Đã 36 năm trôi đi kể từ ngày chiến tranh kết
thúc. Có rất nhiều những hậu quả chiến tranh để lại trên mảnh đất này đã được
giải quyết để người Việt Nam bắt tay vào xây dựng một Việt nam mới của hòa
bình, độc lập và phồn vinh. Nhưng vẫn còn có một vấn đề mà chúng ta chưa toại
nguyện. Vấn đề đó ngày đêm vẫn dày vò những người Việt Nam chân chính đang sống,
học tập, làm việc và sáng tạo ở mọi nơi trên thế gian này.
Đó chính là hòa giải dân tộc. Đó chính là sự trở
về với nhau của những con người Việt Nam bị xé ra từng mảnh bởi cuộc chiến tranh
tàn khốc. Sau 36 năm, chúng ta đã có đủ thời gian và trí tuệ để suy ngẫm về nỗi
đau chia cắt đó của dân tộc. Và đối với tất cả những ai yêu dân tộc này bằng máu
chảy trong trái tim mình đều nhận ra nỗi đau chia cắt nhiều lúc đến phi lý
ấy.
Trong khoảng thời gian từ sau ngày 30/4/1975 đến
nay, nhiều nỗi đau đã nguôi ngoai, nhiều vết thương đã lành lặn, nhiều nỗi sợ
hãi đã biến mất, nhiều sự thù hận đã chìm sâu và nhiều nỗi ngờ vực đã tan biến;
có biết bao người Việt Nam xa xứ đã trở về và cất tiếng nói về dân tộc mình, một
dân tộc với truyền thống của tình thương yêu vô bờ bến, một dân tộc trong mọi
hoạn nạn không rời bỏ nhau, một dân tộc đầy lòng vị tha ngay cả với kẻ thù của
mình... Họ đã trở về với khát vọng cùng hàng trục triệu người Việt Nam trong
nước để thêm một lần nữa làm lên long tự trọng và niềm kiêu hãnh cho người Việt
nam trong một thời đại mới.
Nhưng trong sâu thẳm lòng mình, chúng ta vẫn còn
gợn những nỗi buồn, gợn những ngờ vực, gợn những thù hận.
Tất cả những người Việt Nam yêu dân tộc mình phải
thấy đó là một điều hổ thẹn. Tại sao đã qua 36 năm mà chúng ta vẫn còn lại trong
lòng mình những điều phi lý ấy. Những chàng trai cô gái sinh năm 1975 đã lấy
chồng, lấy vợ và con cái của họ đã lớn lên. Không ít những đứa trẻ là con cái
của thế hệ những người sinh năm 1975 sẽ trở thành những người đàn ông và đàn bà
trong vài năm nữa thôi. Vậy mà cho đến lúc này, chúng ta vẫn còn đứng từ hai
phía nhìn nhau như những kẻ xa lạ và như không thể đến bên nhau. Lịch sử sẽ ghi
lại nỗi đau buồn ấy của dân tộc. và đến một ngày nào đó trong tương lai, những
học sinh, sinh viên trong một lớp học, những nhà nghiên cứu trong một học
viện... sẽ cất câu hỏi mang nhiều đau đớn về một giai đoạn lịch sử của chúng
ta.
Và lúc này, sau 36 năm chiến tranh kết thúc, có
rất nhiều người mang giấc mơ năm thứ 36 này là năm cuối cùng sau cuộc chiến
không còn sợ hãi, không còn ngờ vực, không còn hận thù giữa những người Việt Nam
cùng dòng máu tổ tiên. Giấc mơ ấy thật giản dị và đủ lý do để hiện thực hóa
nhưng nếu chúng ta không vì con người, không vì dân tộc mình thì có thể chúng ta
đi cả một ngìn năm nữa cũng không bao giờ chạm tay vào được.
Hãy trở về cùng nhau và làm cho dân tộc này không
phải hổ thẹn trước thế gian này. Mỗi người Việt Nam yêu nước chân chính hãy cất
tiếng về ước mơ lớn đó của dân tộc mình và hãy tìm ra một con đường nhân văn
nhất để dân tộc ta tới được ước mơ đó. Đây không phải là một lời kêu gọi. Chính
xác nhất, đây chỉ là nỗi dày vò nhiều đau đớn và ngập tràn ánh sáng của khát
vọng làm người của tất cả những người Việt nam có trên mặt đất này.
Nguồn: http://hoagiai.vn/2011-04-28-ve-mot-uoc-mo-va-con-duong-di-toi