Có những người nghèo không biết tết
Giữ mảnh áo tàn độ thu phai
Có những trẻ em không biết khóc
Hôm nay bỗng cất tiếng cười vang. (Thơ CLV )
Đất Quảng Trị là như thế đấy, tỉnh nghèo nhất trong 64 tỉnh thành ở việt nam.
Khi tôi đến Quảng Trị, mấy người bạn ở Đà Nẵng đã can ngăn là không nên đến Quảng Trị vào mùa gió Lào, vì khí hậu rất khắc nghiệt. Nhưng tôi vẫn quyết định đi. Ngồi trên ô tô có thể thấy miền đất này khô cằn thế nào, toàn những gò cát trắng, chỉ một vài loài cây có thể sống trên miền đất cát này.
Tôi dừng chân ở một ngã ba, vào một quán nhỏ có gần chục anh xe ôm. Tôi mang túi mận và xoài một người bạn Đà Nẵng cho tôi, mang ra mời những anh xe ôm này. Nhưng khi tôi định đi xe về Hải Vĩnh thì mấy “đồng chí” này vẫn định chém tôi như thường. Vì tôi có lưu bản đồ trong máy tính nên mấy đồng chí này không làm gì được, cũng thấy buồn buồn cho cõi nhân sinh …
Đi trên chiếc cầu bắc qua con sông nhỏ (đây có con sông nhỏ được đào dưới thời Chúa Nguyễn, sông Vĩnh định) là đến Am Thụy Ứng, thuộc thôn Thi Ông. Khi tôi đến, thấy một ông cụ bước ra đón tôi. Một ông cụ trên 70 tuổi, khoẻ mạnh, mắt sáng tinh anh, mặc bộ cổ y mầu nâu. Nhìn qua ông giống như một võ sỹ kiếm đạo Nhật Bản.
Vừa nhìn thấy ông tôi đã có cảm tình, không phải bởi dáng dấp của ông mà vì tôi cảm nhận trường năng lượng của ông mở rộng và vươn tới tôi khi ông bước ra đón tôi, mặc dù tôi chưa giới thiệu tôi là ai. Thông thường khi gặp một người lạ chúng ta thường co trường năng lượng lại ở thế phòng vệ.
Tôi sẽ dừng lại để nói đôi chút với bạn về khái niệm trường năng lượng. Mọi người đều sử dụng ít nhiều một vài hệ thống phòng vệ trong một vài hoàn cảnh của cuộc sống vì cảm thấy thế giới không an toàn.
Thuật ngữ “Hệ thống phòng vệ năng lượng”, được sử dụng trong các lĩnh vực y học năng lượng và tâm lý động lực học. Trường năng lượng là phần năng lượng của thân thể kết hợp với trường năng lượng vũ trụ, bao quanh và thâm nhập vào thân thể, nó là trung gian để chuyển hoá các dòng chảy năng lượng, thông tin và ý thức ..
Bạn có thể tưởng tượng, tâm thức là thuyền trưởng, các trung tâm năng lượng ý chí (mạch đốc trong đông y) là bánh lái, các trung tâm năng lượng cảm xúc (mạch nhâm trong đông y) là cánh buồm và trường năng lượng của bạn là con thuyền lênh đênh trong đại dương năng lượng. Giữa biển đời rộng lớn con người thường mất phương hướng, cô đơn, lo sợ và con người đau khổ.
Tôi chỉ có khả năng quan sát trường năng lượng trong những trường hợp xuất kỳ bất ý và một vài người tôi có nhân duyên, chứ không thường xuyên.
Tối hôm đó tôi ngồi cùng ông uống trà nói chuyện. Ông là người hiểu biết sâu rộng và trải nghiệm nhiều thăng trầm của cuộc sống. Ông kể cho tôi nghe những ngày tang thương của dân tộc, khi Quảng trị là vùng đất giữa hai miền Nam – Bắc. Cả quân giải phóng và quân Cộng hòa đều chết rất nhiều trên mảnh đất này.
Trong cả hai cuộc chiến tranh, Am Thụy Ứng là cái hầm dân làng thường vào đó tránh bom đạn. Trước cửa Am là cây bồ đề. Hồi trẻ ông xuống làng dưới mang một nhánh bồ đề nhỏ về, cắm ở cổng và thề rằng: “Đạo Tâm ông còn thì cây bồ đề này còn, Đạo Tâm ông mất thì cây bồ đề này mất”. Không ai nghĩ cái cành nhỏ bằng ngón tay đó lại có khả năng mọc lên thành cây. Vậy mà bây giờ nó đã trở thành một cái cây lớn, vươn cao giữa đất trời. Bản thân ông cũng từng đi tù ở Côn Đảo cả hai chế độ Miền Nam. Bạn tù của ông chết cả vậy mà ông vẫn sống.
Ông thường kể những câu chuyện nhỏ, kiểu dụ ngôn, thỉnh thoảng lại đan xen vài câu, vốn là người tinh ý tôi nhận ra ông muốn khuyên dạy tôi, và cũng hiểu rằng ông biết rõ tôi như thế nào.
Mấy ngày sau, một người nữa xuất hiện. Một tu sĩ cao lớn và mạnh mẽ, thầy Tâm Hiệp. Ông là người ảnh hưởng nhiều tư tưởng của thiền sư Nhất Hạnh. Chúng tôi nhanh chóng trở thành những người bạn.
Thầy là một người đi nhiều nơi, và ông thường lựa chọn các vùng quê. Ông nói với tôi rằng ông lựa chọn nông thôn vì ở đó người dân còn nghèo, họ thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu điều kiện hiểu biết để tiến bộ. Ông là người đứng về phía những người lao động khổ cực, và ông yêu những cảnh yên bình ở quê. Tôi rất khâm phục tinh thần đó ở ông.
Thời điểm này những người nông dân Quảng Trị đang thu hoạch vụ mùa, ông chỉ những chiếc công nông đang chở lúa về nhà của người dân và nói: nhìn những gia đình nông dân chở lúa về nhà nhiều thế kia nhưng có khi đến tháng sau đã hết gạo ăn. Vì khi vừa chở lúa về nhà là những chủ nợ đã đến hốt hết lúa mang đi. Sau khi hết gạo ăn họ lại rơi vào nợ lần để đến vụ mùa sau thì trả, cuộc sống là một vòng quay luẩn quẩn như thế. Khi người ta thiếu gạo ăn thì người ta đâu còn nghĩ nhiều đến việc cho con em học hành.
Ông từng ấp ủ ý tưởng mở một thư viện ở miền quê nghèo này để giúp đỡ những em học sinh, những người dân tiếp cận với tri thức, hiểu biết, và tiếp cận những khoa học về đời sống. Vì chỉ tri thức mới giúp người ta thay đổi tư tưởng, có lối sống lành mạnh và thoát khỏi cái vòng quay luẩn quẩn nghèo khổ.
Tôi rất hưởng ứng với ý tưởng của ông. Vì giáo dục cho nhân dân không phải là việc giúp cho nhân dân có được bằng cấp. Giáo dục cho dân là phải giúp nhân dân giải quyết được những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.
Tôi có hứa với ông sẽ gửi thư cho những người bạn, tổ chức và cá nhân để họ giúp đỡ một phần cho việc hình thành thư viện.
Bạn có thể giúp đỡ cho việc hình thành thư viện bằng cách gửi sách báo, tài liệu mà bạn muốn tặng, hoặc giúp đỡ về mặt tài chính để xây dựng một phòng đọc cho những người dân nơi đây.
Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về Dự Án Thư Viện cho người dân nghèo bằng cách vào amthuyung.com
Hà Nội Ngày 05 tháng 05 Kỷ SửuTrần Thế Long (Tập san Hương Hiếu Hạnh - Am Thụy Ứng - Quảng Trị)