Cúng linh hay cúng tổ tiên là nếp sống đạo lý đặc thù của người Việt. Lư hương, bàn thờ gia tiên là giá trị biểu đạt sự thiêng liêng cao cả cho Hồn Việt Tộc. Là uống nước nhớ nguồn, là ăn quả nhớ kẻ trồng cây, là hiếu đạo v.v. hun đúc nên Tình Dân Tộc và Nghĩa Đồng Bào. Đó là diện mạo Văn Hiến.
Từ ngàn xưa, do quan niệm ông bà dù đã qua đời vẫn luôn còn đó, vẫn quanh quẩn bên con cháu. Họ thường trở về trong ngày đơm tháng quảy khi nghe lời mời thỉnh khấn vái của con cháu dâng cúng, tựu về chứng giám lòng thành của người sống. Từ quan niệm đó mà hình thành ra đạo lý hiếu đạo, thờ phụng ông bà tổ tiên, gìn giữ gia phong tôn tộc, lo ăn hiền ở lành, vun bồi nếp sống trọng tình, trọng nghĩa của người Việt. Suối nguồn huyết thống đồng bào con cháu Lạc Hồng là đây. Nhớ ngày giổ kỵ để cúng bái, là khai thông dòng mạch Việt tính cao quý được tuôn trào, nuôi lớn lòng thương nhớ nguồn cội, yêu quê hương và biết giữ gìn giống nòi. Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, người Việt gìn giữ qua Bát hương nén nhang trong gia đình. Quá khứ hùng thiêng của dân tộc cũng được khơi nguồn từ đó, để người việt nuôi dưỡng mỗi ngày bằng nén hương thắp lên niềm thương kính nguồn cội.
Người xưa có câu: vô tín bất thành lễ. Lễ phải được hiểu là giá trị tình và nghĩa có mặt trong ứng xữ. Và do quan niệm âm sao dương vậy nên nếp sống trọng tình trọng nghĩa được nuôi dưỡng qua tín ngưỡng, cả đối với người đã khuất. Ta mang cả tổ tiên và dòng giống Lạc Hồng trong từng tế bào cơ thể ta. Theo định luật bảo toàn năng lượng, sự vật không bao giờ mất đi. Đó là niềm tin đầy khoa học. Lễ là tin vào điều này. Từ niềm tin này cho ta một ý thức về cội nguồn gốc rể, văn hóa nòi giống của ta.
Trong một điều kiện nào đó, sự sống biểu hiện. Không hội đủ một vài yếu tố nào đó, sự sống có mặt dưới dạng ẩn tàng. Âm và dương không hai là vậy. Sống và chết, âm và dương tương thông, nên âm có siêu, dương mới thái. Tín, còn là tin vào nét đẹp tình nghĩa mang lại đầm ấm cho con người.
Đi vào tín ngưỡng thờ cúng ông bà cha mẹ tổ tiên là cách biểu lộ lòng hiếu và cách tìm về nguồn cội của người Việt.
Đó là tín ngưỡng, là thờ phụng, là giá trị nhân sinh trong đời sống người việt. Bây giờ ta nói đến tính siêu độ trong nghi cúng.
Trong tình tự của đời sống ân nghĩa, sự chu toàn có chung có thủy đưa ta nghĩ tưởng về người đã mất; tâm tình hiếu kính nhắc nhớ đạo lý làm người. Nhưng vượt lên tất cả, ta muốn người thân ta được siêu thoát, nhẹ nhàng về thế giới an lành.
Muốn Hương linh được nhẹ nhàng siêu thoát, việc căn bản, trước hết mâm cơm cúng phải làm bằng chay tịnh. Ta không nên tiếp tục chu cấp cho người thân của ta những gì nặng nề thúc đẩy lòng tham đắm, chấp trước. Bao nhiêu buồn lo, sân hận và mê mờ vẫn còn nguyên khối với lòng khao khát thúc dục muốn mà không thỏa mãn. Tâm đi tìm sự thỏa mãn xuyên qua thân. Nhưng nay thân mất, mà đối tượng của sự thèm khát vẫn luôn như mồi nhử thúc động. Hương linh sẽ bị thiêu đốt bởi vòng kềm tỏa của ngọn lữa dục. Trong mớ hổn mang đó, hương linh mụ mẫm đi, bao ảo tưởng về kiếp sống xoay vòng tiếp diễn không dứt, tiến trình thăng hoa bít lối. Trược khí mang theo nặng nề đưa ta rơi vào hố đen ngục thẳm.
Sống, từ thấp lên cao, từ hướng hạ dẫn về hướng thượng, từ phàm đến thánh, nghĩa là từ thô đến tế, từ động đến tịnh, cả một quá trình thăng hoa. Tiến trình đó, khi mang được thân người là cơ hội may mắn lớn nhất cho ta rút ngắn thời gian thanh lộc để thực hiện chuyển hóa. Ta nhớ điều đó khi vì người quá cố và tiên tổ để cúng bái cầu siêu thoát cho họ. Lại nữa, lời kinh phải có khả năng đánh thức sự giác tỉnh nơi hương linh, và người đọc tụng, nguyện cầu phải có sự thành khẩn và chuyên chú vào lời kinh.
Thích Tâm Hiệp