Mãi đến nay, gần một tháng, từ khi có quyết định số 85/QĐ-BTS khai trừ ĐĐ Thích Giác Nghiên, trụ trì chùa Cao Linh (xã Bắc Sơn, huyện An Dương) gây xôn xao không ít trong cộng đồng Phật giáo Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung, về một văn bản sai nguyên tắc hành chánh, về một việc làm thiếu nghiêm túc của Ban Trị sự PGHP trong tổ chức, về cách hành xử không đúng giới luật nhà Phật và thiếu tình người của những chức sắc, của những bậc thầy đối với hàng đồ đệ đáng tuổi con cháu của các ngài. Phải chăng dùng quyền lực để áp chế tu sĩ mà một số BTS trong nước đã và đang hành xử?
Qua trao đổi với phóng viên Bảo vệ Pháp luật, TT.Thích Thanh Giác, Phó Ban trị sự THPGHP, sư phụ của ĐĐ Thích Giác Nghiên thừa nhận: “Những mâu thuẫn giữa ông và ông Nghiên là mâu thuẫn giữa Thầy với Trò, bố với con. Tuy ông có văn bản trình Thành hội, nhưng không ngờ Thành hội lại ra Quyết định tẩn xuất ông Nghiện lại quá nóng vội, chưa đúng quy trình như vậy...”.
Thế nhưng, cũng trong cuộc trao đổi trên, một đoạn khác, TT Thanh Giác lại bảo: Tôi cũng chỉ dẫn ông Nghiên về sám hối, nhận lỗi với Thành hội thì Thành hội sẽ không tẩn xuất. Nhưng, ông Nghiên chỉ có văn bản sám hối gửi tôi, nội dung rất chung chung... Vì vậy, tôi buộc phải có văn bản đề nghị khai trừ sư ông Nghiên ra khỏi Giáo hội.”.
Chùa Cao Linh do bàn tay ĐĐ Thích Giác Nghiên vận động phật tử đóng góp xây dựng
Văn bản đề nghị khai trừ thầy Giác Nghiên ra khỏi Giáo hội tức là đã có ý đồ tẩn xuất, chứ không phải là đe dọa, thì việc Thành hội ra văn bản khai trừ, sao TT Thanh Giác bảo là: “không ngờ”; khi báo chí vạch trần sự sai trái của văn bản 85/QĐ-BTS và việc làm vô trách nhiệm của TT Quảng Tùng thì TT Thanh Giác lại chữa cháy bằng cách đổ vạ là "nóng vội, chưa đúng quy trình”. Nếu một vị thầy có tinh thần giáo dục, có trách nhiệm và có lòng từ bi trước sự sai trái của đệ tử lòng non dạ trẻ thì không thể dùng quyền lực của Ban trị sự yêu cầu “khai trừ”, một từ mang tính chính trị - bạo lực của thế gian chứ không phải ngôn ngữ của người tu nhà Phật; và nếu thầy Thanh Giác biết nguyên tắc hành chánh “chưa đúng quy trình” thì thầy đã không hành xử với đệ tử như thế?
Trao đổi với PV về 6 “tội” của ĐĐ.Thích Giác Nghiên, TT.Thích Thanh Giác cho biết: "Đúng là tôi đã có đơn báo cáo thành hội về 6 “tội” của ông Nghiên. Tuy nhiên, tôi cũng không có băng ghi âm, ghi hình, hay chứng lý nào khác, chủ yếu là nghe một số người phản ánh như vậy. Các hành vi vi phạm trên của ông Nghiên chủ yếu là không nghe theo thầy nghiệp sư và báo cáo Thành hội". Một chức sắc trong BTS Thành hội, đã biết đồng nghiệp ra văn bản không đúng quy trình, mà lại làm trật quy trình khi kết tội đệ tử chỉ nghe nói lại mà không có chứng từ, hình ảnh, ghi âm như ông thú nhận với phóng viên?
Qua 6 tội vạch lá tìm sâu, không tội nào mang tính chất phạm giới hay phạm luật. Mở phòng phát hành là phạm giới? Mở khóa tu mùa hè giúp con em rèn luyện đạo đức là phạm giới? Lập Niệm Phật đường giúp Phật tử tiện việc tu tập là phạm luật? Độ người xuất gia là phạm luật? Chỉnh trang và xây dựng bổn tự là trái pháp luật? Xét cho cùng, tất cả chỉ chạm lòng tự ái của các bậc “cao xanh” vì trẻ dám chứng tỏ khả năng vượt trội đàn cha đàn chú. Có nghĩa là trong cơ chế quan liêu của BTS Hải Phòng và một số tỉnh thành phía Nam, không ai được vượt quyền nổi trội hơn các vị có thẩm quyền tại chức, thà để ngoại đạo tự tung tự tác không sao.
Ví dụ, tại một số xã vùng xa ở Bình Dương, không chùa thất nào được quy tụ quá 5 Phật tử đến lễ bái nếu Ban đại diện PG huyện ở đó không cho phép, vì họ sợ phân tán tín đồ trong một mặt bằng rộng lớn của vùng rừng cao su. Hay như Hòa thượng Thích Nhuận Thanh, Trưởng Ban trị sự PG tỉnh Bình Phước không cho phép bất cứ tu sĩ nào tự động sinh hoạt trong các vùng đa phần sắc tộc thiểu số, không một chùa thất nào được mọc lên, mặc dù mỗi lần lễ, tín đồ phải vượt gần trăm cây số để đến chùa. Trong khi đó, các vùng miền Đông cao nguyên, tín đồ Tin Lành ngày một phát triển một cách nhanh chóng.
Thêm một quan chức Phật giáo trong BTS Hài Phòng, ông Giác Hiền, Phó BTS kiêm chánh văn phòng THPG HP, mặc dù là huynh đệ đồng sư với thầy Giác Nghiên, cũng gây khó khăn vô nguyên tắc khi quyền lực đang nắm trong tay: "Hiện tại sư Nghiên mới có 2 hạ, 3 năm đi hạ từ 2007 – 2009 thì đến nay chúng tôi mới tập hợp danh sách việc đi học của ông Nghiên và các sư khác để báo cáo Thành phố cho phép, chúng tôi mới cấp Chứng điệp an cư. Nhưng với khuyết điểm của ông Nghiên như vậy, chúng tôi cũng không thể đưa vào danh sách đợt này, (nhưng theo thầy Giác Nghiên thì đã đủ 10 hạ kể cả thời gian du học ở Đài Loan). Việc cấp chứng điệp an cư đâu liên hệ gì đến việc thầy trò của họ tố khổ mà phải ngưng? Phải chăng đây là việc thừa gió bẻ măng của những tâm hồn hẹp hòi được lộng trong chiếc áo đạo đức tôn giáo?
Về vấn đề TT Quảng Tùng, Phó ban thường trực Ban trị sự THPGHP, trả lời với báo chí: “Căn cứ vào đơn đề nghị của thầy nghiệp sư Thích Thanh Giác, chúng tôi đã cho gọi ông Nghiên lên Thành hội để làm kiểm điểm, sám hối nhưng ông ấy không lên, cũng không gửi văn bản sám hối... thì chúng tôi buộc phải ra Quyết định tẩn xuất thôi. Còn về chứng lý, không cần phải kể 6 “tội” chỉ cần căn cứ vào việc độ giới người xuất gia trái phép là đã đủ “tội” để khai trừ rồi.".
Việc tổ chức khóa tu hè năm 2012 cho học sinh, sinh viên của ĐĐ Giác Nghiên đã khiến BTS PG Hải Phòng nổi giận trục xuất.
Chỉ đơn giản có lệnh “triệu tập” mà không đến thì ra lệnh tẩn xuất khỏi Giáo hội? Luật pháp thế gian cũng phải nhiều lần cảnh báo, ngoan cố mới xử phạt, nhưng chưa phải phạt khai trừ khỏi tổ chức chỉ vì không đến trình diện theo lệnh gọi! Phật giáo mà thiếu lòng từ bi hơn thế gian thì có xứng đáng là chức sắc đại diện cho Tăng Ni và cũng là một trụ cột của Giáo hội? Hầu hết các chức sắc Phật giáo có địa vị chức quyền, cứ nghĩ mình có quyền sanh sát trong tay, thường o ép Tăng Ni, bất kể giáo luật, nội quy, Hiến chương hay Pháp lệnh Tôn giáo, thậm chí còn lạm dụng hành chánh thế gian đòi quản chế tại gia đối với thầy Giác Nghiên?
Thế nào là độ người xuất gia trái phép mà TT Quảng Tùng không trưng dẫn điều khoản nào trong luật tạng hay trong nội quy Tăng sự? Vấn đề độ người xuất gia trái phép, nếu có, nó thuộc về giới luật của Đạo, thì sao xử dụng hành chánh để làm văn bản tẩn xuất? giúp người tu học mà khó đến thế sao? TT Quảng Tùng lẫn lộn giữa quy tắc hành chánh và luật Đạo nên mới tuyên bố ngớ ngẩn: "Còn về quy trình thì, chúng tôi đã 2 lần cho họp các thành viên trong hội nghị với số lượng còn đông hơn cả Hội đồng Yết Ma, mọi người đều nhất trí, cần gì phải thủ tục thành lập Hội đồng yết ma gì nữa...”.
Thế là ông ta chỉ căn cứ số đông theo kiểu bầu bán thế tục chứ không dùng luật Đạo tác pháp Yết Ma? Ối trời, một chức sắc PG cấp Tỉnh mà trình độ hành chánh và giáo luật như thế sao bảo không loạn; Tăng Ni chỉ sợ quyền lực, làm sao họ kính nể những thạch trụ Phật Pháp như thế! Những vị nầy, Giáo hội nên cho thọ giới Sa Di và học hết bốn cuốn luật trước khi thọ Tỳ kheo trở lại, mới hy vọng không làm hoen ố Đạo và tổ chức Phật giáo. Theo cung cách làm việc cũng như ngụy biện của thầy Quảng Tùng đúng là quan liêu cửa quyền chứ không phải là một chức sắc tôn giáo. Ngay cả ông Phó Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ Hải Phòng cũng bảo văn bản của Ban trị sự THPGHP là sai nguyên tắc, và chính quyền địa phương cũng không đồng thuận việc làm tắc trách quan liêu của BTS PG HP.
Khoản 3, điều 43, chương 8, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, ban hành theo Quyết định số 054/QĐ/HĐTS ngày 10-02-2009 của Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN, về việc bãi miễn trụ trì quy định: "Ban Trị sự Phật giáo cấp Tỉnh có quyền ra quyết định bãi miễn và thu hồi quyết định bổ nhiệm Trụ trì đối với cơ sở Tự, Viện khi vị trụ trì cơ sở đó vi phạm Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Pháp luật Nhà nước". Vậy thầy Giác Nghiên vi phạm Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước trong điều khoản nào để bãi nhiệm trụ trì?
Chuyện Phật giáo Hải Phòng không chỉ đơn thuần chùa Cao Linh mà chắc sẽ còn nhiều tu sĩ bị o ép như thế. Không riêng BTS PGHP mà còn nhiều BTS các tỉnh thành lạm quyền bắt chẹt Tăng Ni. Giáo hội Trung ương chắc chắn không hề biết và cũng không thể xử. Nếu Mặt trận là vệ tinh của đảng thông qua tôn giáo hướng dẫn quần chúng thực hiện chính sách, nếu Ban Tôn giáo là cơ quan chuyên sâu nắm vững tôn giáo đi đúng chính sách và tôn giáo cũng không nằm ngoài quỹ đạo thì những cơ quan chức năng như thế có bổn phận kết hợp với Trung ương Giáo hội để giúp các chức sắc Phật giáo quán triệt chính sách, pháp luật, giáo luật, pháp lệnh khi làm việc, để những chức sắc Phật giáo là người thầy chân tình, người bạn thân thiện đối với Tăng Ni, người thầy đáng kính của Phật tử, không là hung thần làm méo mó hình ảnh từ bi của nhà Phật.
Yêu cầu các cơ quan chức năng làm sáng tỏ những hành động bất minh của BTSPG HP, hầu giải oan cho những tu sĩ trẻ năng động làm lợi Đạo giúp đời như thầy Giác Nghiên hiện nay. Đồng thời làm trong sạch tổ chức BTS PGHP để chuẩn bị cho Đại Hội Phật giáo trong nhiệm kỳ mới.
Minh Mẫn (04/9/2012)