Biểu tượng thật sự cho Lễ Giáng Sinh ở Mỹ là mùa thu hoạch lợi tức của giới thương gia (businessmen’s harverst), là kỳ nghỉ dài ngày để những người đi làm xa về thăm gia đình hoặc để vui chơi trong các cuộc truy hoan say sưa túy lúy. Là ngày đau thương nhất cho hàng chục triệu con gà tây bị giết và hàng ngàn tai nạn lưu thông với nhiều xác người trên xa lộ...
Trải qua 20 thế kỷ, tất cả những gì chúng ta biết về con người Jesus – được mệnh danh là Chúa Cứu Thế hoặc Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người – đều do 4 cuốn sách mỏng được viết bằng tiếng Hy Lạp trong thế kỷ I gọi là Phúc Âm (Gospels = Tin Mừng). Nhưng trong số 4 cuốn sách đó thì chỉ có hai cuốn của Matthew và của Luke viết về sự ra đời của Jesus mà thôi. Sách của Matthew được viết vào đầu thập niên 80, sách của Luke được viết sau đó khoảng 10 năm. Như vậy, cả hai sách Phúc Âm viết về sinh nhật của Jesus đều đã được viết ra sau khi Jesus đã sinh ra 80 – 90 năm.
Điều đó cho thấy các sự kiện liên quan đến sự ra đời của Jesus đều đã do các tác giả Phúc âm bịa đặt hoặc chỉ ghi lại theo các lời tuyền khẩu vô căn cứ mà thôi. Điều đáng chú ý là cả hai sách Phúc âm này đã đưa ra những chi tiết về năm sinh, nơi sinh của Jesus và các sự kiện liên hệ mâu thuẫn nhau, nhưng người ta đã tổng hợp tất cả các mâu thuẫn đó để tạo nên huyền thoại Giáng Sinh như ta thấy hiện nay.
Hàng năm, trong phần lớn các nước Âu Mỹ, người ta kỷ niệm "Mùa Giáng Sinh" trong 40 ngày, kéo dài từ 20 ngày trước đến 20 ngày sau 25 tháng 12. Họ thường bày cây thông trong nhà, làm giả hang đá Bethlehem bằng giấy bồi và đặt ở trong đó bộ tượng Sinh Nhật gồm có máng cỏ với Chúa Hài Đồng, bà Maria và ông Joseph chắp tay quì lạy đứa con mới sinh của mình. Sát cạnh hang đá có vài con bò và lừa đang hà hơi sưởi ấm cho Chúa. Ngoài cửa hang đá lấp ló 3 ông vua phương Đông đến thờ lạy Ngài. Trên không trung lúc ấy có nhiều thiên thần ca hát: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm"...
Đó là đại cương về những hoạt cảnh thường thấy trong dịp lễ Giáng Sinh của Chúa Ki-tô (Christmas). Chúa theo niềm tin của người Công giáo chính là vị Thượng đế đã tạo dựng vũ trụ, nhưng vì quá thương loài người nên Ngài đã hạ mình xuống thế mặc xác phàm để chịu chết chuộc tội thiên hạ. Có thể coi những điều này là bản tóm tắt về "Niềm tin Ki-tô" (Christian faith).
Vào đầu thế kỷ 20, thi sĩ Anh giáo Sir John Betjeman đã làm bài thơ "Christmas", trong đó có những câu nói lên nỗi thắc mắc của ông đối với niềm tin truyền thống này:
And is it true? And is it true?
This most tremendous tale of all
Seen in a stained – glass window’s hue
A baby in an ox’s stall
The Maker of stars anh sea
Become a child on earth for me?
(The Oxford Book of prayer)
Xin tạm dịch:
Có thật không? Có thật không?
Đây là chuyện đáng sợ vô cùng
Tôi thấy hình trên kính cửa nhà chung.
Một chú bé trong chuồng bò máng cỏ
Là người sinh ra sao trên trời và biển cả mênh mông
Chú nhóc cũng chuộc tội tổ tông cho tôi hả?
Các tín đồ Ki-tô giáo trong đế quốc La mã bắt đầu làm lễ kỷ niệm Sinh Nhật của Chúa từ năm 336 do lệnh của hoàng đế Constantine. Hoàng đế đã thống nhất các giáo phái Ki-tô thời đó để lập ra đạo Công giaó nhưng chính hoàng đế không tin đạo. Bản thân hoàng đế là giáo chủ của Đa Thần Giáo La mã (Roman Paganism). Ông ấn định ngày lễ Noel là 25 tháng 12 vì ngày này là ngày mừng Sinh nhật Thần Mặt Trời Vạn Thắng của Đa Thần Giáo La mã.
Ngày nay, các tín đồ Ki-tô (Công giáo, Tin Lành, Chính thống giáo) kỷ niệm sinh nhật của Chúa Jesus thực chất là kỷ niệm sinh nhật thần Mặt Trời Vạn Thắng của Đa Thần Giáo La mã (The Explorer’s Guide to Chiristianity – by Marcus Braybrooke – London 1998 - p. 36).
Qua hơn một ngàn năm sống dưới ách thống trị của đế quốc La mã và đế quốc Vatican, hầu hết dân chúng các nước Âu châu đã mặc nhiên chấp nhận những ngày lễ của Ki-tô Giáo như những tục lệ xã hội. Từ đầu thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20, Âu châu bành trướng thế lực ra khắp thế giới qua chủ nghĩa thực dân đế quốc. Ảnh hưởng văn hóa của họ cũng nhờ đó đã chiếm được một địa vị trên thế giới. Dù tin hay không tin Jesus, hiện nay hầu hết các dân tộc trên thế giới đều xử dụng Dương lịch được san định bởi tu sĩ Công giaó Dionysius Exiguus vào thế kỷ 6. Năm sinh của Jesus là cái mốc của Dương lịch. Năm 2000 đã được cả thế giới tưng bừng đón chào như buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba. Tất nhiên đó chỉ là một điều qui ước. Nói đúng hơn thì đó chỉ là một hành vi bá quyền văn hóa của Tây phương (a function of Western cultural hegemony).
Nhân dịp lễ Noel năm nay, chúng ta thử đem ra bàn luận một số vấn đề liên quan đến thân thế của Jesus. Vấn đề ngôi sao lạ xuất hiện trong đêm Noel đầu tiên có thật không? Đa số dân Mỹ hiện nay nghĩ gì về Noel? Những biểu tượng về lễ Noel từ xưa đến nay đã biến chuyển như thế nào?
Về thân thế của Jusus, hai vấn đền được nêu lên là Jesus đã thật sự sinh ra năm nào và tại đâu.
Theo phúc âm của Matthew thì Jesus sinh ra hai năm trước khi vua Herod qua đời (Matt 2:15). Sử sách Do Thái ghi nhận vua Herod băng hà năm 4 TCN. Như vậy, Jesus đã sinh ra năm 6 trước Công Nguyên. Trái lại, Phúc âm của Luke viết: Jusus đã sinh vào năm có cuộc điều tra dân số và đúng vào thời Qurinius làm quan toàn quyền ở xứ Syria (Luke 2:2). Sử gia Do Thái sống trong thế kỷ I là Josephus đã ghi nhận hai sự kiện nêu trên xảy ra năm thứ 7 sau Công Nguyên. Hai sách Phúc âm đưa ra hai năm sinh khác nhau của Chúa cách nhau 13 năm. Vì thế ngày nay chúng ta không thể nào quyết đoán được năm sinh thật của Ngài. Do đó, năm 2001 không có nghĩa là năm Jesus 2001 tuổi!
Vấn đề thứ hai về thân thế là Jesus đã sinh ra tại đâu? Matthew viết: Chúa đã được sinh ra trong nhà (in the house). Ngôi sao lạ đã dẫn đường cho ba vua phương Đông đến thờ lạy Ngài tại căn nhà này ở Nazareth.
Phúc âm của Luke viết: Chúa sinh ra trong máng cỏ nuôi súc vật (manger) ở hang núi Bethlehem. Từ Nazareth đến Bethlehem cách nhau 90 dặm (tương đương 135 km). Luke không nói gì tới ngôi sao lạ và ba vua phương Đông!
Hiện tượng Ngôi Sao lạ đêm Noel được khoa học giải thích như thế nào?
Năm 1606, nhà thiên văn học trứ danh Johannes Kepler đã trình bày hiện tượng 3 hành tinh gồm Sao Thổ (Saturn) Sao Mộc (Jupiter) và Sao Hỏa (Mars) nằm trên một đường thẳng với trái đất. Hiện tượng này bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 12 năm 7 trước Công Nguyên. Chu kỳ của hiện tượng thiên văn này (The threefold conjunction of planets) là một lần trong 805 năm. Vì cả 3 hành tinh nằm trên một đường thẳng với trái đất nên từ trái đất nhìn lên bầu trời ta có cảm tưởng cả ba sao là một. Do ánh sáng tỏa chiếu khiến sự tụ hội của ba vì sao đã tạo thành một khối sáng lớn lạ thường trên bầu trời. Lịch sử Ba Tư ghi nhận: Sự kiện "sao lạ" này đã khiến cho dân chúng khắp nơi xôn xao lo sợ vì họ cho đó là dấu hiệu của ngày tận thế.
Matthew thấy chuyện "Sao lạ" hấp dẫn nên đem vào Phúc âm để biến sự ra đời tầm thường của Jesus thành sự giáng sinh của một vị "thần thánh siêu phàm". Cũng nhờ cái tài phịa chuyện của Matthew nên ngày nay người ta thường làm đèn ngôi sao nơi hang đá Noel hoặc giăng đủ thứ đèn màu ở quanh nhà trong mùa Giáng Sinh (Christmas season).
Đa số người Mỹ hiện nay nghĩ gì về sự ra đời của Jesus?
Có lẽ phần đông chúng ta nghĩ rằng dân Mỹ là những người có tinh thần thực dụng nhất thế giới, nhưng trong thực tế thì đa số dân Mỹ hiện nay vẫn còn tin vào Phúc âm (Thánh kinh Tân ước). Đối với các tín đồ Phật Giáo thì sự đản sinh của Đức Phật chỉ đơn thuần có nghĩa là sự ra đời của Đức Thích Ca mà thôi. Trái lại, đối với tín đồ Ki-tô giáo – kể cả Công giáo lẫn Chính thống và Tin Lành – thì sự ra đời của Chúa Jesus chỉ là bước đầu trong chương trình thiêng liêng của Thiên Chúa. Bước thứ hai là sự tái lâm (sinh ra lại) của Chúa Jesus trong ngày tận thế, rồi sau đó Nước Chúa sẽ "trị đến" trên toàn địa cầu cho đến muôn đời.
Để trình bày vấn đề này, tôi xin mượn ý và tài liệu trong bài viết nhan đề "Sự Giao Ước trong lễ Giáng Sinh" (The Christmas Covenant) đăng trên tạp chí US News & World Report, December 19-1994 pages 62-71). Ý niệm về "Sự Giao Ước" giữa Thiên Chúa và loài người là một ý niệm đặc biệt của Do Thái giáo và Ki-tô giáo.
Khoảng năm 1250 TCN, Moises lập đạo Do Thái đã đặt đạo này trên căn bản một giao ước giữa dân tộc và Thiên Chúa: "Dân tộc Do Thái chỉ tôn thờ một Thiên Chúa là Jehovah. Ngược lại Jehovah sẽ chọn Do Thái làm dân riêng của Ngài". Khi Ki-tô giáo được hình thành vào thế kỷ I, những người sáng lập đã đưa ra một giao ước bịa đặt mới giữa toàn thể loài người và Thiên Chúa: "Chúa Jesus là con một của Thiên Chúa xuống thế làm người và chịu chết chuộc tội thiên hạ. Ai tin Ngài sẽ được cứu rỗi, ai không tin sẽ bị sa hỏa ngục đời đời".
Người Ki-tô giáo gọi sự giao ước của đạo Do Thái là Cựu Ước (Old Covenant/ Old Testament) và gọi giao ước mới của đạo Ki-tô là Tân Ước (New Covenant/ New Testament).
Người Mỹ da trắng đều có nguồn gốc Âu châu, có lẽ vì vậy đa số dân Mỹ đã bị ảnh hưởng văn hóa Ki-tô giáo từ lâu đời. Theo báo US News anh World Report thì hiện nay có tới 61% dân Mỹ tin rằng: Sự giáng sinh của Chúa Ki-tô gắn liền với lời tiên tri huyền nhiệm, đó là sự phục lâm của Chúa Ki-tô. Đây chính là biến cố của ngày tận thế và mở đầu cho Nước Chúa trên trái đất này. (61% of Americans believe that Jesus Christ will return to earth... The comforting images of the Christmas season are linked to another more mysterious prophecy: that of the apocalyptic Second Coming of Christ, a cataclysmic event that will end history and inaugurate a divine kingdom on Earth – page 62).
Vào năm 1000, toàn thế giới Ki-tô giáo sống trong hồi hộp lo sợ vì đa số tín đồ tin rằng ngày Phục lâm của Chúa Ki-tô đã đến. Sử gia Henri Focillon viết rằng: hầu như mọi sinh hoạt ở Âu châu bị ngưng lại vào cuối năm 999 vì mọi người nghĩ rằng mình đang sống trong "buổi chiều của thế giới" (an evening of the World). Điều đáng ghi nhận là ngày 1-1-1000 toàn thể dân chúng trên đảo Ieeland vì sợ ngày tận thế đã kéo nhau xin rửa tội theo đạo hết.
Trong những năm cuối thế kỷ 20, rất nhiều giáo phái Ki-tô lại ồn ào tuyên truyền về ngày tận thế vì ngày tận thế gắn liền với sự phục lâm của Jesus và niềm hy vọng về "Nước Chúa trị đến".
Giáo phái cuồng tín nhất là The Seventh – Day Adventists (Giáo phái Cơ Đốc Phục lâm). Những vụ tự sát tập thể ở Waco Texas, Hoa Kỳ của nhóm Branch Davidians năm 1993, nhóm Solar Temple ở Thụy Sĩ và Canada năm 1994 và nhóm Heaven Gate ở San Diego California, Hoa Kỳ... đều có liên quan đến giáo phái Cơ Đốc Phục lâm nói trên.
Rất nhiều giáo sĩ thuộc các giáo phái Ki-tô viết sách, viết báo hoặc rao giảng tại nhà thờ để tiên đoán về ngày tận thế. Tất cả đều đã bị thất bại ê chề nhục nhã vì ngày tận thế mà họ ồn ào rao giảng và quả quyết đã không xảy ra. Tuy vậy, giáo lý về sự Phục lâm của Chúa Ki-tô vẫn là một niềm tin quan trọng trong đạo Công giaó cũng như trong các giáo phái Tin Lành.
Trong tác phẩm Deceptions and Myths of the Bible (p. 423), Sử gia Mỹ Lloyd M. Graham đã phải than rằng: "Trải qua 2000 năm, người Tây phương vẫn chưa có đủ sự hiểu biết thực tế để nhận ra niềm tin của mình là sai trái"(For two thousand years, Western man has not sufficient knowledge of reality to know that it is false).
Đó cũng là một điều lạ nhưng có thực đối với một quốc gia được gọi là văn minh.
Ngay cả sau ngày New York và Ngũ Giác Đài bị khủng bố, bà H. Clinton, vợ của cựu tổng thống Bill Clinton hát bài God Bless America (Chúa ban phúc lành cho nước Mỹ). Chúa ban phúc lành cách sao mà Chúa không cứu được, để hai tòa lâu đài và lầu Năm Góc bị khủng bố làm sập và nhiều ngàn người vô tội chết.
Những biểu tượng của ngày lễ Giáng sinh đã biến chuyển như thế nào?
Mặc dầu hiện nay sống trong thời đại văn minh nhưng vẫn còn tới 61% dân Mỹ có niềm tin Ki-tô (*) . Báo West Coast Times, California. 24-5-1996, ký giả Paul Recer tường thuật, "cuộc thăm dò căn bản về khoa học, cho thấy rằng 75% dân Hoa Kỳ dốt nát về khoa học và tài chánh, không quá 50% lớp tuổi trưởng thành biết rằng quả đất quay quanh mặt trời hằng năm" (75% get dunce caps in US, quizzoes on science, finance, by Paul Recer, Washington. Less than half of American adults understand that the earth or bits the sun yearly, according to a basic science survey).
Vào thời kỳ nước Mỹ lập quốc cách đây trên 200 năm, chắc chắn số dân Mỹ có niềm tin Ki-tô còn cao hơn nhiều. Nhưng không phải vì thế mà nước Mỹ lọt vào tay các nhà lãnh đạo cuồng tín. Từ vị tổng thống tiên khởi là Washington đến nay, hầu hết các vị lãnh đạo tối cao của nước Mỹ đều là hội viên bí mật của Hội Tam Điểm (Free Masonry). Chủ trương của hội này là Chủ nghĩa Nhân Đạo Thế Tục (Human Secularism) hoặc còn gọi là chủ nghĩa Nhân Đạo Tự Do (Liberal Humanism). Những người lãnh đạo Hoa Kỳ thấm nhuần tư tưởng của các triết gia thuộc Phong Trào khai sáng (Enlightenment) thế kỷ 18 ở Âu Châu và kinh nghiệm đau thương về các cuộc chiến tranh tôn giáo trên thế giới nên đã áp dụng chính sách tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị. Điều này được ghi rõ trong Tu Chính Án 1 và 14. Chính quyền Mỹ không cấm đạo, nhưng họ khôn khéo giáo dục và chuyển hóa tâm lý quần chúng bằng nhiều phương cách hòa bình. Ngày nay, thay vì đi nhà thờ mừng lễ Phục Sinh (Easter), người ta chỉ cần bày trước cửa nhà mấy trái trứng nhuộm đủ màu. Thay vì nộp tiền cho Cha cố để xin lễ cầu hồn trong dịp Lễ Các Thánh và Lễ Các Linh Hồn (31/10 và 1/11), người ta chỉ cần trưng bày vài trái bí đỏ (pumpskin) hay treo vài cái màng nhện, vài bộ xương người giả trước cửa nhà cho vui.
Ở các nước Công giáo nghèo và lạc hậu, biểu tượng của ngày lễ Noel thường là đèn ngôi sao và hang đá Noel làm bằng giấy bồi có bộ tượng Noel.
Ở nước Mỹ này chúng ta không thấy đèn ngôi sao và hang đá Noel làm bằng giấy bồi với những bộ tượng sinh nhật trong dịp lễ Noel. Đi đâu chúng ta cũng chỉ thấy những cây thông thật và giả, những con nai giả kéo xe trượt tuyết và những ông già Noel bụng phệ... Tất cả những thứ này chẳng có liên hệ gì đến Jesus. Cũng như ở các nhà thờ Mỹ chúng ta không thấy hang núi đá Lộ Đức vì hang đá này là biểu tượng cho hai tín điều Công giáo: "Tín Điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội" và "Tín Điều Giáo Hoàng không thể sai lầm"! Nhưng hai tín điều này chỉ còn là niềm tin mà thôi. Còn thực tế thì đã có quá sai lạc, tôi sẽ trình bày trong một dịp khác.
Biểu tượng thật sự cho Lễ Giáng Sinh ở Mỹ là mùa thu hoạch lợi tức của giới thương gia (businessmen’s harverst), là kỳ nghỉ dài ngày để những người đi làm xa về thăm gia đình hoặc để vui chơi trong các cuộc truy hoan say sưa túy lúy.
Nói rõ hơn Noel hay lễ Giáng sinh chỉ là một ngày lễ truyền thống và mùa Tết được nghỉ nhiều ngày, hơn là mang ý nghĩa tôn giáo.
Tại nhiều quốc gia khác cũng thế, ngay cả Nhật Bản nơi chỉ có 1% Tin Lành, Công giáo không đáng kể, số còn lại là Phật giáo nhưng họ cũng tổ chức mùa Noel rầm rộ để bán hàng.
Còn tại Việt Nam, thanh niên nam nữ cũng có dịp đổ ra đường trước đêm Noel để vui chơi, và trong các vùng có nhiều tín đồ Công giáo thì đó là ngày đau khổ nhất cho loài chó, vì bị giết để ăn tiệc (reveillon).
Một điều không ai muốn nhưng vẫn luôn luôn xảy ra là trong dịp lễ tạ ơn (Thanksgiving) của Mỹ là ngày đau thương nhất cho hàng chục triệu con gà tây bị giết và dịp lễ Giáng sinh là hàng ngàn tai nạn lưu thông với nhiều xác người trên xa lộ. Phải chăng đó là một biểu tượng thực tế của mùa Giáng sinh tại đất nước văn minh số một của thế giới?
__________________________________
(*) Tại Anh Quốc, cuộc thăm dò (năm 2000) của tiến sĩ Peter Brieley về tín đồ Công giáo và Tin Lành hằng năm đi lễ nhà thờ (Church Attendance Survey) chỉ còn 7.5%. Ông tiên đoán khoảng 40 năm nữa con số này chỉ còn 0.5% nghĩa là Công giáo và Tin Lành không còn hiện hữu ở Anh Quốc.
Charlie Nguyễn
Nguồn link: http://yume.vn/hoadahuong_nhv/article/huyen-thoai-giang-sinh.35D6C185.html