Hẳn ta chưa quên tích Truyện Mai An Tiêm buôn bán với người ngoại quốc. Truyện Cây Nêu và Tấm Áo Cà Sa, Truyện Trầu Cau với sự luân hồi thác sinh thành cây, đá v.v... Tất cả đều nói lên sự liên lạc văn hóa Ấn - Việt. Ðược biết: dưới thời Sĩ Nhiếp cai trị nước ta từ năm 182 đến năm 226, thì văn hóa Trung Hoa, hay nói khác là Nho giáo và Lão giáo, lúc ấy đã chính thức công khai truyền bá ở Giao Châu; hệ thống giáo lý của hai đạo này không có các tích kể trên, qua các truyền thuyết đời Hùng Vương. Với những mẩu truyện trên, ta thấy: người Việt đã tiếp nhận giáo lý Nhân Quả, Luân Hồi và Nghiệp Báo của đạo Phật một cách hết sức tự nhiên, không do dự, như tiếp nhận sự phát minh của chính mình vậy.
... Kể từ đời Hùng Vương mở nước, đóng đô ở đất Phong Châu, người Việt đã sớm ý thức: chỉ có sự thuần nhất mới có thể tồn tại để phát triển và tiến hóa. Dù rằng buổi ban đầu sự sinh hoạt của xã hội Văn Lang hãy còn theo lề lối bộ lạc, nhưng sự thuần nhất trong ý chí đoàn kết đã được thể hiện một cách trọn vẹn để vượt thẳng các ttrở ngại và duy trì cho sự tồn tục của giống nòi.
Thật vậy, vì ý thức Tự Chủ của dân tộc Việt trải qua hơn một ngàn năm bị người Hán thống trị đất nước, từng làm đau khổ giống nòi ta, nên người Việt đã sớm thức tỉnh nhận rõ dã tâm thôn tính của họ nên đã cương quyết tử thủ, ôm chặt lấy những gì thuộc truyền thống của tổ tiên, để bảo trì nếp sống, phong hóa, ngôn ngữ sáng, bén, lối y phục, cách ăn ở, xử thế; tâm hồn thì bao dung rộng mở... điển hình như việc sử dụng chữ Nho mà người Việt đọc khác người Hoa, và đã sáng chế ra một thứ chữ riêng, thứ chữ Nôm. Chữ Nôm là một lối chữ mượn ở chữ Nho rồi ghép thêm một chữ làm thanh phù mà tạo thành, đọc theo tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt). Ðó là óc sáng tạo đặc thù của người Việt đối kháng lại với mọi áp lực nguy hiểm của người phương Bắc, chỉ muốn đồng hóa dân tộc ta.
Với lối sống đặc thù của người Việt khác với lối sống của người Hán... Người Việt suy nghĩ, nói năng và hành động nhất nhất đều y cứ vào đại tiền đề: lấy "Tổ ấm" làm căn bản chung, nên không bao giờ người Việt chấp nhận có sự tương tranh vì ý hệ hoặc mưu cầu danh lợi cho riêng cá nhân hay một tập thể nào, rồi gây bè kết đảng hòng tiêu diệt lẫn nhau. Những ai đi ngược lại truyền thống ấy đều coi là nghịch lý, nhất định bị đồng bào chối bỏ, coi họ như những người dị chủng.
Chính quan niệm "Tổ ấm" được coi như linh hồn của Tổ quốc mà người Việt còn tồn tại đến ngày nay, không bị đồng hóa. Cá nhân làm việc để phục vụ Tổ ấm vì quan niệm quốc gia là đại Tổ ấm. Người Việt biết trọng phép nước, nhưng không bao giờ chấp nhận bất cứ nhân vật hay một tập thể nào coi đó là "khuôn vàng thước ngọc" lúc nào cũng đúng, cũng hay, cũng giải quyết được hết mọi vấn đề rắc rối qua mọi không - thời gian và mọi hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy, hễ chỗ nào, nơi nào có người Việt chúng tôi muốn nói những người Việt chân chính sinh tụ thì chỗ ấy, nơi ấy, không có vấn đề nhân danh, hoặc nịnh trên nạt dưới, bất hiếu, bất trung, bất nhân, bất nghĩa... Dòng Bách Việt sống êm đềm, thương yêu nhau, không gây thù, trả oán, tranh dành xâu xé, chà đạp lẫn nhau... nhằm đạt cho được cái danh cái lợi hão huyền, đến nỗi hãm hại nhau; nhưng đôi khi cần chống kẻ ngoại xâm để bảo toàn cương giới quốc gia thì dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ nan, một ý chí kiêu hùng của nòi giống Việt.
Với những tấm gương sáng mà muôn đời con cháu vua Hùng vẫn tự hào:
* Năm 542; vị khai quốc LÝ NAM ÐẾ (LÝ BÍ) đánh đuổi tên thái thú Tiêu Tư (nhà Lương) và bè lũ phải bỏ trị sở chạy về nước; lập nên nước Vạn Xuân, mơở đầu nền Tự Chủ ở nước ta.
* Năm 938, NGÔ VƯƠNG QUYỀN đánh ta quân Nam Hán trên sông Bạch Ðằng, giết thái tử Hoàng Thao tại trận, khiến Hán chủ đành nuốt hận thu quân về Tàu.
* Năm 1077, vị anh hùng dân tộc LÝ THƯỜNG KIỆT đại thắng quân nhà Tống trên sông Nhự Nguyệt, khiến lão tướng Quách Quỳ phải phủ phục đầu hàng.
* Năm 1258, vua TRẦN THÁI TÔNG và Hưng Ðạo đại vương TRẦN QUỐC TUẤN chiến thắng quân Mông Cổ ở mặt trận Ðông Bộ Ðầu, giải phóng thủ đô Thăng Long.
* Năm 1285, vua TRÂN NHÂN TÔNG và Quốc công tiết chế chống lĩnh quân đội kháng chiến chống quân Nguyên TRẦN QUỐC TUẤN, đã đánh tan giặc Mông Cổ, chém đầu Toa Ðô ở Vạn Kiếp.
* Năm 1288, vua TRẦN NHÂN TÔNG và Thượng phụ TRẦN QUỐC TUẤN đại phá quân Nguyên trên sông Bạch Ðằng, bắt sống các tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ... khiến tên tổng chỉ huy Thoát Hoan khiếp đảm phải vộ vã rút quân về nước.
* Năm 1427, Bình Ðịnh vương LÊ LỢI và mưu sĩ NGUYỄN TRÃI, sau mười năm kháng chiến chống giặc Minh và đã toàn thắng, nối lại nền tự chủ của nước nhà.
* Năm 1789, Bắc Bình vương NGUYỄN HUỆ, chiến thắng quân Thanh ở trận Ðống Ða (gần Hà Nội ngày nay) khiến cho bại tướng Tôn Sĩ Nghị phải "vứt bỏ tất cả sắc thư, ấn tín để lo thoát thân," sau bảy ngày đêm mới đến được trại Nam Quan.
... Vì danh dự của Tổ ấm mà người Việt không bao giờ hành động một cách cẩu. Và quan niệm hạnh phúc là do Tổ ấm để lại cho con cháu muôn đời về sau:
"Người trồng cây bách người chơi
Ta trồng cây đức để đời mai sau."
Do đó mà trong nhiều đời con cháu phải hương đăng thờ tự trân trọng giữ gìn cái "Chí lớn" của tổ tiên:
"Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con."
Vì quan niệm Tổ ấm mà người Việt lúc nào cũng tỉnh táo, bình tĩnh, và cương quyết trong mọi hành động trong ý niệm "âm phù dương trợ," lúc nào cũng coi như có ông bà, tổ tiên theo dõi, chỉ dẫn, vì nghĩ rằng: "Sự tử như sự sinh" coi khi chết cũng như lúc còn sống, không khác.
Ðạo đức cương yếu của người Việt chính là quan niệm "phúc đức Tổ ấm" vậy (1).
Thuyết "Tam cương Ngũ thường" của Nho giáo chỉ chiếm một chỗ rất nhỏ trong diệu lý "phúc đức Tổ ấm" mà thôi. Thật vậy, người Việt trước khi hành động bất cứ một việc gì, còn phải đắn đo xem có đụng chạm đến Tổ ấm và hại đến ai không đã. Quan niệm đạo đức này đã liên kết được toàn dân trong một sự thuần nhất, không cần phải "dân tứ tước ngũ" (2) gây bè kết đảng rồi khinh khi nhau, làm suy yếu tiềm năng quốc gia. Ðấy là ta chưa nói đến hậu quả thảm khốc chạy theo hình thức chủ nghĩa, duy lạc hưởng thụ, kỳ thị đẳng cấp... thiếu hẳn căn bản để sống một cuộc sống cho ra sống, nghĩa là sống tốt đẹp hơn (3).
Nói tóm lại, các cá nhân đều coi mình như là một thành phần cộng đồng của Tổ ấm. Phúc đức xuất phát tự Tổ ấm rồi lại về Tổ ấm. Tổ ấm (nhỏ) là gia đình và (lớn) là quốc gia, đều được tôn trọng. Cảnh thái bình, hạnh phúc, giải thoát là những mục tiêu thiết thực đã được người Việt xưa cũng như nay chấp nhận và thực hiện sự lao tâm khổ tứ của người Việt cốt để củng cố cho thân mệnh, tuệ mệnh, của cá nhân cũng như của Tổ ấm, là nhằm đạt tới Giác Ngộ Giải thoát, chứ không mang tâm ích kỷ để thôn tính, tiêu diệt nhau.
Bây giờ ta thử xét qua một vài đặc tính văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo, có thể nói: hai nền văn hóa tuy hai mà một tự bản thân của nó đã có những nét hòa đồng mầu nhiệm một cách kỳ diệu:
VỀ THỰC TẠI CUỘC SỐNG
Người Việt sống tôn sùng thờ cúng Tổ tiên, mà Phật giáo cũng triệt để kính trọng, và còn đặt ra những nghi lễ thích hợp với nhu cầu dân tộc, như lễ "Nhập Liệm, Qui Lăng," hay lễ Vu Lan Báo Hiếu v.v... Tục ngữ Việt Nam có câu: "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân..."
* Dân tộc Việt Nam thường ưa chuộng "nâu, lam" thì hiện nay các tăng sĩ Phật giáo đều giữ được sắc thái riêng biệt ấy hơn ai hết. Trong bài Trường Ca Mẹ Việt Nam, phần mở đầu, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết:
Mẹ Việt Nam
không son không phấn
Mẹ Việt Nam
chân lấm tay bùn
Mẹ Việt Nam
không mang nhung gấm
Mẹ Việt Nam
mang tấm nâu sồng...
* Dân tộc ta giàu đức tính tiết kiệm, ít có ham muốn quá đáng, nên hay "hưởng thụ bình quân," như đời Lê Phân Ðiền chẳng hạn. Thì trong Phật giáo dạy thực hành "bình đẳng, thiểu dục, vị tha..."
* Tinh thần "tự lực cánh sinh" của dân tộc ta thật phong phú, về ý hệ, người Việt tự hào đã có bốn ngàn năm văn hiến; và về võ công thì qua các đời: Ngô, Lý, Trần, Lê, Nguyễn ông cha ta đã từng chiến thắng oanh liệt các kẻ thù xám lăng dưới các thời: Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, và như lịch sử đã chứng minh: dân tộc Việt sống hiên ngang kiêu hùng bất khuất. Xét trong đạo Phật có thuyết "Ðại hùng, đại lực."
VỀ MẶT SÁNG TÁC
Trong suốt dọc dài lịch sử (có thể nói) hầu hết những sáng tác phẩm văn học nghệ thuật do người Việt viết, hoặc phóng tác, không nhiều thì ít, đều đã chịu sự ảnh hưởng của thuyết nhân quả, luân hồi, nghiệp báo của Ðạo Phật.
Thật vậy, người Việt Nam, từ lúc nằm nôi từng đã được nghe các bà mẹ kể cho nghe những câu ca dao, tục ngữ:
"Ở hiền thì lại gặp lành
Ở ác gặp dữ tan tành ra tro."
(hay tội dành vào thân).
"Sống đục sao bằng thác trong.
Ba vuông sánh bảy tròn,
Ðời cha nhân đức đời con sang giàu."
"Làm việc phi pháp sự ác đến ngay."
v.v...
Cùng trong những mẩu chuyện mang một nội dung tương tự, như: Tấm Cám, Truyền Kỳ Mạn Lục, Quan Âm Thị Kính, Nhị Ðộ Mai, Phan Trần, Ðoạn Trường Tân Thanh, v.v...
Chẳng hạn, Truyện Tấm Cám, Bụt hiện ra để cứu giúp người lành. Truyền Kỳ Mạn Lục, với lý nhân quả nghiệp báo được tác giả viện dẫn bàng bạc trong khắp các truyện dĩ nhiên trong đó tác giả có đề cập luân lý Khổng Mạnh nhằm giải thích những tình huống éo le như người có hạnh mà nghèo, kẻ bất nhân lại khá, bằng lối sống, "đầu thai chuyển kiếp," như truyện Nghiệp Oán Của Ðào Thị, truyện Gã Trà Ðồng Giáng Sinh...
Ta hãy nghe Nguyễn Dữ kể về câu chuyện Giã Trà Ðồng:
... "Có hạnh mà nghèo, hoặc bởi tội khiên kiến trước: bất nhân mà khá, hẳn là phúc thiện đời xưa. Tuy rằng khó biết sâu xa, nhưng thực không sai tơ tóc. Cho nên không nên lập luận một bề và xem trời một mặt (xem Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ bản dịch Trúc Khê.)
Dưới đây là những câu trích trong các truyện Quan Âm Thị Kính. Nhị Ðộ Mai, Phan Trần. Ðoạn Trường Tân Thanh:
"Ðoái trông thế sự nực cười
Như đem trò rối mà chơi khác gì."
(QATK, câu 335-336)
... "Cho nên mến cửa Từ Bi
Dám xin nhờ đức Tăng, Ni mở lòng."
(QATK, câu 343-344)
Truyện Nhị Ðộ Mai:
"Trời nào phụ kẻ trung trinh
Dầu vương nạn ấy, ắt dành phúc kia
Danh thơm muôn kiếp còn ghi
Ðể gương trong sạch, tạc bia dưới đời."
(Nh. D.M. câu 7-10)
Truyện Phan Trần:
"Xa xa phảng phất hành lang
Ðức Quan Âm đã giáng sinh bao giờ."
(Ph. T. câu 391-392)
"Sư còn lân mẫn chúng sinh
Xin thương đến tấm lòng thành mấy nao."
(Ph. T. câu 401-402)
Ðoạn Trường Tân Thanh hay Truyện Kiều với những triết lý về nghiệp báo:
"Kiếp này nợ trả chưa xong
Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau."
(ÐTTT. câu 1019-1020)
"Ðã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm ca với bằng ba chữ tài..."
(ÐTTT, câu 3249-3252)
Những truyện ngụ ngôn, có tính cách luân lý và nhân quả thường quấn quýt lấy nhau. Kéo Cày Trả Nợ, Âm Ðức, Hai Vợ Chồng Con Chiền Chiện, Ông Sư, Chẽo Cờ và Vẹt, Phù Du và Ðóm Ðóm, v.v...
Và còn biết bao nhiêu đặc tính khác của Phật giáo rất phù hợp với dân tộc tính, dân tộc tình, dân tộc trí, đã làm nảy nở trong những nếp sống hằng hữu để vươn lên cuộc sống trong sáng, cao cả, toàn mỹ. Ðó là những nét điển hình để chứng minh rằng văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc có những mối duyên gặp gỡ rất đồng nhất tế nhị. Có thể nói hai nền văn hóa tuy hai mà một.
... Không chỉ riêng nước Việt Nam mà đối với bất cứ một nước nào khi đạo Phật truyền tới cũng đều được các nhóm dân tộc hoan hỷ long trọng tiếp nhận, không nơi nào và chẳng lúc nào bị ruồng bỏ, bởi vì đạo Phật là đạo Từ Bi, lấy tình thương làm động lực phát triển lòng Từ, lấy trí tuệ làm mục tiêu nhắm tới Giác Ngộ Giải Thoát Con Người.
Một triết lý cao đẹp như thế ở xã hội nào, thời gian hay hoàn cảnh nào mà không thích hợp, vĩnh viễn.
Ðược như vậy là vì đạo Phật có một tôn chỉ rất rộng rãi: tôn trọng những đặc tính của mỗi dân tộc, mà chỉ cần khai thác phần NHÂN TÍNH để hỗ tương, với mục đích dìu dắt con người đạt tới đích Chân Thiện Mỹ; và khi đạo Phật đến dân tộc nào cũng vẫn kính trọng nếp sống cổ truyền, những phong tục sẵn có... Chỉ vì tinh thần giáo lý Giác Ngộ Giải Thoát Tự Chủ của đạo Phật không bao giờ trái với sự việc nào, bất cứ ở đâu, hạng người nào, khi họ biết hướng đến chân lý.
ÐẠO PHẬT VÀ DÒNG SỬ VIỆT vẫn mãi mãi sống đẹp và tươi sáng!
Nước Việt Nam dù trải trên mười thế kỷ chung đụng với văn hóa Trung Hoa nhưng khi nguồn văn hóa GIÁC NGỘ GIẢI THOÁT và TỰ CHỦ của đạo Phật truyền vào Việt Nam thì người Việt đã hân hoan lấy đó làm ngọn đuốc thắp sáng cho cuộc cách mạng giải phóng giống nòi khỏi ách thống trị của người phương Bắc, giành lại quyền tự chủ, độc lập cho Tổ quốc mến yêu.
Việt Nam là nơi hội tụ các tăng tài khắp bốn phương, nên tinh hoa đạo Phật Việt luôn luôn đượm sắc thái đặc biệt, trong những thời gian hoàn cảnh đặc biệt. Ðạo Phật đối với dân tộc Việt Nam được coi như thứ vũ khí tinh thần hiệu nghiệm, để vừa đối kháng với nền văn hóa Trung Hoa, vừa thâu thái những tinh hoa của nền văn hóa đó rồi dung hóa cả hai nền văn hóa Ấn - Hoa hợp với tinh thần "Lối sống" của người Việt hình thành một nền văn hóa Việt Nam sống động trong tâm tư mỗi người và trong cuộc sống dân tộc. Phật giáo đã kích động tinh thần tự chủ của người Việt. Và, từ đó đưa đến đòi hỏi một nền tự chủ dân tộc. Khi một nền văn hóa đã có cá tính khác biệt với nền văn hóa của đế quốc thì công việc đấu tranh giành độc lập chỉ còn là công việc thời gian mà thôi. Chính vì vậy mà trước kia, trong lịch sử đạo Phật Việt, các vị thiền sư đã cùng với dân tộc Việt Nam phấn đấu cho một nền Tự Chủ vẻ vang của dân tộc.
____________
Chú thích:
(1) Cách nay khoảng 30 năm, tôi nhớ, trên những chuyến đò ngược xuôi, người xẩm mù lòa chuyên đi hát rong và thường mang theo mình cây đàn nhị, hoặc chiếc trống bỏi, có khi một ống sáo, đi kèm bên một em bé dẫn đường, tay cầm chậu thau để xin sự "bố thí" của đồng bào thập phương; anh ta vừa kéo nhị (hoặc đánh trống, thổi sáo) và nghêu ngao hát những câu (giọng khàn khàn):
"Phúc đức Tổ ấm, bà ơi!
Làm duyên làm phúc cho tôi với nào."
Cùng có khi người ta nói: "Phúc đức tại mẫu, bà ơi", hay "ông ơi," "anh ơi," "chị ơi," "cô ơi..."
Hai chữ "phúc đức" đã là Nguồn Sông tràn trề hy vọng mà lẽ nhân quả luân hồi tội phúc báo ứng của Ðạo Phật đã gieo vào tiềm thức sâu thẳm của giống nòi Lạc Việt, để mỗi ngày vun bồi cho cây "đức" thêm xum xuê, tươi tốt.
(2) Trong thơ NGUYỄN CÔNG TRỨ có câu:
"Dân hữu tứ, sĩ chi vi tiên
Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt."
(3) Chúng tôi đề nghị độc giả nên đọc thêm cuốn "Ðạo Phật Với Con Người" của Hòa Thượng Tâm Châu.
HT.Thích Đức Nhuận
Nguồn link: http://daophatkhatsi.net/nhasukhatsi/72D652.aspx