Đức Phật giảng dạy các phương pháp và các giáo lý thực nghiệm chứ không phải là các tín điều, giáo điều. Giáo pháp ấy không phải là những gì để tin, để suy luận mà là để thực tập. Đức Phật không mặc khải các sự kiện huyền bí hay các tín điều buộc người khác phải tin theo
Tín ngưỡng dân gian là một loại hình sinh hoạt tinh thần đã ra đời và phát triển rộng khắp trong các cộng đồng dân cư. Ngay từ khi xã hội loài người xuất hiện thì tín ngưỡng dân gian đã bắt đầu phôi thai.
Trong cuộc sống của mình, con người ở thời kỳ đầu chưa thể hiểu được các hiện tượng tự nhiên, không biết được qui luật vận động và biến đổi của tự nhiên nên họ đã cho tất cả các hiện tượng ấy đều do thần linh tạo ra. Cho nên họ đã thờ cúng thần linh, cầu mong sự che chở của thần linh.
Hơn nữa, sự bất công, bất bình đẳng trong đời sống xã hội đã khiến nhiều người phải chịu cảnh khốn cùng, khổ đau, lo âu và sợ sệt. Trước tình cảnh ấy, họ không còn cách nào khác là cầu xin sự ban ơn, cứu rỗi và sự che chở của các lực lượng siêu nhiên, của thần linh, Thượng đế. Chính vì thế mà tín ngưỡng dân gian đã thành hình.
Như vậy, tín ngưỡng dân gian là lòng ngưỡng mộ, tin tưởng của con người đối với các lực lượng siêu nhiên nào đấy. Người ta tin rằng, các lực lượng siêu nhiên này có năng lực ban ơn, giáng họa, có khả năng che chở cho con người. Đối tượng sùng bái trong tín ngưỡng dân gian ở nước ta càng ngày càng nhiều. Ở thời kỳ đầu, người dân thờ thần núi, thần sông, thần mặt trời, thần sấm sét, thần cây cỏ,… sau đó thờ thêm thành hoàng, thổ công, các vị anh hùng dân tộc, tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đến khi các tôn giáo du nhập vào nước ta thì các vị giáo chủ của các tôn giáo ấy cũng được xem là thần thánh nên người dân cũng sùng bái. Tín ngưỡng dân gian dược xem là đa thần giáo.
Trước sự sùng bái của người dân, trong xã hội xuất hiện các vị linh môi, thuật sĩ, đàn cơ, cơ đồng, những người xem xăm, bói quẻ. Người dân thông qua những vị này để thỉnh tấu với thần linh, cầu mong thần linh chỉ điểm, quyết nghi, ban ơn, ban phước cho mình. Phật giáo ở nước ta cũng dần dần mở cửa phương tiện để thích ứng với yêu cầu của tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên, chính vì sự phương tiện này mà nhiều lúc, nhiều nơi, sinh hoạt của Phật giáo không còn giữ được bản chất của mình, bị cuốn theo dòng chảy của sự sùng bái trong tín ngưỡng dân gian. Ở một số chùa, nhất là các chùa ở miền Bắc có sự thờ tự rất đa dạng; từ các tượng thánh thần đến các vị thành hoàng, thổ công cũng được thờ chung ở trong điện Phật. Lại còn đặt cả bàn xin xăm, đàn cơ, đồng âm dương. Một số chùa đã trở thành nơi sinh hoạt của tín ngưỡng dân gian, mang đậm màu sắc của tín ngưỡng dân gian. Điều này đã khiến cho Phật giáo rơi vào tình trạng biến chất và bị hàng ngũ trí thức chỉ trích, phê bình.
Chúng ta cần phải ý thức được rằng, đức Phật không bao giờ tự cho mình là một đấng có quyền năng vô hạn, Ngài không tuyên bố về sự hiện hữu của đấng tối tôn tối thượng nào cả, và Ngài cũng không mong cầu hàng đệ tử xem Ngài như là một đấng tối tôn tuyệt đối. Đức Phật không phải là thánh thần có năng lực ban ơn, giáng họa. Ngài chỉ là một con người, một con người đã trải qua quá trình tu tập và đã đạt được sự giác ngộ, giải thoát. Và Ngài khuyên các đệ tử của mình rằng, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, không ai có khả năng cứu rỗi ai cả, mỗi người hãy tự khơi sáng ngọn đuốc trí tuệ của chính mình, mỗi người đều chịu trách nhiệm cho sự giác ngộ và giải thoát của chính mình. Các vị hãy lấy giáo pháp làm thầy của các vị, nếu ta ở đời thì cũng không khác gì giáo pháp ấy. Do vậy, Phật giáo do Ngài sáng lập không phải là một tín ngưỡng. Thật ra, theo bản chất khởi nguyên của Phật giáo thì Phật giáo không phải là một tôn giáo huống nữa là một tín ngưỡng. Sự chuyển biến của Phật giáo thành một tôn giáo đã làm méo mó đi ý nghĩa đích thực của Phật giáo.
Đức Phật giảng dạy các phương pháp và các giáo lý thực nghiệm chứ không phải là các tín điều, giáo điều. Giáo pháp ấy không phải là những gì để tin, để suy luận mà là để thực tập. Đức Phật không mặc khải các sự kiện huyền bí hay các tín điều buộc người khác phải tin theo. Khi dạy về đức tin, đức Thế tôn có dạy rằng: “Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong sách vở hay kinh điển. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó lý luận siêu hình. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với định kiến của mình. Chớ vội tin điều gì, khi điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết. Chỉ tin vào điều gì khi tự mình biết chắc chắn rằng những điều ấy là thiện, là tốt”. Đức Phật đã dựa trên sự thực nghiệm để nói pháp và Ngài không cho rằng, tất cả kết luận đều là chắc thật, trừ khi nó được kiểm chứng bởi tự thân mỗi người. Ngài khuyến khích con người nhìn nhận sự thật khổ đau, tìm ra nguyên nhân của khổ đau, thừa nhận có sự giải thoát khỏi khổ đau và Ngài đã chỉ dạy con đường có thể đưa đến sự chấm dứt khổ đau.
Như vậy, khởi nguyên của đạo Phật không hề có màu sắc của tín ngưỡng dân gian. Ngược lại, đạo Phật có tính thực nghiệm rất cao.
Tuy nhiên, tín ngưỡng dân gian là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Con người còn khổ đau, bất an thì tín ngưỡng dân gian còn tồn tại. Suy cho cùng thì động cơ khiến con người tìm đến với tín ngưỡng dân gian là muốn có được một đời sống an lành, hạnh phúc, muốn giải quyết những bức bách trong cuộc sống. Đấy là những động cơ tích cực, không có gì đáng phê phán. Tín ngưỡng dân gian là một liều thuốc quan trọng, nó cần thiết đối với những chứng bệnh trong thân tâm của con người hiên tại. Vì thế, chúng ta không thể nào loại bỏ được tín ngưỡng dân gian. Trong xã hội phương Tây, Cơ đốc giáo đã gần hai ngàn năm thanh lý đa thần giáo, thế nhưng hiện nay vẫn còn dấu vết tín ngưỡng dân gian hoạt động khắp nơi. Và thật ra, hệ thống tín ngưỡng dân gian chính thống có ý nghĩa không nhỏ trong đời sống của xã hội, chúng góp phần giữ gìn và phát huy nếp sống đạo đức, một nếp sống thắm đượm tình người.
Đạo Phật muốn đi vào lòng dân, muốn bắt rễ sâu trong mọi tầng lớp nhân dân thì không thể cứng nhắc, quay lưng với tín ngưỡng dân gian. Phật giáo cần phải mở cửa phương tiện để có thể thích ứng với yêu cầu của tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên, sự phương tiện này cũng cần phải hết sức thận trọng, cần phải biết dừng lại ở một giới hạn nhất định. Không nên vì đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng dân gian mà hạ thấp tín ngưỡng Phật giáo, thần thánh hóa các vị Phật và Bồ-tát, đưa các loại thần linh trong tín ngưỡng dân gian lên thành hóa thân quyền hiện của các vị Phật và Bồ-tát. Làm như thế thì đạo Phật sẽ không còn là đạo Phật nữa.
Vậy thì Phật giáo phải làm sao để vừa thích ứng với yêu cầu của tín ngưỡng dân gian, vừa giữ được bản chất và tôn chỉ của mình? Quả thật đây là một vấn đề không đơn giản. Nó đã làm cho nhiều thế hệ Phật tử phải trăn trở, ưu tư.
Mọi người biết rằng, tất cả chư Phật và đại Bồ-tát đều có đủ sáu loại thần thông, tùy thời, tùy xứ, tùy loại nhiếp hóa, đáp ứng những yêu cầu hợp lý của chúng sinh. Các bài kinh chú của Phật giáo có sự hiệu nghiệm, linh ứng. Phật giáo cần phải xiển dương sự hiệu nghiệm của kinh chú, đề xướng công năng tín ngưỡng Phật và Bồ-tát. Ví dụ như sự linh nghiệm hữu cầu tất ứng, quảng đại vô biên của Quán Thế Âm Bồ-tát, Địa Tạng Vương Bồ-tát. Quán Thế Âm Bồ-tát được xưng là Quảng Đại Linh Cảm, Cứu Khổ Cứu Nạn, Đại Từ Đại Bi; A-di-đà Phật được xưng là Vô Thượng Y Vương, Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang. Những vị Phật và Bồ-tát này khiến người ta hữu cầu tất ứng, cầu trường thọ được trường thọ, cầu trí tuệ được trí tuệ,… Đức Phật Thích Ca là một trong trăm ngàn ức hóa thân của Tỳ Lô Giá Na Phật. Ngài là vị giáo chủ cõi Sa-bà, đạo sư của trời người, đèn sáng trong đêm dài, thuyền từ nơi biển khổ. Vậy thì mọi người chỉ cần chọn một vị Phật, Bồ-tát tu niệm, hay một pháp môn, kinh chú nào đó để hành trì với tâm chí thành chí kính, nỗ lực tinh tấn thì sẽ dễ dàng đạt được mục đích mà tín ngưỡng dân gian yêu cầu.
Chúng ta làm thế để đưa họ đến với đạo. Sau đó chúng ta có thể giúp các tín đồ tiến thêm bước nữa, từ tầng bậc tôn giáo tín ngưỡng dân gian, tiến vào cảnh giới giải thoát tự tại, tự lợi tự tha. Người Phật tử đã có chánh tín với Tam bảo thì cần dẫn dắt, nêu gương cho mọi người ý thức được rằng, học Phật là học theo tâm hạnh từ bi và trí tuệ của Ngài. Tu Pháp là theo sự chỉ đạo đúng đắn của chánh Pháp; chuyên tu một Pháp môn, để đạt được mục tiêu nhất quán là trì giới, tu định và phát tuệ. Chỉ cần không lìa nguyên tắc quy y Tam bảo, ngày ngày lấy việc xem Kinh làm Phật sự. Trì giới, bố thí, lễ tụng, sám hối làm thời khóa tu hành, cho dù không cầu lợi ích hiện đời, cũng tự nhiên chiêu cảm phước lành trong hiện tại.
Làm như thế có nghĩa là đã khẳng định được rằng, các truyền thống của Phật giáo có thể cung cấp một nền tảng vững chắc về những giá trị triết học, tư duy và đạo đức, hướng đến đời sống tỉnh thức và giác ngộ. Phật giáo có thể giải quyết những vấn đề bức thiết của cá nhân và thế giới hiện đại mà vẫn giữ được bản chất và tôn chỉ của mình.
Là những người con Phật, chúng ta cần phải giữ gìn và phát huy những gì mà đức Phật đã thực nghiệm để duy trì và phát triển một nền văn hóa giác ngộ, một sự tự do vượt ra ngoài tham ái và khổ đau. Cần phải cố gắng để nhảy một bước nhảy quyết định nhằm làm cho Phật giáo trở nên là một tôn giáo mang tính thực nghiệm, hơn là một tôn giáo dựa vào tín ngưỡng và thần quyền. Chỉ có nhu vậy mới có thể làm cho Phật giáo ngày càng được truyền bá rộng khắp và không bao giờ bị mất chất, bị đồng hóa bởi tín ngưỡng dân gian.
Thích Quảng Trí/daitangkinhvietnam.org