đậu tương đen hữu cơ

Kinh - Luật - Luận

10:12 21/11/2011

Kỳ XV: Mười hai xứ là hiện tượng biểu hiện Như Lai Tạng (Lê Sỹ Minh Tùng)

(TG&DT) - Tai nghe tiếng đừng để tiếng lôi cuốn, đừng dính nhiễm với tiếng. Mũi ngửi mùi đừng bị mùi trói cột, đừng dính mắc với mùi. Lưỡi nếm đừng bị vị trói buộc, đừng dính mắc với vị. Thân xúc chạm dù cho êm ái nhẹ nhàng vui thích hay thô nhám bực bội cũng không bị dính cột trói,...

Trong phần này, Đức Phật muốn thu 12 xứ là mắt, tai, mủi, lưỡi, thân và ý cùng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp để khai thị cho chúng sinh thấy biết rằng 12 xứ đều là bản tánh nhiệm mầu phát xuất từ trong Như Lai Tạng của tất cả mọi người. Thông thường khi nói về sáu căn thì kinh thường ám chỉ phù trần căn có nghĩa là sáu căn thịt của con người. Thí dụ như mắt thịt, lỗ tai thịt…


 

 

Đôi khi trong kinh điển Phật giáo cũng đề cập đến một loại sáu căn khác. Đó là tịnh sắc căn nghĩa là những căn này không phải là do xác thịt mà do bốn đại vi tế tạo thành. Vì là đại vi tế nên không thể nhìn thấy được, nhưng nó vẫn có tác dụng rõ ràng như luồng điện. Nếu nói theo danh từ khoa học ngày nay thì đại vi tế này chính là những luồng thần kinh theo thần kinh hệ đi vào các căn. Tịnh sắc căn cũng còn gọi là “Thắng nghĩa căn” là cơ quan có công năng phát sinh nhận thức, làm chỗ nương tựa cho thức.

 


1) Thu Hai Xứ Sắc Trần Và Nhãn căn

 


A Nan! Vì sao 12 xứ là hiện tượng biểu hiện từ Như Lai Tạng?

 


A Nan! Ông hãy xem rừng cây Kỳ Đà và các suối ao khe cây cảnh đó, ý ông nghĩ thế nào? Như thế là sắc trần sinh ra tánh thấy, hay tánh thấy sinh ra sắc tướng?

 


A Nan! Nếu tánh thấy sanh ra sắc tướng thì lúc trông thấy hư không, không có sắc tướng lẽ ra tánh thấy sinh ra sắc tướng đã tiêu mất rồi. Mà đã tiêu mất thì tỏ ra tất cả đều không, sắc tướng đã không thì lấy gì để biết được hư không và sắc tướng? Đối với hư không thì cũng như vậy.

 


Lại nếu sắc trần sinh ra tánh thấy thì khi thấy hư không, không có sắc, tánh thấy liền tiêu mất đi, tiêu mất thì tất cả đều không, lấy gì biết được hư không và sắc tướng?

 


Vậy nên biết rằng tánh thấy cùng sắc, không đều không có xứ sở, tức sắc trần và tánh thấy, hai cái đó đều luống dối, vốn không phải tánh nhân duyên cũng không phải tánh tự nhiên.

 


Khi Đức Phật bảo ông A Nan nhìn vào rừng cây Kỳ Đà và những suối ao trong đó, ông A Nan liền thấy những cảnh vật như thế. Vậy những cảnh vật trong rừng Kỳ Đà tạo ra tánh thấy cho ông A Nan hay là tánh thấy phát sinh ra rừng Kỳ Đà?

 


1) Nếu cho rằng tánh thấy của ông A Nan tạo ra cảnh giới của rừng Kỳ Đà thì khi mắt trông vào hư không (không có sắc tướng : hình ảnh, màu sắc…) thì tánh thấy mất đi đâu còn nữa. Nhưng nếu mất đi tánh thấy thì làm sao ông A Nan biết được đó là hư không. Do đó, tuy mắt có nhìn vào hư không hay vào sắc tướng thì tánh thấy trước sau như một, không thay đổi.

 


2) Bây giờ nếu cho rằng sắc trần sinh ra tánh thấy nghĩa là nhờ có rừng Kỳ Đà mà tánh thấy của ông A Nan mới phát hiện. Vậy thì khi ông A Nan nhìn vào hư không tức là không có sắc trần thì chắc chắn tánh thấy của ông A Nan biến mất. Nhưng nếu A Nan không có tánh thấy để thấy hư không thì làm sao biết được đó là hư không? Vậy tánh thấy đâu có biến mất, nó lúc nào cũng thường hằng với tất cả mọi chúng sinh cho dù con người có dùng con mắt để thấy hay không.

 


Để đi đến kết luận, Đức Phật dạy rằng sáu căn tiếp xúc với sáu trần để phát sinh ra sáu thức phân biệt tạo ra vọng tưởng phiền não trong tâm của con người, nhưng thật chất sáu căn và sáu trần hay trong trường hợp này “con mắt” và “sắc tướng” để sinh nhãn thức chỉ đối đãi với nhau mà phát hiện đều là những tướng giả dối, không chân thật bởi vì con mắt và sắc tướng tự nó không thể sanh ra nhãn thức mà phải cần có sự duyên khởi tạo thành. Mà một khi có sự duyên khởi nghĩa là không có tự thể tức là tướng sinh diệt.

 


Theo sự giải thích của khoa học về sự thấy là con mắt phải có sự chiếu và phản chiếu của ánh sáng thì mới thấy được sắc tướng. Thí dụ như trong căn phòng tối đen, tuy có đặt một cái bàn, nhưng nếu không có ánh sáng thì không thấy cái bàn. Khi đốt đèn lên thì ánh sáng bây giờ loan tỏa khắp căn phòng nghĩa là ánh sáng chiếu vào cái bàn và phản chiếu ngược vào mắt làm cho hệ thần kinh cảm biết đó là cái bàn.

 

 

Vậy thì cái bàn (sắc tướng) hay con mắt (nhãn căn) tự nó không thể thấy, tức là không có tự thể mà phải cần duyên khởi nghĩa là cái này tác động với cái kia thì cái thấy mới xuất hiện. Xét như vậy thì con mắt, sắc tướng, hư không là pháp giới duyên khởi, không có tự tánh vốn không phải tánh nhân duyên và cũng không phải tánh tự nhiên. Bởi vì nếu tánh tự nhiên thì đâu cần con mắt mà tự nhiên vẫn thấy, nhưng thật ra nếu không có mắt, sắc trần và tánh thấy thì không bao giờ thấy được.

 


Đoạn kinh nầy Đức Phật muốn chúng sinh thấu hiểu rằng tuy mắt  duyên với sắc trần để tạo ra nhãn thức, nhưng cái nhãn thức này cũng là giả dối không thật vì cái thấy là cái thấy của huyển, chớ không phải cái thấy chân thật. Muốn có sự thấy biết chân thật thì con người phải lìa căn và sắc trần thì tánh thấy thường hằng thanh tịnh mới hiển hiện được.

 


Ý Phật muốn dạy chúng sinh trong phần này là những hình ảnh, màu sắc mà con mắt của chúng ta thâu nhận đều là giả dối không thật. Nếu con người tin chắc tất cả những hình tướng trong thế giới hiện tượng là thật thì lòng tham đắm si mê sẽ phát khởi để tạo tác, giữ gìn. Vì thế mà phiền não khổ đau không bao giờ chấm dứt được. Ngược lại nếu chúng sinh nghe lời Phật dạy để thấy biết rằng tuy có thấy nhà cửa, xe cộ, tiền bạc…nhưng tất cả đều không bền không chắc, nay có mai không vì cái thấy này không chân thật, do duyên khởi tạo thành nên dễ kềm chế lòng tham mà có tâm thanh tịnh. Đây chính là thấy mà như không thấy gì hết. Vì thế Phật mới dạy rằng : ”Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng, Phi tướng tức kiến Như Lai” nghĩa là bất cứ vật gì mà có hình sắc là giả dối, hư hoại, không thật. Chỉ khi nào chúng sinh thấy được thật tướng vô tướng thì thấy được Chân lý, Chơn tâm.



2) Thu Hai Xứ Thanh Trần Và Nhĩ căn (Thanh trần và Tánh nghe)

 


A Nan! Ông lại nghe trong trai đường ở rừng Kỳ Đà này, khi dọn đồ ăn xong thì đánh trống, lúc họp chúng lại thì đánh chuông; tiếng chuông, tiếng trống trước sau nối nhau. A Nan! Ý ông nghĩ thế nào? Tiếng đến chỗ nghe hay tánh nghe đến chỗ tiếng?

 


A Nan! Nếu tiếng đến chỗ tánh nghe, vậy khi tiếng đến chỗ ông A Nan, khiến cho ông A Nan được nghe thì ông Mục Kiền Liên, ông Đại Ca Diếp… lẽ ra không thể đồng nghe cùng một lúc. Ví như khi tôi khất thực ở thành Thất La Phiệt thì ở rừng Kỳ Đà này có cả 1250 vị sa môn, khi nghe tiếng chuông, đồng đến thọ trai một lượt. Nếu như tánh nghe của ông đến bên tiếng thì lúc ông nghe tiếng trống, cái nghe của ông đã đến nơi tiếng trống rồi thì khi tiếng chuông cũng phát ra, lẽ ra ông không thể nghe cả hai bên. Cũng như khi tôi đã về rừng Kỳ Đà thì không thể có mặt ở thành Thất La Phiệt nữa. Sự thật, không những ông không nghe tiếng trống tiếng chuông mà ông còn nghe được cả tiếng voi, ngựa, trâu, dê và nhiều tiếng khác cùng một lúc. Còn nếu trống và tánh nghe không đến nhau thì không có gì để gọi là nghe cả. Vậy nên biết rằng tánh nghe và cái tiếng cả hai đều là hư vọng vốn không phải tánh nhân duyên cũng không phải tánh tự nhiên.

 


Âm thanh được kết tạo bởi những âm hưởng có rất nhiều tần số (frequency) khác nhau di động trong không gian làm rung động cái màng nhĩ. Hằng ngày chúng ta mở những băng tần AM hay FM để nghe nhạc, tin tức hay thể thao vì mỗi băng tần phát ra với một tần số đặc biệt không xen lẫn với những tần số khác. Vận tốc của âm thanh thì chậm hơn vận tốc của ánh sang, do đó, khi có sấm chớp thì thấy ánh sáng trước khi nghe tiếng sấm nổ mặc dù hai hiện tượng này xảy ra cùng một lúc.

 


Trong trai đường của rừng Kỳ Đà, khi đại chúng dọn đồ ăn để thết đãi chư Tăng Ni thì họ đánh trống và khi đồ ăn sẵn sàng thì họ đánh chuông để mọi người cùng thọ thực. Do đó, tiếng trống tiếng chuông tiếp nối nhau vang dội. Bây giờ Đức Phật mới hỏi ông A Nan rằng:

 


1) Nếu tiếng trống (thanh trần) đi đến nơi lỗ tai (nhĩ căn), thì chỉ có một tiếng trống cho nên nếu một người nghe được tiếng trống này thì người khác không thể nghe được. Nhưng trên thực tế thì tất cả đại chúng đều nghe được tiếng trống một lượt chớ không phải người này nghe xong mới đến người khác nghe.

 


2) Nếu lỗ tai (nhĩ căn) tìm đến tiếng trống (thanh trần) thì vào thời điểm này lỗ tai (nhĩ căn) không thể nào đi đến tiếng chuông được vì chỉ có một lỗ tai. Nhưng trên thực tế chẳng những lỗ tai vừa nghe cả tiếng trống mà còn nghe tất cả những âm thanh khác như tiếng chuông, tiếng ngựa hí, tiếng trâu gặm cỏ, tiếng dê kêu be he…

 


3) Nếu tiếng trống và âm thanh không hòa điệu tức là lá nhĩ không tiếp nhận được những rung động của âm thanh thì dĩ nhiên là không thể nghe gì hết.

 


Bây giờ Phật mới kết luận rằng âm thanh mà lỗ tai tiếp nhận được, tự nó không có tự thể mà là do duyên khởi tạo thành nghĩa là âm thanh tự nó không biết được mà cần phải có lá nhĩ để tiếp nhận. Vì thế âm thanh là giả dối, là biến đổi. Cũng như trong không gian có biết bao tần số của radio, của điện thoại, của TV, nhưng chúng ta đâu có biết sự hiện hữu của nó. Do đó, từ đây mỗi khi nói điện thoại, xem TV hay nghe radio thì chúng ta biết rằng tất cả đều là duyên khởi mà thành nên chúng không có tánh nhân duyên và cũng không có tánh tự nhiên.

 


Trong cuộc sống, âm thanh đóng một vai trò rất quan trọng. Con người vì chạy theo tiếng thị phi nên ham chuộng lời khen, tiếng tốt. Ngược lại, nếu bị chỉ trích thì đâm ra buồn phiền đau khổ. Đoạn kinh này nhắc nhở chúng sinh thấu hiểu rằng lời nói âm thanh là giả dối, không thật vì chúng là do sự tạo tác từ bên ngoài. Nên nhớ rằng trên thế gian này, không có ai hiểu ta bằng chính ta. Khi ta làm một việc thiện, ta biết. Khi ta nói lời bất thiện, chính ta cũng biết. Cái biết chân thật, đứng đắn, khách quan, không thiên vị có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh tức là tánh biết, là hình bóng của chơn tâm, Phật tánh của mọi người.

 

 

Nếu hằng ngày chúng sinh nghe theo tiếng nói của lòng mình, tiếng nói chân thật, đạo đức, khách quan, tiếng nói của chơn tâm thì làm gì còn phiền não, làm gì có khổ đau. Đây chính là hồi quang phản chiếu tức là xoay vào bên trong để nghe tiếng nói thật của tâm thay vì tiếng nói giả dối, nịnh bợ, ích kỷ, thiếu sáng suốt phát xuất từ lòng tham-sân-si từ bên ngoài. Chính tánh nghe chân thật không bị ảnh hưởng của ngoại trần giúp chúng sinh dần dần sống gần với chơn tánh để có giải thoát giác ngộ, có an vui tự tại, có Niết bàn trong trần thế này vậy. 



3) Thu Hai Xứ Hương Trần Và Tỷ căn

 


A Nan! Ông hãy ngửi hương chiên đàn trong lư này, hương này nếu đốt một lạng thì cả thành Thất La Phiệt trong 40 dặm đều ngửi được mùi thơm. Ý ông nghĩ thế nào? Mùi thơm ấy sinh ra, do cây chiên đàn, do nơi lỗ mũi của ông hay do nơi hư không? Nếu do lỗ mũi sinh ra thì nó từ lỗ mũi ra, nhưng lỗ mũi không phải chiên đàn thì làm sao có được mùi thơm chiên đàn? Nếu từ hư không sanh, thì tánh hư không thường còn, mùi thơm cũng phải thường có, cần gì phải đốt cây khô chiên đàn trong lư rồi mới có mùi hương. Nếu mùi thơm sinh ra từ cây chiên đàn, cần gì phải đợi đốt thành khói mới có chất thơm lan tỏa trong thành?

 


Vậy nên biết rằng hương trần và tánh ngửi đều không có xứ sở, cả hai đều hư vọng, không phải tánh nhân duyên cũng không phải tánh tự nhiên.

 


Chủ đích của kinh Thủ Lăng Nghiêm là giúp chúng sinh lìa huyển, lánh xa sự giả dối, sinh diệt mà thâm nhập vào tự tánh Như Lai Tạng để chứng nhập Thủ Lăng Nghiêm tam muội.

 


Trong đoạn kinh này, Đức Phật muốn thu lại Hương trần (mùi thơm, thúi) ở bên ngoài mà lỗ mũi (Tỷ căn) tiếp nhận được để chứng minh rằng Hương trần và Tỷ căn chỉ là những duyên huyển hóa, chớ không có chi là sự thật cả. Vì sao? Bởi vì nếu chúng sinh còn say đắm theo hương trần nghĩa là thích ngửi hoa thơm, thích xức nước hoa quyến rũ, thích ngửi đồ ăn thơm ngon hoặc chán ghét mùi hôi thúi, chê bai người tanh hôi dơ dáy…thì những người này sẽ lụy về thế gian, chìm đắm theo thế gian, xa dần với tự tánh thanh tịnh của chính mình và dĩ nhiên sinh tử luân hồi chắc phải đeo mang.

 


Trong thời Đức Phật, người Ấn Độ dùng bột của cây chiên đàn để chế ra nhang hay trầm hương vì nó tỏa ra mùi thơm rất tinh khiết. Đức Phật bảo ông A Nan hãy ngửi mùi thơm phát ra từ trong lư hương. Thay vì đốt một cây, nếu Đức Phật đốt một lạng thì mùi hương chẳng những lan tỏa khắp trong tịnh xá Kỳ Đà mà còn lan rộng khắp cả thành Thất La Phiệt.

 

 

Bây giờ Đức Phật mới hỏi ông A Nan rằng:

 


1) Nếu mùi hương thơm sanh ra từ lỗ mũi thì nó phải từ lỗ mũi ra, nhưng lỗ mũi không phải là chiên đàn thì làm sao có được mùi thơm chiên đàn?

 


2) Nếu mùi thơm từ hư không thì tánh của hư không thường còn, không thay đổi nên lúc nào cũng thơm cần chi phải đốt chiên đàn mới có mùi thơm?

 


3) Còn nếu hương thơm từ cây chiên đàn thì tự nó đã thơm khắp mọi nơi rồi chớ đâu cần phải đốt thì mọi người trong thành Thất La Phiệt mới ngửi được mùi hương?

 


Do vậy, Tỷ căn và Hương trần đều là duyên khởi, giả dối, không tự tánh cho nên Đức Phật thu lại Tỷ căn và Hương trần để chúng sinh quay về với tự tánh của mình vốn là bản tánh thanh tịnh. Thân tứ đại của chúng sinh là huyển hóa, sinh sinh diệt diệt thì những căn cũng thế, không bền không chắc vì thế con người đừng tham đắm chạy theo căn, trần mà tạo nghiệp để phải chịu quả khổ đời đời. Chạy theo tham đắm hương thơm là chạy theo phiền não. Thí dụ nếu ngửi đồ ăn thấy thơm ngon thì lòng tham dấy khởi nên muốn ăn cho nhiều, ngược lại nếu ngửi cơm hẩm cá thiu thì lòng sân nổi dậy muốn đánh đổ nó đi mà tạo nghiệp. Bây giờ nếu quay về sống đúng với tánh ngửi thì đồ ăn nào cũng được, không có phân biệt đối đãi. Cơm thơm thì ăn nhiều, cơm thiu thì ăn ít, không phiền não là có an lạc.



4) Thu Hai Xứ Vị trần và Thiệt căn

 


A Nan! Thường thì ông trì bát khất thực ngày hai lần. Có khi được tô, lạc, đề hồ, là những vị ngon. Ý ông nghĩ thế nào? Vị đó sinh ra, do nơi hư không, do nơi cái lưỡi hay do nơi đồ ăn?

 


A Nan! Nếu vị ấy do nơi cái lưỡi của ông sanh, mà trong miệng ông chỉ có một cái lưỡi làm sao biết được các vị : ngọt, chua, và đắng? Nếu do đồ ăn sanh, đồ ăn thì vô tri giác làm sao biết được vị? Nếu vị từ hư không sanh, vậy ông hãy nếm xem hư không có vị gì?

 


Vậy nên biết rằng các vị và cái lưỡi biết nếm đều không có xứ sở, tức cái biết nếm cùng với các vị, cả hai đều là hư vọng, vốn không phải tánh nhân duyên và cũng không phải tánh tự nhiên.

 


Vị trần trong đoạn kinh này là những mùi vị như chua, cay, ngọt, béo, đắng, chát…và được nhận biết bởi cái lưỡi (thiệt căn). Ở đây Đức Phật muốn thu lại tất cả những mùi vị của đồ ăn, thức uống và thu đi tướng lưỡi của mình để đưa bản tánh của tướng lưỡi trở về với bản tánh thanh tịnh của Như Lai Tạng trước khi nó bị các duyên ngoại trần làm cho say đắm. Tướng lưõi (thiệt căn) tự nó là một bản tánh vô sinh thanh tịnh, nhưng do vọng niệm mê lầm làm phát sinh vọng chấp. Để chứng minh điều này, Đức Phật mới hỏi A Nan rằng: Hằng ngày ông A Nan đi khất thực, có khi thọ nhận món chua, món mặn, món béo, món ngọt. Vậy thì những mùi vị đó là do cái lưỡi sinh ra? do đồ ăn sinh ra? hoặc do hư không sinh ra?

 


1) Nếu các mùi vị trong thức ăn đó do cái lưỡi sinh ra thì khi ông A Nan không ăn món nào thì cái lưỡi đâu có phát sinh ra mùi chua hay ngọt? Hoặc là cái lưỡi thì chỉ có một thì đúng ra chỉ sinh ra được một mùi vị chớ làm sao lại sinh ra vô số mùi vị như thế?

 


2) Nếu các mùi vị là do đồ ăn sinh ra, mà đồ ăn là vô tri vô giác thì làm sao lại tự biết mình là ngọt hay đắng? Cũng như khi ăn chanh thì có vị chua, ăn chè thì có vị ngọt, ăn cơm thì có vị nhạt cho nên nếu các mùi vị là do đồ ăn sinh ra thì làm sao đồ ăn lại tự biết thay đổi mùi vị của mình?

 


3) Còn nếu các mùi vị là do hư không mà sinh thì hư không là thường còn, không thay đổi cho nên nếu vị hư không là vị chua thì cái lưỡi chỉ có một vị chua chớ đâu có được những vị khác? Vậy vị trần và thiệt căn vốn là giả dối, không tự tánh và được phát khởi do vọng niệm của bản tâm sinh ra. Do đó nếu bây giờ chúng sinh thu vị trần và thiệt căn thì bản tánh vô sinh sẽ được hiễn bày.

 


Hằng ngày con người có làm việc đầu tắt mặt tối, có tranh dành chiếm đoạt, có vui có buồn, có sướng có khổ cũng là cho miếng ăn. Nói xa một chút thì con người có giết hại lẫn nhau cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Nhưng “ăn để sống hay là sống để ăn?”. Phàm nhân ăn thì chê ngon chê dở, chạy theo mùi vị thơm ngon để tạo khổ cho mình và cho người. Ăn thì muốn mâm cao cỗ đầy vì thế phiền não lúc nào cũng đeo mang. Ngày xưa các vua nhà Nguyễn ngày thì ăn ba bữa và mỗi bữa phải có trên bốn mươi món do đó làm vua mà đầu óc chỉ lo ăn uống thì làm sao dân giàu nước mạnh được? Vì thế Đức Phật muốn chúng sinh thấu hiểu rằng cái lưỡi tự nó không có tội lỗi xấu xa gì, ngay cả vật thực cũng bình đẳng thanh tịnh vì cho dù đồ ăn có trăm ngàn món mà mục đích vẫn là làm cho người được no, nhưng khi lưỡi tiếp xúc với vật thực thì bây giờ vọng tưởng mới phát sinh.

 

 

Còn Tánh nếm thì mùi vị gì nó cũng biết, nhưng nó không có sự phân biệt đối đãi để khen món này hoặc chê món kia. Do đó nếu hằng ngày con người thay vì chạy theo sự phân biệt đối đãi của cái lưỡi (thiệt thức) nghĩa là chạy theo món ngon vật lạ mà chê bai món dở, khó ăn thì dĩ nhiên phiền não đau khổ chắc chắn sẽ đeo mang. Ngược lại ăn để sống thì món gì ăn cũng được và khi no bụng thì sẽ không còn dục vọng để đòi hỏi phải có món này vật nọ nữa. Được như vậy thì có an lạc, có Niết bàn. Ngày xưa khi Đức Phật và các đại đệ tử khi đi khất thực, các Ngài trộn chung tất cả món ăn lại với nhau rồi mới ăn để không còn phân biệt món này ngon, món kia dở vì thế các Ngài mới có an lạc thanh tịnh Niết bàn là vậy bởi vì các Ngài đang sống với tánh giác của mình.



5) Thu Hai Xứ Xúc trần và Thân căn

 


A Nan! Ông thường lấy tay xoa đầu buổi sớm mai. Ông Nghĩ thế nào? Trong sự nhận biết xoa đầu, lấy cái gì làm biết cảm xúc? Cái biết ở nơi tay hay ở nơi đầu? Nếu nó ở nơi tay, mà cái đầu không biết thì làm sao thành cái cảm xúc ấy. Còn nếu ở nơi đầu, mà cái tay vô dụng thì làm sao gọi là cảm xúc được. Nếu cả cái đầu và cái tay, mỗi cái đều có biết thì một mình ông A Nan mà có hai cái biết cảm xúc. Thế thì trong ông cũng có hai con người? Vả lại, nếu đầu và tay đồng một cảm xúc, thế thì cả hai cùng một tự thể. Nếu một tự thể thì không sở, không năng, cái nghĩa cãm xúc không thành lập được. Nếu là hai thể thì cảm xúc ở phía nào? Ở bên năng thì không ở bên sở. Ở bên sở không có bên năng. Không lẽ hư không tạo thành cảm xúc cho ông?

 


Vậy nên biết rằng cảm xúc và thân căn đều không có xứ sở, cảm xúc biết cùng xúc trần đều là hư vọng, vốn không phải tánh nhân duyên cũng không phải tánh tự nhiên.

 


Thân căn là chỉ cho thân tứ đại cho nên khi vào mùa hè oi bức thì thân cảm thấy nóng, mùa đông thì thân cảm thấy lạnh. Bị đánh thì thân cảm thấy đau, được xoa bóp thì thân cảm thấy êm dịu. Khi đưa tay rờ vào miếng lụa thì cảm thấy êm đềm, hoặc bị gai đâm thì cảm thấy đau đớn. Đây là những cảm xúc của thân căn khi tiếp xúc với xúc trần.

 


Khi xuất gia, đầu cạo nên mỗi buổi sáng ông A Nan thường lấy tay xoa đầu, lau sạch bụi bặm vì thế mà Đức Phật mới lấy đây làm thí dụ để hỏi ông A Nan rằng khi tay xoa vào đầu thì lấy cái gì làm biết cảm xúc?

 


1) Nếu như cái biết cảm xúc ở nơi tay thì lẽ ra cái đầu không biết được có cái tay xoa nó. Ngược lại, nếu cái biết cảm xúc ở nơi đầu thì cái tay lẽ ra không biết được nó đã xoa cái đầu?

 


2) Nếu cả hai tay và đầu đều biết thì lẽ đâu một người mà lại có hai thân căn, hay một người mà lại có hai tâm? Thế thì thân căn nào là thật của mình? Còn nếu cho rằng cả đầu và tay đều chỉ có một thân căn thì đầu và tay như nhau, không khác. Thế thì căn đối với căn chớ không còn căn đối với trần nữa thì làm sao cảm xúc phát sinh được?

 


Bây giờ Đức Phật mới kết luận rằng tất cả những cảm xúc thọ nơi thân thật ra không có xứ sở. Đây chỉ là những tướng đối đãi do vọng niệm phát khởi. Mặc dù nó là vọng niệm phát khởi, nhưng nó vốn là tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai Tạng (Bất biến tùy duyên). Nói cách khác tuy cảm giác ở tay hay đầu là do vọng niệm hư ảo mà có, nhưng những cảm giác hư vọng này cũng từ bản giác thanh tịnh (Như Lai Tạng) mà tạo tác. Vì thế nếu chúng sinh biết lìa những vọng niệm sinh diệt, hư ảo thì chính họ tức thì sẽ trở lại với tự tánh Bồ-Đề thanh tịnh ngay.



6) Thu Hai Xứ Pháp trần và Ý căn

 


A Nan! Ông thường trong ý duyên với ba tánh: thiện, ác và vô ký mà sinh ra pháp trần. Pháp trần đó tức tâm sanh hay ly tâm sanh?

 


A Nan! Nếu do tâm sanh pháp trần thì pháp trần không còn là trần nữa. Vì nó không phải là pháp sở duyên của tự tâm, làm sao thành một xứ được?

 


Nếu bảo rằng rời cái tâm, riêng có chỗ khác thì bản tánh của pháp trần là có biết hay không có biết? Nếu có biết, thì gọi là tâm, nhưng nếu nó khác với ông và không phải trần cảnh thì cũng như cái tâm của người khác. Còn nếu nó tức là ông và cũng tức là tâm thì làm sao cái tâm nơi ông lại thành hai được? Lại nếu như không có biết, cái pháp trần đó đã không phải sắc, thanh, hương, vị, ly, hợp, lạnh, nóng và tướng hư không. Vậy thì pháp trần ở chỗ nào? Hiện nay nơi sắc, không, không thể chỉ nó ra được; không lẽ trong nhân gian lại có cái ngoài hư không? Nếu không có đối tượng sở duyên thì ý căn do đâu thành lập xứ? Vì vậy nên biết rằng pháp trần cùng ý căn đều không có xứ sở, cả hai đều hư vọng, vốn không phải tánh nhân duyên cũng không phải tánh tự nhiên.

 


Con người thường suy nghĩ về tất cả những việc thiện, ác trong thế gian này. Thấy người nghèo khổ, hoạn nạn nên muốn giúp đỡ thì lúc đó đang nghĩ thiện. Nhưng nếu để tâm muốn hại người thì đang nghĩ ác. Thấy người ăn xin sẵn trong túi có vài đồng nên lấy ra cho mà chẳng quan tâm để ý là nghĩ vô ký. Do đó tất cả những suy nghĩ trong thế gian, thiện có, ác có, không thiện không ác cũng có thì gọi là pháp trần. Vậy pháp trần là do tâm sinh ra hay là không do tâm sinh ra? Trước khi trả lời, Đức Phật đặt câu hỏi với ông A Nan rằng:

 


1) Nếu pháp trần là do tâm sinh ra thì rõ ràng pháp trần chính là tâm. Mà đã là tâm thì pháp trần thuộc về năng tức là bên trong chớ không thuộc về sở tức bên ngoài. Nhưng nếu là năng thì làm sao gọi là pháp trần cho được bởi vì trần cảnh thì phải ở bên ngoài?

 


2) Nếu pháp trần không do tâm sinh ra và có phần riêng biệt thì bây giờ bản tính của pháp trần là có biết hay không có biết?

 


- Nếu pháp trần có biết thì pháp trần tức là tâm chứ không phải trần cảnh. Tuy là tâm, nhưng pháp trần không thuộc A Nan thì cái tâm này là của người khác rồi? Còn nếu pháp trần là tâm và là của A Nan thì làm sao cái tâm của A Nan lại biến thành hai được?

 


- Còn nếu pháp trần không có biết, ngoài năm trần : sắc, thanh, hương, vị, xúc và hư không ra thì còn cái gì mới gọi là pháp trần? Đã không chỉ gọi được thì làm sao thành trần cảnh được?  Sau cùng Đức Phật mới kết luận rằng pháp trần và ý căn đều là duyên khởi giả dối, không thật, không có tự tánh và vốn là tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai Tạng.

 


Cuộc sống hằng ngày, con người suy nghĩ nhiều quá. Suy nghĩ thiện, suy nghĩ ác, suy nghĩ cho mình, suy nghĩ cho người làm phát sinh bao vọng niệm khiến tâm bất tịnh. Nhưng bản chất của tâm thể là lặng lẽ tràn đầy trong sáng và nó ẩn tàng trong tất cả mọi chúng sinh nên được gọi là bản nguyên hay tự tánh. Hằng ngày vì vọng tưởng dấy khởi liên miên nên chúng sinh chỉ thấy được vọng tưởng mà không thấy được tâm thể của mình. Cũng như mặt biển lặng lẽ êm ái, nhưng một ngọn gió mạnh thổi qua làm giết chết sự yên lặng trầm tĩnh mà tạo thành những lượn sóng nhấp nhô gào thét thay thế sự yên lặng trong sáng ban đầu. Suy nghĩ, tư tưởng chính là nguồn gốc của sự mê hoặc làm cho tâm thức của con người càng thêm mê muội và vọng tưởng chính là sản phẩm của nó. Chính vì thấy sự nguy hại của vọng niệm mà Lục Tổ Huệ Năng có dạy rằng : ”Khi không nghĩ thiện, không nghĩ ác thì chơn tâm, Phật tánh mới hiện bày”.



Mười Tám Giới Là Hiện Tượng Biểu Hiện Từ Như Lai Tạng

 


Khi mắt thấy được những vật có hình dáng và màu sắc trong một phạm vi giới hạn chỉ dành riêng cho mắt thì gọi là “giới”. Vì thế cái giới của mắt thì gọi là “nhãn giới”nghĩa là cảnh giới của cơ quan thấy. Nếu mắt có thấy thì phải có vật và đối tượng để thấy rồi sau đó mới phát sinh ra cái biết của sự thấy. Cái biết này là “Nhãn thức”. Sau đó tất cả những cái biết về loại thấy này hợp lại thành một thế giới của những cái biết bằng mắt mà nhà Phật gọi là “Nhãn thức giới”.

 


Nói tóm lại đối với “cái thấy” có được ba giới, đó là :

 


1) Một thuộc về căn tức là Nhãn giới.

 


2) Một thuộc về trần tức là Sắc giới.

 


3) Một thuộc về thức tức là Nhãn thức giới.

 

Để dễ dàng thấu hiểu, có tất cả 18 giới của căn, trần và thức mà thường được gọi là “thập bát giới” hay “mười tám giới”.

 


6 giới của căn : Nhãn giới, Nhĩ giới, Tỷ giới, Thiệt giới, Thân giới và Ý giới.

 


6 giới của trần : Sắc giới, Thanh giới, Hương giới, Vị giới, Xúc giới và Pháp giới.

 


6 giới của thức : Nhãn thức giới, Nhĩ thức giới, Tỷ thức giới, Thiệt thức giới, Thân thức giới và Ý thức giới.

 


Bây giờ nếu cộng 6 giới của căn, 6 giới của trần và 6 giới của thức thì có tất cả 18 giới hay “thập bát giới”.

 


Tuy thế gian có muôn hình vạn tướng, lớn nhỏ, thấp bé khác nhau, nhưng nói cho cùng cái vũ trụ vạn hữu vô thỉ vô chung vô cùng vô cực này cũng không ngoài thập bát giới. Nếu chúng sinh có tâm niệm lành, nghĩ việc thiện làm việc tốt thì thập bát giới sẽ biến thành 18 cõi trời đầy phước lạc. Ngược lại nếu chúng sinh có tâm niệm ác, làm những việc bất thiện lợi mình hại người và nói lời độc ác thì cuộc sống hiện tiền cũng ví như đang sống trong 18 tầng địa ngục vậy. Ngày xưa Lục Tổ Huệ Năng cũng dạy rằng : ”Mỗi niệm là một cảnh giới” nghĩa là khi tâm chúng sinh có một niệm lành thì lúc đó họ đang sống trong cảnh giới thần tiên, an nhàn, tự tại. Ngược lại nếu chúng sinh phát sinh một niệm ác thì ngay lúc đó họ đang sống trong cảnh giới đau khổ của súc sanh, địa ngục A tỳ.



1) Thu Nhãn (giới), Sắc (giới) Và Nhãn Thức Giới

 


Lại nữa A Nan! Vì sao 18 giới là hiện tượng biểu hiện từ Như Lai Tạng?

 


A Nan! Như ông đã biết : Nhãn căn và sắc trần làm duyên sanh nhãn thức. Nhãn thức lại là nhân nhãn căn sinh ra, lấy nhãn căn làm giới hay nhân sắc trần sinh ra lấy sắc trần làm giới?

 


A Nan! Nếu bảo rằng nhân nhãn căn sinh ra mà không có sắc có không thì không thể phân biệt dầu cho có cái thức của ông thì đem ra dùng về việc gì? Cái thấy của ông, ngoài những sắc xanh, vàng, trắng, đỏ thì không thể biểu hiện được. Vậy do đâu mà lập thành ra giới? Nếu nhân sắc trần sinh ra thì khi chỉ có hư không, không có sắc, lẽ ra cái thức của ông phải diệt, làm sao còn biết được là hư không? Nếu khi sắc tướng biến đổi thành hư không, ông cũng biết rằng sắc tướng biến đổi. Thế thì do đâu mà lập sắc trần làm giới? Nếu theo sắc trần mà biến đổi thì tự nhiên sắc trần không thành giới được. Nếu không biến đổi thì là thường hằng, cái thức đó do sắc trần sinh ra lẽ ra không thể biết hư không ở đâu?

 


Nếu gom hai thứ nhãn căn và sắc trần chung cùng sinh ra, vậy như hợp lại thì ở giữa phải ly. Còn như ly ra thì hai bên lại hợp. Thể tính xen lộn, làm sao thành giới được?

 


Vậy nên biết rằng nhãn căn sắc trần làm duyên (điều kiện) sanh nhãn thức, cả ba chỗ đều không và ba giới nhãn căn sắc trần và nhãn thức vốn không phải tánh nhơn duyên cũng không phải tánh tự nhiên.

 


Khi mắt (nhãn căn) thấy một cái nhà (sắc trần) thì tâm mới phát sinh cái biết của mắt (nhãn thức). Vì thế thông thường muốn có cái biết của mắt thì phải có căn (mắt) và đối tượng để thấy (trần) tức là cái nhà trong trường hợp này. Để làm cho vấn đề được sáng tỏ, Đức Phật mới hỏi ông A Nan rằng: Nhãn căn (con mắt) và sắc trần (hình sắc) làm duyên sinh ra nhãn thức (cái biết của mắt). Vậy thì, nếu cái biết của mắt (nhãn thức) là do mắt (nhãn căn) sinh ra hay là do đối tượng bên ngoài (sắc trần) sinh ra?

 


1) Nếu nhãn thức là do nhãn căn sinh ra thì không thể thành được vì thiếu đối tượng để thấy tức là sắc trần. Thí dụ, có mắt mà không có cái gì để thấy thì tâm lấy cái gì biết để có sự phân biệt.

 


2) Nếu nhãn thức là do sắc trần sinh ra thì cũng không thể thành được vì thiếu một yếu tố chính là căn mắt để thấy. Thí dụ, thế giới bên ngoài màu sắc rực rỡ huy hoàng mà người mù đâu có thấy biết gì.

 


3) Bây giờ nếu có đủ nhãn căn và sắc trần làm duyên để sinh ra nhãn thức cũng như ly với hợp.

 


- Nếu nhãn căn biết mà sắc trần không biết thì cũng không sinh được nhãn thức. Thí dụ, có mắt mà nhìn vào hư không thì chắc chắn sẽ không có cái biết của mắt được. Nói cách khác, là mắt chẳng thấy biết cái gì.

 


- Nếu nhãn căn không biết mà sắc trần biết thì cũng không sinh được nhãn thức. Ngày nay khi nhìn những ngôi sao trên trời có khi cách xa mấy ngàn năm ánh sáng. Con mắt biết vì mắt thấy được ngôi sao, nhưng ngôi sao lại không thật vì vào thời điểm mắt nhìn thấy nó thì nó đã đi thật xa rồi. Vậy cái biết của mắt là không thật nên không gọi là nhãn thức được.

 


Vì thế ly, hợp lẫn lộn nên không thành nhãn thức giới.

 


Bây giờ Đức Phật mới kết luận rằng nhãn căn duyên với sắc trần sinh ra nhãn thức, nhưng tất cả nhãn căn sắc trần và nhãn thức đều là những niệm huyễn hóa, không có tự tánh và được phát khởi từ bản tánh Bồ-đề (Như Lai Tạng) vốn không phải là tánh nhân duyên và tánh tự nhiên. Vậy 18 giới đều là những vọng niệm phát khởi từ tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai Tạng.

 


Đoạn kinh trên Đức Phật muốn nhắn nhủ với chúng sinh rằng tất cả những gì mà mắt thấy được từ bên ngoài đều là vọng niệm, là huyển hóa. Cái thấy biết đó thật ra chỉ là cái thấy biết của sự vô thường, sinh diệt cho nên con người “thấy thật” mà thật ra không phải là “thật thấy”. Thấy thật thì cái gì cũng thấy mà thấy biết sai lầm vì trong cái thấy biết đó đã ngầm chứa phẩm chất tham-sân-si của bản ngã nên cho dù thế gian là sinh diệt, biến hoại mà con người luôn tin chắc vào cái thấy thật đó. Ngược lại, nếu biết rằng vạn pháp giai không thì trên thế gian này đâu có cái gì là bền chắc, là bất tử cho nên con người tuy cũng thấy tất cả nhưng trong tâm họ thật ra không thấy cái gì hết. Tâm không dính mắc, lòng ung dung tự tại thì đây mới chính thật là “thật thấy” vậy. Có lìa huyễn, lìa vọng thức thì chúng sinh mới có thể chuyển tâm về với tự tánh thanh tịnh Bồ-đề của mình được.

 


2) Thu Nhĩ Căn, Thanh Trần Và Nhĩ Thức Giới

 


A Nan! Như ông đã biết : Nhĩ căn và thanh trần làm duyên sanh nhĩ thức. Nhĩ thức nhơn nhĩ căn sanh ra lấy nhĩ căn làm giới hay lấy thanh trần sinh ra, lấy thanh trần làm giới?

 

 

A Nan! Nếu nhân nhĩ căn sinh ra mà không có hai tướng động tĩnh hiện tiền thì cái biết của nhĩ căn không thành. Bởi vì chẳng có gì để biết. Cái biết đã không thì cái gọi là “nhĩ thức” hình mạo ra sao? Nếu bảo : Nhĩ thức nhơn thanh trần sanh. Vậy thì nhĩ thức vốn nhơn thanh trần mà có, nó chẳng tương quan gì với tánh nghe của lỗ tai. Đã không nghe thì cũng không biết gì là thanh trần và thanh trần ở đâu. Vì vậy, biết rằng : Nhĩ căn thanh trần làm duyên sanh nhĩ thức giới , ba chỗ đều không. Không phải tánh nhơn duyên cũng không phải tánh tự nhiên.

 


Trong đoạn kinh này, Đức Phật dạy rằng nhĩ căn (lỗ tai) duyên với thanh trần (âm thanh) sẽ phát sinh ra nhĩ thức (cái biết của tai). Thí dụ như khi tai (nhĩ căn) nghe một bản nhạc (thanh trần) làm cho tai biết đó là bản nhạc gì. Vậy cái giới biết của tai là do nhĩ căn sinh ra hay do thanh trần sinh ra?

 


1) Nếu nhĩ thức là do nhĩ căn sinh ra thì cũng không được bởi vì nhĩ căn tự nó không có tự tánh mà cần phải duyên với thanh trần mới tạo thành cái biết.

 


2) Nếu nhĩ thức là do thanh trần sinh ra thì cũng không được bởi vì thanh trần tự nó không có tự tánh mà cần phải duyên với nhĩ căn mới tạo thành cái biết. Thí dụ, trong không gian, âm thanh vang ra khắp mọi chiều, nhưng đối với người điếc thì căn tai không tiếp nhận được những tầng rung động nên không nghe biết gì hết.

 


3) Nếu nhĩ thức là do nhĩ căn duyên với thanh trần, nhưng nhĩ căn và thanh trần chỉ đối đãi với nhau mà có, chớ tự chúng không có.

 


Vì thế, nhĩ căn, thanh trần và nhĩ thức đều là những tướng giả dối, huyển hóa. Chúng không có tự tánh mà chỉ có khi duyên khởi với nhau. Do đó nếu chúng sinh biết thu những tướng giả dối, sinh diệt này thì con người sẽ trở về với bản tánh chân thật trong sáng của Như Lai Tạng. Nhĩ căn duyên với thanh trần bên ngoài để tạo sự phân biệt của cái nghe, nhưng ở đây Đức Phật muốn chúng sinh thông hiểu sáng suốt rằng cho dù có thanh trần hay không nghĩa là bên ngoài có âm thanh hay không thì tánh nghe lúc nào vẫn có với chúng sinh.

 

 

Thí dụ nếu đánh một tiếng chuông thì tai nghe âm ba vang dội, nhưng khi không đánh chuông nữa thì tai không còn nghe tiếng chuông nhưng tánh nghe vẫn còn đó tức là tai lúc bấy giờ không nghe tiếng chuông nhưng nghe sự yên lặng của không gian chớ không phải không nghe cái gì hết. Một thí dụ khác là khi nghe lời nói dịu ngọt làm tâm lưu luyến. Khi nghe một bản nhạc hay, lời hát thanh thoát, những lời chỉ trích cay đắng, những lời chửi mắng làm tâm bất động mà phát sinh vô số vọng tưởng. Do đó, nếu con người biết thu nhiếp những âm thanh bên ngoài nghĩa là nghe mà như không nghe gì hết thì vọng tưởng sẽ lắng xuống làm tâm an tịnh mà trở về sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình.

 


Trong sáu căn của con người, căn tai là một căn sắc bén nhất. Chính sự sắc bén tinh túy này đã làm con người chạy theo ngoại trần mà ôm vào lòng biết bao phiền não khổ đau. Thói thường, con người thích nghe lời dịu ngọt, chạy theo tiếng thị phi. Nghe ai khen thì thích, nghe lời chỉ trích thì buồn phiền. Bây giờ Phật khai thị cho chúng sinh thấy rằng lời nói âm thanh là giả dối, không thật. Nói hay cách mấy cũng sai chân lý. Vì thế muốn tâm mình được thanh tịnh thì đừng bao giờ chấp vào lời nói đầu môi chót lưỡi cả.

 

 

Nói tốt cũng nghe, chê bai cũng nghe nhưng nghe xong rồi bỏ, đừng đem nó vào lòng mà tự mình chuốc lấy phiền não khổ đau. Trên thế gian này không ai biết mình bằng mình vì thế những lời tốt xấu thị phi không phải là của mình thì quan tâm đến nó để làm gì? Lục Tổ cũng nói rằng : ”Nếu là người tu đạo chân chính thì không thấy lỗi của người mà chỉ nhìn lại lỗi của mình”. Do đó mình thì không thị phi để gây ra khẩu nghiệp còn người thị phi thì mặc kệ họ, đừng chấp. Đây chính là sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình thì sẽ có an vui, tự tại, thanh tịnh Niết bàn.



3) Thu Tỷ Căn, Hương Trần Và Tỷ Thức Giới

 


A Nan! Như ông đã biết : Tỷ căn và hương trần làm duyên sinh tỷ thức. Tỷ thức nhơn tỷ căn sanh, lấy tỷ căn làm giới hay nhơn hương trần sanh lấy hương trần làm giới?

 


A Nan! Ông nghĩ thế nào về tỷ căn? Ông lấy cái mũi thịt hình tướng như hai ngón tay dũi xuống hay lấy sự biết ngửi làm tỷ căn? Nếu lấy hình tướng cái mũi thịt thì chất thịt là thân căn là cái biết cảm xúc. Đã gọi là thân căn thì không phải là tỷ căn, đã gọi rằng cảm xúc thì đó là xúc trần đối với thân căn. Vậy, còn không có gì đáng gọi là tỷ căn, do đâu mà lập thành giới?

 


Nếu lấy cái ngửi biết làm tỷ căn thì trong tâm ông lấy cái gì làm cái có ngửi biết? Nếu lấy lỗ mũi thịt thì cái biết của chất thịt là xúc trần chớ không phải như tỷ căn. Nếu lấy cái hư không làm cái có ngửi biết thì hư không tự biết, còn xác thịt lẽ ra không biết. Như thế, thì lẽ ra hư không là ông, thân của ông mà không có biết thì ông A Nan hiện nay lẽ cũng không còn đâu nữa.

 


Nếu lấy cái hương làm cái có ngửi biết thì cái biết thuộc về hương trần, nào dính gì đến ông?

 


Nếu các mùi hương, thối sinh ra do tỷ căn của ông thì hai mùi thơm, thối kia không sinh ra do cây y lan và cây chiên đàn. Hai vật đó không tới, ông tự ngửi lỗ mũi là thơm hay là thối. Nếu cả hai mùi thơm, thối đều ngửi được cả thì một người ông phải có hai tỷ căn và đứng trước tôi hỏi đạo phải có hai ông A Nan thì ông nào mới là tự thể của ông. Còn nếu tỷ căn là một, thì thơm, thối không hai. Thối đã thành thơm, thơm đã thành thối, hai tính đó đã không có thì lấy gì lập được thành giới?

 


Lại nếu nhân hương trần mà có thì tỷ thức đã nhân hương trần mà có cũng như nhân con mắt có thấy, không thể thấy được con mắt. Tỷ thức nhân hương trần mà có, lẽ ra không biết được hương trần. Nếu biết được hương trần thì không phải do hương trần sinh ra. Nếu không biết được hương trần thì không phải là tỷ thức.

 


Hương trần mà không ngửi biết là có thì cái giới hương trần không thành. Tỷ thức mà không biết hương trần thì cái giới của nó không phải do hương trần mà lập. Đã không có cái thức trung gian thì nội căn, ngoại trần cũng không thành và tất cả những điều ngửi biết kia rốt ráo đều luống dối.

 


Vậy, nên biết rằng tỷ căn, hương trần làm duyên sinh ra tỷ thức. Cả ba chỗ đều không và ba giới tỷ căn, hương trần và tỷ thức vốn không phải tánh nhân duyên cũng không phải tánh tự nhiên.

 


Khi mũi ngửi mùi hương làm phát sinh sự biết của mũi nghĩa là sự phân biệt của mũi đối với mùi hương. Thí dụ, khi vào vườn hoa thì mũi cảm nhận biết bao mùi hương từ những loài hoa khác nhau. Nào là hoa hồng, hoa huệ, hoa dạ lý…Khi vào bếp mũi đón nhận bao nhiêu mùi thơm của thức ăn làm cho thân cảm thấy đói bụng. Hương thơm làm con người mê ly khoan khoái, ngược lại mùi tanh hôi, thối tha làm con người bực bội, khó chịu.

 


Phật mới hỏi A Nan rằng thế nào là căn mũi? Phải chăng căn mũi là một chất thịt tức là phù trần căn để nhận biết hương vị thơm, thối mà tạo thành sự phân biệt của tỷ thức. Nếu căn mũi là chất thịt thì toàn thân cũng là chất thịt mà lại không biết mùi thơm thối?

 


Còn nếu nói rằng tỷ thức là do cái ngửi biết mà phát sinh thì nhìn lại trong cái mũi, cái gì là cái ngửi biết được?

 


1) Nếu cho rằng chất thịt ngửi biết được thì phải có cái gì đụng chạm vào thịt thì mới có sự ngửi biết. Nhưng nếu có cái gì đụng chạm thì đây đâu còn là hương trần mà trở thành xúc trần rồi.

 


2) Nếu cho rằng cái ngửi biết là do hư không mà có thì cái mũi là chất thịt đâu phải hư không cho nên ông A Nan bây giờ không còn là chất thịt mà là hư không. Điều này không đúng.

 


3) Nếu cho rằng hương trần là cái ngửi biết thì cái biết thuộc về hương trần nào chớ có dính dấp gì tới ông A Nan đâu.

 


4) Còn nếu cho rằng hai mùi thơm thối là do tỷ căn sinh ra thì khi không đem hai cây ỷ lan và cây chiên đàn đến lỗ mũi thì làm sao lỗ mũi biết được mùi thơm? Hoặc nếu cho rằng mũi ngửi được mùi thơm từ cây ỷ lan và cây chiên đàn thì lẽ ra mũi phải có hai tỷ căn để ngửi được hai mùi. Nếu chỉ có một lỗ mũi thì mùi thơm, thối lẫn lộn, làm sao phân biệt được?

 


Tất cả những lý luận trên là Đức Phật muốn khai thị cho ông A Nan đừng chấp vào hương trần và ngay cả tỷ căn của mình vì chúng là huyển hóa, không thật, không có tự thể. Một lần nữa Phật muốn nhắn nhủ với chúng sinh là văn tự lời nói là không thật nên nói sao cũng được. Lời nói chỉ là phương tiện để tiến về cứu cánh giác ngộ. Lời Phật nói ở đây cũng không thật vì ai cũng biết lỗ mũi có những tuyến để tiếp nhận những hương vị bên ngoài mà mũi ngửi được. Sau đó những tuyến nầy chuyển tất cả những cảm xúc vào hệ thần kinh và được chuyển vào hệ thống não bộ để cho con người có sự phân biệt thơm, thối…Do đó muốn có tỷ thức thì bắt buộc phải có tỷ căn duyên với hương trần, nhưng tỷ căn, hương trần tự nó là giả dối, không có tự thể. Vì thế hương trần mà không duyên với tỷ căn thì lỗ mũi cũng không bao giờ biết được mùi hương.

 


Sau cùng Đức Phật mới dạy rằng nếu chúng sinh đừng chấp vào hương vị bên ngoài nghĩa là ngửi mà không có sự phân biệt tức là ngửi thì cái gì cũng ngửi mà như không ngửi cái gì hết thì vọng tưởng không dấy khởi và tâm sẽ được thanh tịnh. Cái si mê say đắm cuộc đời thì đa hình đa dạng, nhưng thật ra hương vị đã làm cho con người sống trong điên đảo. Ngày nay kỷ nghệ biến chế nước hoa rất thành công trên thế giới lên đến hàng tỷ mỹ kim cho cả hai phái nam, nữ. Vì sao? Con người vì còn chạy theo hương trần quyến rũ làm tăng trưởng lòng tham dục khiến tâm phát sinh vô số vọng tưởng mà sống trong điên đảo khổ đau. Cái hương vị là ở bên ngoài thì nó sẽ tàn phai và lúc bấy giờ con người thật của mình hiện ra thì những giây phút hạnh phúc tạm bợ đó có còn nằm trong tay của mình nữa không?

 

 

Người Tây Phương ưa chuộng hình thức bên ngoài nên con số ly dị ở Hoa kỳ lên đến trên 50%. Nếu con người đừng chấp vào hình tướng sinh diệt bên ngoài mà quay về với nội tâm trong sáng, với tánh đạo đức thuần lương thì cuộc sống sẽ vô cùng tự tại. Một thí dụ khác, có người tặng hoa hồng thơm thì thích còn hoa cúc thì không vui. Ngửi đồ ăn có thơm ngon mới ăn còn không thì gây gổ đánh đập vợ con gây ra lắm điều phiền não khổ đau. Bây giờ biết thức tỉnh, nghe lời Phật dạy không chạy theo những hương vị bên ngoài thì con người sẽ quay trở về sống gần với chân tánh thanh tịnh của mình thì chắc chắn phiền não tan biến, khổ đau tiêu trừ và dĩ nhiên sẽ có an lạc, thanh tịnh Niết bàn.



4) Thu Thiệt, Vị Và Thiệt Thức Giới

 


A Nan! Như ông đã biết : Thiệt căn và vị trần làm duyên sanh thiệt thức. Thiệt thức nhơn thiệt căn sanh, lấy thiệt căn làm giới hay nhơn vị trần sanh. Lấy vị trần làm giới?

 


A Nan! Nếu nhân thiệt căn sinh ra thì như trong thế gian những loại mía ngọt, me chua, hoàng liên đắng, muối mặn, tế tân, gừng quế cay đều không có vị, ông tự nếm cái lưỡi là ngọt hay là đắng. Nếu cái lưỡi là đắng thì lấy cái gì mà nếm cái lưỡi. Cái lưỡi đã không thể tự nếm được thì lấy gì mà có hay biết . Còn nếu cái lưỡi không đắng thì tự nhiên vị trần không sinh ra, làm sao mà lập được thành giới?

 


Nếu nhân vị trần sinh ra, vậy thiệt thức đã là vị rồi thì cũng đồng như thiệt căn, không thể tự nếm được, làm sao còn biết được là có vị hay không có vị? Lại tất cả các vị không phải do một vật sinh ra. Các vị đã do nhiều vật sinh ra thì cái thiệt thức do vị trần sinh ra cũng phải có nhiều tự thể. Nếu tự thể của thiệt thức là một và tự thể đó thật do vị trần sinh ra thì các vị mặn, nhạt, chua, cay và nhiều vị khác nhau, do các thứ đó hòa hợp cùng sinh ra đều chỉ là một vị, lẽ ra không có phân biệt. Mà đã không có phân biệt thì không thể gọi là thức, làm sao còn gọi là giới thiệt thức? Không lẽ hư không lại sinh được cái thức của ông?

 

 

Nếu thiệt căn, vị trần, hòa hợp mà sinh ra cái thức ở giữa, vốn không tự tánh, làm sao mà lập được thành giới?  Vậy, nên biết rằng thiệt căn, vị trần làm duyên, sinh ra thiệt thức, cả ba chỗ đều không và ba giới thiệt căn, vị trần và thiệt thức vốn không phải tánh nhân duyên cũng không phải tánh tự nhiên.  Ở đây cái lưỡi cũng cần phải duyên với mùi vị thì mới có sự phân biệt chua cay, mặn ngọt được.

 


1) Nếu bảo rằng cái lưỡi tự nó có mùi vị thì những chất cay đắng, bùi ngọt là có sẳn trong cái lưỡi chớ không phải do những vật chất bên ngoài đưa vào. Như thế tự cái lưỡi là mùi vị đắng cay chua ngọt thì làm sao cái lưỡi có thể nếm được những mùi vị bên ngoài? Còn nếu cái lưỡi tự nó không có mùi vị thì mùi vị không lẽ tự nhiên trên trời bay vào?

 


2) Nếu sự phân biệt của lưỡi là do mùi vị ở bên ngoài thì sự phân biệt chính là cái lưỡi mà cái lưỡi tự nó không thể nếm được thì làm sao biết được mùi vị. Thêm nữa, mùi vị cay đắng mặn ngọt là do rất nhiều vật chất cho nên thiệt thức (sự phân biệt của lưỡi) có tự thể nghĩa là thiệt thức chỉ có thể nếm được một vị thì làm sao có sự phân biệt khác nhau giữa mùi vị này mùi vị kia?

 


Như vậy thiệt căn duyên với vị trần sinh ra thiệt thức, nhưng chính thiệt căn, vị trần và thiệt thức là giả dối, không có tự tính, sinh sinh diệt diệt vốn là bản tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai Tạng.

 


Trong thế gian có biết bao vật chất có những mùi vị khác nhau như mặn, ngọt, chua, cay…, nhưng chính cái lưỡi tự nó không có mùi vị. Khoa học ngày nay giải thích rằng bên dưới cái lưỡi có rất nhiều tuyến có khả năng thu nhận những mùi vị. Thí dụ bên ngoài của lưỡi tiếp nhận mùi ngọt, bên trong mùi đắng, hai bên là mùi chua cay…Khi có sự tiếp xúc những tuyến này liền chuyển tất cả những tín hiệu nhận được qua hệ thống thần kinh để vào trung ương não bộ. Từ đó thần kinh não bộ sẽ cho con người biết đó là mùi vị gì. Tuy nói dài dòng nhưng thực ra hiện tượng này xảy ra rất nhanh, có lẽ vài nano seconds (vài phần trăm ngàn của một giây).

 

Đoạn kinh này Đức Phật muốn nhắn nhủ với chúng sinh rằng hiện tượng bên ngoài là sinh diệt, mùi vị cay đắng, mặn ngọt cũng là sinh diệt. Nếu chúng sinh còn đem những hiện tượng sinh diệt này vào trong tâm thì vọng tưởng chắc chắn sẽ phát sinh để thỏa mãn những dục vọng đòi hỏi bởi thiệt thức. Còn sống thì dĩ nhiên ai cũng biết mùi này mùi nọ vì đây là tánh nếm không có sự phân biệt và dĩ nhiên không có tai hại tức là tánh nếm còn trong trạng thái hiện lượng. Nhưng nếu để tâm chuyển từ tánh nếm sang thiệt thức thì bây giờ tánh nếm chân thật biến mất mà thay vào đó bằng biết bao vọng thức (tỷ lượng) làm tâm bất tịnh mà chạy theo sinh tử luân hồi.



5) Thu Thân, Xúc và Thân Giới Thức

 


A Nan! Như ông đã biết : Thân căn và xúc trần làm duyên sanh thân thức. Thân thức nhơn thân căn sanh, lấy thân căn làm giới hay nhơn xúc trần sanh, lấy xúc trần làm giới?

 


A Nan! Nếu nhân thân căn sinh ra, không có cái duyên của hai cảm xúc hợp và ly, thì thân căn còn biết gì. Nếu nhân xúc trần sinh ra mà không có thân căn của ông thì có ai không có thân căn mà biết hợp, biết ly được.

 


A Nan! Vật thì không xúc không biết. Thân có biết có xúc. Biết thân là do có xúc. Biết xúc do có thân. Đã là xúc thì không phải là thân. Đã là thân thì không phải là xúc. Thân căn và xúc trần không có xứ sở. Nếu xúc trần hợp nhất với thân căn thì hóa thành tự thể của thân căn rồi. Nếu xúc trần tách rời thân căn thì chẳng khác hư không và các tướng, không quan hệ gì nhau. Nội căn ngoại trần đã không thành thì làm sao lập được cái thức ở giữa. Thức đã không lập được thì nội căn ngoại trần bản tánh rỗng không. Ông sẽ dựa vào đâu để mà thành lập thân thức giới? Vì vậy, nên biết rằng : Thân căn xúc trần làm duyên sanh thân thức ba chỗ đều không. Và ba giới thân căn, xúc trần và thân thức vốn không phải tánh nhân duyên cũng không phải tánh tự nhiên.

 


Thân căn duyên với xúc trần phát sinh ra thân thức. Thí dụ khi đưa tay ra sờ một cục nước đá thì bàn tay cảm thấy lạnh lẽo, giá buốt. Mình mặc chiếc áo lông thì cảm thấy êm ái. Vì vậy cảm xúc là do ngoại trần chạm với thân thể mà có, nhưng ngoại vật là vô tri, vô giác, tự nhiên không biết thế nào là cảm xúc. Con người có biết được cảm xúc là do thân căn và có biết được thân căn là bởi do cảm xúc. Nhưng thân căn không phải là cảm xúc và cảm xúc cũng không phải là thân căn.

 


1) Nếu cảm xúc là thân căn thì căn và trần phải là một, đâu có cái ở ngoài hay cái ở trong được.

 


2) Nếu cảm xúc riêng ở ngoài thân căn thì cảm xúc bây giờ trở thành hư không. Mà hư không thì làm gì có cảm xúc?

 

 

3) Nếu nội căn và ngoại trần đã không thể thành lập thì thân thức ở giữa cũng không thể thành lập được. Vậy thân căn, xúc trần và thân thức là bản thể thanh tịnh chân như nhiệm mầu của Như Lai Tạng, nhưng khi duyên khởi liền biến thành hiện tượng sinh diệt.

 


Như thế sắc, thanh, hương, vị, xúc tự tánh là thanh tịnh, đâu có nhiễm ô nên được gọi là pháp tánh nghĩa là tánh thanh tịnh bản nhiên của vạn pháp trong vũ trụ. Nói cách khác, vạn pháp trong vũ trụ này không có gì là trần (tội lỗi, nhớp nhơ) cả mà chỉ vì chúng sinh không làm chủ được tâm tánh thanh tịnh bản nhiên của mình nghĩa là con người vì không giữ nổi vai trò chủ nhân ông của mình mà để cho khách trần phiền não (có đến rồi lại đi) sai khiến làm tâm bất tịnh mà sống trong điên đảo khổ đau. Do đó người tu Phật tức là người “vô tâm” nghĩa là thế gian vũ trụ cái gì cũng thấy, cũng biết, cũng nếm, cũng ngửi nhưng không để tâm dính mắc vào bất cứ cái gì nghĩa là “gió theo lối gió mây đường mây” thì sẽ có tâm thanh tịnh, cuộc sống sẽ vô cùng an vui, tự tại.



6) Thu Ý, Pháp và Ý Thức Giới

 


A Nan! Như ông đã biết : Ý căn và pháp trần làm duyên sanh ý thức. Ý thức nhơn ý căn sanh, lấy ý căn làm giới hay nhơn pháp trần sanh, lấy pháp trần làm giới?

 


A Nan! Nếu bảo rằng ý căn sanh thì trước hết ông phải có suy nghĩ, từ đó mới phát minh được cái ý của ông. Dù ý ông đã có, nhưng nếu không có đối tượng pháp trần thì ý căn của ông cũng không thể sanh được. Rời các pháp trần không thể nương vào đâu nhận thức hình mạo ý căn thì cái ý thức còn đem dùng vào việc gì?

 


Lại nữa, ý thức của ông cùng với các thứ tư duy, nghĩ ngợi là đồng hay khác? Nếu đồng với ý căn thì thức là ý căn, duyên cớ gì phải có ý căn để rồi mới sinh ra ý thức? Nếu khác với ý căn, lẽ ra nó sẽ không còn biết được gì. Nếu không được gì, sao lại bảo nó do ý căn sanh ra? Nếu có biết thì cần chi phải gọi ý thức và ý căn cho thêm chuyện? Chỉ có hai tánh đồng hay khác mà còn không ổn định thì làm sao thành lập “giới” của ý thức cho được?

 


Nếu bảo rằng nhơn nơi pháp trần sanh, thì các pháp trong thế gian không ngoài năm trần. Ông hãy xét các pháp : Sắc, thanh, hương, vị, xúc có tướng rõ ràng chúng là những đối tượng của năm căn, những pháp đó không thuộc phần tiếp thu của ý căn. Nếu bảo rằng ý thức của ông, nương pháp trần. Vậy ông xét kỹ xem cái tướng của pháp trần hình mạo như thế nào? Nên biết : Rời hẳn các tướng : Sắc, không, động, tĩnh, thông, bít, hợp, ly, sanh, diệt, rốt ráo không thành một pháp nào được cả. Các nguyên nhân đã không thành thì cái thức do nó sanh ra còn có dáng mạo gì. Dáng mạo còn không có, làm sao mà lập được cái giới của ý thức? Vậy nên biết rằng : Ý căn, pháp trần làm duyên sanh ý thức , cả ba đều không. Và ba giới ý căn, pháp trần và ý thức vốn không phải tánh nhân nhiên cũng không phải tánh tự nhiên.

 


Sắc, thanh, hương, vị, xúc là những ngoại trần nên dễ phân biệt, ngược lại pháp trần thuộc về tư tưởng nên tương đối khó nhận diện. Như kinh đã nói, ý căn duyên với pháp trần sinh ra ý thức. Vậy thức nầy từ ý căn ra, lấy ý căn làm giới hay từ pháp trần ra lấy pháp trần làm giới?

 


Lục Tổ ngày xưa dạy rằng mắt, tai, mũi, lưởi, thân là năm cửa thành và vị tướng quân trấn giữ tất cả năm cửa thành là ý. Trong thành có vua cai quản toàn dân, chính là pháp tánh thanh tịnh của tất cả chúng sinh. Ý là tư tưởng, là sự suy nghĩ của tâm. Vì không tự chủ được những ý nghĩ của mình nên con người để cho nó nghĩ gần, nghĩ xa, nghĩ lợi, nghĩ hại, nghĩ tốt, nghĩ xấu…Còn pháp trần là những tư tưởng, ý nghĩ phát xuất từ trong tâm. Có khi chúng sinh hồi tưởng suy nghĩ về chuyện quá khứ đã xảy ra, có lúc suy nghĩ những chuyện xảy ra trong hiện tại và đôi khi cũng còn suy nghĩ cho những chuyện sẽ xảy ra cho tương lai. Có ý nghĩ đem lại sự thanh thoát an nhàn, cũng có những ý nghĩ đem đến phiền não khổ đau. Nói chung pháp trần là những ý tưởng có tính cách làm nhiễm ô tâm tánh con người.

 


Vậy ý căn mà không duyên được với ý trần thì ý thức không thể sinh được. Thí dụ chúng ta cố suy nghĩ mà không biết suy nghĩ về vấn đề gì thì không bao giờ ý thức thành lập được. Suy nghĩ mông lung không đầu không đuôi thì chỉ phí thì giờ là vậy. Hoặc:

 


1) Nếu sự suy nghĩ và ý thức là ý căn thì ý thức bây giờ là ý căn thì tại lại nói cần có ý căn mới sinh ra ý thức?

 


2) Nếu sự suy nghĩ và ý thức khác với ý căn nghĩa là ý căn có biết thì ý thức phải không biết. Nếu đã không biết làm sao phân biệt được tất cả các sự vật? Mà nếu ý thức không biết thì chắc chắn không thể do ý căn sinh ra. Còn nếu như ý thức có biết thì tại sao lại phân chia ra ý thức và ý căn?

 


Chỉ như thế đã thấy lộn xộn, không thể giải quyết thì làm sao mà lập được thành giới?

 


Bây giờ nếu cho rằng ý thức là do pháp trần sinh ra thì ngòai sắc, thanh, hương, vị, xúc ra thì cái gì gọi là pháp trần. Còn nếu nói các sắc trần như sắc, thanh, hương, vị, xúc sinh thì gọi là sinh và các sắc trần sắc, thanh, hương, vị, xúc diệt thì gọi là diệt. Như vậy chính pháp trần đã không có tự thể thì cái ý thức do pháp trần sinh ra làm sao có hình tướng cho được?

 


Vậy ý căn, pháp trần và ý thức cả ba đều là duyên khởi, không có tự tánh nên chúng là giả dối, huyễn hóa. Tuy là không thật nhưng chúng phát xuất từ tự tánh thanh tịnh bản nhiên tức là Như Lai Tạng bản thể vậy.

 


Trọng tâm của Lục Tổ Huệ Năng dạy trong kinh Pháp Bảo Đàn là chúng sinh muốn có tâm thanh tịnh thì phải áp dụng ba cái Vô:

 


1) Vô niệm vi tong : Phàm là con người thì lục căn lúc nào cũng có thể tiếp xúc với sáu trần, nhưng nếu muốn tâm đừng phát sinh vọng tưởng thì cho dù mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương vị, lưỡi nếm mùi vị, thân cảm xúc nóng lạnh hay ý có suy nghĩ gì mà tâm không khởi vọng niệm chạy theo. Nói cách khác thấy thì cái gì cũng thấy mà không thấy cái gì hết, nghe thì nghe tất cả mà như không nghe gì cả…Cảnh vật, âm thanh…cũng như gió thoảng, mây bay có đến rồi lại đi, đừng chấp thủ, giữ lại trong lòng. Con người làm chủ tâm mình thì có an lạc, thanh tịnh Niết bàn, ngược lại nếu tâm làm chủ thì con người làm nô lệ cho vô minh phiền não, thế thôi.

 


2) Vô tướng vi thể : Tất cả vạn pháp trong thế gian này là từ nhân duyên kết hợp nên chúng không có tự thể nghĩa là vô ngã tức là Không. Khi đã thấu hiểu vạn pháp là giả dối, không thật, nay có mai không thì con người đừng chạy theo sắc trần một các mù quáng làm tâm bất tịnh. Chỉ khi nào chúng sinh quán tưởng để thấy biết bằng trí thật tướng của vạn pháp thì cái thấy biết này mới là chân lý.

 


3) Vô trụ vi bổn : Vô trụ là không dính mắc. Vậy không dính mắc cái gì? Sáu trần là những cục nam châm có sức hút rất mãnh liệt làm cho sáu căn mê muội khiến tâm phát sinh vọng tưởng sai lầm làm cho con người sống trong điên đảo khổ đau. Đây chính là “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang vậy. Vậy muốn có cuộc sống tự tại an nhàn thì từng giây, từng phút, từng giờ, từng hơi thở con người nên giữ chánh niệm, đừng để tâm buông lung chạy theo tham đắm dục tình.

 


Ngày xưa Đức Phật Thích Ca khi chưa thành đạo, vào núi tuyết tu sáu năm khổ hạnh tức là Ngài tu sáu căn vậy. Do đó có thành người, thành thánh, thành Bồ-tát, thành Phật cũng do sáu căn. Mà có thành ma, thành ngạ quỷ súc sanh hay bị đọa vào đia ngục A tỳ cũng bởi do sáu căn. Người đời thường vui thích theo ái dục, ưa dong ruổi lục trần, tự lao mình trong lưới buộc như nhện giăng tơ, tuy họ có hướng cầu an lạc, nhưng vẫn bị quanh quẩn trong chốn trầm luân. Chỉ có những ai dứt được sự ràng buộc, sáu căn thường sáng tỏ, thì sẽ xa mọi thống khổ để ngao du tự tại.

 


Tóm lại, thế gian vũ trụ không có cái gì là phiền não khổ đau cả, chỉ vì tâm chúng sinh duyên với ngoại trần khiến vọng tưởng phát sinh làm tâm bất tịnh. Ngay cả sáu trần : sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tự chúng không bao giờ có nhiễm ô, bất tịnh cả vì tất cả vạn hửu đều có pháp tánh. Mà ô nhiễm, tham đắm là do con người chạy theo tham dục chớ không phải do ngoại trần. Nói về mặt chân đế thì cái tánh thanh tịnh bản nhiên của vạn pháp thì gọi là pháp tánh và tánh thanh tịnh bản nhiên của con người thì gọi là Phật tánh.

 

 

Thí dụ có một đóa hoa rất thơm, hương sắc tuyệt vời thì tự thể của đóa hoa đâu có tội lỗi, ô nhiễm chi đâu. Nhưng khi mắt thấy sắc hoa, mũi ngửi hương thơm thì tâm liền phân biệt khiến vọng tưởng phát sinh làm lòng tham nổi dậy mà muốn cắt đóa hoa đem về chưng trong nhà. Ngược lại đối với Đức Phật thì mắt cũng thấy, mũi vẫn ngửi nhưng tâm “vô động” thì thấy cũng như không thấy, ngửi cũng như không ngửi vì thế lòng tham không nổi dậy nên Ngài mới có vô thượng Niết bàn. Vậy thế gian vũ trụ này thật ra không có cái gì là trần cả mà có trần chỉ khi nào chúng sinh không làm chủ được vai trò chủ nhân ông nghĩa là không làm chủ tâm tánh của mình mà để cho khách trần phiền não có đến có đi, có sinh có diệt chi phối.  Do đó muốn có cuộc sống an vui tự tại thì mắt thấy sắc đừng bị sắc trói cột, đừng dính với sắc.

 

 

Tai nghe tiếng đừng để tiếng lôi cuốn, đừng dính nhiễm với tiếng. Mũi ngửi mùi đừng bị mùi trói cột, đừng dính mắc với mùi. Lưỡi nếm đừng bị vị trói buộc, đừng dính mắc với vị. Thân xúc chạm dù cho êm ái nhẹ nhàng vui thích hay thô nhám bực bội cũng không bị dính cột trói, đừng dính mắc với xúc. Ý duyên với pháp trần không bị pháp trần quyến rũ, không dính mắc với pháp trần. Vì thế nếu mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý không dính mắc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì phiền não tan biến, Niết bàn hiễn lộ, chân tánh hiện bày. Đây chính là thực hành rốt ráo câu : ”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” vậy. Nên nhớ sự an lạc, tự tại là ở trong nội tâm chớ không phải do ngoại cảnh mà có vì thế người không có sự an lạc bên trong mới chạy đi tìm những sự hạnh phúc giả tạm, hạnh phúc có điều kiện bên ngoài. Nhưng càng tìm kiếm thì họ càng chuốc thêm cho mình những phiền não khổ đau cũng như rượu càng uống, càng say, càng khổ chẳng ích gì.

 


Một hôm, sau khi khất thực và thọ trai xong trở về tịnh xá Kỳ Viên, Đức Thế Tôn được báo cáo có một vị tân tỳ kheo (tỳ kheo mới thọ giới) lâu nay bỗng đâm ra thẫn thờ, biếng nhác không chịu đi khất thực, không tọa thiền, không thiết tha ăn uống. Khi Đức Phật đến am thất của vị tỳ kheo ấy thì thấy vị đại đức râu tóc mọc dài, mặt mày tiều tụy hốc hác. Phật biết ngay đây là tình trạng của một người đã bị một con hổ cái hớp hồn. Vị đệ tử sa nước mắt thú thật với Phật rằng:

 


-Bạch Thế Tôn! Mong Thế Tôn cứu vớt con, thực sự con bị nữ sắc lôi cuốn. Con cố chống cự mà dường như vô hiệu quả, hình ảnh nàng mãi ám ảnh tâm tư con, làm cho con đau khổ. Con thật không xứng đáng là tỳ kheo. Con muốn chết.

 


Đức Phật mỉm cười an ủi:

 


- Ông hãy bình tĩnh lại.

 


- Bạch Thế Tôn! Làm sao con vượt qua được, khi hình ảnh mỹ miều khả ái của nàng cứ ám ảnh con hoài?

 


- Đó là vì ông mới nhìn qua một lần mà không nhiếp tâm quan sát. Ông chỉ thấy một cái đẹp mà chưa thấy những cái xấu, cái nguy hiểm của nữ sắc. Nếu ông thấy được toàn diện như thế thì ông sẽ thoát ra khỏi sự đam mê. Đối với nữ sắc, cần phải quán ba điều : vị ngọt, nguy hiểm và sự thoát ly khỏi sắc.

 




Lê Sỹ Minh Tùng

Còn nữa...

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp