đậu tương đen hữu cơ

Kinh - Luật - Luận

11:52 06/10/2011

Bát nhã hoa khai (Hành Vân)

(TG&DT) - Tham Thiền và ngộ Thiền là một tiến trình nhân quả. Nó tương tự như là chiếu kiến ngũ uẩn giai không và độ nhất thiết khổ ách vậy. Người đã giác ngộ thì dĩ nhiên là thường ngộ thường giác. Với các bậc ấy, chúng ta không thể đem những nhận thức phàm tình của mình mà đo lường được

Với lòng trân trọng và thao thức về sự kiện Bát-nhã hoa khai và Bồ-đề quả thục, chúng tôi đã rong ruổi qua những trang sách Thiền của ngài D.T.Suzuki do cư sĩ Trúc Thiên và thầy Tuệ Sỹ dịch, hay tham cứu các tác phẩm của hòa thượng Từ Thông, hòa thượng Duy Lực, hòa thượng Thanh Từ…


 

Qua năm tháng, chúng tôi đã nghe ngóng, tìm hiểu được một số điều, mà lòng vẫn có cảm tưởng là mình đang lặn hụp trong một trào lưu tư tưởng, dù là siêu việt đến đâu. Trên bước đường tìm học, chúng tôi đã được Hòa thượng Viện chủ tịnh xá Ngọc Thiền khai thị ba công án Thiền…


 

Đầu tiên, Hòa thượng nhắc đến Tổ sư Long Thọ với lối lý luận đặc trưng của văn hóa Ấn Độ. Ngày xưa, khi có một luận sư ngoại đạo đến hỏi rằng: “Thưa ngài, làm sao để thấy Phật?”, Tổ Long Thọ đã đáp:


 

- Không thấy cái gì hết thì thấy Phật.

 

Người kia không hiểu bèn chất vấn:

 

- Đã không thấy cái gì hết thì làm sao thấy Phật?


 

Tổ sư đáp:


 

- Đã thấy cái gì rồi thì làm sao thấy Phật?

 

Luận sư ấy liền nhận định:

 

- Lý của ngài là lý cưa! (cù nhây, lòng vòng…)

 

Tổ sư đáp:

 

- Còn lý của ông là lý cây!

 

Nhà luận sư ngạc nhiên:

 

- Thế nào là lý cây?

 

Tổ sư giải thích:

 

- Cái cây đã bị ta cưa đứt rồi! (Ngươi đã thua từ đầu rồi.)


 

Vị luận sư thông thái chợt bừng ngộ, nhận ra ý chỉ của Tổ sư, liền quỳ xuống đảnh lễ xin được làm đệ tử xuất gia của Tổ…


 

Thật ra, nói đến Song ngôn luận là nói đến cái thủ đoạn đưa đối phương vào thế phải đối mặt với chính họ. Mà khi đó thì thật là khó chịu. Hãy hình dung xem, ta phải giải quyết cái ta vừa cho ra, ta phải đối diện với những nghi vấn do chính ta đặt ra… Có vẻ như ta là một kẻ sinh sự thì phải. Chân lý vẫn hiển nhiên đấy ư? Kinh Kim Cương đã nói gì về Như Lai và các pháp tướng? “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”. Học giả Đoàn Trung Còn đã chuyển dịch câu kinh này thành kệ như sau:


 

Vật chi nếu có tướng hình

Thảy đều hư, mộng, vọng tình, bông lông…

Bằng xem tướng có là Không

Nhận ra đức Phật khắp trong cảnh tình![1]

 


Sau khi nhắc đến Tổ Long Thọ, Hòa thượng đã trùng tuyên về thông điệp Thiền đầu tiên của Lục Tổ Huệ Năng. Khi bị nhà sư Huệ Minh, vốn là một võ tướng, rượt đuổi, ngài Huệ Năng đã để Pháp y trên đá rồi ẩn thân. Đến khi Huệ Minh giở y không lên, hoảng hốt nói: “Thưa nhân giả, tôi vì Pháp mà đến, chứ không phải vì y mà đến!”, lúc đó Lục Tổ ra mặt, nói: “Nếu muốn cầu Pháp, xin hãy tạm giữ tâm yên lặng, không nghĩ thiện, không nghĩ ác.”. Huệ Minh vâng lời. Lát sau Lục Tổ khai thị:

 


- Khi không nghĩ thiện, không nghĩ ác, ngay lúc đó, chính NÓ là bản lai diện mục của thượng tọa Huệ Minh.


 

Huệ Minh liền bừng ngộ, thưa rằng:


 

- Thưa tôn giả, ngoài lời mật, ý mật trên còn có lời nào nữa chăng?


 

Lục Tổ đáp:


 

- Đã nói ra thì không phải là mật. Mật hay không là ở tại tâm ngươi…


 

Pháp Bảo Đàn Kinh chúng tôi đã xem nhiều lần, của nhiều dịch giả khác nhau. Trong năm, sáu quyển đó, quyển nào cũng nêu lên câu khai thị đầu tiên của Lục Tổ ở dạng một câu hỏi: “Khi không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Huệ Minh?”. Chúng tôi thưa với Hòa thượng là sao Hòa thượng lại khẳng định “ngay lúc đó, chính nó…”? Hòa thượng đáp đơn giản rằng khẳng định thì hay hơn là nghi vấn!


 

Sau đó, Hòa thượng đã diễn giải đạo lý này bằng câu chuyện đối đáp của thầy trò ngài Nam Tuyền Phổ Nguyện và Triệu Châu Tùng Thẩm. Khi thiền sư Nam Tuyền dạy các đệ tử rằng: “Đạo không xanh, không vàng, không đỏ, không trắng, không dài, không ngắn, không to, không nhỏ…”, Triệu Châu hỏi thầy:


 

- Bạch Hòa thượng, trong đó có thể khởi niệm được không?


 

Thiền sư Nam Tuyền khẳng định:


 

- Nếu khởi một niệm liền sai!


 

Ngài Triệu Châu liền triệt ngộ, quỳ xuống đảnh lễ thầy…


 

Ngày xưa, thầy Trang Tử đã từng ví von con người với loài cá: “Cá lội quên sông, người sống quên Đạo!”. Trong biển Thiền biển Đạo mênh mông đó, Hòa thượng không có nhiều chuyện dông dài để kể với chúng tôi. Cuộc sống tự nó đã là những bài học Thiền cho mỗi người, chúng tôi còn đòi hỏi gì nữa?


 

Chủ đề của ba câu chuyện trên là Phật, Bản lai diện mục và Đạo. Tuy nói về Bản thể của vũ trụ và nhân sinh, về Con người chân thật của mình và về ông Phật thật, nhưng thật ra cả ba nội dung đều là một. Mặt khác, những khai thị này chỉ là phương tiện để giúp người giác ngộ. Chúng đã kết tập thành một nền văn học Thiền vô cùng hàm súc, đặc sắc và chuyển tải những nội dung sâu sắc thâm diệu.


 

Văn học Thiền tuy được hình thành ở Ấn Độ nhưng đã nở rộ ở miền Đông Á từ khoảng 1500 năm nay. Nó không đơn giản chỉ là những lý luận thuần túy. Về điều này, Hòa thượng Thánh Nghiêm đã từng khẳng định: Thiền không phải là triết học; nhưng bên cạnh đó, triết học không lìa Thiền. Chúng ta phải dấn thân, phải tự uống ngụm nước Thiền nhiệm mầu cho mình. Bát-nhã hoa khai là một sự kiện quan trọng trong đời các Thiền giả. Khi hoa Bát-nhã nở là lúc người tham Thiền bừng tỉnh, còn gọi là ngộ, là satori, là ngủ mê chợt thức, là chết đi để sống lại trong ánh minh quang, là kiến tánh, là nhận ra mặt mũi xưa nay (bản lai diện mục) của mình, là tìm lại được những gì đã quên trong kiếp luân hồi…


 

Có tham Thiền thì mới có lúc hoa Bát-nhã nở, nói nôm na là có nghi mới có ngộ. Hòa thượng Ngọc Thiền dạy rằng ngộ Thiền cũng là chứng Thiền, ngộ càng cao thì chứng càng sâu, tập khí càng mỏng. Còn nói như Hòa thượng Trúc Lâm thì “Kiến tánh khởi tu” là nhận ra trâu rồi tiến hành chăn trâu, cũng gọi là “Nhậm vận trước y thường, tùy duyên tiêu cựu nghiệp” (Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc áo xiêm), là sau khi kiến tánh thì vị hành giả tiếp tục giữ gìn gột rửa cho đến ngày công viên quả mãn.


 

Như vậy, tham Thiền và ngộ Thiền là một tiến trình nhân quả. Nó tương tự như là chiếu kiến ngũ uẩn giai khôngđộ nhất thiết khổ ách vậy. Người đã giác ngộ thì dĩ nhiên là thường ngộ thường giác. Với các bậc ấy, chúng ta không thể đem những nhận thức phàm tình của mình mà đo lường được. Chúng ta phải lưu ý đến hai tình trạng khác nhau của người đang học và người đã thành tựu. Để khi đó, chúng ta không vội vàng cho rằng “Lý của ngài là lý cưa”, hay có đôi khi lại ngạo mạn cho rằng một nền văn học Thiền kia đều chỉ thuộc về phạm vi trà dư tửu hậu, là những chuyện nói chơi cho vui chứ chẳng giúp được gì ai cả…



Hành Vân


[1] Nếu lòng không đối đãi thì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý lúc nào cũng thấy, nghe, ngửi, nếm, rờ, tưởng được cái chân thật.

Bình luận (2)

Ngày xưa, thầy Trang Tử đã từng ví von con người với loài cá: “Cá lội quên sông, người sống quên Đạo!”. Trong biển Thiền biển Đạo mênh mông đó, Hòa thượng không có nhiều chuyện dông dài để kể với chúng tôi. Cuộc sống tự nó đã là những bài học Thiền cho mỗi người, chúng tôi còn đòi hỏi gì nữa?
Hoa Lục Bình ( 06/10/2011 16:57:15)
Cái ảnh đẹp quá, cảm ơn trang nhà, cảm ơn tác giả Hành Vân có bài viết tự tình rất hay.
Bình Nhật Nam ( 06/10/2011 11:57:51)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp