09:53 17/01/2012
Phần 17: Những hạt ngọc trí tuệ Phật giáo (Thích Tâm Quang)
(TG&DT) - Người Phật Tử có thể tu tập tôn giáo của họ không cần đến hình ảnh của Ðức Phật, họ có thể làm được điều đó vì Ðức Phật không khuyến khích người ta tùy thuộc vào bất cứ một cá nhân nào. Theo như lời Phật dạy, người Phật Tử không nên tùy thuộc vào người khác, cả đến chính Ðức Phật nữa - để được giải thoát.
V. TU HÀNH PHẬT GIÁO (Phần 1, 2)
CẦU NGUYỆN VÀ THỜ CÚNG
- Tiến Sĩ G.P. Malalasekera
Người ta thường hỏi: "Người Phật Tử có cầu nguyện không?" "Người Phật Tử đến Chùa làm gì?" và " Thái độ của Người Phật Tử đối với cầu nguyện như thế nào?"
Cầu nguyện và thờ cúng thực ra hình thành một phần trọn vẹn của nhiều tôn giáo. Trong Phật Giáo, cầu nguyện có nhiều ý nghĩa. Trong tôn giáo hữu thần tin vào Thượng Ðế toàn năng có quyền vô hạn là Ðấng Sáng tạo thế giới, là cha của tất cả sinh vật, cầu nguyện có nghĩa chính là cầu khẩn Thượng Ðế, yêu cầu Ngài, xin Ngài hướng dẫn và che chở, ban sức khỏe và hạnh phúc và tha thứ các tội lỗi.
Phải nói rằng ngay từ đầu người Phật Tử không tin vào một Thượng Ðế như vậy và cũng không cầu nguyện theo ý nghĩa ấy. Người Phật Tử tin vào Nghiệp luật nói hạnh phúc hay bất hạnh phúc là kết quả về hành động của chính mình. Thịnh vượng hay ngược lại được tạo ra cho mỗi cá nhân bởi hành vi, lời nói và tư tưởng của cá nhân ấy. Nghiệp luật vô tư, không có tác nhân nào sau nó, chỉ huy hay quản trị nó. Vô tư, nó không nhân từ mà cũng không tha thứ. Tội lỗi chỉ có thể chuộc bằng cách làm điều thiện, điều thiện sẽ khắc phục được hậu quả của hành động tội lỗi. Tội lỗi theo ý nghĩa Phật Giáo không phải là vi phạm hay không tuân theo luật đặt ra có tính cách độc đoán của thượng đế bắt chúng sanh phải theo mà là hành động sai lầm của thân, khẩu, ý nó làm hỏng tính nết và cản trở sự phát triển nhân cách.
Vậy nên trong Phật Giáo không có cầu nguyện được chấp nhận theo ý nghĩa thông thường của từ này trên trần thế. Con người tự mình chịu trách nhiệm về điều thiện và tội lỗi, sung sướng và nghèo khổ và không chịu trách nhiệm cho ai cả. Thế giới không tùy thuộc vào sự tiến bộ hay thịnh vượng dựa vào bất cứ một người bên ngoài nào và nó không được xây dựng bởi một ai bên ngoài cả.
Người Phật Tử làm gì khi đến thăm chùa? Họ làm nhiều điều. Không có một ngày đặc biệt để thăm viếng chùa chiền tuy có ngày trăng tròn, ngày trăng mới mọc là những ngày rất phổ thông trong số nhiều người Phật Tử. Vào những ngày đó những người mộ đạo tu bát quan trai giới, mặc đồ trắng, đồ trắng tượng trưng sự đơn giản, thanh tịnh, và khiêm nhường. Những người mộ đạo này mang theo hoa, dầu, hương và đôi khi bột gỗ đàn hương và long não. Tại Chùa, họ rửa chân tay vì thanh tịnh thân xác và tâm tư được Ðức Phật ca ngợi. Trong chùa có nhiều bàn thờ và nhiều chỗ để dâng đồ cúng. Chỗ bàn thờ chính được gọi là Vihara (Chánh Ðiện) có nghĩa là tịnh xá nơi Phật cư ngụ.
Từ Vihara khởi đầu dùng có nghĩa là chỗ ở của Ðức Phật. Sau này nó cũng được dùng để chỉ chỗ ở của các thầy tu. Trong nghĩa ấy nó tương đồng với từ tu viện. Vihara cũng bao hàm hình ảnh của Ðức Phật, gợi ý cái gì đáng giá và đáng chú ý. Với người Phật Tử, hình ảnh tự nó không phải là một đối tượng để thờ phượng, nó chỉ là biểu tượng và tượng trưng Ðức Phật. Hình ảnh giúp cho người mộ đạo nhớ lại những đức hạnh vĩ đại của Ðấng Giác Ngộ. Về mục đích của sự thờ phượng, thật ra là không quan trọng dù có hình ảnh hay không hình ảnh nhưng hình ảnh giúp cho hành giả tập trung tư tưởng. Trong việc lễ lạy một hình ảnh, người Phật Tử không phải là một người sùng bái thần tượng gỗ, đất sét, hay bằng đá, và sự buộc tội người Phật Tử sùng bái thần tượng là do ngu muội hoặc cố ý xuyên tạc.
Có một điểm đáng lưu ý nữa là dùng từ Vihara để chỉ tòa nhà chứa đựng những vật tượng trưng cho Ðức Phật. Như đã nói trước đây, từ đó có nghĩa là một tịnh xá, cho nên với người Phật Tử, Vihara là nơi Ðức Phật sống, không những trong quá khứ mà ngay bây giờ trong hiện tại. Sự thờ cúng Ðức Phật không phải là cho một người nào đó chết, đã ra đi và không còn nữa mà là đối với một người nào đó vẫn sống và hiện diện trước mặt mình. Ðiều đó không có nghĩa là người Phật Tử tin tưởng Ðức Phật đã nhập diệt trước đây tại Câu Thi Na bây giờ vẫn sống tại một nơi đặc biệt nào đó và đang thực sự hoạt động trên đời. Nhưng người Phật Tử, vinh danh Ðức Phật, giống như hồi tưởng trong tâm đời sống hiện tiền của Ðức Giáo Chủ để hành động thờ cúng của mình sống động và có nghĩa lý.
Ðức Phật đã qua đời nhưng ảnh hưởng của Ngài vẫn còn tỏa trên thế giới như hương thơm mà mùi ngào ngạt vẫn tiếp tục bay tỏa dù chất liệu tạo ra đã không còn. Cảm nghĩ của người Phật Tử là những đồ dâng cúng của mình cho một người vẫn còn sống, cho Pháp Phật vẫn còn, và ký ức về cá tính rực rỡ của Ngài vẫn mãi mãi xanh tươi. Ðiều này giải thích tại sao một số Phật Tử dâng cúng đồ ăn và đồ uống tại các bàn thờ. Những lễ vật như thế duy nhất tượng trưng sinh khí về niềm tin và sự thành tâm của họ; không môt ai, cả đến người Phật tử ngu muội nhất tin là Ðức Phật hiện nay lại ăn và uống các lễ vật ấy. Ðó là cách thức Phật Giáo bày tỏ một hình thức lý tưởng quan niệm của chúng ta về Ðức Phật như một ảnh hưởng sống động trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Dâng hoa và hương là một sự dâng lễ thờ phượng, một hành động vinh danh, tôn thờ và tri ân dù lễ vật này không có giá trị thực chất. Cũng giống như chúng ta dâng một vòng hoa hay một bó hoa cho một người nào đó với ước vọng giãi bày lòng tôn kính, kính trọng, cảm tình và lòng tri ân của chúng ta. Dâng cúng hoa và hương được theo sau bởi lời tụng câu kệ nhắc nhở trong tâm đến những đức hạnh tuyệt vời của Ðức Phật.
Như Ngài Hòa Thượng Nanamoli đã nói: "Ðức Phật quả là một Ðấng Ban Phước Lành đã chấm dứt tất cả phiền não và khổ đau, Ngài là người toàn bích, đáng được vinh danh, Ngài đã đạt được trí tuệ tối thượng và giác ngộ, Ngài đã chỉ dẫn con đường của kiến thức chính đáng, tư cách đạo đức, Ngài đã tìm ra hòa bình và hạnh phúc, nhận thức ra chân lý về thế giới, như một nhà hướng đạo và một người bạn không ai có thể bì kịp cho những ai muốn tìm đến sự hướng dẫn cũa Ngài, Ngài là thầy của trời và người."
Phải chú ý rằng không có yêu cầu để được ưu đãi, không có van nài để được che chở, mà là nhớ và diễn tập lại đức hạnh của một vĩ nhân, đối với người Phật Tử đó là con người vĩ đại nhất từ trước tới nay.
Sau đây trong một bài kệ khác người mộ đạo tuyên bố chấp nhận Ðức Phật là vị Ðạo Sư, là người chỉ đạo chừng nào mình còn sống, và bằng đức hạnh của sự kiện này hạnh phúc sẽ đến với mình. Ðó là sự xác nhận niềm tin của người ấy vào Ðức Phật và chấp nhận lối sống do Ngài vạch ra. Quan trọng hơn nữa là người mộ đạo bày tỏ lòng cương quyết tự thắng mình nhằm đạt an lạc Niết Bàn mà Ðức Phật đã đạt được do sự tu tập đức hạnh và chứng đắc trí tuệ. Người mộ đạo nhớ trong tâm là trong hàng loạt sanh tiếp diễn, trong một thời gian dài, Ðức Phật (được biết trước đây là vị Bồ Tát hay người tìm cầu giác ngộ hoàn toàn) trau dồi những đức tính ấy dẫn chúng sanh đến toàn hảo và giác ngộ tối thượng. Trên con đường tu tập, Vị Bồ Tát hay Phật-sắp-thành, coi sự cố gắng không quá khó khăn, không có sự hy sinh quá lớn. Không chỉ trong một lần sinh mà trong nhiều lần sinh, Ngài đã hy sinh mạng sống theo nguyên tắc mà Ngài đánh giá cao để phục vụ người khác.
Tất cả mọi người đều có thể trở thành Phật, nếu họ quyết tâm và có thiện chí theo con đường Phật Ðạo. Ðức Phật không đạt cái vĩ đại mà những người khác không thể đạt được. Lối sống của Ðức Phật gọi là Pháp và người mộ đạo nhớ lại bằng câu kệ, đức tính và những đặc đặc điểm và đặc tính nổi bật của giáo lý. Vậy nên Phật Pháp được nói đến rõ ràng không huyền bí hay bí mật đằng sau mà hoàn toàn mở rộng như một bàn tay mở ra mà sự hữu hiệu được biểu hiện là rõ ràng và và hiển nhiên có bằng chứng, Phật Pháp bất diệt và vô tận, lúc nào cũng tốt đẹp khắp mọi nơi mọi lúc, chấp nhận thử thách, mời điều tra và nghiên cưú, Phật Pháp không chút dấu giếm, không nằm trên tin ngưỡng mà trên sự tin chắc, không mơ hồ mà xác thực trong mục tiêu vạch ra, mà chân lý và hạnh phúc có thể đạt được bởi cá nhân và nỗ lực tích cực không tùy thuộc vào ai khác mà hùng mạnh xiết bao.
Người mộ đạo cũng nhớ lại sự khuyến khích và mở mang tinh thần của chính mình đang có, và thường là đã có, những người tự hiến dâng cho sự nhận thức toàn vẹn Pháp, con đường giải thoát, tranh đấu nghiêm chỉnh để tiến tới mục tiêu của sư tìm kiếm - loại bỏ tham, sân và si. Họ là những tấm gương của đời sống lương hảo, hạnh kiểm tốt, chính trực, không có gì đáng trách trong cư xử, đáng được vinh danh và tôn kính, đáng được mọi người biết. Những người cao thượng này được biết là Tăng Già hay cộng đồng của những đệ tử giác ngộ làm trong sạch thế giới bằng điều thiện và tính chất thiêng liêng của đời họ, tránh tội lỗi, thúc đẩy điều lành, và tràn đầy vũ trụ với tư tưởng hữu nghị, thiện chí và hòa bình. Người mộ đạo cúng dường cho những người thoát ly gia đình thực hành hạnh bố thí và rộng lượng. Nhớ đến những người cao thượng này trong niềm hiếu thảo, người Phật Tử tu tập giữ giới và tràn ngập tâm tư với tư tưởng cao cả, người đó dấn mình vào sự tu tập mức độ cao hơn - thiền định hay trau dồi tâm (bhavana).
*
* *
CÓ PHẢI NGƯỜI PHẬT TỬ SÙNG BÁI THẦN TƯỢNG KHÔNG?
- Tiến Sĩ K. Sri Dhammananda
Trong mọi tôn giáo, có một số đối tượng hay biểu tượng về mục đích tôn kính. Trong Phật Giáo có ba đối tượng tôn giáo chính về mục đích này:
- Saririka (Xá Lợi) hay di vật (tro cốt) xác thân Ðức Phật;
- Uddesika hay biểu tượng tôn giáo như hình ảnh Ðức Phật, Tịnh Xá hay Chùa;
- Paribhogika hay những vật dụng cá nhân Ðức Phật sử dụng.
Truyền thống của người Phật Tử trên khắp thế giới bầy tỏ lòng tôn kính với những vật thể này. Cũng có một truyền thống Phật Giáo là xây dựng hình ảnh của Ðức Phật, Tịnh Xá, hay Chùa, trồng cây Bồ Ðề tại mỗi Chùa dùng làm đối tượng tôn giáo để tôn kính.
Nhiều người có cảm tưởng người Phật Tử cầu nguyện thần tượng. Ðiều này là do sự thiếu hiểu biết giáo lý của Ðức Phật, thiếu kiến thức về tập tục và truyền thống Phật Giáo.
Thần tượng có nghĩa là xây dựng hình ảnh một sồ thần hay nữ thần dưới nhiều hình thức bởi người mộ đạo để cầu nguyện, để được ban phước che chở, sức khỏe, của cải, thịnh vượng, một sự thực hành thấy có trong một số tôn giáo hữu thần. Một số cầu xin với thần tượng ban cho một số ưu đãi cá nhân thậm chí ở mức phạm các hành vi bất thiện. Họ cũng xin được tha thứ những tội lỗi họ vi phạm.
Sự thờ cúng Phật là một khía cạnh khác hẳn. Thậm chí từ "thờ cúng" hoàn toàn không thích đáng theo quan điểm Phật Giáo. Bày tỏ lòng tôn kính mới thật đúng. Người Phật Tử thường không cầu nguyện hình ảnh và thần tượng; điều họ làm là bày tỏ lòng tôn kính với vị đại đạo sư đáng được tôn vinh. Những hình ảnh được tạo dựng biểu hiện sự kính trọng và cảm kích trước sự đạt được giác ngộ cao và toàn hảo nhất của một đạo sư phi thường. Với người Phật Tử, hình ảnh chỉ là một biểu hiện, một biểu tượng, một tượng trưng giúp cho họ nhớ đến hay tưởng nhớ Ðức Phật.
Người Phật Tử quỳ trước hình ảnh và tỏ lòng tôn kính cái mà hình ảnh ấy tượng trưng. Họ không tìm cầu ân huệ trần tục từ hình ảnh ấy. Họ suy ngẫm và thiền định để được sự cảm hứng từ cá tính cao thượng của Ngài. Họ cố gắng tích cực kiện toàn bằng cách theo giáo lý cao thượng của Ngài. Người Phật Tử kính trọng đức hạnh vĩ đại và tính cách thiêng liêng của vị đạo sư như hình ảnh tượng trưng. Thực ra tín đồ của mỗi tôn giáo tạo những hình ảnh của các đạo sư tôn giáo của họ hoặc trong dạng thức thị giác hay dạng hình ảnh tinh thần để tôn thờ; cho nên không hẳn đúng hay chính đáng khi phê bình người Phật Tử thờ cúng thần tượng.
Hành động bày tỏ tôn kính Ðức Phật, không phải là một hành động căn cứ vào sợ hãi, hay một hành động van xin của cải trần tục. Người Phật Tử tin đó là một hành động đáng khen và một phước đức nếu họ tôn vinh và kính trọng những đức hạnh vĩ đại của người thầy thông thái của họ. Người Phật Tử cũng tin tưởng chính họ chịu trách nhiệm sự giải thoát của họ và không nên tùy thuộc vào bên thứ ba. Tuy nhiên có những người khác tin tưởng họ có thể đạt giải thoát qua ảnh hưởng của một hình ảnh và đây chính là những người tạo cảm tưởng cho những người khác nhận xét châm biếm hạ thấp người Phật Tử cho rằng họ tôn thờ thần tượng, cầu nguyện một người đã chết và ra đi từ lâu. Xác thân của một người có thể tan rã và và hòa tan vào bốn yếu tố (đất, nước, gió, lửa) nhưng đức hạnh của người ấy vẫn còn mãi mãi. Người Phật Tử đánh giá cao và tôn trọng những đức hạnh đó. Cho nên, luận điệu chống lại người Phật Tử quả là đáng tiếc, hoàn toàn sai và không đáng.
Từ giáo lý, chúng ta biết Ðức Phật là một vị thầy đã chỉ con đường chính đáng để giải thoát nhưng việc này tùy thuộc tín đồ có sống một cuộc đời đạo lý và thanh tịnh tâm trí hay không để đạt được tình trạng ấy mà không tùy thuộc vào bậc đạo sư. Theo Ðức Phật, không có Thượng Ðế hay một đạo sư nào khác có thể đưa người lên thiên đường hay xuống địa ngục. Con người tạo thiên đường hay địa ngục cho chính mình do tư tưởng, lời nói và hành động của mình. Cho nên cầu nguyện bên thứ ba để được giải thoát mà không loại bỏ những tư tưởng tội lỗi trong tâm cũng chẳng ích lợi gì. Tuy nhiên có những người ngay cả những người Phật Tử, trong khi cầu nguyện theo truyền thống trước hình ảnh, đem những khó khăn, bất hạnh và trở ngại cầu xin Ðức Phật giúp họ thoát khỏi vấn đề.
Mặc dù không phải là một sự tu tập thực sự Phật giáo, nhưng những hành động mộ đạo như vậy cũng đạt được một tâm trạng khuây khỏa và cảm hứng cho người cầu xin khiến họ có can đảm và quyết tâm giải quyết khó khăn. Việc này cũng là một lệ thường ở nhiều tôn giáo khác. Nhưng với những người có thể hiểu biết nguyên nhân căn bản của vấn đề, họ không cần cầu đến những sự thực hành như vậy. Khi người Phật Tử tỏ bày lòng tôn kính Ðức Phật, họ tôn vinh Ngài bằng cách tụng một số câu kệ dẫn giải những đức hạnh thuở xưa của Ngài. Những câu kệ này không phải là lời cầu nguyện trong ý nghĩa cầu Thượng Ðế hay thần thánh rửa sạch tội lỗi cho họ. Những câu kệ này có ý nghĩa đơn giản là tỏ bày lòng tôn vinh bậc đạo sư vĩ đại đã đạt giác ngộ và giải phóng nhân loại đi tới một lối sống đặc biệt vì lợi ích của toàn thể nhân loại. Người Phật Tử tôn kính vị đạo sư của họ để bày tỏ lòng tri ân trong khi những người khác cầu nguyện và van vái vì lợi lộc và của cải. Ðức Phật khuyên chúng ta "hãy vinh danh những người đáng tôn kính". Cho nên người Phật Tử kính và vinh danh bất cứ vị đạo sư nào đáng được tôn kính.
Thay vì cầu nguyện, người Phật Tử tu tập thiền định để huấn luyện tâm và kỷ luật tự giác. Về mục đích của thiền định, đối tượng rất cần thiết; không có đối tượng không dễ dàng gì có thể tập trung được. Ðôi khi người Phật Tử dùng hình ảnh Ðức Phật như một đối tượng để có thể tập trung hầu huấn luyện tâm.
Trong những đối tượng về thiền định, đối tượng thị giác có một tác động tốt hơn cho tâm. Trong năm giác quan, đối tượng đư?c hiểu qua nhãn thức có ảnh hưởng lớn vào tâm hơn những đối tượng được hiểu qua các giác quan khác. Cho nên đối tượng được hiểu qua cơ quan mắt giúp thành tựu tốt hơn và tập trung dễ dàng hơn.
Hình ảnh là tiếng nói của tiềm thức. Cho nên nếu hình ảnh của Ðấng Giác Ngộ được phản ảnh trong tâm như hiện thân của người toàn hảo, phản ảnh như vậy sẽ đi sâu vào tiềm thức và nếu nó đủ mạnh sẽ hành hoạt như cái thắng (phanh) tự động chống lại những thôi thúc tội lỗi.
Hình ảnh của Ðức Phật là một đối tượng thị giác có một tác động mạnh vào tâm: sự nhớ lại những thành quả của Ðức Phật tạo niềm vui, làm cho tâm hăng hái khiến con người thoát khỏi tình trạng bồn chồn, căng thẳng và thất vọng.
Một trong những ý muốn của Như Lai Thiền về Ðức Phật là tạo một cảm nghĩ thành sùng bái và tin tưởng nơi Ðức Phật bằng nhận thức và cảm nhận sự vĩ đại của Ngài. Cho nên, thờ cúng hình ảnh Ðức Phật là để tập trung và không nên coi là sùng bái thần tượng mà là một hình thức lý tưởng của thờ cúng.
Một vài câu kệ mà người Phật Tử tụng để tưởng nhớ đến vị đại đạo sư của họ để tỏ niềm cung kính tri ân, tán thán Ðức Phật như sau:
Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma Sambudhassa - "Vinh Danh Ngài, Ðấng Thiện Thệ, Ðấng Thế Tôn, Ðấng Ðại Giác"
Thêm nữa họ tụng một vài câu kệ giải thích những đức tính và đức hạnh vĩ đại của Ðức Phật như:
"Iti pi so Bhagava Araham Samma Sambuddho Vijjacarana-sampanno Sugato Lokavidu Anuttara Purisa Damma-sarathi Sattha Deva Manussanam Buddho Bhavaga ti"
Những câu tụng này bằng tiếng Pali, bạn có thể tụng bằng bất cứ ngôn ngữ nào mà bạn có thể hiểu được. Chuyển ngữ sang Việt Văn có nghĩa là:
"Như vậy, đương nhiên Như Lai là Ðấng Thiện Thệ, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn".
Ðây là một câu chuyện giúp chúng ta hiểu tại sao hình ảnh Ðức Phật lại quan trọng để gây cảm hứng và hồi tưởng Ðức Phật trong tâm ý. Câu chuyện này được tìm thấy trong tài liệu Phật Giáo nhưng không phải trong Tam Tạng Kinh Ðiển.
Vài trăm năm sau khi Ðức Phật nhập diệt, có một thầy tu sùng đạo tại Ấn Ðộ tên là Upagupta. Ngài là một nhà thuyết giảng rất nổi tiếng thời bấy giờ. Bất cứ lúc nào Ngài thuyết pháp, hàng ngàn người tụ tập đến nghe Ngài giảng.
Một ngày nọ, Mara, ma vương ganh ghét về sự nổi tiếng của Hòa Thượng Upargupta. Mara biết Upagupta nổi tiếng trong việc hoằng dương giáo lý của Ðức Phật. Mara không vui khi thấy lời dạy của Ðức Phật tràn ngập trong lòng và tâm trí của mọi người. Cho nên Mara đã dùng một phương pháp xảo quyệt nhằm ảnh hưởng người nghe. Ma vuơng lập kế hoạch để không cho người dân đến nghe Ngài Upagupta thuyết pháp. Một hôm, khi Ngài Upagupta bắt đầu thuyết pháp, Mara tổ chức diễn kịch ngay kế chỗ Ngài Upagupta thuyết pháp. Một sân khấu đẹp đẽ đư?c dựng lên. Có những vũ nữ rất đẹp và những nhạc sĩ chơi nhạc sống.
Những người nghe thuyết pháp không bao lâu quên những lời giảng và chạy sang chỗ trình diễn để thưởng ngoạn. Upagupta thấy đám đông tan rã. Ngài quyết định theo đám người này. Sau đó Ngài quyết định dạy Mara một bài học.
Khi cuộc trình diễn chấm dứt, Upagupta tặng Mara một vòng hoa.
"Upagupta nói: "Ông đã tổ chức một buổi trình diễn tuyệt vời.
Ðương nhiên, Mara rất sung sướng và hãnh diện về thành quả của mình. Mara nhận vòng hoa do Upagupta trao tặng và kiêu căng ngẩng cao đầu.
Ðột nhiên việc xẩy ra: vòng hoa biến thành một cuộn dây như con rắn cuộn tròn. Từ từ cuộn dây này quấn lấy cổ Ma Vương và siết chặt. Bị siết chặt cổ, ma vương đau quá muốn gỡ cái dây ra. Dù đã hết sức cố gắng, nhưng hắn không làm sao tháo được dây ra. Hắn quyết định tìm đến Sakka, Vua của các thần để nhờ tháo cái dây ra. Sakka cũng không lấy được cuộn dây ra khỏi cổ hắn. Sakka nói: "Ta không thể lấy ra được người hãy tìm đến Maha Brahma, một người có sức mạnh nhất".
Mara bèn tìm đến Maha Brahma và xin giúp đỡ nhưng Maha Brahma cũng không thể làm gì được. Maha Brahma khuyên Mara: "Ta cũng không thể lấy cuộn dây ấy ra được, chỉ có người đã đặt cuộn dây này vào cổ ngươi, người ấy mới lấy ra được."
Mara đành quay trở về tìm gặp Ngài Upagupta.
Mara van xin: "Xin Ngài làm ơn gỡ cuộn dây này ra cho tôi, tôi đau đớn quá "
"Upagupta trả lời: "Ðược ta sẽ cởi cuộn dây đó cho ngươi nhưng với hai điều kiện " Ðiều kiện thứ nhất là người phải hứa từ nay không được quấy nhiễu những người Phật Tử sùng đạo nữa. Ðiều kiện thứ hai là ngươi phải chỉ cho ta coi hình ảnh thực sự của Ðức Phật. Vì lẽ ta biết ngươi có nhiều lần được nhìn thấy Ðức Phật, nhưng ta chưa bao giờ được thấy Ngài. Ta muốn nhìn thấy hình ảnh thực sự của Ðức Phật đúng giống y như Ngài với 32 vẻ đẹp"
Mara vui mừng và đồng ý với Upagupta. Mara nói: "Nhưng có một điều, nếu tôi biến thành Ðức Phật, Ngài phải hứa với tôi là Ngài đừng lạy tôi, vì tôi không phải là người thánh thiện, tôi cũng giống như Ngài thôi."
Upagupta hứa: "Ta sẽ không lễ lạy ngươi".
Ðột nhiên Mara biến thành y như Ðức Phật. Khi Upagupta nhìn thấy hình ảnh Ðức Phật, tim Ngài tràn đầy cảm hứng phấn khích, lòng thành kính sâu xa phát xuất từ con tim. Ngài chắp tay lại và lạy hình ảnh Ðức Phật.
Mara la lên: "Ông đã không giữ lời hứa" Ông hứa ông không lễ tôi bây giờ ông lại lễ tôi?"
Upagupta trả lời: "Ta không lễ ngươi, ngươi phải hiểu, ta lễ Ðức Phật đấy chứ".
Từ câu chuyện này, chúng ta có thể hiểu được hình ảnh của Ðức Phật quan trọng như thế nào đ? chúng ta cảm hứng và hồi tưởng Ðức Phật tối thượng trong tâm để tôn thờ. Những người Phật Tử chúng ta không lễ lạy biểu tượng hay hình thái vật chất tượng trưng Ðức Phật. Chúng ta bày tỏ lòng tôn kính với Ðức Phật.
Ðức Phật đã nhập diệt và nhập Niết Bàn. Ngài không cần thờ cúng và lễ vật, tuy kết quả của sự thờ cúng sẽ đồng hành và người ta được lợi lạc khi theo gương Ngài và suy nghĩ về sự hy sinh cao cả và những đức tính vĩ đại của Ngài.
Người Phật Tử không dâng cúng các con vật hiến tế dưới danh nghĩa Ðức Phật.
Khi người Phật Tử nhìn thấy hình ảnh của Ðức Phật, lòng mộ đạo và niềm vui xuất hiện trong tâm. Lòng mộ đạo này và niềm vui này tạo tư tưởng đáng khen trong tâm người Phật Tử thuần thành. Hình ảnh của Ðức Phật giúp người ta quên đi lo âu, thất vọng và khó khăn khiến người ta có thể kiểm soát được tâm mình.
Một số các triết gia, sử gia và học giả nổi tiếng trên thế giới thường giữ hình ảnh của Ðức Phật trên bàn làm việc trong phòng đọc sách để có cảm hứng về cuộc sống và tư tưởng cao cả. Nhiều những người không phải là Phật Tử. Nhiều người vinh danh cha mẹ quá cố, thầy giáo, anh hùng vĩ đại, vua và các nữ hoàng, những nhà lãnh đạo quốc gia và chính trị, và các người thân yêu bằng cách giữ giữ hình ảnh của các người ấy để ấp ủ những kỷ niệm của họ. Họ đặt những vòng hoa để bày tỏ cảm nghĩ thương yêu, biết ơn, tôn kính, cảm nhận lòng thành kính. Họ nhớ lại những đức tính vĩ đại của những người ấy và hồi tưởng với niềm kiêu hãnh về những sự hy sinh, phục vụ bởi những người ấy khi còn sống.
Người ta cũng xây các tượng đài để kỷ niệm một số các nhà lãnh đạo chính trị đã giết hàng triệu người vô tội. Do sự độc ác và tham dục để đạt uy quyền họ xâm chiếm những quốc gia nghèo khổ và tạo đau khổ, tàn bạo và lầm than không kể siết bằng lũ quân cướp bóc của họ. Thế mà họ được coi như những anh hùng vĩ đại; và những lễ kỷ niệm được tổ chức để vinh danh họ, những vòng hoa đuợc dâng hiến trên những huyệt mộ hay nấm mồ của họ. Nếu những việc làm như vậy được chứng minh là đúng, tại sao một số người lại nhạo báng những tín đồ của Phật là sùng bái Ðức Phật như thần tượng khi những người này bày tỏ lòng tôn kính với vị đại đạo sư đã phục vụ nhân loại, không hại ai, đã chinh phục toàn thể thế giới bằng tình thương, từ bi và trí tuệ.
Có thể nào một người nào đó, theo đúng ý của họ nói là hành động bày tỏ lòng tôn kính với hình ảnh Ðức Phật là không văn hóa, vô luân hay một hành động tác hại phá rối hòa bình và hạnh phúc của người dân không?
Nếu hình ảnh không quan trọng gì cho một người tu tập tôn giáo thì một số biểu tượng tôn giáo và những nơi thờ cúng cũng không cần thiết. Người Phật Tử bị nhạo báng bởi một số người là thờ cúng cục đá. Nhưng cho dù lời tuyên bố mù quáng đó là đúng, thờ cúng cục đá vô hại và còn được kính trọng hơn là ném đá vào những tín đồ của tôn giáo khác.
Thực hành giáo lý của Ðức Phật không phải là ép buộc đối với người bày tỏ lòng tôn kính hình ảnh Ðức Phật. Người Phật Tử có thể tu tập tôn giáo của họ không cần đến hình ảnh của Ðức Phật, họ có thể làm được điều đó vì Ðức Phật không khuyến khích người ta tùy thuộc vào bất cứ một cá nhân nào. Theo như lời Phật dạy, người Phật Tử không nên tùy thuộc vào người khác, cả đến chính Ðức Phật nữa - để được giải thoát.
Trong thời kỳ Ðức Phật tại thế, có một thầy tu tên Wakkali. Thầy tu này thường ngồi ngay trước mặt Ðức Phật để ngắm nghĩa vẻ đẹp hình hài của Ðức Phật. Thầy tu này nói rằng ông ta tìm thấy niềm vui và nhiều cảm hứng khi ngắm vẻ đẹp của Ðức Phật. Ðức Phật đáp lại bằng câu: "Ông không thể nhìn thấy Ðức Phật thật sự bằng cách ngắm nghía xác thân vật chất. Ai nhìn thấy giáo lý của ta mới thật nhìn thấy ta".
Khía cạnh quan trọng nhất trong Phật Giáo là đem thực hành lời khuyên dạy của Ðức Phật. Trong phương diện này, không có gì khác biệt người Phật Tử bày tỏ lòng tôn kính hay không bày tỏ lòng tôn kính với Ðức Phật. Nhưng đối với những người mộ đạo, đó là một hành động quan trọng. Tuy nhiên, Ðức Phật không nói là Ngài đang chờ đợi để được kính chào.
Hình ảnh của Ðức Phật bắt nguồn như thế nào? Rất khó khăn để tìm ra ý tưởng này phải hay không phải của Ðức Phật. Không có chỗ nào trong kinh điển Phật Giáo nói hình ảnh của Ngài phải được làm. Tuy nhiên, Ðức Phật có cho phép gìn giữ xá lợi của Ngài.
Ðức A Nan có lần muốn biết có được phép xây dựng một ngôi chùa để kỷ niệm Ðức Phật như một cách để bày tỏ lòng tôn kính với Ngài. Ðức A Nan hỏi Ngài: "Bạch Ðức Thế Tôn, xây dựng một ngôi chùa trong khi Ngài còn tại thế có đúng không?
Ðức Phật trả lời: "Không, không đúng khi ta còn sống. Ông có thể xây dựng ngôi chùa để thờ phượng chỉ sau khi ta nhập diệt ".
Trong bài thuyết giảng cuối cùng trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn, Ðức Phật khuyên các đệ tử nếu họ mong muốn bày tỏ lòng tôn kính với Ngài, sau khi Ngài nhập diệt, họ có thể xây dựng Chùa để thờ xá lợi của Ngài. Lời khuyên này phù hợp với tập tục thời bấy giờ tại Ấn Ðộ: tập tục xây dựng Chùa để lưu giữ xá lợi của các bậc thánh thiện. Xá lợi được lưu giữ để tưởng nhớ đến bậc thánh thiện. Ðồng thời Ðức Phật cũng không khuyến khích hay khuyến khích tạo một hình ảnh cho chính Ngài sau khi Ngài nhập diệt. Ý tưởng tạo một hình ảnh Ðức Phật là do nơi các tín đồ muốn tôn thờ vị lãnh đạo kính yêu của họ và đạt được cảm hứng đạo lý từ một tính cách thanh thản. Họ cũng thường trân trọng cất giữ một số xá lợi của Ðức Phật khi những hình ảnh đang được xây dựng.
Ngài Phổ Hiền (Trung Hoa), thăm viếng Ấn Ðộ vào cuối thế kỷ thứ tư có ghi trong hồ sơ của Ngài hình ảnh đầu tiên của Ðức Phật được tạo dựng như thế nào. Tuy nhiên, kinh điển Phật Giáo không nói gì đến thông tin thu thập được của Ðức Phổ Hiền. Tuy thế, huyền thoại được ghi nhận như sau:
Một lần Ðức Phật ở ba tháng trên thiên cảnh thuyết Vi Diệu Pháp, học thuyết cao hơn. Trong lúc vắng Ngài, những người đến Chùa không vui vì không nhìn thấy Phật. Họ bắt đầu phàn nàn. Ngài Xá Lợi Phất, Ðệ Tử số đứng đầu của Ngài đi gặp Phật và trình bày tình hình với Ðức Phật. Ðức Phật khuyên Ngài Xá Lợi Phất tìm một người nào có thể tạo nên một bức ảnh giống như Ngài thì dân chúng sẽ sung sướng khi nhìn bức hình này. Ngài Xá Lợi Phất quay trở về và đến gặp nhà Vua xin nhà Vua ân huệ tìm một người nào có thể tạo hình của Ðức Phật. Ít lâu sau người đó dã được tìm thấy. Ông này khắc hình Phật trên gỗ đàn hương. Sau đó bức hình này đã được đem đặt tại chùa, dân chúng hết sức vui mừng. Từ đó trở đi, theo Ngài Phổ Hiền, người dân bắt đầu phỏng theo hình Ðức Phật.
Nhưng rất khó khăn tìm ra chứng tích trong tài liệu và lịch sử Phật Giáo để chứng minh sự tồn tại các hình ảnh của Ðức Phật tại Ấn Ðộ cho đến gần 500 năm sau Ngài nhập diệt. Vào thời đó, người mộ đạo thường chỉ bày tỏ lòng tôn kính Ðức Phật bằng cách giữ một đóa hoa sen hay bức hình chân của Ðức Phật. Có thể là lúc đầu một số Phật Tử không đồng ý xây dựng hình ảnh Ðức Phật, và rất có thể nét đặc biệt nổi bật của Ðức Phật không chính xác.
Nhiều sử gia cho rằng hình ảnh của Ðức Phật lần đầu tiên được tạo dựng tại Ấn Ðộ trong khoảng thời gian Hy Lạp xâm chiếm. Người Hy Lạp giúp đỡ và khuyến khích người Ấn trong nghệ thuật tạo hình ảnh của Ðức Phật. Từ đó, dân chúng tại nhiều quốc gia bắt đầu tạo dựng hình ảnh Ðức Phật. Hình ảnh tại các nước được điêu khắc theo kiểu cách và ấn tượng nghệ thuật hiện thân những nét đặc biệt theo con người của xứ ấy. Trong phạm vi của mỗi xứ Phật Giáo, kiểu hình ảnh của Ðức Phật tiến triển thành nhiều hình thức khác nhau và kiểu cách thích hợp trong từng giai đoạn khác nhau của lịch sử.
Pandit Nehru, cựu thủ tướng Ấn Ðộ, nhận xét như sau về hình ảnh Ðức Phật:
"Mắt Ngài nhắm, nhưng sức mạnh tinh thần toát ra và năng lực sống động tràn ngập chung quanh. Thời đại của Ngài đã trôi qua, nhưng dường như Ðức Phật không cách xa chúng ta lắm; giọng nói của Ngài vẫn thì thầm bên tai và nói với chúng ta hãy đừng chạy khỏi cuộc tranh đấu, mà hãy đương đầu với nó bằng con mắt bình tĩnh, và thấy trong cuộc sống cơ hội lớn để phát triển và tiến bộ. Ông cũng nói: "Khi tôi ở trong tù, tôi thường nghĩ đến bức tượng của Ngài, bức tượng này là một nguồn suối cảm hứng to lớn với tôi".
Trong Thế Chiến Thứ Hai, Tướng Ian Hamilton tìm thấy hình Phật trong một ngôi chùa đổ nát tại Miến Ðiện. Tướng này gửi bức hình Ðức Phật cho Winston Churchill lúc đó là Thủ Tướng Anh Quốc với bức thư:
"Khi ông lo lắng ông chỉ cần nhìn vào thái độ thanh thản này và cười nỗi lo lắng của ông".
Bá Tước Keyserling, một triết gia Ðức, nói:
"Tôi không thấy gì vĩ đại hơn hình ảnh của Ðức Phật; Ðó là một sự biểu hiện tuyệt vời của tinh thần trong địa hạt có thể trông thấy được.
Một học giả khác nói:
"Hình ảnh Ðức Phật mà ta nhìn thấy là những biểu tượng tượng trưng những đức tính. Tôn vinh và kính trọng Ðức Phật chỉ là biểu tượng tôn thờ cái vĩ đại và hạnh phúc tìm thấy trong giáo lý của Ngài."
Hình ảnh trầm lặng và thanh thản của Ðức Phật đã là quan niệm chung về vẻ đẹp lý tưởng. Hình ảnh Ðức Phật là tài sản quý báu nhất của văn hóa Á Châu. Không có hình ảnh của Ðức Phật, Á châu không có gì hơn chỉ là sự diễn đạt địa dư dù cho thịnh vượng ra sao.
Phật Tử tôn kính tượng Phật như một lâu đài kỷ niệm sự vĩ đại, khôn ngoan nhất, toàn hảo nhất và vị đạo sư từ bi nhất đã từng sống trên thế giới này. Hình ảnh rất cần thiết để tưởng nhớ đến Ðức Phật cũng những đức tính vĩ đại của Ngài đã gây cảm hứng cho hàng triệu triệu người hết thế hệ này đến thế hệ khác khắp tất cả thế giới văn minh. Hình ảnh giúp cho họ tập trung vào Ðức Phật. Họ cảm thấy trong tâm sự hiện diện thực sự của vị giáo chủ khiến hành động thờ cúng của họ sống động và có ý nghĩa.
Là một Phật Tử, rất thích đáng bạn nên có hoặc một hình ảnh của Ðức Phật hay bức tranh của Ðức Phật tại nhà. Giữ hình ảnh hay bức tranh không phải là một thứ trang hoàng nhà cửa mà là một đối tượng để chiêm ngưỡng, gây cảm hứng và tôn thờ. Bộ mặt thanh thản của Ngài, một biểu tượng tỏa chiếu lòng từ ái, thanh tịnh và toàn bích, cung cấp một nguồn an ủi và cảm hứng giúp đở bạn khắc phục khó khăn, lo âu mà bạn phải đối đầu trong hoạt động hàng ngày trên thế giới hỗn loạn này. Khi bạn tôn thờ Ðức Phật, bạn sẽ được tưởng thưởng nhiều nếu bạn tham thiền một lúc bằng cách tập trung tâm bạn vào những đức tính vĩ đại và cao thượng của Ðức Phật; Nếu bạn nghĩ đến Ðức Ðại Ðạo Sư bạn sẽ toàn thiện chính bạn qua sự hướng dẫn của Ngài. Vậy cho nên, không có gì là siêu nhiên lòng tôn kính này được bày tỏ trong một số tác phẩm và điêu khắc đẹp và thẩm mỹ nhất mà thế giới từng biết đến.
Một nhà văn nổi tiếng khác trong ngôn ngữ triết lý của ông về ý nghĩa thực sự của việc bày tỏ lòng tôn kính với Ðức Phật như sau:
"Chúng ta cũng cần hành động tôn vinh thông qua sự tôn kính nhằm vào không phải về một người - vì đúng là tất cả nhân cách là một giấc mơ - mà vào lý tưởng của tâm can chúng ta. Như vậy chúng ta từng tìm thấy sức mạnh tươi mới và xây dựng một nơi thờ cúng cho cuộc sống của chúng ta, tẩy sạch tâm ta cho đến khi tâm ta xứng đáng mang hình ảnh này trong nơi thiêng liêng sâu thẳm của tình thương. Trên cái bàn thờ đó tất cả chúng ta đều cần dâng lễ vật không phải bằng ngọn đèn tàn, hoa héo và phù du, mà là hành vi của tình thương, hy sinh, và vị tha tới tất cả những ai xung quanh chúng ta".
Anatole France, trong bài tự thuật của ông, viết: "Vào ngày đầu tháng Năm 1890. một cơ duyên dẫn tôi đến thăm viện Bảo Tàng tại Ba Lê. Nơi đây, các tượng thần thánh Á Châu ngồi trong giản dị và thầm lặng, mắt tôi hướng về bức tượng của Ðức Phật vẫy tay ra hiệu cái đau khổ của nhân loại như nhủ thầm cần phải phát triển sự hiểu biết và từ bi. Nếu có một thượng đế nào bước đi trên trái đất này, tôi cảm thấy phải là Ngài. Tôi cảm thấy như quỳ xuống chân Ngài và cầu nguyện với Ngài như một Thượng Ðế".
Ông Ouspensky, một triết gia tây phương bày tỏ cảm nghĩ của ông về hình ảnh Ðức Phật mà ông thấy tại Sri Lanka. Ông nói: "Bức tượng Phật này là một công trình nghệ thuật hiếm có. Tôi không thấy một công trình nghệ thuật nào có thể có giá trị ngang hàng với bức tượng này với mắt bằng ngọc xanh saphia, phải nói tôi không biết có một tác phẩm nào có thể tự nó diễn đạt được hoàn toàn tư tưởng tôn giáo như vẻ mặt của Ðức Phật diễn tả tư tưởng của Phật Giáo. Hiểu được vẻ mặt này thì hiểu được Ðạo Phật". Ông còn nói: "Không cần phải đọc nhiều tác phẩm Phật Giáo, hay cùng đi với giáo sư nghiên cứu tôn giáo Á Châu hay với các thầy Tỳ Kheo có học. Ta phải lại đây, đứng trước Bức Tượng Phật này rồi hãy để cho những ánh mắt xanh thâm nhập vào đời ta, ta sẽ hiểu được Phật Giáo là gì".
Công trình mỹ thuật tạo dựng hình ảnh và tạo các bức tranh sơn trên tường về nhiều chuyện Phật Giáo do sự cảm hứng tuyệt vời đã làm phong phú nghệ thuật và văn hóa của hầu hết các quốc gia Á Châu từ trên 2000 năm qua.
Cái gì đã làm cho bức thông điệp của Ðức Phật hết sức lôi cuốn những người trau dồi trí tuệ? Có lẽ câu trả lời có thể thấy được ở vẻ thanh thoát trên bức hình của Ðức Phật. Không phải là màu sắc hay nét vẽ mà người ta bày tỏ niềm tin nơi Ðức Phật, mà là cái vẻ thanh lịch nơi giáo lý của Ngài. Những bàn tay con người rèn đục từ sắt đá tạo nên tượng Phật là một trong những sáng tạo vĩ đại do thiên tài con người.
Nếu người Phật Tử thực tình mong muốn gìn giữ Ðức Phật trong tất cả huy hoàng đẹp đẽ và lộng lẫy sự có mặt lý tưởng của Ngài, họ phải chuyển lời dạy của Ngài vào tình trạng thực tiễn và hành động trong đời sống hàng ngày. Thực hành lời Phật dạy họ có thể tiến tới gần Phật và cảm thấy ánh hào quang rực rỡ của trí tuệ và lòng từ bi bất tử của Ngài. Chỉ tôn kính hình ảnh mà không tu tập lời dạy tối thượng của Ngài không phải là con đường tìm cầu giải thoát.
Cuộc đời đẹp đẽ, một trái tim trong sáng và tử tế, tâm trí sâu xa và giác ngộ, một nhân cách gây cảm hứng và vị tha - cuộc đời toàn bích như vậy, một trái tim từ bi như vậy, một tâm trí trầm tĩnh như vậy, một nhân cách thanh thản như vậy quả thật đáng được kính trọng, đáng được vinh danh, và đáng được cúng dường. Ðức Phật là bậc toàn thiện cao nhất của nhân loại, và là đóa hoa của loài người.
Sir Edwin Arnold giải thích bản chất Phật tính trong thi phẩm "Ánh Sáng Á Châu" như sau:
"Ðây hoa nở trên cây nhân loại
Ðã bùng nở qua nhiều vạn kỷ
Làm thế giới chan hòa hương thơm trí tuệ
Và mật ngọt tình thương".
Còn nữa
Thích Tâm Quang dịch
Theo Gems of Buddhist Wisdom