đậu tương đen hữu cơ

Phong tục tập quán

20:05 07/05/2011

Tín ngưỡng liên quan đến chữa bệnh của người La Ha

(TG&DT) - Đôi khi thầy rung người hay bật người lên thể hiện việc thầy đang xuất hồn ”ky sảm" vào một thế giới bên kia hay ma nhập về cứu người bệnh. Một thầy Sa man có khả năng xuất hồn "ky sảm" nhìn thấy thế giới bên kia - thế giới bên kia vô hình

Vào một bản người La Ha, bỗng nghe thấy tiếng kèn pí lao rúc lên từng hồi lảnh lót, lúc trầm, lúc bổng, lúc nhanh, lúc chậm, tiếng chuông lắc… ăn nhập cùng nội dung bài cúng. Đó là buổi lễ cúng chữa bệnh, gọi hồn ”ky sảm", đuổi ma… của thầy Sa man.

 

Khi hành lễ, nhà thầy mặc áo (áo của thầy tượng trưng cho áo 9 lớp: "phưn xửa cẩu chặn ma hôm âu cu": áo chín lớp theo tôi bao bọc lấy tôi - trích trong bài cúng tiễn linh hồn ”ky sảm"), mũ (khăn) làm điểm cho ma nhập vào, thầy vượt qua nhiều cửa ải làm phép gọi hồn ”ky sảm" hay đuổi ma giúp cộng đồng.

 

Đôi khi thầy rung người hay bật người lên thể hiện việc thầy đang xuất hồn ”ky sảm" vào một thế giới bên kia hay ma nhập về cứu người bệnh. Một thầy Sa man có khả năng xuất hồn "ky sảm" nhìn thấy thế giới bên kia - thế giới bên kia vô hình đòi hỏi nhà thầy phải học qua nhiều bài cúng, có bàn thờ sư thầy riêng, các thế lực âm binh phù trợ và các đạo cụ hỗ trợ hành nghề tôn giáo: kèn, quạt, vòng bạc, kiếm, chuông… Buổi hành lễ chữa bệnh hoà quyện cùng nghệ thuật tạo hình thông qua trang phục, bàn thờ kết hợp nghệ thuật diễn xướng qua các bài kèn ăn nhập cùng nội dung tốc độ bài cúng tạo nên yếu tố đặc sắc trong các sắc thái văn hoá cổ truyền tộc người La Ha.

 

a. thầy cúng

 

Muốn có sức khoẻ tốt và các hồn ”ky sảm" trên cơ thể luôn phải đầy đủ ko bị mất hồn ”ky sảm", đồng nghĩa thể trạng con người. Họ quan niệm các loài ma hay bắt hồn ”ky sảm" người, để được khoẻ mạnh như biết bao thành viên khác, họ phải làm lễ cúng mời ăn, xin hồn ”ky sảm"… trở lại cho con người. Từ đó trong dân gian xuất hiện người có thể gọi được ma, hiểu ma, xuất hồn ”ky sảm" sang thế giới loài ma, xin hồn ”ky sảm", chuộc hồn ”ky sảm" hay đánh ma… Đó là thầy cúng, để làm được các điều trên, họ phải học nhiều năm cùng các đạo cụ hỗ trợ hành nghề.

 

* Sự truyền dạy.

 

Đối với những người hành nghề tôn giáo trong tộc người La Ha họ không nhất thiết phải học một thầy mà có thể nhiều thầy để hoàn thiện các bước và có khả năng hành lễ cúng. Người học được lâu năm, cúng nhiều lần, trình độ cao tay sẽ là người biết sử dụng nhiều âm binh (ma), thể hiện cao nhất trong bài cúng tiễn linh hồn, đưa hồn con người trở về với tổ tiên mường trời "mường then". Để đến được nơi, thầy cúng cùng đoàn xuất hồn đi qua nhiều cửa ải đầy khó khăn, tại mỗi điểm đi, trên cơ sở lực lượng âm binh phù trợ của nhà thầy, thầy gọi mỗi vị và giúp đỡ trong từng chặng đường đi.

 

Để học được nghề thầy cúng, phần đa các thầy truyền lại cho con trai hoặc cháu trai, một phần khi người học nghề ngay từ nhỏ bị ốm nặng, thầy mo ngoài việc chữa khỏi bệnh còn dùng một bát gạo + quả trứng + vòng bạc + que hương + que bông + hòn đá đưa qua đầu, nhập hồn ma thầy vào đầu cho đứa trẻ khoẻ mạnh, đứa trẻ này sau sẽ làm nghề thầy cúng, chúng được ma thầy nhập trong đầu… học và hành nghề.


Theo thầy cúng "pạu mang" Lò Văn Tăng: ông tổ dạy nghề thầy cúng họ Lò là Lò Văn Cót, ngay từ nhỏ ông Tăng đã được theo nghề. Thông thường vào các dịp cúng sửa, tức tổ chức ôn lại bài cúng, cúng cho các ma (âm binh) ăn theo định kỳ thời gian khi học, thầy lấy bát nước nhổ vào đầu học trò đọc bài khấn, nếu ma nhập khiến học tò bật rung người, gãi đầu, tóc… có thể học tốt và làm thầy cúng. Nếu ai muốn theo học sẽ đến cùng thầy cúng đọc cách mời ăn, cúng chữa bệnh…Trong khi học, học trò chưa phải mặc quần áo, mũ cúng, chỉ cần chùm quả chuông, quạt học theo những gì thầy đang làm dần dần. Ngoài các buổi học chính trong cúng sửa, họ theo sư thầy đến các buổi hành lễ chữa bệnh, phụ giúp, lắng nghe nội dung bài cúng, cách mời ăn, phong cách cúng, trình tự diễn ra lễ cúng. Từ đó tích luỹ cho mình những kiến thức cơ bản của một người hành nghề tôn giáo.

 

Tộc người La Ha hiện nay họ chia ra làm 3 lĩnh vực cụ thể khi hành lễ liên quan gồm: thầy cúng "pạu mang", thầy kèn và thầy bói. Cả 3 hình thức trên đều liên quan đến công việc hành lễ chữa bệnh. Trước khi biết được con ma "ky dạ" nào đã làm cho người ốm, vật nó đòi ăn gồm những gì, ở đâu, thầy cúng là ai thì thầy bói đảm nhiệm cúng hỏi sau khi biết được ma, lễ vật, người cúng khỏi là ai, gia chủ tiếp tục mời thầy cúng "pạu mang". Với lực lượng âm binh phù trợ, tập trung tại trên đầu, trải qua những chặng đường đầy gian nan vất vả để xin hồn, chuộc hồn. Theo nội dung bài cúng, thầy kèn rúc lên từng hồi lảnh lót, lúc trầm lúc bổng, lúc xa xăm… theo từng bước chân của thầy.

 

Khi học nghề thầy cúng, trong lễ cúng sửa, thầy mo cầm bát nước ngậm phun vào đầu học trò, nếu người nào bật rung người lên, gãi đầu, gãi tai, bứt tóc, lúc đó là ma nhập, người này có khả năng theo được nghề. Họ mang đến 3 con gà, 3 chum rượu cần làm lễ nhập xin học… Theo thời gian thầy cúng truyền kinh nghiệm, bài cúng, trình tự diễn ra cho học trò. Được khoảng 3-4 năm, học trò có thể sử dụng thành thạo cách mời, cách gọi ma, trình tự diễn ra lễ cúng. Tuy nhiên theo thầy cúng Lò Văn Tăng thì thầy cúng "pạu mang" chỉ dậy nội dung bài cúng, những cách bói đơn giản hay phức tạp hơn phải học các thầy khác đều được, không nhất thiết phải theo một thầy, khi cúng dùng các âm binh sư thầy truyền dậy.

 

* Khả năng, cấp độ hành nghề giữa thầy bói - thầy cúng - thầy kèn.

 

Hiện nay thầy cúng, thầy bói có nhiều điểm có thể tương trợ lẫn nhau, thầy cúng biết một chút các cách bói thông dụng phục vụ cho công việc của mình, ngược lại thầy bói biết vài câu khấn giúp bói toán hay chữa một số bệnh nhẹ…


Riêng thầy kèn họ phải học thổi sáo trước, sau thổi kèn đi kèm với các nghi lễ cúng, các chặng đường đi ăn nhập lời nói lúc trầm lúc bổng, lúc thanh thoát, lúc lại nhẹ nhàng êm dịu đưa tiễn linh hồn con người, ma theo các chặng đường gian nan, vất vả. Trong các nghi lễ cúng chữa bệnh, tiễn linh hồn hay cúng "săng pang" không thể vắng mặt tiếng kèn. Ở đây tác giả đi sâu hơn về khả năng, cấp bậc hành nghề của thầy cúng, còn thầy bói, thầy kèn mang tính chung hơn, tách biệt hơn trong nghi lễ hành nghề.

 

- Thầy cúng: được chia làm 3 cấp độ chính, theo thời gian, họ dần có kinh nghiệm và cao tay hơn, làm được nhiều nghi lễ quan trọng, giúp ích cho cộng đồng người qua mỗi thời kỳ. Các thầy cúng "pạu mang" phần nhiều ở cấp 1 và cấp 2.

 

+ Cấp 1: Chữa các bệnh đơn giản, họ bói, hỏi xem ma gì làm hại con người hay bệnh gì thông thường, thầy cúng "pạu mang" có một bát nước trắng trong để lá trầu cùng một số loại lá cây khác, một quả trứng. Người bệnh ngồi tại gian ngoài nhà, "pạu mang" cầm quả trứng sao cho hướng đầu nhỏ của quả trứng lên trên, đưa gần tới miệng đọc mấy câu chú có đại ý quả trứng… ngon hơn, về ăn… bệnh người thể hiện trên quả trứng…


Sau đó, thầy dùng quả trứng đó xoa lên các vị trí của con người như: đỉnh đầu, trán, hai tai, thái dương, cổ, ngực, lưng, bụng, hai tay, hai chân. Xong lần 1 thầy nhẩm quả trứng lần 2 rồi xoa tương tự trên cơ thể người bệnh. Tiếp đến người nhà mang ra một bát hoặc đĩa không , thầy cúng đập vỡ quả trứng, nhìn trên đó xem có vết chấm ở vị trí nào, đoán ma nào làm hại, đau ở đâu. Sau đó thầy cầm bát nước trắng bên trong có vài loại lá cây đưa sát miệng đọc mấy lời lẩm nhẩm trong miệng.


Đến đây, thầy lấy số lá trong bát ra nhai nhát, điểm thêm chút nước rồi phun vào các vị trí như đã xoa trên cơ thể con  người. Làm xong, người bệnh vào vị trí nghỉ ngơi của mình. Đây là cách bói chữa bệnh đơn giản nhất, chưa cần gà, vịt, chó, lợn hay dê như ở các lễ cúng cao hơn, bệnh cũng đơn giản hơn.

 

+ Cấp 2: Chữa được nhiều loại bệnh, các lễ vật cúng thấp nhất từ gà đến vịt, dê, chó, lợn… Tuỳ theo loài ma đòi ăn. Trong cấp độ cúng này, có thể thầy cúng tự bói hỏi ma hoặc có sự trợ giúp của thầy bói ma "pạu mo ky dạ". Trường hợp người bị bệnh, các triệu chứng thể hiện hiện bên ngoài  không bình thường, gia chủ cho rằng người đó bị ma nhập hay ma bắt hồn, mời thầy bói "pạu mo" và bói ma "mo ky dạ" xem ma nào làm hại.


Thầy dùng que, hạt gạo hay bói trứng hỏi thông qua số lần chẵn hay lẻ. Bói được ma, thầy bói tiếp xem ma đòi ăn gì, tiếp đến là người nào cúng, đến lúc này gia đình một mặt chuẩn bị các lễ vật dâng cúng, mặt khác cho người đi mời thầy cúng "pạu mang" về làm giúp.  


Khi đi họ đến thẳng nhà thầy cúng trình bày lý do, nếu đi ngày thì nhà thầy xin phép bàn thờ ma, đưa một số đạo cụ cho người đi mời cùng đỡ giúp rồi đồng hành tới nơi cần sự hỗ trợ. Tới nơi nhà thầy sắp xếp sẵn các đồ vật dâng cúng theo sự chỉ dẫn của nhà thầy.


Tuỳ theo lễ cúng ma nặng hay nhẹ mà lễ vật nhiều hay ít, có thể chỉ riêng gà hay lợn, cũng có khi có cả gà lẫn lợn. Gia đình (vợ) ông Lò Văn Tăng: Pắc Pu - Tà Mít - Than Uyên. Trong những nghi lễ cúng này bắt buộc phải có thầy kèn cùng các đạo cụ hành nghề tôn giáo như: kiếm, chuông, quạt, vòng bạc, đá, mũ, áo cúng, thắt lưng… trợ giúp "pạu mang" xuất hồn vượt qua các chặng đường gọi, cứu giúp linh hồn trở về cho con người khoẻ mạnh. Sau lễ cúng thầy bói hỏi ma xem cho kiêng bao nhiêu ngày, căn cứ vào kết quả bói, thầy cho người nhà làm chiếc "ta leo", buộc trên 3 sợi dây màu đỏ cắm trước cầu thang cùng nắm cành lá xanh cấm không cho người ngoài  vào nhà. Ở cấp độ này, người hành nghề tôn giáo có thể thực hiện được nhiều nghi lễ phổ biến trong cộng đồng, cùng sự trợ giúp của thầy bói và thầy kèn.

 

+ Cấp 3: Đây là cấp độ cao nhất hiện nay trong tộc người La Ha, họ làm được đầy đủ các nghi lễ như trên thì cao hơn là lễ "tiễn linh hồn". Trong lễ cúng thầy phải huy động hầu hết các âm binh (ma) gồm 17 loài ma trợ giúp, mỗi người có một khả năng khác nhau, vượt qua các chặng đường đầy gian nan, đưa tiễn linh hồn người mất trở về với tổ tiên, xum họp cùng cõi nhà ma "tam ky dạ". Hiện nay trong số các thầy cúng chỉ duy nhất có thầy cúng Hoàng văn Ban sinh năm 1930 - Sài Lương - Tà Mít - Than Uyên có khả năng làm được nghi lễ cao nhất trong tộc người.

 

- Đối với thầy kèn, trước khi thổi kèn họ phải học thổi sáo trước, cho hơi thật khoẻ, thành thạo giữa các ngón tay rồi mới chuyển sang học kèn. Trong học kèn họ không xác định được cụ thể từng bài mà trên cơ sở những người đi trước, học trò thổi theo, đến nội dung bài cúng theo tốc độ đọc, giọng đọc họ hoà cùng cao - thấp (thanh - bổng) nhanh hay chậm, trợ giúp đưa hồn người qua từng chặng đường…

 

* Bàn thờ thầy cúng "hạn mang pạu mang".

 

Một người hành nghề tôn giáo có khả năng xuất sang thế giới bên kia, gọi hồn, đuổi ma… cứu hồn về cho thể trạng khoẻ mạnh bình thường đòi hỏi có bàn thờ riêng, các âm binh phù trợ, các đạo cụ hành nghề, bàn thờ thầy cúng "hạn mang pạu mang" thường đặt trong gian khách của ngôi nhà chính, gần gian thờ ma nhà.

 

Một người có khả năng biết nhiều bài cúng, chữa được nhiều bệnh, sẽ lập bàn thờ riêng thờ sư thầy (các ma - âm binh "lỉnh mang". Người lập nhất thiết phải là người hành lễ, nếu không biết sẽ mời sư thầy (người truyền dạy) về làm giúp mời các ma "tam ky dạ" hoặc âm binh về ở, họ chọn ngày thân (khỉ), ngọ (ngựa) hoặc mão (mèo) là tốt nhất.

 

Khi đã lập bàn thờ "hạn mang", trước khi hành lễ thầy cúng phải thắp hương, rót rượu xin phép sư thầy rồi mới chuyển đồ đi (thường khi không làm lễ, các đạo cụ để trong một túi vải, treo trong gian nghỉ của mình). Đến khi hoàn thành công việc gia chủ có chút lễ vật dâng tạ ma - thầy, chủ cúng sẽ thắp  nhang dâng mời ma "tam ky dạ" cảm tạ rồi tiếp tục công việc tại chốn sơn lâm yên bình.

 

Sau khi đã lập thầy mo kiêng không cho người khác động vào, đặc biệt là phụ nữ. Trong sinh hoạt hàng ngày mọi người không được phép động vào. Bàn thờ "hạn mang" sẽ để đó mãi cho đến khi ngôi nhà không còn. Cho dù sau thế hệ đó, một thành viên trong nhà không theo nghề thì bàn thờ vẫn phải giữ nguyên vào các dịp lễ tết, con cháu vẫn thành kính dâng hương mời các ma về ăn, phù hộ cho các thành viên trong nhà luôn mạnh khoẻ, may mắn…

 

 Các đạo cụ hành nghề tôn giáo.

 

Một người có khả năng xuất hồn sang thế giới bên kia, cùng với việc lập bàn thờ "hạn mang", âm binh "lỉnh mang" phù trợ còn có các đạo cụ hành nghề trợ giúp thần gọi

 

1. Kiếm "mẳc woanh" làm bằng sắt (thép) dài khoảng 50 - 60cm, một mặt sắc đầu nhọn, chuôi gỗ, bao ngoài là một hộp vừa với bề dày - độ dài của thanh kiếm. Khi hành lễ, nhà thầy thường đặt phía trước hoặc dựa sát vách khu vực đặt mâm cúng, khi bói hỏi ma, thầy dựng chuôi - mũi (2 lần) trên bát gạo đặt trong mâm, nếu nó có thể đứng vững - thẳng trong chốc lát… coi như ma đã nhập, đồng ý… Kiếm "mẳc woanh" là đạo cụ không thể thiếu trong mỗi nghi lễ, chúng như một binh khí để bảo vệ thầy khi xuất hồn, vượt qua các chặng đường cứu, gọi hồn về, chữa khỏi bệnh giúp thành viên trong cộng đồng.

 

2. Chùm chuông "ma lính": chuông làm bằng đồng, bên ngoài vỏ có đường khắc rỗng, trong để một vật nhỏ, khi lắc đập vào thành ngoài của vỏ đồng tạo nên tiếng kêu. Thường họ làm thành một chùm gồm nhiều quả, mỗi quả có kích thước khác nhau, khi gõ tạo nên âm thanh khác nhau, phần đáy của mỗi quả chuông có buộc một miếng vải hình tam giác cân thêu sắc (tượng trưng cho một loài vật có tiếng kêu hay). Khi hành lễ "ma lính" có lúc nhịp cùng âm thanh phát ra từ "pí lao" tạo nên một bản hoà âm ăn nhập với nội dung bài cúng gọi - đưa tiễn các linh hồn theo hướng chỉ dẫn của nhà thầy. Trong lễ "săng pang" "ma lính" là nhạc cụ không thể thiếu, kết hợp nhịp gõ chát chát của múa tăng bu, mời các ma xuống vui chơi cùng con nuôi, chúng sinh, ăn các lễ vật dâng tặng. Khi múa (các bài múa khăn…) thầy mo đi đầu, cầm chuông hướng lên phía trên lắc tạo thành nhiều âm thanh khác nhau… hàm ý dẫn đường các ma cùng vui chơi, xuống ăn… Mặt khác, "ma lính" có tác dụng hướng cho ma "tam ky dạ" nhập vào đầu, xuất hồn… cho từng nội dung của mỗi nghi lễ.

 

3. Quạt giấy "cản wuôi": dáng quạt xếp, gồm nhiều nan nhỏ hình dẹt, một điểm dưới cố định liên kết các nan. Khi dùng họ đẩy các nan xoè rộng như cánh công. Ngoài tác dụng làm mát trong nghi lễ, quạt còn có tác dụng đẩy những gì vướng mắc trên chặng đường đi (theo thầy cúng Lò Văn Tăng) khi xuất hồn chu du tại bên kia thế giới. Mặt khác khi hành lễ muốn hỏi ý ma… họ bói hạt gạo bằng cách xin chẵn (hoặc lẻ) tuỳ theo ý chủ đặt lên mặt trên "cản wuôi" xem thế nào mà biết ý ma "tam ky dạ".

 

4. "Má hẻo" dùng dẫn lời thầy cúng

 

5. Mũ (khăn) "mủc mang" được làm bằng vải (chia làm 2 nhóm: nhóm có thêu các hoa văn: thầy cúng Lò Văn Tăng hoặc không như thầy cúng Hoàng Văn Ban màu đỏ; nhóm màu đen: Thầy cúng Hoàng Văn Nhọt…) là một trong số trang phục của thầy cúng, đây là nơi giúp thầy cúng gọi ma "tam ky dạ" về nhập, giúp học trò khi hành lễ.

 

6. áo cúng: là một thành tố trong trang phục nhà thầy (giống như mũ, cũng chia làm 2 dạng có sự tương đồng với mũ). Tuy nhiên chiếc áo đó được ví như chiếc áo giáp bảo vệ nhà thầy, chống lại, bảo vệ nhà thầy khi vượt qua các chặng đường tại bên kia thế giới (trong bài cúng tiễn linh hồn, thầy cúng Hoàng Văn Ban có ví chiếc áo "phưn xửa cẩu chặn ma hôm âu cu": áo chín lớp theo tôi bao bọc lấy tôi.)

 

7. Thắt lưng: là một bộ phận trong trang phục hành lễ của người hành nghề tôn giáo.

 

8. Kèn "bụng phì" được làm từ thân cây nứa, vỏ mỏng.

 

Cũng giống như chuông "ma lính", kèn "phì" không thể thiếu trong các nghi lễ cúng quan trọng khi thầy cúng xuất hồn sang bên kia thế giới, dùng ngôn ngữ, hành động… thể hiện các chặng đường đi theo nhịp độ thì thầy kèn là người bạn đồng hành, đưa tiễn hồn vượt qua các cửa ải, ăn nhập theo nội dung…

 

"Sanh" gồm:

 

Răng ma rừng to "sung ky dạ lung"

 

Răng nanh lợn rừng "sung pan sa": phải lấy từ con lợn rừng chết tự nhiên, không ai bắn, giết…

 

Đá quý "sanh nhót lan"

 

Vòng bạc "tong nang mang"…

 

Theo thầy cúng Hoàng Văn Ban: răng lợn rừng, răng ma là đồ bảo vệ ma, vòng bạc, đá quý là quà tặng ma.

 

Theo thầy cúng Lò Văn Tăng: "sanh" khi hành lễ cúng chữa bệnh, để khỏi các đồ trên để hộ trợ cho lời nói chắc, thuyết phục được ma…

 

10. Hương nhang "hưng": khi đốt có mùi thơm, toả khói dẫn đường mời ma về…

 

Chiếc "phành" đũa của ma, giao lễ cho ma…

 

11. "phành" làm từ nan lạt mỏng: Phành là vật trung chuyển các lễ vật dâng cúng cho ma, chúng đóng vai trò như chiếc đũa của ma. Khi hành lễ thầy cúng lấy chiếc phành gẩy hoăch chạm vào vật cúng hàm ý mời ma ăn…

 

12. Cây bông: Ngoài các đạo cụ hành nghề trên, trong mâm cúng chữa bệnh bao giờ cũng có một bát gạo, trên để quả trứng, vòng bạc, đá, răng thú và thắp hương còn có 1-2 que tre, đầu tách nhỏ gài vào miếng bông màu trắng. Theo thầy cúng Hoàng Văn Ban thì nhánh đó có vai trò như một bông hoa đẹp, cùng với hương nhang mời gọi ma "tam ky dạ" về…

 

Ngoài phành, hương nhang, cây bông và các đồ vật trên được gói trọn trong chiếc túi vải, ngoài thêu nhiều hoa văn trang trí, để nơi nghỉ ngơi của nhà thầy. Khi có người tới nhờ giúp, thầy thắp hương, xin phép ma, sư thầy tại bàn thờ "hạn mang" rồi lên đường tới nơi gia chủ cầu mong nhà thầy hành lễ, giúp gọi hồn về cho người ốm được khoẻ mạnh…

 

Riêng "sanh" là đồ bằng đá có nhiều loại, đôi khi là viên đá màu đen có dáng bóng đẹp, hay chiếc rìu đá, vòng cổ bằng đá… Tuỳ theo sự lượm nhặt của thầy cúng dọc trên dòng chảy Nậm Mu, phụ vụ cho nghi lễ tôn giáo cộng đồng.

 

b. Nghi lễ cúng chữa bệnh

 

Trong cuộc sống đồng bào tâm niệm ai cũng có hồn, khi hồn có đầy đủ ở mình thì cơ thể được khoẻ mạnh và ngược lại, nếu thiếu hồn gây cho thể trạng không bình thường như đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, nói năng lảm nhảm… Như vậy họ bị ma "tam ky dạ" bắt mất hồn. Những đấng siêu nhiên có mặt trong nhà như ma nhà "ky dạ khôm" gắn liền cùng tổ tiên "pẩu pú", ngoài ngôi nhà chung là cộng đồng gồm có ma bản "ky dạ phán", ma rừng "ky dạ trơn", ma nước "ky dạ ủng", ma do người chết vì sinh đẻ "ky dạ li lăn"… ở mỗi lĩnh vực trong cuộc sống: sinh hoạt, làm ăn, đi lại trong nhà, ngoài nhà… Mỗi loài ma "tàng ky dạ" đều giữ một vai trò nhất định của mình, họ phù hộ, giúp đỡ chúng sinh, để có được cái ăn, cái mặc, gặp nhiều may mắn, họ tôn trọng các thần, thành kình dâng lên lễ vật sau mỗi mùa vụ mời các đấng siêu phàm ăn, ăn xong tiếp tục giúp đỡ họ. Ngược lại trong thường nhật, nếu không may ai đó phạm tới các ma làm cho ma đói… thì ma đó sẽ bắt hồn để người nhà phải cúng cho ma ăn, xin chuộc hồn trở về.

 

Người dân quan niệm con người cũng có hồn "ky sảm", nếu hồn luôn đầy đủ thì thể trạng con người được khoẻ mạnh, ngược lại hồn không đầy đủ dẫn tới ốm đau, mệt mỏi… Nguyên nhân dẫn đến thiếu hồn do con người phạm phải các loài ma "ky dạ" hay không may bị ma bắt mất hồn sẽ dẫn tới các điều trên. Đồng bào quan niệm con người gồm có 5 hồn chính, nếu thiếu một trong số đó sẽ cần tới sự trợ giúp của người hành nghề tôn giáo như:

 

- Hồn đầu "sảm kháy": hồn gốc

- Hồn mắt "sảm tá"

- Hồn mũi "sảm nhẹt"

- Hồn miệng "sảm món"

- Hồn chân tay "sảm khậu ma"

 

Khi thể trạng có dấu hiệu bất thường thông qua các hoạt động hình dáng bên ngoài gia chủ phải mời thầy bói về bói hỏi xem bị ma nào làm hại, trước hết phải chuẩn bị một con gà cùng một số khác liên quan tới mâm cúng: Gà, chứng, áo người ốm và một số đạo cụ hành nghề của nhà thầy.

 

Hiện nay đồng bào có cách bói phổ biến là bói trứng và bói que. Nếu bói trứng họ lấy quả trứng xoa lên khắp cơ thể người bệnh rồi đập ra xem trên lòng đỏ có dấu chấm ở vị trí nào… mà đoán ma. Riêng bói que, họ hỏi tên từng loài ma thông qua hệ số xin chẵn hoặc lẻ. Thông thường thầy bói "pạu mo" bao giờ cũng hỏi ma nhà "ky dạ khôm" hoặc ma tổ tiên "ky dạ pẩu pú" trước (thường con cái thờ cha mẹ duy nhất, nhưng khi cúng họ mời tên cả những đời trước về dự, ma tổ tiên tính từ đời trước cha mẹ của chủ nhà nếu đói thường làm cho con cháu ốm đau chủ nhà phải cúng cho ăn như cha mẹ đẻ mình…). Sau đó mới đến các loại ma khác ngoài nhà. Phổ biến các loại bệnh thường mắc phải: ma nhà (tổ tiên, ma sông suối, ma người chết vì đẻ là chính, các bệnh khác ít gặp. Trước tiên người bói phải thức hồn người dậy rồi lần lượt bói hỏi, đầu tiên là ma nhà "ky dạ khôm") hoặc ma tổ tiên "hoóng", đây là ma quan trọng nhất trong tâm thức người La Ha.



Sau ma tổ tiên là các loại ma khác như: ma sông suối, ma người chết vì đẻ… đó là các ma thường hay bắt người đi làm hoặc đi chơi, đòi ăn. Tại Tà Mít - Than Uyên - Lào Cai người dân quan niệm có nhiều loài ma nhưng trong cúng chữa bệnh họ ít hỏi tên không như người La Ha (Sơn La), họ chỉ hỏi một số loài ma gần gũi với cuộc sống. Theo thầy cúng Lò Văn Tăng - Hoàng Văn Ban, từ khi hành nghề thầy cúng phần lớn chỉ cúng chữa bệnh do ma sông, ma suối, ma tổ tiên, ma người chết đẻ, ma rừng bắt hồn là chính, ít gặp các trường hợp khác. Việc bói hỏi ma hiện nay phần đa các thầy cúng ở Pắc Muôn đảm nhiệm, họ bói hỏi tên các loài ma làm cho người ốm, lễ vật chúng đòi ăn, người cũng chữa. Từ đó thành viên trong nhà cắt cử người đi mời thầy cúng về giải bệnh giúp họ trở về thể trạng, cuộc sống như biết bao thành viên khác trong cộng đồng cư trú.

 

Sau khi đã biết chính xác được tên loài ma bắt hồn người, một mặt gia chủ cho chuẩn bị các lễ vật dâng cúng, một mặt nhờ đón thầy cúng "pạu mang". Đối với ma nhà thường cúng gà và lợn, ma người chết vì đẻ thì cũng cúng gà và lợn, ma sông, suối (ma nước): vịt, ma rừng: chó hoặc dê. Trong số các loài ma trên ma sông suối (ma nước) "ky dạ ụng" có thể cúng ngay tại nơi có hồ, ao, dòng chảy và ma

 

Tương tự như lễ vật (theo từng loại ma), đồ hành nghề tôn giáo. Trong mâm cúng chữa bệnh bao giờ họ cũng cúng mời trước về ăn tại thời điểm chưa mổ lễ vật dâng cúng. Sau khi chế biến hoàn thiện, bài cúng chính thức đi kèm thầy kèn, phần kết thúc sẽ cúng bảo vệ con nuôi, tuỳ mỗi loài ma có thể trong - ngoài nhà.

 

Sau lễ cúng, chủ nhà bày mâm, tiệc rượu mời thầy cúng, anh em đến giúp đỡ gia chủ, tiếp sức cho người bệnh. Mâm cơm bày chính  tiếp gian khách. Trong bữa ăn mọi người nâng chén chúc mừng thầy cúng, gia chủ, người bệnh mau khỏi. Tiếp đó, người mẹ (hoặc chủ nhà) mang nhiều sợi chỉ màu đen, đỏ hoặc dây vải đưa cho mỗi người một chiếc. Sau chén rượu tuần tự mỗi người mang chiếc dây đó buộc vào cổ tay hoặc cổ chân, kèm theo chút tiền và lời chúc mau chóng khỏe mạnh… Việc làm của gia chủ hàm ý mọi người tiếp sức thêm và đem nhiều may mắn cho người bệnh mau chóng phục hồi sức khoẻ, gặp nhiều may mắn… Kết thúc bữa ăn, khi mọi người xin phép ra về, tiếp tục các công việc hàng ngày, chủ nhà cho người cầm "ta leo" và một cọc nhỏ, đầu buộc sợi dây màu đỏ, đen cắm tại hai lối lên cầu thang lên của ngôi nhà, kèm theo một nắm cành lá xanh để cấm không cho ma xấu, người lạ có vía độc vào nhà…, tránh tổn thương hồn người bệnh, mau chóng phục hồi sức khoẻ… Thời gian cấm bao lâu phụ thuộc vào cách bói của thầy cúng. Thầy cúng dùng chuôi và mũi kiếm hỏi ma "tam ky dạ" hai lần thông qua thầy cúng dựng chuôi, mũi kiếm được thẳng đứng tự nhiên trong chốc lát tại bát gạo "thủi san" trên mâm hành lễ.

 

+ Các đồ dùng tránh ma "tảnh ky dạ":

 

Hiện nay hình thức phổ biến trong tộc người là dùng một sợi dây nhỏ, đầu buộc một miếng nhỏ củ "han", củ này thường được đào trong ngày 30 tết, họ buộc củ "han" rồi quàng qua cổ, để đó cố định, tuỳ theo bao lâu sức khoẻ nội thân mà người đó tháo ra hay không. Người dân quan niệm, sợi dây đó như dây đồng, dây sắt, có thể chống được các loại ma tà, giữ cho hồn "ky sảm" thể trạng luôn được đầy đủ, khoẻ mạnh…

 

Sau lễ cúng, nếu người đó qua khỏi bản thân sẽ nhận "pậu mang" làm cha nuôi, tỏ lòng cảm tạ công ơn người, tuy không sinh thành dưỡng dục nhưng đã hết lòng ra tay giúp đỡ cộng đồng, cá nhân vượt qua, tiếp tục khẳng định bản thân mình trong cuộc sống, hướng tới một ngày mai. Theo chu kỳ, 3 năm 1 lần (nếu làm) "pạu mang" tổ chức lễ "săng pang", các con nuôi "lác lính" mang theo các lễ vật tới, thành kính dâng lên sư thầy, các ma về ăn, tiếp tục phù hộ, giúp đỡ cá nhân, cộng đồng luôn được mạnh khoẻ, may mắn.

 

c. Lực lượng âm binh phù trợ và thế giới ma thiện - ma ác.

 

Một thầy cúng sử dụng thành thạo các âm binh, vượt qua các chặng đường gian nan, vất vả, đưa gọi hồn con người về đúng nơi chủ nhân đích thực của nó đòi hỏi phải trải qua nhiều bài học kinh nghiệm, trở thành người trung gian có thể giao cảm giữa hai thế giới là trần tục và siêu phàm, là điểm khác biệt giữa người bình thường với người hành nghề tôn giáo. Các loại ma (âm binh) "lỉnh mang" của thầy cúng gồm (dựa theo tư liệu cung cấp của ông Hoàng Văn Ban - Lò Văn Tăng: Tà Mít - Than Uyên - Lào Cai).

 

1. "Sen chả" là người phụ trách đoàn âm binh, khoẻ mạnh, điểm dị biệt của ông này là dương vật dài 7 khấc. Trong tiễn linh hồn (người mất) ông phụ trách chung cả đoàn âm binh "lỉnh mang". Trong cúng chữa bệnh, ông này là lực lượng âm binh quan trọng, chiến đấu với ma do chết vì đẻ "ky dạ li kin".

 

2. "Sen sỏm" nắm các tình hình chung như một người thư ký, báo cáo các vấn đề liên quan giữa các ma, việc bản - mường, là người dạy cách làm các vật, đồ dâng cúng, là người nhiệt tình…

 

3. "Sẻn say" ông này là người chữ đẹp, khi đi đâu phải qua ông này viết giấy thông hành, xin dấu:

 

"Sen sỏm ơi ! sẻn say của thầy cúng ơi

Bố sen sỏm "tứn vừn" của thầy cúng ơi

Bố sen say canh ruộng cuối bản mình ơi

Bắp tay phải sen sỏm biết khoang mình ơi

Đầu bàn tay mỏng sẻn say viết đẹp của thầy cúng ơi

Khéo viết tờ giấy đẹp đấy

Nhớ thầy cúng bản anh, mường chị đấy

Mới viết thư với chữ đến thầy cúng bản"

 

4. Ông "chỏm lếch": là người khoẻ mạnh, khi đi đâu cần vận chuyển hay mang vác gì như vác sắt, đồng để bắc cầu qua sông suối, những chặng, đoạn đường khó đi thì thầy cúng nhờ đến ông này.

 

5. Ông "chom chăng": là một lực lượng trong đoàn âm binh, là một trong số những người khoẻ nhất.

 

6. Ông "chom lác": là người khoẻ mạnh, cùng với chom chăng chuyên vác các đồ, vận chuyển các đồ nặng mà nhiều khi các vị không vác được qua các chặng đường dài.

 

7. "Sen woản" và "sen hỏm" là hai vị tướng của ma, chuyên xem xét nhân khẩu của con người dưới trần gian (gần như bà Mẫu).

 

8. Ông "xa pơi": là người dẫn đường đoàn âm binh, ông này hay cầm cơ đi đầu.

 

9. "Tạu sẻn ẻn" phụ trách đoàn ngựa, voi, rồng… của thầy cúng.

 

10. Ông "ải chạng đó" ông này có tài nặn hồn "ky sảm" người. Chẳng may ma nào đó ăn mất hồn, ông này làm lại hồn người, ông lấy xương để làm lại hồn người.

 

11. Ông "chướng nhị": sự khác biệt của ông này là đi rất nhanh, chuyên thám thính trước các chặng đường đi để báo cho quan, cho thầy, quân biết, ông chướng nhị có thể bay qua 9 ngọn núi, đi qua nước thì nước không chôi, lặn xuống nước có thể 3 năm không ngoi lên bờ, nhảy vào lửa thì lửa không cháy. Trong cúng chữa bệnh, nếu hồn người rơi xuống nước thì ông này lặn xuống cứu hồn về…

 

12. Ông "sen quát" là người bao quát các hồn con người, khi hồn bị phách lạc đi đâu, ông quát cho hồn người biết phải về.

 

13. Ông "sen nhay" là người nóng tính, hung dữ

 

14. Ông "sào" là người chuyên đi kéo hồn về cho thầy cúng "pạu mang"

 

15. Ông "cẳu sang" là người công bằng, công minh, giải quyết đúng các công việc

 

16. Nàng han - nàng ỏ, nàng phanh, nàng hom: tên 4 người con gái đẹp trong đoàn âm binh, nhìn có nhiều gợi cảm, đẹp, chuyên mê hoặc các loài ma khác, giúp đỡ, chăm sóc các tướng, các quan khi đi đường. Thế mạnh của các nàng trên thể hiện qua đoạn cúng sau:

 

"Đi đường có nhiều quan

Cùng đường có nhiều "tạu" đấy

"Nàng ỏ, nàng phanh" thầy cúng ơi

"Nàng hỏm, nàng han" của đoàn mình ơi

Ồ ! đi ra nhé "nàng ỏ, nàng phanh"

Vào đất con trai chưa có vợ đất trên

Vào nơi con trai nhiều mường trời ế vợ

"Nàng ỏ ơi, nàng phanh ơi"

ừ hư !

Đi đường có nhiều quan đấy

Cùng đường có nhiều tạo đấy

Nàng ỏ ơi

Vén váy qua đầu gối cho con trai chưa vợ nhìn

Mường trời ngã ngửa

Vén váy lên tận lưng cho con trai nhìn

Bản mường then (mường trời) chết tiếc

Đùi trắng thẳng đẹp đó

Đùi sáng thẳng thon đấy

Con trai chưa vợ mường trời nhìn thấy ngã ngửa rồi

Con trai nhìn thấy, con trai nhìn chết tiếc rồi…"

 

17. "Con iênh" và "manh ngoạng" là con vật nhỏ giống con ve sầu kêu rất hay khi hồn người đi đâu, con này sẽ kêu lên cho hồn tỉnh và trở lại…

 

Tín ngưỡng liên quan đến chữa bệnh của người La Ha bao hàm nhiều yếu tố nghệ thuật biểu diễn, các bài diễn, trò diễn, phản ánh trong lễ cúng "săng pang" như giả làm con khỉ vồ hoa chuối, giả làm người ăn xin, giả làm con nai cọ vào cây móc, giả làm con cáo vồ gà, giả làm trâu kéo cày… gắn liền với thực tế cuộc sống của người dân, chúng một phần phản ánh nguồn gốc, đời sống tộc người theo dòng quay của bánh xe thời gian đã tạo nên yếu tố đặc sắc trong số các sắc thái văn hoá truyền thống tộc người.



Theo Laocai.gov.vn

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp