Chúng ta đều biết, đạo Phật được coi là có đến 84.000 pháp môn.
Các pháp môn chính là cơ sở để hình thành tông phái. Người theo đạo Phật có thể lựa chọn tông phái, pháp môn theo ý mình, có quyền tin hay không tin vào những tín điều, giáo lý theo sự suy xét của mình. Điều này được chính Đức Phật khuyến khích (bài kinh Kalama).
Đây là một đặc điểm lớn của đạo Phật, khi so sánh với tôn giáo khác.
Để bạn đọc thấy rõ được tính chất tự do, cởi mở, thông thoáng của đạo Phật, một giá trị mà phật tử chúng ta đang thụ hưởng, ở đây chúng tôi so sánh với tình huống tương tự trong đạo Ca tô La Mã.
Đoạn dưới đây trích từ mục từ “cafeteria Catholic”, Từ điển Công giáo Anh Việt, tác giả Nguyễn Đình Diễn, nhà xuất bản Đồng Nai, 2014. Cụm từ “cafeteria Catholic” có ý mỉa mai, chỉ trích, phê phán dùng với những người theo đạo Ca tô La Mã nhưng có lý chọn lựa tin hoặc không tin các quan điểm trong giáo lý.
Bạn đọc sau khi đọc xong dễ dàng tự rút ra kết luận so sánh. Việc hiểu các tôn giáo khác sẽ giúp chúng ta thấy được những giá trị của đạo Phật, mà có thể không hiện rõ nếu không đối chiếu so sánh.
Dưới đây là nội dung mục từ nói trên, trích từ sách đã dẫn trang 314.
“Cafeteria Catholic” Người Công giáo phòng trà, người Công giáo theo khẩu vị (danh ngữ có tính chất phê phán để chỉ các tín hữu Công giáo, trước các giáo huấn luân lý của Giáo hội, chỉ chấp nhận những giáo huấn nào thích hợp với ý nghĩ hay sở thích của mình, giống như người đi ăn uống chỉ chọn [pick and choose] món ăn thức uống theo khẩu vị riêng. Các tín hữu này thường tỏ ý kiến bất đồng với Giáo hội về những đề tài luân lý như phá thai [abortion], ngừa thai [birth control], ly hôn [divorce], tình dục tiền hôn nhân [premarital sex], thủ dâm [masturbation], quan hệ đồng tính [homesexuality] v.v. Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã từng lên tiếng về thái độ “phòng trà” này trong một diễn từ gửi đến các giám mục tại Los Angeles năm 1987: […]. Thỉnh thoảng có tường trình cho biết nhiều tín hữu Công giáo ngày nay không chấp nhận giáo huấn của Giáo hội Công giáo về một số vấn đề, nhất là luân lý tình dục-hôn nhân, việc ly hôn và tái hôn. Cần lưu ý rằng một số tín hữu Công giáo có khuynh hướng lựa chọn trong việc tuân thủ giáo huấn luân lý của Hội thánh. Đôi khi người ta cho rằng bất đồng với Huấn Quyền và làm “người Công giáo tốt lành” là hai việc hoàn toàn có thể song hành, chẳng gây nên ngăn trở gì cho việc lãnh nhận các bí tích. Đây là sai lầm nghiêm trọng và cũng là sự thách đố cho việc giáo huấn của các giám mục tại Hoa Kỳ và những nơi khác).
Minh Thạnh