le père a servi la France dès sa première venue en Annam et a exposé maintes fois sa vie pour elle dans les expéditions menées, comme lieutenant de Nguyễn Thân, contre les rebelles commandés par Phan Đình Phùng au (à) Nghệ An et Hà Tĩnh..." (Xin xem thêm cuốn hồi ký Việt Nam máu lửa quê hương tôi. Hoành Linh Đỗ Mậu, Hoa Kỳ 1995, Phần phụ lục).


 

Linh mục Hoàng Quỳnh cũng đã từng tuyên bố: "Thà mất nước không thà mất Chúa".


 

Các linh mục, giám mục được đào tạo với mục đích để phục vụ Giáo hội (hay phục vụ Vatican cũng thế, BK). Còn Nguyễn Hoằng và Nguyễn Điều thì đã cong lưng theo Pháp. Vậy mà Nguyễn Trường Tộ lại đề nghị triều đình vua Tự Đức nên dùng giám mục, linh mục vào việc canh tân là một hậu ý hết đường phê phán!


 

Đoạn kế tiếp của bản điều trần này, Nguyễn Trường Tộ viết:


 

"Xin giám mục giúp đỡ... nói rõ rằng, triều đình muốn giám mục (tức Giám mục gián điệp Gauthier, BK) đến La Mã đạo đạt lên giáo hoàng về ý muốn giao hảo". Tôi quả thật bị choáng váng với cái đề nghị quái đảng này nên không dám bàn thêm, sợ thiếu ái ngữ.


 

Cũng như hầu hết những người Việt Nam khác, lòng tự ái dân tộc, tình yêu quê hương nồng nàn, nhưng lúc thấy Giám mục Gauthier, Giám mục Sohier, Giám mục Croc, Linh mục Nguyễn Hoằng, Linh mục Nguyễn Điều và Nguyễn Trường Tộ là những người hoặc có tham dự ít nhiều vào việc mở trường tại Huế, hoặc Nguyễn Trường Tộ đề nghị triều đình nên dùng các ông linh mục Đại Nam này vào việc canh tân đất nước, thì chính những người này lại có những hành động đón rước, hợp tác, hỗ trợ cho thực dân Pháp xâm lăng quê hương trong bước đầu đánh Đà Nẵng và mở rộng vùng bị chiếm đóng tại Sài Gòn. Nghĩ lại cái cảnh toa rập, "áp lực" và “cong lưng ấy, lòng tôi bị quặn đau, bị se lại và buồn thương cho đất nước, cho triều đình vua Tự Đức không hề biết gì về hành động nguy hiểm của các người đó.


 

Vì thế, để tránh thiếu ái ngữ, tôi không dám nhận định thêm một số bài di thảo có tính tôn giáo như di thảo số 13: Những việc Giám mục Gauthier có thể giúp, di thảo số 48: Thương lượng với Giám mục Croc.


 

Nhưng đất nước Việt Nam vẫn còn có phước, triều đình nhà Nguyễn vì "ngu muội" không chịu áp dụng những đề nghị của Nguyễn Trường Tộ, còn không thì những con vi trùng trong thịt sư tử đã ăn hết cả thịt lẫn xương của con sư tử từ lâu rồi!

Trước khi qua phần Tổng luận tôi có một ý kiến nhỏ với Linh mục Trương Bá Cần về danh từ giáo sĩ. Tôi chưa hề nghe ai nói giáo sĩ là nhân sĩ tôn giáo bao giờ. Chỉ được biết danh từ giáo sĩ là chỉ các vị đi tu bên đạo Ki Tô. Và theo Tờ trình của tỉnh thần Nghệ An, ngày 26/4/1870 là Hoàng Tá Viêm, Ngụy Khắc Đản và Trần Nhượng thì "Nguyễn Trường Tộ trước đây là linh mục"(TBC, Sđd, tr. 478). Như thế, Nguyễn Trường Tộ rõ ràng là linh mục, thì cứ nói rõ ông ta là linh mục. Cớ gì mà Linh mục Trương Bá Cần lại tránh né chức vụ của Nguyễn Trường Tộ, và biện giải rằng y là "nhân sĩ tôn giáo" chứ không phải giáo sĩ?


 


Bùi Kha


 

"Nguyễn Trường Tộ và Vấn Đề canh Tân", tác giả là Bùi Kha, do nhà Xuất bản Văn học cấp giấy phép, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học ấn hành, đã được chính thức phổ biến trên toàn quốc, hoặc có thể liên lạc mua tại Trung tâm Nghiên Cứu Quốc Học, 72 Trần Quốc Thảo, P. 8, Quận 3, TP HCM. Phone (84-8) 6 290-7430, fax (84-8) 3 551-0906.

 

 

Bình luận (1)

Lý lẽ nghe lúc ban đầu có vẻ chí phải, song theo thiển ý, sơ hở đầy dẫy. Lại chẳng có được cái cốt cách hành văn của khoa học, lại càng không có được cách phóng bút chứa đựng nhân cách văn hóa. Lời lẽ nghe như phỉ báng, Lại thêm kiến thức nông cạn, nhất là về Công giáo.Tại sao tôn giáo và dân tộc lại đi đăng những bài có tính chất như vậy. Quý vị có chăng nên cân nhắc lại mục đích và hậu họa khôn cùng khi đăng bài?Trân trọng.
Nguyễn An Đô ( 16/04/2012 17:20:34)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp