đậu tương đen hữu cơ

SOS & Suy ngẫm

11:27 06/01/2012

"Đạo sư" Duy Tuệ xuyên tạc gì về đạo Phật ?

“Không có nghiệp chướng gì của đời trước để đời này phải trả, phải chịu cảnh cơ hàn cực khổ, thiếu cơm ăn, áo mặc hay nhà ở. Nhìn theo kiểu phải trả nghiệp là tự đưa mình vào ngõ cụt, xuống vực thẳm hay đường cùng”.

TỪ TIẾP THỊ BÁN SÁCH

 
Cách đây vài tháng, theo thông tin trên mạng, tôi đến dự đêm thiền của một nhà hoạt động nghệ thuật tổ chức tại một khu vườn rất đẹp ngoại ô TP.HCM.

 
Khi đêm xuống, vì chỉ có những ngọn nến đặt trong lồng đèn hoa sen được thả xuống mặt hồ giữa vườn, nên không gian quanh bờ hồ, nơi có gần cả ngàn người đang chờ đợi để nghe buổi “chia sẻ” (tên gọi khá lạ về một buổi thuyết giảng ngoài trời của một sư cô trước cử tọa đông đảo), trở nên tối tăm mờ mịt, thì có một thanh niên, vóc dáng cao lớn, mặc đồng phục nhà vườn, tiến đến chỗ tôi đang ngồi bắt chuyện. Vì lúc đó chỉ có tôi ngồi một mình trên chiếc ghế dài, nên cuộc làm quen diễn ra rất dễ dàng.

 
Người thanh niên lạ hỏi tôi, giọng ngọt ngào, đầm ấm, gần gũi:

 
-         Dạ, chào anh, thưa anh, chắc anh là Phật tử và quan tâm đến thiền?
 

-         Vâng, tôi theo đạo Phật, có đọc sách thiền học, nhưng thực hành chưa nhiều.
 

-         Vậy, anh có nghe nói đến “Thiền Minh Triết” của đạo sư Duy Tuệ chưa?
 

Thấy một tên người là một từ trong một thành ngữ quen thuộc với đạo Phật “Duy tuệ thị nghiệp” và lại là “đạo sư”, nên tôi hỏi lại:
 

-         Thầy ở chùa nào vậy?
 

-         Dạ, đạo sư Duy Tuệ không phải sư thầy trong Phật giáo, và thiền Minh Triết cũng không phải là kiểu thiền trong đạo Phật. Đây là một cách thiền hoàn toàn mới, em đã luyện tập và thấy rất có kết quả.
 

Thấy tôi còn chưa hình dung “thiền mới”, “không phải thiền Phật giáo”, đạo sư mà “không phải sư thầy”, anh ta nói tiếp:
 

-         Để có thể biết “thiền minh triết”, và tư tưởng ưu việt, tuyệt vời của đạo sư Duy Tuệ, qua môn Duy tuệ học, thể hiện trí tuệ dân tộc, tự chủ, tiến bộ hơn rất nhiều so với những học thuyết, tôn giáo du nhập từ nước ngoài, mời anh tìm đọc những quyển sách do đạo sư Duy Tuệ biên soạn, hiện có bán tại các nhà sách lớn, hay có thể, nếu anh cần thì… [lúc đó anh thanh niên chỉ đi tay không].
 

Tôi ngắt ngang vì ngại kiểu bán sách tiếp thị trực tiếp này, vì làm sao xem trong bối cảnh tối om, mặt còn không nhìn rõ thế này. Hơn nữa, người ta mất công mang sách đến nhưng mình không mua thì cũng khó xử…
 

-         Anh có thể giới thiệu cho tôi tựa sách của đạo sư Duy Tuệ mà anh nghĩ là tôi nên đọc trước tiên để hiểu về tư tưởng của đạo sư và thiền minh triết.
 

-         Dạ, anh là Phật tử, vậy xin giới thiệu đến anh quyển: ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”, trình bày một cách hiểu mới về đạo Phật rất sáng tạo. Thưa, nghệ thuật gia tổ chức buổi thiền hôm nay có viết bài giới thiệu cho quyển sách này.
 

-         Tôi thường đi nhà sách, tôi sẽ tìm quyển sách mà bạn vừa giới thiệu ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”
 

(Sau này, khi mua quyển ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”, tôi không thấy lời tựa của nhà hoạt động nghệ thuật mà anh thanh niên nói, thay vào đó là bài “Thay lời tựa” do một người được giới thiệu là một giáo sư sống tại Cộng hòa “Czech” (nguyên văn ghi trong sách)).
 

ĐẾN VIỆC MỜI… GIA NHẬP TỔ CHỨC
 

Anh thanh niên thấy tôi quan tâm đến quyển sách qua việc nhắc lại đúng tựa đề khá dài, nên nhiệt thành nói tiếp:

 
-         Dạ anh đọc xong, nếu chia sẻ với những tư tưởng của đạo sư Duy Tuệ được trình bày qua quyển sách ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm” và thiền Minh Triết, thì mong anh gia nhập tổ chức Đại Gia đình Minh Triết do đạo sư Duy Tuệ chủ trì, anh sẽ có Phật tâm danh, được thực hành Thiền Minh Triết và Duy Tuệ học.
 

Anh thanh niên lấy điện thoại, bấm cho tôi xem một số ảnh đạo sư Duy Tuệ, trong đó có một vài ảnh ông cạo đầu mặc áo vàng và áo nâu, với kiểu khiến người ta rất dễ lầm với một nhà sư Phật giáo.
 

Tôi dần dần thấy một cái gì đó không bình thường: không phải đạo Phật mà có “Phật tâm danh”, thực hành Thiền, đạo sư cạo tóc na ná như tu sĩ Phật giáo. Tôi hỏi vặn:

 
-         Tổ chức Đại Gia đình Minh Triết chắc giống tổ chức “Gia đình Phật tử”, vậy có liên hệ gì đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam không?
 

-         Dạ, không có liên hệ gì hết. Tổ chức Đại Gia đình Minh Triết là một tổ chức quy mô toàn cầu, gồm cả Việt Nam, hoạt động tâm linh và xã hội, quy tụ rất nhiều hiền giả Minh Triết, dưới sự chỉ đạo của Đạo sư Duy Tuệ. Dạ, anh có thể xem trang web của đạo sư Duy Tuệ là duytue.org, đọc bài, nghe và xem pháp âm của đạo sư và các hiền giả trong tổ chức Đại Gia đình Minh Triết để từ đó liên hệ gia nhập tổ chức.
 

Tôi hỏi căng:

 

-         Vào tổ chức của anh thì có sao không? Có giống như tổ chức của Bà Thanh Hải?
 

Anh thanh niên lộ vẻ lúng túng, lo lắng. Sau một lúc anh ta trấn tĩnh, trả lời giọng run run:
 

-         Dạ không ạ, tổ chức Đại Gia đình Minh Triết hoàn toàn khác với tổ chức của Bà Thanh Hải. Sách của Đạo sư Duy Tuệ được xuất bản rộng rãi tại Việt Nam theo đúng luật pháp, khác hẳn việc bị cấm đoán như đối với tác phẩm của Bà Thanh Hải. Ngoài ra, công ty Minh Triết cũng được cấp phép và hoạt động rất mạnh, phân phối nhiều sản phẩm mang tính giáo dục.
 

Tôi thấy anh thanh niên không còn tự nhiên như trước nữa. Anh thôi không nói chuyện gia nhập tổ chức, mà quay trở lại việc tiếp thị quyển sách ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”. Rồi vội vàng bỏ đi sau một cái chào lấm lét.
 

Tôi chợt nhớ lại cách đây đã vài năm ở một quán cơm chay, tôi đã được một đệ tử của bà Thanh Hải sà đến bắt chuyện, giới thiệu “Vô thượng sư”, các “tác phẩm” và “Quan Âm pháp” (thay vì Thiền Minh Triết)…

 
QUYỂN SÁCH ĐƯỢC TIẾP THỊ VIẾT NHỮNG GÌ VỀ ĐẠO PHẬT?

 
Theo lời giới thiệu của anh thanh niên “hiền giả” trong tổ chức Đại Gia đình Minh Triết, tôi không khó để tìm mua được quyển ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm” của tác giả Duy Tuệ. Sách do Công ty Minh Triết và nhà xuất bản Văn hóa Thông tin liên kết xuất bản. Tên của Công ty Minh Triết in hẳn trên bìa sách trước cả logo nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, cho thấy đây là sách “liên kết”, tức không phải là sách kế hoạch A của Nhà xuất bản, mà là sách do công ty Minh Triết đầu tư vốn, nhà xuất bản chỉ cấp giấy phép.
 

Sách được trình bày với đối tượng chủ yếu là người Phật tử, làm ra có vẻ như sách giáo lý, với những tiêu đề các phần như:
 

I. Con đường đến với Đức Phật:

 
-         Ước mơ và con đường thực hiện ước mơ của thái tử Tất Đạt Đa.
 

-         Thế nào là “thành Phật”?
 

-         Sau khi thành Phật, ngài ước mơ là làm những gì?
…”
 

Hay
 

“II. Cuộc sống của người Phật tử tu tại gia:
 

-         Việc thờ phụng trong nhà và ở chùa
 

-         Ăn chay
 

Tuy nhiên, không cần đọc kỹ lắm người đọc dễ dàng nhận thấy những câu chữ rất không bình thường đối với Phật giáo. Xin phép sẽ được ghi nhận dưới đây.
 

Để tìm hiểu tư tưởng của tác giả, bạn đọc có thể không cần mua sách, vì giá sách rất đắt (209 trang, bìa mềm, khổ 14 x 20, có kèm dĩa CD, bán 70.000 đồng) mà có thể tìm hiểu trên trang duytue.org, đặc biệt là các bài gọi là “pháp âm” và trang minhtriet.vn.
 

Mong bạn đọc hãy nghe những gì người tự xưng là “đạo sư”, trong tiếng Anh là “Master”, này nói và viết với những người trong và ngoài tổ chức của ông, đặc biệt hướng tới giới Phật tử để có thể cùng nhau đi đến kết luận thực chất là gì đàng sau hiện tượng này.
 

Sau đây là một số đoạn văn trích từ quyển ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”:
 

Trang 12 : “Nếu nói Bát Chánh đạo là chìa khoá giải quyết vấn đề khổ đau, thì tại sao mấy ngàn năm qua không phát huy tác dụng? Tám con đường đó là giải quyết tình trạng của cái đầu mỗi người, chứ không phải lên thiên đàng hay về cõi Phật như kinh sách nói, nhưng tại sao không giải quyết được?”.
 

Trang 28: “Theo truyền thuyết trong kinh sách, khi đạt được trạng thái an lạc nội tâm thì Đức Phật tuyên bố đại ý rằng: Ta vừa trải nghiệm một trạng thái rất đặc biệt, một trạng thái hoàn toàn không thấy khổ đau nữa. Giờ đây ta đã hiểu rõ nguyên nhân của khổ đau nữa. Giờ đây ta đã hiểu rõ nguyên nhân của khổ đau là gì, ta tuyên bố “Ta đã thành Phật”.
 

Tuyên bố trên của Đức Phật rất quan trọng. Do ân phước tôi cũng tự nhiên rơi vào trạng thái đặc biệt ấy, và tôi khẳng định rằng trạng thái an lạc tuyệt đối có sẵn trong mỗi con người là có thật. Khi vào trạng thái ấy, con người sẽ mở ra một sự thấy hết sức đặc biệt. Và cái thấy xuất hiện đầu tiên là thấy nguyên nhân nào khiến con người không được sung sướng, mãn nguyện với kiếp người của mình”. Người trích dẫn nhấn mạnh câu “Do ân phước tôi cũng rơi vào trạng thái đặc biệt ấy…” (tức là thành Phật?)
 

Trang 35: “Nếu đi chùa mà không cải thiện gì thì đừng đi nữa. Nếu niệm Phật mà không giúp ích gì thì đừng niệm nữa
 

Trang 39: “Dân chúng cũng như tất cả Phật tử xưa nay luôn mải mê với vấn đề xuất gia và giải thoát. Thế nên, nhiều người bỏ nhà cửa, bỏ gia đình và bỏ sự nghiệp để đi tu và giải thoát. Qua những trình bày trên của tôi quý vị đã rõ người ta đã nghĩ sai hoàn toàn ý nghĩa của giải thoát. Việc hiểu sai dẫn đến sự tự hành hạ mình hết năm nay đến năm khác và cả cuộc đời, rồi truyền hết đời này đến đời khác. Hiểu không đúng thì làm sao thực hành có hiệu quả được!?”
 

Trang 41: “Nhưng với đa số người, khi cạo đầu vào chùa lại chỉ xuất gia bên ngoài chứ không xuất gia bên trong được. Vì sao? Vì họ bắt đầu phát triển chuyện kiếm tiền, đệ tử, Phật tử, tranh giành chức tước, kể cả chức trụ trì. Vật dụng cũng tuỳ chức phẩm, đại loại như khi ăn thì người trụ trì được sử dụng bát (chén) cao sang hơn. Lúc đầu mang hình tướng xuất gia sau lại ràng buộc và hình thành ý tưởng giai cấp mới trong đầu”. Người trích dẫn nhấn mạnh tác giả quyển sách dùng cụm từ “đa số người”.
 

Trang 61: Không phải hoàn thành giới luật là không trộm cắp, không tà dâm, không sát sanh, không uống rượu, không nói dối. Đó là vấn đề nhỏ và căn bản đã có từ thời xa xưa.Thời ấy con người mới có mặt trên hành tinh, chưa biết gì nên đưa ra những giới luật đó để dạy họ biết làm người và coi như một thứ pháp luật trong tôn giáo để góp phần bảo vệ trật tự cộng đồng và hạnh phúc cá nhân. Giờ đã qua mấy ngàn năm, con người đã biết giới luật đó rồi, không phải dạy nữa. Giới luật hiện giờ là dạy con người sống phù hợp với cộng đồng, với môi trường và thiên nhiên”.
 

Trang 67: “Làm gì mà thấy không hiệu quả và gây mệt mỏi thì quý vị không nên làm. Quý vị đều thấy sự phát triển của đời sống hiện tại. Đa số người ta không còn muốn đọc sách nữa, chỉ thích nhìn hình ảnh thôi. Ở nhiều chùa, các thầy cũng không tụng kinh nữa mà cho máy tụng hộ”.
 

Trang 69: “Ngày xưa, trình độ khoa học kém, muốn hiểu, thấy rõ mọi chuyện không phải dễ, nên họ tạo ra những pháp tu làm cho cái đầu thanh tịnh, để suy nghĩ và nhìn thấy rõ ràng. Nhưng giờ đây, tất cả phơi bày ra hết, nhiều khi đầu không cần phải thanh tịnh vẫn thấy rõ. Do đó, quý vị phải chạy theo cho kịp sự phát triển của khoa học và sự phát triển của nhân loại, chứ đừng như “ếch ngồi đáy giếng”, tưởng mình làm gì cũng đúng, không chịu khó học tập”.
 

Trang 81: “Nhưng không ít Phật tử đã tạo sự hư hỏng cho một số nhà sư. Họ cấu kết với tăng ni xây dựng chùa lớn, vay mượn để chùa mang nợ. Thông đồng với chùa cho vay nặng lãi, buôn bán kim cương, vàng bạc và đô la trong chùa… Những chuyện như thế vẫn xảy ra, nhưng Phật tử lại lạy lục, tâng bốc, làm đủ thứ chuyện khiến họ hư hỏng”. Người trích dẫn nhấn mạnh, tác giả dùng từkhông ít”.
 

Trang 84: “Cần hiểu rằng sáng kiến của Đức Phật không phải để lập Phật giáo, mà trước nhất là huấn luyện đệ tử. Về sau, con người nghiên cứu và phổ biến nó trở thành tài sản kiến thức của nhân loại. Những tăng ni xuất gia, đi theo con đường của Đức Phật mới tạo ra Phật giáo. Cho nên, phải biết rằng việc khai thác trí tuệ Đức Phật hiện nay đang được cả nhân loại tiến hành. Và chắc chắn, người ta khai thác tốt hơn tín đồ tu sĩ Phật giáo. Bởi họ nghiên cứu vô tư, khách quan. Họ có tri thức, chịu khó học, nghiên cứu, áp dụng và quả thực họ đã áp dụng có hiệu quả. Còn người trong đạo Phật là theo chủ quan, đội cái mũ đạo Phật trên đầu và cho thế là xong rồi. Do đó, cần thấy rõ tín đồ Phật giáo vẫn nặng về cảm xúc và tưởng tượng, mê tín nhiều lắm. Có lẽ chỉ có một số tín đồ Phật giáo mới bỏ hàng tỷ đồng Việt Nam ra để thực hành các nghi lễ cúng tế hết sức lãng phí và có vẻ bị tâm thần này!”.
 

Trang 97: “Bởi chính các vị Phật, thánh nhân hay bậc thầy đều dạy và trang bị cho đệ tử hay người khác những đức tin tốt đẹp. Các ngài có thể bảo: “Con hãy tin rằng có Phật, Bồ tát bên cạnh bảo vệ, cứ làm đi. Cứ tỉnh táo nhìn nhận, cái gì đúng thì làm. Hãy cố gắng, đừng sợ thất bại. Lỡ phạm sai lầm, gây đau khổ hay lỡ phá sản… cũng đừng sợ vì lúc nào cũng có Phật, thánh bên cạnh con”. Người nghe như vậy liền làm thật dũng mãnh, không sợ gì cả. Lỡ thất bại thì vẫn tin tưởng có Đức Phật giúp đỡ, thua keo này lại bày keo khác. Như vậy, đức tin được dùng để trấn an sợ hãi, nhút nhát, hèn yếu và sự bình tĩnh, tự tin cho họ. Nghĩ lại mà thấy đau lòng. Cây cối trong rừng chẳng cần đức tin nào mà vẫn sừng sững trước phong ba bão táp, trong khi con người lại cố tìm đức tin gắn vào đầu mà vẫn nhiều tuyệt vọng yếu hèn!”.
 

Trang 99: “Không có nghiệp chướng gì của đời trước để đời này phải trả, phải chịu cảnh cơ hàn cực khổ, thiếu cơm ăn, áo mặc hay nhà ở. Nhìn theo kiểu phải trả nghiệp là tự đưa mình vào ngõ cụt, xuống vực thẳm hay đường cùng”.
 

Trang 100: “Trong khái niệm văn hóa, cần chú ý cái nào là văn hóa gốc của dân tộc, cái nào bị tiêm nhiễm sai lầm từ tôn giáo. Không thể đem vào nền văn hóa của chúng ta những lời nói vu vơ từ nền văn hóa khác, cũng không đưa vào đó tư tưởng từ sách vở của một số người chán ngán cuộc đời hoặc điều họ tuyên bố từ tâm trạng bất mãn, chán chường… rồi chúng ta lắp ghép vào nền văn hóa Việt Nam, gây ra suy nghĩ tiêu cực trong đầu óc con người Việt Nam”.
 

Trang 107: “Biết là sẽ không làm vừa lòng nhiều nơi hay nhiều chùa nhưng tôi vẫn phải nói rằng việc tổ chức triền miên các khóa học cho Phật tử ở chùa, với năm bảy trăm hay cả ngàn người bỏ bê nhà cửa, khăn gói tới chùa học chắc chắn không hiệu quả gì”.
 
Chúng tôi chỉ mới trích dẫn từ nửa quyển sách, nhưng vì bài đã dài, nên việc trích dẫn sẽ được tiếp tục ở bài sau.
 

Tuy nhiên, những trích dẫn như trên đã hé lộ được nhiều vấn đề. Đó là gì, xin để bạn đọc suy xét và tiếp tục bàn luận.
 

Ở bài đầu tiên này, xin phép chỉ giới hạn ở mức tường thuật, ghi nhận, với một số những lưu ý tối thiểu. Chúng tôi chưa đưa ra bình luận, nhận xét cụ thể. Vì vậy, rất mong ý kiến của bạn đọc.



Minh Thạnh
Nguồn link: http://www.phattuvietnam.net/diendan/67/17606.html

Bình luận (14)

toi thay ong duy tue co quan diem rat thang than va hien dai chu chua chac da sai dao cua ong cung rat co ich trong cuoc song khong nen che bai ong !
khuc truong tho ( 27/10/2015 11:36:08)
Bạn bắc nói sai rồi . Thời này là thời mạt pháp và bạn đag bị ma quỷ dẫn lối nên ko biết đâu là thật và đâu là tà
Giang ( 05/02/2014 14:38:06)
Khi đọc một cuốn sách, nếu có thể, hãy cố gắng tìm xem, nó có thể giúp ích gì trong cuộc sống, làm cho mình sống hạnh phúc và thành công hơn, giúp cho những người thân yêu của mình được hạnh phúc hơn, đầu tiên là ngay trong kiếp hiện tiền này.
( 16/06/2013 04:43:15)
qua cach noi cua ds duy tue thi van dung tri tue cua dao phat lam nen tang, nhumg dua tren viec lam khong dung cua cac nha tu hanh ma ong che trach,phi bang,nhung ong khong hieu het duoc nhu the nao la y phat loi kinh(chanh phap)vi nhung viec lam cua nhung tu si do co dung theo chanh phap dau?cho nen nhung loi che   trach chi la khong biet noi voi nguoi khong biet!
la duy ( 06/04/2013 13:52:56)
Thật sự thì Thiền Minh Triết chỉ là sự ghi nhận lại các pháp môn của Phật giáo đã có từ trước đó. Người hành thiền có đại ngộ hay tiểu ngộ thì cũng cần phải toàn tâm toàn ý hạ thủ công phu. Không thể bàn ngoài miệng, hiểu trong đầu (Theo cách nói của TG Duy Tuệ) mà thành được. Chấp đúng hay sai cũng là chấp. Chỉ để làm dân tộc chia năm sẻ bảy mà thôi. Khi tôn chỉ không thống nhất thì có giảng 1 triệu bài thì cũng chỉ là sáo rỗng. Tự cứu lấy mình và đừng vì những chuyện vặc vãnh này làm tâm mình thêm loạn.
Hòa ( 14/02/2013 23:20:41)
cẩm nang thiền minh triết không có gì là trái với đạo phật gì cả? Mình thấy nó rất thực tế với đời sống của chúng ta. Vậy tại sao chúng ta không tiếp thu mà cứ phải, chê bai, phỉ báng.
bắc ( 15/10/2012 19:06:14)
Dù môn phái Thiền minh triết có hay đến cỡ nào đi chăng nữa, nhưng việc dựa vào giáo lý nhà Phật để phỉ báng, chê bai Phật giáo là hiện tượng kiêu căng ngã mạn. Mà theo quy luật những ai tự cao tự đại nhất định sẽ tự hủy diệt mình thôi.
LOMO ( 29/05/2012 18:58:48)
Nếu đã lỡ mua sách và lỡ đọc nó, tiếp đến chắc chắn sẽ là "lỡ hiểu". Tùy theo hiểu biết ( nghiệp của từng người) mà chúng ta sẽ có phản ứng lại ở nhiều tầng bậc khác nhau, khen chỗ này hoặc chê   chỗ khác, chấp nhận hay không chấp nhận.v.v..Nếu có duyên được tiếp xúc với ngài Duy Tuệ chúng ta hãy lắng lòng nghe ( có âm thanh lọt vào vùng nghe thì   "nghe"), nghe xong thì đáp lại " thế à ".Niệm   ĐẠO CẢM THÔNG KHÔNG THỂ " NGH Ĩ   BÀN "    
Phạm hữu Phước ( 10/04/2012 05:36:23)
Đến nay tôi vẫn chưa biêt Đạo sư Duy Tuệ là ai nhưng tôi nhận thấy cần phải cảnh giác với vị đạo sư này, vì:- Đọc các sách, bài viết, nói của Đạo sư Duy Tuệ từ năm 2003 đến nay tôi thấy Đạo sư “không được bình thường”, lời nói không như nhất: “Năm bản nguyện của đạo sư Duy Tuệ” nói một đàng, cuốn sách “Ta là ai” và các bài viết sau này đi một nẻo khác. Đọc nhiều sách, bài viết của đạo sư, tôi chẳng biết “DUY TUỆ LÀ AI?”- Các Hiền giả Minh Triết biết gì về Phật Thích Ca Mâu Ni và Điều Ngự Giác Hoàng (vua Trần Nhân Tông) qua những lời giảng cắt xén của Đạo sư Duy Tuệ ? Tại sao Đạo sư Duy Tuệ bài bác việc tu học để có thể “Minh triết” như trong bài “DOANH NHÂN HIỀN TRIẾT’ của mình.   Đạo sư Duy Tuệ có biết “ ngày mồng một tết năm Mậu Thân Hưng Long thứ 16 (1308) vua Trần Nhân Tông đã chính thức hóa việc truyền y cho thiền sư Pháp Loa ở Cam Lộ đường của chùa Siêu Loại thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay với sự chứng kiến của chính vua Trần Anh Tông và thượng tể Trần Quốc Trấn. Tại buổi lễ này, sau việc trao y và nghe Thiền sư Pháp Loa thuyết pháp, vua Trần Nhân Tông còn đem ngoài 20 hộp nhỏ kinh điển Phật giáo, còn đem 100 hộp “kinh sử ngoại thư” giao cho Thiền sư Pháp Loa và dặn dò “mở rộng việc học bên trong và bên ngoài”. (“Trần Nhân Tông – Con người và tác phẩm” của Tiến sĩ thiền sư Lê Mạnh Thát). Vậy chúng ta nên học và hành theo ý chỉ của Điều Ngự Giác Hoàng hay nghe và làm theo đạo sư Duy Tuệ?- Đạo sư Duy Tuệ không tu học mà chỉ “may mắn” có vài lần “chìm đắm trong trạng thái tỉnh thức sâu thẳm” và nhờ đó đã “nhận ra thông điệp” và “từ đó, tôi dùng tỉnh thức thông thường mà trao lại trải nghiệm, thông điệp ấy cho nhân loại.” Đạo sư Duy Tuệ đã viết bài BA THÔNG ĐIỆP TỪ TỈNH THỨC SÂU THẲM. Các Hiển giả Minh Triết chỉ cần đọc vài bài viết của Thiền sư Thích Thanh Từ trong tập “Hoa Vô ưu” thì mới thấy tôi nghiệp cho cái “tỉnh thức sâu thẳm” của đạo sư Duy Tuệ. Chỉ là “Ếch ngồi đáy giếng” thôi!- Các Hiền giả Minh Triết có nhận thấy đạo sư Duy Tuệ cao ngạo khi viết trong bài “Điều Để Lại Duy Nhất Khi Bỏ Xác Thân” :   “Trong thân tứ đại của thầy, ánh sáng đã hòa sẵn các nơi rồi. Mặc dù thân tứ đại của thầy đang làm việc nhưng nơi thầy có năng lực tỏa ánh sáng ấy vào trong hư không, vào hữu hình và cả vô hình.” Các Hiền giả Minh Triết có thấy buồn cười không khi đạo sư viết thêm: “Thầy cũng nhận biết được trong lời nói của thầy có một sức mạnh. Từ ngày đó, âm thanh của thầy cũng thay đổi hết. Sau này có vài bác sĩ khám họng cho thầy phát hiện ra rằng cái lưỡi của thầy rất to, nó to hơn cái lưỡi của người bình thường nhiều lắm. Có lẽ do ông trời đúc sẵn thế nào mà mình không hiểu được.” ?- Tôi thấy sợ cho cái “không sợ” , cho cái “Lực bất khả tư nghì” trong bài “Lực Bất Khả Tư Nghì Của Doanh Nhân Minh Triết” mà đạo sư Duy Tuệ viết: Đạo sự khuyên chúng ta cứ mượn nợ nhiều để xài nhiều như Mỹ, nếu không trả được nợ thì đời con trả nợ, đời cháu trả nợ… Sợ gì! Hình như bọn vô lại xưa nay đều có Lực bất khả tư nghì này rồi.   Các Hiền giả Minh Triết hãy tạm dừng tiếp xúc, đọc, nghe các bài viết, nói của đạo sư Duy Tuệ - mà hãy tinh minh quán xét để biết “DUY TUỆ LÀ AI?”. Không nên để bị cuốn hút có thể dẫn đến phá hoại thuần phong mỹ tục, đạo đức của dân tộc, gây mất đoàn kết, “rước voi về dày mã tổ”.   Một người thầy sai lầm có thể làm hại một đời của học trò, một cuốn sách xấu có thể làm hại cả một thế hệ!     Cụ đồ Chiểu – nhà yêu nước – tác giả của “Lục Vân Tiên” có viết: “Chở bao nhiêu đạo - thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian - bút chẳng tà”. Nguyenho
Nguyenho ( 08/03/2012 10:51:16)
NÓI VỚI CÁC HIỀN GIẢ MINH TRIẾTNhận xét về bài viết “Cẩm nang THIỀN MINH TRIẾT” của Đạo sư Duy Tuệ.“Vấn đề chính là ở cái đầu. Để giải quyết tất cả các bài toán biến hoá của cuộc đời, chúng ta phải tập trung giải quyết chuyện của cái đầu, rồi thì cũng sẽ chẳng cần giải quyết bài toán nào nữa cả! Để giải quyết rắc rối của cái đầu, trong hơn mười năm qua, tôi đã chia sẻ cho rất nhiều vị nhiều phương pháp khác nhau và hầu hết đều đem lại kết quả tốt đẹp cho đời sống tinh thần và vật chất của họ. Tinh thần ổn định hơn, đời sống vật chất phát triển êm dịu hơn và ứng xử thành công hơn trước khi thực tập. Tôi tạm dùng ba chữ Thiền Minh Triết để chỉ cho các phương pháp ổn định cái đầu”.Nhận xét (NX):Cách dùng từ “cái đầu” thật là mới, lúc đầu đối với những người đã đọc qua sách triết và kinh sách các đạo phái thì thấy hơi “thô thiển”nhưng xét ngẫm lại thì thấy mộc mạc, bình dân và dễ hiểu cho nhiều người. Đạo sư Duy Tuệ dùng “Thiền Minh Triết”cho phương pháp “ổn định cái đầu”thì cũng được thôi. “Dĩ văn tải đạo”   mà! Nhưng như vậy thì giống như hàng Chợ Lớn – chuyên môn nhái hàng thật. Thiền Minh Triết của Đạo sư Duy Tuệ là bước cơ bản đầu tiên của hai pháp thiền trong nhiều pháp thiền của Phật giáo – đó là “Thiền định   (samatha), và 'Thiền Minh Sát' (Vipassana). Các Hiền giả Minh Triết tham khảo bài viết “Thiền là gì ?” của Venerable Ajahn Sumedho do Mỹ Thanh dịch thì rõ.Đạo sư Duy Tuệ: “Tôi tự cho rằng mình cũng không nằm ngoài những hiện tượng của các bậc tiền bối xưa nay từng trải qua, đó là hiện tượng tình cờ được vào trạng thái bừng sáng bên trong để hiểu rõ chính cái đầu của mình.”.NX: Đạo sư Duy Tuệ thật may mắn. Không biết Đạo sư nói có thật không vì không ai kiểm chứng được. Hiện tượng may mắn của Đạo sư tôi có thể có viết ra được và gán cho mình là đã đạt được trạng thái đó.Các Hiền giả Minh Triết đọc “Hám Sơn Đại sư tự truyện” do thầy Thích Hồng Đạt dịch hoặc cuốn sách “Đường mây trong cõi mộng”của thầy Thích Hằng Đạt & Nguyên Phong phóng tác thì rõ. Từ lúc ngộ đạo, đi vào thiền định và cả cuộc đời Đại sư Hám Sơn … để các Hiền giả Minh Triết biết được cái “thấy, biết” qua các lần “Trải nghiệm” của Đạo sư Duy Tuệ đang ở mức độ nào?“Những bài Thiền căn bản” của Đạo sư Duy Tuệ.1. Thiền ngồi: Đối tượng quan sát trong thiền ngồi: Dùng hơi thở là dễ và hiệu quả nhất! Sau khi chuẩn bị xong thì bắt đầu khép mắt lại (hoặc mở một phần tư). Hướng cái nhìn về đầu mũi và đưa sự chú ý vào hơi thở đang đi vào, ra. Hơi thở đi vào thì biết rõ đang đi vào, hơi thở đi ra thì biết rõ đang đi ra. Nếu thiếu sự biết này thì không được coi là thiền….NX: Đạo sư viết rất hay, ngắn gọn. dễ hiểu, dễ thực hành. Các Hiền giả Minh Triết muốn biết nguồn gốc của pháp hành thiến này và muốn phát triển hơn nữa thì có thể đọc “ Kinh QUÁN NIỆM HƠI THỞ “ do Thiền sư Nhất Hạnh dịch và chú giải. Nếu các Hiền giả Minh Triết muốn đọc bài viết rất hay về pháp Thiền này của một Thiền sư người Anh , đó là Thiền sư Ajahn Brahmavamso, xin đọc bài viết “Căn bản pháp hành thiền”.Các cách thiền khác của đạo sư Duy Tuệ:1.Thiền quan sát ý nghĩ:2.Thiền trong lúc làm việc:3.Thiền trong lúc đi bộ, thể thao hay khi đang dạo chơi:4.Thiền trong lúc đang nói chuyện công cộng:NX: Đạo sư Duy Tuệ viết rất hay, áp dụng trong thực tế tốt. Các Hiền giả Minh Triết có thể tham khảo “ Kinh Tứ Niệm Xứ” do Thiền sư Nhất Hạnh dịch để biết nguồn gốc của pháp hành thiền này và có thể rèn luyện để MINH TRIẾT hơn nữa. Còn các Hiền giả Minh Triết muốn áp dụng Thiến Tứ Niệm Xứ mọi lúc, mọi nơi thì có thể đọc thêm “Sống Thiền -   Ðạo Lý Tỉnh Giác Trong Ðời Sống Thường Ngày” của Bs Thynn Thynn do ông Từ Thám dịch.Tôi chưa phải là Phật tử, tôi còn đầy THAM – SÂN – SI nhưng tôi viết thực lòng. Tôi thành thật xin lỗi nếu những gì tôi viết có thể làm các thầy, anh, chị, bạn, các em không thích.NGUYENHO
nguyenho ( 07/02/2012 10:00:37)
Con người khổ vì chấp ngã. Học Phật pháp để phá ngã chấp, nhưng nhiều thầy càng xây chùa to, cái ngã càng to ra, ngã sở càng lớn lên vì chùa tôi to đẹp, tôi có nhiều đệ tử... công đức. Trong khi việc quan trọng và trách nhiệm được giao phó là giảng dạy giáo lý giúp đời thì chưa làm được... Như vậy là chính hay không chính?
"MAI VĂN NHƯ" YOGA ( 12/01/2012 05:41:25)
Dù chưa có cơ hội để đọc hết cuốn sách của đạo sư Minh Tuệ,chưa hiểu được hết ý nghĩa cũng như những điều hay mà cuốn sách đem lại. Nhưng đọc qua những trang ông viết về Phật giáo,tôi thật sự đau lòng. Có lẽ ông đã nói 'quá' về đạo Phật,có thể ngày nay có 1 số ít tăng ni,phật tử không làm đúng theo lời Đức Phật dạy,nhưng không vì thế mà có những lời xúc phạm đến Phật giáo. Là 1 phật tử trẻ,tôi mong muốn mọi người hãy cùng làm việc gì đó vì đạo pháp của chúng ta. Vì giáo lí của đức Phật là chánh pháp,giúp chúng sanh thoát khỏi đau khổ luân hồi.A Di Đà Phật.
Vo nguyet ( 12/01/2012 00:23:52)
ĐỊNH KIẾNTôi đã đọc vài cuốn sách của TG Duy Tuệ, nghe vài bài nói chuyện và tham khảo trên website Duytue.org..., hãy khoan nói về câu chữ, con người và xuất thân, vì Phật dạy Y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ. Dưới đây tôi xin tóm lược nội dung hàm chứa trong những gì tác giả Duy tuệ chia sẻ. Về Đạo gì hay lợi ích thế nào, cái gì là chính, cái nào là tà, quý vị hãy kiểm chứng thêm:1. Về phương pháp: Trong cuốn Thiền Minh Triết Khai mở yêu thương tỏ tường cuộc sống có đưa ra phương pháp thiền cơ bản cho các tư thế thiền ngồi, đi, làm việc, nói chuyện... Nhìn chung không có gì mới lạ hay khác biệt với Thiền Đại thừa hay Tứ Niệm xứ (vì có sự kết hợp). Tác giả hướng dẫn, ban đầu đến hơi thở, thở ra biết thở ra, thở vào biết thở vào, rồi tỉnh thức để nhận biết các dòng suy nghĩ đến, đi... Với thiền đi hay khi nói chuyện cũng vậy, luôn tỉnh thức và quay về với sự nhận biết khi có ý nghĩ nào xuất hiện...Tác giả khuyến khích học giả đọc nhiều và nghe nhiều lần, thường xuyên những bài giảng để có trợ duyên, đạt trạng thái tĩnh lặng sâu và chờ sự "bùng nổ". Tôi chưa biết là bùng nổ gì và như thế nào?!Một phương pháp thiền nữa, tác giả cho là rất quan trọng, đó là việc thể hiện tình yêu thương mọi người xung quanh mình. Điều này áp dụng với mọi người, phân phân biệt tuổi tác, học vấn, làm gì... (điều này không mới, không khác...)Luôn sống tỉnh thức, bỏ hết đi những kiến thức, so sánh đối đãi, để có cái đầu tự do, sống chân thực với sự tự do đó. Mọi thứ tốt đẹp sẽ đến với bạn: may mắn, thành đạt, hạnh phúc...Mọi người nên thể hiện và vận dụng tài năng của mình vào công việc, cuộc sống. Đam mê với công việc mình ưa thích...2. Về quan điểm: tác giả muốn mọi người, nhất là lớp trẻ Việt Nam có những khát khao, ước muốn để vươn vì dân tộc Việt nam, vì "linh hồn" Việt Nam. Đó là sự kết nối và sức mạnh của người Việt nam, kết nối và tiếp bước vì sự hy sinh của bao lớp người dân Việt cho sự tồn tại của dân tộc từ xưa tới nay.Mỗi người thể hiện sự đoàn kết bằng cách yêu thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, để cùng nhau phát triển, giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam. Tác giả cho rằng, chẳng có đạo nào giúp bảo vệ dân tộc mình cả. Mỗi người hãy biết điều đó và tự ý thức bảo vệ dân tộc mình. Là người dân Việt nam thì cần sống với linh hồn sông núi, con người Việt nam. Không thể áp đặt giáo lý, nguyên tắc của nước khác vào một cách mù quáng để bị thuần hoá theo tư tưởng ngoại lai...mà chỉ nên hợp tác! Cũng không nhất thiết phải tụng kinh, trì trú, niệm Phật ...nếu thấy cuộc sống vẫn khổ sở, phiền não. Cất hết những ý kiến riêng trong tủ và sống với cái đầu tự do...Tôi đã gặp một số người theo Phương pháp Duy Tuệ, họ cho biết cuộc sống của họ tốt đẹp lên rất nhiều. Có vị trước đây đã xuất gia mấy lần rồi nhưng không trụ được, cuộc sống luôn đầy phiền não, luôn phải uống thuốc an thần, nhưng từ khi tập theo PP Duy Tuệ, vị đó hoàn toàn thay đổi. Nay sống rất vui tươi, an lạc. Hay một anh chủ doanh nghiệp khác cũng vậy, trước đây bị trầm cảm nặng, nay đã ổn định tinh thần trở lại. Tôi là người ngoài cuộc, tình cờ được biết đến họ, và nhìn nhận khách quan, những người theo học phương pháp này rất yêu thương nhau, quý trọng nhau và cư xử với nhau rất tốt.Điều giúp mọi người biết yêu thương nhau, biết ơn đất nước, dân tộc, biết sống tỉnh thức là tốt hay xấu?Tôi thấy nhiều nơi bây giờ đua nhau xây chùa to chùa nhỏ, nhưng rất nhiều nơi trong đó không thực hành đúng với ý nghĩa để đem lại lợi ích cho cộng đồng. Con người khổ vì chấp ngã. Học Phật pháp để phá ngã chấp, nhưng nhiều thầy càng xây chùa to, cái ngã càng to ra, ngã sở càng lơn lên vì chùa tôi to đẹp, tôi có nhiều đệ tử...công đức. Trong khi việc quan trọng và trách nhiệm được giao phó là giảng dạy giáo lý giúp đời thì chưa làm được... Như vậy là chính hay không chính?
Việt Hà ( 08/01/2012 16:58:51)
Nếu chỉ đọc cẩm nang thiền minh triết, thì không thấy nhiều điều trái với đạo Phật cả. Ban đầu tôi cũng tình cờ biết được thiền minh triết và thấy nó thích hợp với những người không phải phật tử như tôi. Nhưng về sau, càng nghe pháp âm, tôi càng thấy không thể chấp nhận được trường phái này. Nói chung, trong mỗi bài, đạo sư Duy tuệ đều lồng vào tư tưởng xuyên tạc đạo phật và cho rằng tư tưởng của mình là số 1.Trong bài pháp âm: 'Khai mở trí chủ" có đoạn ông nói: So với tư tưởng to lớn của phái thiền minh triết, thì những kiến thức về tâm linh của thế giới từ trước tới nay chỉ đáng là cọng rác, đáng cho vào sọt rác.Tôi không phải là một người Phật tử, nhưng tôi cũng hay đọc các tác phẩm về đạo Phật. Tôi thấy đạo sư Duy Tuệ đã xúc phạm đến đạo Phật và đến người dân Việt. Chứ không phải là hành động vì dân tộc như ông nói.
nguyen van dat ( 07/01/2012 19:38:04)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp