đậu tương đen hữu cơ

Ý kiến độc giả

16:16 10/02/2015

Nhận định cuốn sách Tìm thiền trong đạo Chúa

(TG&DT) - Ngày cuối năm 2014, qua e-mail một nhân sĩ Phật Giáo gửi cho tôi cuốn sách khoảng 100 trang có tên “Tìm Thiền Trong Đạo Chúa” *của Lm. Nguyễn Văn Thư. Sách cho thấy, linh mục Thư có chương trình bành trướng Thiên chúa giáo, và có thể cải đạo Phật tử, qua con đường Thiền của Phật Giáo.
Thông qua việc vay mượn những thành tựu to lớn của Thiền Phật Giáo, vị linh mục này đã cố ý gán ghép những ý tưởng sai lạc của chính cá nhân ông với phương pháp tĩnh tâm, cấm phòng của đạo Chúa hòng làm mới những giá trị luân lý vốn khô cằn, thiếu sức thuyết phục của một tôn giáo mà ông đang theo. Ông đi tìm dấu vết về một số cách tĩnh tâm nào đó trong các linh mục rồi gượng ép cho rằng đây là Thiền của Thiên chúa giáo không khác gì thiền Phật Giáo.

Tuy nhiên, những hiểu biết cạn cợt về thiền học và hành động lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, đã không có một mảy may cho thấy thiền là tạo phẩm của Chúa mà ông gán ép.

Sách cũng cho thấy nỗi trăn trở lo âu cao độ của vị Lm này trước tình trạng, người người bàn đến thiền - nhà nhà thực hành thiền như hiện nay, nhất là tại phương trời Âu Mỹ. Chính vì lo ngại tín đồ của nhà thờ bỏ qua chùa để ghi danh các lớp thiền, ông đã có một động thái hết sức ấu trĩ là đi chứng minh cho một điều (Thiền) chưa bao giờ có trong đạo Chúa hoặc "Tìm Thiền Trong Ân Sủng Của Chúa".

Dưới đây, Tịnh Liên sẽ trình bày sơ lược việc hiểu và hành thiền trong Phật Giáo.

 Phần I: Những ý niệm sai lạc về thiền của Lm. Nguyễn Văn Thư

Trong sách của mình, Lm NVT tỏ ý tán thành những khái niệm lãng mạn về thiền như sau: "là cái trống-rỗng êm-đềm, cho ta cái tự-do thỏai-mái để tìm chân-lý. Nó giống như luồng sáng chiếu vào hồn ta, không mang hình-thể hay khung-khổ nào. Nó cũng tựa như pha-lê trong suốt, không sắc màu, không tỳ ố”  [Trích Phần 4 – “Phong Trào Thiền Lên Ngôi”].

Thậm chí ông còn cho rằng, thông qua kỹ thuật  "ngồi nhắm mắt, tập trung đầu óc để hết còn dính mắc vào bất cứ chuỵên gì, thiền  sẽ giúp chúng-sinh tìm thấy cõi Hư-Vô, tạo nên thế-giới Cực-lạc, đi vào cõi Bồng Lai" . Theo Lm này, "sự khác biệt giữa thiền trong Thiên Chúa Giáo và thiền của Phật Giáo chính là sự có nhận ân sủng của các đấng thiêng liêng hay không." [Trích Phần 2 – [ “Từ Miền Đất Phật” và Phần 7 – “Cuộc Hành Trình 2000 năm” ].

Những ý niệm về thiền như thế không phải là của Phật Giáo. Nó chỉ là những suy tưởng mù mờ gán ép của những người biết lơ mơ về Thiền. Bởi trong Phật Giáo, thiền không phải là phương pháp duy nhất đưa hành giả đi vào "cảnh giới Niết Bàn". Đọc qua những dòng chữ của LM  như "... sẽ tìm thấy cõi hư vô, thế giới cực lạc khi ngồi nhắm mắt, tập trung tư tưởng ..."  Tôi có cảm nghĩ tác giả  đang lầm tưởng  "Niết Bàn" là một cõi nước nào đó.  Vì vậy mà Lm cố gắng gán ghép  và chứng minh phương pháp tĩnh tâm, suy niệm của Thiên Chúa Giáo cũng là một hình thức thiền tập đã có từ thời chúa Giê Su và thánh Phao Lô. Việc làm này dễ gây ngộ nhận giữa việc các con dân Thiên Chúa đang ngày đêm tĩnh tâm cầu nguyện cũng đi vào nước trời, mà ông cho rằng, không khác gì việc các hành giả Phật Giáo thiền tập để đi vào Niết Bàn.

Tôi được biết, cầu nguyện trong Thiên Chúa Giáo là một hình thức dâng tâm tình lên và nói chuyện với Thượng Đế. Trầm tư suy niệm chính là dành thời gian để suy nghĩ về một đoạn thánh kinh nào đó. Những hoạt động này có thể tạm thời giúp cho người thực tập có được sự tĩnh lặng, an vui nếu họ có thể nhiếp tâm vào đề tài đã chọn. Nhưng mục đích của hoạt động tĩnh tâm - suy niệm và thiền tập trong Phật Giáo rất khác nhau.

Thiền trong Phật Giáo cũng có thể tạm được chia làm 2 dạng là thiền sức khỏe và thiền giác ngộ. Nhờ tâm an trú ở một điểm mà năng lượng của chánh niệm sẽ được phát sinh, bảo vệ tâm khỏi sự chi phối của phiền não, thanh lọc thân tâm. Khoa học ngày nay  có nhiều công trình chứng minh được là  thiền tập thường xuyên sẽ có rất nhiều lợi ích như khỏe mạnh hơn, thông minh hơn và giảm thiểu bệnh tật… Còn dòng thiền Giác Ngộ thì có rất nhiều tông phái khác nhau của Phật Giáo như Vipassana, Tào Động, Tào Khê, Lâm Tế, Trúc Lâm... Nhưng tựu chung, thiền tập chính là để phát huy niệm, định, tuệ tiến đến mục tiêu giải thoát khổ đau bệnh tật ở hiện tại rồi giải thoát giác ngộ con đường sanh tử, chứ không phải là đi vào một cõi nước thần tiên nào đó.

 Việc thực tập phải được tiến hành hết sức thong thả tự nhiên, tránh việc thúc ép thân tâm trở nên căng thẳng do tập trung quá mức.

Việc Giác Ngộ qua quá trình thiền tập có thể được hiểu một cách giản dị chính là trạng thái tỉnh thức, không dính mắc vào hai biên độ đúng - sai, được - mất, có - không, thấy được tự tính vô thường, vô ngã và bất toại nguyện luôn có mặt trong mọi sự vật hiện tượng, từ đó vượt thoát được ưu bi khổ não, luôn an vui tự tại giữa 2 dòng thuận nghịch cuộc đời.

Ngược lại, "Giác Ngộ" theo  Lm Nguyễn Văn Thư lại chính là hiện tượng hòa tan vào trong Thiên Chúa. Điều này thật giống như ý niệm Tiểu Ngã hòa tan vào Đại Ngã tối cao của các tôn giáo độc thần khác. Ông viết:"Chính thánh Phao-lô đã là người duy-nhất trong lịch-sử Ky-tô giáo dám lên tiếng với giáo-dân: Anh chị em hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước Đức Ky-tô. Phao-lô nói điều này với cả cõi lòng chân-thành và khiêm-tốn nhất, bởi ngài đã thực-hiện được điều này: Tôi sống, nhưng thật ra không phải là tôi, mà là chính Chúa Giê-su sống trong tôi.

Theo ngôn-ngữ Thiền thì Phao-lô đã thành Phật vì ngài đã đồng-hoá mình hòan-toàn với cái mẫu-mực tối-thượng mình đang tìm về " [Trích Phần 6 – “Thánh Phao Lô Nhập Cuộc” ].

Quan điểm thành Phật này hoàn toàn ấu trĩ và sai lầm! Bởi phần lớn giáo lý của nhà Phật đều chỉ nêu lên  tinh thần vô ngã, người hành giả cần phải phản quang tự kỷ, gột rửa ý niệm nhị nguyên,  nhận chân Phật tính ở bên trong mình.  Mỗi người đều đã là Phật từ trong bản thể, chỉ vì vọng tưởng dấy khởi, thị phi phân biệt mà chấp lầm thân tâm này là một Ngã riêng biệt rồi hơn thua tranh đấu với nhau. Trong Phật Giáo không hề có chuyện phải hòa tan Ngã này vào một Ngã khác thì mới đạt tới trình độ "Giác Ngộ", như LM lầm tưởng và vội mừng thầm rằng thánh Phao Lô cũng đạt tới sự " Giác Ngộ" khi trở thành bản sao của Chúa!

Do hiểu lầm về "Giác Ngộ"  mà Lm Nguyễn Văn Thư tự ý sáng tạo ra một loại "Ơn Giác Ngộ" có từ Thiên Chúa trong câu:"Thiên-Chúa đã chọn những điều trần-gian cho là yếu-kém để đánh bại và hạ nhục những gì họ coi như hùng-mạnh, cũng như Ngài thích dùng cái không có, cái không đáng kể, để hủy-diệt những cái đang có nơi họ !" [Trích Phần 6 - Thánh Phao Lô Nhập Cuộc ].

Lm tự cho rằng câu nói trên mang một không khí rất thiền!  Thậm chí ông còn tự tin đến mức ẩn ý phong danh "Thiền Sư" cho thánh Phao Lô khi Phao Lô tự cho rằng mình "là một kẻ tự do nhưng cam tâm làm nô lệ cho Chúa, tự hào về những yếu hèn của mình vì khi đó sức mạnh của Thiên Chúa trong Phao Lô sẽ được biểu hiện đầy đủ.

Lm Nguyễn Văn Thư  có vẻ hết sức vui mừng khi đọc được những dòng tuyên ngôn mờ ảo này và ông cho rằng thánh Phao Lô đã vượt thoát được cái tôi giống hệt như bên Phật Giáo! Cho nên ông viết rất hào hứng như sau: “Phao-lô đã thoát ra được cái ‘tôi’ nặng-nề để đồng hóa cùng tất cả, biến mình thành con số không, để mong được đầy tràn, viên-mãn. Thiền-sư nào dám coi nhẹ Phao-lô ?”  [Trích Phần 6 - Thánh Phao Lô Nhập Cuộc ].  Kỳ thực, Phật Giáo chẳng có thiền sư nào ngây thơ hiểu sai lạc về Thiền như Phao Lô - từ bỏ cái tôi này để mang vác một cái tôi khác vào mình với tham vọng trở thành kẻ mạnh nhất khi có được ân sủng từ Chúa. Vì vậy,  Lm Thư cho rằng việc biến đổi "đồng nhất với chúa"  chính là "tu  thiền cho mau thành Phật" [Trích Phần 6 - Thánh Phao Lô]. Nhưng ông  không thấy sự  sai khác giữa Thiền Phật Giáo và Thiền do Lm cố gượng ép nặn ra!.

Thêm vào đó, để vượt thoát khái niệm tôi - ta, nhân - ngã trong truyền thống Phật Giáo là cả một quá trình thực tập đi sâu vào chính bản thân mình để hiểu được bản chất chân thật của nó.  Đức Phật đã nói: "Muốn thấy Như Lai, phải thấy từ thân tâm này" . Đức Phật đã từng thực tập quán sát thân tâm như thế để đạt đến trạng thái tỉnh thức, giác ngộ. Tuy nhiên, Ngài lại nói là chớ có vội tin vào lời Ngài bằng đức tin hay lý luận suông, mà phải tự thực hành để xem điều đó có đúng không, có lợi ích thiết thực không. Còn trạng thái cái gọi là “Giác Ngộ" của Thánh Phao Lô, mà Lm gán ép, có vẻ như mang tính thuần phục của một viên tướng trước một ông vua mình trung thành mà thôi. Hành vi so sánh đó, chẳng khác nào vị Lm này đang tự chứng minh Thiên Chúa Giáo "không thể cầm nổi", dù chỉ một ít tài sản, vốn thuộc về một truyền thống tâm linh khác!

Phần II: Sự lỏng lẻo trong phương pháp Thiền Với Chúa hay sự thổi phồng "Tĩnh Tâm - Cấm Phòng Suy Niệm Chính Là Thiền”?

1.- Phải làm chúa hài lòng và sáng danh thì mới là "Ngộ"?


Lm Nguyễn Văn Thư nhận định:

"Trong khi bên nhà Phật đòi ta, khi tham thiền, phải lọai bỏ ngay cả cái mong-ước được giải-thóat (dù trước đó mình luôn mơ về chuyện này), người Định- an (mượn chữ của cha Hòang-sỹ-Qúy) bên Ky-tô giáo được khuyến-khích thường-xuyên ôm-ấp cái ước-mơ được ơn cứu-rỗi vĩnh-cửu.

Khi thực-hành, kẻ ‘Ngộ’ bên đạo Chúa phải lấy việc yêu-mến và kết-hợp với Chúa là chính hạnh-phúc đời mình. Việc này trong cùng một lúc sẽ làm sáng danh Ngài cũng như làm Ngài hài lòng về ta."Và" Điều khác-biệt lớn nhất so với giáo-thuyết nhà Phật là ở đây các nhà tu-đức Ky-tô giáo dựa càng nhiều càng tốt vào ân-sủng từ trên cao, để tiến-hành việc tu-thân-tích-đức"  [Trích Phần 7 – “Hành Trình 2000 Năm”].
 
Đọc đến đây, tôi nẩy ra một câu hỏi: Lý tưởng và mục đích tu thiền của con dân  Chúa là chỉ để làm sáng danh chúa, vì chúa thiếu danh! Và càng có nhiều ân sủng thì mới có thể dễ dàng tiến tu?

Điều này rất khác với tinh thần tự lực giác ngộ của nhà thiền. Cho dù các thiền giả có khát khao chứng ngộ đến đâu, họ cũng phải tạm gác một bên những ý niệm và định kiến của mình. Các hành giả luôn được khuyến khích phải bỏ qua hết mọi ghét thương, mong cầu và phê phán trong khi thực tập, chỉ nhận diện đơn thuần những gì đang sanh khởi để đối trị với việc tâm bị lôi kéo, xao lãng. Việc mong cầu có được ân sủng của Chúa trong lúc thiền tập như thế; thì giống như một mgười khuyết tật, không đủ sức sống, nên tĩnh lặng cầu xin ơn phước  của một ông thần hơn là thiền tập để rèn luyện định lực, không bị chìm trôi trong dòng sông ý tưởng để thấy rõ bản chất của sự việc đúng như nó đang là. Đây cũng thêm một điểm khác biệt rõ ràng để phân định đâu mới là thiền tập chân chính, đâu chỉ là sự vay mượn biến chế vì hốt hoảng trước làn sóng thiền.
 
2.- Xuất hiện thần thông, cũng là "Ngộ"?

Lm Thư viết: “Khi lên tới bậc kết hợp tuyệt-đỉnh, các linh-hồn thánh-thiện nhiều khi nhận-được những điều ‘mặc-khải’ nhiệm-mầu, đi theo sau những lần ‘xuất-thần’ và ‘thị-kiến’ siêu-nhiên.

Nhiều thánh-nhân từng nhận các ơn ‘đặc-sủng’ lạ-lùng, tỉ như ơn nói tiên-tri, ơn chữa lành, ơn nói tiếng lạ v.v….Rồi cũng có những vị thánh bỗng thấy thân xác mình bay bổng lên cao. Có vị xuất-hiện tại hai ba địa-điểm cùng một lúc. Có đấng có ánh sáng toả ra quanh đầu hay cả thân mình. Có vị xông mùi thơm ngào-ngạt. Có vị không cần ăn-uống lâu ngày mà vẫn khỏe-mạnh. Đặc biệt là có một số được ơn ghi dấu thánh của Chúa Giê-su nơi chân tay”  [Trích Phần 7 - Cuộc Hành Trình 200 năm].

Hiện tượng đắc thần thông, không chỉ có trong thiền Phật Giáo mà các hình thức thiền ngoại đạo khác đều có nhắc tới. Song, nó không phải là mục đích cao cả của người tu Thiền bên Phật nếu, Lm muốn con chiên thực hành thiền đúng cách để có được sự lợi ích từ việc hành thiền thì Lm nên biết, mục đích của thiền trong Phật Giáo chính là để phát triển sự tỉnh giác và giải thoát (bệnh tật và sinh diệt). Có một sự liên hệ giữa những hiện tượng phi thường với thiền tập, nhưng với các hành giả tu thiền Phật Giáo, họ không coi đó là một sự chứng nhận cho trình độ tu tập của mình, càng không dành cho chúng một sự quan tâm quá đáng. Ngược lại, những hiện tượng ấy được xem là nguy hiểm với những thiền sinh mới vì chúng có tính cám dỗ, là cái bẫy có thể dẫn dụ người tu thiền đi lạc hướng và có thể bị tẩu hỏa nhập ma!

3.- Phải mang Tâm lý tự ti - cho mình thân phận thấp hèn hơn Chúa!

Lm viết: "Ta đón nhận tâm-trạng siêu-nhiên này trong một cái thế chênh-lệch lớn-lao: Chúa quá vĩ-đại mà tâm-tư ta quá bé-nhỏ hạn-hẹp. Thế là vừa yêu mến Ngài mà lại vừa thấy bước vào một bóng tối dày-đặc bao trùm....ta như thấy mình chết lặng trước nét cao-cả của Thần-linh Chúa: thôi đành nép mình lại để mặc cho Ngài lay-động, kéo-lôi, hướng-dẫn và dạy-bảo...."  [ Trích Phần 7 - Cuộc Hành Trình 2000 năm].

Tâm lý thấp kém, nhỏ bé này đạo Phật gọi là mặc cảm tự ti. Trong khi đó, thiền tập của Phật Giáo nhằm tháo tung những vướng mắc, kỳ thị và phiền não do tâm phân biệt tự tị, tự tôn, hơn - kém - bằng gây ra. Lm nên biết rằng thiền tập theo tinh thần Phật Giáo càng không bao giờ là một pháp môn dành cho các bậc thiêng liêng, còn người phàm thì không thực tập được nếu như không có ân sủng của Thượng Đế. Thiền Phật Giáo là một phương pháp thực tập có liên quan mật thiết đến đời sống hằng ngày, có thể áp dụng ngay vào cuộc sống chứ không phải dành riêng cho một ông cao cả nào, nếu ông ta có được sự cao cả, hay một thế giới nào có khả năng làm cho người thiền tập phải "chết lặng" như Lm nhận định.

4.- Phong trào tìm Chúa trong hoang vắng do Thánh Phao Lô khởi xướng -  dấu ấn của Thiền trong Đạo Chúa?

Trong phần 6 – đoạn “Thánh Phao Lô Nhập cuộc”, LM Nguyễn Văn Thư đưa ra những dẫn chứng nhằm chứng minh thiền vốn có trong đạo chúa từ lâu:

- "Quay trở lại với lịch-sử sơ-khai Ky-tô giáo, thánh Phao-lô có lẽ là nhân-vật thực-hành tuyệt-hảo lối sống chiêm-niệm kiểu ‘Thiền trong đạo Chúa’ đầu tiên, trong thời-gian ngài vào sa-mạc để ‘tĩnh-tâm’ 3 năm liền. Có thể nối gót ngài có nhiều thánh-nhân cũng đã đi vào con đường đó, nhưng lịch-sử không hề ghi lại dấu-vết hoặc văn-bản nào, cho đến ngày thánh An-tôn tu-rừng xứ Ai-cập, vào đầu thế-kỷ thứ 3, khai-trương phong-trào ‘tìm Chúa trong hoang-địa’, kèm theo sự suy-niệm trong hoang-vắng triền-miên của cõi lòng."

- "Nhưng rồi phải đợi tới cuối thế-kỷ thứ 5 ta mới được chứng-kiến một nhân-vật tìm cách hệ-thống-hoá đường tu chiêm niệm Ky-tô giáo, làm nền tảng và hướng-đi cho các tu-viện sau này trong giáo-hội phương Tây...."

- "Cái hướng đi Tỉnh-thức và Giác-ngộ Ky-tô giáo này lại được canh-cải cho thêm phần chặt-chẽ hơn khi, vào đầu thế kỷ 11, phong-trào ‘Xi-tô’ được khởi-xướng...ta thấy có các dòng-tu Trappist với dáng-dấp của những nhà tu Thiền truyền-thống từ bên Đông-phương.Cái ‘hình ảnh’ này lôi-kéo ta hướng-thượng và kết-hợp: Ta sẽ hết là ta. Sẽ thấy việc ‘Ngộ’ ở chính nơi đây."

Muốn thưa với Lm rằng, trong kinh Tân Ước lẫn Cựu Ước, khái niệm thiền hoàn toàn không có. Nhưng trước sức ảnh hưởng sâu rộng và mạnh mẽ của thiền mà các Lm Thiên Chúa Giáo đã đứng ngồi không yên nên thao tác tùm lum ra như thế chăng?

Thậm chí trong bài viết "Thiền Với Người Công Giáo", Lm Hoàng Sỹ Quý** Dòng Tên còn cho rằng : " Thiền không phải là sở hữu của bất kỳ một tôn giáo nào. Thiền ở góc độ nhất định cũng giống như khoa học – kỹ thuật, nó mang tầm nhân loại tính và đồng thời mang đến phúc lợi cho cả nhân loại chứ không riêng một chủng người nào. Y học hiện đại phương Tây không phải chỉ sinh ra cho người phương Tây sử dụng, công nghệ không gian không chỉ dành cho phương Tây thám hiểm… Cái gì thuộc tầm giá trị của nhân loại thì nó thuộc về nhân loại. Huống hồ, trong Cựu ước sáng thế Thiên chúa đã làm nên tất cả thì không lẽ nào lại bỏ quên Thiền. Chẳng qua chúng ta không tự nghiệm xét điều thẳm sâu vi diệu trong từng “hạt cải” trong từng “mảnh gỗ” trong từng “lời” mà ngài đã chỉ dẫn chúng ta. Xin thưa với quý bạn, Đức Ki-tô là một bậc thầy của Thiền..."

Phát xuất từ tâm cảnh ít nhiều thấy rõ những sai lầm và lỗi thời của cái tôn giáo mà mình đang theo, nên Lm đã đưa ra cái “tuyên ngôn” kỳ quặc như trên. Nên không chỉ những ai hiểu về thiền và người Phật tử, mà có lẽ đa số tín đồ các tôn giáo khác, kể cả Cơ đốc giáo, cũng chỉ biết bưng miệng cười khúc khích mỉa mai mà thôi. Còn Lm Nguyễn Văn Thư thì sau khi chứng minh dài dòng việc tồn tại dấu ấn sơ khai của Thiền qua hình ảnh của Thánh Phao Lô thì đến phần 8 – “Kết Luận Thực Hành”, Lm Thư lại viết những dòng nhận định rất mâu thuẫn với Lm Hoàng Sỹ Quý như sau :

 "Ta phải kết-luận dứt-khoát :Thiền đến từ nhà Phật [đúng, TL]. Nó quấn-quýt lấy giáo-lý không đề-cập chi tới một đấng Tạo-hóa tối-cao có sức chi-phối mọi sinh-hoạt và biến-chuyển của vũ-trụ cũng như nhân-loại  [những nhận định về đấng tối cao…, hoàn toàn không có chứng cứ khoa học. Do đó chỉ nên nói trong nhà thờ mà thôi, TL]. Có thể Đức Thích-Ca chưa muốn nhắc tới Thiên-Chúa [Đức Thích Ca xem Chúa chỉ là một vị thần đang hụp lặn trong vòng sanh tử, TL] vì chỉ tạm nhằm giúp con người mau thoát ‘bể khổ’ trần gian. Tuy nhiên, giáo-lý đạo Chúa nêu lên cái điều khác biệt từ căn-bản gốc-rễ, lớn lao và nghiêm-trọng khi phải nói về một Tôn-giáo. Người ta không thoải-mái khi dùng từ-ngữ ‘Vô Thần’, nhưng thực-sự đạo Phật không ( hoặc chưa ) công-nhận sự hiện-diện của một đấng Tối-cao như bên đạo Chúa" [vì nhân loại ngày càng không thừa nhận một đấng “tối cao” nên Âu Châu chỉ còn 9% đi lễ nhà thờ, và Mỹ trên 50% dân số bỏ thuốc theo thiền, làm cho một số linh mục như Lm. Thư và Lm Quý quýnh lên, nên viết sai lạc toàn bộ, rồi xúi con chiên đi “ăn cắp” Thiền để chế biến, TL].

Hành vi này được chính Lm Thư thừa nhận như sau:

"Thế là, trong cái khung-cảnh của xã-hội ồn-ào náo-nhiệt ngày nay, chúng ta cùng nhau ‘mạo-muội’ (hay táo-bạo ) đi tìm một lối đi ‘đại-kết tân-thời’: Mượn cái ‘bao’ (vỏ) của Thiền, với những kinh-nghiệm về phương-pháp và kỹ-thuật dồi-dào, rồi thay vào bên trong (cái ruột) bằng những nội-dung, những giáo-lý, những tâm-tình đạo Chúa.
Nói khác đi, ta dùng toàn chất-liệu căn-bản Ky-tô giáo được lồng trong cái hình-thức Thiền theo nhà Phật...."  [ Trích phần 8 – “Kết Luận Thực hành” ].

Phật thường nói “Ta sinh ra đời là vì lợi ích của tất cả chúng sanh, chứ không riêng ai. Do vậy, Phật Giáo không bao giờ nói Đạo Phật giữ bản quyền lời dạy của Ngài (Thiền là một trong nhiều pháp tu Phật Giáo). Nhưng không phải vì thế mà Lm Quý và Lm Thư lại hình như công khai khuyên tín đồ nên ăn cắp “hàng” người khác rồi xào nấu, đổi nhãn hiệu… Thật ra, hai Lm nên nghe những phát biểu của các chuyên gia y học và khoa học: ‘Thiền mà chúng tôi áp dụng để chữa trị bệnh tật là Thiền của Phật Giáo, nhưng chúng tôi lấy nó ra khỏi màu sắc tôn giáo để người khác tín ngưỡng cũng có thể thực hành Thiền mà không ngại ngùng gì ’ .

5.- Tĩnh tâm, suy niệm lại trở thành Thiền?

Theo như Tịnh Liên được biết thì tĩnh tâm thường kết hợp một đoạn cầu nguyện ngắn với những phút im lặng suy tưởng về nội dung của đoạn thánh kinh ấy, sau đó tự trả lời các câu hỏi đại khái như sau:

 - Liệu cá nhân, gia đình, hội đoàn của tôi đã bao giờ thực hành việc phản tỉnh, hay hồi tâm xét mình theo cách thức của thánh Inhaxio hay chưa?

- Hồi tâm xét mình trước nhan thánh Chúa, cá nhân tôi cần phải sám hối và thay đổi điều gì để bản thân, gia đình, hội đoàn, khu giáo, và giáo xứ của tôi được hiệp nhất, bình an, và hạnh phúc hơn?

- Đã bao giờ tôi cảm nghiệm được sự hiện diện và hoạt động của Chúa cách tràn đầy nơi đời sống của tôi không? Nếu có, đó là lúc nào? Tôi đã và đang làm gì để sự hiện diện và hoạt động của Chúa ngày càng rõ nét nơi cuộc đời tôi? …

Và gần đây nhất là tại tu viện Dòng Sức Sống Chúa Ki Tô ở Bành Văn Trân, Quận Tân Bình có mở một lớp "Học Thiền Với Chúa KiTo" do Tu Sĩ Phaolô Nguyễn Mặc Châu, XV giảng dạy. Phương pháp thiền của tu sĩ này còn được gọi dưới một tên khác là "Nguyện Ngắm" hay "Chiêm Nghiệm", nó được cho là trình độ cao nhất của tĩnh tâm cầu nguyện.

Tiến trình của nó như sau:

- Nguyện cầu: cầu xin Thần Khí (Chúa Thánh Thần) nhân danh Chúa Kitô, và xin Mẹ Maria Vô Nhiễm dạy dỗ bạn.

- Khoảng không: Tĩnh lặng tâm hồn và làm sạch tâm trí.

- Ngắm nhìn: tâm trí nhìn Chúa Giêsu Kitô nơi chính mình.

- Kết thúc: tạ ơn và giãn xả cơ thể.

Trong tiến trình 2 và 3 là khoảng không và ngắm nhìn, tu sĩ này có vay mượn chút ít kỹ thuật thiền nhưng lấy nội dung thực tập là hình ảnh Thiên Chúa như sau:

Tạo khoảng không trong tâm trí

Tĩnh lặng tâm hồn và làm sạch tâm trí bằng cách nhắm mắt và tập trung ý nghĩ một cách nhẹ nhàng vào một điểm, tốt nhất là điểm ở giữa hai chân mày (ấn đường), rồi từ từ quên điểm ấy luôn…

Còn đây là phương pháp của LM Nguyễn Văn Thư trong quyển "Tìm Thiền Trong Đạo Chúa":

a) Mượn kỹ thuật ngồi thiền và nhiếp tâm vào hơi thở. "Nhớ lại rằng Chúa đã tạo-dựng linh-hồn chúng ta qua việc thở hơi vào xác-phàm con người: Sự sống đến nhờ hơi thở của Thiên Chúa. Thế là ta cứ ngồi im-lặng mà hít thở chính Thần khí của Ngài..." [Bằng những chứng minh của khoa học, không còn ai tin Chúa hà hơi vào lỗ mũi của cục đất sét mà thành con người, TL].

b) Lấy đề mục là thần khí Thiên Chúa để hít vào thở ra. Cho thần khí tràn ngập cơ thể, tâm hồn ... ( Sử dụng trí tưởng tượng để thiền!)

c) "Tiến-trình tĩnh-tâm, suy-gẫm và chiêm-niệm cứ thế mà trôi đi, nó đem đến cái mục ý-thức và chứng-nghiệm cá-nhân rõ-ràng: Đó chính là trạng-thái Tỉnh-thức và Giác-ngộ chân-lý của Thiền..."  [LM tưởng nhầm đây là tỉnh thức mà trên thực tế đó chỉ là quá trình tư duy đúng hay sai để ra quyết định hành động, TL]…

Ở một góc độ nhỏ, việc thực tập theo phương pháp này cũng có thể đem lại cho tín đồ Ki Tô một sự tĩnh tâm, nhẹ nhõm. Nhưng nói Thiền là do đức Ki Tô sáng tạo và rao giảng thì quá khiên cưởng, vì nó không có chứng cứ khoa học, lại còn không có trong Thánh kinh mà chỉ có do trí tưởng tượng cuồng loạn, tự biên tự diễn thấp kém của Lm Thư mà thôi

6.- Thiền giỏi đến đâu cũng không nằm ngoài thánh ý Chúa?

Thêm một điểm sai biệt giữa tinh thần thiền tập trong Phật Giáo và của Ki Tô giáo (nếu có) nằm ở chỗ "Tự mình thắp đuốc lên mà đi, như Phật dạy".

LM Nguyễn Văn Thư khẳng định trong phần kết luận rằng:

"Dù cố-gắng đến đâu chăng nữa trong việc Thiền, việc gặp gỡ để yêu mến và kết hợp với Thiên Chúa cao vời trong tâm tư của chúng ta hoàn toàn tùy thuộc vào tác động của Thần khí Chúa.

Thành ra, trong khi cố gắng áp dụng phương pháp, ta phải nhìn nhận sự yếu đuối của chính mình, để tín thác toàn-vẹn nơi Chúa."

Việc thiền tập như thế, rõ ràng là ăn cắp và sao chép cái võ thiền Phật Giáo, nhưng thực chất cũng chỉ là một hình thức cầu nguyện xin ơn ân sủng của Thần (God), như tự thuở nào.

Phần III : Một tia sáng cuối đường hầm:

Có lẽ vì quá thao thức trước chuyện tín đồ thiên chúa đang ồ ạt chạy qua Phật Giáo để học thiền nên vị LM này phải cất công đi tìm hiểu giáo lý nhà Phật và các phương pháp hành thiền. Tuy vẫn còn ở mức độ rất sơ khai nhưng ít nhiều tuệ giác trong quá trình thiền tập không phải là không có. LM  viết:

"Ta sẽ mượn những kinh-nghiệm qúy-giá nhất từ nơi các Thiền-sư, đã thừa-hưởng gia-tài kiến-thức về việc tập-trung tư-tưởng và vận-dụng tâm-trí để tạo niềm thanh-thóat và an-bình cho hồn mình."

"Với cái kỹ-thuật của Thiền, ta tập nhìn và tìm gặp Thiên-Chúa ở ‘trong’ ta thay vì ở ‘trên’ ta như trước đây ( Nước Trời ở trong tâm-hồn chúng con ). Chúng ta cũng sẽ đi theo lối đào sâu vào nội tâm để ‘đạt ngộ’ nhiều ít tùy theo khả năng chúng ta được biến-đổi và kết-hợp với Chúa. Và dĩ-nhiên một khi các mầu-nhiệm về Chúa cũng như các lời Ngài giảng-dạy, nhờ được suy gẫm và ăn sâu vào tâm-tư ta, chúng sẽ tuần-tự được ta đem ra ứng-dụng trong đời sống thường ngày."

" ...Lại một nẻo Thiền nữa ở chỗ này. Con người ưa làm đời mình ra phức-tạp rắc-rối, bày ra lắm thứ nhu-cầu không cần-thiết, để rồi trói-buộc mình vào tối ngày sáng đêm. Không nên ham-hố của đời mà thôi vẫn chưa đủ, nhưng còn phải bớt lo lắng ăn gì mặc gì, rồi lại phải học ‘làm tóan trừ’ nữa : phải thường xuyên giảm thiểu cái danh sách về những điều-kiện thế này thế nọ mới có thể ‘sống’ được."

[Trích Phần 5 – “Thiền Với Đức Kitô”]. 

Đó là một tin vui cho chính vị LM này, khi ông đã nhen nhóm và thấy có một Thiên Chúa ở bên trong thay vì Ngài luôn ở trên như trước đây. Việc đi tìm kiếm và thờ phụng một đấng siêu nhiên ở bên ngoài kỳ thực không có tác dụng bằng việc sống sao cho tốt đẹp và an hòa; lối sống thiểu dục tri túc ở Phật Giáo đã được ông tiếp thu phần nào và lồng vào đó là nội dung phải "sống nghèo" như đức Ki Tô đòi hỏi... Nhờ những bước thực tập cơ bản đó, tôi nghĩ rằng việc thiền tập cũng đã mang đến một niềm an lạc nào đó cho LM.

Cho dù hành vi của LM này chính là xảo thuật thấy người sang bắt quàng làm bạn, xào nầu món hàng quý giá của Phật Giáo rồi gián nhản hiệu mới. Đã thế, ông còn khập khiểng gán ép điều không bao giờ có là “thánh ý của chúa”! Nhưng suy cho cùng thiền, với những lợi ích thiết thực của nó đã và sẽ dần đưa ánh sáng vào tâm hồn của vị LM này. Con đường giác ngộ chân thật có lẽ còn xa khi bị vướng quá nhiều tà kiến và chấp Ngã, nhưng nên chăng tôi vẫn hi vọng có một lúc nào đó, Lm Thư bỗng nhiên hoát ngộ một phần nào lẽ huyền vi,  diệu dụng của Thiền. Từ đó, sẽ dấn thân sâu hơn và có nhiều tiến bộ hơn trên con đường tâm linh bắt  nguồn từ Thiền Phật Giáo.

Tịnh Liên
10.2.2015
 -----------
GHI CHÚ
*http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GIAOLUAT/DaoChua/TimThienTrongDaoChua/00MucLuc.htm
** http://truongsinhhocds.com/site/vi/news/Trao-doi-kien-thuc/Thien-voi-nguoi-Cong-giao-1411

Bình luận (3)

cám ơn ngài về những lời dẫn giải giữa thiền trong Phật Giáo và cầu nguyện trong Công Giáo. Nhưng vị Linh mục chỉ mượn phương pháp hay đúng hơn là mượn cái tên "thiên" nhưng mục đích lại khác, chỉ nhằm giúp người Ki-tô hữu cầu nguyện tốt hơn. Nếu nói rằng để cải đạo phật tử thì không đúng. bởi lẽ nhu ngài đã biết thiền có rất nhiều kiểu thiền mà
Gia Ân ( 15/01/2016 16:06:51)
Chân lý chỉ có một, dù đi đường vòng hay đường tắt, rồi chúng ta cũng đi đến sự thật.
Hung ( 21/04/2015 14:13:23)
Phật thường nói “Ta sinh ra đời là vì lợi ích của tất cả chúng sanh, chứ không riêng ai. Do vậy, Phật Giáo không bao giờ nói Đạo Phật giữ bản quyền lời dạy của Ngài" (Thiền là một trong nhiều pháp tu Phật Giáo).
Minh Quang ( 11/02/2015 11:09:01)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp