đậu tương đen hữu cơ

Ý kiến độc giả

13:01 25/11/2014

Bài 2: Phải chấp nhận

(TG&DT) -
Trên báo Giác Ngộ số 769 (7/11/2014), Hòa thượng Thích Trí Quảng, trong bài pháp “Hoằng pháp lợi sanh”, là bài giảng cho tăng ni tại Học viện Phật giáo TPHCM, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh ngày 14/9/2014 đã có nói về việc cải đạo, sự suy yếu của Phật giáo, quan hệ giữa Phật giáo và Thiên chúa giáo, nguyên văn như sau: “Muốn tập hợp quần chúng, nhưng quần chúng là gì? Nói 80% dân chúng theo đạo Phật thì đó là dân nghèo bị áp bức, bị nô lệ. Vì vậy, năm 1963, số lượng phật tử đông, nhưng nghèo, vì người giàu theo đạo Thiên Chúa, vì theo đạo này, họ được làm quan, được học hành, được kinh doanh, v.v… Còn Phật tử đi chùa tụng kinh không có gì hết. Trong anh em bà con của tôi có nhiều người theo đạo Thiên chúa vì được học hành, được du học dễ dàng. Chính vì vậy, người khá giả, giàu có, hay có mộng lớn thường qua cánh cửa này. Từ đó, Phật giáo chúng ta suy yếu lần cho đến thấp nhất là từ số đông 80% dân chúng theo đạo Phật, chúng ta phải chấp nhận sự lãnh đạo của 5% người theo đạo Thiên Chúa. Họ không nhiều nhưng lãnh đạo phật tử là sự kiện thực tế trước kia đã như vậy”.

Trước đoạn văn trên, vấn đề cũng được Hòa thượng Thích Trí Quảng nói qua ở một đoạn văn khác: “Điều này khác với tổ chức Phật giáo ở Việt Nam tuy có chùa nhiều và phật tử đông, nhưng chúng ta thực sự không có tổ chức. Nếu nói chúng ta có 80% theo Phật giáo, khi cần có việc thì họ là phật tử, nhưng xong việc thì ai về nhà nấy, không ai biết ai. Thực tế đã chứng minh điều này. Năm 1963, Phật giáo lâm nạn. Ủy ban Liên phái Phật giáo ra đời tập hợp được hàng vạn tăng, ni và phật tử ủng hộ Phật giáo, nhưng sau đó, chúng ta không đi vào tổ chức được là việc đáng tiếc”.

Hòa thượng Thích Trí Quảng ít khi nói về những vấn đề được cho là tế nhị, nhạy cảm như cải đạo, sự suy thoái của Phật giáo Việt Nam hiện đại, quan hệ giữa các tôn giáo, dù đây là vấn đề lớn của Phật giáo Việt Nam hiện đại, có thể coi là vấn đề tồn vong, sinh tử, dù ở vị trí của hòa thượng, trách nhiệm đối với việc hưng suy của Phật giáo Việt Nam là rất lớn.

Tuy nhiên, lần này, hòa thượng đã nói với tăng ni bằng một đoạn văn khá dài và đăng tải trên một tờ báo chính thức của Phật giáo. Nên dù là chuyện quá khứ, nhưng nó vẫn cho thấy tầm vóc và sự hệ trọng của vấn đề.

Quả thật qua những điều hòa thượng nói, chúng ta có thể thấy được bức tranh khái quát về sự suy thoái của Phật giáo Việt Nam hiện đại. Quá trình này thật ra không phải chấm dứt ở năm 1963. Mà từ năm 1963, hai quá trình song song, cải đạo và suy thoái của Phật giáo Việt Nam đã diễn ra dưới dạng thức mới, tuy không căng thẳng ở bề mặt như trước, nhưng mục tiêu, tính chất, đặc điểm, kết quả là vẫn không đổi.

Trong bài này, chúng ta sẽ từ gợi ý của HT Thích Trí Quảng, tìm hiểu về quan hệ “lãnh đạo” phát sinh giữa các tôn giáo, hệ quả của quan hệ đó với Phật giáo Việt Nam vì sao “chúng ta phải chấp nhận sự lãnh đạo của 5% người theo đạo Thiên Chúa”?.

Sự lãnh đạo đó có kết thúc vào tháng 11 năm 1963, thời điểm kết thúc Pháp nạn lịch sử, hay còn tiếp tục? Hiện nay còn hay không sự lãnh đạo đó?

1.    Trước hết, là cách hiểu về từ ngữ đối với “sự lãnh đạo”. “Sự lãnh đạo” mà HT Thích Trí Quảng nói ở đây không phải chỉ là một hiện tượng lịch sử, chỉ diễn ra trong một thời gian, mà cần hiểu đó là một cách tư duy, một vấn đề có tính chất triết học.

Nó gắn liền với khái niệm đạo công, đạo toàn xã hội, đạo công lập, đạo công cộng, đạo phổ quát, đạo chung… Cái cách tư duy về tôn giáo của mình như vậy đương nhiên là gắn liền với yêu cầu là đạo lãnh đạo. Thực hiện việc lãnh đạo, ở vị trí lãnh đạo, đặt các tôn giáo khác dưới sự lãnh đạo đương nhiên sẽ là yêu cầu đối với tôn giáo đó.

Yêu cầu như thế sẽ không có ở Phật giáo, vì Phật giáo là tôn giáo xuất thế, lánh đời, ẩn tu, không đề ra mục tiêu lãnh đạo, không có đối tượng để lãnh đạo, không có tố chất lãnh đạo trong hoạt động. Ngay cả trong nội bộ Phật giáo, sự lãnh đạo vẫn còn mang tính chất thô sơ, gia trưởng, dòng tộc, hơn là tổ chức, kỷ luật, bộ máy, quy củ.

Đặt Phật giáo với đặc điểm như thế trong môi trường bên cạnh tôn giáo thiện nghệ về lãnh đạo, nhạy bén về lãnh đạo, luôn có mục tiêu lãnh đạo thì đương nhiên tôn giáo đó sẽ ở vị trí lãnh đạo, cho dù là thiểu số. Còn Phật giáo cũng đương nhiên là tôn giáo chịu sự lãnh đạo, cho dù có là đa số. Nói theo cách nói sách vở hiện nay là thống trị và bị trị.

“Sự lãnh đạo” đó sẽ diễn ra với muôn hình muôn vẻ, chứ không phải chỉ là một chính quyền của tôn giáo lãnh đạo như ở miền Nam từ 1954 đến 1963 hay từ 1967 đến 1975. Nói muôn hình muôn vẻ tức là nó có thể biểu hiện một cách vi tế, ẩn ngầm, khéo léo, chứ không đơn giản chỉ là phía ra lệnh, ở vị trí ra lệnh.

Thí dụ, sự lãnh đạo có thể được thể hiện qua vị trí của các cơ sở, với một tôn giáo tuy thiểu số, nhưng sẽ lãnh đạo, thống trị khi cơ sở tọa lạc ở những vị trí trung tâm, còn tôn giáo bị lãnh đạo, chịu sự lãnh đạo thì chỉ có đa số cơ sở ở vùng ngoại vi, xóm lao động, khu ổ chuột, thôn quê…

“Sự lãnh đạo” ở đây còn được hiểu là đẳng cấp với một bên ở bên trên là tôn giáo của giới thượng lưu, học thức, giàu có và một bên là tôn giáo của số đông tầng lớp dưới, ít học và nghèo nàn.

“Sự lãnh đạo” của tầng lớp trên, giới tinh hoa trí thức, giới kinh doanh thành đạt (có thể nắm chính quyền hoặc không nắm chính quyền) đối với tầng lớp dưới, ít học, nghèo khó là việc đương nhiên, thường trực, có tính quy luật.

“Sự lãnh đạo” còn thể hiện giữa một tôn giáo nắm những hoạt động quan trọng của xã hội, như giáo dục, truyền thông, văn hóa (chẳng hạn qua lễ hội tôn giáo), với một tôn giáo bị đặt ra ngoài các hoạt động như thế, tồn tại vất vưởng bên lề, chỉ là đạo của lão bà, của người chết, chỉ có hoạt động chính là tang ma, cúng tế, cầu siêu.

Đặt cách hiểu cụm từ “sự lãnh đạo” của HT Thích Trí Quảng vào những chiều kích như thế, thì mới thấy vấn đề của HT Thích Trí Quảng đặt ra lớn lao đến mức độ nào.

Nó sẽ không chỉ là chuyện chính trị, diễn ra dưới thời một ông tổng thống chú tâm vào việc cải đạo, một bà cố vấn đang tâm dày xéo lên tôn giáo của ông bà cha mẹ mình, mà nó là việc quan hệ tôn giáo, việc văn hóa, việc cơ sở kiến trúc, việc diện mạo đô thị, việc giáo dục, việc y tế…, hết sức đa dạng và biến hóa.

2.    Hiểu “sự lãnh đạo” là như vậy, thì sự lãnh đạo không phải chỉ đến 1954 mới bắt đầu có ở miền Nam, mà từ những năm 1862, 1874, với những hòa ước bất bình đẳng của nước Đại Nam, thừa nhận vị thế của một tôn giáo của người thắng cuộc. Sự lãnh đạo đó lên đến đỉnh cao ở đầu thế kỷ XX, với vị trí của chữ Quốc ngữ, với độc quyền báo chí của một tôn giáo, với những hình thái xóm đạo mọc lên ngày càng nhiều ở các đô thị lớn.

3.    Sự việc diễn ra từ năm 1954 đến cuối năm 1963 dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ là một giai đoạn cao trào của “sự lãnh đạo”, với những biểu hiện quyết liệt nhất, căng thẳng nhất, ở mức độ mâu thuẫn cao nhất.

“Sự lãnh đạo” đó còn đang tiếp diễn và vẫn sẽ tiếp diễn vì, như đã nói, còn đó những tư duy, những thực trạng, những vị thế.

Và phía Phật giáo, rơi vào tình trạng như HT Thích Trí Quảng đã nói, đó là “phải chấp nhận”. Phải chấp nhận vì đã là như thế, không có lựa chọn nào khác, không chấp nhận không được.

Nó giống như người ít học phải theo sự lãnh đạo của kẻ có học, người ít tiền chịu sự lãnh đạo của kẻ có tiền; người chân chất, nông cạn, bình dân chịu sự lãnh đạo của kẻ mưu mô, thâm sâu, sắc sảo…

4.    Cái khó là thấy được sự lãnh đạo đó diễn ra ngay cả khi bên ở vị trí lãnh đạo không nắm trong tay chính quyền.

5.    “Sự lãnh đạo” mà HT Thích Trí Quảng dùng ở đây được hiểu trong văn cảnh quan hệ giữa các tôn giáo. Nó có mối liên hệ mật thiết với đoạn văn được nói trước đó “Chính vì vậy, người khá giả, người giàu có, hay có mộng lớn thường qua cánh cửa này”.

Khi không có quyền chính trị trong tay thì tôn giáo của người có tiền, người có học, người có chí vẫn là tôn giáo ở đẳng cấp trên. “Sự lãnh đạo” là ở chỗ này.

Cái quyết định “sự lãnh đạo” trong quan hệ tôn giáo theo tôi, không phải là ở chính quyền, có tổng thống hay không có tổng thống, mà là do ở tầng lớp trí thức tinh hoa. Chính đây mới là vấn đề căn cơ, nền tảng. Từ tầng lớp trí thức tinh hoa đó, mới sinh ra những kiểu như Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu, Trần Lệ Xuân… Đó chỉ là những con người của giai đoạn, còn tầng lớp trí thức tinh hoa đó mới là vấn đề của lịch sử, của nhiều thế kỷ.

Phật giáo Việt Nam rơi vào thế “phải chấp nhận sự lãnh đạo” do Phật giáo Việt Nam không quan tâm đến trí thức, không hướng đến giới trí thức, không là đạo của giới trí thức, mà ngược lại, trong đạo Phật cúng bái, lại có khuynh hướng bài trí thức, bất cần trí thức, loại trừ trí thức. Trong đạo Phật cúng bái như vậy, thì chỉ có những vị thầy cúng ở giữa những bà lão 60, 70 tuổi, hay lắm là thêm được một số nữ giới trẻ tuổi, nhưng phần lớn là người lao động nhỏ, buôn bán nhỏ. Chính nhân sự như thế đưa Phật giáo Việt Nam vào vị trí “phải chấp nhận sự lãnh đạo”. Vì lãnh đạo gắn liền với đầu óc, trình độ và cả giới tính số đông nữa. Không thể những bà lão mặc đồ bộ tụng kinh ở chùa lãnh đạo những thanh niên, trung niên học thức, am hiểu học vấn và âm nhạc Tây phương mặc áo dài hay đeo cà vạt trong ca đoàn. Nếu một bên không có ý đồ lãnh đạo một bên, thì trong tương quan cùng phạm trù tôn giáo, thì sự lãnh đạo vẫn diễn ra. Huống chi là đối với một bên đã tự xác định mình ở vị trí lãnh đạo, là đạo công, là đạo chung cho toàn thể.

6.    “Sự lãnh đạo” còn bộc lộ ở xu hướng phát triển. Ở những nước mà tôn giáo của số đông, của tri thức, nhưng đang rơi vào tình trạng suy thoái, giảm sút tín đồ, thì cũng khó mà xác định vị trí lãnh đạo. Từ đó, Phật giáo cũng phần nào ít phải chịu sự lãnh đạo.

Lãnh đạo là phải ở thế hưng thịnh đang lên, phát triển chứ không chỉ là hơn về số tín đồ.

Nhưng ở Việt Nam, thì mối tương quan giữa Phật giáo và các tôn giáo khác đã rõ. Phật giáo là tôn giáo suy thoái, bị cải đạo, có số lượng tín đồ tương đối (trong sự so sánh với các tôn giáo khác) sụt giảm.

Còn đối với tôn giáo khác, thì gia tăng không chỉ là số lượng tuyệt đối, mà còn ở so sánh tương đối, 5% chỉ còn là số lượng quá khứ. Mà 5% thì đã ở vị trí lãnh đạo, thì khi tăng 6%, lên 7% rồi 8% thì vị trí đó càng trở nên chắc chắn trong tương quan, bất kể việc có chính quyền hay không.

7.    Qua trên chúng ta đã thấy sự lãnh đạo có nhiều hình thức, nhiều thể hiện, nhiều cấp độ. Hiện nay, cấp độ đó đang tăng, với tác động của toàn cầu hóa, phương Tây hóa, hiện đại hóa. Có tôn giáo từ vị trí mất đi hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện xã hội đang trên đà phục hồi. Các cơ sở ở khu trung tâm đang từng bước khôi phục. Điều đó thể hiện một quá trình chuyển biến trong “sự lãnh đạo”. Có thể không cần đến việc có trong tay quyền lực chính trị như trước, “sự lãnh đạo” ngày nay sẽ mang yếu tố “quyền lực mềm”, “thực dân mới” nhiều hơn.

Đó là một sự lãnh đạo rất mạnh mẽ nhưng người trong cuộc, chịu sự lãnh đạo vẫn không nhận ra. Ngược lại, ở đây còn có thể có việc tạo ra ảo tưởng, “narco” (làm cho mê mị) không nhận thức được “sự lãnh đạo” mà vẫn phải chấp nhận sự lãnh đạo. Kết quả là một sự tiêu vong từ từ, bệnh lý nhưng không được chẩn đoán, điều trị, vẫn khỏe mạnh biểu kiến, mạnh khỏe bề ngoài rồi chết.

8.    Nhận thức việc Phật giáo Việt Nam “phải chấp nhận sự lãnh đạo từ 5%...” là một bước tiến lớn trong việc đánh giá hiện tình Phật giáo Việt Nam từ một nhà lãnh đạo Phật giáo đương đại. Đã qua rồi thời kỳ coi Phật giáo Việt Nam đương đại còn hưng thịnh vượt hơn cả thời kỳ Lý – Trần. Phật giáo Việt Nam chiếm 80% dân số!

Vấn đề lãnh đạo trong quan hệ tôn giáo vững chắc hơn nhiều so với khái niệm lãnh đạo trong chính trị. Trạng thái “phải chấp nhận sự lãnh đạo của 5%” không phải được giải quyết bằng vài chiếc xe tăng chiếm Dinh Gia Long, để rồi vài năm lại có chế độ Diệm không Diệm ở miền Nam. Nhưng may mà đã đi tới được một nhận thức như thế. Nhận định của Hòa thượng Thích Trí Quảng có thể coi là một sự đột phá trong tư duy các nhà lãnh đạo Phật giáo.

9.    Do đó, vấn đề cốt lõi là chấn hưng Phật giáo Việt Nam tiếp tục sự nghiệp chuyển đổi trong bản chất Phật giáo Việt Nam từ một tôn giáo cúng bái, sang một tôn giáo của trí tuệ, thu hút được giới trí thức, giới trẻ và nam giới. Một tôn giáo như thế không thể là một tôn giáo cấm cửa chùa cho thanh vắng, chia rẽ trong nội bộ đến mức tạo sự khác biệt trong y phục tín đồ, muốn dẹp xe thuyền rước Phật là dẹp hay nhìn thấy vai trò của thửa đất trung tâm hiếm hoi may mắn còn lại với cái nhìn chỉ là nơi cúng tế hay làm việc thư lại, trong khi tôn giáo khác đang có những kế hoạch lớn lao về giáo dục, truyền bá.

Nếu chỉ kêu lên việc “phải chấp nhận sự lãnh đạo của 5%” để rồi xuôi tay, thúc thủ cúi đầu, tiếp tục “phải chấp nhận sự lãnh đạo” thì đó không gì khác hơn là tiếng kêu tuyệt vọng, chứa đầy nỗi nhục của người “phải chấp nhận”.

Minh Thạnh

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp