đậu tương đen hữu cơ

Ý kiến độc giả

18:19 23/09/2015

Nhật ký biển Đông: Nga Mỹ sẽ đụng nhau ở Syria?

(TG&DT) - Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Chín ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:
-The Week ngày 2/9/2015: “Theo tờ Wall Street Journal, quân đội Hoa Kỳ vừa phát hiện năm tàu hải quân Trung Quốc ở ngoài khơi Alaska thuộc vùng Biển Bering, đang hướng về Quần Đảo Aleutian. Sự hiện diện của các tàu, bao gồm ba chiến hạm, một tàu tiếp vận và một tàu đổ bộ được coi như lần đầu tiên Hoa Kỳ nhận được báo cáo về hoạt động như vậy trong vùng biển này (dù là trong hải phận quốc tế).” Trong khi đó, Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn nói rằng tàu hải quân Trung Quốc có mặt ở biển Bering, ngoài khơi Alaska để thực hiện các hoạt động diễn tập bình thường.

Qua hành động này và qua những hoạt động của hải quân trên Ấn Độ Dương và Vịnh Aden chúng ta thấy chẳng còn bao lâu nữa Hoa Lục sẽ là cường quốc trên biển. Mới đây, theo tình báo Mỹ, tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc thấy xuất hiện ở Sri Lanka và Vịnh Ba Tư.

-Reuters ngày 3/9/2015: “ Chủ Tịch Tập Cận Bình loan báo sẽ cắt giảm 300,000 quân khi Trung Quốc phô diễn sức mạnh trong cuộc diễn binh khổng lồ kỷ niệm chiến thắng Quân Phiệt Nhật trong Thế Chiến II- một buổi lễ mà hầu hết các lãnh đạo Phương Tây né tránh không tham dự. Sự tin tưởng vào sức mạnh quân sự của mình và sự gia tăng khẳng định về quân sự, đặc biệt là cuộc tranh chấp trên Biển Đông đã làm các nước láng giềng lo sợ và kéo theo sự chỉ trích từ Hoa Thịnh Đốn. Phát biểu từ trên một đài /bao lơn nhìn xuống Quảng Trường Thiên An Môn, Tập Cận Bình, trước cuộc diễn bình đã loan báo cắt giảm 13% quân số của một lực lượng quân sự lớn nhất thế giới hiện nay là 2.3 triệu quân. Trong số vũ khí lần đầu tiên công khai xuất hiện là hỏa tiễn đạn đạo chống hạm Đông Phong-21 D được cho là có khả năng tiêu diệt hàng không mẫu hạm bằng một lần khai hỏa. Trong số hỏa tiễn đạn đạo được phô diễn có Đông Phong-5B và Đông Phong-31A cũng như Đông Phong-26 là những hỏa tiễn siêu âm- vì có tầm bắn xa 3000 km cho nên có biệt danh là “Sát Thủ của Guam” - một căn cứ quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương.” Còn AFP nhận định, “Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc phô diễn hỏa tiễn diệt hạm và cắt giảm quân số (vì khi kỹ thuật đã tân tiến thì không cần một quân số đông đảo) cho thấy Hoa Lục chuyển sang sức mạnh hải quân và là đối thủ cạnh tranh mỗi lúc mỗi gia tăng với Mỹ tại Thái Bình Dương”. Khoảng 30 vị nguyên thủ quốc gia được mời tham dự cuộc diễn binh, trong đó nổi bật là các tổng thống Nga, Nam Hàn, Ai Cập, Miến Điện, Venezuela, Nam Phi, thủ tướng Pakistan và Ô. Ban ki-moon-Tổng Thứ Ký LHQ. Đặc biệt Tổng Thống Maduro của Venezuela, trên đường tới Bắc Kinh đã ghé thăm Việt Nam. Ô. Trương Tấn Sang của Việt Nam cũng tham dự buổi lễ. Nhân dịp này Tân Hoa Xã đưa tin Ô. Trương Tấn Sang và Ô. Tập Cận Bình đã đồng ý với nhau, “Hai bên nghiêng về giải pháp giải quyết thỏa đáng những tranh chấp thông qua đối thoại, mở rộng hợp tác và vì lợi ích chung.” Một số nhà bình luận cho rằng, mặc dù có thể làm buồn lòng Mỹ nhưng Bà Park Geun-hye tổng thống Nam Hàn - nhận lời mời tham dự buổi lễ là vì muốn thân thiện với Trung Quốc- một quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với Bắc Hàn. Còn sự hiện diện của Ô. Putin cho thấy sự liên kết mạnh mẽ giữa Nga và Trung Quốc. Theo Value Walk, “Chính sự cấm vận của Mỹ đã đẩy Nga tới gần Trung Quốc” (U.S. Sanctions Bring Russia Closer To China).

-Sputnik News ngày 4/9/2015: Nghị sĩ  Pháp Jacques Miyar  tuyên bố, đất nước này buộc phải áp dụng đường lối cứng rắn chống Nga dưới áp lực của Mỹ và thể hiện đồng tình với các quốc gia Châu Âu khác. Chịu áp lực của Mỹ, chúng tôi đang hành động chống lại lợi ích của chính mình. Hậu quả là Pháp rơi vào bế tắc, sẽ rất khó khăn để ra khỏi ngõ cụt này. Đất nước này đang gặp vấn đề nghiêm trọng trong nông nghiệp. Nông dân Pháp phản đối và đòi xóa bỏ lệnh trừng phạt chống Nga.” Theo RTL (Télé Letzebuerg), vào ngày 23/7, ở Pháp đã nổ ra cuộc biểu tình của nông dân nước này, nhằm kêu gọi chính quyền của Tổng thống Francois Hollande và chính phủ của Thủ tướng Pháp Manuel Valls đàm phán với Nga để dỡ bỏ lệnh cấm vận nông sản của Moscow áp đặt lên nông dân Châu Âu. Liên đoàn FNSEA của nông dân hô hào biểu tình cho biết nhiều gia đình sắp phá sản vì giá hạ với các sản phẩm sữa, thịt và đường.” Theo ghi nhận của hãng thông tấn Reuters, những người biểu tình mang theo các biểu ngữ bày tỏ sự giận dữ trên 1580 xe kéo, trong đó có biểu ngữ ghi "Trung bình cứ hai ngày lại có một nông dân tự tử". Được biết, đây là hậu quả của việc Nga và EU áp dụng những biện pháp trừng phạt trả đũa lẫn nhau. Liên Hiệp Âu Châu chính là người làm ăn lớn nhất của Nga, với kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 336 tỷ Euro.

Thế mới hay liên kết đồng minh đâu phải lúc nào cũng sướng? Cấm vận Nga thì Nga cấm vận lại. Cuối Pháp chỉ được tiếng trung thành với Mỹ nhưng nông dân sắp phá sản. Nông phẩm làm ra bán cho ai? Tại sao không yêu cầu Mỹ mua hết số nông phẩm ấy cho nông dân nhờ? Thế nhưng Mỹ lại là nước đại sản xuất nông nghiệp, mua nông phẩm của Pháp về để đổ đi hay sao? Hay Mỹ viện trợ cho Pháp mỗi năm vài trăm triệu đô-la để chính phủ Pháp dùng tiền đó mua nông phẩm để đổ đi hay viện trợ cho các nước nghèo đói ở Phi Châu. Thế nhưng nếu Pháp ngửa tay nhận viện trợ Mỹ thì còn ra cái thể thống gì nữa? Nếu Pháp nhận viện trợ Mỹ thì Pháp cũng chỉ ngang hàng với  các quốc gia nghèo đói ở Nam Mỹ, Phi Châu mà thôi. Chuyện tưởng dễ mà hóa khó.
           
-Sputnisk News ngày 6/9/2015: “Bài viết trên tuần san The Economist (Luân Đôn) bày tỏ sự bức tức về bản báo cáo do đảng cầm quyền Nam Phi trình ra Đại hội Dân tộc Nam Phi/Nghị Hội Nam Phi (African National Congress). Các tác giả của văn kiện “A Better Africa in a Better and Just World”, được chuẩn bị trước ngưỡng (thềm) hội nghị chính trị lớn, đưa ra lời kêu gọi đất nước chuyển hướng từ Hoa Kỳ sang phía Nga và Trung Quốc. Các chính trị gia Nam Phi (xác) định tính xung đột Ukraina như là một bộ phận trong chiến lược tổng thể của Washington nhằm chống Nga. Cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraina không tiến hành vì Ukraina. Mục tiêu của cuộc chiến là Nga. Người ta đang thúc đẩy các nước láng giềng của Nga theo lập trường thù địch chống Matxcơva, lôi kéo họ vào Liên Minh Châu  Âu và NATO. Các quốc gia chư hầu thân phương Tây đang được nuôi dưỡng và thậm chí được tạo ra để bao vây Nga, như chúng ta đã thấy điển hình (qua cuộc) đảo chính ở Ukraina,  cũng như  sử dụng lãnh thổ các nước này để bố trí thiết bị quân sự của NATO chĩa về phía Nga”.”
           
-VnPlus ngày 6/9/2015: “Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn/phát ngôn viên Không Quân Trung Quốc Shen Jinke cho biết, ngày 6/9, cuộc tập trận chung của hai lực lượng không quân Trung Quốc và Pakistan có tên "Shaheen (Đại bàng - 4) đã được tổ chức tại Trung Quốc. Theo người phát ngôn trên, thành phần tham gia tập trận của Trung Quốc có máy bay tiêm kích, máy bay ném bom và máy bay cảnh báo sớm, trong khi phía Pakistan là các máy bay tiêm kích và máy bay cảnh báo sớm.”
Thật tức cười, tính từ 2002-2011 cho đến nay Hoa Kỳ đã viện trợ cho Hồi Quốc (Pakistan) 11.740 tỉ đô-la quân sự và 6 tỉ đô-la kinh tế thế nhưng Pakistan lại  coi Trung Quốc -kẻ thù tiềm tàng của Mỹ - là người bạn thân thiết nhất và ngày nay tập trận với Trung Quốc. Thế mới hay cho tiền bạc cho viện trợ nhưng chưa chắc đã chinh phục được lòng người. Do rất nhiều yếu tố, Hồi Quốc đã liên kết với Hoa Lục vừa để phát triển kinh tế vừa cân bằng ảnh hưởng của Hoa Kỳ, tức theo chính sách ngoại giao đa phương. Tình đời ở cõi Ta Bà này thật trớ trêu. Một cô gái chỉ “quen” với một cậu thì có khi bị cậu đó coi thường. Nhưng nếu có ba, bốn cậu cùng tới thì có khi cả ba, bốn cậu đều cùng xum xoe chiều lòng người đẹp. Ôi, đời này sao rắc rối quá!

-AFP ngày 6/9/2015:”Khoảng từ 50,000 tới 100,000 người Moldova biểu tình tại thủ đô Chisinau vào ngày Chủ Nhật yêu cầu Tổng Thống Nocolae Timofti từ chức để bầu một tổng thống mới. Cuộc biểu tình bùng phát do công chúng phẫn nộ vì tai tiếng ngân hàng hơn một tỉ đồng đã làm rung chuyển quốc gia trước đây thuộc Liên Bang Sô-viết và cũng là quốc gia nghèo nhất Âu Châu. Nga vẫn duy trì cả ngàn quân tại Moldova là vùng tách ra khỏi Transdniestr và trong nhiều năm đã cung cấp tiền bạc để hỗ trợ cho quốc gia nghèo đói 500,000 dân, trong đó có khoảng 180,000 là người Nga.”

Thế mới hay tham nhũng và mờ ám về tiền bạc vẫn là nguyên do chính làm xụp đổ một chế độ. Tổng Thống Otto Perez Molina của Guatemala từ chức ngày 3/9/2015 vì những cáo buộc tham nhũng. Hiện nay thủ tướng Mã Lai cũng đang khốn đốn vì cáo buộc nhận tiền lót tay/lì xì/lại quả tới 700 triệu đô-la từ nhà đầu tư.

-AP (Luân Đôn) ngày 6/9/2015: “Một ngôi sao mới hết sức ngạc nhiên của nền chính trị Anh Quốc là một ông già nhếch nhác 66 tuổi với một loạt những tư tưởng theo chủ nghĩa xã hội tưởng chừng như đã tan biến theo Chiến Tranh Lạnh. Jeremy Corbyn một người được ái mộ rất dễ dàng để tranh ngôi vị lãnh đạo Đảng Lao Động- đối lập với Đảng Bảo Thủ Anh- chống lại NATO và vũ khí nguyên tử, dự trù xin lỗi về cuộc xâm lăng Iraq và muốn chấm dứt những ưu đãi, đánh thuế nặng nhà giàu và quốc hữu hóa công ty hỏa xa Anh Quốc. Những đối thủ của Ô. Jeremy Corbyn nói rằng vị dân biểu lâu đời này chỉ là di sản của thời quá khứ và sẽ mất phiếu của những cử tri ôn hòa. Nhưng những người ủng hộ lại nói rằng rất nhiều cử tri trẻ, còn xa lạ với chính trị, đầy ắp nhiệt tình thì lại coi những tư tưởng cổ lỗ sĩ như thế là tương lai của họ.” Ngày 12/9/2015 AP cho biết Jeremy Corbyn đã thắng xa đối thủ để trở thành thủ lãnh Đảng Lao Động với 60% số phiếu.

Anh Quốc nổi tiếng là quốc gia đi trước thời đại. Từ bỏ vũ khí nguyên tử, chống chiến tranh, đánh thuế cao vào nhà giàu và quốc hữu hóa (quốc doanh) các ngành kỹ nghệ quan trọng của đất nước là chủ trương của các chính quyền theo chủ nghĩa xã hội. Trước thực tế 1% nhà giàu chiếm 90 % tài sản của đất nước, biết đâu chủ nghĩa xã hội lại có cơ hội hồi sinh ở Âu Châu?  Cách đây vài năm Ô. Obama dự định đánh thuế nặng lên các nhà giàu nhưng đã bị các chính trị gia và nhà bình luận bảo thủ gán cho ông danh hiệu người theo chủ nghĩa xã hội. Còn Ô. Rudy Giuliani - cựu ứng cử viên tổng thống- lại gọi ông là người cộng sản.

-VnPlus ngày 7/9/2015: “Tờ Cambodia Daily ngày 7/9 đưa tin Phó Chủ tịch điều hành Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) của huyện Pray Kabbas, tỉnh Tà Keo, ông Chhea Tang Sorn đã bị cảnh sát bắt giữ hôm 5/9 vì phát tán (phân phát) tài liệu với những thông tin sai lệch về chính sách của Việt Nam đối với Campuchia, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Cảnh sát tỉnh Takeo cho hay ngày 29/8, tại một buổi tập trung những người ủng hộ CNRP tại huyện Prey Kabbas, ông Chea Tang Sorn đã phân phát tờ rơi (truyền đơn) vu khống Việt Nam sử dụng chính sách phá hoại Campuchia như đầu độc bằng thực phẩm; làm quan chức Campuchia thoái hóa biến chất bằng rượu, tiền và phụ nữ hay sử dụng chính sách di dân vào Campuchia, phá hoại sự nghiêm minh của pháp luật Campuchia… Nội dung các tờ rơi do ông Chea Tang Sorn phân phát là vô căn cứ và vì thế hành động này bị coi là làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.”

-Reuters ngày 7/9/2015: “Lính Mỹ và quân đội Ukraine tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật mang tên “Fearless Guardian”  tại vùng nông thôn của Yavoriv (gần biên giới Lỗ Ma Ni). “
           
-Reuters ngày 7/9/2015: “Bộ trưởng đầu tư cho biết Ai Cập đã ký kết một thỏa hiệp với một công ty Trung Quốc để đảm trách và tài trợ một phần của kế hoạch xây dựng một trung tâm hành chính mới cho Ai Cập nằm ở phía đông thủ đô Cairo. Đề án dự trù lớn bằng thành phố Tân Gia Ba bao gồm một phi trường lớn hơn Heathrow của Luân Đôn, một tòa nhà cao hơn Tháp Eiffel và hơn 10,000 km vuông đại lộ, đường và phố.”

-CNN ngày 7/9/2015: “Hai phi cơ chiến đấu F-22 Raptor tàng hình tối tân nhất của Không Lực Hoa Kỳ đã viếng Căn Cứ Không Quân Amari của NATO để trấn an Estonia sau hơn một giờ bay thấp và lượn quanh trên bầu trời.”
           
-Reuters ngày 9/9/2015: “Nga vừa tiến hành xây dựng khu gia binh, kho đạn và trại lính khổng lồ cho hàng vạn binh sĩ gần biên giới Ukraina, một kế hoạch cho thấy Điện Kremlin dự trù đối đầu lâu dài với Kiev.”

-Reuters (LHQ) ngày 10/9/2015: “Cờ Palestines sẽ được trụ sở Liên Hiệp Quốc kéo lên sau khi Đại Hội Đồng chấp thuận giải pháp cho Palestines với đa số tuyệt đối khiến Do Thái phẫn nộ vì hành động này là bước tiến tới công nhận quy chế hội viên cho Palestines.”

- AFP (Mạc Tư Khoa) ngày 10/9/2015: “Đảng Cộng Sản Nga loan báo họ đã khánh thành hai bức tượng Stalin trong cùng ngày ở đông Mạc Tư Khoa. Các nhà hoạt động nói rằng cho dù có các chiến dịch liên tục chống Sô-viết nhưng cái tên Stalin càng ngày càng được dân chúng ngưỡng mộ.”

Thế mới hay khi một lãnh tụ đưa đất nước vào thời kỳ gọi là vàng son thì dù có mạnh tay tàn sát sinh linh nhưng có thể vẫn được đời sau ngưỡng mộ vì niềm kiêu hãnh của dân tộc. Stalin đã lãnh đạo một Liên Bang Sô-viết rộng lớn, đánh bại Đức Quốc Xã và canh tân đất nước. Khuynh hướng hiện tại của dân chúng Nga là muốn vươn lên ngang hàng với Hoa Kỳ như thời kỳ Sô-viết. Thông thường tự ái dân tộc sẽ biến thành lòng yêu nước. Và khi lòng yêu nước đã bùng phát thì người dân sẽ chấp nhận hy sinh. Đó là lý do giải thích tại sao Nga bị Mỹ và Âu Châu cấm vận khốc liệt như thế mà vẫn không xụp đổ. Theo thống kê của Tây Phương, hiện nay tỷ lệ dân chúng ủng hộ Ô. Putin khoảng 85%.

-AFP ngày 11/9/2015: “Thủ tướng Thái Lan đe dọa truy tố bất cứ ai chỉ trích ông hay chính phủ và ra lệnh bắt giam một cựu nghị sĩ để ông này có cơ hội “chấn chỉnh lại thái độ” (attitude adjustment) vì đã dám chỉ trích chính sách kinh tế của chính phủ. Ô. Tướng Prayut nói rằng bất cứ ai tạo chia rẽ hoặc phê phán chính quyền vô căn cứ sẽ bị truy tố và kết án về tội gây bất ổn.”

 Tính từ 1932 tới nay Thái Lan đã có 11 cuộc đảo chính thành công đưa các ông tướng nắm chính quyền và 9 cuộc đảo chính bất thành. Dân chủ chỉ vài năm rồi chết yểu vì dân chủ đưa tới tình trạng đảng phái biểu tình chống đối nhau liên miên, gây bất ổn khiến quân đội “phải làm nhiệm vụ” đảo chính để cứu vãn tình hình. Sau đó dân chủ tái lập nhưng rồi dân chủ lại đưa tới tranh giành quyền lợi, tan hoang đất nước rồi quân đội lại đảo chính. Tiến trình “bệnh cũ tái phát” cứ như thế tiếp diễn…muôn đời. Để giải quyết vấn đề, tại sao hiến pháp không ghi rõ ông nào nắm quân đội thì kiêm luôn thủ tướng. Quốc hội, tối cao pháp viện cũng do mấy ông tướng chỉ định cho “tiện việc sổ sách”, đảng phái “dẹp tiệm” cho đất nước khỏi hỗn loạn và ông tướng này sẽ làm thủ tướng mãn đời. Khi chết thì ông tướng tư lệnh quân đội khác lên thay ghế thủ tướng…tức là Thái Lan theo chế độ quân phiệt, không dân chủ gì ráo trọi cho đất nước êm thắm, không còn biểu tình chống đối nhau loạn cả đường phố với Áo Vàng, Áo Đỏ. Nền dân chủ ở Kamphuchia cũng thế. Phe đối lập thay vì đưa ra kế sách xây dựng và phát triển đất nước, tranh thủ nhân tâm, lại dùng thủ đoạn hiểm độc “cưa ghế” bằng cách vu cáo chính quyền bán đất cho ngoại bang, kích động bài ngoại để đưa đất nước tới hỗn loạn, căng thẳng ở biên giới. Có lẽ Kampuchia cũng cần có một ông tướng như Prayuth chan-Ocha để cho đất nước yên ổn.

-The Value Walk ngày 14/9/2015: Với bài viết “Lệnh mới của Việt Nam có thể leo thang xung đột với Hoa Lục” (Vietnam’s new rule could escalate conflict with China) bài báo nhận định, “Với lệnh mới, lực lượng duyên phòng (cảnh sát biển) Việt Nam bắt đầu dùng vũ khí để trục xuất bất cứ tàu ngoại quốc nào vào lãnh hải của họ một cách bất hợp pháp. Những tàu tuần duyên của Việt Nam sẽ hành động cho đến khi nào tàu ngoại quốc hoàn toàn ra khỏi lãnh hải của họ.”

-AP (Canberra) ngày 14/9/2015: “Thủ tướng Úc Abbott – người bị tấn công tứ phía đã bị loại bỏ từ trong chính nội bộ của Đảng Bảo Thủ với hy vọng lấy lại khối cử tri đã mất tin tưởng bằng cách thay thế một lãnh đạo cực đoan ăn nói thiếu suy nghĩ bằng một lãnh đạo ôn hòa hơn trong đảng.”

Thực ra chuyện thay thế ông này tiến hành quá trễ. Cả thế giới đều thấy - vốn là một cựu võ sĩ quyền Anh hạng nhẹ, Ô. Abbott là con người cực đoan, nóng nảy, ăn nói thiếu suy nghĩ, nạp đơn xin gia nhập NATO, gây căng thẳng với nước láng giềng Nam Dương từ những chuyện không đâu như xin ân xá cho công dân chuyển vận ma túy không được bèn đòi tiền viện trợ lại…khiến dân chúng chán ngán. Người ta còn nhớ Ô. Abbott dọa nắm cổ ông Putin trong một hội nghị quốc tế khiến thế giới cười bò và chế riễu rằng Ô. Putin có Nhu Đạo (Judo) ngũ đẳng huyền đai, coi chừng Ô. Abbott nằm đo ván đó nghe. Thế mới hay, trên cái cõi đời ô trọc này, dù con người đôi khi quá gian ác, nhưng các tư tưởng cực đoan, tôn giáo cực đoan, hành động cực đoan…cuối cùng rồi cũng sẽ thất bại. Chỗ mà con người cần tiến tới vẫn là Trung Đạo của Đức Phật và Trung Dung của Khổng Tử.

- Reuters (Vienna) ngày 14/9/2015: ”Thời kỳ không biên giới hay tự do đi lại của Âu Châu kéo dài 20 năm đã không còn khi vào ngày 14/9/2015 các quốc gia quyết định kiểm soát biên giới vì dòng người di dân tràn ngập vào nước họ.”

-VnPlus ngày 15/9/2015: Trong chuyến công du Nhật Bản,Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ Tướng Abe đã đạt được những thỏa thuận như sau, “Hai bên nhất trí đẩy mạnh giao lưu(trao đổi, thăm viếng) quốc phòng các cấp. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam để nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam; cho biết Chính phủ Nhật Bản quyết định tiếp tục tăng cung cấp tàu đã qua sử dụng cho Việt Nam, sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống, đổng thời ký kết sáu văn kiện hợp tác về nông nghiệp, tài chính, cơ khí, cảnh sát biển.” Còn Reuters nhận định rằng, “ Thận trọng với Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam tăng cường hợp tác an ninh” (Wary of China, Japan and Vietnam boost security ties) Tokyo sẽ cung cấp thêm cho Việt Nam 100 tỉ yên (1tỉ đô-la) để phát triển hạ tầng cơ sở giao thông (như phi trường, cầu, xa lộ và xe điện ngầm). Theo tôi, chắc chắn chuyến đi này của Ô. Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Trung Quốc đau đầu. Chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với Việt Nam hoàn toàn sai lầm.

Nhận định:

Trong hai tuần lễ đầu của Tháng Chín chúng ta thấy một số chuyển động báo hiệu một sự đụng độ quân sự có thể xảy ra giữa Nga và Mỹ:

-Vào ngày 5/9/2015 Reuters loan tin, “Bộ Trưởng Ngoại Giao John Kerry đã nói với Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Lavrov rằng Hoa Kỳ hết sức quan tâm tới những báo cáo cho rằng Moscow đang tiến hành việc hiện diện quân sự lớn lao tại Syria nhằm mục tiêu hỗ trợ cho Tổng Thống Bashar a-Assad. Theo tờ New York Times, Moscow đã phái một đội tiền phương, các đơn vị gia binh cho khoảng 1000 lính và đài kiểm soát không lưu tiền chế/lắp ráp sẵn tới Syria.” Theo Reuters ngày 7/9/2015, “Một giới chức Hy Lạp cho biết, Hoa Kỳ đã yêu cầu Hy Lạp từ chối không cho Nga sử dụng phi trường cho những chuyến bay tiếp vận cho Syria.” Hy Lạp là quốc gia tham gia NATO nhưng lại có lập trường thân Nga. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nga phản ảnh lời của Ngoại Trưởng Lavrov nói rằng Nga luôn luôn gửi tiếp vận cho Syria trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo Business Insider, “Máy bay không người lái và phi cơ chiến đấu Nga giám sát những khu vực quân ly khai không phải khủng bố ở phía bắc. Và thiết vận xa chở binh sĩ nói tiếng Nga tham gia vào các trận đánh.” Syria phủ nhận nguồn tin nói rằng quân Nga tham chiến bên cạnh quân chính phủ. Thế nhưng vào ngày 8/9/2015, theo AFP, “Các giới chức Hoa Kỳ dấu tên cho biết, tối thiểu ba máy bay vận tải Nga đã đáp xuống Syria những ngày mới đây. Các vận tải cơ khổng lồ này đã đáp xuống phi trường ở Latakia nằm trên bờ biển Địa Trung Hải của Syria.” Ngoài ra, trích dẫn trang tin quân sự của Do Thái, VOV cho biết, “ Tàu ngầm mang theo 20 tên lửa đạn đạo liên lục địa với khoảng 200 đầu đạt hạt nhân của Nga vừa khởi hành đến Địa Trung Hải và dự kiến tới bờ biển Syria.” Còn AP ngày 10/9/2015 trích dẫn lời của bộ trưởng quốc phòng Do Thái nói rằng quân Nga đã vào Syria rồi. Theo Tây Phương, đây là kết quả của cuộc gặp gỡ mới đây giữa Ô. Putin và Tướng Soleimani - nhà kiến trúc quân đội Ba Tư nhưng Ô. Obama nói rằng kế hoạch của Nga chắc chắn thất bại (doomed to fail). Vào ngày 14/9/2015, giới chức Hoa Kỳ cho biết Nga đã bố trí xe tăng T-90 chung quanh phi trường gần Thành Phố Takania.

-Vào ngày 5/9/2015 AFP loan tin, “Một quả bom mẫu có tên Tsar Bomb, dài 8 mét và nặng 25 tấn là quả bom nguyên tử mạnh nhất nếu cho nổ, được trưng bày lần đầu tiên ở Nga giữa lúc đang có cuộc đối đầu với Tây Phương vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Quả bom khinh khí này được thử năm 1961 dưới thời Sô-viết với sức tàn phá khủng khiếp của nó. Hướng dẫn viên của cuộc triển lãm nói rằng sức mạnh ghê gớm của quả bom khiến các quốc gia nỗ lực tìm kiếm hòa bình (thay vì chiến tranh)”.

-Vào ngày 6/9/2015 The Value Walk đưa tin, “Tàu ngầm năng lượng nguyên tử Alexander Nevsky trang bị hỏa tiễn đạn đạo sẽ gia nhập Hạm Đội Thái Bình Dương của Hải Quân Nga vào đầu Tháng Chín này. Nguồn tin từ bộ tổng tham mưu nói với Thông Tấn Xã Tass rằng Alexander Nevsky là tầu ngầm nguyên tử đầu tiên thuộc lớp Borei và được đưa vào hoạt động từ Tháng 12, 2013.”

- Vào ngày 7/9/2015 AP loan tin, “Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu cho hay Tổng Thống Putin bất ngờ ra lệnh duyệt xét lại khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân khu trung tâm. Theo lệnh này, binh sĩ phải sẵn sàng cho cuộc chiến từ 09:30 (giờ Moskva) tức 06:30 giờ GMT. Cũng theo Ô. Shoigu, đây là dịp coi lại khả năng của lính dù có thể được triển khai tới một nơi rất xa và khả năng của họ nhảy xuống một sân bay nào đó.” Cuộc tổng duyệt bao gồm các bộ trưởng y tế, canh nông để thẩm định khả năng sẵn sàng ứng phó với tình trạng thời chiến.” Theo AFP ngày 14/9/2015, cuộc tập trận bao gồm 95,000 binh sĩ từ bộ binh tới hải quân và không quân.

-The Value Walk ngày 7/9/2015 với bài viết mang tiêu đề, “Nga và Trung Quốc Mở Rộng và Hợp Tác Quân Sự” (Russia And China Expanding And Cooperating Militarily) tác giả nhận định, ”Center for Strategic and International Studies cho rằng sự phát triển sức mạnh của hải quân dưới sự trợ giúp của kỹ thuật Nga đã khiến các chiến hạm Trung Quốc có khả năng đầy đủ để tự phòng vệ và chống lại những cuộc không kích cũng như những cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa của Hoa Kỳ. Toàn bộ bức tranh cho thấy sự phát triển nhanh chóng khả năng nắm bắt lãnh vực này và sự tiếp tục hợp tác giữa Nga và Trung Quốc đã góp phần đáng kể cho sự phát triển khả năng quân sự của cả hai nước.” (Additionally, the CSIS report suggests that the development of Chinese naval capabilities under the auspices of Russian technology has been able to ensure that Chinese naval vessels can fully defend themselves against United States airstrikes and long-range missile attacks. The overall picture painted is one of rapidly developing Chinese proficiency in this area, and of the continuing relationship between Russia and China playing a significant part in the development of both nations military capabilities.)

Ôi! Cái giá mà Hoa Kỳ phải trả cho cuộc cấm vận Nga do chuyện ở nơi xa lắc xa lơ mà các chiến lược gia nói chẳng ăn thua gì tới quyền lợi hay an ninh của Hoa Kỳ đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần với nhau. Chiến lược bao vây Nga được tiến hành từ thời Ô. Bush Con, Bà Hillary Clinton và bây giờ là Ô. Obama. Các nhà bình luận Mỹ đã chế riễu rằng trước kia cặp bài trùng Nixon-Kissinger dùng kế của Khổng Minh, “Đông hòa Tôn Quyền, bắc cự Tào Tháo” để chia rẽ khối cộng sản khiến Liên Bang Sô-viết xụp đổ. Còn Bà Clinton và Ô. Obama theo lối ngoại giao “võ biền” của Quan Vân Trường, “Đông choảng Tôn Quyền, bắc đánh luôn Tào Tháo” khiến Nga và Hoa Lục đoàn kết lại để chống Mỹ. Để rồi xem con sư tử Mỹ cùng lúc cắn xé con gấu Nga và con hổ Trung Quốc, một con thắng hay hai con thắng?

Trước tình hình như vậy, có lẽ cả thế giới đều thấy, nhưng Âu Châu không thấy là trận chiến giữa Mỹ và Nga-Hoa tới đây ghê gớm quá cho nên đều né tránh và giữ vị trí trung lập…vì theo bên nào cũng chết. Khi nổ ra chiến tranh, chắc chắn nơi nào có căn cứ quân sự của Mỹ, chẳng hạn riêng Á Châu như Úc, Singapore, Phi Luật Tân, Nhật Bản, Nam Hàn, không ăn hỏa tiễn nguyên tử của Nga thì cũng ăn hỏa tiễn nguyên tử của Tàu.

Theo dự đoán của tôi, Nga chỉ dàn quân và thủ ở mặt trận Đông Âu nhưng nếu có mở một cuộc chiến thì sẽ là Syria - chứ Nga không dại gì đối đầu cùng lúc với NATO và Mỹ. Đem quân vào Syria, Nga sẽ giúp được Ô. Assad đồng thời bảo vệ căn cứ hải quân Tartus là căn cứ tiếp vận duy nhất để tàu chiến Nga từ Kênh Đào Suez tiến vào Ấn Độ Dương rồi Thái Bình Dương. Trong khi đó Mỹ chủ trương lật đổ chế độ của Ô. Assad, thành lập một chính quyền thân Mỹ tại đây để đẩy Nga ra khỏi cứ điểm này. Chính vì thế mà Mỹ nhất định không cho Syria gia nhập liên minh chống khủng bố mặc dù Syria đang ra sức chiến đấu chống quân khủng bố.

Hiện nay Mỹ đang trả lương, trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy của Syria được huấn luyện từ Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan rồi đem về chiến đấu,  nhưng lực lượng này không tiến xa được vì cùng lúc phải chống lại al-Qaeda và Nhà Nước Hồi Giáo. Được sự đồng ý của Mỹ, không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thực hiện những chuyến không kích vào lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo. Trước tình thế đó, Nga sợ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ dùng kế “Thuận thủ khiên dương” (Thuận tay dắt đi con dê) hay nói nôm na là “Nhờ gió bẻ măng”, tức lấy cớ oanh kích quân ISIS nhưng trên thực tế lại tiêu diệt quân của chính phủ Syria để mở đường cho lực lượng nổi dậy tiến vào Damacus. Chính vì lo sợ một âm mưu như thế cho nên Nga tức tốc tiến hành thực tập báo động về tình trạnh chiến tranh có thể xảy ra cho đất nước, đồng thời chuẩn bị lính dù có thể nhảy vào Syria bất cứ lúc nào và cũng có thể đã vào rồi.

Nếu Nga đem hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300 vào đây thì phi cơ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lâm nguy. Đụng độ về quân sự với Mỹ tại Syria, thì NATO không có lý do gì can  thiệp vào. Hiện nay Mỹ không có địa bàn để đổ quân vào Syria. Nếu có thì Mỹ đã làm rồi. Còn Thổ Nhĩ Kỳ cũng tứ bề thọ địch và rối bời bởi cuộc khủng hoảng di dân. Mới đây  lực lượng ly khai PKK (Kurdistan Worker’s Party) của người Kurd  dùng mìn đánh vào một đoàn quân xa khiến 16 lính Thổ chết và 24 bị thương. Tin mới nhất cho biết 50 máy bay Thổ Nhĩ Kỳ không kích lực lượng PKK tại bắc Iraq.

Nếu Thổ đem quân tiến vào Syria để lật đổ Ô. Assad thì sẽ là cuộc xâm lăng trắng trợn, khó ăn nói với quốc tế dù từ lâu Thổ vẫn mong muốn như thế. Sâu thẳm của vấn đề là Thổ Nhĩ Kỳ theo hệ phái Sunni mà Syria lại theo hệ phái Shiite và được Ba Tư hỗ trợ cho nên hai bên thù ghét nhau.

Mấy ngày qua, một số nhà bình luận Hoa Kỳ đã nghĩ tới viễn tượng máy bay Nga và Mỹ sẽ không chiến tại Syria. Thế mới hay sự tranh giành ảnh hưởng giữa các đại cường bề ngoài không thấy gì nhưng bên trong là những toan tính ghế gớm. Ai cũng nói “tái lập hòa bình” nhưng nếu nền hòa bình đó không do mình khống chế thì không được. Nga muốn gia tăng ảnh hưởng ở vùng Trung Đông, trong khi Mỹ bằng mọi giá phải kiểm soát giếng dầu lửa này của thế giới.

Nếu Nga-Mỹ đụng nhau tại Syria thì Hoa Lục “mừng hết lớn” vì Mỹ còn sức đâu mà “xoay trục” về  Á Châu nữa. Rõ ràng Nga đã chuẩn bị để đối phó với Mỹ, kể cả trưng bày một quả bom nguyên tử khổng lồ cho thế giới thấy. Còn Mỹ thì không thể làm thế bởi vì nếu Mỹ cũng báo động toàn quốc thì dân chúng sẽ hoảng loạn, xếp hàng dài cả cây số để mua đồ ăn dự trữ, thị trường chứng khoán tuột dốc cho nên chỉ âm thầm hành động và có khi dấu không cho dân chúng biết về một nguy cơ như vậy. Chúng ta nên nhớ, trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam, các tổng thống Hoa Kỳ đều lừa dối dân chúng về một chiến thắng từ những tài liệu giả mạo của bộ quốc phòng, không ngoài mục đích giữ ghế tổng thống.

Tình hình thế giới biến chuyển rất nhanh và không ai lường trước chuyện gì sẽ xảy ra. Và nếu xảy ra chắc chắn là Đệ III Thế Chiến với những tàn phá khủng khiếp. Chính vì thế mà hầu như toàn thế giới - ngoại trừ Âu Châu - đều giữ vị trí trung lập để tránh thảm họa như Hiroshima và Nagasaki năm xưa. Trên trang tin The Walk, Polina Tikhonova bình luận rằng Điện Kemlin đang phát triển tầu ngầm mang vũ khí nguyên tử không người lái có thể đe dọa vùng duyên hải và hải cảng của Hoa Kỳ,” và “Nga Có Thể Tiêu Diệt Một Vài Quốc Gia Trong Khối NATO” (Russia Could Destroy A Few NATO States).

Bà con ơi, xin đừng đùa với Đệ III Thế Chiến!

Đào Văn Bình
(California ngày 15/9/2015)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp