đậu tương đen hữu cơ

Ý kiến độc giả

14:23 29/03/2017

Nhật ký biển Đông: Lãnh đạo có nên đôi co với truyền thông?

(TG&DT) - Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Ba ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:
Tình hình thế giới:
            
-Newsweek ngày 1/3/2017: “Điện Kremlin một lần nữa lại chỉ trích cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào Libya vài ngày trước cuộc thăm viếng một đất nước đang bị tàn phá bởi chiến tranh, có thể được tiến hành do thủ tướng Nga dẫn đầu. Cuộc tấn công của NATO do Mỹ điều khiển năm 2011, lật đổ và giết chết nhà độc tài Muammar al-Qaddafi diễn ra rất nhanh, nhưng sự xụp đổ của chế độ đưa đã tới nội chiến. Các nhóm Hồi Giáo cực đoan nổi lên trong đất nước mà cựu Tổng Thống Obama, vào cuối nhiệm kỳ đã thú nhận đây là lỗi lầm nghiêm trọng của ông vì thiếu kế hoạch. Lúc đó, Nga dù chống đối chiến dịch quân sự này nhưng đã không phủ quyết nghị quyết của Hội Đồng Bảo An LHQ. Dầu sao đi nữa, Libya đã trở thành một mẫu mực của Điện Kremlin cho thấy Tây Phương không thích hợp cho vùng Trung Đông. Vào ngày 27/2/2017,  phát ngôn viên của Tổng Thống Putin bóng gió cho biết Nga có ý định đóng một vai trò khôi phục lại một chính quyền mạnh cho Lybia.”
            
Ôi độc tài! Ta thù ghét mi. Nhưng khi mi chết rồi thì đất nước nội chiến, tan nát và người dân lại thương tiếc mi. Trước thực tế nghèo đói, tan hoang của đất nước Libya, một số người dân và binh sĩ tham gia cuộc lật đổ Ô. Qaddafi nay lại thương tiếc ông.
            
-AP ngày 4/3/2017: “Thủ tướng Somalia cho biết 110 người đã chết trong 48 giờ qua trong một vùng vì đói- số chết vì nạn hạn hán nghiêm trọng đang đe dọa nhiều triệu người khắp đất nước. Vào ngày 28/2/2017, chính quyền Somalia đã tuyên bố hạn hán là thảm họa cho cả nước. Liên Hiệp Quốc ước lượng 5 triệu dân trong vùng Sừng Phi Châu đang cần giúp đỡ giữa nguy cơ nạn đói lan tràn. LHQ năm 2017 kêu gọi số viện trợ nhân đạo 864 triệu đô-la cho 3.9 triệu dân. Nhưng Chương Trình Thực Phẩm LHQ đòi xin thêm 26 triệu để đáp ứng với nạn hạn hán.”
            
- AP ngày 4/3/2017: “Hoa Lục cảnh cáo sẽ là sự tổn hại nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa hai nước nếu nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong Đạt Lai Lạt Ma thăm viếng vùng đất chưa được phân định tại vùng biên giới. Bắc Kinh đã bày tỏ lo ngại với Tân Delhi trong nhiều trường hợp và thúc giục Ấn Độ tránh không cho Đức Đạt Lai Lạt Ma tiến hành các hoạt động ly khai chống lại Hoa Lục.”
            
-Newsweek ngày 6/3/2017: “Bộ Trưởng Quốc Phòng Do Thái Avigdor Lieberman cho biết Hoa Kỳ đã cảnh báo Do Thái về một cuộc khủng hoảng cấp kỳ nếu Do Thái thôn tính vùng Tây Ngạn (West Bank) của Palestines.” Tổng Thống Donald Trump đã chính thức mời Tổng Thống Abbas của Palestines viếng thăm Tòa Bạch Ốc.
            
-AP ngày 12/3/2017: “Tổng Thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm gia tăng căng thẳng với những quốc gia Âu Châu khi nói rằng Đức Quốc Xã vẫn còn sống ở Âu Châu sau khi hai bộ trưởng của Thổ bị ngăn cản không cho tham gia cuộc vận động trưng cầu dân ý của Thổ tại Hà Lan và đe dọa Hà Lan sẽ phải trả giá cho hành động bất thường này.” Cùng ngày Reuters cho biết, “Thủ Tướng Hà Lan nói  rằng nhận xét của Tổng Thống Erdogan là không thể chấp nhận được khi so sánh Hà Lan với Đức Quốc Xã và sẽ không giúp gì cho việc xuống thang căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.”
            
Tôi không bênh gì Hà Lan dù trong quá khứ Hà Lan là một đế quốc hung ác. Tuy nhiên Ô. Erdogan có kiểu tuyên bố ngang tàng và bất thường như Bắc Hàn, muốn nói gì thì nói, bất kể đúng sai, hợp lý hay không hợp lý. Mình gửi bộ trưởng sang nước người ta nhưng không phải là chuyện cần bàn thảo giữa hai quốc gia, mà là để vận động 1.5 triệu người Thổ ở Hà Lan có quyền bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý tại Thổ. Vì vấn đề an ninh, Hà Lan từ chối. Vậy thì mình phải thông cảm cho người ta chứ. Chơi với bạn mà không chịu thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của bạn thì làm sao chơi lâu dài được? Thổ Nhĩ Kỳ đang là cục xương mắc trong cổ họng NATO và Mỹ. Tin tức mới nhất cho biết Thổ đã ngưng tất cả mọi liên hệ ngoại giao với Hà Lan.

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao 1.5 triệu người Thổ đã là công dân Hà Lan lại không gắn bó với quốc gia mà mình đã “nhận nơi này là quê hương”, mà lại gắn bó và có quyền can dự vào chính trị ở quốc gia mà mình đã rời bỏ? Phải chăng hệ thống chính trị của Hà Lan quá phóng túng chăng? Cứ thử tưởng tượng 1.2 người Hoa (Tàu) sống ở Việt Nam sinh hoạt chính trị gắn bó với Hoa Lục, có quyền tham gia những sinh hoạt chính trị của Hoa Lục, có quyền bầu cử, ứng cử vào những chức vụ ở Thượng Hải, Quảng Đông, Quảng Tây…thì đất nước Việt Nam ra sao? Có lẽ biện pháp hay nhất là mời khối 1.2 triệu người này về Trung Hoa để họ tha hồ gắn bó với quê hương, đất nước của họ.

-Aljazeera.com ngày 13/3/2017:”Hoa Kỳ lại yêu cầu Cambodia trả món nợ chiến tranh 500 triệu đô-la khiến gây phẫn nộ nơi quốc gia Đông Nam Á này. Khoản cho vay khởi đầu là 274 triệu vào thập niên 1970 mà Hoa Kỳ nói rằng để dùng để hỗ trợ lương thực. Nhưng Thủ Tướng Hunsen lại gọi đó là tiền bẩn thỉu dùng để mua vũ khí. Ô. Hunsen nói Hoa Kỳ không có quyền đòi lại món nợ đã nhuốm máu vì những cuộc oanh tạc của Mỹ vào lãnh thổ Cambodia trong thời kỳ Chiến Tranh Việt Nam. Hoa Kỳ đã tạo ra khó khăn trên đất nước chúng tôi mà lại đòi tiền chúng tôi. Chúng tôi cũng yêu cầu Hoa Kỳ phải bồi thường những thiệt hại và tàn phá do Hoa Kỳ gây ra. Chúng tôi chỉ muốn Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về món nợ. Ông Hunsen đã gọi điện thoại cho Tổng Thống Donald Trump yêu cầu hủy bỏ món nợ này nhưng Hoa Thịnh Đốn không quan tâm tới thỉnh nguyện yêu cầu hủy bỏ thỏa hiệp cách đây nhiều thập niên.”

Trước 1975 chúng ta ít biết về cuộc tham chiến của Mỹ tại Kampuchia ngoại trừ cuộc hành quân phối hợp Mỹ-VNCH tràn qua Kampuchia năm 1970. Theo tài liệu, Nixon đã ra lệnh ném 2.7 triệu tấn bom xuống xứ Chùa Tháp, lớn hơn số bom ném xuống Nhật Bản trong Đệ II Thế Chiến. Tôi không hiểu tại sao chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, Hoa Kỳ muốn “xoay trục” về Á Châu nơi mà các quốc gia Đông Nam Á đóng vai trụ cột, lại đi đòi nợ một quốc gia nghèo đói và chẳng đáng là bao so với ngân sách khổng lồ của Mỹ. Đáng lý ra, khi mà Cambodia đang ngả dần về phía Hoa Lục, Hoa Kỳ nên xóa nợ và viện trợ cho quốc gia này để cần bằng ảnh hưởng với Trung Quốc. Hay đây là biện pháp trừng phạt của Mỹ vì Cambodia đã ngả về phía Hoa Lục? Nếu thế thì đây là một sai lầm trong chiến lược ngoại giao và càng đẩy Cambodia, Thái Lan, Miến Điện về phía Trung Quốc. Trong khi Mỹ đòi nợ Kampuchia thì Trung Quốc vừa ký thòa hiệp lên tới 1.7 tỉ đô-la để giúp mua nông sản của Phi Luật Tân theo chính sách “Phóng tài hóa, thu nhân tâm”. Cho nên chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên, ngoại trừ Việt Nam, ảnh hưởng của Mỹ đang xói mòn tại khu vực Đông Nam Á.

-Business Insider/ Fox News ngày 14/3/2017: “Vụ tai tiếng khiến cấp trên phải mở cuộc điều tra và khai trình trước quốc hội, cả ngàn binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ truyền cho nhau coi hình khỏa thân của nữ đồng đội qua nhóm Facebook riêng, đã trở thành tùm lum hơn như báo cáo lúc ban đầu. Business Insider được biết cái kiểu truyền cho nhau coi hình cởi truồng như thế lan ra ngoài thủy quân lục chiến và nhóm Facebook. Cả ngàn hình cởi truồng của các nữ binh đồng đội thuộc đủ mọi binh chủng đã được truyền cho nhau coi qua luồng thông tin Facebook có lẽ từ Tháng Năm năm ngoái.”

Khi lính chiến độc thân xa nhà, hoặc có vợ nhưng vợ ở xa tít mù khơi. Khi các nữ quân nhân tuổi căng đầy nhựa sống, ngoài giờ công vụ, ngồi một mình bên vọng gác, hay ở một chốt chặn…biết làm gì đây? Thôi thì cho anh ấy “coi một tí” có mất mát gì đâu? Chỉ cần chiếc iphone, ipad là có hình ngay. Miền Nam trước đây có câu hát rất phổ biến, “Lính mà em”. Nhận được những hình này, lính coi vừa sung sướng vừa quên đi bao nỗi nhớ nhà, nỗi sợ vì bom đạn và sự nhàm chán của đời nhà binh. Nhìn hình, cười khúc khích, bình phẩm chán chê rồi bảo nhau gửi đi khắp nơi để rồi lại nhận được những hình hấp dẫn khác gửi tới. Dĩ nhiên chuyện này nó vi phạm quân kỷ và vi phạm đạo đức vì không tôn trọng phẩm giá của bạn đồng ngũ. Nhưng xét cho cùng nó cũng giúp cho lính -nam lẫn nữ- giải tỏa bớt ẩn ức tình dục. Vậy các ông tướng chỉ huy giải quyết sao đây? Cấm các nữ quân nhân không được chụp hình khỏa thân gửi tặng bồ? Cấm các ông không được chụp hình lén khi các nữ quân nhân tắm? Liệu cấm được không? Có lẽ cuối cùng chỉ cảnh cáo và rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy. Bởi vì đây là chuyện muôn đời của lính, nhất là đối với lính viễn chinh như lính Mỹ. Hiện nay Hoa Kỳ có khoảng 100 căn cứ quân sự trên toàn thế giới. Nếu binh sĩ chỉ đóng trên nước Mỹ thì có lẽ “tệ trạng” này không có vì quân nhân có thể thường xuyên được “nghỉ phép” để giải quyết vấn đề gia đình.

-AP ngày 14/3/2017: “Một cựu đô đốc Hải Quân Hoa Kỳ là một trong chín sĩ quan bị bắt giữ trên toàn quốc vì tội tham nhũng liên quan đến một nhà thầu quốc phòng Mã Lai có biệt danh là Fat Leonard. Việc truy tố tiến hành tại tòa án ở San Diego cho rằng Đô Đốc Bruce Loveless và những sĩ quan khác đã nhận những khoản hối lộ như gái điếm, những bữa ăn sang trọng và những chuyến du lịch đắt tiền từ Leonard Francis để đổi lấy những tin tức giúp cho công ty của ông ta có tên là Glenn Defence Marine Asia.”

-Reuters (Brussels) ngày 14/3/2017: “Tòa án cao nhất của Liên Hiệp Âu Châu vừa phán quyết các công ty/cơ sở kinh doanh có thể cấm nhân viên choàng khăn đội đầu của Hồi Giáo và những biểu tượng tôn giáo có thể nhìn thấy trong một số trường hợp, khiến gây ra một làn sóng khiếu nại từ các nhóm bảo vệ nhân quyền và lãnh đạo tôn giáo.”

Mới đây, trước tình trạng nữ sinh trung học Pháp gốc Hồi Giáo trùm khăn đội đầu khiến gây xáo trộn trong trường học, tổng thống Pháp đã phải ban hành luật cấm chùm khăn đội đầu và đeo thập giá quá lớn. Từ sự kiện này chúng ta thấy, các tôn giáo cực đoan thường muốn phơi bày, khoe khoang biểu tượng tôn giáo mình tại nơi công cộng, gây khó chịu cho những người khác, nếu không khéo sẽ tạo xung đột. Đó là vấn nạn mà thế giới ngày nay đang phải đối đầu. Sự phản đối của các nhóm bảo vệ nhân quyền “rights groups” nói ở trên, vô tình tiếp tay cho việc chia rẽ và bất ổn trong xã hội vì nó đi quá xa trong việc bênh vực những ý muốn cá nhân cực đoan.

Tình hình Syria:

-Reuters ngày 3/3/2017:”Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đã ngăn chặn một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An LHQ áp đặt cấm vận lên chính quyền Syria vì những nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học. Nga, Trung Quốc và Bolivia đã phủ quyết nghị quyết do Anh, Pháp và Hoa Kỳ đưa ra và đã được 9 quốc gia đồng ý.”

-AFP ngày 3/3/2017: “ Từ xa, lính Mỹ ngồi trên thiết vận xa Humvee quan sát hai đồng minh của họ là lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ và liên minh Kurd-Ả Rập quần thảo nhau để tranh quyền kiểm soát Manbij nằm ở bắc Syria. Một phóng viên AFP cho biết họ thấy lính Mỹ trong khi tuần tra mặt bắc của thành phố Manbij chỉ mỉm cười xem cuộc đụng độ dữ dội giữa hai phe đồng minh ở phía bắc.”

Tình hình Syria bây giờ cũng giống như Kampuchea năm 1977, ngoải Khmer Đỏ còn có đủ thứ Khmer Xanh, Trắng, Vàng, Khmer Tự Do...mỗi ông hùng cứ một phương. Nếu Khmer Đỏ không bị tiêu diệt thì Kampuchea cũng đã bị chia năm xẻ bảy rồi. Syria ngày nay ngoài Al-qaeda, Nhà Nước Hồi Giáo, phe người Kurd, 41 phe phiến quân chống đối nhau, đất nước còn có đủ thứ quân ngoại nhập như Mỹ, Nga, Ba Tư, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Ô. Assad không giữ yên được hơn nửa phần đất nước thì Syria cũng đã gánh một thảm họa như Somalia, Libya.

Thế mới hay khi chính quyền trung ương xụp đổ do ngoại bang tiến quân vào thì các “thổ hào” sẽ nổi lên hùng cứ một phương. Các thổ hào, lãnh chúa sẽ tìm chỗ dựa từ một ngoại bang nào đó, cho nên đất nước sẽ tan nát hoặc bị chia cắt theo lằn ranh sắc tộc hay tôn giáo. Ngày nay, ngoại trừ các thiên tai, loài người không có mối đe dọa chung nào ghê gớm cả cho nên không cần đoàn kết, do đó sắc tộc và tôn giáo đang là con dao chia cắt hành tình này thành những mảnh nhỏ.

-Reuters ngày 9/3/2017: “Bộ Trưởng Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng Thổ có thể tấn công lực lượng người Kurd  YPG do Hoa Kỳ hỗ trợ nếu họ cùng binh sĩ Mỹ tiến quân vào một thành phố của Syria. Phát ngôn viên của Tổng Thống Erdogan nói rằng lực lượng YPG phải dời khỏi Manbij và tiến về bờ đông của Sông Euphrates mà Thổ coi đây là vòng đai an ninh của Thổ. Theo AP, thủ tưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Hoa Kỳ có thể sẽ gánh chịu thiệt hại lớn về ngoại giao với một thành viên của NATO (Thổ) nếu lực lượng người Kurd tháp tùng binh sĩ Hoa Kỳ trong cuộc tiến công tái chiếm Raqqa.

Tình hình Syria vô cùng phức tạp. Hoa Kỳ muốn lực lượng người Kurd tháp tùng để chia xẻ gánh nặng với lính Mỹ trong cuộc tiến quân vào Raqqa và cũng là lực lượng chiếm giữ sau này khi lính Mỹ rút đi. Thế nhưng nếu Raqqa lọt vào tay phe người Kurd nó sẽ trở thành thủ đô trong thực tế của sắc tộc Kurd. Nó sẽ trở thành căn cứ địa để hỗ trợ cho sắc tộc Kurd đang chiến đấu đòi độc lập ở nam Thổ Nhĩ Kỳ cho nên nếu không khéo Hoa Kỳ sẽ đụng độ với Thổ Nhĩ Kỳ tại đây. Hoa Kỳ vừa tăng viện thêm 400 thủy quân lục chiến nâng tổng số binh sĩ tham chiến tại Syria lên 900. Nếu cuộc chiến Syria giải quyết không khéo, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị chia cắt để tạo vùng tự trị hay độc lập cho người Kurd có khuynh hướng thân Mỹ. Khi đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ và Thổ có thể rút chân ra khỏi NATO. Tình hình Syria rối bời là ở chỗ đó. Nếu như Ô. Obama không viện trợ 600 triệu đô-la, trả lương, huấn luyện, trang bị vũ khí cho phe phiến quân để chống lại Ô. Assad, có lẽ tình hình Syria không bế tắc như ngày hôm nay mà Ô. Trump gọi đó là “một mớ xà bần” (a mess).

-AP ngày 10/3/2017: “Syria nặng nề chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ đã can thiệp vào nước này bằng cách hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy để lật đổ Tổng Thống Assad và kêu gọi Hội Đồng Bảo An LHQ buộc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân ra khỏi Syria.”

Nói một các công bằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã ỷ mạnh hiếp yếu, ngang nhiên đem quân vào Syira để hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy lật đổ một chính quyên hợp pháp và cũng nhằm tiêu diệt lực lượng người Kurd đang đòi độc lập, hiển nhiên vi phạm Hiến Chương LHQ mà không hề thấy LHQ lên tiếng về việc này. Nguyên do Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong NATO mà LHQ thì không dám đụng tới NATO.
Tình hình Biển Đông:

-AP ngày 4/3/2017: “Các giới chức Hoa Kỳ cho biết ba thành viên của nội các Phi Luật Tân trong đó có bộ trưởng quốc phòng và một số giới chức an ninh đã thăm viếng HKMH Carl Vinson chạy bằng năng lượng nguyên tử, đang tuần tra tại Biển Đông là vùng đang có tranh chấp theo lời mời của Hải Quân Hoa Kỳ.” 

Chính sách ngoại giao của Phi Luật Tân thật khó lường. Lúc thì nói các cường quốc không được lợi dụng tình hình tại Biển Đông để thủ lợi riêng, lúc thì muốn lính Mỹ rời khỏi Phi Luật Tân, nay các thành viên của nội các lại thăm viếng một hạm đội tác chiến đang tuần tra ở Biển Đông…tức hoan nghênh sự hiện diện của Hoa Kỳ tại đây. Có lẽ Bắc Kinh cũng nhức đầu vì Ô. Duterte. Theo AP ngày 25/2/2017, Trung Quốc bất ngờ hủy bỏ chuyến thăm Phi Luật Tân do bộ trưởng thương mại dẫn đầu cùng với một phái đoàn hùng hậu dự trù vào ngày 23/2/2017 chỉ vì ngoại trưởng Philippines tuyên bố lo ngại Trung Quốc biến các đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự cũng như bố trí vũ khí ở Biển Đông trong một cuộc họp của ASEAN, trong lúc bang giao Hoa-Phi đang trở nên nồng ấm.
Nếu Ô. Duterte cân bằng được ảnh hưởng giữa Mỹ và Hoa Lục, phát triển kinh tế, đưa đất nước đi lên thì ông là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Phi Luật Tân. Ngược lại, ông sẽ phá nát Phi Luật Tân và tạo bất ổn cho vùng Đông Nam Á.

-AP ngày 5/3/2017: “Bộ tài chính Trung Quốc loan báo ngân sách quốc phòng năm nay sẽ lên tới 1 ngàn tỉ Nguyên tức 151 tỉ đô-la  là con số không cho công chúng biết nhưng đã được phổ biến trước khóa họp thường niên của quốc hội.”

Cũng cần nhắc lại ở đây, ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2016 là 610 tỉ đô-la và Tổng Thống Donald Trump dự trù tăng thêm 54 tỉ nữa tức 664 tỉ cho tài khóa 2017, trong khi ngân sách quốc phòng  Nga 95 tỉ và Việt Nam khoảng 4 tỉ đô-la.  Hiện nay Hoa Lục duy trì quân số khoảng 2,300,000 trong khi Việt Nam là 450,000 và Mỹ khoảng 1 triệu lính.

-Reuters ngày 9/3/2017: “Bộ trưởng quốc phòng Phi Luật Tân nói rằng ông không yên tâm về việc tàu khảo sát Trung Quốc tiến vào sâu 200 hải lý thuộc khu đặc quyền kinh tế và khu vực thềm lục địa của Phi Luật Tân.”

Ông Ba Tàu Bắc Kinh theo chính sách “tằm ăn dâu” , “thái xúch -xích”. Khi thì họ dùng tàu chiến, khi dùng tàu đánh cá, giàn khoan dầu, tàu khảo sát để tiến vào thềm lục địa hay khu đặc quyền kinh tế của người ta để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của mình. Các nước nhỏ như Phi Luật Tân và Việt Nam khó lòng đối phó với chiến thuật “lấy thịt đè người” này. Ngoài Mỹ ra thì không một ai có khả năng ngăn chặn tham vọng bành trướng lãnh thổ của Hoa Lục tại đây. Thế nhưng Hoa Kỳ lại tuyên bố đứng trung lập (không theo bên nào) trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ mà chỉ can dự vào vấn đề quân sự hóa Biển Đông và tự do hàng hải, cho nên về vấn đề lãnh thổ, Việt Nam và Phi Luật Tân phải tự lo liệu lấy. Thế nhưng về sức mạnh quân sự và về người, Việt Nam và Phi Luật Tân như “châu chấu đá xe”. Chống thì không được, hòa dịu cũng không xong. Nằm cạnh một láng giềng khổng lồ hung ác, Đại Việt ta khổ vì nô lệ và triều cống hơn 2000 năm, chứ không phải ngày nay mới khổ. Ai có kế sách gì “bẻ cổ” Hoa Lục, lấy lại Hoàng Sa (mất năm 1974), chiếm luôn sáu hòn đảo nhân tạo, đuổi tàu chiến Hoa Lục lui về cố thủ ở ven biển. Khi đó Tập Cận Bình thua to, sợ quá phải cử sứ thần qua tạ tội với Việt Nam, Phi Luật Tân…xin công bố “diệu kế” ấy cho bà con biết, nhất là trình lên Ngũ Giác Đài để dứt điểm cái nọc độc của Á Châu và có thể cho loài người này…cho rồi. Hiện nay Hoa Lục đang trương bảng hiệu TRUMP khắp nơi để quảng cáo cho sản phẩm của con gái ông Trump. Tháng tới, Ô. Trump sẽ tiếp đón Ô. Tập Cận Bình trong khuôn khổ cuộc họp thượng đỉnh tại dinh thự nghỉ mát Mar-a-Lago, Florida. Do đó chuyện Hoa Kỳ mở một cuộc chiến tranh tổng lực để tiêu diệt Hoa Lục có lẽ phải đợi ít ra 50 năm nữa. Trong tình thế hiện tại, Việt Nam giữ yên không để mất thêm các đảo là may lắm rồi. Đòi lại Hoàng Sa có thể chỉ là giấc mơ ngàn năm nữa chưa chắc có. Nhưng chuyện khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa là điều phải làm và làm liên tục cho đến khi trái đất này xụp đổ.

-Bloomberg News ngày 3/9/2017: “Theo một giới chức ngoại giao cao cấp của Anh, Miến Điện sẽ là một Việt Nam hay Thái Lan thứ hai với khả năng tiềm tàng kinh tế gia tăng 10 % mỗi năm.” (Myanmar could be the next Vietnam or Thailand, with the economy having the potential of growing as much as 10 percent, a senior British diplomat said.)

-International Business Times ngày 10/3/2017: “Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam nói rằng ông sẵn sàng thăm viếng Hoa Kỳ để gặp Tổng Thống Donald Trump với hy vọng tăng cường quan hệ song phương và cũng hết sức mong muốn làm việc với bộ tham mưu của Ô. Trump về vấn đề mậu dịch.”

(Vietnamese Prime Minister Nguyen Xuan Phuc said on Friday (10 March) that is ready to visit the US to meet President Donald Trump in hopes of strengthen bilateral ties further. He also expressed his eagerness to work with the new administration, particularly towards trade.). Đây là dấu hiệu cho thấy, khác với Phi Luật Tân, Việt Nam rất cần sự hiện diện của Mỹ về cả hai mặt kinh tế lẫn quân sự, nhất là tại Biển Đông.

-Reuters ngày 13/3/2017: “Nhật Bản vào Tháng 5 sẽ cho triển khai chiến hạm lớn nhất, HKMH chở trực thăng tuần tra ở Biển Đông trong ba tháng. Đây là sự phô diễn sức mạnh quân sự lớn nhất của Nhật sau Đệ II Thế Chiến.” Theo Reuters ngày 14/3/2017 “Trung Quốc  chờ Nhật Bản giải thích lý do đưa HKMH Izumo đến Biển Đông nhưng hy vọng Tokyo hành xử có trách nhiệm.”

Đối với nền hòa bình thế giới thì đây là tin không vui. Nhưng đối với thực tế chính trị “Xuân Thu Chiến Quốc” thì lại là điều nên làm để ngăn chặn một thảm họa lớn hơn đó là sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. Chúng ta kính trọng dân tộc Trung Hoa nhưng chúng ta lên án chính sách Đại Hán của vua quan Trung Hoa trong quá khứ và chính sách bành trướng, ăn hiếp các nước nhỏ bây giờ. Hoa Lục có quyền trỗi dậy và có quyền trở thành siêu cường nhưng phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Chà đạp lên luật pháp quốc tế tức trở thành “cướp biển trên quy mô quốc gia” chắc chắn sẽ bị thế giới liên kết lại tru diệt giống như tru diệt Đức Quốc Xã vậy. Có lẽ HKMH Izumo cũng nên ghé Cam Ranh để bà con ngắm chơi cho biết. Phụ họa thêm tình hình căng thẳng tại Biển Đông, Việt Nam vừa lên tiếng yêu cầu Trung Quốc ngưng ngay việc đưa thuyền du lịch chở 300 người ra thăm Quần Đảo Hoàng Sa. Cái kiểu ăn cướp đảo của người ta (năm 1974) rồi lập hệ thống hành chánh quản trị, rồi đưa người từ đất liền ra đây du lịch là thủ đoạn “rẻ tiền” để khẳng định “chủ quyền” của một quốc gia khổng lồ nhưng thiếu tư cách.

Nhận định:

Vào ngày 5/3/2017, Newsweek đưa tin, “Thủ Tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc đã đưa ra nhận xét trước khi đọc bài diễn văn khai mạc phiên họp thường niên của quốc hội là Trung Quốc kiên quyết chống đối và ngăn chặn Đài Loan đòi độc lập.”

Như vậy vấn đề Đài Loan đòi độc lập rồi cũng “chìm xuồng”. Chuyện Ô. Trump nói chuyện qua điện thoại với Bà Thái Anh Văn chỉ ồn ào một thời gian rồi đâu vào đó. Một Đài Loan “độc lập trên thực tế” không cấn tuyên bố có lẽ là giải pháp thích hợp nhất trong giai đoạn hiện tại. Ô. Trump mới nhậm chức, có thể không biết gì về chính sách “một nước Trung Hoa” cho nên tuyên bố ồn ào, nay cũng im luôn.

Nước Mỹ có phương thức “On the job training” tức nều cần thì các công ty cứ mướn người không kinh nghiệm, vừa làm vừa học. Ông Trumgp là tổng thống nhưng cũng phải học cách làm tổng thống bởi vì không một ai đẻ ra đã là tổng thống cả. Ô. Bush Con nói rằng chuyện gì mà tổng thống phải giải quyết đều khó khăn và nhức đầu. Đúng vậy, chuyện nhỏ thì làng, xã giải quyết xong rồi. Chuyện to hơn một tí thì ông quận, ông huyện, ông tỉnh giải quyết xong rồi. Nếu chuyện làng, xã, quận, tình giải quyết không xong mà phải đưa lên thủ tướng, tổng thống …phải là chuyện không êm rồi đó. Quyết định của tổng thống Hoa Kỳ không những ảnh hưởng tới 300 triệu dân mà còn ảnh hưởng tới toàn thế giới. Cho nên xin ông Trump hết sức cẩn thận nghe ông. Hứng chí tuyên bố ẩu tả, 2:00 giờ sáng không ngủ thức dậy “tweet” mà không tham khảo ý kiến cố vấn, chắc chắn sẽ mang họa vào thân. Ô. Michael Hayden- cựu Giám Đốc Trung Ương Tình Báo (CIA) nói rằng “Có lúc Ô. Trump quên mất mình là tổng thống” (It looks as if the president just for a moment forgot that he was president.).

Kể từ lúc nhậm chức vào ngày 20/1/2017, khách quan mà nói, Ô. Trump rất nhiệt tình với công việc, lo lắng cho nền an ninh, kinh tế, công ăn việc làm của người dân. Chứng khoán chạm mức kỷ lục 21,000. Tháng Hai gia tăng 235,000 công việc, thất nghiệp hạ xuống mức 4.7%. Đó là điều tốt, nhưng căn bệnh trầm kha của Mỹ không thể chữa lành trong ngày một ngày hai. Có lẽ Ô. Trump nên ngồi Thiền để bồi dưỡng “Tinh, Khí, Thần” và luôn luôn tâm niệm “Tôi là tổng thống, tôi đang là tổng thống” để thấy mọi cử chỉ, hành động, lời nói của ông đang được cả thế giới theo dõi và đối với truyền thông họ sẽ khai thác để kiếm tiền, câu khách và triệt hạ ông.

Xứ nào cũng vậy, chính quyền luôn luôn nhức đầu để đối phó với truyền thông. Những vụ tai tiếng liên quan đến những nhân vật quan trọng trong chính phủ đều là những đề tài hấp dẫn người đọc và người xem.  Khi đó báo sẽ bán chạy, quảng cáo truyền hình gia tăng và như thế truyền thông sống ung dung. Truyền thông mà không có tin tức gì hấp dẫn thì chỉ có nước đăng tin “xe cán chó, chó cán xe” hoặc khai thác chuyện phòng the (bây giờ gọi là chuyện sex) hoặc chuyện các cô ca sĩ, hoa hậu, người mẫu ăn mặc, gầy ốm thế nào, có tình nhân chưa, nếu có rồi thì chừng nào ly dị, có con chưa, nếu có con thì con cái như thế nào, tán dương như thể công chúa, hoàng tử nước Anh vậy. Đây là thứ quảng cáo trá hình để kiếm tiền. Truyền thông muốn nổi tiếng luôn luôn phải “săn tin” nếu không thì phải bới móc hoặc mập mờ về những sai sót của chính phủ hoặc những nhân vật trong chính phủ hoặc loan tin giả tạo như tờ New York Times, đài truyền hình CNN như lời Ô. Trump tố cáo. Do đó, nhiều đảng hay lãnh tụ chính trị quá sợ cho nên đã phải “đút” tiền cho truyền thông- chẳng hạn như Bà Clinton- để bịt miệng họ lại.

Là tổng thống, mình không nên đôi co với bất cứ ai, dù là một thượng nghị sĩ. Các ông dân biểu, thượng nghĩ sĩ, nhất là phe đối lập, thường lên tiếng chỉ trích tổng thống - có thể đúng - nhưng cũng có thể chỉ là cách để “nổi” hay để cử tri biết đến mình. Cách tốt nhất là cứ lơ đi. Nếu chuyện quan trọng thì  để phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc trả lời. Một ông thượng nghị sĩ sẽ không “đau” nếu bị tổng thống chỉ trích, nhưng sẽ rất “đau” nếu bị phát ngôn viên phủ tổng thống phê bình. Càng đôi co với bất cứ ông dân biểu/thượng nghị sĩ nào thì chỉ làm cho ông ấy nổi tiếng và mình thì lỗ vốn và trở thành đề tài khai thác của truyền thông. Trong bốn năm tới, Ô. Trump là đề tài kiếm sống của truyền thông. Nếu đôi co, ông sẽ sa lầy vào trận chiến không có chiến thắng khiến ông không làm được chuyện gì khác. Do đó, làm tổng thống đôi khi cũng phải giả câm giả điếc giống như một câu ngạn ngữ của Trung Hoa “Đại trí nhược ngu. Hư hoài nhược cốc” tức kẻ đại trí thì người đời tưởng như ngu đần, tề tệ như lúa gạo. Nhưng trên đời này, cái linh thiêng, quý giá cách mấy cũng có thể bỏ. Nhưng lúa gạo mà bỏ là chết liền.

Xin nhớ cho, bất cứ ông tổng thống nào cũng có đầy đủ quyền hạn để làm việc. Cứ làm và làm tốt cho dân. Đó là câu trả lời tốt nhất cho truyền thông và dư luận. Ngày nay, với Facebook, Twitter, diễn đàn YahooGroups, trái đất này có cả tỷ thứ dư luận xuất hiện từng giây từng phút giống như sóng trên mặt đại dương. Đối với các nước chậm tiến Á Phi và Châu Mỹ La-Tinh như Thái Lan hoặc Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn, nếu truyền thông nói xấu hoặc chống đối chính phủ, cho cảnh sát tấn công vào tòa soạn, bắt giữ chủ nhiệm, truy tố ra tòa, bỏ tù, đóng cửa báo và như thế là truyền thông “im re”. Năm 2016, Tổng Thống Erdogan của Thỗ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt giam 120 ký giả. Ông Tướng Prayut Chan-Ocha- thủ tướng Thái Lan còn đe dọa bắn bỏ những nhà báo loan tin không đúng sự thực. Còn quá tự do như Mỹ và Âu Châu thì không được. Có thể rồi đây Tây Phương không chết vì kẻ thù mà chết vì xã hội quá phóng túng, đảng phái tranh đoạt quyền hành triệt hạ nhau khiến đất nước nát bét. Một trong những khía cạnh bất lương của truyền thông là tung tin giả tạo, loan tin chưa kiểm chứng, “bới bèo ra bọ”, cứ nhè cái không đúng của người ta mà bêu xấu, trong khi đó thì lờ đi cái tốt, cái thành công của người ta. Truyền thông loan tin trung thực là tấm gương soi cho đất nước. Truyền thông bất lương là con rắn độc trong lòng quần chúng, làm rối loạn xã hội. Giáo Hoàng Francis mới đây nói rằng loan truyền tin tức giả tạo là trọng tội. “ (Pope Francis say spreading fake news is a sin.” (New York Post)

Cho nên ở bất cứ quốc gia nào, lãnh đạo khôn ngoan là không nên đối đầu với truyền thông mà tập trung nỗ lực phục vụ quần chúng. Thành quả của lãnh đạo là câu trả lời cho truyền thông. Hãy để quần chúng “nói chuyện” với truyền thông. Khi đất nước yên bình, người dân “ăn nên làm ra”, con cái được học hành nên người, ngày nghỉ hội hè, vui chơi, giải trí…thì truyền thông nói trời nói đất gì người dân cũng chỉ xem qua, nghe qua rồi bỏ. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa lãnh đạo nhu nhược. Lãnh đạo có lúc phải hết sức cương quyết. Nếu có bằng chứng truyền thông loan tin bịa đặt, phá hoại, phải cương quyết truy tố ra tòa để răn đe. Truyền thông không thể lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đứng trên luật pháp.

Ông Trump còn bốn năm để làm tổng thống. Xin ông cứ từ từ, các cụ Việt Nam dạy rằng, “Dục tốc bất đạt” tức “Muốn nhanh thì hỏng việc”. Nhiều khi cũng phải “Lùi một bước để tiến ba bước”. Xin nhớ cho lòng dân rất “bạc” (Bạc như dân, bất nhân như lính). Bây giờ ông thành công, nhưng năm cuối cùng ông thất bại thì người dân sẽ quên mất những gì ông làm tốt trong quá khứ và sẽ kết tội ông. Ngược lại, bây giờ ông thất bại nhưng năm cuối cùng ông thành công thì người dân lại nhớ ơn ông và bỏ phiếu nếu ông tái tranh cử. Cho nên giống như tay đua xe đạp đường trường, vừa khởi đầu đã bung hết tốc lực thì “húp cháo rùa”. Cứ đạp từ từ theo đám đông, đợi tới lúc chỉ còn 1 cây số thì bứt phá đi và khi chỉ còn 200 thước sẽ phóng ra  cú rút thần tốc cuối cùng….và thắng cuộc. Ô. Trump ơi, muốn làm tổng thống giỏi phải có cố vấn giỏi và phải biết lắng nghe. Muốn làm đại anh hùng phải có quân sư tài kinh thiên động địa như:  Lý Công Uẩn có Vạn Hạnh Thiền Sư và Đào Cam Mộc, Lê Lợi có Nguyễn Trãi, Vua Trần Nhân Tông có Thái Sư Trần Thủ Độ. Bất cứ ông tổng thống, thủ tướng nào mà quyết định một mình sẽ thất bại.

Đào Văn Bình
(Calirfornia ngày 15/3/2017)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp