Chùa Trăm Gian thuộc tỉnh Hà Tây là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng vào bậc nhất ở Việt Nam, được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa quốc gia.
Lịch sử và kiến trúc chùa Trăm Gian
Chùa Trăm Gian còn có tên gọi khác là chùa Quảng Nghiêm, chùa Tiên Lữ, chùa Núi, vì ở xóm Núi, thôn Tiên Lữ thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Tây. Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông, niên hiệu Trịnh Phù thứ 10 (1185) trên một quả đồi cao khoảng 50m, có tên là núi Mã, xung quanh có nhiều cây cổ thụ che rợp mặt đồi.
Chùa Trăm Gian là một quần thể kiến trúc độc đáo. Theo cách tính cứ 4 góc cột là một gian chùa có tất cả 104 gian nhà, chia thành ba cụm kiến trúc chính.
Cụm thứ nhất gồm 4 cột trụ và 2 quán, trước đây là nơi đánh cờ người trong ngày hội, tiếp đó là nhà Giá Ngự nhìn ra mặt hồ sen, nơi đặt kiệu thánh để xem trò múa rối nước.
Cụm thứ hai gồm một tòa gác chuông 2 tầng tám mái dựng năm 1693, các ván bằng đều có chạm hình mây hoa. Tại đây treo một quả chuông cao 1,1m, đường kính 0,6m, đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai, 1794. Trên chuông có khắc một bài minh của Phạm Huy ích.
Cụm thứ ba là chùa chính, gồm nhà Bái đường, tòa Thiêu hương và Thượng điện. Hai bên là 2 dãy hành lang. Trong cùng là nhà thờ tổ, giữa có Lầu trống bên trong treo một trống lớn, đường kính 1m và một khánh đồng dài 1,2m, cao 0,6m đúc năm 1749.
Trong chùa có 153 pho tượng, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung, đặc biệt quý là tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngoài ra còn có nhiều bia, hoành phi, câu đối... Riêng có hai câu đối khảm trai, tương truyền có từ thời nhà Hồ (1400-1406).
Về mặt lịch sử, trong chùa có pho tượng đô đốc Đặng Tiến Đông, một tướng lĩnh nhà Tây Sơn, chỉ huy đạo quân đánh vào phía nam Thăng Long tạo nên sự thất bại thảm hại của quân xâm lược nhà Thanh, giải phóng Thăng Long vào ngày mùng 5 tết Kỷ Dậu (1789). Tượng được phát hiện vào năm 1972.
Ngoài ra còn có tượng Đức Thánh Bối đặt trong khám gỗ gian bên phải. Đây là tượng cốt rút bằng mây đan ngoài bọc vải sơn, tương truyền là tượng bỏ hài cốt của ông.
Lễ hội chùa Trăm Gian
Ỏ chùa Trăm Gian, Phật giáo đã hòa nhập với tín ngưỡng địa phương nên Chùa còn thờ cả Thánh. Hội chùa Trăm gian kỷ niệm đức Thánh Nguyễn Bình An, trụ trì chùa Trăm Gian vào cuối đời Trần, là người đón thợ khéo về mở rộng cảnh chùa.
Lễ hội chùa Trăm Gian được tổ chức từ ngày mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Trong hội có rước kiệu thánh, thi cỗ chay, trình rối cạn; ngoài ra còn có các trò vui như đánh cờ người, đấu vật, múa rối nước. Vào trước ngày hội, làng có dán bảng giấy hội ở nhiều nơi để mời khách thập phương về dự.
Ngày mùng 4, bắt đầu vào giờ Thìn (từ 7-9 giờ sáng) các chân kiệu bắt đầu rước long kiệu từ trong chùa bước ra, long kiệu ra tới cửa Trung quan, đám rước phải đứng lại, chờ quan viên và các chân kiệu của xã giao hiếu (kết nghĩa) và đứng vào hàng ngũ chỉnh tề, đám rước mới bắt đầu di chuyển.
Trong đám rước, xã đàn anh đi đầu, xã này thường là xã thờ thần sớm nhất, có đông dân nhất, đồng thời cũng là xã đa tài nhất. Các xã bạn cũng phái kiệu của mình tới hoặc phái một chân kiệu để thay vai khiêng kiệu cùng với xã chủ nhà.
Đi đầu là hai lá cờ “Tiết Mao,” tiếp đến là 5 cờ đuôi nheo gọi là cờ ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ và những lá cờ vuông: đen, trắng, vàng, đỏ, xanh... Sau đó là 4 lá cờ tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Người cầm cờ đội nón có chóp nhọn hoặc chít khăn tai chó, thắt lưng bó que xanh đỏ, chân đi xà cạp.
Sau cờ là trống cái và chiêng đều có người khiêng và lọng che. Trống cái do Thủ hiệu đánh bằng chiếc dùi sơn son thếp vàng. Khi đi rước, Thủ hiệu đánh một tiếng trống, lại đánh một tiếng chiêng. Tiếng trống thúc giục, tiếng chiêng trầm hùng, ngân nga như tiếng của ngàn xưa vọng về.
Sau đoàn trống và chiêng là sự diễu hành của đôi ngựa bạch, đôi ngựa hồng và đôi voi. Dưới chân những con vật linh thiêng này có những bánh xe lăn. Mỗi con vật đều được che lọng và có một chiến binh đi bên cạnh...
Hai chiếc tán thêu Long, Phượng đi trước mở đường cho các chấp kích lang nai nịt, mang lộ bộ, kim qua, phủ việt, chùy đồng... Đi hai bên là những chàng trai dũng cảm, xông pha trận mạc khi xưa, ở giữa họ là một quan viên mặc áo thụng xanh, có lọng che, mang một chiếc biển có phủ vải đỏ ghi dòng chữ: “Thượng đẳng tối linh thần” (thánh tối linh hạng nhất).
Sau đó, một ông già có dáng tiên phong đạo cốt, mặc áo thụng độ màu tía, vái lá cờ “vía”. Cờ bằng vóc đỏ viền vàng có thêu chữ “Lệnh”. Lá cờ này cũng được lọng che. Đó là lệnh của thần linh. Thỉnh thoảng cờ lệnh được phất lên dồn dập, nhắc lại thời chinh chiến oai hùng của thần.
Ngay sau đó là màn gươm tuốt trần do ba người điều khiển. Đến Phường bát âm gồm 8 nhạc cụ, phát ra từ 8 hệ thống âm thanh của 8 vật liệu khác nhau thường có mấy điệu Lưu Thủy, Hành Vân, Ngũ Đối trong suốt cuộc rước.
Sau phường bát âm là Long đình có 4 người khiêng, trong bày hương án, ngũ quả đỉnh trầm và bát hương có cắm những nén hương đang cháy nghi ngút. Hai bên Long đình có tàn, quạt, lọng. Đoàn rước Long đình gồm những chàng trai ăn mặc theo kiểu khố bao khăn vắt, quần áo có nẹp xanh đỏ, bó xà cạp đen, người cầm cờ, người cầm trống khẩu và cầm cảnh. Thỉnh thoảng họ lại đánh lên một hồi trống và một hồi cảnh.
Tiếp đến là hai Long kiệu bát cống của Đức Thánh ông và Đức Thánh bà. Những người khiêng kiệu, đầu chít khăn xanh, mặc quần xanh, thắt lưng bao vàng, đi ủng. Các bô lão, các quan viên đi hộ giá kiệu đều mặc áo thụng, khăn xếp...
Nét cổ kính của Chùa Trăm gian (Nguồn: dulichchuyennghiep)
Không khí tưng bừng náo nhiệt, hương khói mù mịt, tiếng chiêng trống, đàn sáo nổi lên làm cho mọi người như say rượu. Thỉnh thoảng, những chàng trai khiêng kiệu lại đi nhanh, tăng tốc độ và reo vang lên. Lúc này người ta gọi là kiệu bay... Đám rước đi vòng quanh xóm chùa rồi trở về chùa và bắt đầu có những cuộc tế lễ.
Sau khi đám rước ngừng lại trước cổng chùa, người ta tổ chức các cuộc vui chơi, mở hội. Có phường hát Rô ở Quốc Oai đến, phường chèo Tàu từ Đan Phượng sang. Có cả đặc sản “Xẩm chợ” Hà Đông.
Chùa Trăm Gian là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Bắc Việt Nam. Mở hội ở chùa là hình thức tổ chức sớm hơn kiểu tổ chức ở đình. Do vậy, lễ hội chùa Trăm Gian còn vọng lại nhiều âm thanh và màu sắc điển hình của một quá khứ xa xưa với những nét hùng tráng mang tính nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Minh Tú (TTXVN/Vietnam+)
Nguồn link: http://www.vietnamplus.vn/Home/Am-thanh-mau-sac-cua-Le-hoi-Chua-Tram-Gian/20121/123123.vnplus