đậu tương đen hữu cơ

Văn hóa - Dân tộc - Lịch sử

19:42 16/04/2011

Lê Quý Đôn - Ngôi sao sáng văn hóa Việt

(TG&DT) - Bình sinh, Lê Quý Đôn có hai hoài bão lớn: kinh bang tế thế và trước thư lập ngôn. Với hoài bão thứ nhất, ông không được viên mãn và đến cuối đời vẫn còn ôm nỗi “bất đắc chí”. Nhưng với hoài bão thứ hai, ông thật sự được phỉ chí và đã trở thành nhà bác học của Việt Nam. Tiến sĩ Bùi Danh Lâm - người cùng thời với ông viết: “Lê Quế Đường người huyện Diên Hà không sách gì không đọc, không sự vật gì không suy xét đến cùng, ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì đều viết ngay thành sách...”( ).
Lê Quý Đôn, tự là Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, sinh ngày 5 tháng Bảy năm Bính Ngọ (2.VIII.1726), tại phường Bích Câu - Thăng Long, là con của Tiến sĩ Lê Trọng Thứ (1694 – 1782), người làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam hạ (nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Sức học và khả năng cường ký đặc biệt khiến ông nổi tiếng trong nước thời bấy giờ. Sau khi đỗ Bảng nhãn (1752), được bổ làm quan đồng triều với cha, rồi được thăng đến chức Hành Tham tụng (1778), nhưng ông xin đổi sang ban võ.





Không ít người cho rằng Lê Quý Đôn là người công danh hiển đạt, hoạn lộ hanh thông. Thực tế không phải như vậy. Ông là một bi kịch. Một bi kịch mang chở những mâu thuẫn của thời đại. Bởi, ông là một tài năng lớn mà tầm vóc đã vượt khỏi khung khổ của xã hội đương thời. Làm quan ở thời “loạn”, khi mà nền cai trị đã thối nát, thì một người chính trực, “một nhà bác học làm quan” và có tư tưởng cải cách tiến bộ như ông đương nhiên phải chịu bi kịch. Song, nếu như con đường làm quan quả lắm chông gai thì con đường học thuật của ông lại vô cùng rực rỡ. Với sự nghiệp trước thuật, Lê Quý Đôn đã trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của văn hóa Thăng Long-Hà Nội. 

*
*      *

Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, Lê Quý Đôn là học giả uyên bác và đa dạng nhất. Sự xuất hiện của ông được coi như là một trong những “hiện tượng văn hóa” ở thế kỷ XVIII - thế kỷ của nghịch lý: sự “bừng nở” của văn hóa đi liền với sự khủng hoảng của chế độ phong kiến dân tộc.

Trong Lê Quý Đôn có cả cái vốn sống làng quê và kinh thành. Nếu như những năm tháng ở làng giúp ông tích lũy được một kho tri thức dân gian phong phú, thì văn minh đô thị Thăng Long đã đào luyện ông từ một người có năng khiếu thiên bẩm thành một tài năng lớn. Trong vòng mười năm đầu kể từ khi đỗ Bảng nhãn (1752), trên hoạn lộ tưởng như thăng tiến không ngừng, Lê Quý Đôn mặc sức vùng vẫy, “phỉ chí tang bồng”. Hai năm đi sứ Trung Hoa (1760-1762) có lẽ là thời kỳ đắc ý nhất trong những năm làm quan của ông.

Nhưng tuổi trẻ hào hùng, ngập tràn lý tưởng, ưa hướng tới những gì lớn lao mà ít để ý đến chông gai vốn sẵn trên đường đời. Chính sự hăm hở, xông xáo đã đưa ông đến tình trạng “chơi vơi giữa dòng hoạn lộ” và phải chịu sự công kích của những kẻ đố kỵ trong triều. Từ lâu, Lê Quý Đôn đã nung nấu tư tưởng làm một cuộc cải cách nhằm cải biến cái xã hội đang suy bại thành một cơ thể lành mạnh, một xã hội thái bình thịnh trị như những điều ông từng nghiền ngẫm qua sách vở Nho học. Năm 1764, ông dâng sớ xin thiết định pháp chế. Tiếp đó, ông lại dâng khải điều trần về việc ngăn chặn tệ tham nhũng, về khẩn hoang và mở đồn điền. Ông còn vận động một số học quan có tâm huyết thay đổi chương trình khoa cử, đào tạo nhân tài.

Ông say mê với các phương thuốc tưởng sẽ đắc dụng cho việc bổ cứu một nền giáo dục đang “mất máu”. Song, ở cái thời mà con đường học quan đã sa sút, tha hóa thì mọi đề nghị của ông chỉ là một hiện tượng “độc tỉnh”. Ngay khi vừa dâng sớ xin thiết định pháp chế (1764), ông liền bị điều ra làm Đốc đồng trấn Kinh Bắc. Chưa đầy một năm sau (1765), ông lại bị bổ làm Tham chính xứ Hải Dương. Đến đây, hoài bão chính trị của ông chưa hẳn đã bị đánh gục, song quả là chua chát khi ông viết trong tờ khải cáo quan gửi lên chúa Trịnh Doanh: “Thần đem cái thân sống sót ở muôn dặm trở về nước (ý nói sự vất vả trong 2 năm đi sứ Trung Hoa - PQS), mà nay xiêu dạt nơi giang hồ, xin cho thần được về quê quán”(1).

Một người tài năng như Lê Quý Đôn, tuổi chưa đầy bốn mươi, ham cống hiến mà lại cáo quan về quê? Đây là một bước ngoặt giúp soi rọi rõ hơn chí hướng và nhân cách của ông. Ông quả là có cái chí muốn làm một cuộc cải cách lớn như Vương An Thạch (1021 – 1086) - Tể tướng nhà Tống - đã làm ở Trung Hoa. Nhưng khác Vương An Thạch, Lê Quý Đôn không gặp thời. Từ đó, ông bắt đầu chuyên tâm hơn cho học thuật.

Năm 1767, Trịnh Sâm lên ngôi chúa, Lê Quý Đôn lại được vời vào triều. Làm chúa trong cảnh khởi nghĩa nông dân nổi lên ở mọi nơi, Sâm phải huy động hầu hết các văn thần võ tướng trong triều đi đánh dẹp, trong đó có Lê Quý Đôn. Thời nay, có người nói rằng hành vi tham gia “dẹp loạn” của ông làm cho “ngọc lành phải mang tì vết”. Thật tình, đó là cái khó của kẻ làm quan có lương tri. Một bên thương dân, một bên phải trị loạn để giữ yên nước. Mâu thuẫn ấy, không chỉ là của Lê Quý Đôn, mà còn là của nhiều quan chức có nhân cách thời phong kiến.

Dưới đời Trịnh Sâm, có vẻ như Lê Quý Đôn được đắc dụng. Nhưng, càng dấn thân vào nghiệp chính trị, ông càng ý thức được rằng phải có quyền lực thực sự, cụ thể là phải ở chức Tham tụng - đứng đầu triều, thì mới đủ điều kiện để thực thi những cải cách có ích cho xã hội. Cha con Trịnh Doanh - Trịnh Sâm biết rõ năng lực và hoài bão của Lê Quý Đôn, nên một mặt rất cần ông, nhưng mặt khác vẫn dè dặt khi cất nhắc. Đương nhiên, các chúa chẳng bao giờ mong muốn một cuộc cải cách mà khi nó được thực thi, có thể sẽ làm cho quyền thế nhà chúa giảm sút. Bởi vậy, không bao giờ chúa Trịnh lại trao cái quyền lực lớn nhất cho Lê Quý Đôn. Ông cũng sớm nhận ra điều ấy, nên khi chỉ được thăng đến Hành Tham tụng, ông đã xin đổi sang võ ban.

Một quy luật trong giới quan trường: càng cao danh vọng, càng nhiều gian nan. Quy luật ấy với Lê Quý Đôn càng nghiệt ngã bởi cái chí của ông lớn quá. Ông vừa được trao chức Hữu hiệu điểm quyền phủ sự, tước Nghĩa Phái hầu (1778) chưa đầy một năm thì lại bị giáng chức (1779). Nguyên nhân của việc này, theo học giả Pháp E.Gaspardone: “Lê Quý Đôn là một ông quan luôn luôn nghiêm trị một cách gắt gao những hành vi tham quan lại nhũng của bọn quan lại cường hào. Nhiều lần, ông đã tìm cách trừ bọn chúng, vì vậy mà ông bị chúng căm ghét và làm hại”(1). Thế nhưng, chính cái cách dùng người đầy mâu thuẫn của họ Trịnh đối với Lê Quý Đôn cũng là một trong những nguyên nhân. Phải chăng đấy cũng là cách hành xử mà mọi nền cai trị hủ bại thường dành cho các tài năng. Sau lần giáng chức đó, Lê Quý Đôn trở nên thờ ơ với con đường sĩ hoạn. Cho dù ông có lại được sung chức, rồi cuối cùng trước khi mất được thăng đến Công bộ Thượng thư (III.1784) thì đó cũng chỉ là “màn chót tẻ nhạt” của một cuộc “hý trường”.

*
*   *

Bình sinh, Lê Quý Đôn có hai hoài bão lớn: kinh bang tế thế và trước thư lập ngôn. Với hoài bão thứ nhất, ông không được viên mãn và đến cuối đời vẫn còn ôm nỗi “bất đắc chí”. Nhưng với hoài bão thứ hai, ông thật sự được phỉ chí và đã trở thành nhà bác học của Việt Nam.

Trong lời đề tựa cho sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, Tiến sĩ Bùi Danh Lâm - người cùng thời với ông viết: “Lê Quế Đường người huyện Diên Hà không sách gì không đọc, không sự vật gì không suy xét đến cùng, ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì đều viết ngay thành sách...”( ).

Đối với Lê Quý Đôn, đọc sách và viết sách là cái sở trường, cái ham mê và gần như là mục đích sống. Ông không chỉ đọc Kinh, Thư, Sử, Truyện mà còn đọc cả Bách gia chư tử; không chỉ đọc sách của tiền nhân nước ta mà còn đọc nhiều ngoại thư, kể cả thiên văn, địa lý, tử vi, thái ất, lục nhâm. Ông không chỉ đọc sách Trung Hoa mà còn đọc cả sách Tây phương, như Khôn dư đồ thuyết – cuốn sách về địa lý của Ferdinandus Verbiest (1623 – 1688, một giáo sĩ Bỉ đến Trung Hoa đời Thuận Trị – nhà Thanh), đã được dịch sang Hán văn, khi ông đi sứ Yên Kinh (1761). Không chỉ đọc và học chữ, ông còn học hỏi ở dân gian và biết kết hợp cái tư duy bác học với tri thức dân gian. Lê Quý Đôn thực sự là một con người “uyên bác” theo nghĩa đầy đủ nhất của hai chữ này ở thời đại của ông.

Cũng trong lời tựa sách Vân đài loại ngữ, Tiến sĩ Trần Danh Lâm còn viết: “Cổ nhân thường nói, trong vũ trụ có ba điều bất hủ, mà lập ngôn là một, ... sau lục kinh và Luận ngữ, Mạnh tử, ông thật là người biết lập ngôn chăng?”( ). Với Lê Quý Đôn, di sản lập ngôn của ông là cả một khối đồ sộ đến 50 bộ sách, với hàng trăm quyển, gồm cả khoa học nhân văn lẫn khoa học tự nhiên. Ông là cây đại thụ rợp bóng trong lịch sử học thuật nước nhà. Không kể các tác phẩm bị thất lạc, bị tiêu hủy hay còn ở dạng tồn nghi, chỉ tính riêng 12 bộ sách( ) biết đích xác tác giả là Lê Quý Đôn cũng đủ thấy sức đọc, sức viết của ông phi thường đến nhường nào. Điển hình là trong vòng sáu tháng làm Hiệp trấn vùng Thuận Hóa (1776), dù công việc của vùng đất mới bình định bề bộn, nhưng ông vẫn hoàn thành công trình Phủ biên tạp lục - một tập ký ngồn ngộn những tư liệu có giá trị về xứ Đàng trong, từ thế kỷ XVIII trở về trước, mà trước ông rất ít người đề cập đến.

Niên biểu Lê Quý Đôn( ) cho biết, những công trình nghiên cứu quan trọng nhất của ông được hoàn thành vào những thời điểm ông đang ở “ngôi cao chức trọng”. Chính cái vị thế quan chức cao cấp đã giúp ông chiếm lĩnh những khối tư liệu đồ sộ ở thư khố, thư viện của nhà nước và biết được những chuyện “thâm cung bí sử”. Ông thường xuyên có những chuyến điền dã, khảo sát ở những vùng xa xôi, dưới danh nghĩa liêm phóng hay trị nhậm. Ông cũng từng đi sứ Trung Hoa để tiếp cận một nền văn hóa lớn và những tri thức mới về thế giới. Ông là một nhà bác học, một nhà tư tưởng làm quan hơn là một ông quan có tư tưởng và tư duy bác học. Ông đã thành công khi sử dụng quyền lực như một phương tiện để đạt mục đích khoa học, mà thực chất cũng là vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Từ hơn hai thế kỷ nay, nhiều ngành khoa học nước ta, ở những mức độ khác nhau vẫn phát triển dưới ánh sáng của tư duy bác học Lê Quý Đôn. Bởi ông là “tập đại thành” của mọi tri thức dân tộc thế kỷ XVIII, là một nhà khoa học tiêu biểu cho xu hướng bách khoa thư ở phương Đông thời ấy.

Giới sử học Việt Nam hiện vẫn coi ông là bậc tiền bối đặc biệt tin cậy. Những bộ sách lớn của ông như Lê triều thông sử, Bắc sứ thông lục, Phủ biên tạp lục, ngoài ý nghĩa là kho sử liệu vô giá, còn mang lại cho người nghiên cứu lịch sử một phương pháp làm việc khoa học.

Giới nghiên cứu văn học cổ Việt Nam phải nhờ đến Toàn Việt thi lục - một hợp tuyển thi ca của nhà khảo cứu văn học họ Lê với 2391 bài thơ của 175 tác giả (từ năm 1009 đến năm 1516) mới nhìn nhận được một cách có hệ thống về di sản thơ thời Lý-Trần. Phủ biên tạp lục cũng là một kỳ công của Lê Quý Đôn dành cho khoa học văn chương. Trong tác phẩm này, ông đã tôn vinh một số nhân tài và thơ văn đất Thuận Hóa như Nguyễn Cư Trinh (1716 – 1767), Mạc Thiên Tứ (1706 – 1780), Ngô Thế Lân (1726 - ?), Phạm Lam Anh (thế kỷ XVIII)..., đặc biệt là nhóm Chiêu Anh các, một trong hai vườn ươm quan trọng của văn học miền Nam. Bàn về sáng tác thơ, thiên “Văn nghệ” trong Vân đài loại ngữ cũng là một cống hiến tương đối lớn của Lê Quý Đôn đối với nền lý luận thơ ca nước ta trước đây.

Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Lê Quý Đôn là người đầu tiên trước thư lập ngôn về triết học một cách có hệ thống. Vân đài loại ngữ, Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm lục, Thư kinh diễn nghĩa... là những tác phẩm bàn về triết của ông. Theo Giáo sư Hà Văn Tấn: “... Tất cả các yếu tố trong hệ thống vũ trụ luận của Nho giáo như “Lý” và “Khí” đã hoàn toàn được Lê Quý Đôn biến đổi [...], và hệ thống mới này hoàn toàn khác hẳn về chất, đó là hệ thống mang tính duy vật, đối lập với hệ thống mang tính duy tâm của Nho giáo Trung Quốc”( ).Tuy vậy, chủ nghĩa duy vật Lê Quý Đôn vẫn là thứ chủ nghĩa duy vật thô sơ kiểu Hy Lạp - La Mã cổ đại.

Về luật pháp, Lê Quý Đôn có tư tưởng đề cao pháp trị. Dĩ nhiên, từ thế kỷ III TCN, Tuân Tử ở Trung Hoa đã nêu lên quan niệm “nhân chi tính ác” (tính người vốn ác - đối lập với quan niệm “nhân chi sơ tính bản thiện” - con người sinh ra vốn đã thiện, của hệ tư tưởng Khổng - Mạnh), làm cơ sở cho thuyết pháp trị. Ở Việt Nam, luật pháp chính thức có từ thời Lý. Thế kỷ XV, Lê Thánh Tông (1460-1497) ban luật Hồng Đức. Nhưng nhìn chung, chế độ phong kiến Việt Nam vẫn nặng về nhân trị, đức trị. Bị Khổng giáo chi phối, người ta nói quá nhiều về nghĩa vụ mà nhấn chìm ích lợi của cá nhân. Một xã hội như thế không thể có công bằng và phát triển.

Đến thế kỷ XVIII, ở Việt Nam, nhân tâm về cơ bản bị đánh bại bởi tiền bạc và dục vọng thấp kém. Xã hội lâm vào tình trạng “thượng bất chính - hạ tắc loạn”. Chủ nghĩa đức trị đã bị tê liệt. Lê Quý Đôn nhận thức tương đối đúng thực trạng ấy. Ông cho rằng muốn cứu xã hội thì phải đi bằng con đường pháp trị. Nhưng ông lại sợ cái pháp trị cực đoan của Tuân Tử và Hàn Phi Tử. Rốt cuộc, tư tưởng pháp chế của ông là dung hòa giữa pháp trị và đức trị, trong đó “pháp” là chủ đạo, “đức” và “lễ” là phụ họa, xen vào. Tuy vậy, nếu như lịch sử loài người là lịch sử đi từ đức trị đến pháp trị, thì Lê Quý Đôn vẫn được coi là người ủng hộ cho pháp trị thắng thế.

Trên mọi lĩnh vực khoa học, từ lịch sử, triết học, dân tộc học, địa lý học, thiên văn học, lịch pháp, luật học, giáo dục học, ngôn ngữ, văn chương, nghệ thuật, đến y học, nông học, quân sự…, Lê Quý Đôn đều quan tâm nghiên cứu với một tư duy sáng tạo và để lại cho đời sau bằng tác phẩm.

Là sản phẩm của nền học vấn Hán học nhưng Lê Quý Đôn cũng là người Việt Nam đầu tiên xóa bỏ sự bao vây của kiến thức Trung Hoa để tiến lên tiếp thu “kiến thức toàn nhân loại” với nội dung mới nhất của cụm từ này. Ông biết rất rõ thế giới có các châu Á, Âu, Phi, Mỹ, và châu Á là một trong những cái “nôi” của loài người. Ông tán thành thuyết quả đất tròn của phương Tây mà Ferdinandus Verbiest đã trình bày trong sách Không dư đồ thuyết. Chỉ riêng điểm này, hiểu biết của Lê Quý Đôn cũng đã vượt xa các Nho sĩ đương thời.

Là một nhà văn hóa lớn và có tinh thần tự tôn dân tộc, Lê Quý Đôn rất có ý thức trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam với các học giả nước ngoài. Trong chuyến đi sứ Trung Hoa, ông đã đưa các tác phẩm Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm lục, Tiêu Tương bách vịnh của ông cho các Nho thần danh tiếng nhà Thanh cùng các sứ thần Triều Tiên xem và đề tựa. Họ đều khâm phục và coi ông là bậc “Thạc học của phương Nam”. Trạng nguyên Hồng Khải Hy (Triều Tiên) đánh giá Lê Quý Đôn là người đã dám “lật lại những luận án đã thành nếp”, “dám phá toang những điểm sai lầm đã duyên tập( ) lâu ngày”( ). Cuối cùng Hồng Khải Hy khẳng định: “Thật là kiến thức rất mực vượt lên nghìn đời”( ). Sức sáng tỏa văn hóa của ông còn buộc chính quyền Thanh phải bỏ những chữ “di quan”, “di mục” (quan lại mọi rợ) có ý miệt thị các sứ thần nước ta, trong các văn thư bang giao Đại Việt - Trung Hoa. Những cuộc trao đổi giữa Lê Quý Đôn với các nhà văn hóa Triều Tiên và xứ Riu Kiu (Nhật Bản) tại Trung Hoa lúc đó là những đóng góp lớn cho việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với hai nước trên, đặc biệt là với Triều Tiên, mà các sứ thần Đại Việt như Phùng Khắc Khoan (1528 – 1613), Nguyễn Công Hãng (1680 – 1732), từ các thế kỷ XVI-XVII đã mở ra.

Là đại biểu của giai cấp phong kiến mang thế giới quan Nho giáo, Lê Quý Đôn không thể không tuyên truyền cho Nho giáo. Nhưng ở một phương diện khác, trong chừng mực nào đó, ông lại có khuynh hướng phủ định Nho giáo. Quan điểm triết học và tư tưởng pháp chế của ông thể hiện rất rõ điều đó.
Để phê phán Nho giáo và phá bỏ sự bao vây của kiến thức Trung Hoa, Lê Quý Đôn đã nghiên cứu toàn diện và kỹ lưỡng văn hóa Trung Hoa. Sách Vân đài loại ngữ của ông đề cập đến một khối lượng lớn các tác phẩm và tác giả Trung Hoa cổ điển với 712 tên sách, 688 tên người, trong đó có hàng chục bộ tùng thư danh tiếng bậc nhất Trung Hoa như Bắc Đường thư sao của Ngu Thế Nam, Nghệ văn loại tu của Âu Dương Tuân, Thái Bình ngự lãm của Lý Phương... Sự bác lãm quần thư của Lê Quý Đôn đã đưa ông vào hàng những nhà Trung Hoa học của thế giới.

Không chỉ trước tác khoa học, Lê Quý Đôn còn sáng tác. Khối lượng và giá trị các tác phẩm văn học của ông đủ để coi đấy là một sự nghiệp( ). Phan Huy Chú (1782-1840) có nhận xét về văn thơ Lê Quý Đôn: “Cách thơ đều trong sáng. Lời văn thì hồn nhiên như thiên thành, không cần suy nghĩ mà trôi chảy dồi dào như sông dài bể rộng, không chỗ nào là không đạt đến. Thực là phong cách đại gia...”( ). Thơ Lê Quý Đôn mang chở nhiều xúc cảm nghệ thuật khác nhau. Có cái tình cảm thật trong sáng giản dị khi trở về với cuộc sống làng quê quen thuộc:

        Quyên quyên tân nguyệt chiếu đình giai,
        Ái thử thanh tao khiếp tố hoài.
        Tất bát tác thang tiêu đại dính,
        Đăng tiền ẩn kỷ khán Tề Hài.
                                     (Quan xá dạ tọa)( )
        (Trăng non mát dịu sân thềm,
        Cảnh thanh tao khiến người thêm mát lòng.
        Chén trà lá lốt cũng xong,
        Chyện quê lần mở thong dong trước đèn)()

Có nỗi lo lắng của một người chăn dân đầy trách nhiệm, dấn mình không mệt mỏi trước tình cảnh nắng hạn của dân chúng:

        Bắc Giang sĩ nữ diện lê hoắc,
        Cát cao chung nhật vô hưu tức.
        Cận địa trì thủy tam bách tiền,
        Viễn điền bán thược diệc nan đắc.
        Quyến mẫu nhất vọng như bạch sa,
        Uông miêu vị thành huống sáp hòa.
        Tiểu dân ngao ngao đãi cam thụ,
        Sầu my bất thủ tương hu ta.
        Ngã hành Quế Dương hựu Gia Định,
        Thượng lịch Yên Phong, Hiệp Hòa cảnh.
        Hữu xứ đạo ương tài như trâm,
        Hữu xứ hoàng trùng thực can tịnh.
                     (Trấn doanh kỳ vũ – Cầu mưa nơi dinh quan Trấn thủ)
        (Trai gái Bắc Giang mặt xạm đen,
        Chiếc gàu không một lúc nào yên.
        Ruộng gần ba trăm tiền có nước,
        Ruộng xa nửa gáo nước không lên.
        Xa trông đồng đất trắng phau phau,
        Mạ ủ chưa lên nói cấy đâu?
        Dân mọn nhao nhao chờ nước xuống,
        Lông my không ngước, thở than sầu.
        Ta ghé Quế Dương lại Gia Định,
        Yên Phong, Hiệp Hòa nhìn quang cảnh.
        Có nơi mạ mới nhú như kim,
        Có chỗ hoàng trùng ăn trụi hoảnh)()

Có cái hào hứng bồng bột khi chiêm ngưỡng những di tích văn hóa Trung Hoa, hồi cố về những nhân vật tên tuổi mà mình từng thuộc đến thành quen trong sách sử - câu  thơ không chịu gò ép trong luật nữa mà tuôn chảy lai láng:

    Tài đáo My Tử quốc,
    Hựu quá Ngạc vương thành.
    Thu thiên nhất hà cao,
    Vân nhật tương dữ tình.
    Kiểu kiểu Hoàng Hạc cơ,
    Hạo thán Nễ Chính Bình.
    Sơn thủy vô cùng tận,
    Phong lưu hữu dư thanh.
    Phủ cảnh tư kim cổ,
    Ý khí phiêu tung hoành.
        (Trung thu du Hoàng Hạc lâu)
    (Vừa đến nước My Tử( ),
    Lại qua Ngạc Vương thành( ).
    Trời thu vời vợi cao,
    Mây nắng cùng long lanh.
    Bãi Anh Vũ xa xa,
    Than dài Nễ Chính Bình( ).
    Ghềnh Hoàng Hạc chênh vênh,
    Nhớ mãi Lý Trường Canh( ).
    Non nước không cùng tận,
    Trong mát có dư tình.
    Trước cảnh ngẫm kim cổ,
    Ý khí vụt tung hoành)()

Hay là cái thi hứng dạt dào và trữ tình của người đang trải nghiệm trong một khoảng khắc thời gian hiện tại, và chỉ một khoảng khắc thôi cũng đủ để làm tới cả trăm bài thơ như khi qua sông Tương:

        Sơn viễn thiên cao dã ngạn bình,
        Sơ sơ sơn thụ ánh giang thành.
        Hảo như Nhị thủy tam thu cảnh,
        Dị động hành nhân vạn lý tình.
        Tiêu sưu hồngdiệp tống thu thanh,
        Dã ngạn sa châu tiểu đĩnh hoành.
        Thu khí xạ nghiêm nhân giác lãnh,
        Hoàng hôn phong vũ đáo tam canh.
                    (Tiêu Tương bách vịnh)
        (Bãi phẳng trời cao rặng núi xa,
        Thành sông thấp thoáng bóng rừng già.
        Đẹp như tháng Chín bên sông Nhị,
        Dễ gợi người đi nỗi nhớ nhà().
        Xạc xào lá đỏ tiễn thu qua,
        Một chiếc thuyền nằm ghếch bãi xa.
        Chợt lặng khí thu người thấy lạnh,
        Hoàng hôn, mưa gió đến canh ba)()

Và với một học giả đọc thông kim bác cố thì còn phải nói đến ở thi nhân Lê Quý Đôn cái phong cách triết nhân, biết phúng dụ nhẹ nhàng mà thâm thúy trong khi xem xét các biến thiên lịch sử. Khi qua sông Hoàng (Hoàng Hà), nhà thơ cảm tác về con sông lớn “năm trăm năm mới một lần nước trong” mà cũng là chiêm nghiệm cái thế ứng xử của nước lớn với nước nhỏ:

Súc cự tòng lai phát tất hoành (hoằng)
Vực trung hải nội tổng tri danh.
Năng dung hứa đại vô căng đại,
Bản tính chân thanh bất lộ thanh...
        (Tế Hoàng Hà – Vượt sông Hoàng)
(Dồn lớn lâu rồi phát phải tung,
Đất liền biển cả biết tên cùng.
Lượng sông dẫu lớn, không kiêu lớn,
Tính nước là trong chẳng lộ trong...)()

Đến thăm động Bích Đào, ông chợt nhận ra trên đời không có gì thoát khỏi quy luật sinh diệt của tạo hóa. Một tiếng cười giễu nhại cất lên nhưng hình như cũng để hóa giải những ưu phiền còn đọng ở trong lòng:

    Hải thượng quần tiên sự diểu mang,
    Bích Đào động khẩu cửu hoang lương,
    Càn khôn vô lộ cùng Từ Thức,
    Vân thủy tần my lão Giáng Hương.
    Thạch cổ hữu thanh, xao hiểu nhật,
    Sa diêm vô vị nát thu sương.
    Thế nhân khổ tác Thiên Thai mộng,
    Thùy thức Thiên Thai diệc hý trường.

                           (Du Bích Đào động)

    (Ngoài biển có tiên, chuyện khó tường,
Bích Đào cửa động đã hoang lương.
Đất trời hết lối, cùng Từ Thức,
Mây nước chau mày, sọm Giáng Hương.
Đá vẫn âm vang, rung nắng sớm,
Cát không mùi vị, đẫm hơi sương.
Người đời chỉ những mơ tiên bụt,
Tiên bụt hay đâu cũng hý trường)()       

Trong các di sản văn hóa của Lê Quý Đôn, bên cạnh giá trị khoa học là giá trị tư tưởng. Trước hết, đấy là tư tưởng về một nền văn hiến dân tộc không thua kém Trung Hoa. Là một sử gia nghiêm cẩn, nhưng trong Kiến văn tiểu lục, ông không kìm nổi lòng mình khi viết: “Nước Nam ta hai triều đại nhà Lý, nhà Trần có tiếng là văn hiến”. Trong nhiều công trình khảo cứu ông luôn luôn dẫn những cứ liệu mà sử sách Trung Hoa ca ngợi văn hóa Việt Nam, và vạch trần sự xuyên tạc về truyền thống văn hiến nước ta.

Là một nhà Hán học uyên bác nhưng Lê Quý Đôn lại rất trọng chữ Nôm - thành quả sáng tạo về ngôn ngữ dân tộc từ nhiều thế kỷ trước. Ông có nhiều áng văn chương Nôm, nhưng đáng kể nhất vẫn là bài khải bằng chữ Nôm, báo cáo về chuyến đi sứ Trung Hoa dâng lên chúa Trịnh Sâm. Bài khải này có thể được coi là một trong những bài văn xuôi Nôm đầu tiên trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

Có người cho rằng, chứng minh văn hóa nước ta không thua kém Trung Hoa, tiền đề lý luận của Lê Quý Đôn lại là văn hiến Việt Nam không khác (bất dị) Trung Hoa(1), tức là một sự thụt lùi nhận thức luận về cốt cách dân tộc, so với Nguyễn Trãi (1380 – 1442) 300 năm trước, khi Nguyễn Trãi dằn bút ghi đậm hai chữ “dị, thù” (khác nhau) để đối sánh văn hiến Đại Việt với Trung Hoa. Thiết nghĩ, chưa hẳn đó là một sự thụt lùi của nhận thức luận. Ba trăm năm ấy, phải chăng, đã đủ thời gian để nhà bác học nhận thức cẩn trọng hơn về cốt cách dân tộc. Và, một dân tộc được coi là có văn hiến phải là một dân tộc luôn tự ý thức được mình, biết tỉnh táo bứt ra khỏi sự ru ngủ của niềm tự hào thì mới phát triển lên được.

Chi phối toàn bộ sự nghiệp trước thuật của Lê Quý Đôn còn là tư tưởng yêu nước, thương dân và đề cao nhân dân. Trong Kinh thư diễn nghĩa, với một tư duy đầy uẩn súc, ông viết: “Thiên tử cùng các quan đại phu hàng ngày ăn mặc đều lấy ở dân [...], đã không hiểu sự vất vả của dân thì sinh ra phóng dật, đã phóng dật thì tiêu dùng xa xỉ, tiêu dùng xa xỉ thì hại của, hại của thì nhất định hại dân”. Trong Quần thư khảo biện, ông cảnh tỉnh: “Gốc của nước vốn ở dân, sinh mệnh của vua cũng ở dân, cường thần, nội biến, địch quốc, ngoại hoạn cũng đều chưa đủ lo âu, nhưng lòng dân một khi lung lay, tức là đã có mối lo ở đó”. Tư tưởng lấy dân làm gốc không phải là phát hiện mới của Lê Quý Đôn, nhưng việc ông biết tiếp thu và phát huy tư tưởng tiến bộ của người xưa cũng chứng tỏ nhân cách văn hoá của ông.

*
*   *

Lê Quý Đôn mất ngày 1.VI.1784 trong nỗi niềm ưu thời mẫn thế sâu sắc. Cũng như Nguyễn Du sau này, Lê Quý Đôn chết vì tâm bệnh nhiều hơn vì thân bệnh. Cái tâm bệnh ấy, các vĩ nhân hay mắc phải. Nguyễn Trãi nếu không chết vì “thảm hoạ Lệ Chi viên”, có lẽ cũng chết vì loại bệnh này!

Tin Lê Quý Đôn mất bay về Thăng Long, chúa Trịnh Khải bèn ra lệnh bãi triều ba ngày để tỏ ý thương tiếc ông. Trong bài điếu đọc trước linh sàng nhà bác học tại làng Diên Hà, Hoàng giáp Bùi Huy Bích (1744 – 1818) thay mặt cho các thế hệ học trò của Lê Quý Đôn viết: “Thông minh nhất đời, học vấn sâu rộng, văn chương lỗi lạc, trước tác không biết mệt. Nước Nam ta trong vài trăm năm nay mới có một người như thày...”( ). Sự thật là không chỉ vài trăm năm, mà là cả lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, dù trước có Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), sau có Phan Huy Chú, thì Lê Quý Đôn vẫn cứ là một nhà tri thức bách khoa có một không hai. Ông là nhân vật có mầm mống tư tưởng khai sáng. Chính ông đã báo trước sự xuất hiện của một Nguyễn Trường Tộ (1828 – 1871), nhà tư tưởng cách tân ở thế kỷ XIX của Việt Nam.

Lê Quý Đôn là một bi kịch lớn, phản ánh cái mâu thuẫn của thời đại ông. Mâu thuẫn giữa yêu cầu cải tạo xã hội, mở đường cho kinh tế - văn hoá phát triển và sự kìm hãm của một nền chính trị lạc hậu. Ông là ngôi sao hôm lấp lánh của buổi hoàng hôn chế độ phong kiến Việt Nam.


Mễ Trì thượng, Hà Nội ngày 10.4.2011     
      PGs.Ts Phạm Quốc Sử    

(1)Việt sử thông giám cương mục, Tập XVIII. Nxb.Sử học, Hà Nội, 1960; tr.96.
(1) E.Gaspardone: Bibliographie Annamite. Ha Noi, Imp. dExtrême. Orient, 1935, BEFEO; tr.34.
 ([1])Vân đài loại ngữ. Trần Văn Giáp dịch, Cao xuân Huy hiệu đính. Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1962; tr.44.

([2])Vân đài loại ngữ, 1962, Sđd; tr.43.

([3])Lê Triều thông sử (30q), Quần thư khảo biện (4 q), Thánh mô hiền phạm lục (12q), Bắc sứ thông lục (4q), Toàn Việt thi lục (20q), Vân đài loại ngữ (4q), Phủ biên tạp lục (7q), Kiến văn tiểu lục (12q), Thư kinh diễn nghĩa (3q), Quế Đường văn tập (10q), Quế Đường thi tập (4q), Â m chất văn chú (2q).

(3)Lê Quý Đôn - nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVIII, kỷ yếu Hội nghị chuyên đề về những cống hiến khoa học của Lê Quý Đôn nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông (1726-1976), Ty văn hóa Thông tin Thái Bình xb, 1979, phần phụ lục; tr.289.

([6])Về các phạm trù bản thể luận của Lê Quý Đôn. In trong Kỷ yếu, 1979,Sđd; tr.29.

([7])  Duyên tập: tức là đã thành thói quen.

([8])  Lê Quý Đôn: Quần thư khảo biện. Bản dịch Viện Hán Nôm, Hà Nội; tr.207.

 ([9])  Lê Quý Đôn: Quần thư khảo biện. Tài liệu đã dẫn; tr.207.

([10])  Bao gồm: Quế Đường thi tập, Quế Đường văn tập, Liên Châu thi tập, Tiêu Tương bách vịnh, Bắc sứ thông lục, Tây chinh toàn tập, và một số tác phẩm khác.

([11])  Lịch triều hiến chương loại chí, Tập IV. Nxb. Sử học, Hà Nội, 1961; tr 97.

([12]) Tài liệu thơ ca chữ Hán Lê Quý Đôn trích dẫn trong mục này rút từ Quế Đường thi tập A.576 có đối chiếu với Quế Đường thi vựng tuyển toàn tập VHv.2341 và Tạp chí văn học các số 6-1976; 2-1977.

(*)  Nguyễn Huệ Chi dịch. Quế Đường thi tập. Đào Phương Bình sưu tầm, Tạp chí văn học, số 6-1976.
(
*)  Đào Phương Bình dịch đoạn I và III, ghi theo trí nhớ của Nguyễn Huệ Chi. Nguyễn Huệ Chi dịch đoạn II. Quế Đường thi tập. Tạp chí đã dẫn.

([13])  My Tử: Tức My Thành, một địa diểm thuộc huyện Nhạc Dương tỉnh Hồ Nam Trung Quốc, nơi có lầu Nhạc Dương.

([14])Ngạc Vương thành: tên cũ của huyện Vũ Xương.

([15])Nễ Chính Bình: tức Nễ Hành, người đời Đông Hán, có tài nhưng cương ngạo, bị Hoàng Tổ giết, chôn ở bãi Anh Vũ.

([16])Lý Trường Canh: tức Lý Bạch, thi hào đời Đường, khi ghé qua Hoàng Hạc lâu thấy thơ Thôi Hiệu bèn buông bút không làm nữa.

(*)  Đỗ Văn Hỷ dịch. Quế Đường thi tập. Nhóm thơ văn Lý-Trần sưu tầm. Tạp chí văn học, số 2-1977.

(**)  Trần Thị Băng Thanh dịch. Quế Đường thi tập. Tạp chí đã dẫn.

 

(*)  Nguyễn Huệ Chi dịch. Quế Đường thi tập. Tạp chí đã dẫn.

(**)  Hoàng Trung Thông dịch. Quế Đường thi tập. Tạp chí đã dẫn.

 (*) Nguyễn Huệ Chi dịch. Quế Đường thi tập. Tạp chí đã dẫn.

(1)Kiến văn tiểu lục, Tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, mục “Thiên chương”; tr.166.
([1])
Lê Quý Đôn - nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVII, 1979, Sđd; tr.262.

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp