Có lẽ tôi mến mộ nhà thơ-nghệ sĩ Bảo Cường trước hết ở tấm chân tình anh dành cho các công việc Phật sự, bên trên ngón thổi sáo điêu luyện và những áng thơ văn đầy chất Huế ở anh.
Từ đó, nhịp cầu lân mẫn giữa tôi và anh được thông thoáng rất dễ dàng và lần nào cũng bên ánh đèn sân kháu các ngày lễ hội Phật giáo quan trọng. Nói một cách khác, cái chất nghệ sĩ - ở đây lại là nghệ sĩ Phật giáo, đã gắn kết anh em với nhau rất đẹp. Những ký ức về tháng ngày ấy khó có thể phai mờ trong tâm khảm tôi dù hiện tại công việc tham cứu lịch sử và tham gia trong Viện Nghiên Cứu Phật Học có phần chiếm hết quỷ thời gian.
Bìa tác phẩm
Chân dung nhà thơ Bảo Cường
Phần lớn trong các tác phẫm văn thơ của Bảo Cường, anh đều ưu ái dành hết cho người mẹ và kế đó nữa là quê hương anh. Xứ Huế. Có lẽ vì vậy mà mỗi khi nghe anh ngâm , giọng Huế trãi đều và nhẹ nhàng quanh quẩn không gian trước mặt, luôn muốn còn lại với người nghe, không vội tan biến.
Giọng Huế của Bảo Cường ngâm không nặng mà rất nhẹ nhàng, như thể anh muốn mang cả làn gió nhẹ sông Hương thổi vào người nghe thật sâu lắng. Từ giọng ngâm này, khi nói về Mẹ , về Huế mới cảm thấy thật làm sao. Những gì anh nói về Mẹ và Huế đều rất thật vì đó chính là cuộc đời anh. Cho nên khi nghe anh tự thán :
Quặng thắt lòng con nhớ công ơn trời biển
Viết bài thơ tạ lỗi với Mẹ hiền
Đứa con hoang bỏ làng đi biền biệt
Biết bao giờ có lại thuở xa xưa.
(trích Bông Hồng Dâng Tặng mẹ)
Cái chân thật này đã thôi thúc tôi đem bài thơ “Bông Hồng Dâng Tặng mẹ” phổ nên bài vọng cổ để kính tặng anh. Trong đó tôi đem tựa đềcủa những bài ca Huế dàn trải như cuộc đời anh như: Đời không phẳng lặng như điệu Nam Bình êm ả, không rộn rả như Lý Tiểu Khúc mà ray rức nhặt khoan như điệu Lý Tương Tư nghe thương nhớ vô cùng…”
Cũng trong bài cổ nhạc này, tôi trân trọng ý văn của anh như trân trọng những mái chèo đang lướt nhẹ trên mặt nước sông quê:
“Thương quê nắng dãi mưa dầu/ câu hò mái đầy xanh màu tình quê/ Bát canh khế buổi chiều về/ Bữa cơm thanh đạm dân quê mát lòng.
Và bây giờ, một nhà thơ- nghệ sĩ Bảo Cường đã vang danh khắp chốn, đứa con lưu lạc ngày xưa “Đã ra đi thì trăm sự cũng liều” đã có thế đứng vững vàng trong nghệ thuật và trong văn nghệ Phật giáo. Thế nhưng anh vẫn luôn ai hoài về một thuở có mẹ bên mình:
“Giờ ấm no mẹ cha không còn nữa/ Nghĩ cuộc đời sao lắm nỗi chua cay/ Địa vị công danh liệu có ích gì đây/ Không có mẹ cuộc đời sao tẻ lạnh/ Ngày xưa có mẹ bên con/ Bây giờ mẹ mất héo ghon cuộc đời..”
Khi phổ lời thơ của anh sang giai điệu vọng cổ, tôi có phần e ngại âm sắc đặc trưng Nam Bộ này sẽ không làm cho anh hài lòng. Nhưng tôi đã lầm rất to khi ở anh còn có cả một nhận thức nghệ thuật đứng đắn. Anh từng tâm sự “người làm văn nghệ như bọn mình, không thể nói không thích cái này, không ưa cái kia. Phải tôn trọng từng lãnh vực riêng biệt, từ đó mới làm văn nghệ chân chính được”. Tôi học anh đức tính nghệ thuật cao quý này.
Bài cổ nhạc BÔNG HỒNG DÂNG TẶNG MẸ phổ từ thơ của Bảo Cường do NSND Bạch Tuyết thể hiện trong album cổ nhạc Phật giáo MÊNH MÔNG TRỜI BIỂN do Đạo Phật Ngày nay phát hành.
Nhân mùa Vu lan Báo Hiếu, một lần nữa xin viết đôi hàng kính tặng nhà thơ- Nghệ sĩ Bảo Cường và những ai còn có mẹ để nói lời yêu thương.(Xin nghe bài hát đính kèm audio-mp3 sau đây).
Vu Lan 2556-2010
Giác Đạo - Dương Kinh Thành
--------------------------------------------------