đậu tương đen hữu cơ

Tôn giáo & Đối thoại

21:32 29/06/2011

Tư tưởng Nhân của Khổng Tử và Mạnh Tử

(TG&DT) - Mạnh Tử có tin tuyệt đối ở mệnh trời đi nữa, nhưng qua thuyết tính thiện, ông tin con người đều có thể trở thành người tốt. Ông nói: “Phàm những vật đồng loại đều có tính giống nhau. Tại sao riêng về nhân loại người ta lại nghi ngờ rằng bản tính chẳng giống nhau? Bậc thánh nhân với ta đều là một loại, tức đều có tâm tính hết thảy giống nhau.”
I. DẪN NHẬP


Nho gia là một trong những học thuyết ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa và tư tưởng phương Đông từ xưa đến nay.


Ở Trung Quốc, đây là một trong những học thuyết lớn mạnh và có sức lan tỏa sâu rộng nhất trong bách gia. Học thuyết này ra đời từ thời Xuân Thu do Khổng Tử sáng lập. Sau đó học thuyết này được Mạnh Tử phát triển thêm với nhiều sáng kiến mới. Đến đời nhà Hán, Đổng Trọng Thư san định và hoàn bị thành học thuyết chính trị xã hội chính thống thống lĩnh đời sống xã hội Trung Quốc.


Đối với Việt Nam, Nho giáo đã kết hợp với Phật giáo, Lão giáo trở thành Tam giáo đồng nguyên, làm nên diện mạo văn hóa dân tộc. Học thuyết này cũng ảnh hưởng mạnh đến các nước Đông Nam Á như  Thái Lan, Singapore, Mã Lai . . . và ngày nay lan sang tận Âu Mỹ.


Nho gia là một học thuyết quá rộng lớn, không thể nào nói hết trong một bài viết. Dưới đây chỉ tìm hiểu tư tưởng nhân của Khổng Tử và Mạnh Tử.


II. KHÁI QUÁT TRIẾT HỌC NHO GIA


1. Đôi Nét Khổng Tử và Mạnh Tử

a. Khổng Tử

Người sáng lập học thuyết Nho gia là Khổng tử. Ông sinh năm 550 trước Dương lịch (TDL) và mất năm 479 TDL. Ông tên là Khổng Khâu, tên tự là Trọng Ni, người nước Lỗ (nay thuộc huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông). Ông xuất thân trong một gia đình qúy tộc suy vong, thời trẻ nghèo khó, tuổi trung niên tập hợp học trò và mở trường dạy học. Sau đó được mời ra làm quan, nhưng vì tư tưởng của ông xa rời thực tế, không phù hợp với xã hội đương thời nên không được dùng.


Ông về quê dẫn học trò đi chu du thiên hạ trong mười bốn năm để thuyết phục các công hầu, khanh tướng nhưng không được ai trọng dụng cả. Có cần bị bỏ đói ở nước Vệ, có khi bị đánh đuổi ở nước Tần. Thất vọng, ông về lại nước Lỗ chỉnh lí sách thánh hiền và dạy học trò. Kết thúc cuộc đời mình, ông nói: Ta mười lăm tuổi để tâm vào việc học, ba mươi tuổi biết tự lập, bốn mươi tuổi không còn nghi hoặc, năm mươi tuổi biết mệnh trời, bảy mươi tuổi theo lòng muốn của mình mà không ra ngoài khuôn khổ đạo lí.


b. Mạnh Tử


Mạnh Tử là môn đệ gần gũi nhất của Khổng Tử.  Ông là người kế thừa và phát triển học thuyết Nho gia đạt tới đỉnh cao. Do đó, ông thường được đứng tên chung với thầy mình gọi là học thuyết Khổng Mạnh. Mạnh Tử tên là Mạnh Kha, tự Tử Dư, người nước Trâu. Ông Sinh khoảng năm 385 và mất khoảng năm 304 TDL. Ông từng học với Khổng Cấp cháu nội Khổng Tử. Cũng giống như Khổng tử, ông từng chu du khắp thiên hạ nhưng chưa từng được làm quan nên suốt đời lo việc dạy học. Tư tưởng của ông chủ yếu thể hiện trong sách Mạnh Tử do ông và học trò biên soạn.


2. Khái Quát Triết Học Nho Gia


Trước hết, chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc chữ “Nho”. Theo Hán tự, chữ “Nho” là do chữ  “nhân” là người đứng cạnh chữ “nhu” có nghĩa là cần, chờ đợi. Nho gia còn được gọi là nhà nho, người hiểu rõ sách thánh hiền, được người đời cần đến để chỉ dạy cách ăn ở cho hợp luân thường, đạo lí. Trước thời Xuân Thu, nhà nho được gọi là “sỹ” chuyên lo văn chương và lục nghệ, góp phần vào việc trị nước. Đến lược mình, Khổng Tử san định, hệ thống hoá thành học thuyết gọi là học thuyết Nho gia hay cũng gọi là Khổng học chỉ tên người sáng lập ra nó.


Cơ sở để xây dựng học thuyết Nho gia là Lục Kinh: Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Xuân Thu. Trong đó Kinh Xuân Thu do chính Khổng Tử biên soạn. Còn năm kinh kia ông chỉ là người san định lại mà thôi… Ngoài ra còn có Tứ Thư: Trung Dung, Đại Học, Mạnh Tử, Luận Ngữ. Trong đó, các học giả thường đánh giá cao bộ Luận Ngữ, cho đó là trung tâm của tư tưởng Khổng Tử và triết  học Nho gia.


Vào đời Hán, Đổng Trọng Thư lại san định học thuyết Nho gia, biến nó thành một tôn giáo gọi là Khổng giáo, tổng kết lại các quan hệ luân thường đạo lí thành tam cương, ngũ thường coi như quan hệ đạo đức vĩnh hằng, nhằm bảo vệ trật tự chế độ phong kiến. Đến đời Tống, Chu Đôn Di rồi anh em Trình Di, Trình Hạo và cuối cùng là Chu Hy mượn vũ trụ quan của Đạo gia và Phật giáo bổ sung những chỗ khiếm khuyết của Nho gia, lấy thuyết thái cực để biện hộ cho lí thuyết Nho gia hình thành học thuyết Tống Nho hay Lí học. Đến đời Minh, Thanh nó vẫn giữ địa vị chính thống thay cho Nho học.


Để tìm hiểu tư tưởng Nho gia phải tìm hiểu tư tưởng Khổng Tử và tìm hiểu qua ba mặt: Tư tưởng chính trị, tư tưởng đạo đức và tư tưởng giáo dục.


Về tư tưởng chính trị, cống hiến lớn của Khổng là học thuyết Chính Danh. Khi Tử Lộ hỏi: Nếu được vua Vệ mời tham gia chính sự thì Khổng Tử sẽ làm gì, ông trả lời: “At phải chính danh trước đã” (LuậnNgữ, Nhan Uyên, 6). Khổng tử cũng đề ra nguyên tắc để lập nên tôn ti trật tử trong xã hội gọi là “luân” mà sách Thuyết Văn cho là con đường,  sách Khúc Lễ gọi là “loại”, còn Mạnh Tử giải thích là “trật tự”. Có thể hiểu trong xã hội “mỗi thứ quan hệ là một luân”.  Ngoài ra còn phải kể đến tư tưởng thế giới đại đồng, tư tưởng rất tiến bộ của ông.


Còn nói đến tư tưởng đạo đức của Khổng tử thì phải nói đến nhân. Nhưng trong Luận Ngữ có đến 105 chỗ nói đến nhân, không chỗ nào giống chỗ nào. Ta sẽ thấy rõ khi sánh nhân với Mạnh Tư  trong phần sau.


Về giáo dục, Khổng Tử là người đầu tiên ở Trung Quốc mở trương dạy học. Vì thế ông được tôn là “Vạn thế sư biểu”. Khổng Tử cho rằng, con người phải qua học tập mới thành người tốt: “Bản tính mọi người gần giống nhau, do thói quen mà dần khác xa nhau.” (Luận Ngữ, Dương Hoá).  Ông dạy học không phân biệt giàu nghèo, sanh hèn, mọi người đều có thể học học. Đó là chủ trương “hữu giáo vô loại “ của ông. Khi dạy học trò, ông cho rằng không nên nhồi nhét mà phải gợi mở trí phán đoán của học trò. Và học thì phải “Ôn cố tri tân”, câu nói này đã trở nên một thành ngữ phổ biến.


III. TƯ TƯỞNG NHÂN CỦA KHỔNG TỬ VÀ MẠNH TỬ


1. Những Điểm Tương Đồng


Điểm đầu tiên dễ thấy là, cả hai tư tưởng nhân đều là một phần của học thuyết Nho gia. Trong tư tưởng của mình, Khổng Tử đã dành trọn tư tưởng đạo đức để nói về nhân. Còn Mạnh Tử, sáng tạo mới của ông là học thuyết Tính Thiện cũng chủ yếu nói về nhân.


Điểm tương đồng thứ hai là, Mạnh Tử kế thừa tư tưởng nhân, lễ, nghĩa, “tính tương cận cập tương viễn”, “sinh nhi tri chi”, “thiên mệnh chi vị tính” để đưa ra hệ thống triết học tâm học với những vấn đề về tâm, tính, chí, khí và đặc biệt là học thuyết Tính Thiện nỗi tiếng, cống hiến lớn cho lịch sử triết họcTrung Quốc.


Khi đề cập đến những đổi thay của con người, cả Khổng Tử và Mạnh Tử đều tin ở mệnh trời. Chính Khổng Tử nói về ông “Ta năm mươi tuổi biết mệnh trời”. Còn Mạnh Tử thì cho bản tính thiện của con người là do trời phú.


Không Tử và Mạnh Tử đều đề cao việc giáo dục con người. Con người cần được giáo dục để trở nên người có nhân cách và có nghề nghiệp. Dù Mạnh Tử có tin tuyệt đối ở mệnh trời đi nữa, nhưng qua thuyết tính thiện, ông tin con người đều có thể trở thành người tốt. Ông nói: “Phàm những vật đồng loại đều có tính giống nhau. Tại sao riêng về nhân loại người ta lại nghi ngờ rằng bản tính chẳng giống nhau? Bậc thánh nhân với ta đều là một loại, tức đều có tâm tính hết thảy giống nhau.”


Để bảo tồn và phát huy tâm tính, chí khí của con người, Mạnh Tử chủ trương cần phải có sự tu dưỡng, rèn luyện, giáo dục cho mọi người, nhất là với các bậc vua chúa, bậc quân tử: “sự giữ gìn của người quân tử là sửa mình mà thiên hạ được thái bình vậy.” (Mạnh Tử, Tận Tâm, hạ). Tương tự với Khổng Tử, là con người, nhất là người quân tử phải luôn “tu thân” theo các tiêu chuẩn nhân, lễ, nghĩa, trí để có thể “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.


Người cầm quyền, theo Khổng Tử phải là người có đức, có tài, không cần đến xuất thân đẳng cấp của họ. Khổng Tử cho vua đồng thời cũng là người thầy của dân (Luận Ngữ, Tử Lộ, 1, 2) phải là người có nhân đức, làm chính trị mà có nhân đức là người đứng ờ vị trí sao Bắc đẩu. Có lần Tử Cống hỏi cách cai trị xã hội, Khổng Tử nói: Người đứng đầu quốc gia phải đạt được thiên đạo và nhân đạo. Làm vua phải đảm bảo cho dân được no ấm, phải có quân đội mạnh, phải chiếm được lòng dân. Tử Cống lại hỏi, nếu trong ba đều phải bỏ một điều thì bỏ điều gì? Khổng Tử đáp: quân đội. Lại hỏi, nếu phải bỏ một điều nữa thì bỏ điều gì. Khổng Tử đáp: Bỏ lương thực.


Sở dĩ như vậy là vì Khổng Tử quan niệm “nếu thiếu lòng tin của nhân dân thì sớm muộn chính quyền cụng sẽ sụp đổ.” (Luận Ngữ, Nhan Uyên, 7). Tương Tự trong Dân Bản, Mạnh Tử cũng cho rằng: “Trong một nước có ba của báu là đất đai, nhân dân và chính sự. Kẻ nào lấy châu ngọc làm của báu thì tai họa tất mắc vào thân.” (Mạnh Tử, Tận Tâm, hạ). Trong ba của báu ấy, theo Mạnh Tử thì quần chúng nhân dân có vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn vong, thịnh suy của một đất nước. Ông còn cho rằng, dân qúy hơn vua chúa và xã tắc:  “Dân vi qúy, xã tắc thứ chi, quân vi khinh.”  (Mạnh Tử, Tận tâm, hạ). Đây chính là tư tưởng lấy dân làm gốc.


2. Những Nét Dị Biệt


Trong Luận Ngữ,  Khổng Tử nói đến nhiều loại nhân khác nhau tùy những hoàn cảnh khác nhau. Phàn Trì hỏi Nhân là gì? Phu Tử đáp: “yêu người” (Luận Ngữ, Nhan Uyên). Trọng Cung hỏi nhân là gì? Phu Tử nói: “Cái gì mình không muốn thì không làm cho người ta…” (Luận Ngữ, Nhan Uyên). “ Chí sĩ, nhân nhân không cầu sống mà hại cái nhân, sát thân để thành nhân.” (Luận Ngữ, Vệ Linh Công).


Nhân của Mạnh Tử chú trọng đến tâm, tính, chí, khí con người với câu nói nổi tiếng: “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Từ đó đề ra thuyết Tính Thiện. Học thuyết này vừa là nền tảng để xây thuyết Nhân Chính, vừa là luận điểm để bác bỏ các học thuyết lúc bấy giờ.


Nói đến nhân Khổng Tử thường coi trọng lễ, nghĩa, trí để hoàn thiện đức nhân. Trong đó nhân và lễ là hạt nhân cơ bản của tư tưởng nhân. Người có đức nhân không thể thiếu lễ, nghĩa, trí. Trong khi Mạnh Tử đề cao Đức nhân. Có người hỏi Khổng Tử về nhân, ông đáp: “khắc kỷ phục lễ”, hay “ Ngày nào mà mình khắc ky, phục lễ, ngày đó mọi người trong thiên hạ cảm hóa mà theo về đức nhân.” (Luận ngữ, Nhan Uyên,1). Cái gì không họp với lễ thì không nghe, không nhìn, không nói, không làm. Thông qua lễ người ta thực hiện đức nhân.


Khổng Tử đề cao lễ nhạc vì cuối đời nhà Chu lễ nhạc bị xem thường nên đã xảy ra cảnh tiếm ngôi vựơt vị của thiên tử, tôi giết vua, con giết cha, anh em chém giết nhau... nên ông có ý khôi phục lễ nhạc. Khi Tể Ngã phàn nàn việc để tang cha mẹ ba năm là qúa dài. Xin cho để một năm. Khổng Tử nói: “trò Dư thật là bất nhân. Trẻ con sinh ra ba năm mới hoàn toàn thoát khỏi sự bồng bế của cha mẹ, cho nên để tang cho cha me ban năm, thiên hạ đều làm như thế. Vậy trò Dư không biết có thương nhớ sự bồng bế ba năm của cha mẹ hay không?” (LuậnNgữ, Dương Hóa). Điều này cho thấy lễ mà Khổng Tử muốn nói là lễ nghi và các quy tắc đạo đức có từ đời Chu, ông đề xướng việc phục hồi lễ là để thi hành đạo nhân.


Nhân và lễ gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhân là nội dung của lễ. Lễ là hình thức của nhân. Khổng Tử nói: “khắc kỷ phục lễ vi nhân” (cuối mình theo lễ là nhân). Vậy nhân và lễ là hai mặt của một vấn đề. Nhân là tiêu chuẩn để thi hành lễ. Lễ là phương tiện để thực hiện nhân.


Mạnh Tử không chú trọng lễ mà đề cao đức nhân: “Đức nhân là cái lẽ người ta sở dĩ là người, hợp với cái lẽ ấy với bản thân con người mà nói, thì tức là con đường nghĩa lý phải noi theo vậy.” (Mạnh Tử, Tận Tâm, hạ). Ông coi đức nhân nghĩa là cái cao cả của người quân tử và của bậc thánh nhân. Người có đức ấy “đi đến đâu thì cảm hóa đến đó, nghĩ gì thì cảm ứng rất thần diệu, đạo đức cùng với đất trời cùng vận chuyển lưu hành.” (Mạnh Tử, Tận Tâm, thượng). Cho nên , “các vua đời trước có lòng nhân đem ra ứng dụng mà thành nhân chính. Đem lòng nhân mà thi hành nhân chính dễ như trở bàn tay.” (Mạnh Tử, Công Tôn Sửu, thượng).


Đối với nhân cách con người, Khổng Tử cho rằng, nhân cách con người không phải là bẩm sinh, bởi bản chất ban đầu của mọi người đều giống nhau, song do tác động của môi trường, hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau mà có kẻ lành, người dữ khác nhau. Vì vậy, giáo dục con người có thể cải thiện tất cả, trừ những người gọi là thượng trí và những kẻ hạ ngu (Luận Ngữ, Dương Hóa, 3). Trong khi đó Mạnh Tử cho nhân cách con người là do trời sinh. Ông cho rằng, tâm là cái chủ tể trong mỗi con người, là cái thần minh có đủ mọi lý, trời phú cho ta để hiểu biết, ứng đối với vật, vạn sự. Tính là cái lý hoàn toàn của tâm. Đem cái tâm ấy mà ứng xử với mọi vật bên ngoài gọi là tình, cho nên tâm của ta với tâm của trời đất là một thể. “Tâm là cơ quan để suy nghĩ, nhờ có tâm mà ta biết được những điều phải trái, nhân nghĩa.


Không suy nghĩ thì không thể biết được.” (Mạnh Tử, Cáo Tử, thượng). Ông cũng cho rằng mỗi con người đều có mầm móng đầy đủ về đạo đức. “Lòng trắc ẩn là đầu mối của đức nhân, lòng hổ thẹn là đầu mối của đức nghĩa, lòng nhường nhịn là đầu mối của đức lễ, lòng phải trái là đầu mối của đức trí.” (Cáo Tử, thượng). Bốn đầu mối ấy người ta sinh ra đều có. Ông cho không có thiện nhân không phải do nhân tính có gì sai lạc mà vì không lo bồi đắp điều tốt lành, vì vậy mà đánh mất bản tính. Khuyết khích con người tu dưỡng là điểu tích cực của Mạnh Tử. Nhưng mặt khác Mạnh Tử lại nói: “Điều con người không học mà biết đó là lương năng. Điều không nghĩ mà biết đó là lương tri.” (Tận Tâm, thượng). Sự manh nha của tất cả đạo đức và tri thức đều có sẳn ở nội tâm con người. Vì vậy, học tập chủ yếu phải từ nội tâm.


Về con người trong xã hội, Khổng Tử cho có người quân tử có kẻ tiểu nhân, có bậc nhân có bậc thánh . “Quân tử” và “tiểu nhân” là hai khái niệm để khổng tử xây dựng học thuyế Chính Danh. Người quân tử trước nhất phải biết tu thân. Không tu thân không thể giúp được đời, không thể làm tròn bổn phận của mình đối với thiên hạ. Ông nói: “những vị vua, những vị thánh thuở trước muốn cho đức của mình tỏa sáng, trước hết phải lo sửa trị nước mình. Muốn sửa trị nước mình trước hết phải sửa trị nhà mình. Muốn sửa trị nhà mình trước hết phải tu tập lấy mình bằng cách thấu suốt đạo trời đất để giữ cho lòng ngay thẳng.” (Đại Học, 1). 


Tiểu nhân cũng phải học nhưng cái học của tiểu nhân là để họ phục dịch và tuân lệnh kẻ cầm quyền. (Luận Ngữ, Dương Hóa, 4).


Về bậc thánh và bậc nhân, Không tử nói: “Bậc thánh là những người thi ân bố đức cho khắp dân gian và thường trợ giúp cho đại chúng.” (Luận Ngữ, Ung Giã, 28). Còn bậc nhân hẳn nhiên là người đạt được đức nhân.


Mạnh Tử cho rằng, trong con người có phần cao qúy, có phần ty tiện; có phần lớn có phần nhỏ, nên phép tồn tâm theo ông là giữ lấy cái cao qúy nhất trong con người. Vì vậy mà “nuôi phần nhỏ là tiểu nhân, dưỡng phần lớn là đại nhân.” (Mạnh Tử, Cáo Tử, thượng). Về bậc thánh và bậc nhân ông cho rằng “bậc thánh nhân với ta đều là một loại, tức đều có tâm tính hết thảy giống nhau.”


IV. KẾT LUẬN


Tư tưởng nhân của Khổng Tử và Mạnh Tử là những khuôn thước để hoàn thiện con người, lành mạnh hóa xã hội và ổn định cuộc sống. Trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội, con người bao giờ cũng là nhân tố đầu tiên. Tư tưởng nhân của Khổng Tử về thương người, hoàn thiện tự thân; về lễ, nghĩa, trí rất cần cho xã hội ngày nay, khi mà đạo đức ngày càng xuống cấp.


Quan điểm tồn tâm, dưỡng tánh của Mạnh Tử cũng rất cần thiết cho mỗi con người trong xã hội qúa ư bận rộn ngày nay.


Phương pháp giáo dục con người theo hướng gợi ý là tư tưởng rất tiến bộ, rất phù hợp với giáo dục ngày nay.


Về chính trị, tư tưởng lấy dân làm gốc là tư tưởng tiến bộ mà mọi thể chế chính trị nhân bản phải tuân theo.


Tuy nhiên, cũng như bất cứ học thuyết nào, tư tưởng nhân của Khổng Tử và Mạnh Tử vẫn có những hạn chế.


Một mặt Khổng Tử đề cao giáo dục, nhưng mặt khác lại tin vào mệnh trời. Việc ông cho tiểu nhân là người học để phục vụ cho giai cấp cầm quyền chứng tỏ ông còn nặng chế độ đẳng cấp. Đề cập đến nhân, mỗi chỗ ông trả lời một khác, rốt cuộc tư tưởng nhân của ông không biết phải dựa vào câu nào cho đúng nhất mà chi có thể tổng hợp nhiều câu và thông qua lễ, nghĩa, trí mới có thể hiểu được. Song có người cho là, tùy theo từng tình huống, sự kiện và hoàn cảnh mà Khổng Tử phương tiện nói ra tư tưởng nhân cho phù hợp để việc ứng dụng đạt kết quả. Thực chất đây là phương pháp giáo dục tùy duyên của Khổng Tử.


Với Mạnh Tử, hạn chế của ông là tất cả đều tin vào mệnh trời, nhiều khi làm cho con người ỷ lại, không lo hoàn thiện chính mình. Lý luận về nhận thức tâm, tính, chí, khí của ông có tính chất tiên nghiệm.


Để kết thúc bài viết, tưởng cũng nên lưu ý một chút, trời theo quan niệm của Nho giáo và quan niệm dân gian chỉ có nghĩa đơn giản là “vận mệnh”,  “ những lề luật và trật tự của thiên nhiên”,  “số mệnh”. Trong cách hiểu thông thường của quần chúng ở các nước phương Đông, trời không có nghĩa là Thượng đế của tôn giáo Do Thái và Tây phương.  Cho nên, tin vào mệnh trời có nghĩa là không vượt qua được vận mệnh và nghịch cảnh mà thôi.


Tâm Bình

 
TÀI LIỆU THAM KHẢO


Doãn Chính (Chủ biên), Đại Cương Lịch Sử Triết Học Trung Quốc, Hà Nội: NXB Chính Trị Quốc Gia, 2004.
Lương Duy Thứ (Chủ biên), Đại Cương Văn Hoá Phương Đông, Tp.HCM: NXB Giáo Dục, 1998.
Nguyễn Hiến Lê (dịch), Luận Ngữ, Tp.HCM: NXB Văn Học, 1995; Mạnh Tử, Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin, 2007.
Lê Phụng Hoàng (Chủ biên), Lịch Sử Văn Minh Thế Giới, Tp.HCM: NXB Giáo Dục, 2000.
Trần Xuân Đề, Tác Giả, Tác Phẩm Trung Quốc, Tp. HCM: NXB Giáo Dục, 2003.



Bình luận (12)

Bài viết rất hay. Mình đang muốn nghiên cứu thêm tư tương triết học của Mạnh Tử và Lão Tử có điểm nào giống và khác nhau? Nhưng không biết bắt đầu từ đâu, anh chị nào biết chỉ giúp với ạ? Nếu có thể xin vui lòng gửi bài qua email: agi2010@yahoo.com. Cảm ơn rất nhiều
Phạm Bá Chánh ( 14/01/2015 10:41:30)
Bài viết rất hay. Mình đang muốn nghiên cứu thêm tư tương triết học của Mạnh Tử và Lão Tử có điểm nào giống và khác nhau? Nhưng không biết bắt đầu từ đâu, anh chị nào biết chỉ giúp với ạ? Nếu có thể xin vui lòng gửi bài qua email: agi2010@yahoo.com. Cảm ơn rất nhiều
Phạm Bá Chánh ( 14/01/2015 10:41:06)
Bai viet rat co ich cho moi nguoi
tuan ( 15/11/2014 21:31:22)
Su khac nhau ro ret
thach ( 01/11/2014 13:17:57)
cảm ơn tác giả nhé1 câu trả lời rất cô đọng@@
lê thị minh lý ( 26/12/2013 08:03:27)
Cam on nguoi! Qua tot de tham khao, hoc tap do. Ok
dinh hoa linh ( 11/04/2013 21:20:44)
Cảm ơn người viết rất nhiều. Bài viết rất có ích.
Hoàng Thị Ngọc Hà ( 16/12/2012 09:40:52)
bài viết ý nghĩa, đạo đức là cái cốt lõi của con người luôn đúng trong mọi tời đại. nhất là trong xã hội hiện nay khi đạo đức con người, đạo đức xã hội đang xuống cấp trầm trọng. Xin cảm ơn tác giả!
Minh Trường ( 25/04/2012 10:01:26)
Ui. Bai viet' hay wa' . Dung' cai' minh dang can. Cam?on naz.
Thao Nguyen ( 11/03/2012 09:34:25)
cảm ơn nha.liên quan đến câu 3 điểm trong môn lịch sử tư tưởng phương Đông của mình.hihi
heo đụm ( 16/12/2011 20:53:36)
Mạnh Tử là môn đệ gần gũi nhất của Khổng Tử...Mạnh Tử thường được đứng tên chung với thầy mình gọi là học thuyết Khổng Mạnh...NHUNG ĐIEU NAY SAI ROI
Van Dung ( 05/07/2011 22:13:30)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp